top of page

VÙNG AN TOÀN - NƠI CUỘC SỐNG AN NHÀN HAY CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN AN TÁNG?

Updated: Mar 18


“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”

Chế Lan Viên


Ừ thì đôi khi bạn cũng hài lòng với thực tại nhưng nhiều lúc lại cảm thấy nhàm chán bởi cuộc đời cứ đều đặn trôi qua như cỗ máy hẹn giờ? Bạn có thể nắm quyền kiểm soát nhưng khi nhận ra mọi thứ dậm chân tại chỗ, không có sự phát triển, không có thành tựu nổi trội bạn lại không cảm thấy hạnh phúc thực sự.


Quẩn quanh trong vùng an toàn đó, đôi lúc bạn cũng khi đến việc đổi thay nhưng lại sợ phía trước là biến cố, thất bại, rủi ro không trong tầm kiểm soát. Bạn muốn có hào quang nhưng không dám bước lên sân khấu, bạn chắc nịch tin mình không thể nào tỏa sáng được.

Nếu bạn đang khao khát bản thân vượt thoát ra khỏi VÙNG AN TOÀN để sống một ĐỜI AN NHÀN - ý nghĩa thì việc đầu tiên chứng tỏ sự can đảm là cùng blog 3 gốc nghiền ngẫm bài viết này bạn nhé!



MỤC LỤC

***


1. VÙNG AN TOÀN - CUỘC SỐNG ỔN ĐỊNH NHƯNG NHÀM CHÁN


Thông thường, một cô gái sống quẩn quanh ở vùng quê yên bình đất Việt, cảm thấy thoải mái với mọi nếp sống sinh hoạt thường nhật. Nếu bị ném qua một thành phố đông đúc ở một đất nước xa xôi, lạ lẫm, không người thân, không công việc, cô sẽ cảm thấy hành trình sinh tồn đầy đáng sợ. Và chắc chắn cô không hề muốn bước ra khỏi ngôi nhà thân quen của mình.


Một nhân viên văn phòng hài lòng với mức lương hiện tại, tự nghĩ rằng mình chỉ có thể làm chuyên môn này tại vị trí này, ở công ty này. Khi ai đó nhen nhóm việc chuyển người đó sang môi trường khác cạnh tranh hơn, áp lực hơn thì phần lớn nhân viên đó sẽ cảm thấy âu lo, phiền não. Và lựa chọn chắc chắn là muốn ở lại.


Những nhân vật trên đều có một nỗi sợ khi phải tách biệt với môi trường quen thuộc của mình. Có thể nhìn những người xung quanh thử sức ở nhiều nơi, có nhiều thành tựu, họ cũng thèm khát sự đổi mới nhưng không dám ra khỏi vùng an toàn.


Vậy vùng an toàn là gì mà khiến cho những người như họ nguyện ôm khư khư, không chịu buông rời?


1.1 Vùng an toàn là gì?


Vùng an toàn là khu vực mà tâm lý con người cảm thấy yên ổn trọn vẹn, không sợ nguy hiểm, không có rủi ro, mọi chuyện đều nằm trong tầm kiểm soát, mọi việc đều được bảo toàn. Sự quen thuộc khiến ta không có gì phải lo lắng, sợ hãi nên ta không muốn bước ra khỏi môi trường đó.


Có 2 vùng an toàn nổi bật chúng ta thường gặp:

  • An toàn trong không gian: môi trường quê - thành phố; môi trường ở công ty này sang công ty khác, lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Tóm lại là những “môi trường” chứa đựng những điều mới mẻ, lạ lẫm ta chưa chủ động, chưa nắm bắt được.


  • An toàn trong tâm tưởng: Chúng ta quen với những suy nghĩ theo lối mòn, quan điểm truyền thống, niềm tin của đám đông. Khi vấp phải quan niệm mới ta không dám tin hoặc đã tin nhưng vì muốn yên ổn, sợ tranh luận nên ta im lặng. Vùng an toàn của ta là không bị chê bai, phán xét, tranh chấp, không có mâu thuẫn, đôi co và thất bại.


