Tết này chẳng còn sợ vào bếp vì đã có bí quyết cho người nấu ăn dở.
Bạn hoàn toàn có thể áp dụng công thức này suốt 365 ngày và biết đâu còn trở thành đầu bếp lúc nào không hay!
Mục lục
1. Thực tế phũ phàng
2. Nấu ăn có quan trọng?
3. Đúc kết bí quyết
4. Lời kết
Thời xưa, con gái mà không biết nấu ăn là một điều khó có thể chấp nhận, một khuyết điểm lớn, nên từ nhỏ các bé gái đã phải theo mẹ xuống bếp phụ việc nhà và học cách làm bếp.
Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, kể cả chuyện nấu nướng cũng thế. Con gái thời nay nhiều người không giỏi nấu, hoặc không thích làm bếp, thậm chí không biết nấu luôn. Lý do dễ hiểu vì các bạn ấy ít phải xuống bếp, không có nhiều thời gian cho việc nấu nướng, không có người hướng dẫn nên không biết và cũng chẳng cần phải nấu bởi đã có đồ ăn bán sẵn.
Thế nhưng, khi đã có gia đình riêng, trở thành vợ, thành mẹ, những người phụ nữ vẫn phải thực hiện trách nhiệm chăm lo ăn uống cho cả nhà. Phải làm sao đây nếu mình không biết nấu?
Thực tế phũ phàng
Khi trở thành nóc nhà, chúng ta cùng lúc phải sắm nhiều vai trong vở kịch cuộc đời, nào là người con hiếu thảo, người vợ tảo tần, người mẹ dịu hiền... Trong những vai đó, nhân vật bà nội trợ quả là một vai nặng gánh.
Sáng dậy sớm chuẩn bị bữa sáng, nguyên liệu thường chuẩn bị sẵn từ tối hôm qua. Sau khi dọn dẹp xong, lên thực đơn đi chợ cho cả ngày. Ăn gì để bữa sáng khác nữa trưa, bữa trưa không trùng bữa tối, ăn gì để hợp khẩu vị mỗi người trong nhà, ăn gì để tốt cho sức khỏe mọi người, ăn gì hợp thời tiết, ăn gì để tiết kiệm chi tiêu? Ăn gì, là câu hỏi mệt mỏi nhất trong ngày.
Hết giờ làm, người phụ nữ hối hả rời công sở, vội vàng về thật nhanh, chẳng kịp thay quần áo lao thẳng vào bếp, vừa dọn vừa nấu, vừa nấu vừa dọn.
Chưa kịp nêm thêm gia vị thì nồi canh trên bếp đã sôi trào, giật mình quay lại vội giảm lửa thì nồi kho bên cạnh đã bén mùi, mấy cái trứng đặt vội trên bàn lăn xuống đất vỡ nát. Mải dọn hết bếp đến sàn, ngửa mặt lên mới sực nhớ ra quên chưa cắm cơm. Rồi cứ thế, một tay đảo chảo bên này, mắt trông chừng nồi bên kia, miệng nhắc đứa con lớn đi tắm, tai văng vẳng tiếng đứa nhỏ đang khóc trong phòng, điện thoại đổ chuông từng hồi.... Cảm giác bất lực cứ chực trào ra trong khi sự kiên nhẫn đã cạn sạch.
Và rồi, đến khi nhận những lời chê bai vì cơm không ngon, canh chẳng ngọt, nhà không sạch, bát chẳng lành, nhìn những ngón tay đang run rẩy suốt 2 tiếng đồng hồ chưa được buông lơi. Lúc ấy, ta mới biết nước mắt có thể tự rơi mà chẳng cần tìm nơi nức nở.
