Cuộc sống vô thường nhưng ta lại cứ mong cầu thường hằng. Càng mong cầu ta lại càng thấy không những cuộc sống đổi thay, lòng người khó đoán, chính ta cũng sáng nắng - chiều mưa - trưa không rõ ràng. Ta buồn phiền vì chẳng có gì mãi mãi cả.
Cưỡng cầu vô ích, nỗ lực cũng không chống lại được, vậy cách nào để tâm ta bình thường trước cuộc sống vô thường?
Mời bạn cùng blog 3goc.vn nhận diện để chuyển hóa từ hận thù thành biết ơn và hiểu rõ vô thường bạn nhé!
MỤC LỤC
Vô thường là gì?
3 đặc tính của vô thường
Điều duy nhất không thay đổi là gì?
Tại sao ta đau khổ trước vô thường?
Hận thù vô thường
Biết ơn vô thường
Dùng trí tuệ để hiểu sâu sắc vô thường
Dùng lòng biết ơn để chấp nhận vô thường
Dùng tâm thế vững chãi để đối diện vô thường
Cây thay lá để xuân về hoa đua nở, đâm chồi nảy lộc.
Vạn vật trên đời cũng vậy, không có gì là mãi mãi.
1. ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG
Thời điểm bạn bắt đầu đọc tiêu đề này, có thể bạn chưa hiểu hoặc vẫn chưa rõ lắm về vô thường. Bạn vẫn còn cảm giác ghét bỏ, hận thù những thay đổi tiêu cực.
Nhưng đọc xong bài viết này bạn không những sẽ thấu hiểu mà còn bình thản, biết ơn trước vật đổi sao dời của vạn vật.
Đây chính là một biểu hiện của vô thường.
Đến đây bạn đã hình dung vô thường như thế nào chưa?
1.1 Vô thường là gì?
Thi sĩ Xuân Diệu có viết trong bài thơ vội vàng:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”
Để thể hiện sự hoảng hốt, lo âu, bất lực trước sự trôi chảy của thời gian tuyến tính một đi không trở lại. Điều thi sĩ sợ là tuổi trẻ nhanh đi, tuổi già mau tới bởi thời gian như một dòng chảy mà mỗi một khoảnh khắc trôi qua là mất đi vĩnh viễn.
Sự chảy trôi không ngừng nghỉ đó trong Phật giáo gọi là vô thường.
Vô thường là một trong ba chìa khóa quan trọng giúp ta mở ra cánh cửa của sự tự do - giải thoát (Bao gồm Vô thường, Khổ và Vô ngã).
Bám sát câu từ ta thấy:
Vô có nghĩa là không, không thật;
Thường có nghĩa là thường còn, bền vững;
Vô thường có nghĩa là không có gì bền vững, không có gì trường tồn, không có gì mãi mãi.
Vì vậy cuộc sống vô thường biểu thị rằng cuộc đời là một chuỗi sự thay đổi, biến động không ngừng từ trạng thái này sang trạng thái khác. Những biến đổi, dịch chuyển đó nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta.
1.2 3 đặc tính của vô thường
Hiểu vô thường là sự thay đổi, dịch chuyển, ta sẽ thấy vô thường có 3 đặc điểm rõ rệt như sau:
Đặc tính 1: Sự thay đổi diễn ra trên mọi đối tượng
Không một đối tượng nào vượt ra thoát khỏi sự vô thường. Bởi đó là quy luật bao trùm toàn bộ không gian - thời gian, những sự vật vô hình lẫn hữu hình.
Xét ở góc độ thời gian, sự thay đổi diễn ra ở tầm VĨ MÔ như thời gian kéo dài hàng nghìn năm, thời gian ngắn trong 1 năm với 4 mùa xuân - hạ - thu - đông; đến những thay đổi ở tầm VI MÔ như sự thay đổi diễn ra trong 1 ngày (bình minh - hoàng hôn), thậm chí bao gồm cả những biến chuyển rất nhỏ diễn ra chưa đầy một chớp mắt mà đạo Phật gọi là sát-na (đơn vị nhỏ nhất tính thời gian được ví như nhanh như một chớp mắt).
