“Trái tim quặn thắt!
Lồng ngực đau nhói!
Một người phụ nữ mà tôi không hề quen biết đã chọn cách ôm đứa con thân yêu nhất của mình rời xa thế giới này mãi mãi…”
Và những câu chuyện đau lòng như thế cứ tiếp tục diễn ra. Vậy nhưng ở đâu đó vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng “sinh con thôi mà, có gì đâu trầm cảm”.
Mong rằng những chia sẻ tận tâm can từ blog 3goc.vn sẽ giúp cho tất cả chúng ta: những người phụ nữ đã và đang trong màn đêm ảm đạm, những cô gái chuẩn bị làm vợ làm mẹ và đặc biệt những người chồng sẽ thấu hiểu, bao dung, luôn ở bên để không còn những câu chuyện đáng tiếc xảy ra thêm một lần nào nữa.
MỤC LỤC
1. TIẾNG LÒNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRẦM CẢM SAU SINH
Dạo gần đây, hàng ngàn trái tim trên khắp thế giới đã rung cảm sâu sắc khi đọc được một bức thư của người phụ nữ 30 tuổi, người Anh có tên là Becci Nicholls gửi cho chồng của mình.
Dưới đây là một đoạn trong bức thư đăng trên blog cá nhân của Becci - một người vợ, người mẹ bị rơi vào vực thẳm của trầm cảm sau sinh:
“Gửi chồng,
Em yêu anh rất nhiều, nhiều hơn mọi thứ trên thế giới, em nghĩ là anh biết điều này. Em hiểu là anh cũng yêu em, chỉ đôi khi em quên mất. Trầm cảm khiến đầu óc em nặng nề, khiến em chìm trong những suy nghĩ khủng khiếp rằng em không xứng đáng được yêu thương, rằng em là con người vô giá trị. Đôi lúc em tin anh, nhưng đôi lúc em tin căn bệnh.
Em biết là anh thích những ngày tươi đẹp khi em vẫn vui vẻ và không lo lắng hay gắt gỏng, em ước gì mình có thể có lại những ngày như thế, nhưng em không thể. Em cảm thấy mây đen đang đến, và em bị tê liệt. Có lúc em nói với anh, có lúc em im lặng. Nếu anh cảm thấy những đám mây đang kéo đến, làm ơn, hãy ôm em thật chặt và nói với em rằng chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu. Đừng hỏi em rằng em có ổn không, vì em sẽ tự động trả lời ‘có’ khi thực sự là ‘không’. Trầm cảm khiến người ta cảm thấy nhục nhã.
………..
Em biết là rất khó để giúp một người vượt qua trầm cảm khi bản thân anh chưa hề nếm trải. Em hoàn toàn hiểu điều đó. Hãy luôn luôn yêu thương em, lắng nghe em, hỏi em về những ngày đầy mây. Em không thể tự nói ra. Em cần anh phá vỡ sự yên lặng.
………..
Em yêu các con, nhưng đôi khi em cảm thấy mình là một thất bại, một bà mẹ vứt đi. Thâm tâm em nói rằng các bà mẹ khác tốt hơn em, và yêu thương nhiều hơn em. Hãy nói với em rằng em yêu các con đủ nhiều. Em thấy rất khó khăn trong việc làm mẹ, nhưng em đang cố gắng. Em hy vọng anh biết điều này.
…………
Trầm cảm làm em kiệt sức. Có thời điểm cơn mệt mỏi tồi tệ đến mức em muốn khóc. Mọi cái xương đều đau. Nghe điên rồ, nhưng thật đấy. Khi em mệt mỏi xin hãy hiểu đó là do căn bệnh.
…………
Em muốn cảm ơn anh vì đã yêu và ở cạnh em. Anh là điều tuyệt vời nhất.
Mãi mãi yêu anh”.
Bức thư đã đọc xong, nhưng niềm thương cảm cho những phụ nữ còn đang vẫy vùng trong ảm đạm vì trầm cảm sau sinh vẫn còn đó.
Lời tâm sự của Becci đã giúp chúng ta hiểu được phần nào về căn bệnh trầm cảm sau sinh thực sự là gì. Nỗi đau này đã khiến họ cô đơn đến túng quẫn, chơi vơi ngụp lặn trong sự lạc lõng, bơ vơ đến nhường nào.