Phụ nữ quả thật có đến ba đầu sáu tay mới có thể một mình lo hết mọi việc trong nhà. Nhiều lúc, ta làm rất nhiều mà chẳng việc gì trọn vẹn cả, đầu óc căng thẳng, chân tay lúng túng, tóc tai bối rối, mặt mũi lấm lem. Rồi ai đụng đến cũng trở nên dễ cáu gắt, mất bình tĩnh và cạn năng lượng bởi ở mãi chế độ hít thở lưng chừng. Những cô gái nhàn nhã khi xưa nay bỗng trở thành những bà nội trợ hậu đậu, vụng về, luôn cố gắng làm vừa lòng người khác.
Nhưng cũng bởi đảm đương nhiều vai trò, việc nấu nướng không còn là việc chính, cũng không thể đổ dồn lên vai phụ nữ. Chẳng có gì xấu khi một cô gái không biết nấu ăn, chẳng có gì chê trách khi cô ấy không giỏi bếp núc, chẳng có gì đáng cười khi cô ấy hậu đậu hay vụng về. Nhưng giữa biết nấu và không biết nấu, bạn nên chọn thế nào?
Nấu ăn có quan trọng?
Nếu chúng ta không biết nấu ăn thì cũng có nhiều thiệt thòi bởi thường xuyên vào bếp mang lại nhiều lợi ích không tưởng.
Nhu cầu sống cơ bản của con người là ăn và ngủ, bao gồm cả phạm trù nấu ăn. Thế nên, nấu ăn là một bản năng của loài người, đối với cả phụ nữ hay đàn ông. Nếu phụ nữ kém trong việc bếp núc thì cô ấy đã tự đào thải một kỹ năng sống còn cho đời sống của mình. Do đó, nấu ăn là một kỹ năng cần có cho mỗi người, và đặc biệt với phụ nữ, người biết quan tâm và chăm sóc người khác.
Điều thứ hai cũng vô cùng giá trị, đó là sự tự chủ trong đời sống. Bạn thích ăn món gì có thể nấu món đó, không phải chờ ai đó làm cho mình, không phải buộc ăn những thứ mình không thích. Thế nên, thật thiệt thòi nếu không biết tự nấu. Chúng ta có khả năng học được rất nhiều việc, vậy thì nấu ăn chẳng có gì là khó học cả.
Phụ nữ sinh ra có thân thể nhỏ yếu hơn đàn ông, phù hợp với công việc trong nhà, mà bếp là nơi quan trọng nhất. Căn bếp chính là trái tim của mỗi gia đình, nơi sưởi ấm những đôi bàn tay, nơi gửi gắm những yêu thương, nơi chăm lo cho sự sống. Người nhặt rau, người thổi cơm, người nấu ăn người rửa chén, người nâng lên người đỡ xuống, người dọn người bưng, người cười người nói. Nơi ấy thực sự là nơi bồi đắp tình yêu thương gia đình. Nơi chúng ta được quan tâm và thể hiện sự quan tâm với người khác, gửi gắm những thương yêu vào từng món ăn, đồ uống. Nếu ai đó không vào bếp, tự họ đánh mất quyền yêu thương và được yêu thương của chính mình.
Nấu ăn cũng là một phương pháp thực hành chánh niệm vô cùng hữu hiệu. Nếu được sự trợ giúp của người thân thì đó là điều tuyệt vời, nhưng nếu bạn chỉ có một mình thì đó cũng là cơ hội kiểm chứng sự chánh niệm của bản thân. Trước hết là chậm lại và chú tâm vào từng hành động của mình. Khi lặt rau ta biết ta đang lặt rau, khi rửa chén ta biết ta đang rửa chén, cứ sắp xếp từng việc một, làm việc này cho xong rồi làm sang việc khác. Lược bớt công việc, nấu nướng đơn giản, cầu kỳ thì ít món thôi, không vui thì đừng vào bếp, ra quán nghỉ xả hơi. Thức ăn nêm nếm thêm tình yêu và niềm hân hoan mang năng lượng tuyệt vời cho sự sống, ngược lại nếu nấu ăn trong sân giận thì đồ ăn mới nấu cũng chẳng khác gì đã thiu.
