Rủi ro bị lừa, thất bại, đau khổ trong cuộc sống…tại sao ta khó tránh khỏi?
Có nhiều nguyên nhân nhưng cốt lõi là do ta không nhìn thấy sự thật dưới “tảng băng chìm”, không bao quát được sự việc nên nhận định phiến diện.
Biết quan sát - đời sẽ khác.
Cùng 1 sự việc, nếu quan sát kỹ lưỡng và có góc nhìn đa chiều, ta sẽ có những quyết định sáng suốt, tránh phần lớn rủi ro dù bản thân có là “tấm chiếu mới chưa từng trải”.
Chắc chắn đây là sẽ chủ đề cần thiết giúp bạn “đọc vị” mọi vấn đề trên hành trình mưu sinh, phát triển bản thân và tạo sự hài hòa trong các mối quan hệ. Mời bạn cùng blog 3 gốc suy ngẫm về bài viết này, bạn nhé!
MỤC LỤC
—--
1. Khi ta quan sát cuộc đời bằng “nửa con mắt”
Hồi nhỏ ba mẹ la mắng, đứa trẻ tủi thân nghĩ ba mẹ chẳng thương mình. Lớn khôn hơn, biết đặt mình vào vị trí bậc sinh thành mới thấu hiểu đằng sau bản năng nóng giận đó là tình yêu vô điều kiện không gì sánh được.
Vợ chồng cãi nhau, ai cũng nghĩ đối phương chỉ biết mình, rằng đã hết tình cạn nghĩa. Chia tay rồi, tĩnh lặng nhìn lại, chợt thấy mình cũng có lỗi vì thiếu sự đồng cảm và lắng nghe.
Trước đó, ta tự cho mình nghĩ đúng vì chỉ nhìn mọi thứ bằng “nửa con mắt”: nhìn trái - bỏ qua phải, nhìn trước - không nhìn sau, nhìn yếu - coi thường mạnh… Tóm gọn góc nhìn chủ quan, phiến diện, dính mắc cảm xúc và tư duy đám đông bằng 2 “nửa con mắt” như sau:
1.1 “Nửa con mắt” khi quá tự tin
Mỗi vị trí sẽ cho một góc nhìn khác nhau. Câu chuyện “thầy bói xem voi” xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi, đấu đá vì mỗi ông thầy chỉ tiếp cận được 1 bộ phận mà không có khả năng nhìn tổng thể. Ai cũng khăng khăng cho rằng mình đúng theo cảm nhận chủ quan của mình.
Trong cuộc sống cũng vậy, khi ta quá tin tưởng vào nhận thức, tư duy, suy nghĩ của bản thân mình mà không quan tâm đến ý kiến người khác ta dễ rơi vào phiến diện, một chiều.
Trong vai trò ba mẹ, ta luôn tin rằng điều mình làm cho con là vì muốn con tốt. Trong vai trò người sếp, ta tin rằng mọi quyết định của mình là đúng. Trong vai trò người nhiều trải nghiệm, ta tự tin chẳng ai lừa được mình. Ta mang cảm xúc của mình vào mọi việc, giống như cách ta nhìn một người mình không ưa thì hành động nào cũng không vừa mắt. Sự thật, lòng yêu - ghét vốn không hề ảnh hưởng đến tính khách quan của mọi việc trên đời.
Những tranh cãi trong công việc, những mâu thuẫn trong gia đình, sự quay lưng của các mối quan hệ thân thiết thường vì ai cũng cho rằng quan điểm, hành động của mình là đúng. Ai cũng đòi hỏi đối phương phải hiểu mình trong khi chẳng chịu đặt mình vào vị trí của người khác để thấy bản thân cũng đầy những vết xước, đầy những điều không hoàn hảo.
Quan sát một chiều giống như việc ta đặt con số 9 nằm ngang. Người đứng phía tay phải nhìn thấy số 9 nhưng bên trái chỉ nhìn thấy hình hài của số 6. Cuộc tranh cãi này không có ai sai, cái sai là khác góc nhìn. Nhưng vì chẳng ai chịu “đổi vị trí’ nên sinh ra sự bảo thủ, độc đoán, cứng nhắc và cố chấp. Dù là vậy nhưng nếu ta quan sát đa chiều, thì ta sẽ thấy những người này thường kiên định, chung thủy và có mục tiêu rõ ràng.
1.2 “Nửa con mắt” khi quá tự ti
Ngược lại với sự cố chấp khi quá tin vào bản thân, “nửa con mắt” thứ 2 có vẻ linh động, mềm mại vì biết lắng nghe mọi người nhưng vì không có chính kiến nên luôn dựa dẫm vào tư duy đám đông
“Nửa con mắt” này không tranh cãi, không gây mâu thuẫn, luôn dĩ hòa vi quý nhưng lại dễ đánh mất bản thân vì ai nói vì cũng tin, ai bảo gì cũng thấy đúng. Luôn làm theo lời người khác, dựa dẫm và niềm tin người khác nên bản sắc nhạt nhòa.
