Hiếu đạo là bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người con trên cuộc đời này.
Đại Lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào dịp 15 tháng 7 âm lịch hàng năm, bắt nguồn từ sự tích Mục Kiền Liên báo hiếu cho mẫu thân của ông - bà Thanh đề. Đây là dịp con cái thể hiện tình cảm hiếu đạo với ông bà, tổ tiên, cha mẹ; là dịp hướng về cội nguồn của mỗi một con người.
Mời bạn cùng tôi tìm hiểu về ngày Vu Lan báo hiếu với những tầng bậc ý nghĩa, để rồi trả lời được câu hỏi “Báo hiếu thực hiện trong một ngày hay trong 365 ngày?”
MỤC LỤC
Vu Lan báo hiếu - Nguồn gốc và những điều ẩn sâu bên trong
Lễ Vu Lan có tên tiếng Anh Parents' Day (Yulan Festival), được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Lễ Vu Lan thường trùng với Tết Trung nguyên và ngày lễ Xá tội vong nhân.
Đây là ngày lễ quan trọng của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông). Trong phong tục văn hóa Á Đông, lễ Vu Lan là một nghi lễ quan trọng trong năm của người Việt Nam nói chung và của các Phật tử Việt Nam nói riêng.
Nguồn gốc lễ Vu Lan đến từ đâu?
Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ câu chuyện của Đại đức Mục Kiền Liên khi cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Mục Kiền Liên tên đầy đủ là Kolitha Moggallana, là một trong số các vị đệ tử của Phật và là nhân vật chính trong kinh Vu Lan Bồn. Ngài đã chứng đắc sáu pháp thần thông phi thường nên có thể dùng thiên nhãn xem được các giới và thấy mẹ mình - bà Thanh Đề bị đọa nơi cõi ngạ quỷ.
Bằng lòng hiếu thảo, ông đã mang cơm đến cho mẹ nhằm mong bà bớt đói khát. Tuy nhiên, vì phải trả giá cho những nghiệp ác của mình trước đó: sát sinh hại vật, bỏn xẻn, tham lam và phỉ báng chúng tăng. Vậy nên, khi vừa đưa lên miệng bà thì bất ngờ biến thành lửa đỏ. Đau lòng chứng kiến sự tình ấy, Mục Kiền Liên đã về gặp Đức Phật mong cứu giúp mẹ.
Đức Phật đã chỉ dạy rằng: “Người dù có thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu rỗi mẹ mình, chỉ có thể nhờ sự hợp lực của các vị chư tăng mười phương, hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác mới có hy vọng giải thoát được. Và ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh các vị chư tăng, vì vậy hãy chuẩn bị các nghi lễ cúng vào ngày đó”.
Tuân theo lời dạy của Đức Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát được mẹ mình khỏi kiếp ngạ quỷ. Theo kinh Vu-Lan-Bồn, Đức Phật cũng dạy rằng: “Chúng sinh muốn báo hiếu đối với cha mẹ cũng nên tuân theo cách làm này”. Từ đó, ngày lễ Vu Lan đã ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.
Tuy vậy, khi nói về nghiệp xấu ác của mỗi người, nếu chỉ đơn giản là cần tới sự hợp lực của chư tăng mười phương để hồi hướng, mà chúng ta - những người đang sống không có hành động gì thì điều đó liệu có còn đúng?
Cho nên lễ Vu Lan chính là cơ hội để những người con tìm hiểu ý nghĩa của ngày lễ này, để biết cách làm tròn chữ Hiếu với mẹ cha bằng những đoá hoa của tâm từ bi, yêu thương và sự tử tế.
Ý nghĩa chữ Hiếu trong ngày lễ Vu Lan
Vu Lan báo hiếu mang ý nghĩa tốt đẹp từ sau nguồn gốc ấy. Nhân ngày lễ này, con cháu thể hiện tình yêu thương, lòng hiếu thuận và sự tôn kính với ông bà, cha mẹ, tổ tiên.
