Covid-19 đi qua vẫn còn những dư âm chưa dứt thì ngay sau đó là động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ lại khiến cả thế giới bàng hoàng, đau xót. Trước đống đổ nát khổng lồ, con người bất lực nhìn bao sinh mạng bị chôn vùi để rồi than trách “Sao mẹ thiên nhiên nỡ nổi giận với người vô tội?”.
Nhưng ta đã bao giờ suy ngẫm lại, nguyên nhân nào khiến mẹ Trái Đất - người vốn dịu dàng, bao dung, luôn nâng đỡ mọi thứ lại có lúc gay gắt đến vậy. Blog 3 Gốc mời độc giả cùng đi tìm nguyên nhân và giải pháp cho thắc mắc trên thông qua bài chia sẻ dưới đây nhé!
MỤC LỤC
4. Kết luận
1. Khi Đất Mẹ thiên nhiên nổi giận
Thực ra không phải Đất Mẹ nổi giận, mà đúng hơn là Người đang lên tiếng chỉ cho chúng ta nhân quả mà ta đã gieo rắc trên hành tinh này.
Chỉ sau khi cái cây cuối cùng bị đốn xuống, chỉ sau khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc, chỉ sau khi con cá cuối cùng bị đánh bắt, thì chúng ta mới biết được rằng chúng ta không thể ăn được tiền
(Trích Bức Thư Của Người Thủ Lĩnh Da Đỏ Gửi Tổng Thống Mỹ)
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mang lại của cải vật chất giúp con người sống tiện nghi, sung túc, xa hoa hơn. Để có được thành tựu to lớn đó con người đã vô tình quên đi Đất Mẹ. Người đã thai nghén, sinh ra và nâng đỡ cả nhân loại.
Con người đã bất chấp mọi thứ để rút cạn nguồn năng lượng, sức sống của Đất Mẹ. Họ phá rừng, khai thác khoáng sản để làm nguyên liệu cho những tham vọng không có điểm dừng. Họ lao theo mục tiêu mà quên mất món quà quý giá mà Đất Mẹ-Cha Trời đã ban tặng từ thuở hoang sơ.
Lá phổi xanh bên ngoài càng trong lành bao nhiêu, thì lá phổi bên trong mỗi con người cũng như vậy. Đất mẹ càng oằn mình, càng đau đớn rồi đến một ngày con người cũng sẽ lãnh chịu hậu quả như một lẽ tất nhiên.
Một thống kê đã chỉ ra rằng: Trong khoảng 100 năm gần lại đây, con người đã tàn phá thiên nhiên bằng 1000 năm trước đó cộng lại. Những hậu quả rõ rệt trở thành vấn đề lớn của toàn cầu khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm:
Thiên tai liên miên với động đất, sóng thần, lũ lụt khiến không chỉ con người mà muôn loài đều khốn cùng.
Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải nhựa khó phân hủy, nước thải và những ống khói đen đặc từ nhà máy xí nghiệp vẫn nghi ngút bay lên bầu trời mỗi ngày mỗi giờ…
Bệnh tật và đau khổ: Ung thư trở thành vấn đề nhức nhối. Ngày càng xuất hiện nhiều căn bệnh lạ; thậm chí nhiều đứa trẻ mới chào đời đã không may mắn có được một cơ thể khỏe mạnh và lành lặn; nhồi máu cơ tim và đột quỵ trước đây chỉ xuất hiện ở người cao tuổi nhưng giờ đây không còn loại trừ đối tượng nào...
Sau khi hứng chịu nhiều cơn thịnh nộ của thiên tai, chúng ta mới chợt dừng lại để suy ngẫm.
Có phải chăng thành phố hiện đại với những ngôi nhà chọc trời, tiền đầy túi, xe đầy xăng, điện thoại xịn đầy pin có thật sự an toàn như ta vẫn nghĩ. Có phải chăng ánh điện lung linh, phố xá tấp nập với làn xe cộ sang trọng là minh chứng cho một nền văn minh phát triển. Có phải chăng sự tiện nghi là điều kiện tiên quyết để có một cuộc sống hạnh phúc.
