Gửi bạn đọc Blog 3 gốc: Khẩu Nghiệp là ý chung của nghiệp thiện và bất thiện. Trong giới hạn bài này blog 3 gốc xin phép chỉ nói về nghiệp bất thiện (vì đây là nghiệp chúng ta hay gặp phải). Và để phân biệt với nghiệp thiện, xin phép độc giả được gọi dưới tên KHẨU NGHIỆP GÂY HỌA nhé ạ!
*****
“Bệnh từ miệng mà vào. Họa từ miệng mà ra”
Một ngày chúng ta chỉ ăn 2-3 bữa nhưng nói thì những n lần. Có những ngôn từ khiến ta vui vẻ, tích cực, đưa ta lên tầm cao mới nhưng cũng có lời mang lại sự hằn học, khó chịu, tức tối, dìm ta xuống đáy vực sâu mà người đời vẫn gọi là khẩu nghiệp.
Làm sao để né tránh những lời không hay, để mọi cuộc giao tiếp sẽ giúp ích cho mình và mang lại tiếng cười cho người? Mời bạn cùng blog 3 gốc suy ngẫm về KHẨU NGHIỆP và cách để biến khẩu nghiệp thành KHẨU ĐỨC, bạn nhé!
MỤC LỤC
1. KHẨU NGHIỆP GÂY HỌA LÀ GÌ?
Mỗi khi vô tình nghe ai đó chửi thề, cãi cọ kịch liệt, bạn luôn có ý nhắc nhẹ họ “Đừng nói vậy, khẩu nghiệp đấy”. Lúc này bạn hiểu khẩu nghiệp là những nói ác ý, miệt thị, chửi rủa độc địa. Nhưng hiểu như vậy liệu đã đủ về khẩu nghiệp - một trong những nghiệp mà Phật giáo cho rằng là nghiệp nặng nhất và cũng dễ mắc phải nhất?
Giả sử bạn trong vai một cô gái thẳng thắn, cá tính, rất xinh và đang độc thân, cả năm bận rộn nên tết mới về thăm nhà đôi lần. Bạn chờ đợi những giây phút đoàn viên ấm cúng nhưng nhận về là một tràng “áp lực” vì cô, dì, chú, bác luân phiên “tra tấn” bằng những câu hỏi: “người yêu đâu?”, “bao giờ lấy chồng?”, “lương nhiêu?”. Buồn buồn, bạn “giải tỏa” bằng việc ăn nhiều, ngủ nhiều, kết quả sau tết bạn hơi mập bụng. Thấy bạn vậy, hàng xóm xì xào “ủa chưa chồng mà chửa à?”
Rồi em trai của bạn đi làm vất vả cả năm nên hơi gầy gò, đen nhẻm, mọi người thì thầm to nhỏ “Hay nó nghiện nhỉ?”
Bạn nghe thấy, dù không phải nghe tất cả nhưng bạn rất bức xúc.
Bạn hùng hổ đi tìm nguồn cơn để hỏi trực tiếp nhưng ai cũng trả lời “đâu, tao có được nói thế đâu” rồi sau đó đổ tội nhân vật A,B,C. Bạn đi tìm nhân vật A,B,C để hỏi thì nhận được câu trả lời “tao nghe từ đứa X, Y, Z…”
Trong cơn giận dữ bạn hét lên “Đúng là lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”
Những đối tượng “chém gió” kia nghe vậy quay ngược lại tức tối vì cho rằng bạn có quyền gì mà phán xét họ.
Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn, nhưng tạm dừng tại đây để suy ngẫm: từ những câu nói rất vu vơ, chất chứa sự tò mò ban đầu mà tạo nên một sự sân hận, khó chịu lan truyền từ người này sang người khác. Dư âm chưa biết bao giờ dứt dù bạn ở vị trí cô gái, người em hay những người hàng xóm A,B,C, X,Y, Z nọ. Đây được gọi là khẩu nghiệp gây họa.
Khẩu nghiệp là những hệ quả (có thể tiêu cực hoặc tích cực) được tạo ra từ lời nói. Do thói quen dùng từ, ta hay nghĩ khẩu nghiệp chỉ là những lời nói gây ra hậu quả không tốt nhưng thực tế khẩu nghiệp bao gồm cả những lời hay ý đẹp, những câu nói tích cực, tạo động lực trong cuộc sống hàng ngày.
