top of page

ĐAM MÊ LÀ GÌ? BẠN ĐÃ THẬT SỰ HIỂU RÕ VỀ NÓ

Updated: Mar 18

Đam mê là một điều gì đó mà ai cũng muốn khám phá, khi tìm thấy được rồi thì muốn bảo vệ và theo đuổi đến cùng. Đam mê có sức hút vì nó giúp mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa


Kim Hồng - Học viên khoá Content 3 Gốc xin mời độc giả Blog 3 Gốc cùng mình đi qua những góc nhìn đa chiều về đam mê. Bài viết có thể chưa giúp bạn tìm ra ngay được đam mê của chính mình, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn “chánh kiến” một số câu nói quen thuộc xoay quanh chủ đề này.





Mục lục:


1. Các quan điểm xoay quanh đam mê

Chúng ta có thể mang trong mình rất nhiều sở thích nhưng đam mê thì không. Vì đam mê là thứ mà ta có thể đánh đổi thời gian, tiền bạc, công sức của chính mình…cho nên nếu đam mê thật sự thì đó là số ít.


1.1 Đam mê là gì?

Đam mê là thứ khiến chúng ta yêu thích, khao khát, mong muốn thực hiện một cách cháy bỏng. Nó là động lực để ta hành động, để từ đó mang lại cảm giác vui sướng, mãn nguyện. Để gắn bó lâu dài với một việc gì đó thì đam mê là yếu tố quyết định.


Đam mê có thể xuất phát từ sự tò mò, từ sở thích cá nhân, hay từ một gợi ý bên ngoài…


Đam mê là một thôi thúc cháy bỏng ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta
Đam mê là một thôi thúc cháy bỏng ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta


1.2 Sở thích nhất thời là gì?

Đây là một loại cảm xúc dễ bị hiểu nhầm với đam mê. Nó thường là cảm xúc bất chợt, bị thu hút vào một điều gì đó có thể là vật chất, vẻ hào nhoáng bên ngoài, hiệu ứng đám đông…


Cảm xúc tạm thời làm ta bị thu hút ngay trong thời điểm đó, hoặc có thể kéo dài vài ngày. Tuy nhiên say mê nhất thời này rất khó để bạn kéo dài, duy trì trong những trường hợp gặp khó khăn, thử thách.


Ví dụ: khi trẻ bạn thích làm cầu thủ đá banh bởi sự yêu thích, nhưng lớn lên bạn lại thích trở thành doanh nhân thành đạt nhiều tiền bởi sự hào nhoáng.


Sở thích mang lại niềm vui nhưng khi gặp khó khăn, chúng ta hay bỏ quên nó
Sở thích mang lại niềm vui nhưng khi gặp khó khăn, chúng ta hay bỏ quên nó

1.3 Khác biệt giữa đam mê và sở thích nhất thời

Mong bạn đừng nhầm lẫn giữa đam mê và sở thích nhất thời này. Chúng ta có thể so sánh hai khái niệm này như sau:


Sở thích nhất thời thường không bền vững và dễ dàng thay đổi theo thời gian, độ tuổi, sức khoẻ. Khi gặp những tác động bên ngoài là sự khó khăn, thử thách ta sẽ dễ dàng từ bỏ. Hoặc nếu thiếu nó trong một khoảng thời gian, ta cũng không cảm thấy quá khó chịu.


Đam mê lại khác, nó không dễ dàng bị thay đổi. Một khi đã là đam mê thì chúng ta sẽ hành động bất chấp và không ngừng nghỉ để tiếp cận, khám phá, nuôi dưỡng. Nó mãnh liệt đến mức bất cứ một sự vật, hiện tượng nào trong cuộc sống diễn ra, chúng ta đều có thể liên tưởng đến đam mê của mình.


Trước một quyết định đây có phải là đam mê để mình gắn bó hay không, bạn có thể hỏi bản thân 2 câu hỏi như sau:

-Thiếu điều đó, mình có khó chịu không?

-Mình có sẵn sàng bất chấp khó khăn để tiếp cận với điều đó không?