Xét ở góc độ không gian, sự thay bao trùm toàn bộ sự vật, hiện tượng có hình hài cực LỚN (vũ trụ, trái đất, núi cao, biển cả) đến những vật NHỎ li ti như vi trùng, hạt cát; thay đổi từ trong lòng đất đến bầu trời bao la, cả những vị trí mà con người chúng ta chưa hình dung được.
Vạn vật dù vô hình, bé nhỏ hay bao la, rộng lớn đều không thoát khỏi quy luật vô thường
Xét về mặt hình tướng, sự thay đổi không chỉ diễn ra trên bề mặt VẬT CHẤT (những thứ chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường) mà còn bao gồm cả phần Ý THỨC (thứ chúng ta không nhìn thấy được) như suy nghĩ, tư tưởng của con người và vạn vật.
Tóm lại, mọi sự vật có dấu hiệu hiện diện dưới hình dạng nào, thời điểm nào thì cũng đều nằm trong quy luật vô thường.
Đặc tính 2: Sự thay đổi phụ thuộc vào bản chất sự vật
Vì đặc điểm này nên thời gian diễn ra sự đổi thay trên từng sự vật có thể dài hoặc ngắn, nhanh hay chậm. Với những vô thường thể THÔ chúng ta có thể nhận biết rõ ràng thì thời gian thường kéo dài. Với những vô thường VI TẾ chúng ta không nhìn thấy được bằng mắt thường thì thời gian chuyển biến rất ngắn, thậm chí tính bằng khoảnh khắc.
Con người từ lúc sinh đến khi đi vào lòng đất diễn ra trong vài chục năm. Một bông hoa từ lúc chớm nở đến khi tàn chỉ kéo dài vài ngày hoặc một ngày. Nhưng có những quá trình sinh - diệt chỉ diễn ra ngắn ngủi đến mức ta không kịp nhận diện.
Các nhà khoa học chứng minh rằng các tế bào của chúng ta liên tục tái tạo. Trong một ngày có hàng triệu tế bào chết đi và thay thế bằng hàng triệu tế bào mới. Vậy là “chúng ta vẫn đang chết trong từng phút giây, ngay bây giờ đây, cái chết vẫn đang diễn ra trong từng phút mà ít khi chúng ta có mặt để nhận biết về nó, một sự luân hồi liên tục” (Nghệ )
Hiểu điều này thì chúng ta sẽ không còn phủ nhận sự thay đổi của những sự vật, hiện tượng mà ta không nhìn thấy bằng mắt thường nữa.
Đặc tính 3: Sự thay đổi diễn ra liên tục, không ngừng
Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tất cả mọi thứ trong vũ trụ không tồn tại độc lập, vạn vật đều liên tục thay đổi, có sự tương tác, trao đổi, phụ thuộc, chuyển từ dạng này sang dạng khác.
Triết gia Heraclitus từng nói rằng “không ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông” khẳng định rằng vạn vật chảy trôi liên tục. Bản thân chúng ta trong “tôi phút ấy” đã không còn giống nguyên vẹn “tôi phút này” rồi. Trong chưa đầy một chớp mắt thì tương lai đã biến thành hiện tại, hiện tại đã trở thành quá khứ, quá khứ gần dần lùi thành quá khứ xa, quá khứ xa trở thành quá khứ xa mãi mãi. Cứ liên tục, liên tục và liên tục trong dòng chảy của thời gian một đi không trở lại.
Ngẫm câu “đám mây không bao giờ chết” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mới càng rõ vạn vật biến chuyển linh động. Nhìn bằng mắt thường rõ ràng ta thấy đám mây tan rã. Nhìn sâu ta thấy đám mây chưa từng mất đi, mà đôi khi nó ẩn dưới hình tướng là những cơn mưa, đôi khi biến hóa thành hơi sương mỏng manh mờ ảo, rồi nhiều lúc hiện dưới hình tướng là dòng nước mát trong lành. Đó là một sự tiếp nối hiển nhiên, kỳ diệu và không ngừng của tạo hóa.