Ngẫm lại chúng ta sẽ thấy dường như không đúng.
Con người đã bị mê mờ bởi ý nghĩ mình là bá chủ thế giới, là trung tâm của vũ trụ. Cho nên chúng ta cho phép mình cái quyền được mang vinh quang đến cho nhân loại bằng cách giẫm đạp lên sự bình yên nguyên thủy của đất mẹ?
Đất Mẹ đau thương nên Đất Mẹ sẽ nổi giận, và không ai có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực này. Càng nhiều nhà máy, xí nghiệp thải những cụm khói đặc đen lên trên bầu trời, thì sẽ càng có nhiều người dần trở nên khó nhọc trong từng hơi thở. Càng xả rác bừa bãi ra biển, ra sông hồ, thì rồi một ngày nào đó vòng luân chuyển tự nhiên cũng sẽ mang những chất độc hại đi qua thực phẩm bạn ăn mỗi ngày.
Đất Mẹ là môi trường sống của chung loài người, khi Đất Mẹ đến lúc dạy cho con người bài học, thì tất cả chúng ta đều cộng nghiệp chung để nhận lãnh điều đó.
You think you own whatever land you land on
The earth is just a dead thing you can claim
But I know every rock and tree and creature
Has a life, has a spirit, has a name
----------
Con người nghĩ họ làm chủ bất kỳ vùng đất nào mà họ đặt chân đến
Bạn nghĩ Trái Đất như vật vô tri mà con người đang sở hữu
Nhưng bạn đâu biết mỗi hòn đá, nhánh cây, và sinh vật
Chúng đều có cuộc sống, linh hồn và một cái tên
“Trích lời bài hát Colors of the Wind”
2 . Dọn sạch 3 loại rác từ TÂM
Có khi nào bạn tự hỏi “Tại sao thật phí khi một chiếc túi ni lông chỉ được sử dụng một lần, trong khi việc tạo ra và phân huỷ cần rất nhiều thời gian?".
Có khi nào bạn lại đặt câu hỏi “Những món đồ trong gia đình, rồi quần áo, giày dép… khi bạn bỏ đi ra khỏi ngôi nhà thì chúng sẽ đi về đâu không?”.
Chúng không thể nào biến mất vô hình được. Bạn bỏ chúng ra khỏi ngôi nhà đồng nghĩa với việc sẽ cần một không gian khác để chứa đựng chúng. Có thể đó là một ngôi nhà khác, có thể là bãi rác, hay có thể là có thể là một dòng sông, hay một bờ biển... Một không gian khác nhưng vẫn là trong lòng Đất Mẹ.
Khi bạn tự đặt được cho mình những câu hỏi như trên, một lẽ dĩ nhiên bạn bắt đầu nhìn lại chính mình. Ngay giây phút đó, bạn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi. Chính mình, chính mỗi cá nhân chứ không phải ai khác là người có thể làm điều này cho môi trường. Đừng chờ đợi một giải pháp nào quá to lớn, Đất Mẹ chỉ cần mỗi người nhìn vào tâm của chính mình để loại bỏ những điều sau đây.
2.1 Tham muốn “vơ vét” thứ tốt nhất cho mình
Lòng tham biểu hiện từ nhỏ đến lớn, từ những thứ đơn giản đến những thứ phức tạp. Lòng tham rất vi tế.
Trong xã hội hiện nay, không ít những người ham muốn, tôn sùng chủ nghĩa vật chất, sẵn sàng làm mọi việc để thỏa mãn những ham muốn vật chất của mình. Lối sống thực dụng, đầy tham vọng, coi đồng tiền và các tiện nghi vật chất là trên hết.
Chính chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa khoái lạc, coi thường giá trị sự sống đã gây ra các thảm họa và hủy diệt môi trường. Vì ham muốn sử dụng những thứ tốt nhất cho mình, mà con người liên tục phát minh ra hết những thứ này đến thứ khác.