Nếu một câu chuyện chưa đủ để những người chồng hay những người phụ nữ chưa từng làm mẹ lay động, bạn hãy tiếp tục nhận diện để hiểu rằng đây không phải là vấn đề của cá nhân, là trường hợp hiếm hoi. Đây là vấn đề chung của rất rất nhiều người làm mẹ - đặc biệt là những người phụ nữ sinh con đầu lòng.
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Có con thực sự là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt của những người làm cha làm mẹ. Ôm đứa con bé bỏng, ngắm nhìn những thiên thần với muôn vàn trạng thái khiến cha mẹ hạnh phúc vô bờ. Nhưng đằng sau những khoảnh khắc lâng lâng đến kì diệu ấy đôi lúc là những lo lắng, sợ hãi, mỏi mệt đến choáng ngợp.
Những cung bậc cảm xúc đó là điều rất hết sức bình thường, đặc biệt là nếu bạn là người lần đầu làm cha mẹ. Nhưng có thể xuất hiện trạng thái bất ổn chỉ người mẹ mới phải trải qua, đó là TRẦM CẢM.
Trầm cảm là khi cảm xúc bị chìm xuống, rơi xuống ở tầng năng lượng tiêu cực: cô đơn tột độ, buồn bã tột độ, sợ hãi tột độ, hoang mang tột độ. Hội chứng trầm cảm sau sinh PPD (postpartum depression) là hội chứng trầm cảm nặng sau khi sinh con. Nó ảnh hưởng đến 15% số người trên thế giới. Đáng tiếc là khi rơi vào trạng thái này, người mẹ hoàn toàn khó ý thức và không thể kiểm soát được bản thân mình để tự thay đổi hoặc cầu cứu sự giúp đỡ từ xung quanh.
2. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh
Kỳ thực thì rất khó khăn để một người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh nói về vấn đề của họ. Nếu đi qua rồi họ cũng ngại chia sẻ vì không muốn nhớ lại những ngày tháng tuyệt vọng. Hoặc trong một số trường hợp chính họ cũng không nhận thức được mình đã rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh.
Theo tài liệu từ Mayo Clinic - USA thì các dấu hiệu trầm cảm sau sinh con rất đa dạng và có thể từ nhẹ đến nặng. Ban đầu, trầm cảm sau sinh có thể bị nhầm lẫn với hội chứng baby blues (chỉ kéo dài vài ngày đến một hoặc hai tuần sau khi em bé chào đời) với các triệu chứng như:
- Cảm thấy choáng ngợp và buồn chán sau khi sinh.
- Tâm trạng khó chịu, thay đổi thất thường và thường xuyên cáu gắt vì những lý do nhỏ.
- Trống rỗng và không gắn kết được với đứa con mà mình mới sinh ra.
- Lo lắng, sợ hãi về sự an toàn của đứa con.
- Bồn chồn, mất ngủ và mệt mỏi, không muốn ăn uống hay chăm sóc bản thân.
Đối với hội chứng baby blues, người mẹ có thể cảm thấy tốt hơn 1 - 2 tuần sau đó mà mọi thứ, lúc mà mọi thứ dần đi vào quỹ đạo và người mẹ bắt đầu quen dần với việc chăm sóc đứa con của mình.
Tuy nhiên, đối với một người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh (PPD) các dấu hiệu có thể tương tự như hội chứng baby blues nhưng sẽ nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn. Các biểu hiện trầm cảm sau sinh cụ thể như sau:
Buồn bã và chán nản
Người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường phải đối mặt với tình trạng buồn bã và chán nản kéo dài từ ngày này qua tháng khác. Họ luôn cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng, họ khóc rất nhiều và thậm chí là khóc không biết lý do vì sao.
Họ luôn nghĩ về bản thân và trách nhiệm của một người mẹ, rằng mình là một người mẹ tồi tệ, không chăm sóc tốt cho đứa con của mình. Đôi khi họ không thể gắn bó và gần gũi với đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau sau 9 tháng 10 ngày mang thai.
Lo lắng và sợ hãi
Một người mẹ bị trầm cảm sau sinh thường vô cùng nhạy cảm và dễ tổn thương. Họ cực kỳ sợ ánh mắt dò xét từ những người xung quanh về khả năng nuôi con cũng như sự lớn lên của em bé.
Họ có xu hướng thu mình lại vào một góc, không muốn gặp gỡ người lạ, sợ bóng tối, sợ tiếng động lớn, sợ tiếng khóc của con. Nỗi sợ hãi choáng ngợp và bao trùm lên toàn bộ tâm trí của một người mẹ bị trầm cảm sau sinh khiến họ mệt mỏi và suy sụp.