Đồng thời cũng là dịp tri ân tới những người thân cận xung quanh: anh em, làng xóm. Thông qua đó cũng bày tỏ tấm lòng thành kính với Mẹ Thiên Nhiên bằng cách gìn giữ, trân quý và bảo vệ môi trường nơi ta đang sinh sống.
Trong mùa Vu Lan của Phật giáo, các tín đồ thường cầu siêu cho những người đã qua đời, đồng thời hướng thiện, tích đức, cầu mong đấng sinh thành được gia tăng phúc, thọ và giải trừ những nghiệp chướng…
Ngoài ý nghĩa tôn giáo, Lễ Vu Lan còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở mỗi người về cội nguồn dân tộc, truyền thống hiếu đạo, tôn kính tổ tiên. Ngày lễ vì thế càng trở nên nhân văn khi thể hiện được lòng hiếu kính và tinh thần đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Những nghi thức diễn ra trong ngày lễ Vu Lan
Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt có nhiều hoạt động diễn ra như: Làm lễ, cầu siêu tại chùa, Nghi thức cài hoa lên áo, Nghi thức thả đèn hoa đăng.
Tuy vậy, những nghi lễ này chỉ được thể hiện trong ngày Vu Lan báo hiếu, vậy làm sao để biến những Nghi lễ này thành những hành động thiết thực hơn, để có thể đền ơn cha mẹ suốt cả 365 ngày trong năm.
Nghi thức cài hoa hồng lên áo - Gieo vào trái tim sự tử tế thiện lành
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh – Giám đốc TT Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam “Nghi thức cài hoa lên áo xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết trong những năm 1962”.
Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, Ngài đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho Lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào năm 1962.
Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất đối với cha mẹ. Mang ý nghĩa sâu sắc đó, nhiều người Việt Nam khi đến ngày Vu Lan đều cài một bông hồng trên áo.
Trong ngày Vu Lan báo hiếu, hạnh phúc biết bao khi anh, khi chị, và khi em được cài trên ngực bông hoa hồng đỏ thắm. Điều đó, hiện diện cho sự có mặt của mẹ cha trên cõi đời này cùng với bạn.
Hãy trân trọng và hạnh phúc vì vinh dự đó. Bởi lẽ chẳng ai cho bạn được tình yêu giống như cha mẹ mình mang lại. Đó là thứ tình yêu vô điều kiện và luôn thường hằng tồn tại bên chúng ta.
Thật vậy, xin hãy trân quý cha mẹ và đền ơn báo hiếu khi Người vẫn luôn bên ta. Để rồi, sau này khi chúng ta phải cài bông hoa trắng lên ngực trái sẽ thật đau xót lắm, ân hận lắm khi nhìn thấy màu trắng của cánh hồng.
Đó là màu của sự vĩnh hằng và sự vô thường của tạo hoá. Tình yêu vẫn còn đó mà giờ đôi đường cách biệt, ta và cha mẹ không còn ở bên nhau mỗi ngày. Ta không còn được nghe thấy giọng cha nói, được mẹ xoa đầu hay vỗ về mỗi khi mệt mỏi nữa.
Cũng chẳng còn được ăn bát canh cua đồng nấu với rau mồng tơi ăn với những quả cà pháo giòn tan vị thanh chua được nấu từ đôi bàn tay tảo tần của Mẹ ta nữa. Còn lại khi ấy trong ta chỉ là sự hoài niệm, xen lẫn xót xa, day dứt và hối hận vì những năm tháng Người còn bên mà ta đã vô tâm, thờ ơ với cha với mẹ.
Trong năm ta chỉ được cài một lần hoa hồng lên áo để nhắc nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, ông bà, tổ tiên. Vậy nên, để biến đó thành điều ý nghĩa cho một năm, từ thời khắc chúng ta cài hoa lên áo - gần với ngực trái của mình, hãy coi đó là bông hoa hồng của sư tử tế, của mọi phẩm hạnh tốt đẹp.
