top of page

Đọc sách nhiều để “biết tuốt" hay đọc ít nhưng hiểu sâu?

Updated: Apr 26

Đọc sách giúp chúng ta trưởng thành hơn nhờ nhận thức sâu sắc, củng cố niềm tin, nuôi dưỡng hoài bão… Điều đó không cần bàn cãi.

Nhưng giữa thế giới sách khổng lồ tồn tại từ cổ chí kim, lựa chọn sách như thế nào để đọc hiệu quả là điều cần phải bàn.


Nên đọc rộng để có hiểu biết đa chiều, phong phú về nhiều vấn đề hay đọc sâu để có sự hiểu biết đến tận ngọn nguồn gốc rễ với một vấn đề ? 

Nên đọc nhiều chủ đề để trở nên uyên bác hay đọc sâu một một chủ đề để trở thành tài hoa?


Mời bạn cùng 3goc.vn suy ngẫm và tìm câu trả lời cho mình qua bài viết dưới đây bạn nhé!


Mục lục

  1. Đọc rộng - đa chiều nhưng thiếu chiều sâu

  2. Đọc sâu - sâu sắc nhưng dễ phiến diện

  3. Đọc rộng làm nền tảng - đọc sâu để hiểu thấu

  4. Kết luận




Chắc hẳn sẽ có nhiều ý hiểu về đọc rộng và đọc sâu. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này 3goc.vn, xin phép chia sẻ khái niệm đọc rộng và đọc sâu như sau:

  • Đọc rộng: Đọc sách với nhiều thể loại, nội dung, chuyên ngành…Vì đọc nhiều nên thường chúng ta sẽ phải đọc lướt, đọc không cần kĩ.


  • Đọc sâu: Đọc sách tập trung vào một thể loại mình tâm đắc nhất, lựa những cuốn sách hay nhất. Vì tập trung vào một nội dung chuyên môn nên ta có thể đọc kỹ, không những vậy còn cần đúc kết và sơ đồ hóa. Về phương pháp đọc kỹ này bạn có thể tìm hiểu thêm tại phương pháp đọc sách sâu.


Đọc rộng - đa chiều nhưng thiếu chiều sâu

Có lẽ đây là cách mà nhiều người có thói quen đọc sách đang thực hiện: Đọc nhiều, hễ cứ thấy ai giới thiệu quyển gì hay là lập tức tìm đọc, đọc không cần hệ thống, không có kế hoạch, gặp nội dung nào cũng đọc…Đôi khi chúng ta sợ mình bỏ lỡ thông tin quan trọng nên cái gì cũng quan tâm, điều gì mình tìm kiếm.


Việc đọc nhiều thể loại sách như vậy có tốt không?

Chắc chắn là tốt. Hễ cứ đam mê đọc sách đều tốt. Bởi sách chứa đựng kiến thức - kinh nghiệm của nhân loại trải qua bao đời. Với chiều dài thời gian vô hạn, một đời người hữu hạn và ngắn ngủi muốn tiếp cận trí tuệ của nhân loại, không có cách nào tốt hơn là đọc sách và nghiên cứu tư liệu người đi trước để lại.


Việc đọc nhiều thể loại cho chúng ta sự uyên bác, hay còn gọi là người “biết tuốt”. Để mỗi khi có những cuộc thảo luận, hay gặp đặt vấn đề nào đó, bằng sự hiểu biết rộng, mình đều có thể tham gia giải quyết và chia sẻ. Sự đa chiều ấy cũng giúp mình có những nhận định khách quan trong cuộc sống, nhìn thấy sợi dây liên kết giữa các chủ đề. Điều này thực sự có ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống.