Đam mê xuất phát từ sâu bên trong - bền bỉ, Sở thích thường dễ thay đổi
Đam mê xuất phát từ sâu bên trong - bền bỉ, Sở thích thường dễ thay đổi

2. Ý nghĩa của đam mê

2.1 Đam mê mang lại những điều kiện thuận lợi nào?

Khi bạn xác định dấn thân vào việc nuôi dưỡng đam mê thì tâm thế của bạn luôn sẵn sàng hành động. Bạn sẽ yêu thích việc khám phá những khía cạnh khác của bản thân mà trước đó chưa kịp khai thác hết. Nó tạo ra nguồn năng lượng tràn đầy, nhiệt huyết thay vì cảm thấy cuộc sống nhàm chán và vô vị.


Làm công việc mà mình thích thú giúp bạn luôn thoải mái, tự tin và không ngừng sáng tạo, học hỏi những điều mới lạ, cải thiện kỹ năng liên quan đến công việc đó. Bạn đắm chìm trong công việc đó với sự tập trung cao độ ở thế giới riêng của mình. Hiệu suất làm việc của bạn cũng sẽ cao hơn hẳn so với việc bạn làm công việc khác.


Đôi khi theo đuổi đam mê làm bạn bớt suy nghĩ quá nhiều đến những vấn đề như tiền bạc, địa vị. Từ đó, bạn cũng giảm bớt áp lực, stress và làm việc với tinh thần thoải mái nhất. Được làm điều mình thích với sự tò mò, khám phá thì đó là cách để bạn tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.


Đam mê tạo ra động lực ngầm bên trong giúp làm việc đạt hiệu suất cao hơn
Đam mê tạo ra động lực ngầm bên trong giúp làm việc đạt hiệu suất cao hơn


2.2 Sẽ như thế nào nếu không có đam mê?

Khi không có đam mê, hoài bão thì cuộc sống trở nên tẻ nhạt, mỗi ngày trôi qua lặp đi lặp lại nhưng không mang lại niềm yêu thích, sáng tạo, cải tiến trong từng việc làm. Bạn như một cái máy được lập trình sẵn để hoạt động mà không có cảm xúc trong đó.


Thiếu đi đam mê, bạn sẽ thiếu đi lý do để phát triển bản thân. Bạn sẽ dễ bỏ qua kỷ luật với chính mình để thay đổi những thói quen xấu. Dần dần trong một thời gian, con người bạn dễ bị lung lay, xoay chuyển khi các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến bạn. Đó là lí do vì sao bạn luôn có cảm giác chông chênh.


Thiếu đi đam mê thì công việc, sự nghiệp của bạn không thể cất cánh bay xa được. Bạn sẽ chỉ mãi quanh quẩn trong các việc thường ngày, luôn lo sợ rủi ro, sự cố đến với mức thu nhập của mình. Nếu có một ý tưởng nào đó xuất hiện trong đầu, bạn sẽ ngay lập tức vẽ ra đường lùi, tự nói với bản thân “Mình làm không được đâu”.


Vậy nên, vấn đề không phải là bạn chưa có đam mê mà vấn đề là bạn không có khao khát để khám phá ra đam mê của mình. Chính điều đó sẽ khiến cuộc sống của bạn là một bức tranh xám xịt.


Chỉ cần có quyết tâm mình phải tìm ra đam mê, thì mọi nguồn lực sẽ hỗ trợ bạn làm được điều đó
Chỉ cần có quyết tâm mình phải tìm ra đam mê, thì mọi nguồn lực sẽ hỗ trợ bạn làm được điều đó


3. Theo đuổi đam mê có phải lúc nào cũng tốt?

Cuộc sống này được vận hành với hai mặt tốt-xấu. Con người chúng ta cũng vậy, và đam mê cũng vận hành theo quy luật này.