Đến đây bạn sẽ có cảm giác: nhìn vào đâu cũng thấy vô thường!
1.3 Điều duy nhất không thay đổi là gì?
“Ba cõi phù du mây thu bay.
Sinh tử khác nào vũ điệu say.
Chúng sinh mạng mỏng như chớp lóe,
Trôi nhanh như thác đổ non ghềnh
Kinh Phổ Diệu
4 giai đoạn của vô thường
Dù chúng ta có khám phá và nhận ra định luật Vô Thường này hay không thì nó vẫn cứ hiển nhiên tồn tại. Năm 624 TCN, đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong cách nhìn nhận về thế giới quan, nhân sinh quan đã khám phá và thấu suốt định luật vô thường. Theo định luật này thì vạn vật trên đời trải qua 4 tiến trình: Thành (sinh ra, hình thành) – Trụ (tồn tại, hoạt động) – Hoại (hao mòn, lão hóa) – Không (tiêu hủy, mất đi) hay còn gọi cách khác là sinh – trụ – dị – diệt.
Một bông hoa bắt đầu nở là “sinh”, vẻ tươi đẹp tồn tại một thời gian ngắn là “trụ”, tiếp đến là sự thay đổi, chuyển qua héo úa là “dị”, và cuối cùng khô héo, tàn lụi gọi là “diệt”.
Một kiếp người cất tiếng khóc chào đời là “sinh”; sau đó không ngừng lớn lên, trưởng thành, khỏe mạnh là “trụ”; bước qua giai đoạn lão niên tóc bạc trắng tựa mây trời, da nhăn nheo, bước đi chậm chạp là “hoại”; cuối cùng nằm trong quan tài, trở về cát bụi là “không”. Thân và tâm của con người trong từng phút giây đều sinh và diệt liên tục.
Bốn tiến trình này diễn ra theo quy luật nên con người nhỏ bé không thể xoay chuyển, không thể đổi thay, không thể can thiệp, không thể chống lại.
Vô thường bao trùm mọi ngóc ngách cuộc sống
Quan sát, ta có thể tạm chia vô thường thành 3 mảng như sau:
Thế sự vô thường: Bao gồm hoàn cảnh, xã hội, sự vật, tự nhiên xung quanh ta. Đó có thể là một cơn mưa bất chợt khiến ta khó chịu vì đang vội di chuyển trên đường; Là cơn cuồng phong khiến người người sợ hãi; Là bốn mùa xuân - hạ - thu - đông đến và đi không chờ không đợi. Là tất cả những việc đời vẫn diễn ra không phụ thuộc vào mong cầu của ta.
Nhân sinh vô thường: Thể hiện kiếp sống con người với sinh -lão - bệnh - tử; những ly biệt - hợp tan. Ngày hôm nay ta sinh ra tràn trề nhựa sống nhưng cũng có lúc cơ thể ta ốm yếu, hao gầy. Ngày hôm nay ta trẻ khỏe nhưng ngày sau ta lão hóa với da nhăn nheo, xương cốt yếu ớt. Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng chia ly, hội ngộ nào cũng đến giây phút xa cách. Sau tất cả ai rồi cũng phải đối diện với cuộc chia ly lớn nhất trong đời người: đó là cái chết
Tâm vô thường: Thể hiện ở việc tâm ta luôn thay đổi, lúc vui lúc buồn, lúc mừng lúc giận, hỷ nộ ái ố. Hôm nay có thể buồn chán nhưng ngày mai có thể là ngày vui vẻ. Tốt hay xấu rốt cuộc cũng chỉ là cảm nhận của mỗi người.