Một món đồ còn dùng được nhưng ta vẫn thích bỏ đi và thay thế bằng món khác mà mình yêu thích hơn. Sự lãng phí này không chỉ về mặt tiền bạc, mà nó còn là gánh nặng cho môi trường. Đó là một vòng luân chuyển: Khi bạn bỏ đi đồng nghĩa bạn thải ra môi trường; khi bạn mua món đồ mới thì nhà máy phải dùng nguyên liệu từ môi trường để sản xuất ra món đồ đó cho bạn.
Thiên nhiên vừa bị mất đi phần tài nguyên nằm sâu bên trong lòng đất, tận sâu bên trong nó đang dần trống rỗng. Còn trên bề mặt Trái Đất ngày càng bị bao phủ bởi bão rác. Đó là một nghịch lý đang tồn tại hiện nay như một lẽ hiển nhiên.
Có cầu thì mới có cung, có tiêu thụ thì mới có sản xuất. Tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ lòng tham, mong muốn từ thô đến vi tế, tầng tầng lớp lớp của con người mà ra.
Hay như có những người không có nhu cầu, nhưng sống trong một xã hội mỗi phút lại phát sinh ra một nhu cầu mới, những nhu cầu mới len lỏi vào truyền thông, quảng cáo. Từ người không có quá nhiều mong muốn, bạn cũng bắt đầu học cách trở nên mong muốn nhiều hơn theo tiêu chuẩn xã hội.
Một người, hai người, thêm nhiều người thành một cộng đồng. Thêm nhiều cộng đồng lại ra xã hội, nó tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, làn sóng tưởng chừng như vô hình nhưng lại lan truyền đi khắp thế giới. Một xã hội tồn tại với quá nhiều mong muốn thì thử hỏi Đất Mẹ phải chịu đựng đến bao giờ.
2.2 Cuộc chạy đua “thể hiện đẳng cấp”
Chúng ta đang sống trong cuộc đua thể hiện đẳng cấp theo từng bậc, nhưng bậc thang này không có điểm cao nhất. Mỗi bước đi lên bậc thang được đong đếm bằng món đồ ngoài thân như quần áo, trang sức, thiết bị điện tử, xe cộ; cho đến những món đồ cao hơn như nhà cửa, hạng mục đầu tư; trừu tượng hơn nữa là chồng, là con, là quyền lực, danh tiếng, địa vị xã hội.
Để phục vụ cho việc thể hiện đẳng cấp qua những thứ hữu hình hay vô hình. Chúng ta sẽ có thói quen nghiện mua sắm, cố đạt được những thứ mà mọi người đang có. Lòng tự tôn bị bóp nghẹt, chỉ còn lại những chiếc mặt nạ vô hình để so sánh lẫn nhau.
Chúng ta đánh mất giá trị tốt đẹp bên trong. Chỉ còn lại nhu cầu hưởng thụ, cố vơ vét mọi thứ bên ngoài. Và lặp lại một điều cũ là xã hội phải sản xuất, phải khai thác tài nguyên nhiều hơn, chỉ để đáp ứng cho một nhu cầu được định danh là ai đó trong xã hội này.
Làm sao để thoát khỏi đường đua hưởng thụ vô bờ này?
Giá như ai cũng có thể nhận ra rằng: mọi thứ hơn thua rồi cũng phải buông bỏ bởi quy luật vô thường không trừ một ai. Danh vọng rốt cuộc chỉ là thứ nằm ngoài thân, vật chất rồi cũng tiêu biến, chỉ còn giá trị về tinh thần ở lại.
Một kiếp không tu muôn kiếp khổ
Một đời không ngộ vạn đời sầu
Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ
Thong dong tự tại vậy mà vui.
2.3 Thiếu tỉnh thức trong nhận thức và hành vi
Đôi khi vì danh vọng, vì lợi ích vật chất mà tâm trí con người bị che mờ. Biết hậu quả nhưng vẫn làm ngơ, vẫn mặc kệ, miễn là mình có lợi vì cha chung thì không ai khóc.
Khai thác khoáng sản - xẻ thịt đất mẹ: Để thu về cho mình một khoản lợi nhuận khổng lồ, các công ty khai thác khoáng sản đã và đang xẻ thịt đất mẹ không thương tiếc. Họ bất chấp hậu quả hàng nghìn cánh rừng đất đai bị tàn phá, môi trường sống của các sinh vật, dòng chảy của các con sông, lở đất, nhiễm mặn và biến đổi sinh thái đang gặp nguy hiểm.
