Nhiều người nghĩ rằng từ thiện là cách để giúp đỡ người và tạo phước cho mình - nghĩa là khi mình cho đi sự tốt đẹp, mình sẽ nhận lại một sự tốt đẹp khác.
Nhưng có khi nào bạn tự hỏi: Nếu cho đi với tâm mong cầu nhận lại, khi điều mình nhận lại không đúng kỳ vọng thì sao? Hạnh phúc là cho đi nhưng cho đi thế nào để còn mãi?
Mời bạn cùng blog 3 gốc tìm hiểu về chủ đề “giá trị thực sự của từ thiện” và cùng suy ngẫm xem giúp đời thế nào để tâm ngày càng hướng thượng, bạn nhé!
Mục lục
4. Lời kết
—------------
Từ thiện là để giúp người mình thương cảm
Theo lẽ thường, ai cũng nghĩ từ thiện là để giúp người. Hiện nay, không chỉ Mặt trận tổ quốc mà ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức, người nổi tiếng cũng làm từ thiện. Khi nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh, khó khăn, thiếu thốn, những người không may hoạn nạn (do thiên tai, nhân tai)…ta lập tức khởi sinh lòng trắc ẩn, mong muốn giúp đỡ để cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Ta rung động trước những cảnh đời bất hạnh cho thấy lòng từ bi của ta rộng lớn. Đó là một tình cảm vô cùng đáng trân trọng, khiến tình đời ấm áp hơn.
Nhưng nếu đơn thuần chỉ là cảm xúc mà thiếu sự lý trí để kiểm chứng, đa chiều, coi chừng dễ rơi vào bẫy của kẻ cơ hội. Bởi hình ảnh những đứa trẻ, những số phận bất hạnh được lan truyền trên mạng là thật nhưng cũng có lời kêu gọi kèm số tài khoản quyên góp chưa phải mục đích là từ thiện. Hoặc đôi khi từ thiện những nơi cần không tới, nơi tới không cần.
Chưa kể, ta thấy mảnh đời đáng thương nên ra tay giúp đỡ nhưng khi họ có những biểu hiện không giống với suy nghĩ, lập tức ta khó chịu. Ta thất vọng khi tình làng nghĩa xóm sứt mẻ do so sánh người được từ thiện ít - người thì nhận được nhiều; ta chẳng cam lòng khi thấy sao mình giúp họ mà họ chẳng biết ơn; ta buồn khi giúp mãi cũng chẳng thấy họ tốt lên - năm này qua năm khác cứ dậm chân tại chỗ…
Khi làm từ thiện đơn thuần chỉ là cảm xúc thì ta cũng dễ bị cảm xúc cuốn đi. Lúc họ vui vẻ được nhận - ta hạnh phúc vì được cho đi; lúc họ bất như ý dù được nhận - ta lập tức cảm thấy nỗ lực của mình chẳng xứng đáng.
Thương thôi chưa đủ, thương phải đi kèm với trí tuệ. Bởi nếu tình thương mà thiếu trí tuệ thì 50% khả năng rơi vào mù quáng. Chưa chắc là giúp đỡ, có khi chính là hại họ: khiến họ ỷ lại, khiến họ sân si, khiến họ cứ sống trong chờ đợi được giúp đỡ. Tình thương là viên ngọc quý, tình thương đặt đúng chỗ sẽ trở thành viên kim cương vô giá.
Từ thiện là để tạo phước cho mình
Thường thì ai cũng muốn nhiều phước vì vậy nhiều người khởi tâm từ thiện vì muốn hồi hướng công đức cho người thân hoặc tích phước cho mình. Ta mong rằng khi làm việc tốt, đưa tay ra giúp người thì mình sẽ nhận được những điều tốt lành như: sống thọ, khỏe mạnh, gặp may mắn, mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, chuyển được nghiệp xấu sang nghiệp tốt lành…
Tất cả những hành động thiện nguyện đều quý giá và đáng ghi nhận. Nhưng nếu tâm mong cầu nhận lại của ta quá lớn thì tâm từ bị thu hẹp lại. Xây một điểm trường cho các em nhỏ miền núi, ta muốn họ tạc tên ta lên tấm bia để đời đời biết đến công lao của ta; ta phát quà trung thu cho những đứa trẻ mồ côi, ta phải chụp nhiều ảnh up facebook để người người ca tụng; thậm chí có những cá nhân, tổ chức làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, tăng uy tín của mình trên thương trường…Đúng là nhìn sơ, ta tưởng phước nhưng nhìn sâu ta đã làm với tâm trong sáng chưa? Chưa kể phước là hưởng lợi báo đáp bên ngoài, ta xài nhiều sẽ hết.
Hoặc đôi khi góp tiền từ thiện cho một cá nhân, tổ chức khác, ta chẳng tìm hiểu kỹ vì nghĩ mình từ thiện phước mình, họ có trao tận tay người cần hay không là nghiệp của họ. Nếu ta làm với một tâm thái hời hợt, chẳng may gặp phải trường hợp trục lợi từ thiện, thì dường như chính ta đang gián tiếp góp phần tăng trưởng điều xấu ác. Nhận thức vậy không phải để dừng việc thiện nguyện, để hoài nghi tất cả việc làm tốt, mà mong mỗi chúng ta khi đưa tay ra giúp đỡ hãy luôn tận tâm và tỉnh táo, mong mỗi hành động tử tế dù nhỏ cũng trở nên ý nghĩa nhất.