“Cùng là một lời nói, có kẻ hàn huyên những câu chuyện phiếm, thêu dệt những lời thị phi, bới móc những lỗi lầm của người khác làm thú vui riêng mình.
Cùng là một lời nói, có kẻ dùng lời nói của mình để hàn gắn những tâm hồn đang bị tổn thương, để nâng đỡ những tâm hồn còn đang non dại.
Cùng là một lời nói, có kẻ đọc được vài kiến thức uyên thâm nhưng nói dối rằng đó là trải nghiệm của riêng mình, rồi ra sức tranh luận, đấu đá từ ngày này sang tháng nọ.
Cùng là một lời nói, có kẻ biết những sự thật cuộc đời, nhưng biết nói ra trong thời điểm này không thích hợp nên quyết tâm, bền chí giữ im lặng chờ đến ngày đủ nhân duyên.
Thanh Sarah
Khẩu nghiệp gây họa là những lời nói gây ra hậu quả không tốt do chính miệng mình tạo ra. Không chỉ bao gồm những lời cay đắng, miệt thị, ác ý mà còn bao gồm những lời nói khoác lác, “chém gió” vô nghĩa, lời nói dối, than vãn, phàn nàn, chỉ trích… Đây cũng là nội dung chính được đề cập đến trong bài viết này.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không tránh khỏi những phút giây tức tối, mất kiểm soát cảm xúc, những lúc như vậy sẽ khó tránh khỏi khẩu nghiệp. Còn những lúc hoan hỉ, vui vẻ ta có vô tình để khẩu nghiệp đeo bám mình?
2. 4 LOẠI KHẨU NGHIỆP GÂY HỌA RẤT DỄ MẮC PHẢI
Họa từ miệng mà ra.
Biết vậy nên ta rất ý thức né tránh, nhưng đôi lúc vẫn rơi vào những lùm xùm không đáng có bởi những câu nói từ trên trời rơi xuống. Điều gì khiến ta dễ va vào khẩu nghiệp vậy?
Dưới đây là 4 loại khẩu nghiệp gây họa trong đời sống, cùng xem xét để thấy mình dễ mắc phải loại khẩu nghiệp nào nhất bạn nhé!
2.1 Lời nói ác ý
Đây là dạng khẩu nghiệp rõ rệt nhất, cũng mang lại nghiệp nặng và cao nhất. Khi nhắc đến khẩu nghiệp ta hay nghĩ dạng lời nói này trước tiên. Lời nói ác ý bao gồm những lời miệt thị, chửi rủa độc địa, nguyền rủa cay nghiệt, độc ác nhắm vào những người xung quanh.
Những người ác khẩu thường rất nóng nảy, sân giận, dễ mất bình tĩnh. Gặp điều gì không vừa ý là sẵn sàng mắng mỏ, chửi rủa người khác khiến họ cảm thấy bị tổn thương. Chẳng hạn:
Vợ chồng cãi cọ nhau, khi mất kiểm soát người chồng có thể buột miệng nói những lời cay đắng “đi chết đi, loại như cô không xứng đáng sống trên đời”
Ba mẹ trong lúc nóng giận, vô minh xả vào con những lời tàn nhẫn, ám ảnh cả một đời “đồ vô tích sự”, “đáng lẽ mày không nên sinh ra trên đời”, “đứa con trời đánh”...
Anh em vì bất hòa lâu ngày, thi thoảng giáp mặt lại nguyền rủa đối phương sống không bằng chết.
Đồng nghiệp hay hàng xóm vì chuyện không vừa ý mà chửi rủa người mình ghét gặp chuyện xui xẻo, đen đủi…
Hoặc vô tình thấy một câu chuyện đáng tiếc trên mạng, dù chưa biết đầu đuôi nạn nhân ra sao, ta đã tay nhanh hơn não đi comment “đáng đời”...
Hãy giả sử, chỉ giả sử thôi, bạn là người không may “lãnh” những câu nói ác ý như trên thì cảm xúc của bạn sẽ như thế nào? Chắc hẳn sẽ cảm thấy đầy tổn thương, ám ảnh, đôi khi giận dữ hoặc đau đớn đến rỉ máu. Nhất là người nói ra lại là người mình từng giúp đỡ, là người thân ruột thịt của mình. Có những người vì một câu nói tích cực mà thay đổi cả cuộc đời nhưng cũng vì một lời hạ bệ độc địa mà đánh mất cả đời người.