Muốn an toàn thì ở “trong nhà” nhưng ở mãi “trong nhà” không phải là giải pháp tốt với những người ham những cuộc phiêu lưu, nhất là mỗi chúng ta luôn mơ ước cuộc sống thi vị và tươi đẹp.


Vậy thì vùng an toàn chứa đựng những niềm vui và rủi ro nào khiến con người vừa muốn ở lại nhưng cũng lại ngấp nghé những nỗi sợ vô hình hài?


Nếu bạn muốn có được những thứ bạn chưa từng có, bạn cần bước ra khỏi thứ gọi là vùng an toàn
Nếu bạn muốn có được những thứ bạn chưa từng có, bạn cần bước ra khỏi thứ gọi là vùng an toàn

1.2 Cuộc sống của những người nằm vùng an toàn


Để luộc chú ếch trong một cái nồi không nắp, bạn sẽ làm như thế nào?

Đó là thả chú ếch vào một nồi nước lạnh sau đó đặt lên bếp. Chú ếch vui vẻ hưởng thụ cảm giác yên ổn trong nồi nước. Sự ru ngủ của nhiệt độ tăng lên sẽ từ từ làm chín chú ếch mà không hề gặp bất kỳ trở ngại nào.

Nhìn thấy tội mà thôi cũng kệ!


Câu chuyện về chú ếch có thể chỉ là hư cấu (với những người không muốn lấy chuyện sát sinh ra để thử nghiệm) nhưng đó là một ví dụ điển hình để ta quan sát cuộc sống của những người đam mê sống trong vùng an toàn:


An toàn, thoải mái, không rủi ro, không cạnh tranh


Tất nhiên rồi, sống ở vùng an toàn vì nó là nơi an toàn.

Thử ngẫm, một ngày đi làm ở công ty quen thuộc, nơi mà quản lý dễ tính, đồng nghiệp hòa ái như anh em một nhà, công việc thì cứ đều đặn mắt nhắm mắt mở cũng hoàn thành. Thật là dễ chịu, thật là thoải mái, thật là sung sướng khi chẳng có một chút xíu áp lực ập xuống nào.


Cuộc sống mới yên bình làm sao khi mười năm rồi, ngoài những nếp nhăn trên má, mình chẳng có thay đổi gì. Mọi thứ cứ như một vòng tròn khép kín, lặp đi lặp lại quen thuộc. Chẳng có rủi ro, chẳng có drama, cũng chẳng có ai cạnh tranh với mình ở môi trường này.


Cuộc sống thật lý tưởng nhưng cứ thấy thiếu thốn sao sao…


Nhưng không có thành tựu, không thực sự hạnh phúc


Cuộc sống lý tưởng nhưng cứ thấy sao sao bởi vì sự lặp đi lặp lại đó khiến ta cảm thấy nhàm chán. Việc dung dưỡng bản thân, thỏa mãn chính mình, ru ngủ bản thân trong vùng thoải mái đó khiến cuộc sống của ta trì trệ, tụt lùi với nhịp đời không ngừng trôi chảy theo xu hướng phát triển.


Nhất là khi thấy những người xung quanh cùng xuất phát điểm với mình nhưng họ đã tung cánh bay xa, có nhiều thành tựu, có nhiều trải nghiệm, sâu sắc với đời và thấu hiểu chính mình. Điều đó khiến mình cũng muốn thoát khỏi sự lặp lại, dậm chân tại chỗ, cũng muốn vươn tới những ước mơ nhưng không dám đi ra khỏi vùng an toàn. Vậy là cuộc sống của mình lại “luân hồi” trong vòng lặp thường nhật, cái gì cũng nhạt nhòa, không có thành tựu nổi bật, không có gì để lại trong cuộc đời, không thực sự trọn vẹn hạnh phúc. Thật dễ dẫn đến cảm giác lúc thì chán việc lúc lại chán đời.