Kiếp người giả tạm, ai ai cũng chịu sự tác động và chi phối của cả 3 vấn đề: thế sự vô thường, nhân sinh vô thường và tâm vô thường. Soi chiếu vào mọi sự vật đổi thay, ta thấy không sự vật nào không trải qua 4 giai đoạn sinh - trụ - dị - diệt. Giữa vũ trụ bao la, không điểm đầu và không điểm cuối, điều duy nhất không thay đổi đó chính là SỰ THAY ĐỔI
1.4 Tại sao ta đau khổ trước vô thường?
Vô thường là thứ nằm ngoài ta, không phụ thuộc vào sự cưỡng cầu, cũng chẳng chịu sự kiểm soát của ta, vậy sao nó tác động mạnh mẽ đến ta vậy? Quan sát đa chiều sẽ thấy trước mỗi một sự việc thì sự phản ứng của con người thật muôn hình muôn vẻ:
Cũng là hiện tượng đèn đỏ, kẻ dừng lại bức bối, người thì coi như vài phút nghỉ ngơi.
Cũng là mắc bệnh, kẻ cảm thấy cuộc đời bi đát, người bình thản nhắc mình cần chăm sóc và lưu ý hơn về sức khỏe.
Cũng là thất bại, kẻ gục ngã và sân hận, người trưởng thành và rút ra bài học xương máu cho mình.
Cũng là bị phụ tình, kẻ đau khổ đến muốn kết liễu cuộc đời, người sau những phút đớn đau thì lặng lẽ buông vì hiểu mình xứng đáng với chân tình chứ không phải phản bội.
…
Cuộc sống là dòng chảy không ngừng nghỉ còn chúng ta đến với thế giới này thì lại mong cầu sự ổn định theo ý muốn: gia đình ổn định, công việc ổn định, sức khỏe ổn định…Vì vậy khi mọi thứ dịch chuyển, lập tức khổ não, stress, bất an. Ta khó chịu vì không thích nghi với cái mới, tâm lập tức muốn sự bất ổn đó phải biến ngay lập tức. Càng phản đối dữ dội thì sự đau khổ càng sinh ra mãnh liệt.
Sự sướng - khổ không phải do vô thường mà do thái độ của ta. Ta cứ ngỡ mình là những dòng suy nghĩ miên man đang tồn tại. Nhưng thực tế đôi khi không giống với suy nghĩ, kinh nghiệm đôi khi không giống bản chất của vũ trụ. Khổ là do ta không hiểu về sự biến đổi của cuộc sống, cứ mãi ngoan cố không chấp nhận sự thật trước mắt mà lại ôm ấp quá khứ xưa cũ. Ta không hiểu rằng sự bất ổn mà ta nhìn thấy trong cuộc sống chính là sự sắp đặt hoàn hảo của nhân quả và chu kỳ sinh diệt của vũ trụ.
“Nguyên do của cái khổ không phải do vô thường mà là cái tri giác sai lầm của ta về sự vật: sự vật vô thường mà ta cứ cho chúng là thường nên ta khổ”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
2. VÔ THƯỜNG VÀ 2 VAI DIỄN BẤT THƯỜNG
Giống như chiếc đồng xu, cuộc sống vô thường cũng có mặt trái - phải, cũng chứa vai phản diện và chính diện đầy sinh động và phức tạp.
2.1 Hận thù vô thường
Những thay đổi theo hướng tiêu cực sẽ làm chúng ta mệt mỏi, buồn chán. Điều này cho ta thấy nhân vật phản diện này có 2 cánh tay rất khác biệt:
Cánh tay phải ưa thích những thay đổi tích cực khiến hiện tại tốt đẹp (hoặc níu giữ những hoàn cảnh tốt đẹp hiện tại) bằng thái độ yêu thích, sung sướng, bám chấp và THAM đắm vào những điều tốt đẹp:
Ta chìm đắm trong hạnh phúc đôi lứa và nghĩ rằng điều đó là mãi mãi. Để tình yêu bớt nhàm chán ta mong cầu tình cảm ngày càng đậm sâu bằng việc thêm nhiều bất ngờ, thú vị.
Ta ngủ quên trong chiến thắng và cho rằng thành công của mình cứ phải nằm yên vị trí như hiện tại. Thảnh thơi ước mỗi ngày mình lại bước lên một nấc thang cao hơn, vinh quang hơn, chói lọi hơn.