Đây là nghi thức mang lại nhiều cảm xúc cho chúng ta trong ngày Vu Lan báo hiếu. Mỗi một bông hoa đều luôn nhắc nhớ với ta rằng hiếu đạo là điều không thể chờ thành công, giàu có, hạnh phúc, đủ đầy mới thực hiện. Mà sự báo ân báo hiếu cần rốt ráo thực hiện ngay khi chúng ta còn đang còn có cha và có mẹ.
Nghi thức đốt đèn hoa đăng - Đốt 3 độc và thắp sáng tình yêu vĩnh hằng với cha mẹ
Trong dân gian, đèn hoa đăng được biết đến như một loại đèn cầu may mắn, bình an và hạnh phúc cho mọi gia đình. Tục lệ thả đèn hoa đăng vào rằm tháng 7 theo đó cũng hình thành ở nhiều địa phương.
Theo Phật giáo, rằm tháng 7 được chọn là ngày Lễ Vu Lan, đây là ngày để những người con tìm về cội nguồn, tổ tiên để làm tròn đạo hiếu. Theo dân gian, hoa đăng là đèn hoa, được thiết kế khá tỉ mỉ, soi sáng bởi một ngọn nến. Cho nên khi thả đèn hoa đăng chính là thắp lên ngọn nến tôn vinh đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Theo triết lý 3 gốc, đốt đèn hoa đăng cũng có thể hiểu là đốt đi 3 độc đang cháy ủ ngầm trong ta: sự tham lam, sân hận và si mê. Khi ngọn lửa của đèn hoa đăng cháy sáng sẽ xóa hết 3 độc và bùng lên sự ấm áp, vĩnh hằng trong tình yêu thương với cha với mẹ, với ông bà Tổ tiên.
Ngày lễ Vu Lan thả đèn hoa đăng là cách để cầu siêu cho những người đã khuất. Đèn sau khi thắp sáng sẽ được thả xuống nước mang ý nghĩa nguyện cầu bình an và thể hiện tấm lòng thành kính với cha mẹ, tổ tiên. Nghi thức thả đèn hoa đăng hiện nay được nhiều địa phương duy trì và rất phổ biến tại Hội An.
Tuy vậy, nếu lạm dụng việc đốt đèn hoa đăng có thể gây ô nhiễm môi trường khi hoa đăng đó không được dọn dẹp sau đại lễ. Vậy chẳng phải ta hiếu kính với mẹ cha nhưng lại vô tình bất kính với mẹ Thiên Nhiên? Vậy nên, xin hãy cân nhắc và tỉnh thức trong những hành động nhỏ ta làm để lợi mình, lợi người và lợi thiên nhiên.
Nghi lễ rửa chân - Thấu hiểu sự hy sinh của cha mẹ
Nghi lễ rửa chân cho cha mẹ cũng là một trong những hoạt động phổ biến trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Cha mẹ hiểu về đạo Phật hay tạo điều kiện để con cái lên chùa cùng thực hiện nghi thức này, xem như một cơ hội để con cái được thể hiện lòng thành kính của mình.
Để rồi sau mỗi dịp ấy, các con được trải nghiệm khoảnh khắc yêu thương bên cha mẹ. Con sẽ hiểu dần những gian khó mà cha mẹ trải qua khi cầm bàn tay thô ráp của mẹ hay đôi chân đầy vết chai sạn của cha.
Có những giọt nước mắt đã lăn trên gò má của những người con - những bạn trẻ. Chắc có lẽ vì đã quá lâu rồi chưa nắm tay cha, chưa cầm tay mẹ. Đã quá lâu rồi ta quên đi việc quan tâm, chăm sóc mẹ cha. Rửa chân là phương cách gợi nhắc ta quan tâm tới cha mẹ bằng những hành động nhỏ hàng ngày.
Tuy vậy, nếu trong mỗi ngày ta quan sát sự hiện hữu của Người, chỉ cần mỗi lần nhìn thấy dáng người nhỏ bé ấy, đôi mắt đầy vết chân chim, làn da đen sạm, mái tóc bạc phai theo dấu tích của thời gian; tâm ta hãy dâng lên một niềm biết ơn sâu sắc.