Tuyệt vọng
Rất nhiều khi, một người mẹ bị trầm cảm sau sinh bị rơi vào cảm giác tuyệt vọng. Cảm giác này làm cho họ như bị lạc vào khu rừng tối đen mà không tìm thấy lối ra.
Đối với họ, dường như mọi người xung quanh đều không hiểu mình, họ mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân và cảm thấy mình thực sự là một người mẹ vô tích sự, một người vợ đáng bỏ đi.
Có đôi lúc họ cố gắng vực dậy để vượt thoát ra cảm giác tuyệt vọng thường trực đó, nhưng rồi lại bị sự yếu ớt khiến cho ngã quỵ xuống. Bởi gặp rất nhiều khó khăn khi chăm sóc em bé và những bế tắc trong cảm xúc, có những trường hợp đáng tiếc người mẹ đã tìm đến cái chết hoặc lại hại ngay chính đứa con bé bỏng mình sinh ra.
2. PHỤ NỮ RƠI VÀO TRẦM CẢM SAU SINH VÌ ĐÂU?
Nhiều người nghĩ rằng, phụ nữ thời nay sinh con được chăm sóc chu đáo, đầy đủ tiện nghi nên tâm trạng của họ đương nhiên phải tốt. Vậy nên những người chưa từng trải qua sẽ không thể hiểu tâm tính thất thường đó và cho rằng những người phụ nữ như vậy là làm quá. Kỳ thực, con quái thú mang tên trầm cảm sau sinh luôn chầu chực tấn công mà không phân biệt người đó giàu có, đủ đầy hay thiếu thốn cả.
Vậy nguyên nhân của cảm giác cùng quẫn, lạc lối, mất phương hướng, tuyệt vọng đó từ đâu mà đến?
Người mẹ vừa mới sinh con xong luôn trong tình trạng cảm xúc lẫn lộn, vừa vui mừng khôn xiết vừa hoang mang lo lắng, thậm chí là choáng ngợp và suy sụp. Nếp sinh hoạt ăn ngủ của con đôi khi là nỗi ám ảnh đối với một người lần đầu làm mẹ, bởi vì có những em bé có thể khóc suốt đêm mà không biết vì lý do gì hoặc đòi bế mãi trên tay mà không chịu nằm xuống giường, chưa kể đến những lúc con ốm đau triền miên.
Thêm vào đó, những hormone trong cơ thể của người phụ nữ sẽ bị thay đổi rất nhiều sau quá trình mang thai và sinh nở. Sự thay đổi này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của một người mẹ. Họ sẵn sàng nổi cáu vì những lý do mệt mỏi, hoặc là suy nghĩ quá nhiều về những điều không có thật.
Bản thân người mẹ luôn tự đặt cho mình những áp lực về việc phải nuôi con như thế nào là tốt nhất, làm một người mẹ như thế nào mới là hoàn hảo. Xã hội ngày nay phát triển mạnh mẽ và trào lưu dạy con theo phương pháp này phương pháp kia đôi lúc lại đặt nặng lên vai người mẹ nhiều điều hơn là việc nuôi con như trước.
Hơn thế nữa, họ luôn phải chịu thêm những áp lực từ những người thân xung quanh về trách nhiệm làm mẹ. Điều này giống như những sức nặng vô hình đè bẹp lên thân thể và bóp nghẹt tâm trí của một người mẹ sau khi sinh con khiến họ dần dần kiệt quệ và tàn tạ.
“Mẹ nuôi con kiểu gì mà để con còi cọc thế kia”, “Làm mẹ kiểu gì mà để con khóc hoài không chịu dỗ”, “Chỉ mỗi việc chăm con thôi cũng làm không được”.... Là những lời nói dẫu cho không có ác ý nhưng lại cứa vào tim gan của một người làm mẹ khiến họ bị tổn thương và khốn đốn, họ cảm thấy mọi thứ trước mắt thật tồi tệ vì tất cả sự cố gắng của mình bị xem là vô nghĩa.
Tất cả những thử thách và trách nhiệm đang che mờ đi sự đẹp đẽ của hai chữ “Thiên chức” khiến cho những người mẹ sau sinh đứng trên bờ vực hay thậm chí là rơi vào hố sâu của căn bệnh trầm cảm sau sinh. Đáng buồn là trong những ngày tháng bế tắc đó, họ ít nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu. Càng không được thấu hiểu họ càng tuyệt vọng. Tất cả trở thành một vòng luẩn quẩn chán chường nếu họ không thể tìm được lối đi ra.