Nếu bạn có một đam mê hướng thiện, hướng về 3 gốc: Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị Lực thì công việc đang làm không chỉ giúp bạn đào luyện được cho bản thân nền tảng nhân cách cốt lõi vững chắc, mà còn còn góp phần giúp đỡ người khác, rộng hơn là một cộng đồng, một xã hội, một đất nước. Đam mê hướng thiện giúp tạo ra những con người tử tế, nền xã hội văn minh.


Nếu bạn có một đam mê bất thiện thì công việc đang làm có thể không được sự công nhận của người khác. Hoặc đam mê của bạn nghe có vẻ hướng thiện nhưng cách làm của bạn lại thiếu đúng đắn dẫn đến sai trái.


Ví dụ như bạn đam mê lập trình. Thật tuyệt vời nếu bạn theo đuổi nó và tạo nên những Website, lập trình những ứng dụng hay, cần thiết đến đời sống của con người. Còn nếu bạn dùng đam mê để hack những tài khoản cá nhân nhằm mục đích trục lợi hay bất kì hành vi xấu xa khác thì đam mê đó lại không nên được duy trì.


Đam mê phải hướng về 3 gốc thì mới bền vững
Đam mê phải hướng về 3 gốc thì mới bền vững


Đôi khi, có những đam mê khiến ta mù quáng, phi thực tế, bất khả thi để thực hiện. Nó khiến ta lúc nào cũng bận điên cuồng và chăm chỉ. Bạn cho rằng bạn hiểu biết những việc đang làm và chỉ nghe những điều mình muốn nghe, chỉ làm những điều mình muốn làm.


Bạn có niềm tin mãnh liệt rằng chắc chắn mình sẽ thành công và không có một rủi ro nào cả. Bạn từ chối mọi lời khuyên của người khác và cứ đinh ninh những điều mình nói, nghĩ. Và chính sự tự cao, mù quáng trong sự say mê khiến bạn gặp những rủi ro không lường trước được trong tương lai.


Vì vậy, mỗi chúng ta nên có những ước mơ đúng đắn để mang giá trị đến cho bản thân và cộng đồng. Khi đam mê, ta cũng cần quan tâm đến hai yếu tố “mục đích" và “tính thực tế". Hai yếu tố này giúp biến điều mình thích thành hiện thực, biết đặt điều ta mong muốn trong giới hạn khả thi, để có góc nhìn và linh hoạt xoay chuyển theo các biến động bên ngoài.


Đam mê nhưng vẫn phải có “mục đích” rõ ràng và “tính thực tế”
Đam mê nhưng vẫn phải có “mục đích” rõ ràng và “tính thực tế”


4. Tiền bạc và đam mê có tồn tại song song không?

Giữa đam mê và tiền bạc có một ranh giới mỏng manh khiến ai cũng phải lựa chọn đánh đổi. Thật khó xử khi đặt hai nhu cầu này của con người lên bàn cân. Nếu chọn theo đam mê nhưng tiền ít thì sao? Và nếu chọn tiền nhưng đam mê không được thực hiện thì sao? Chúng ta sẽ cùng đi phân tích một số góc nhìn như sau, từ đó bạn có thể chọn cho mình hướng đi phù hợp.


4.1 “Sống với người mình không thương", liệu có hạnh phúc?

Việc chọn sự nghiệp không khác gì việc chọn người yêu, người bạn đời sẽ chung sống nhiều năm tháng với mình. Khi chọn một người bạn đời, đồng nghĩa với việc suốt quãng đường còn lại, bạn sẽ sống cùng họ, ăn cùng họ, ngủ cùng họ, cùng họ trải qua những niềm vui, thử thách.


Nghề nghiệp cũng vậy, khi chọn theo đuổi nó thì ít nhất 8 tiếng/ngày bạn phải sống chung với nó, thậm chí ngoài giờ làm, bạn cũng sẽ nghĩ tới nó, những điều học hỏi đều liên quan đến nó. Vậy bạn nghĩ sao nếu một công việc mình không thích mà lúc nào cũng phải trải qua cảm giác ám ảnh về nó thay vì vui thích.