Tại sao con người thường dễ buông những lời ác ý? Thường thì kẻ tổn thương dễ làm tổn thương người khác. Vì trong lòng tức tối nên muốn xả giận, muốn đối phương cũng phải đau khổ giống mình. Hậu quả của dạng khẩu nghiệp này không chỉ khiến người nghe như bị xát muối mà người nói cũng dễ bị xa lánh, rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn và cô độc. Khi nói ra những lời làm tổn thương người khác, chính là ta đã đóng những chiếc đinh vào lòng họ, vô cùng đau đớn, không thể nguôi ngoai. Đòn roi có thể liền sẹo nhưng lời ác ý thì mãi còn khiến lòng người nhức nhối, day dứt.
Tuy nhiên, không phải bất cứ ai nói lời cay nghiệt cũng là lời nói ác ý. Nhiều người có thói quen nói những lời rất “khó nghe” nhưng trong tâm lại không có ý xấu. Đó là kiểu người chúng ta hay gọi là “khẩu xà tâm phật”. Nhưng dù có “khẩu xà tâm phật” hay “khẩu phật tâm xà” thì cũng đều gây nên nghiệp. Đừng khi nào biện minh “tôi nói vậy nhưng không có ý gì đâu”. Lời không hay tốt nhất là nên tránh.
2.2 Lời nói giả dối
Lời giả dối là những lời không đúng sự thật hoàn toàn hoặc chỉ có một nửa sự thật nhưng “một nửa sự thật thì không còn là sự thật”. Kiểu lời nói này thường là lời hai mặt, biến hóa khôn lường nên có rất nhiều hình tướng. Ta có thể thấy một vài biểu hiện cơ bản như sau:
Nói dối để tránh tội, tránh bị trách phạt, tránh mất uy
Chẳng hạn như:
Thầy cô lỡ dạy sai kiến thức ở một phần nào đó nhưng sợ xấu hổ với học trò nên giấu nhẹm đi mà không biết mình đã tưới tẩm cho tầm hồn thế hệ trẻ những điều không đúng đắn.
Nhân viên làm mất hợp đồng nhưng không dám nhận sợ sếp trừ lương, giáng chức, sợ bị đuổi việc.
Con cái mắc lỗi, làm hỏng đồ, bị điểm kém…nhưng không dám nói thật vì sợ ba mẹ la mắng, trách phạt.
Nịnh hót, tâng bốc người khác nhưng thực tế trong lòng chưa hài lòng (thậm chí thù ghét) để mục đích vụ lợi về mình.
Kiểu người hay nịnh hót luôn phải khoác lên mình chiếc mặt nạ giả dối, không dám sống thật với cảm xúc của chính mình.
Điển hình của việc nịnh hót có thể kể đến việc nhân viên nịnh bợ sếp, luôn trang bị vô vàn lời khen ngợi vô lối. Thấy sếp mặc gì cũng khen đẹp dù sau đó tự nhủ “thẩm mỹ của sếp có vấn đề à?”. Thấy cấp trên đưa ra ý tưởng gì cũng khen hay dù suy nghĩ thật sự là “ủa kì cục vậy mà lãnh đạo cũng nói cho được!”. Sếp làm tóc mới đón tết thì vội chộp ngay xum xoe “ôi kiểu tóc này thật hợp, nhìn sếp trẻ ra cả chục tuổi”, sau đó lại đi nói với người khác là “trời! xấu mù”.
Những người nhờ việc nịnh bợ, họ có thể dễ có chỗ dung thân, thăng quan tiến chức hoặc nhận nhiều lợi lộc về mình. Nhưng từ xưa tới nay trong xã hội những bè lũ xu nịnh vẫn luôn bị ghét bỏ, không ai muốn kết thân vì họ không chỉ gây họa cho người khác mà có thể chơi xấu mình bất kỳ lúc nào.
Khoác lác về chính bản thân mình
Đây là những câu nói mang tính khoe khoang thái quá, tô vẽ hào quang ảo cho bản thân bằng việc nói không đúng sự thật về tình trạng bản thân, công việc, tiền bạc, vật chất, các mối quan hệ…
Mục đích của những lời nói này thường để thỏa mãn cái tôi hoặc để lừa lọc đối phương. Những người phóng đại về bản thân luôn phải nghĩ ra những kịch bản hoàn hảo để người khác tin tưởng mình. Ban đầu có thể “sướng” miệng, thu được lợi nhờ lừa đảo nhưng về lâu dài họ luôn phải sống trong bất an sợ người khác phát hiện. Cái kim trong bọc rồi cũng lòi ra, khi bị người khác phát hiện họ trở nên xấu hổ, mất uy tín, bị xa lánh, thậm chí có thể dây dưa đến pháp luật.