3. GIÚP PHỤ NỮ HỒI SINH TỪ VỰC SÂU TRẦM CẢM
Có rất nhiều người mẹ đã dũng cảm đi qua trầm cảm sau sinh nhưng cũng có rất nhiều phụ nữ chấp nhận thất bại bằng cách người bình thường cho là điên rồ như kết liễu cuộc đời. Vì vậy mong rằng tất cả chúng ta đừng chờ đợi khi bản thân rơi vào hố sâu hoặc người thân của mình trầm cảm nặng mới quan tâm và tìm hiểu. Ngay từ lúc này hãy trao cho mình những giải pháp cụ thể để tất cả phụ nữ hạnh phúc trọn vẹn trong thiên chức làm mẹ.
3.1 Chuẩn bị tâm lý kỹ càng trước khi sinh
Một điều mà không bao giờ là thừa đối với những người phụ nữ và người chồng của họ là phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng trước khi sinh con. Thực tế thường khác xa so với những gì bạn hình dung và tưởng tượng. Cho nên bạn không chỉ cần tìm hiểu qua sách vở, những khóa học về tâm sinh lý của phụ nữ mà còn cần quan sát thực tế nữa.
Bạn hãy dành thời gian tìm hiểu, quan sát tận nơi, lắng nghe những trải nghiệm của các bà mẹ sau khi sinh để hiểu về những đảo lộn của người làm mẹ. Lắng nghe và học hỏi cách mà một bà mẹ chăm con như thế nào để mang lại sự bình an, nhẹ nhàng, hạnh phúc cho cả mẹ và con.
Không có lý thuyết nào sâu sắc bằng chính sự trải nghiệm. Việc quan sát, lắng nghe và học hỏi từ thực tế trải nghiệm của những người phụ nữ đã sinh con sẽ giúp bạn có cái nhìn chân thực hơn để không khỏi hoang mang, lúng túng về sau.
Làm mẹ chính là phước báu lớn nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ. Hãy chuẩn bị hành trang và tâm lý thật tốt để đón nhận hạnh phúc thật trọn vẹn nhé!
3.2 Tạo nên không gian an toàn cho cả mẹ và con
Không gian an toàn là nơi tránh xa được những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đó không chỉ là nơi đảm bảo vấn đề an ninh mà còn tạo sự an ổn, ấm áp và hạnh phúc. Nơi sống gần gũi thiên nhiên an lành sẽ thật lý tưởng nhưng không phải ai cũng đủ cơ hội để làm điều đó. Vì vậy tạo một không gian ở đó người mẹ nhận được sự yêu thương, không chịu bất kì sự phán xét, chê bai, trách móc nào là rất tuyệt vời rồi.
Nếu người mẹ không thể cất tiếng nói với mọi người rằng mình cần sự cần sự bình yên và yêu thương nhiều hơn nữa thì những người thân bên cạnh cũng hãy thấu hiểu rằng việc mang lại những điều này là vô cùng cần thiết. Bởi môi trường này sẽ giúp mẹ bình tâm hơn, gắn kết với con nhiều hơn. Tâm thái ấy sẽ giúp người mẹ luôn lạc quan, yêu cuộc sống và suy nghĩ tích cực. Hoàn toàn có thể giúp tránh trầm cảm và chữa lành trầm cảm.
3.3 Chia sẻ, nhận sự giúp đỡ từ chồng và người thân
Để có thể chữa lành trầm cảm sau sinh, người phụ nữ và cả người thân của cô ấy phải thừa nhận rằng đang có sự bất ổn. Nếu bản thân không thể tự vượt qua, hãy chia sẻ và nhờ mọi người giúp đỡ. Dẫu biết rằng có những thứ chỉ có thể tự trải qua nhưng sự nâng đỡ từ những người thân xung quanh là cần thiết. Nhất là đối với một người phụ nữ đang phải đối mặt với việc chăm sóc đứa con và căn bệnh trầm cảm của mình.
Hãy chia sẻ những bất ổn mà mình đang đối mặt với những người mình tin tưởng, bên cạnh. Nhận sự giúp đỡ trong việc chăm sóc con cái để mình có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sẽ khiến người phụ nữ không còn cảm giác cô đơn trên hành trình của mình.
"Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương."