Sự nghiệp gắn liền với chúng ta hết ⅓ cuộc đời, cho nên phải chọn rất kỹ
Sự nghiệp gắn liền với chúng ta hết ⅓ cuộc đời, cho nên phải chọn rất kỹ


4.2 Tiền ở đâu khi ta chọn đam mê

Chúng ta hay bị nhầm tưởng là đam mê không phải là một công việc mang lại thu nhập, mà hay nghĩ đam mê là một việc gì đó xuất phát từ cá nhân.


Bản chất của tiền hay thu nhập thực chất là quy đổi giá trị của bạn đóng góp được cho người khác bao nhiêu, và bạn được trả về bằng một số tiền. Nếu như đam mê của bạn xuất phát từ giá trị mà bạn đóng góp được cho mọi người, nó mang tính khả thi và thực tế thì chắc chắn bạn sẽ nhận về được một khoản tiền tương xứng.


Còn nếu đam mê của bạn chỉ dừng lại ở sở thích cá nhân, bạn chưa đóng gói được những giá trị đó để giúp đỡ mọi người thì đam mê đó sẽ không đi cùng với tiền, nó thiên về sự thoả mãn cá nhân nhiều hơn.


Tuy nhiên, mình cũng lưu ý một điều, thời gian đầu theo đuổi đam mê chắc chắn nó sẽ chưa ra tiền nhiều. Vì đó là thời gian bạn cần để trau dồi thêm cho mình có khi đó là động lực, kiến thức, kinh nghiệm.


Chính nền tảng đó mới giúp bạn kéo dài sở thích thành đam mê, từ năng khiếu có được sau quá trình luyện tập, cải tiến, nghiên cứu liên tục trong nhiều năm tháng, nó mới biến thành tuyệt chiêu. Từ tuyệt chiêu đó sẽ tạo ra cho bạn thu nhập tương xứng.


Và chắc chắn theo đuổi đam mê mà có sự hỗ trợ của động lực, kiến thức, giá trị thực tế để đóng góp cho đời thì đam mê đó sẽ tạo ra thành công. Và lúc ấy chúng ta sẽ mạnh dạn nói câu “Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn?


Đam mê và tiền là tỷ lệ thuận với nhau, nếu đam mê mang tính khả thi thì tiền là kết quả hiển nhiên đạt được
Đam mê và tiền là tỷ lệ thuận với nhau, nếu đam mê mang tính khả thi thì tiền là kết quả hiển nhiên đạt được

5. Làm sao để thức tỉnh và nuôi dưỡng đam mê?

Thật may mắn nếu bạn biết được thứ mình thích. Vậy còn những người đang trên công cuộc tìm kiếm điều đó, những người mông lung trong cuộc đời thì sao? Cách nào để họ khám phá ra điều gì đó ý nghĩa giúp mang lại niềm vui cho họ?


Dưới đây mình sẽ chia sẻ 2 cách thức để tìm ra đam mê và 3 giai đoạn để nuôi dưỡng từ sở thích đến đam mê. Đây là cách mình đã áp dụng, hy vọng sẽ giúp ích được cho mọi người.


5.1 Cách thức để đánh thức đam mê thật sự của chính mình


Cách 1: Tò mò

Con người chúng ta sinh ra có bản năng mang tính tò mò. Và khi có sự tò mò, ta khao khát được biết, được hiểu, được thử sức tiếp xúc bên ngoài để tìm ra câu trả lời. Tò mò thôi thúc sự tìm tòi để bạn lật tung mọi thứ để đào thật sâu vào chủ đề đó. Mỗi chúng ta là những cá thể riêng biệt với những luồng suy nghĩ độc đáo.


Cùng một sự việc nhưng mỗi chúng ta đều tò mò khác nhau trong cùng sự việc đó. Chúng ta đặt câu hỏi khác nhau, nghiền ngẫm và truy tìm thông tin cũng khác nhau. Đó là lí do vì sao mỗi chúng ta có câu trả lời và nhận thức khác nhau.


Do đó, hãy quay lại với chính mình để liệt kê xem trong vòng 5-10 phút bạn đang tò mò về những vấn đề nào. Hãy ghi hết nó ra thật nhanh không dừng lại. Khi đã ghi hết ra rồi, bạn sẽ rất bất ngờ với danh sách này.