Bởi lẽ, vì ta mà Người đã chịu bao vất vả, đắng cay, gian truân để ta thêm khôn lớn. Sự hy sinh của cha mẹ là công ơn trời biển mà ta cần khắc sâu trong trái tim. Mai này, dù có đi đâu về đâu thì đôi tay nhăn nheo đầy vết chai sần ấy, bàn chân đầy chai sạn ấy, ánh mắt dịu dàng ấy sẽ hằn sâu trong trái tim của người con này.
Dù chỉ một ngày lễ Vu Lan báo hiếu trong năm diễn ra, nhưng tình thương và sự báo hiếu sâu đậm luôn thường trực trong trái tim và khối óc của con cả 365 ngày.
Nghi lễ cúng Phật, Thần, tổ tiên, ông bà, và cô hồn - tưởng nhớ nguồn cội và tôn kính chúng sinh
Lễ Vu Lan không chỉ là ngày quan trọng trong Phật giáo với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, mà còn trùng với Rằm tháng 7 - lễ Xá tội vong nhân. Đối với Người Việt Nam, theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên. Trong ngày này cũng cần chuẩn bị những mâm cúng với lòng thành bày tỏ với Bề Trên như Phật, quan thần linh, thổ địa, ông bà tổ tiên và cô hồn.
Rằm tháng 7 - lễ Xá tội vong nhân cho những cô hồn nào vất vưởng không nơi nương tựa. Tục lệ này diễn ra song song trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu cũng giống như ngày lễ Halloween của Tây phương.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý để không làm quá rình rang, gây mệt mỏi. Quan trọng nhất vẫn là tâm từ bi, hướng thiện và những giá trị tốt đẹp ta dành cho mẹ cha, tổ tiên, gia đình cũng như sự từ bi với những vong hồn đã khuất.
Báo hiếu trong 365 ngày dễ hay khó?
Vu Lan báo hiếu chỉ có 1 ngày, nhưng việc báo hiếu là việc chúng ta cần làm mỗi ngày trong năm và hàng ngày trong cuộc đời với tư cách của một người con hiếu thuận. Vậy chúng ta cần báo hiếu như thế nào?
Rèn bản thân theo hướng 3 Gốc
Đầu tiên, bản thân mỗi chúng ta cần phải biết tự rèn bản thân theo hướng ba gốc rễ để luôn giữ gìn sự tử tế của mình. Việc rèn luyện nhân cách, đạo đức, trí tuệ, nghị lực là những việc ta nên cần phải chuyên tâm thực hành hàng ngày.
Bởi lẽ, một nhân cách tốt được tôi rèn từ người có trí tuệ, biết đâu là đúng đâu là sai, có sự hiểu biết. Một nhân cách tốt phải là người có lòng từ bi, là người có đạo đức sáng soi. Một nhân cách tốt phải là người luôn có nghị lực phi thường. Nghị lực ấy được rèn rũa từ sự kỷ luật và chiêm nghiệm của bản thân.
Vậy thì, để thực hiện được đạo hiếu, hãy rèn thân đúng cách để phát triển 3 gốc và kìm hãm 3 độc (tham lam - sân giận - si mê) trong mình.
4 tầng bậc báo hiếu
Cùng phát triển hướng tới những tầng bậc cao trong việc báo hiếu cha mẹ. Có 4 tầng bậc báo hiếu của một người con mà ta cần nhớ để hướng tâm phát triển: Nuôi, Dưỡng, Thiện, Đạo.
Nuôi nấng là tầng bậc đơn thuần đầu tiên mà một người con cần phải hoàn thành khi cha già mẹ yếu, và không còn khả năng lao động.
Dưỡng là tầng bậc thứ hai để làm tròn đạo hiếu với cha với mẹ. Đó là cách ta phụng dưỡng người từ tâm. Hãy phụng dưỡng cha mẹ như cách cha mẹ đã từng âu yếm, nuôi dưỡng ta từ trong trứng nước.