Ngược lại của việc nói khoác lác và những lời nói tự hạ thấp mình quá mức để rủ lòng thương. Đang sống đủ đầy, mạnh khỏe nhưng kể lể mình nghèo khổ, thiếu thốn, bệnh tật để được giúp đỡ về vật chất. Có nhà có cửa nhưng nhận mình vô gia cư để được từ thiện. Những lời phàn nàn, kể khổ giả tạo không chỉ mang năng lượng tiêu cực cho người nghe mà chính bản thân người nói hút về nhiều năng lượng tồi tệ.
Vậy đó, lời giả dối dù ở mức độ nào thì hậu quả của việc nói dối cũng khiến người khác thất vọng về mình. Nhất là những lời có một nói mười, đổi trắng thay đen trắng trợn.
“Một lần bất tín vạn lần bất tin”
Thất hứa một lần, giả dối một lần thì lần sau có nói thật cũng rất khó được người khác tin tưởng.
Nhưng như vậy có phải lúc nào cũng thẳng thắn nói thật? Tục ngữ có câu “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Nhiều người vịn vào cớ mình là người thẳng tính nên nói thật mặc kệ đối phương vì lời nói thật đó mà tổn hại thân tâm. Vì vậy ta cần lưu ý những lời nói dối vô hại hoặc mang ý nghĩa tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Trường hợp này, nếu lời nói dối giúp người khác trở nên tốt hơn, đi theo hướng tích cực thì ta cần cân nhắc và linh động.
2.3 Nói hai lời gây chia rẽ
Thường thể hiện qua những lời khích bác, phàn nàn, đặt điều, châm chọc, gièm pha, nói xấu người khác. Ví dụ trước mặt A thì nói xấu B, trước mặt B thì nói xấu A hoặc cùng một câu chuyện nhưng trước mặt A thì nói một kiểu, sau lưng A thì nói kiểu khác. Mục đích những lời nói xảo trá, thêu dệt sai sự thật này để khiêu khích, hãm hại người khác.
Người có thói quen “đâm bị thóc chọc bị gạo”, chơi xấu người khác chắc chắn sẽ phải nhận quả không tốt. Sẽ luôn bị né tránh, ghét bỏ vì bản thân gây ra nhiều phiền phức cho cuộc sống, công việc của người khác. Thực tế có nhiều những cặp vợ chồng tan vỡ không phải bởi đối phương khó tính, khó nết mà bởi bị bạn bè khích bác, đặt điều. Có những người rất kỳ, thấy người khác hạnh phúc hơn mình thì không chấp nhận được. Họ cố tình thêm mắm thêm muối, gieo rắc nghi ngờ, khích bác sự tự ái để cuộc sống hôn nhân của bạn mình trở nên trục trặc, bất hòa, mâu thuẫn và đổ vỡ.
Ngoài ra, loại khẩu nghiệp còn chỉ người có tính ba phải, gió chiều nào theo chiều đó. Đi với người này thì nói xấu người khác gây ra sự hiểu lầm, nhiễu loạn cho hai bên. Những người này về sau sẽ phải trả giá do gieo nhân xấu, họ sẽ nhận được đúng như những gì họ đã làm trong quá khứ.
2.4 Lời nói vô nghĩa
Đây là kiểu lời nói tào lao, không có ích cho đời sống, mất thời gian người đôi bên.
Kiểu lời nói này ta gặp rất nhiều trong cuộc sống ngày thường, từ đầu làng ngõ xóm, quán cafe, nơi công sở…Chỉ cần có thời gian rảnh rỗi là các nhân vật tụ tập để hóng chuyện, tán gẫu, chém gió hoặc làm thẩm phán online trên mạng xã hội.
Có thể chúng ta không ý thức việc mình nói “nói dài, nói dai, nói dại”, việc bàn luận, phán xét người khác dù không có ý xấu là khẩu nghiệp nhưng nhìn sâu ta thấy đây rõ ràng là điều không mang lại lợi lạc:
Thứ nhất, bản thân mất thời gian, người nghe cũng tiêu tốn vô ích thời gian.