Vùng an toàn là nơi tuyệt đẹp của mỗi cá nhân, nhưng chẳng có gì phát triển hay thành công được ở đó cả

Diễn giả Canfield


Ta cũng giống như chú ếch xanh ở trong nồi nước lạnh thấy thoải mái, yên ổn rồi, không còn muốn nhảy ra ngoài kia biết bao bất trắc. Ta thấy bên cạnh vùng an toàn chính là vùng lo sợ, e ngại. Chính vì ta cứ mải đứng ngoài lo sợ, không dám bước ra, sợ rằng bước ra thì sa ngay vào những rủi ro, bất trắc. Nếu sa vào vùng này ta thường không có chính kiến, ta hay viện ra những lý do để trì hoãn, ta thiếu tự tin và nghị lực để hành động. Vì ngại những “va chạm” nên ta mãi mãi giống những kẻ “đã chết ở tuổi 25 nhưng 75 tuổi mới đem chôn”. Với một người khó thích nghi những môi trường mới, không dám đối diện với khó khăn thì có thật sự vùng an toàn sẽ an toàn?


Không dám bước ra khỏi vùng an toàn bạn đang khiến cuộc sống của chính mình lụi tàn dần
Không dám bước ra khỏi vùng an toàn bạn đang khiến cuộc sống của chính mình lụi tàn dần

2. TẠI SAO TA SỢ RA KHỎI VÙNG AN TOÀN?


Biết rằng cái gì cũng có giá của nó. Dù thèm khát thành công nhưng có vô vàn lí do khiến nhiều người vẫn bám lấy bám để những khu vực nhỏ hẹp, chật chội chỉ vì đó là nơi họ hoàn toàn kiểm soát được “cuộc chơi” một cách dễ dàng. Sợi dây đó là gì mà chi phối tâm trí họ mạnh như vậy?


2.1 Tham ôm ấp sự thoải mái và an toàn


Tất nhiên, bởi vì đó là vùng ta yêu thích, cảm thấy thoải mái. Con người luôn có xu hướng mong muốn cuộc sống của mình an toàn trong vô vàn sự bất trắc của cuộc đời. Nên khi cảm thấy mình không thể giang trọn cánh tay đón lấy tất cả “những vang động của cuộc đời” thì ta sẽ co cụm lại trong một khu vực bé nhỏ nhưng bão tố không chạm đến.


Và khi nằm trong khu vực thoải mái, không áp lực, không biến cố, không ai cạnh tranh, ta thấy cuộc đời thật dễ chịu. Vì dính mắc vào cảm giác đó nên ta không muốn bước ra nó nữa. Hoặc sợ bước đi nếu ngoài kia không êm đềm, muốn quay về đã “mất chỗ” rồi.


Sự “tham” này không giống với việc chúng ta “hài lòng với thực tại”. Hài lòng với thực tại có nghĩa là chúng ta biết ơn, trân trọng những gì đang hiện diện nhưng vẫn nỗ lực để tốt hơn mỗi ngày. Còn tham sự an toàn nghĩa là chúng ta hoàn toàn dậm chân một chỗ, ngủ yên trên một chiếc giường và không có nhu cầu phát triển hoặc có nhu cầu nhưng không dám hành động.


2.2 Sợ đối mặt với những rủi ro không kiểm soát được


Cuộc sống là vô thường nhưng có rất nhiều người vẫn cố chấp mong mọi thứ là mãi mãi: Tình yêu mãi mãi, thành công mãi mãi, yên bình mãi mãi. Khi ta lưu vào bộ nhớ tâm trí của mình điều đó, ta rất ngại sự thay đổi. Nỗi sợ vô hình đó bắt nguồn từ việc ta sợ những rủi ro, sợ thất bại, sợ biến cố, sợ đau khổ… Đang quen thuộc ở vị trí “làm chủ” mọi tình huống, nghĩ đến việc bị thế lực nào đó mặc sức “xoay chuyển”, ta không chấp nhận được.


Cân nhắc trước khi quyết định điều gì đó hoàn toàn cần thiết. Nhưng trước những động viên, khích lệ ta cứ “bao biện” nhỡ thế này, lỡ thế kia để rút lui là ta đang tự hù dọa mình rồi. Rất hiếm hoi có kế hoạch, dự định giá trị mang tính thử thách nào mà mới bắt đầu có thể đảm bảo 100% thành công cả.