Thiện là tầng bậc thứ ba để người con trọn vẹn đạo hiếu. Lúc này ta cần giúp mẹ cha phát triển đạo đức nếu thấy người vẫn còn tham sân si lấn át. Hướng mẹ cha để làm những việc lợi mình, lợi người và lợi cho thiên nhiên muôn loài như tu nhân tích đức, năng bố thí làm điều thiện.
Tầng bậc cuối cùng, cao nhất trong báo hiếu đó là Đạo. Đây là cách hướng mẹ cha vào môi trường tam bảo trong một cộng đồng có những người bạn tốt, thiện cùng chí hướng; có những người thầy hiền trí đế hướng mẹ cha tới thiện đạo và đọc những cuốn sách hay.
Chỉ đơn giản bằng việc tặng cha mẹ những cuốn sách hay và hấp dẫn, cũng làm cho kho tàng thức ăn tâm của mẹ cha thêm phong phú. Nếu cha mẹ già yếu không thể tự đọc, bạn có thể mua loa pháp thoại để mẹ cha nghe và hàm dưỡng tâm hồn. Đó là những cách đơn giản ta dẫn dắt người và Đạo hiếu với cha mẹ của mình.
Phát triển sự hiếu đạo với mọi người và thiên nhiên muôn loài
Chúng ta cũng cần trân quý những mối quan hệ mình có với gia đình, họ hàng, thân bằng, anh em làng xóm. Hãy cư xử với người bằng sự chân thành và luôn tôn trọng nhân quả để ứng xử trong mọi tình huống.
Đối với mẹ thiên nhiên, hãy luôn tôn trọng và bảo vệ môi trường để mầm xanh luôn phát triển mang lại cho ta những giá trị của sự sống trường tồn.
Đôi khi, chỉ cần bằng một hành động nhỏ: sử dụng vật phẩm tái chế, tiết kiệm nước, tắt điện khi không sử dụng, sử dụng phương tiện công cộng và ươm trồng thêm nhiều cây xanh. Đó là những hành động thật thiết thực và tuyệt vời trong việc bảo vệ môi trường.
Nếu ta đã cài đóa hồng tinh khôi đầy ý nghĩa lên ngực trái, bạn hãy để hương thơm của hiếu hạnh, sự tử tế sẽ ở mãi trong ta suốt 365 ngày của một năm. Để rồi ta luôn hướng đến một lối sống tử tế với vô vàn việc thiện lành ta thực hiện cho muôn loài muôn vật.
Đôi khi, đơn giản chỉ bằng cách ăn chay, bớt sát sinh hại vật. Hay bằng những hành động bố thí cúng dường, giúp người nghèo khổ và yếu kém hơn ta. Nếu chúng ta không thể làm những việc phi thường lớn lao, thì hãy cố gắng làm những việc nhỏ bé theo những cách phi thường nhất.
Vu Lan báo hiếu chỉ diễn ra trong một ngày của tháng 7. Nhưng đạo hiếu làm con thì phải thực hành trong cả năm, cả đời.
Dù còn mẹ, còn cha, hay cha mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa, ta hãy cứ trọn vẹn trong từng khoảnh khắc để phụng dưỡng mẹ cha, báo hiếu bằng cái Tâm vốn có của bản thân. Hay coi việc báo hiếu mẹ cha là lối sống của bản thân để tận hiếu trong từng giây phút.
Tận cùng của đời sống thiện lành chính là hiếu đạo. Chúc cho những người con trên thế gian này luôn vẹn tròn đạo hiếu với bậc sinh thành của mình, với ông bà tổ tiên, với thiên nhiên muôn loài. Để cho ta luôn Hiếu đạo trọn vẹn trong từng sát na của cuộc sống và 365 ngày trong năm ngày nào cũng là ngày Vu Lan báo hiếu.
Nội dung: Nguyễn Hằng - Content 3 Gốc khoá 3
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Trung Thừa Túc
Comments