Thứ 2, những người nói nhiều, nói tào lao thì lời nói thường không có trọng lượng.
Thứ 3, có những câu chuyện bông đùa, chém gió về người nào đó rất dễ bị “tam sao thất bản” và khi câu chuyện bị thổi phồng, không nhiều thì ít sẽ ảnh hướng tới cuộc sống của họ và gây nên những phiền phức lãng xẹt, không đáng có.
Thường ta nghĩ chỉ những lời ác ý, nói dối, gây sát thương cực lớn cho đối phương mới là khẩu nghiệp. Nên khi đối phương tỏ vẻ khó chịu bởi những câu hỏi “lương cao không?”, “có nhà chưa?” ta lại “vô duyên” thêm một lần nữa khi tự nhủ rằng: hỏi có thế có làm sao mà phải thái độ!
Thực tế thì, ta mất thiện cảm của người nghe, đó cũng là khẩu nghiệp vì mình đã gây ra những hậu quả không tốt rồi.
Trên đây chính là 4 loại khẩu nghiệp mà chúng ta thường gặp trong đời sống. Đến đây chắc bạn đã hiểu tại sao đức Phật lại cho rằng khẩu nghiệp là nghiệp dễ mắc phải nhất rồi đúng không? Vì ta nghĩ rằng khẩu nghiệp là những ác ý nên đôi khi ta không nghĩ rằng mình đã tạo nghiệp bằng lời nói. Không chỉ mắng chửi, miệt thị mới là khẩu nghiệp, đôi khi những lời nói vu vơ, bông đùa cũng gây sát thương lớn. Không phải cố ý mà rất nhiều khi vô ý cũng tạo thành khẩu nghiệp.
3. HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG CỦA KHẨU NGHIỆP GÂY HỌA
Tất cả các loại khẩu nghiệp, dù nặng hay nhẹ đều tích nghiệp xấu cho chúng ta. Trong từng loại khẩu nghiệp, ta đã phần nào thấy được hậu quả khôn lường. Dưới đây là những hậu quả bao trùm mà chúng ta không thể tránh khỏi khi đã gieo khẩu nghiệp:
Xét ở góc độ nhân quả gần:
Thứ nhất, khẩu nghiệp khiến người khác tổn thương, đau đớn, sân giận, hiểu lầm…
Thứ 2, các mối quan hệ mất cân bằng, bất hòa, mâu thuẫn, sứt mẻ…
Thứ 3, bản thân luôn cảm thấy bất an, nói nhiều quá còn gây hao tổn thần khí, bị người khác xa lánh, ghét bỏ, khinh thường…
Ở góc độ nhân quả xa:
Thứ nhất, các cuộc tranh đấu, tranh cãi kéo dài, mất thời gian công sức.
Thứ 2, tạo thành “thói quen”, ấn tượng không tốt của người khác về mình, đồng thời tự hút những nguồn năng lượng xấu. Vì vậy cuộc sống và công việc sẽ gặp nhiều trắc trở do bản thân mất chữ tín.
Thứ 3, gieo nhân xấu sẽ gặt quả xấu, chắc chắn những người khẩu nghiệp sẽ phải trả giá về sau. Sự trả giá đó có thể là bị đối phương trả đũa hoặc bản thân phải day dứt, hối hận cả đời vì những lời nói của mình.
Một điều rất dễ nhận thấy là khẩu nghiệp có tính “lây lan” (ảnh hưởng đến nhiều người theo tính chất vừa tác động qua lại, vừa tác động nối tiếp) nghĩa là hậu quả không chỉ đơn giản là phép cộng mà còn là phép nhân lũy thừa. Giống như hiệu ứng tuyết lăn, ban đầu quả cầu tuyết rất nhỏ, nhưng càng lăn nó sẽ càng cuốn theo nhiều tuyết, trở thành quả cầu tuyết khổng lồ, đủ khả năng phá tan nhiều chướng ngại vật.
Có những người vì một lời nói sát thương mà cả đời tìm mọi cách để trả đũa. Có những người chỉ vì một lời nhục mạ mà cả đời đánh mất niềm tin và lý trí nơi mình. Cũng có người vì một lời nói ác ý mà một đời hối lỗi và day dứt. Cũng có người chỉ vì một lời đặt điều, gièm pha mà đến lúc nhắm mắt xuôi tay lòng vẫn đầy thù hận… Đủ để thấy rằng khẩu nghiệp mang nghiệp nặng như thế nào đối với đời sống của con người.