Lối suy nghĩ sợ rủi ro ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người đến mức quan sát một vài năm trước, các bậc phụ huynh hay có tư tưởng “hướng nghiệp” cho con làm những nghề sung sướng và nhàn nhã. Nếu con cái mình không may làm một công việc vất vả, môi trường không thuận lợi, họ xót xa thay. Không biết rằng chính những lần thoát ra khỏi vỏ kén bao bọc và nâng đỡ đó, những đứa con của mình sẽ trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn rất nhiều.


Lối suy nghĩ sợ rủi ro ăn sâu vào tiềm thức khiến chúng ta tự giới hạn năng lực của chính mình
Lối suy nghĩ sợ rủi ro ăn sâu vào tiềm thức khiến chúng ta tự giới hạn năng lực của chính mình


2.3 Nghi ngờ năng lực bản thân


Vẫn biết rằng, bước ra khỏi vùng an toàn, có thể thành công cũng có thể thất bại nhưng ta vẫn do dự bởi ta nghi ngờ bản thân mình. Sự nghi ngờ đó có thể đến từ việc hiện tại ta không có giải pháp cụ thể, không biết phải làm gì, làm như thế nào nếu băng qua vùng sợ hãi. Và quan trọng nhất là ta không tin mình có thể làm được.


Một người tự ti rất thèm khát ánh hào quang của MC trên sân khấu nhưng tin chắc rằng điều đó không dành cho người hướng nội. Một cô nhân viên bình thường ngưỡng mộ vô cùng sự năng động, táo bạo của cấp trên nhưng chẳng bao giờ nghĩ mình có được năng lực đó. Chính suy nghĩ tự giới hạn bản thân đã khiến những người đang quen sống bình bình trong vùng an toàn bỏ mọi dự định thay đổi cuộc đời mình.



3. BÊN KIA VÙNG AN TOÀN LÀ ĐÂU?


Sự thật là rất nhiều người không dám bước ra khỏi vùng an toàn.

Nhưng rất nhiều người vẫn dũng cảm bước ra và đạt được thành tựu - đó cũng là sự thật.

Vậy bên kia vùng an toàn là cuộc sống như thế nào mà vừa thu hút vừa khiến người ta do dự đến vậy?


3.1 Vùng an táng


Trẻ an phận, già hối hận.

Cuộc sống luôn thay đổi mặc kệ ta có đuổi nó hay không.

Khi mà cuộc sống của ta đầy rẫy những mâu thuẫn, xung đột, sự cố, rồi thì bị ném đá, hết vấn đề này đến vấn đề khác. Khi ta hết đối mặt với từ chối, hết xoay sở với thất bại ta lại đối diện với áp lực trong khi bản thân đã thui chột khả năng thích nghi, ý chí và khát khao thì khi đó vùng an toàn có còn an toàn như ta vẫn nghĩ?


Vẫn biết vượt ra khỏi giới hạn của vùng an toàn, ta có thể chênh vênh, có thể không có định hướng rõ ràng, đôi khi tự ti hay mất hi vọng vào tương lai. Vẫn biết với những người khép kín, ranh giới trong vùng an toàn là nơi tuyệt vời để ta tận hưởng cuộc sống yên bình. Nhưng nếu cứ ru ngủ bản thân trong môi trường an toàn, thoải mái lâu đến mức không nhận ra thế giới bên ngoài biến chuyển không ngừng đến khi bản thân đã quen sự trì trệ rồi, không còn kịp thay đổi để thích ứng nữa thì ta cũng như chú ếch luộc trong nồi nước lạnh - tự động bị đào thải thôi. Và lúc này vùng an toàn trở thành vùng an táng rồi.


Chìm đắm mãi trong vùng an toàn thì dễ rơi vào vùng an táng. Bởi ta chẳng học được gì. Giống như đứa trẻ được bao bọc quá mức, lớn lên như chú gà công nghiệp. Khi bước ra cuộc đời, không còn chiếc hộp bao bọc của ba mẹ thì sẽ lúng túng chẳng biết làm gì cả. Vùng an toàn khiến ta thoải mái trong hiện tại nhưng đồng thời cũng đầy rẫy những nỗi lo tương lai. Lo lắng bởi mọi người đang “chạy quá nhanh” còn ta thì thụt lùi trong quên lãng.