Đó có thể là những điều bạn đã tự vấn chính mình từ khi còn nhỏ, có khi nó là những trăn trở mới đây, có khi nó là một lời gợi ý của ai đó. Nhưng nó vẫn còn lưu giữ đến hiện tại, có thể nó đã có từ trước là ý nghiệp dẫn dắt mà bạn vô thức quên mất.


I have no special talents, I am only passionately curious
Tôi không có tài năng đặc biệt nào. Tôi chỉ tò mò một cách đam mê -Albert Einstein

Bản chất ban đầu của đam mê là sự tò mò
Bản chất ban đầu của đam mê là sự tò mò

Cách 2: Xác định giá trị cá nhân

Giá trị cá nhân có thể xem là một bước tự định vị bản thân để quyết định mình sẽ chọn hướng đi như thế nào. Con người chúng ta là bất toàn, ai cũng sẽ có mặt tốt, mặt xấu, và ai cũng có sở trường, sở đoản.


Giá trị cá nhân không hẳn là bạn chỉ quan tâm đến mặt tích cực mà đè bẹp những mặt tiêu cực của mình. Đó là bước định vị mình đang đứng ở đâu, mình có thể làm tốt điều gì để đóng góp giá trị đó, và điểm yếu của mình ai là người có thể hỗ trợ, công cụ nào có thể giúp mình.


Từ việc khám phá những mong muốn bên trong khi các bạn liệt kê danh sách tò mò, bạn tổng hợp thêm giá trị cá nhân mình đang có nữa. Hai điều này tổng hoà lại với nhau nó giúp bạn nhìn ra hướng đi dễ dàng.


Lúc này, có thể nó chỉ mới nhen nhóm là một sở thích. Nhưng bạn đã có thể bắt đầu làm nó, hành động để kiểm tra xem nó có thật sự trở thành đam mê được hay không. Mình gọi đây là bước nuôi dưỡng.


Đam mê thôi chưa đủ, bạn cần định vị giá trị nào mình có thể làm tốt
Đam mê thôi chưa đủ, bạn cần định vị giá trị nào mình có thể làm tốt

5.2 Nuôi dưỡng đam mê tăng trưởng


Giai đoạn 1: Hứng thú

Giai đoạn khi mới nhìn ra mình gọi là sở thích thay vì đam mê. Đó là cảm giác bạn thấy thú vị và thích thú khi tìm ra sở thích. Nó là cảm giác bạn được nạp đầy năng lượng, bạn sẵn sàng dành thời gian cho nó. Khi làm bạn không cảm thấy chán nản hay mệt mỏi. Hãy lưu giữ lại những cảm giác này bằng bất cứ công cụ nào bạn đó để có thể xem lại dễ dàng.


Có một lưu ý là cảm giác hứng thú thông thường sẽ dành cho nhiều đối tượng. Bạn có thể thích thứ này, cũng có thể thích thứ kia, mỗi thứ một chút mà chưa phân định rõ ràng.


Tuy nhiên, hãy chậm lại để cảm xúc lắng xuống, để cho phần nhận thức được làm chủ vào lúc này. Bạn hãy tự hỏi mình “Nếu chỉ lựa chọn một sở thích để trải nghiệm trước, bạn sẽ chọn cái nào đầu tiên?”, “Lần trải nghiệm này, bạn dự định dành bao nhiêu thời gian để xác định xem đó có phải là đam mê hay không?”.


Đam mê là dù bạn có đang mệt mỏi, áp lực bạn vẫn say mê với nó
Đam mê là dù bạn có đang mệt mỏi, áp lực bạn vẫn say mê với nó


Giai đoạn 2: Hành động

Bạn hành động như thế nào?


Bạn nghĩ là mình sẽ dành thời gian để nghiên cứu, trải nghiệm trong niềm yêu thích liên tục. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bạn sẽ gặp trở ngại ngay từ những giây phút đầu tiên. Bởi vì cảm giác thích khác xa với thực tế khi hành động, khi vào thực tế sẽ có rất nhiều trở ngại diễn ra, và đó là lúc bạn thường sẽ bỏ cuộc.