Ta mải sống trong nhung lụa rồi tự tin cho rằng sự giàu có, danh vọng là vĩnh cửu. Ta chỉ mong ngày mai mình sở hữu thêm nhiều của cải vật chất sang - xịn - mịn hơn, hưởng thụ những dịch vụ ngày càng VIP hơn.
Ta sung sướng vì sự xinh đẹp, khỏe mạnh và nghĩ rằng thanh xuân sẽ bên mình mãi mãi, cuộc đời còn rất dài và chết là cái gì đó rất xa xôi. Ta chỉ mong càng ngày căng tràn sự sống, thậm chí đôi lúc ngông cuồng mong cầu sự bất tử.
Cánh tay phải này luôn có suy nghĩ giữ thật chặt những gì đang có và động tác thường nhật là lôi vào, thêm vào những thứ có tên: hơn, được, tốt, phát triển…
Ngược lại, cánh tay trái luôn chối bỏ những thay đổi tiêu cực bằng tâm SÂN với thái độ hận thù, đau khổ, ghét bỏ, trốn chạy:
Mong tình yêu càng ngày càng đầy và bền chặt nhưng thực tế bị phản bội nên đau khổ nghiệt ngã
Cứ ngỡ mỗi ngày bước lên nấc thang cao hơn nhưng ngay sau đó gặp bất như ý trong công việc, người thân không ủng hộ, bạn bè quay lưng… vậy nên đau đớn như bị rơi từ tầng cao xuống
Đang rất rất giàu có nhưng đột nhiên phá sản, trở nên trắng tay. Thực sự sốc và không chấp nhận nổi.
Nhìn vào gương, thấy mình càng ngày càng già đi. Thật sự lo âu và thảng thốt
Ở bên này ta chẳng muốn lôi vào nữa, mà lấy hết sức đẩy ra, đặc biệt với những đối tượng có tên: thua, mất, xấu, giảm sút…
Hai cánh tay liên tục đẩy ra - lôi vào không có hồi kết vì được chỉ dẫn bởi trung tâm điều khiển có tên gọi là SI. SI chưa ý thức được sự tồn tại 2 mặt của cuộc sống hoặc đã biết nhưng chưa thế chấp nhận nên xúi giục THAM và SÂN hành động loạn xạ. Nhưng rốt cuộc chúng ta đâu chỉ có thể lên mà không xuống, đâu có thể đi mãi mà không có lúc ngừng nghỉ. Cuộc sống giống như 1 đồ thị hàm sin lúc lên lúc xuống. Ai không thể chấp nhận cuộc đời lúc “lên voi xuống chó” với 8 ngọn gió đời (được - mất, khen - chê, vinh - nhục, vui - buồn) thì không thoát khỏi một chữ khổ.
2.2 Biết ơn vô thường
“Thôi đừng mộng mị làm chi
Nhân sinh một kiếp đến đi vô thường”
Có người cho rằng vô thường khiến chúng ta bi quan và đánh mất những điều đáng quý. Vì nghĩ rằng tình cảm dễ đổi thay nên đôi lúc ta sinh nghi ngờ; Vì nghĩ bạn bè thân thiết cũng có thể quay lưng nên đôi khi ta không tin tưởng; Vì chứng kiến nhiều người hôm qua còn sống khỏe mạnh nhưng trong phút chốc rời khỏi thế giới này khiến ta cảm thấy sợ hãi. Đằng nào cũng không thay đổi được thì bận tâm làm gì? Nhưng nếu nhìn nhận theo một khía cạnh khác thì chúng ta sẽ thấy vô thường là một sự cứu rỗi.
Chính vì có quá nhiều điều không thể lường trước trong cuộc sống nên vô thường nhắc nhở chúng ta đừng đặt hạnh phúc vào tương lai, cũng đừng giận hờn theo kiểu “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc” (Hát với dòng sông) mà hãy trân trọng hiện tại, trọn vẹn với hiện tại. Tư duy này giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận và biết ơn vô thường.