Về hình thức, có vẻ đa chiều khi biết tiếp thu ý kiến mọi người nhưng lại sinh ra hình tượng “con vẹt” vì không có năng lực phản tư, không có tư duy nghi ngờ.
Ba mẹ nghe thầy cô phán xét con “nhận thức chậm” lập tức quy chụp con kém cỏi, sinh ra tạo áp lực cho con trong khi có những môn học con rất vượt trội. Học trò được nhồi nhét rằng thầy cô luôn đúng, sách giáo khoa là chuẩn mực nên sinh ra học vẹt. Nên bước ra cuộc đời thấy mọi điều trái ngược với sách vở, lập tức lúng túng. Ai nói gì cũng tin, ai nói gì cũng thấy có lý, niềm tin thơ ngây đó tiềm ẩn nguy cơ rất lớn của sự ba phải, thất bại, bị lừa và bi kịch của đau khổ.
Biết lắng nghe là điều quý báu nhưng đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Nếu như vào năm 1855, bà Nancy cũng chỉ vì những lời của nhà trường cho rằng con trai mình là cậu bé đận đồn, ngu ngốc thì chắc gì đã có thiên tài vĩ đại Edinson làm thay đổi thế giới. Nếu tư duy đám đông luôn đúng thì sẽ không có những lần quay xe liên tục trong những cuộc tranh luận ầm ĩ trên mạng xã hội. Không có những lần hoang mang bởi thông tin trái chiều quá nhiều, chẳng biết đâu là sự thật, rằng ai đúng ai sai. Cũng sẽ không có những người cứ tưởng mình là gà, ai ngờ mình chỉ là hạt thóc.
Đám đông với sự bốc đồng, tính dễ thay đổi, dễ bị kích động, nhẹ dạ, phóng đại và bảo thủ khiến ta trở thành kẻ a dua, đánh mất chính bản thân mình. Ta mua món đồ vì thấy nhiều người mua (dù ta không cần), đến 1 quán ăn vì thấy nhiều người thích, ghét 1 người vì thấy nhiều người nhận xét “nhìn cái mặt không ưa”. Thậm chí có rất nhiều người đi lễ chùa vì thấy “họ đi đông quá nên mình theo” mà không thật sự biết điều này để làm gì cho mình.
"Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi" (Lỗ Tấn). Có những quan điểm, những tu duy ăn sâu vào tiềm thức đám đông, trở thành truyền thống, trở thành thói quen và nghiễm nhiên ta tin đó là chân lý. Thời xưa ta tin “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, ta gán nhãn phụ nữ phải hy sinh vì gia đình, rằng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”…Tất cả những niềm tin ấy trở thành lệch chuẩn khi đặt vào bối cảnh hiện đại.
Chưa kể có nhiều lễ nghi truyền thống vẫn được duy trì, có rất nhiều việc ta vẫn làm hàng ngày nhưng cũng chẳng hiểu để làm gì. Chỉ biết rằng đời trước có sẵn - đời sau tiếp tục. Đánh mất cốt lõi khiến ta đánh mất bản sắc, cái hồn tinh túy của dân tộc. Nhưng suy cho cùng: những nguyên tắc, lễ giáo đều là sản phẩm của lịch sử - xã hội. Không có thứ gì sinh ra đã sẵn, ta tin nó vậy thì nó như vậy thôi.
Chưa kể đôi khi tư duy - phát ngôn của đám đông còn đại diện cho quyền lợi của nhóm người. Nếu không tỉnh táo ta rất dễ rơi vào tình trạng bị “thao túng tâm lý”. Sự ra đời của tháp nhu cầu Maslow - nổi tiếng trong ngành Marketing và bán hàng vì họ “đọc vị” được nhu cầu phổ biến của con người. Từ đó khai thác tâm lý: Mua món đồ này giúp ta khẳng định bản thân, được mọi người tôn trọng. Thẳng thắn, nếu ta biết đằng sau những lời hoa mỹ có cánh đó mục đích là để ta bỏ tiền cho họ (thay vì lợi ích của ta như họ nói) chắc gì ta đã để cho họ rót mật vào tai mình.
Niềm tin bản thân có vững chắc thế nào cũng đa phần từ quan điểm đám đông hình thành. Còn đám đông thì cũng nhiều người giống ta. Vì không thể xây cho mình thành trì kiên cố về niềm tin nên phải dựa dẫm vào ý kiến tập thể.
Tóm lại, khi ta nhìn đời bằng nửa con mắt, ta sẽ chỉ nhìn thấy 1 phần nhỏ bé của bầu trời. “Nửa con mắt” đó còn bị che lấp bởi cảm xúc yêu - ghét, bởi quan điểm, tư duy, thói quen. Nên ta giống như một chú ếch ngồi dưới đáy giếng, có cố gắng thế nào cũng không thể chiêm ngưỡng thế giới rộng lớn vô cùng.