Nhưng nếu cố gắng thoát ra khỏi vùng an toàn mà không có trí tuệ cũng dễ an táng ngay. Chỉ vì thèm khát thành tựu như người khác, ta không suy xét nguồn lực bản thân, quyết định tức thời, nông nổi, không có sự chuẩn bị, lấy kinh nghiệm của người áp đặt cho mình, chạy theo đám đông thì cũng dễ thất bại. Cá không thể trèo cây, khỉ không thể bơi dưới nước, ta không thể bước vào vùng bất khả với năng lực nội tại của mình. Hoặc cảm thấy hiện tại của mình chưa đủ đầy, muốn thành công nhanh nên bỏ việc chạy theo đa cấp kinh doanh những sản phẩm kém chất lượng nhưng chẳng thấy tự do tài chính đâu mà chỉ càng ngày càng chật vật tự lo tài chính.


Vùng an toàn mà ta tin tưởng có thể đổ vỡ bất kì lúc nào. Vùng an toàn toàn mà ta yên tâm chẳng thực sự an toàn như ta vẫn nghĩ.


Vùng an toàn toàn mà ta yên tâm chẳng thực sự an toàn như ta vẫn nghĩ.
Vùng an toàn toàn mà ta yên tâm chẳng thực sự an toàn như ta vẫn nghĩ.


3.2 Vùng an nhàn


Một chỗ làm ổn định, một công việc không áp lực, một cuộc sống không phải lo lắng nhiều khiến ta thật thoải mái nhưng không giúp ta thành công. Trước mắt có thể rất an nhàn nhưng nếu biến cố ập đến thì dễ án táng liền.


Nhưng mong ước cuộc sống an toàn và an nhàn là điều vô cùng chính đáng. Nếu ta có thể thoát khỏi vùng an toàn (bởi xung quanh đó là đầy rẫy rủi ro) trở nên vững chãi thì cuộc sống ở đâu, hoàn cảnh nào cũng đều an nhàn. Ta sẽ khám phá tiềm năng, đạt được viên mãn và hạnh phúc trong cuộc sống.


Khi bước ra khỏi vùng an toàn, ta sẽ có trong tay những lợi lạc dưới đây:

  • Thích nghi với nhiều hoàn cảnh nhờ việc không bị tụt hậu về kỹ năng, kiến thức trong công việc và cuộc sống.

  • Tự tin hơn: Trước đây có những việc mình không nghĩ mình làm được nhưng hiện tại chứng tỏ mình hoàn toàn làm rất tốt.

  • Khi dám đương đầu với những thất bại, rủi ro, bản thân sẽ trở nên mạnh mẽ, linh hoạt giải quyết mọi vấn.

  • Hoàn thiện bản thân: Hiểu mình thực sự muốn gì, có đam mê, sở trường, điểm mạnh - yếu ra sao để phát huy và khắc phục.

  • Có thêm mối quan hệ chất lượng, học thêm nhiều bài học, kỹ năng mới để thuận lợi hơn trong cuộc sống.

  • Gặt được nhiều thành quả, cuộc sống thêm ý nghĩa và hạnh phúc.

Khi gom góp được những điều này vào kho trải nghiệm sống, ta sẽ thoải mái đối diện với những việc không thoải mái, sống một đời an nhàn vì chẳng có điều gì làm khó ta được nữa rồi. Sự an nhàn đó là kết quả của những năm tháng ta lăn lộn qua muôn ngàn khó khăn thử thách, trải nghiệm đủ lâu và đủ sâu.



Bước ra khỏi vùng an toàn càng sớm càng nhanh có được thành công
Bước ra khỏi vùng an toàn càng sớm càng nhanh có được thành công

4. 3 BƯỚC BIẾN VÙNG AN TOÀN THÀNH VÙNG AN NHÀN


Tất nhiên, vùng an toàn không phải là một nơi không tốt. Sau những khó khăn, thử thách, bước ngoặt chúng ta rất cần một nơi thoải mái, tĩnh lặng để dừng chân, nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng. Và đích cuối cùng, dù có trong vùng an toàn hay bước ra khỏi vùng toàn, chúng ta cũng đều có mong muốn mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng sự kiểm soát chủ động đó chỉ có thể có được khi chúng ta không ngừng thích nghi với mọi sự vận động, đổi thay. Cuộc sống cũng giống như chiếc xe đạp, hoặc sẽ không ngừng tiến về phía trước hoặc sẽ bị đổ khi dừng lại. Nguyên liệu của hạnh phúc là sự phát triển bản thân.