Vô thường thực sự cần thiết trong cuộc đời
Không có sự chảy trôi của thời gian, sự đổi thay của vạn vật thì sự sống cũng ngừng trôi. Chúng ta sẽ không có đồ ăn nếu hạt lúa không nảy mầm, cây cỏ không sinh sôi tái tạo. Nhờ vô thường mà người bệnh được chữa lành và trở lại khỏe mạnh. Nhờ vô thường mà ngày hôm qua ta còn sân hận, hôm nay có thể trở nên dễ thương, dễ mến. Nhờ vô thường mà ta khôn lớn, trưởng thành, thay đổi tư duy, nhận thức để thích nghi với mọi hoàn cảnh. Soi chiếu ở góc độ nào cũng đều thấy vô thường rất cần thiết với cuộc sống chúng ta.
Nếu mọi thứ ngưng lại, sẽ không có sự sinh ra, lớn lên và trưởng thành
của một kiếp người giả tạm
Vô thường là cơ hội loại bỏ sự cũ kĩ, tái tạo cái mới mẻ
Thiền sư Mãn Giác quan sát hình ảnh hoa rụng - hoa nở, viết bài bài kệ cho thấy vạn vật không tránh khỏi quy luật “đào thải”, không tránh khỏi sinh - trụ - dị - diệt. Cuối bài ông nhấn mạnh “đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết”, ý muốn nói “diệt” không phải là kết thúc. Mỗi một sự suy tàn là một khởi đầu cho một tương lai mới:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Chúng ta thường có chế độ “nghỉ hưu” vì đến độ tuổi đó về cơ bản sức khỏe, sự năng động, minh mẫn đã giảm sút để thực hiện vai trò hiện tại. Nhưng “nghỉ hưu” không có nghĩa là ngừng mọi hoạt động, ta vẫn có thể trao truyền những kinh nghiệm, tri thức đã tích lũy cả đời cho thế hệ trẻ kế tiếp. Giống như chiếc lá xanh, theo thời gian chuyển màu vàng rồi lìa cành. Nhưng sự rụng rơi đó không phải là kết thúc. Chiếc lá đi về cội, trở thành phân bón tươi tốt nuôi cây, tiếp thêm nhựa sống cho những mầm xanh mới.
Không chỉ thế hệ cũ nhường chỗ cho thế hệ mới mà ngay trong tư tưởng, suy nghĩ của chúng ta cũng cần thay đổi từng ngày. Trước đây có thể chúng ta đầy tham - sân - si, bám chấp nhưng theo thời gian nhờ tiếp cận đạo đức - trí tuệ - nghị lực mà chúng ta trở nên bình an, sống tử tế hơn. Nói như vậy không phải để phủ định cái cũ mà cần hiểu rằng cái cũ là nền tảng, động lực cho sự mới mẻ. Nhờ thất bại mà ta có thành công; nhờ lệ cay mà ta có nụ cười; nhờ lạc đường mà ta có bài học. Mỗi một thất bại, đau khổ, sai trái đã ấp ủ 1 bào thai của sự thành công, hạnh phúc và sự hiểu biết sâu sắc.
Vô thường giúp chúng ta trưởng thành nhờ chiêm nghiệm bài học
Hiểu mọi thứ đổi thay không lường không phải để buông thả bản thân mà để nhận ra rằng: hôm nay ta thành công thì có thể ngày mai sẽ thất bại; hôm nay bần hàn nhờ nỗ lực mà ngày mai cũng có thể đủ đầy và dư dả; hôm nay còn khỏe mạnh thì ngày mai cũng có thể bệnh tật và bệnh tật chẳng có gì đáng sợ cả, đó là tín hiệu vũ trụ nhắc nhở chúng ta sắp xếp lại cuộc sống mà thôi. Sẽ không còn cảm giác chán nản, tuyệt vọng vì hiện tại không theo ý muốn nữa. Cũng chẳng cần hơn thua, mưu mô xảo trá với ai làm gì. Rốt cuộc thì “được mất dương dương người tái thượng”. Mất mát chưa hẳn đã xui xẻo; được thêm chưa hẳn đã là may mắn. Niềm tin về tương lai tươi sáng và chính nghĩa sẽ vực ta dậy và hành động đúng ngay ở hiện tại.