Tuy nhiên, thời gian mỗi người là hữu hạn, việc đọc nhiều sách dù giúp ta có hiểu biết rộng nhưng sẽ thiếu chiều sâu. Bởi vì đọc nhiều nên bạn không thể nào quyển nào cũng đọc kĩ, không thể chủ đề nào cũng tìm  hiểu sâu. Giống như việc bạn khó có thể vừa là chuyên gia dinh dưỡng vừa là bậc thầy về toán học, cũng khó có thể đồng thời là bác sĩ và vừa là kiến trúc sư… 




Đọc rộng giúp bạn cái gì cũng biết nhưng nó sẽ dừng lại ở mức hiểu cơ bản chứ ít đi vào chuyên sâu. Tất nhiên cũng sẽ có trường hợp ngoại lệ, nhưng điều này cực kì hiếm. Bởi không phải ai cũng đủ năng lực trở thành Leonardo da Vinci khi vừa là là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu lại vừa là nhà phát minh và triết gia nổi tiếng của thời đại.


Bạn có thể là một cuốn bách khoa toàn thư am hiểu về nhiều lĩnh vực nhưng bạn sẽ khó xác định được đâu là trọng tâm và mũi khoan để nâng tầm thành tuyệt chiêu - sở trường. Trong công việc, thói quen đọc rộng giúp bạn dễ dàng đa nhiệm nhưng khi cần chuyên sâu, bạn sẽ khó để đáp ứng.


Vậy có phải  người thích đọc sâu sẽ là người chiếm lợi thế?


Đọc sâu - sâu sắc nhưng dễ phiến diện

Đọc sâu là thay vì đọc rất nhiều chủ đề, lĩnh vực, bạn chỉ tập trung vào một nội dung mình thực sự tâm đắc thôi. Bạn không cần đọc nhiều nhưng thói quen của bạn là đọc kỹ, đọc đến đâu sâu đến đó. Vì đọc kỹ nên bạn sẽ tìm những cuốn sách tinh hoa nhất để đọc. Vậy là, thay vì đọc rất nhiều nhưng không đọng lại bao nhiêu, đọc sâu giúp bạn đọc đến đâu thì nội dung sẽ đọng lại đến đó.


Thật tuyệt, cách này sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc một vấn đề, cơ hội trở thành chuyên gia, thành một người không thay thế trong một lĩnh vực. Khi nghiên cứu chuyên sâu một vấn đề, cơ hội nghề nghiệp của bạn cũng phát triển. Đa số chúng ta có thể lành nghề khi tập trung đọc và nghiên cứu một vấn để trọng tâm. Ví dụ Bác sĩ, luật sư, giáo viên…đều là sản phẩm của việc tập trung học và nghiên cứu chuyên sâu cho một lĩnh vực.


Đọc sâu có nhiều ưu điểm, vậy có mặt hạn chế không?

Khác với đọc rộng, sự hiểu biết về nhiều vấn đề giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều, thì ngược lại khi đọc sâu, chúng ta lại vấp phải tình trạng: sâu sắc chuyên môn của mình nhưng đặt trong tổng thể lại dễ bị phiến diện và chủ quan.




Chẳng hạn, một người tập trung nghiên cứu về Tây y thì sẽ thấy rằng Tây y là tốt nhất, một người chỉ biết Đông y thì thường nghĩ rằng Đông y là số 1. Trong đọc sách cũng vậy, mình chỉ đọc lĩnh vực mình tâm đắc thôi, sẽ dễ bị thiếu đi sự khách quan và đa chiều.


Vậy thì, cả đọc rộng và đọc sâu đều có mặt tốt và hạn chế, ta nên lựa chọn cách nào để tối ưu nhất cho mình đây?


Đọc rộng làm nền tảng - đọc sâu để hiểu thấu 

Cách đọc hiệu quả đó là hãy đọc có hệ thống, có kế hoạch và có chọn lọc, để việc đọc sách giúp bạn vừa có sự đa chiều vừa có sự sâu sắc. Nghĩa là không bỏ đi việc đọc rộng, cũng không coi nhẹ việc đọc sâu, chúng ta cần đọc sâu kết hợp đọc rộng.


Tại sao cần kết hợp giữa đọc rộng và đọc sâu?

Thứ nhất, theo phân tích ở trên bạn sẽ thấy cả 2 cách đọc đều có ưu - nhược điểm. Việc kết hợp sẽ giúp chúng ta vừa có cái nhìn tổng quan, đa chiều nhưng không thiếu sự sâu sắc và chuyên môn. Trên đời này vốn không có học vấn nào cô lập, cũng không có học vấn nào tách rời học vấn khác bởi không biết rộng thì không thể chuyên, không thông thái thì không thể nắm gọn.