Các công trình thủy điện: Thủy điện là phương thức sản xuất năng lượng sạch, ít tốn kém và hiệu quả. Tuy nhiên nếu không đánh giá tác động môi trường một cách cẩn thận, chi tiết, khách quan cũng sẽ làm mất cân bằng sinh thái, gây nhiều hậu quả như lấn chiếm rừng, làm ngập rừng, lũ quét, sạt lở đất, suy giảm độ che phủ rừng, thảm thực vật và nhiều hậu quả khác do thủy điện gây ra.
Đánh bắt thủy hải sản - rút ruột mẹ đại dương: Vì tham hưởng thụ các món hải sản ngon miệng cũng như lợi nhuận mang lại mà con người không ngần ngại rút ruột mẹ biển. Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp can thiệp, nhiều loài hải sản quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của con người sẽ biến mất khỏi đại dương trong 40 năm tới.
Các hoạt động nông nghiệp không bền vững: Nguồn nước sông suối bị nhiễm hóa chất do phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật bị rửa trôi từ các cánh đồng. Ngoài ra, ngành công nghiệp chăn nuôi quy mô lớn với hàng trăm ngàn con gia súc đang thải ra một lượng khổng lồ các loại khí thải chưa qua xử lý từ phân của chúng. Các khí này cũng góp công trong việc làm Trái đất nóng lên.
Nạn phá rừng: Với tốc độ phá rừng như hiện tại, các nhà khoa học ước tính khoảng 100 năm nữa, toàn bộ rừng trên trái đất sẽ biến mất. Mất rừng cũng như mất đi lá phổi, không còn đủ cây xanh để hấp thụ khí thải, chuyển hóa không khí. Không còn rừng cũng đồng nghĩa với việt mất đi hàng rào che chắn và bảo vệ, dẫn đến các thảm họa xói mòn và lũ lụt ngày một nghiêm trọng. Tài nguyên thiên nhiên bị con người khai thác cạn kiệt dẫn đến thay đổi hệ sinh thái, khiến cho một số loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ý thức, hành động từng cá nhân, gia đình: Mỗi ngày mình mang bao nhiêu rác thải về nhà? Bất kể là mua một món đồ gì, dù to lớn hay nhỏ bé nó đề đều được bỏ vào túi nilon. Ống hút, ly nhựa xả ra đầy rẫy trong các quán ăn, quán nước. Sau mỗi bữa tiệc dù lớn dù nhỏ thì mẹ thiên nhiên lại ôm vào mình bao nhiêu là rác. Tất cả những gì chúng ta không thích nữa thì đều trở thành rác.
Vậy đấy, chúng ta có thể thay đổi thế giới bằng rất nhiều phát minh và hành động. Chúng ta tự hào mình thông minh, mình là trung tâm vũ trụ, mình là bá chủ thế giới nhưng vai trò của chúng ta với hành tinh này như thế nào? Chúng ta đang giữ gìn muôn loài hay phá hoại muôn loài? Với sự phát triển như hiện nay thì 100 năm nữa, trái đất chúng ta sẽ đi đâu về đâu?
3. Giải cứu Trái Đất hay giải cứu Lòng Người?
“Nếu trái đất bị hủy diệt thì do loài nào gây ra?”
Tất cả hậu quả đều bắt nguồn từ con người, vậy thì để giải cứu Trái Đất trước tiên chúng ta cần khẩn thiết giải cứu lòng người bằng những giải pháp cụ thể dưới đây:
3.1 Nhận thức về tình trạng của Đất Mẹ và những điều nên làm
Mỗi chúng ta cần nhận thức rằng không có gì là vô hạn, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Đất Mẹ đang trao cho chúng ta cũng vậy. Ý thức rõ điều này để ta không tiếp tục khai thác thiên nhiên, tàn phá Đất Mẹ trong vô minh nữa.
Vốn dĩ con người và muôn loài tồn tại trên hành tinh đều có sự tương sinh và tương hỗ. Vạn vật đều muốn sống bình an, thuận hòa không ai muốn đau đớn, bị xâm phạm.