Ai rồi cũng sinh - ly - tử - biệt. Ta sinh ra từ cát bụi, rồi lại trở về với cát bụi, vậy nên đừng để bản thân ràng buộc bởi những điều vốn không thuộc về mình. Đừng bám chấp quá khứ, đừng ảo vọng về tương lai, kiếp người ngắn ngủi, hãy trân trọng hiện tại với những con người ở thời điểm hiện tại. Trân trọng những người thân, đặc biệt bậc sinh thành. Có rất nhiều người chờ đợi khi nào mình cảm thấy đủ mới báo hiếu ba mẹ. Nhưng chưa kịp cảm thấy đủ thì ba mẹ đã rời xa mình mãi mãi rồi.
3. CHO TÂM BÌNH THƯỜNG GIỮA VÔ THƯỜNG
Đối diện với vô thường, ta không nên yêu cũng đừng nên ghét, không dính mắc cũng đừng chối bỏ, không tham lam cũng đừng sân si.
Điều chúng ta có thể làm là hãy BÌNH THƯỜNG, thấu hiểu, quân bình cảm xúc và thảnh thơi đón nhận trước mọi sự đổi thay, nghịch cảnh, biến cố, được - mất, sinh -ly trong cuộc đời này.
Không ai thoát khỏi tiến trình của vô thường, nhưng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh đón nhận nếu nắm trong tay những giải pháp dưới đây:
3.1 Dùng trí tuệ để hiểu sâu sắc vô thường
Để chấp nhận vô thường, trước tiên cần hiểu vô thường là quy luật và không ai nằm ngoài sự bất biến này. Hơi thở đi vào - đi ra, lúc ngắn - lúc dài; bước đi lúc nhanh - lúc chậm; cơ thể lúc khỏe mạnh - lúc ốm đau…đều là biểu hiện của vô thường. Mong cầu sự ổn định nghĩa là chúng ta đang đi ngược lại quy luật vận hành của tự nhiên.
Thứ 2, cần nhìn nhận rõ nguyên nhân dẫn đến đau khổ (mà ta cũng không ngoại lệ) đó là do ta chưa hiểu và chưa chấp nhận quy luật của cuộc sống. Do ta chưa hiểu rằng cái ngày mà chúng ta gặp gỡ thì cũng đã có mầm ly biệt. Cái ngày mà chúng ta được một cái gì đó đồng nghĩa với cái ngày mất cũng được định sẵn rồi. Hiểu điều này ta sẽ nhận ra rằng có cố gắng đến mức nào để nắm giữ hay níu kéo thì mọi thứ vẫn luôn luôn thay đổi. Mọi thứ đến và đi, ta nên “không dính mắc, không chối bỏ, chỉ để biết, chỉ để sử dụng, chỉ để kinh nghiệm” (cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn)
Thứ 3, hiểu rõ bản chất và nguyên nhân chúng ta sẽ có hành động đúng trong việc gieo nhân - gặt quả. Niềm tin vào việc chuyển hóa bản thân sẽ giúp ta biết sống thế nào cho phải lẽ, có giá trị, vun trồng hạnh phúc, an lạc mỗi ngày.
Thứ 4, nhờ tâm thái bình thản giữa vô thường, ta chiêm nghiệm được những bài học sâu sắc. Cuộc đời là một hành trình tâm linh và mỗi sự việc xảy đến với chúng ta đều là cần thiết để mình học được thêm những bài học. Cuộc sống càng biến thiên nhiều sẽ càng có nhiều bài học khắc cốt ghi tâm. Và bài học sâu sắc nhất đó là sống chánh niệm trong hiện tại, ý thức về sự hữu hạn của thời gian, không ngừng sửa mình để trở thành phiên bản tốt nhất.
3.2 Dùng lòng biết ơn để chấp nhận vô thường
Thực hành biết ơn mỗi ngày sẽ giúp ta luôn có tâm thái tích cực, luôn là nhân vật chính diện của vô thường:
Trước những đổi thay tiêu cực đừng than trách, gục ngã mà hãy biết ơn vì nghịch cảnh giúp mình có những bài học đắt giá.