Quan sát xem mình đã thoải mái, yên ổn đứng yên một chỗ bao lâu rồi. Đừng tiếc nuối vì mình đã dừng lại 3 năm, 5 năm hay 10 năm mà hãy xóa tan sự do dự để thực hiện 3 bước dưới đây bạn nhé!


4.1 Bước qua vùng sợ hãi


Khi sợ hãi, ta thường thiếu tự tin, hay viện cớ, đổ lỗi và không có chánh kiến. Để phá hủy sự trì hoãn, do dự, ta có thể thực hiện một trong hai cách dưới đây:


Bắt đầu bằng những kaizen nhỏ (A = A + 1)


Hành trình vạn dặm đi từ những bước đầu tiên.

Khi những sự kiện lớn dễ khiến bạn hoảng hồn và khiếp sợ hãy lựa chọn bắt đầu từ những việc nhỏ. Bởi những thay đổi nhỏ không tạo áp lực, không gây ra sợ hãi, không dễ dàng cho thất bại. Tất nhiên việc bước ra khỏi vùng an toàn luôn luôn cần sự thận trọng bởi đây là hành trình đầy phiêu lưu, mạo hiểm.


Những thay đổi nhỏ có thể là làm những việc vẫn làm nhưng làm nhiều hơn, vẫn là những việc đang làm nhưng làm bằng cách khác. Mỗi ngày ta sẽ dần dần nâng cao tiêu chuẩn của bạn thân. Đều đặn 1% như vậy thì sau 1 năm, 2 năm, 5 năm, 10 năm ta đã tiến rất xa so với hiện tại.


Đôi lúc cần có những thay đổi lớn (A = A + 10)


Thời thế tạo anh hùng.

Câu này muốn nói rằng khi áp suất đủ sâu, khó khăn cực kì lớn thì con người trở nên nghị lực và mạnh mẽ hơn người. Những thay đổi này có thể là thay đổi môi trường sống, thay đổi lĩnh vực mình đam mê, quyết định lựa chọn dứt khoát đã lên thuyền thì không quay đầu.


Cách này có thể hơi mạo hiểm, có thể khiến ta dễ nản nhưng áp suất sẽ tạo kim cương, khi vượt qua được ta sẽ đạt được nhiều thành tựu.


3 điều cần lưu ý khi chuẩn bị bước ra khỏi vùng an toàn

  • Xác định vùng ưu tiên: Tức là nhìn nhận lĩnh vực nào mình muốn phát triển. Phân tích cụ thể nguồn lực bên trong - bên ngoài. Giai đoạn ngoài mong muốn của bản thân rất cần có thầy và chuyên gia giúp định hướng.

  • Chuẩn bị thể chất, sức khỏe: Tất nhiên rồi, xác định lên thuyền thì cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt, để ít nhất không bị say sóng, sau đó có sức dẻo dai để chống chọi với bão tố ập đến bất kì lúc nào.

  • Nhận sự giúp đỡ từ mọi người: Người quen sống vùng an toàn thường nội lực yếu nên rất cần có những lời động viên, khích lệ từ mọi người. Nhất là sự giúp đỡ từ thầy hiền trí - nhóm bạn tốt - những cuốn sách tinh hoa.

Bước qua vùng này, ta thành công 50% rồi!




4.2 Làm tốt nhiệm vụ ở vùng học hỏi


Một người có trí tuệ và ham học hỏi sẽ lựa chọn sống một đời đầy ý nghĩa và không bao giờ dừng chân một chỗ. Nếu chúng ta rất cần sự can đảm, sự nâng đỡ của tam bảo để bước qua vùng sợ hãi thì giai đoạn này chúng ta cần có trí tuệ. Trí tuệ không chỉ để tìm hiểu, phân tích, đánh giá được - mất, thành - bại mà còn để học hỏi.