Từ thiện, cũng có đôi khi bắt nguồn từ người vì làm việc sai quấy rồi thiện nguyện với tâm mong cầu giải trừ nghiệp xấu. Nếu ta làm vì sợ nhân quả, làm để đổi lại điều tốt đẹp cho mình, làm để thấy mình cao hơn người khác, thực chất ta đang nuôi dưỡng tham sân si. Tất nhiên so với việc không làm gì thì giúp đỡ người khác với mục đích nào cũng vẫn tốt hơn cả.
Vậy thì đã hướng thiện rồi sao không hướng thượng hơn?
Từ thiện là cho đi vô điều kiện
Theo quan niệm của Đạo Phật, nếu ta làm từ thiện với tâm mong cầu, ta vẫn có phước nhưng phước báu nhỏ hơn so với việc cho đi vô điều kiện, không có sự toan tính, so đo.
Tại sao lại như vậy? Mong cầu nghĩa là ta còn tham, còn tham thì còn phiền não. Bản chất của từ thiện, cúng dường, bố thí, cho đi là để giảm bớt những bất tịnh trong ta (tham lam và ích kỷ). Khi ta làm từ thiện với tâm thương xót con người và tình thương ấy được đặt đúng chỗ, tâm được tưới tẩm bằng tình yêu thương bao la, khi đó phước đức vô lượng.
Nếu làm từ thiện với suy nghĩ “nhờ mình mà bao người được cứu vớt”, “họ phải biết ơn mình” thì ngay thời điểm ấy bóng tối đã bao trùm. Đó không chỉ là tâm mong cầu mà còn là cảm giác mình là kẻ ban ơn, bề trên, tự thổi phồng cái tôi của mình.
Vậy thì từ thiện như thế nào là để đảm bảo lợi mình - lợi người?
Làm từ thiện đúng nghĩa, đảm bảo 4 yếu tố:
Làm với tình yêu thương vô điều kiện: Tình thương con người và muôn loài chính là động lực để ta làm từ thiện một cách trong sáng, không vụ lợi. Làm vì sự tử tế trong ta thôi thúc, chứ không phải để “đối chác” lấy một lời ca tụng, cốt để được nhận về một giá trị khác tương đương.
Làm với trí tuệ sáng suốt: Nghĩa là sự cho đi của mình nên đúng người, đúng thời điểm, đúng chỗ. Cân nhắc cách giúp để họ không dậm chân tại chỗ và suy xét những sự giúp đỡ càng giúp càng khiến họ thụt lùi. Muốn vậy ta cần quan sát đa chiều, tự soi sáng qua nhân quả gần - nhân quả xa.
Làm một cách tự nguyện: Hành động của mình xuất phát từ tâm, chứ không phải do ai ép buộc hoặc thấy người khác làm, mình vì không muốn lạc lõng nên cũng làm theo.
Làm không vì lợi ích riêng: Từ thiện không nên là nơi đánh bóng tên tuổi, tăng uy tín bản thân, trục lợi hoặc mong cầu mình sẽ nhận được nhiều phước. Dù làm từ thiện cũng rất tốt rồi nhưng nếu ta có thể tốt hơn thêm nữa (để tích đức), vậy càng đáng trân quý.
4 yếu tố này giúp ta làm từ thiện với tâm thái: Tùy thuận duyên - Tận nhân lực - xả ly quả. Nghĩa là ta nỗ lực cho đi nhưng không mong cầu nhận lại, không sân si nếu lỡ chưa được ghi nhận. Làm vì lẽ sống của ta là sống cống hiến, sẻ chia, phụng sự vô điều kiện.
Cuộc sống có một sự kì diệu, có lẽ không phải ai cũng nhận ra: đó là sự cân bằng giữa cho đi và nhận lại. Khi cho đi không mong được đền đáp hay nhớ công ơn, ta lại được nhận về rất nhiều. Đó là niềm vui, sự tin yêu của mọi người, sự thanh thản trong tâm hồn. Tựu chung đó là niềm hạnh phúc thật sự, giàu có thật sự, bình an thật sự.
Vậy cho đi có điều kiện thì có nhận về được gì không? Có nhận về nhưng đi kèm đôi khi sẽ là phiền não, là bất như ý. Cho đi như thế nào là cách ta lựa chọn, nếu không nhận được gì thì cũng ĐƯỢC CHO ĐI.
Lời kết
“Cuộc đời này ngắn lắm
Đừng bận lời thị phi
Thấy điều chi có ích
Lặng lẽ làm rồi đi”
Hạnh phúc của sự cho đi là khi: Người cho không hề nhớ đến và người nhận không hề quên đi. Khi chúng ta cho đi một điều gì đó, không quan trọng giá trị to hay nhỏ, quan trọng là xuất phát từ trái tim. Khi cho đi không vì lợi ích cá nhân thì cái gì cũng quý giá.
—-----------
Nội dung: Nhàn Lý - Học viên Content 3 gốc khóa 1
Biên tập: Liên Thanh - Admin lớp Content 3 gốc & Viết hiểu mình
Hình ảnh: Trung Căn Bản
Комментарии