Trước những đổi thay tích cực đừng tự cao, tự mãn, bám chấp mà hay an vui, hướng thiện, gieo phước và nâng đỡ muôn loài.
Thiền quán tri ân bằng cách mỗi ngày hãy thực hành hít thở sâu, quan sát cơ thể và nói lời biết ơn đến từng bộ phận đã giúp mình duy trì sự sống, nhận biết sự vật, tư duy phản biện.
Đây là cách giúp cho ta luôn cảm thấy đủ đầy, sống tích cực và trân trọng hiện tại.
3.3 Dùng tâm thế vững chãi đối diện mọi đổi thay
“Ngồi thật vững chãi, chuyện gì cũng qua”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền quán vô thường
Thiền quán vô thường là cách hữu hiệu để ta chú tâm, quan sát sâu để hiểu bản chất của vô thường. Ta có thể quan sát sự đổi thay bình minh - hoàng hôn, hoa nở - hoa tàn, quan sát cơn giận đến rồi đi, quan sát hơi thở ra - thở vào. Hoặc tĩnh lặng chú tâm nghe và suy ngẫm về những câu thơ dưới đây:
“Có sinh ắt có diệt
Có đầy ắt có vơi
Có hợp ắt có tan
Có xây dựng ắt có sụp đổ
Bạn có thể hóa thù
Thù có thể thành bạn
Hạnh phúc đổi thay
Khổ đau đổi thay
Quan niệm thay đổi
Tình cảm thay đổi
Ngày hôm qua là mộng huyễn của ngày hôm nay
Ngày hôm nay là mộng huyễn của ngày mai”
Hãy đón nhận mọi đổi thay bằng tâm thế vững chãi
Thực tập vô thường đúng sẽ giúp chúng ta vượt qua những nỗi khổ, niềm đau do tiếc nuối, bám chấp; bớt lòng tham, vị kỷ, hành động xấu xa; nhàm chán với những mưu mô xảo trá; chuyển hóa những nỗi đau, trở nên bình an hạnh phúc.
Rèn luyện phẩm chất dũng - tĩnh
Dũng cảm giúp ta đối diện và vượt qua những đổi thay không ngừng trong cuộc sống, đặc biệt là nghịch cảnh.
Tĩnh lặng giúp ta bình tĩnh trước mọi việc, không quá phấn khích với tích cực, không quá phẫn nộ với điều tiêu cực.
Khi tĩnh tâm ta sẽ hiểu rằng:
Có sinh ắt phải có diệt.
Có hạnh phúc ắt phải có khổ đau.
Đời chỉ thay đổi “khi chúng ta thôi đẩy” (Nghệ), nghĩa là khi chúng ta thôi cưỡng cầu, thôi ép cuộc đời theo ý mình thì chúng ta sẽ gần như đặt được dấu chấm cho phiền não.
Thực tập những điều này, bạn sẽ thấy cuộc đời vô thường là điều hết sức bình thường.
4. KẾT
Khi chưa hiểu rõ ngọn gió Vô Thường thì ta cảm thấy hận thù, ghét bỏ
Nhưng khi thấu hiểu sâu sắc, ta lại chấp nhận và biết ơn hơn.
Thấu hiểu, chấp nhận và biết ơn sẽ giúp ta cảm thấy an nhiên, tĩnh lặng trước sự biến đổi thịnh - suy, được - mất, hơn - thua, phải - trái… của một kiếp người giả tạm. Ai rồi cũng sẽ đi về cát bụi, sống một đời ý nghĩa giúp ta đến phút cuối cuộc đời vẫn bình thản vì mình đã trọn vẹn với vô thường trong từng sát - na.
"Ai rồi cũng ra đi Bận lòng chi được mất
Những điều gì chân thật Đất trời tự khắc ghi"
Tâm Nguyên
Nội dung: Nhàn Lý
Biên tập: Liên Thanh
Commentaires