top of page

Giao tiếp, vì sao cần thiết?

Updated: May 30

Giao tiếp là chìa khóa để mỗi chúng ta chạm vào con tim của ai đó. Khi có thể đào sâu vào bên trong và thấu hiểu chính mình, ta dễ dàng “đọc vị” nội tâm và thuyết phục người khác.


Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết cách nói và viết sao cho hiệu quả; không phải ai cũng nhận ra nguyên nhân mình nói rất nhiều nhưng đọng lại trong tâm trí người chẳng được bao nhiêu;...


Blog 3 gốc mời bạn cùng suy ngẫm về chủ đề GIAO TIẾP để hiểu vì sao giao tiếp rất cần, vì sao ta càng nói càng xa, làm sao để nói cho phục và rèn luyện như thế nào để hiệu quả trong bán hàng, quản lý nhân sự hoặc trong kết nối với người thân hàng ngày, bạn nhé!


Mục lục





Giao Tiếp - Vì Sao Rất Cần?

Một hoạt động mà con người làm mỗi ngày là giao tiếp, để thấu hiểu, trao đổi thông tin, thiết lập mối quan hệ và hoàn thành trách nhiệm cuộc sống. Và khi đối thoại trên các vai trò khác nhau, chúng ta không ngừng thuyết phục người khác hiểu, tin và chấp nhận ý kiến của mình.


Cha, Mẹ thuyết phục con cái nghe lời vì tương lai tươi sáng.

Lãnh đạo thuyết phục Nhân Viên tin vào tầm nhìn phát triển vì sự sống còn của doanh nghiệp.

Người bán thuyết phục Khách Hàng tin vào chất lượng sản phẩm để nhanh chóng chốt đơn.

Giao Tiếp - Càng Nói Càng Xa!

Tuy nhiên, hành động thiết yếu, gần gũi như vậy lại là nguyên do dẫn đến phần lớn sự đứt gãy và mất kết nối trong cuộc sống. Thay vì xây dựng được một sự đồng nhất về góc nhìn và niềm tin, không ít lần chúng ta lại đẩy mọi người ra xa hơn, khiến họ chán ngán, mệt mỏi và đề phòng khi mình cất giọng. Các mối quan hệ cũng dần trở nên khô cứng, gượng gạo, mất đi sự chân thành.


Nhìn lại ý nghĩa giao tiếp và thực trạng rất nhiều người đang trải qua, vì sao nên nỗi? Vì sao chúng ta không thể có được sự kết nối như mình mong muốn? Vì sao chất lượng cuộc sống của chúng ta cứ giảm dần đều như chất lượng các mối quan hệ?

Một góc nhìn của riêng mình thì bởi vì, chúng ta đã quá quen nói “điều mình muốn” thay vì “điều người khác cần nghe”.





Nói bằng thói quen, áp đặt suy nghĩ

Quan sát một chút, “nói” giao tiếp bằng ngôn từ hay phi ngôn từ là OUTPUT - một hành động hướng ra bên ngoài và mang lại sự ảnh hưởng đến người khác, dù là chủ ý hay vô tình. Và muốn truyền tải, cho đi những thông điệp chất lượng, đòi hỏi phải không ngừng “nạp dữ liệu” để trau dồi vốn từ, kiến thức và quan trọng nhất là tư duy. Bởi lẽ, giao tiếp là cách thức để diễn đạt những điều mỗi người nghĩ.


Nhưng thực tế thì ngược lại, chúng ta vẫn thường “nói” bằng thói quen, bản năng và định kiến mà hiếm khi phản tỉnh lại những điều mình đang trao đi. Dần dà, những lối mòn tư duy đó khiến chúng ta có xu hướng “áp đặt” khi giao tiếp. Để rồi, khi lời nói đã không còn hiệu nghiệm, những “vũ khí” khác như độ tuổi, vai vế, chức vị, bằng cấp, danh hiệu, kinh nghiệm,... được mang ra để tăng “sức nặng” cho lời nói lại vô tình tạo nên sự "xa cách" trong mối quan hệ.


Nói không thấu hiểu, khổ ta mệt người

Liệu rằng siêng đọc, chăm tìm hiểu và chủ động tiếp nhận nhiều thông tin chất lượng thì có giúp lời nói có sức hút hơn không? Ừ thì cũng chưa chắc.


Ví dụ, như khi nhận thấy đứa bạn thân tham gia vào một vụ làm ăn rất rủi ro, bạn lập tức can ngăn, dùng những dẫn chứng sắc bén cùng kiên trì khuyên nhủ để giúp bạn mình “tỉnh ngộ”. Cứ tưởng đã thành công trong vai trò "quân sư", nhưng đứa bạn chẳng những không nghe mà còn "block", quay lưng và nghỉ chơi mình.