Vậy giai đoạn này ta cần không ngừng học hỏi điều gì?

  • Khám phá đam mê, sở trường của chính mình: Khi xác định được đam mê, sở trưởng của bản thân là gì ta sẽ rõ ràng hơn về kế hoạch, mục tiêu phía trước. Thay vì cái gì cũng biết một chút nhưng tất cả đều nhạt nhòa thì tập trung vào sở trường sẽ giúp ta phát huy tối đa năng lực.


  • Hoàn thiện bản thân bằng những kỹ năng, kiến thức: Những kỹ năng, kiến thức là hành trang để ta bước vào đời. Nếu có hiểu biết sâu rộng và thành thục nhiều kỹ năng sẽ khơi dậy sự sáng tạo và tự tin bên trong chúng ta. Rốt cuộc thì thứ khiến ta sợ hãi chính là thứ ta không biết gì về chúng. Những kỹ năng như giao tiếp, đàm phán, tự học, lắng nghe, kiến thức chuyên môn…luôn cần thiết để ta phát triển bản thân.


  • Trải nghiệm thực tế giúp tăng trưởng nguồn lực: Muốn thoát ra khỏi vùng an toàn ta cần sự dũng cảm và can đảm. Nếu luôn trong trạng thái e dè, sợ đối mặt với khó khăn thì chẳng thể nào thoát ra được. Vì vậy có nói nhiều bao nhiêu mà ta không tự lăn xả vào trải nghiệm thực tế, tự làm bằng bàn tay và khối óc của mình thì không bao giờ có bài học và kinh nghiệm.

Việc học tập là việc cả đời. Với những người khao khát ra khỏi vùng an toàn thì việc học không nên chậm trễ thêm một ngày nào nữa.


4.3 Phát huy năng lực ở vùng tăng trưởng


Đây là thời điểm ta đã nỗ lực học tập để có sự phát triển tốt hơn ngày hôm qua. Tuy nhiên nếu đến vùng này, ta thỏa mãn và dừng lại thì vô tình sẽ rơi vào vùng an toàn một lần nữa. Lúc này ta cần khai phóng bản thân, trải nghiệm nhiều vai trò, vị trí, hoàn cảnh để không còn trói mình trong chiếc hộp tự giới hạn năng lực.


Cuộc đời con người không hơn nhau ở tuổi tác mà hơn nhau ở trải nghiệm có chiều sâu. Khó khăn giúp mình tăng trưởng nội lực. Xác định được ý nghĩa cuộc đời sẽ giúp ta không ngừng đi về phía trước.


Thoát khỏi an toàn giống như cuộc phiêu lưu, sẽ có rủi ro nhưng cũng sẽ có thành tựu, hạnh phúc. Đây là hành trình để đạt được sự thoải mái, an ổn thực sự. Khi tất cả những yếu tố tác động ngoài kia, dù lớn dù nhỏ không làm ta nao núng nữa thì cuộc đời về cơ bản đã an toàn và an nhàn được rồi.


5. LỜI NHẮN NHỦ


Bạn muốn là chú gà công nghiệp hay muốn cất cánh trở thành đại bàng?

Ai cũng cần có vùng an toàn để dừng chân, nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng nhưng cuộc sống sẽ chậm đi rất nhiều nhịp rồi dần biến thành VÙNG AN TÁNG nếu ta mãi ngủ yên, trì trệ tại một chỗ.


Hãy can đảm bước ra khỏi VÙNG AN TOÀN, dũng cảm băng qua VÙNG SỢ HÃI, nỗ lực hết mình ở VÙNG HỌC TẬP để có được sự AN NHÀN và AN TOÀN khi đạt đến VÙNG TĂNG TRƯỞNG bạn nhé!


Đâu là một việc nằm ngoài vùng an toàn mà bạn đang quyết tâm thực hiện? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với blog 3 gốc bạn nhé!



Nội dung: Kim Ngân - Học viên content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Ngọc My


892 views0 comments

Commentaires

Noté 0 étoile sur 5.
Pas encore de note

Ajouter une note
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page