Chẳng hạn, một người làm thầy, vững về chuyên môn giảng dạy, chắc về kiến thức nội dung môn học nhưng không thể thiếu sự quan sát về xã hội, sự nắm bắt thời cuộc để có thể tạo mối liên kết giữa lý thuyết trong sách giáo khoa và cuộc đời thực.


Thứ 2, đọc rộng và đọc sâu áp dụng đúng sẽ giống công thứ 100:10:1 (Chúng ta đọc 100 tài liệu, chọn lấy 10 nội dung hay nhất, đúc kết lại 1 bài tinh hoa nhất). Đây là cách giúp ta chọn lọc tinh hoa giữa thế giới sách khổng lồ. Bởi chúng ta không có thời gian đọc tất cả sách của nhân loại nhưng sẽ đủ thời gian để đọc những cuốn tinh hoa nhất.




Sách tinh hoa cần đọc kỹ, đọc sâu, đúc kết để ứng dụng không tự nhiên mà ta biết đến. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy sau quá trình đọc rộng đủ. Chẳng hạn nếu bạn muốn tạo 1 trang blog, bạn chưa biết mình nên tập trung chủ đề gì, vậy thì việc đầu tiên bạn cần làm là đọc nhiều chủ đề, sau đó chọn ra cái mình hứng thú nhất rồi đào sâu về nó.


Giáo dục hiện nay thông qua các cấp học cũng chính là đang đi theo tiến trình này đọc rộng (học rộng) - đọc sâu (học sâu). Ở cấp Trung học cơ sở - Trung học phổ thông, bạn sẽ học rất nhiều môn học với mục đích nắm kiến thức cơ bản - phổ thông; Nhưng sau đó lên cao đẳng - đại học, bạn sẽ chỉ tập trung vào một chuyên ngành nhất định, với mục đích là  học làm nghề. 


Hoặc một cuốn giáo trình cũng thường trình bày từ tổng quan, sau đó là từng phần chi tiết, vấn đề cụ thể. Đó cũng chính là tiến trình đọc rộng - học rộng để biết tổng quan, sau đó đọc sâu - học sâu để có hiểu biết sâu sắc và chi tiết.


Tóm lại, không nên chỉ nghiêng về đọc rộng hay đọc sâu, trong quá trình học - hiểu - hành, chúng ta cần kết hợp cả 2 cách để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn hiệu quả, đa chiều nhưng vẫn chuyên sâu.

Vậy nên, nếu bạn đang đọc nhiều nhưng chẳng đọng lại bao nhiêu, hãy tập trung cho việc đọc sâu.

Còn nếu bạn đang đọc sâu rồi, hãy trải nghiệm thêm với việc đọc rộng  để mở rộng sự hiểu biết và tri thức của mình.




Dù là người đọc sách lâu năm hay mới chỉ bắt đầu, cũng hãy thiết lập cho mình một tủ sách tinh hoa 5 cấp độ với nhiều thể loại như: Dạy con, tình yêu hôn nhân, tâm linh, phát triển bản thân…Hãy đọc tất cả chủ đề đó và lựa chọn ra những cuốn hay nhất để đọc thật kỹ và áp dụng thật sâu trong công việc và cuộc sống của mình, bạn nhé!


Kết luận

Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần từng nói rằng: “Đọc sách là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng”. Nhưng điều quan trọng là mỗi chúng ta cần biết lựa chọn sách như thế nào để đọc và biết cách đọc sao cho hiệu quả.


Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn trong việc xây dựng thói quen đọc sách có hệ thống, có kế hoạch và có chọn lọc, để việc biết rộng và hiểu sâu giúp bạn sống hiệu quả, ý nghĩa và hạnh phúc hơn.


Nội dung: Nhàn Lý 

Hình ảnh: Hoa Hồi - Học viên Content 3 gốc


31 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page