Đôi khi, việc tốt nhất chúng ta cần làm không phải là cứ bám vào luận điểm hay góc nhìn của mình.





Như câu chuyện ở trên, nếu chậm lại một nhịp, bạn có thể hiểu ra, người bạn thân đâm đầu vào công việc kinh doanh bất chấp bởi vì đã quá mệt mỏi bởi cái nhìn coi thường của gia đình. Vậy nên, người bạn đó mới quyết tâm tìm kiếm một cơ hội để chứng minh bản thân như vậy. Và cứ nghĩ đứa bạn chí cốt sẽ ủng hộ và cho mình lời khuyên. Ai ngờ đâu chỉ nhận lại những lời đắng cay và phản bác!

Đôi khi, chúng ta chỉ cần chậm lại một nhịp, quan sát điều người mình yêu quý cần để có có cách tiếp cận khéo léo hơn.


Lời hay mà nói khó nghe - Nhọc tâm tốn sức chẳng mang lợi gì

Sau cùng, một lý do chính để những quan điểm, góc nhìn và gửi gắm không chạm đến nhau vì cách thức truyền tải. Bạn có một góc nhìn đa chiều và thực tế, bạn cũng đủ hiểu điều mình yêu quý trăn trở nhưng mỗi lần bạn nói thì lại mang đến sự lặng thinh bởi câu từ lạnh lùng, thái độ lấn át hay giọng điệu buồn ngủ, khiến mỗi lần nói là có tác dụng “dập tắt mọi câu chuyện”. Giống như một món ăn ngon mà được đóng gói sơ sài, cẩu thả và không hấp dẫn cũng đem đến cảm giác không tốt cho người nhận. Hay dùng "tuyệt chiêu" mà “vận công” không đúng cũng dễ bị “tẩu hoả nhập ma”.


Giao Tiếp - Nói Sao Cho Phục?

Suy ngẫm về quá trình giao tiếp sao cho hiệu quả, tạo dựng mối quan hệ êm đẹp thì chẳng đơn giản chút nào! Bản thân mình cũng đã và đang trải qua không ít trăn trở trong quá trình kết nối với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè; không ngừng đi tìm lời giải cho những bất đồng gặp phải.





Đến hiện tại, sau khi trải nghiệm hơn 7 năm với lĩnh vực nhân sự và giao tiếp với hàng ngàn người, mình nhận thấy bí quyết thuyết phục người khác cũng tương đồng với các bước “marketing” cho một sản phẩm, BIẾT - THÍCH - TIN - MUA.


Để phù hợp hơn với quá trình đối thoại, mình “chuyển ngữ” 4 bước trên thành CỞI MỞ - LẮNG NGHE - TIN TƯỞNG - THUYẾT PHỤC. Và chúng ta thường thất bại khi thuyết phục ai đó bởi vì không đi tuần tự từng bước mà cứ vội đòi hỏi người khác phải chấp nhận ngay mọi điều mình nói.


1. Trước hết là dùng ngôn từ, cử chỉ và biểu cảm phù hợp để mỗi người biết về nhau và có ấn tượng tốt ban đầu. Dần dà mới tạo dựng được sự kết nối, cởi mở giãi bày suy nghĩ bên trong. Hẳn nhiên, bạn sẽ ngại chia sẻ góc nhìn riêng với những người xa lạ hay chẳng muốn trò chuyện với một người mang cái nhìn dò xét với những điều mình nói ra, phải không nào!?


2. Sau khi đã thiết lập được một “không gian” an toàn để chia sẻ, chúng ta cần không ngừng lắng để "nghe", để hiểu được về nền tảng, tính cách, mong đợi của người mình đang giao tiếp, xác định “ngôn ngữ” phù hợp cho cuộc trao đổi. Dựa trên những thông tin thu lượm được, chúng ta có thể điều chỉnh linh hoạt để cuộc trao đổi đến từ sự thích thú sẻ chia từ mọi người thay vì đi vào ngõ cụt chỉ có người nói, người nghe. Một tình huống thường thấy khi không đủ lắng nghe là mỗi người chỉ nói cái mình muốn, theo cách của mình. Dẫn đến vấn đề không được giải quyết mà chỉ làm căng thẳng hơn.


3. Khi quá trình giao tiếp dần đi vào chiều sâu và mọi người tích cực chia sẻ góc nhìn, việc tiếp theo là bạn cần dùng sự hiểu biết, trải nghiệm thực tế cùng góc nhìn đa chiều để xây dựng lòng tin cho người nghe về ích lợi của quan điểm, sản phẩm, góc nhìn của mình. "Nói có sách, mách cũng phải có chứng" chứ cứ nói bằng cảm nhận cá nhân “tôi cảm thấy thế…”, “anh cho là vậy…”, thì khó mà lay chuyển được niềm tin sắt đá bên trong mỗi người.