Dù vậy nhưng khẩu nghiệp vẫn diễn ra như một lẽ thường tình mọi lúc, mọi nơi, mọi ngày. Điều gì khiến khẩu nghiệp len lỏi dễ dàng trong mọi ngóc ngách của đời sống?
4. TẠI SAO KHẨU NGHIỆP GÂY HỌA PHỔ BIẾN TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY?
Chúng ta vẫn hay tự nhủ phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, thậm chí là ghi lòng tạc dạ “trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần” nhưng thực tế chúng ta rất dễ gây tổn thương, gây họa bằng ngôn từ của mình. Tại sao vậy?
Khẩu nghiệp có thể đến từ sự vô ý, chưa ý thức là mình đang khẩu nghiệp. Điều này dễ thấy qua những cuộc nói chuyện hàn huyên, tán gẫu, chém gió. Ban đầu mọi người cứ nghĩ là nói cho vui, nói để có chuyện để nói, nói để giết thời gian, nói cho “sướng miệng” mà không ý thức rằng có những chủ đề gây ảnh hưởng đến người khác. Ở mức độ này khẩu nghiệp chưa gây ra những hậu quả đáng tiếc nhưng khiến chúng ta mất thời gian, mệt mỏi bởi những lùm xùm không đáng có.
Nguyên nhân thứ 2 là do ta tham lam được người khác công nhận, ca ngợi mình, đề cao mình; tham có được những thứ không thuộc về mình. Đây là kiểu khẩu nghiệp có dụng ý, có mục đích rõ ràng và cụ thể. Vì tham lam tiền bạc, vật chất mà ta tạo cho mình một profile ảo cực khủng để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lòng tin của người khác. Vì tham lam danh vọng ta đi hạ bệ đồng nghiệp, đối phương để nâng mình lên vị trí nhiều cơ hội và lợi lộc. Vì tham lam những hư vinh mà ta không ngừng giả dối, nịnh bợ khiến bản thân bề ngoài có vẻ đầy hào quang nhưng bên trong mục rỗng. Những thứ ta đạt được bằng cách này rốt cuộc đều giả dối và dễ tan vỡ, càng lên cao ngã sẽ càng đau.
Nguyên nhân thứ 3 đến từ việc ta sân si ganh tị với người khác nên tìm cách hạ bệ, nói xấu, gây hấn, làm tổn thương đối phương. Vì ta lòng đầy khó chịu, ích kỉ nên thấy người khác sống vui vẻ, hạnh phúc ta không cam lòng. Ta bất chấp rằng nếu không ăn được thì phải đạp đổ. Ta bất chấp cho rằng, chỉ cần họ cũng đau khổ giống ta thì lòng ta sẽ nguôi ngoai. Kỳ thực không phải vậy:
Càng nói xấu sau lưng người khác càng chứng tỏ bản thân mình bất thiện.
Càng gây chia rẽ người khác càng khiến cho chính mình bị người khác đồng loạt ghê tởm và xa lánh, né tránh.
Càng sân si người khác càng khiến bản thân trở nên kém cỏi, hèn hạ.
Kết cục là sự bất an vô tận, nỗi cô đơn sâu thẳm, là sự ghẻ lạnh chối bỏ của cả thế gian cho mình.
5. CÁCH BIẾN KHẨU NGHIỆP GÂY HỌA THÀNH KHẨU ĐỨC
Chúng ta không thể kết nối với nhau nếu không giao tiếp, cũng không thể nâng đỡ nhau nếu không dùng ngôn từ. Nhưng nói làm sao để “vừa lòng” là một câu chuyện đáng bàn. Phật dạy rằng lời nói gió bay nhưng nghiệp không bay. Nếu chúng ta không thể nói được lời hay ý đẹp thì cũng chớ nói những lời oán trách, thị phi khiến người khác đau lòng, Bởi sự tổn thương do lời nói gây ra thực sự rất khó cứu vãn.
Nếu không thể tránh khẩu nghiệp, hãy biến khẩu nghiệp thành khẩu đức bằng những cách dưới đây:
5.1 Tránh xa những nơi hay chém gió, thị phi
Nếu thấy mình không đủ dũng khí để “im lặng” khi bạn bè, đồng nghiệp tám chuyện xuyên thời gian thì cách tốt nhất là hãy né tránh những cuộc tụ tập vô bổ và vô nghĩa.