Bạn không thể giỏi một việc gì khi mới bắt đầu làm, nó cần quá trình dài để rèn luyện ý chí. Đối với những người kiên định, ý chí vững vàng thì họ ít khi mâu thuẫn với chính mình, họ hiểu việc luyện tập là cần thiết nên họ sẽ chú tâm vào việc luyện tập trong một thời gian dài. Song song đó họ vẫn nuôi dưỡng những cảm xúc yêu thích khi mà những cảm xúc khó chịu trỗi dậy.


Chỉ có làm đến tận cùng bạn mới biết sở thích đó có phải là đam mê của mình không
Chỉ có làm đến tận cùng bạn mới biết sở thích đó có phải là đam mê của mình không


Để hành động biến tuyệt chiêu, các bạn có thể tham khảo 6 bước giúp biến sở trường thành tuyệt chiêu mà không phải trải qua 10,000 giờ đào luyện.


Giai đoạn 3: Lan toả đến mọi người

Bạn đã thuyết phục chính mình theo đuổi đam mê này, bạn đã tìm ra câu trả lời cho nó, đã đến lúc bạn lan tỏa đến mọi người xung quanh. Khi bạn chia sẻ những điều ấy ra, có người sẽ ủng hộ, có người sẽ trái quan điểm với bạn.


Nhưng dù thế nào đi nữa, việc chia sẻ, hướng dẫn lại người khác lại là động lực khiến bạn phát triển nhanh hơn. Dần dần, bạn sẽ thấy được vai trò của mình một cách rõ ràng hơn trong những việc đang làm, bạn thấy mình có ích hơn.


Khi chia sẻ với ai đó điều mình yêu thích, việc được hưởng ứng sẽ giúp bạn có thêm động lực
Khi chia sẻ với ai đó điều mình yêu thích, việc được hưởng ứng sẽ giúp bạn có thêm động lực


Trích từ câu chuyện về nhà bác học Thomas Edison- người từng bị giáo viên từ chối vào lớp với lý do bị thiểu năng trí tuệ. Người từng bị xem là vô dụng đã đem đến ánh sáng đến cho cả nhân loại khi màn đêm buông xuống.


Trước khi thuyết phục được bóng đèn điện sẽ có ích cho mọi người, ông đã trải qua những chuỗi ngày thất bại. Ông đã từng chia sẻ về phát minh vĩ đại của mình, Edison từng nói: "Tôi chưa thất bại, tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách mà sản phẩm chưa hoạt động" hay "Thiên tài 1% là cảm hứng và 99% là mồ hôi".


Nếu không vì sự tò mò, yêu thích mãnh liệt để tiếp thu và học hỏi liên tục, thì làm sao chúng ta nhận được giá trị như ngày hôm nay. Đến đây bạn đã hiểu rõ hơn giá trị của đam mê rồi phải không.


Để kết lại cho phần chia sẻ về chủ đề “Đam mê” này mình rất mong trong mỗi chúng ta ai cũng sẽ khám phá ra được đam mê của chính mình. Nếu chưa có thì cũng hãy thắp lên cho mình ngọn lửa sẽ đi khám phá bản thân để tìm ra nó.


Bởi vì cuộc sống ngắn lắm, chớp mắt là chúng ta sẽ lớn lên, trưởng thành, già và chết đi. Nếu ví cuộc đời là cuộc hành trình 80 năm thì hãy để mỗi dấu chân ta bước đi là những việc làm ý nghĩa. Đừng để việc trưởng thành tâm thức ở mỗi cá nhân chỉ dừng lại ở tuổi 18.

Người nào có đam mê
Mang cho mình say mê
Làm việc trong mãi mê
Mặc cho ai nói chê
Cũng ngại chi bộn bề
-Kim Hồng

Nội dung: Kim Hồng - Học viên khoá Content 3 Gốc

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Ngọc My






403 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page