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nếu bạn là người thân, đặc biệt là người bạn đời, hãy dành thật nhiều thời gian để ở bên cạnh, chăm sóc cô ấy và con cái thật chu đáo. Hãy lắng nghe, nhẹ nhàng và điềm tĩnh, nhẫn nại và bao dung khi người vợ của mình có những lời nói hay hành vi không tốt. Đừng so sánh rằng “người khác cũng sinh con nhưng đâu có như em” bởi điều đó chẳng khác như mũi dao giết chết sự chống cự cuối cùng của cô ấy. Khoảnh khắc sinh tử khiến cô ấy trở nên mong manh, yếu đuối và vì vậy dễ bị con quái thú mang tên trầm cảm sau sinh chi phối.
Hơn hết, tình yêu thương chân thành và mong muốn giúp đỡ từ người chồng sẽ chạm đến trái tim người vợ. Cô ấy sẽ luôn cảm thấy tốt lên và bình phục khi tình yêu và sự bao dung, thấu hiểu của chồng đủ lớn.
3.4 Tìm về sự bình an trong tâm trí của chính mình
Với những người mẹ có dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh, nếu thấy vẫn còn đủ sức vượt qua thì hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Bạn phải tin rằng trong não bộ mình vẫn còn đủ khả năng sản xuất ra các nội tiết tố quan trọng để cân bằng tâm lý .
Mặc dù khi làm mẹ, bạn có rất ít thời gian để chăm sóc cho bản thân. Nhưng hãy dành cho mình một thời gian nhất định nào đó trong một ngày để săn sóc, vỗ về, yêu thương chính mình. Nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách, nghe nhạc, nghe bài giảng của các vị Thầy, vẽ, thêu tranh, trồng cây, tham gia vào các lớp yoga, thiền để kết nối với cơ thể và với tâm hồn của mình.
Dành nhiều thời gian để chú tâm lắng nghe những biến động bên trong của mình. Tập ghi nhật ký để nhận diện được những suy nghĩ nào đang xâm chiếm, những điều mà mình lo lắng có thực sự khiến mình sợ hãi thế không, cơ thể mình đang mệt mỏi như thế nào. Quan sát tâm mỗi ngày là cách tốt nhất để hiểu mình, hiểu những gì mình đang gặp phải và từ đó bạn sẽ tìm ra lối thoát.
3.5 Tham vấn chuyên gia trị liệu tâm lý
Nếu bản thân bạn không tự thoát ra được những ám ảnh triền miên, mặc dù bạn đã quay về lắng nghe cơ thể hoặc đã nhận sự giúp đỡ từ chồng, bạn bè, người thân bên cạnh. Lúc này, hãy tìm đến các chuyên gia trị liệu tâm lý để được can thiệp và chữa lành vết thương của bạn.
Bạn có thể tham vấn Sư Thầy Minh Niệm - Người sáng lập cộng đồng Thiền chữa lành tâm lý:
Hoặc có thể gửi tâm tình về những câu chuyện của cuộc đời mình để được lắng nghe và gỡ rối cùng cộng đồng Seroto Radio: https://zalo.me/g/clhved457 .Tham gia các khóa học trí tuệ cảm xúc, làm cha mẹ tỉnh thức từ Seroto Foundation: https://www.seroto.vn/
Các khóa học về hôn nhân, luật nhân quả, giải mã ý nghĩa cuộc đời từ Thầy Trần Việt Quân và Cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn về gốc rễ của vấn đề và tìm ra lối thoát cho cuộc đời của chính mình:
4. LỜI NHẮN NHỦ
Sau tất cả, bạn hãy nhớ rằng: Con cái chính là món quà thiêng liêng và vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho bạn. Sự bình an của chính bạn sẽ mang đến niềm an lạc và phước lành cho đứa con yêu quý của mình. Hãy sống một đời thật trọn vẹn và trân quý tất cả những gì ở hiện tại mà bạn đang có.
Và những người chồng, hãy luôn dành cho vợ mình sự nhẫn nại, thấu hiểu và yêu thương. Bởi “Tình yêu thương thực sự luôn lan tỏa năng lượng chữa lành diệu kỳ và không bao giờ gây ra khổ đau”.
Chúc tất cả phụ nữ sẽ luôn vững vàng, thảnh thơi, hạnh phúc ngay ở hiện tại. Đừng quên chia sẻ khoảnh khắc vui vẻ cũng như những trăn trở của bạn cùng Blog 3goc dưới comment bạn nhé!
Nội dung: Như Quỳnh - Học viên Content 3 gốc
Biên tập: Nhàn Tuệ Tĩnh
Comments