Ban đầu có thể bạn sẽ bị phán xét là không hòa đồng, rồi thi thoảng sẽ nghe một vài lời cũng khá khẩu nghiệp là “ủa không thích chơi cùng tụi tao nữa à?” rồi thì “thích solo thì cũng ok thôi”...Khi đó nếu bạn không đủ bĩnh tĩnh, bạn dễ dàng đáp trả và kết cục lại rơi vào vòng xoáy khẩu nghiệp khi nào không biết.
Vì vậy thấy người khác hóng drama, bàn luận chuyện thiên hạ mình đừng xúm vào. Nếu có vô tình trở thành đối tượng bị phán xét, nói xấu sau lưng thì nên bình tĩnh, đừng vội phản ứng lại. Hãy coi đó là cơ hội để nhìn lại xem mình có những điểm yếu đó không. Nếu đó là những lời thiếu căn cứ, hãy bỏ qua vì những người nói xấu sau lưng mình thì mãi mãi sau lưng mình mà thôi.
Né tránh và im lặng lúc này là vàng, vàng mười đấy!
5.2 Dùng ái ngữ đảm bảo 3 yếu tố đúng - tốt - hữu ích
Đây là 3 yếu tố trong lời nói mà triết gia Socrates chỉ ra rằng rất cần thiết khi chúng ta giao tiếp hàng ngày và cũng là cách hữu hiệu để biến khẩu nghiệp thành khẩu đức:
Nói đúng sự thật: sự thật ở đây nên là sự thật khách quan, không phải sự thật theo cái nhìn phiến diện, chủ quan, cảm tính của chính mình. Nói thật đôi khi sẽ gây rủi ro vì có trường hợp sẽ gây mất lòng nhưng sẽ còn rủi ro hơn nếu ta luôn giả dối.
Nói những điều tốt đẹp, tử tế, giúp bản thân và người khác sống tích cực, vực dậy những tâm hồn yếu đuối, bi lụy, đau thương.
Nói những lời hữu ích với mình với đời. Khi nói điều gì đó hãy cân nhắc rằng những lời này có giúp ích cho mình cho người, có tăng trưởng lòng từ bi, sự hiểu biết và nghị lực hay không.
Dù trong hoàn cảnh nào ta cũng đừng nên hằn học, hạn chế tối đa việc trách móc người khác.
5.3 Tâm thiện thì lời nói sẽ thiện
Những người có tâm thiện thường sẽ ôn nhu, đôn hậu, cẩn thận chu đáo, sẽ không dễ dàng dùng “miệng dao găm” để gây tổn thương, bất hòa.
Khi tâm không còn sân hận, ta sẽ không nói những lời ác ý, nguyền rủa, khinh miệt.
Khi tâm không còn tham lam, ta sẽ không dùng lời giả dối để lừa lọc, tráo trở, đổi trắng thay đen.
Khi tâm không còn những ích kỷ và toan tính, ta sẽ không khích bác, đặt điều, châm chọc, hạ bệ người khác.
Khi tâm thật sự an yên, thiện lành ta sẽ hiểu rằng mình cần hết lòng giúp ích cho đời thay vì dành thời gian nói chuyện tào lao, phán xét, bàn luận vô bổ chuyện người khác.
6. LỜI NHẮN NHỦ
“Dẫu nói ngàn ngàn lời
Nhưng không vì lợi ích
Tốt hơn nói một câu
Nghe xong, tâm hướng thiện”
Người Do Thái cho rằng “Thứ tốt nhất trong thiên hạ là miệng lưỡi, mà thứ xấu xa nhất cũng chính là miệng lưỡi”. Là họa hay cơ hội, là yêu hay ghét cũng từ miệng mà ra. Điều quan trọng nhất là chúng ta có thể kiểm soát ngôn từ của mình, biến những lời nói vô nghĩa thành có ý nghĩa, nâng đỡ người và giúp ích cho mình.
Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đó.
Gieo khẩu nghiệp thì sẽ gặt thị phi, rắc rối, bất an.
Gieo khẩu đức chắc chắn gặt an yên, tự tại và phước lành mãi mãi.
Nội dung: Thanh Vân - Học viên content 3 gốc
Biên tập: Nhàn Lý
Hình ảnh: Trung Nhân Quả
Comments