Một khi trân trọng tài nguyên Đất Mẹ, chúng ta sẽ tìm ra các phương thức sản xuất mà không hủy hoại thiên nhiên, đồng thời sử dụng tiết kiệm mọi nguồn năng lượng. Thay vì dẫm đạp lên nhau để tồn tại, ta cần nâng đỡ, tương hỗ và tôn trọng luật tự nhiên như nó vốn có.
Nhận thức Trái Đất quá nhiều tổn thương, một số việc mỗi chúng ta có thực hiện đó là:
Trồng nhiều cây xanh
Không lạm dụng bao bì nilon, đồ nhựa để sử dùng một lần
Sử dụng nguồn tài nguyên tiết kiệm, tái sử dụng đồ dùng vẫn còn tận dụng được
Lan tỏa lối sống xanh đến người thân, bạn bè
Bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ ngôi nhà, bảo vệ cha mẹ và dòng tộc của chúng ta. Không phải ai cũng làm được những việc lớn lao nhưng đều có thể bắt đầu từ những việc nhỏ bằng một tình yêu lớn.
3.2 Nuôi dưỡng lòng biết ơn với đất mẹ
Trái Đất là ngôi nhà và là Mẹ của chúng ta. Nhưng chúng ta luôn coi tình thương ấy là hiển nhiên nên ít khi biết trân trọng những gì mình nhận được. Đã đến lúc ta cần học cách biết ơn, hạnh phúc với những gì vẫn đang hiện diện xung quanh mình.
Hãy biết ơn những chiếc lá xanh vẫn đang quang hợp mỗi giây phút để thải ra lượng Oxy cho con người và muôn loài hít thở, duy trì sự sống
Hãy biết ơn nguồn thức ăn dồi dào và vô giá mà thiên nhiên ban tặng
Hãy biết ơn mặt đất nâng bước ta mỗi khoảnh khắc hiện diện trên cuộc đời
Hãy biết ơn nguồn nước, ánh mặt trời, dòng sông, biển cả…tất thảy những gì xung quanh ta.
Lòng biết ơn đất mẹ sẽ giúp ta có những hành động đúng đắn, mang lại lợi lạc không chỉ cho bản thân mà còn là hệ sinh thái đa dạng và phong phú trên hành tinh này.
3.3 Sống biết đủ, chan hòa với thiên nhiên và muôn loài
Trong lịch sử đã có nhiều nền văn minh bị tiêu diệt. Nếu chúng ta cứ tiếp tục sống thiếu hiểu biết với lòng tham vô đáy thì nền văn minh hiện tại của chúng ta cũng sẽ bị hủy diệt trong một ngày không xa. Chúng ta phải chấp nhận sự thật để biết cách sống đúng đắn hơn. Đến khi nào trong tương lai Trái Đất và con người có sự hiểu biết và tình thương lẫn nhau. Khi đó con người sẽ sử dụng khoa học hiện đại để cứu hành tinh chứ không phải là sự hủy diệt.
4. Kết luận
Điều quan trọng nhất để CỨU TRÁI ĐẤT chính là GIẢI CỨU LÒNG NGƯỜI. Lòng tham có thể giúp ta trở thành bá chủ thế giới nhưng có nghĩa gì khi Trái Đất bị huỷ diệt.
Vì vậy thay vì phá hoại hãy là đồng minh cùng Đất Mẹ, để nâng đỡ, gìn giữ muôn loài. Buông bớt Tham - Sân - Si, mỗi người đi theo con đường của Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị lực để sống chan hoà với người, với thiên nhiên. Mẹ nâng đỡ ta - ta biết ơn mẹ, mẹ che chở ta - ta vun trồng và gìn giữ môi trường. Đó quả là một tương lai tươi sáng cho nhân loại.
Nếu bạn có thêm những giải pháp tử tế để giúp trái đất thêm xanh, hãy chia sẻ với blog 3goc.vn tại đây bạn nhé!
Nội dung: Tuyết Tĩnh Tâm - Học viên Content 3 gốc
Biên tập: Nhàn Lý
Comments