Thế nên, chúng ta nên hoặc rất nên biết nấu ăn để không đánh mất những quyền lợi của chính mình. Nhưng làm sao nếu chúng ta rất dở trong việc này?
Đúc kết bí quyết
Bí quyết đầu tiên của một bà nội trợ kém đó là “mồm miệng đỡ chân tay”. Nhẹ nhàng, tình cảm nhờ chồng, nhờ con, nhờ người thân phụ cái này cái nọ, chẳng ai lại từ chối khi ở gần bạn được nghe nhiều chuyện vui và được nhận nhiều lời khen tặng. Sắp xếp, chia việc trong nhà hợp lý, vừa để mọi thành việc trong gia đình được rèn luyện sự tự chủ mà cũng đỡ gánh nặng cho nhau.
Bí quyết thứ hai, đó là luyện “tuyệt đỉnh công phu”. Thử xem bạn thích nhất món nào, hãy làm món đó thành tuyệt phẩm. Tầm sư học nấu, nghiên cứu công thức một món đó thôi. Cuối tuần dành hẳn một buổi chỉ nấu một món đó. Chưa ngon tuần sau nấu lại, đảm bảo sau bảy lần nấu, chắc chắn sẽ ngon. Sau đó, nâng tầm món ấy lên bằng cách tìm hiểu xem ai quanh mình nấu món này ngon nhất, học hỏi để có công thức chuẩn hoặc sáng tạo để có một cách làm tốt hơn. Và rồi, ai ăn cũng khen, tên tuổi bạn vang danh, chẳng ai nói bạn không biết nấu, chẳng ai nhớ bạn đã từng rất vụng về.
Biết đâu quen tay rồi, bạn lại vô tình phát hiện ra mình cũng đảm đang lắm ấy chứ, có khi lại giỏi hết cũng nên. Tóm lại, không thử sao biết có làm được không, hãy tin tưởng bản thân, không thành công thì cũng thành nhân, phải không nào!
Một điều quan trọng mà bất cứ đầu bếp giỏi nào cũng nhấn mạnh, đó là món ăn ngon không chỉ ở nguyên liệu, cách thức nấu mà đó còn ở tâm ý người nấu. Khi nấu ăn trong chánh niệm, nêm gia vị của tình yêu thương, dâng tặng cho ai đó như một món quà, chẳng quá ngon ấy chứ.
Và khi đã rèn tuyệt chiêu nhưng vẫn không thể nấu được món nào chất lượng, thì ít nhất cũng biết pha chế đồ uống hay có ngón nghề gì đó đặc biệt chứ nhỉ. Còn nếu đọc đến đây rồi mà bạn vẫn không tìm được cách nào thì nên đi học phát triển bản thân, đầu óc thông thoáng kiểu gì cũng có cách.
Lời kết
Phụ nữ và cả đàn ông cũng thế! Chúng ta đều đang chạy theo những ý nghĩ lộn xộn trong trí não. Khi đang làm việc này thì nghĩ sang việc khác, đang nấu ăn thì nghĩ đến dọn nhà, khi dọn nhà lại nghĩ đến tưới cây. Và còn một mớ hỗn độn những lo lắng, bồn chồn, những công việc dang dở cứ theo suy nghĩ miên man từ chỗ này sang chỗ khác. Cứ thế, chúng ta đã nhiều việc lại nhiều việc hơn vì mọi thứ cứ chồng chéo lên nhau. Có khi việc thì ít mà nghĩ thì nhiều cũng làm cho chúng ta tưởng nhiều việc mà thực chất chẳng có bao nhiêu.
Bớt vọng tưởng lại và tự tạo cho mình những khoảng lặng vui tươi, những giây phút tĩnh tại, những thời khắc tái tạo năng lượng cần thiết để không tự làm vướng bận chính mình.
Chúc bạn vui khi nấu ăn!
Nội dung: Từ Hân - Mentor lớp Content 3 gốc
Biên tập: Nhàn Lý - Khánh Vi
Hình ảnh:
Commentaires