4. Và trong suốt quá trình truyền thông, chúng ta phải "tỉnh", phải luôn “lắng nghe” trạng thái năng lượng, ngôn từ của bản thân và sự đón nhận của người mình giao tiếp để biết chắc mình mang đến giá trị tích cực, để biết điều mình đang truyền tải đang thực sự len lỏi được vào bên trong suy nghĩ của người nghe. Mình từng chứng kiến đôi ba trường hợp nói ít còn "tỉnh", nói nhiều lại hăng quá nên dẫn chứng từa lưa, quay sang áp đặt rồi trách móc người khác. Như vậy thì chẳng khác nào "xe đang ngon trớn mà lại đâm đầu xuống vực".


Khi thực hiện đúng bốn bước CỞI MỞ - LẮNG NGHE - TIN TƯỞNG - THUYẾT PHỤC, chúng ta chẳng cần dùng “thủ thuật” đắc nhân tâm hay gồng mình chứng minh nữa mà người khác sẽ đón nhận những gì bạn truyền tải một cách tự nhiên, để “tự thuyết phục” bản thân họ. Vì họ tự biết, điều đó có giá trị với chính mình.





Giao Tiếp - Rèn Luyện Cách Nào?

Để thuần thục các bước trên cũng không phải chuyện dăm bữa mà đòi hỏi quá trình rèn luyện và không ngừng đối thoại với bản thân.


Trong nhiều cách, mình dùng cách viết để quán chiếu và phản tỉnh những trải nghiệm trong mỗi ngày sống. Thú thật, đầu óc mình không quá nhanh nhạy và không phải lúc nào cũng nghĩ ra được cách ứng xử phù hợp trong mỗi tình huống, dẫn đến những xích mích đáng tiếc trong cuộc sống. Trải qua nhiều lần mâu thuẫn hay mệt mỏi, mình viết lại để học cách viết thấu hiểu chính mình, mạnh ở đâu, yếu chỗ nào, cách mình truyền tải có vấn đề gì và những điều mình chưa làm được cho người khác, chưa đúng ý mình trong quá trình trao đổi. Bên cạnh đó, khi viết ra những trải nghiệm sau mỗi cuộc giao tiếp không như ý, mình hiểu nhiều hơn về tâm lý, về góc nhìn và mong đợi của mọi người xung quanh, một cách tự nhiên.


Và một giá trị mình nhận thêm từ viết là nâng cao được cách sắp xếp ý tứ, câu từ và lập luận của bản thân. Sau một quãng thời gian phản tư chính những câu từ viết ra, mình nhận thấy những thói quen chưa tốt trong quá trình truyền tải như câu từ còn dài, lập luận lan man và ngôn từ hơi cứng nhắc. Qua đó, mình tìm cách để chắt lọc, tổ chức và mài giũa sắc bén hơn những thông điệp muốn truyền tải.





Qua một thời gian thử và sai, trải nghiệm và đúc kết, dù chưa nói xuất sắc được như các diễn giả hàng đầu nhưng ngôn từ mình phong phú, cảm xúc ổn định và cách truyền tải được khéo léo hơn nhiều. Khi nói cùng “ngôn ngữ”, không áp đặt quan điểm và linh hoạt biến chuyển để kết nối với người nghe, mình nhận lại sự đồng thuận, tin tưởng nhiều hơn, dù hao tổn ít năng lượng hơn rất nhiều.


Đúc kết

Như một nhà tâm lý học nổi tiếng đã từng nói, khổ đau của con người trong đời sống phần lớn đến từ mối quan hệ giữa người với người. Chìa khóa để “mở khóa” những ràng buộc và dày vò trong mọi mối quan hệ chẳng ở đâu xa xôi cả, nó vẫn nằm đó, bên trong mỗi người, chờ được khám phá. Gần vậy nhưng không có nghĩa là dễ chạm đến. Bởi nó tùy thuộc vào bạn, có dấn thân vào chuyến độc hành quay vào bên trong để thấu mình, hiểu người hay không!


Chuyến đi dài sẽ đòi hỏi chút kiên nhẫn để lắng nghe, nhiều nỗ lực để đối diện những tổn thương và lối mòn tư duy đang che lấp chiếc chìa khóa mở ra cuộc đời an yên và đầy tỉnh thức của mình! Nhưng mình tin, nếu không bỏ cuộc, bạn sẽ tìm ra cách để sống cuộc đời giá trị, và nhiều yêu thương hơn.


Nội dung: Tấn Vinh - Học viên Content 3 gốc khóa 3

Biên tập: Khánh Vi - Nhàn Lý

Hình ảnh: Trang


48 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page