2. Quan sát đơn chiều - rủi ro không ngờ
Có lẽ nếu cứ mãi tin vào truyền thống, rằng sinh ra là phụ nữ thì phải “tại gia tòng phụ xuất, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”; nếu không có những sự đối sánh, phản biện khi ta thấy cũng là phụ nữ nhưng phương Tây độc lập - tự chủ thì chắc gì phụ nữ đã từng đứng lên đấu tranh cho “nữ quyền”.
Có rất nhiều rủi ro nếu ta chỉ quan sát đơn chiều. Vì đơn chiều nên ta có nhận thức phiến diện, đi kèm đó là suy nghĩ thái độ sai lầm dẫn đến hành xử, quyết định sai lầm.
Dưới đây là 3 rủi ro thường gặp phải nếu ta không biết đặt mình vào nhiều vị trí để quan sát bằng nhiều góc nhìn.
2.1 Rủi ro bị lừa
Tại sao nhiều người dễ dàng tin lời thầy bói dù điều họ “dự đoán” mình không kiểm chứng được?
Một đơn vị quảng cáo thuốc chữa bách bệnh, vốn ít lời nhiều, dù đã được cảnh báo nhưng tại sao vẫn nhiều người bị lừa?
Ai bị lừa cũng thường phản ứng: Tôi không nghĩ rằng mình sẽ rơi vào tình huống này…
Đa số mọi người nghĩ rằng những người dễ lừa là người ít hiểu biết, thiếu trải nghiệm, đang gặp khó khăn, cô đơn, tự cao… nhưng thực tế thì không ai miễn dịch với lừa đảo cả. Dù có được coi là thông minh hay học thức cao thì cũng vẫn có người quan sát được lỗ hổng, chạm được vào “tử huyệt” khiến ta trở tay không kịp. Trường hợp này người chủ động lừa đích thị là kẻ quan sát tốt khi họ không chỉ có thông tin, biết sở thích, tính cách mà còn thấu hiểu điểm yếu của mình. Họ biết cách để đánh vào dục vọng con người, biết thao túng tâm lý những người không có khả năng suy nghĩ độc lập hoặc tranh thủ sự chủ quan, mất tỉnh thức của người nhiều kinh nghiệm.
Thế nên ta không ngạc nhiên khi những người càng nổi tiếng, địa vị càng cao, “trông uy tín” càng dễ dàng đi lừa. Vì ta chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng bên ngoài. Ta nghĩ họ giàu vậy rồi cần gì đi lừa nữa. Ta nghĩ họ chẳng thể nào vì tiền bạc mà đánh đổi tiếng tăm của mình. Ta không thấy đằng sau đó là lối sống ảo, là phông bạt, là những khoản nợ. Ta chỉ quan sát thấy một chiều những gì họ cố tình cho ta thấy mà thôi.
Lừa tình - lừa tiền hay bất kể vụ lừa đảo nào ngoài việc đánh vào lòng tham thì nguyên nhân là do ta thiếu thông tin hoặc có quá nhiều thông tin nên không biết đâu là sự thật. Ta không thể “đọc vị” được suy nghĩ của người có ý định lừa mình. Khi ta phát hiện mình bị lừa ta mới biết rằng thông tin mình nhận được là giả, rằng đây mới là “bộ mặt thật” của người đó. Hai điều này đồng thời cùng xảy ra (phát hiện bị lừa mới nhận ra tin giả).
“Nhìn mặt mà bắt hình dong”
Trông cũng dễ thương/ Nhìn thì sang chảnh/ Trông thật thà/ Nhìn rất uy tín…ấy vậy mà đi lừa.
Tất cả những nhận định này rốt cuộc đều xuất phát từ cảm xúc chủ quan, không hề có sự kiểm chứng đa chiều của bản thân ta.
2.2 Rủi ro thất bại
“Một người thợ ngọc qua hàng thợ đá, vào xem các thứ đá, thấy một tảng trong có ngọc, mua về, đẽo ra quả nhiên được ngọc. Ngọc ấy trắng muốt và có gân đỏ, quý giá vô cùng. Người thợ ngọc nhờ đó mà giàu có.
Thợ đá thấy thế, lấy làm thích lắm, cũng muốn bắt chước. Anh ta nghĩ bụng: "Đá nào trong cũng có ngọc". Rồi ở nhà có bao nhiêu thứ đá, đem cả ra đập để tìm ngọc. Không những không thấy ngọc, mà các đá vỡ tan chẳng dùng được việc gì nữa.
Anh ta vừa mất của, vừa lỗ vốn, cùng quẫn khổ sở, chẳng bao lâu rồi chết”
Cổ học tinh hoa
Sự thất bại của người thợ đá trong câu chuyện trên cho ta thấy hậu quả của việc “sao chép” không có sự suy xét và quan sát. Bản thân mình vốn là một thợ đá, chỉ có kinh nghiệm về đá chứ không có khả năng nhìn ra ngọc. Giống như chúng ta của ngày hôm nay thấy người khác khởi nghiệp thành công, lập tức cũng đi khởi nghiệp. Thấy người ta kinh doanh bất động sản giàu có lập tức nhà nhà đi làm bất động sản. Thấy nhiều người “bỏ phố về quê”, lập tức cũng thành phong trào.
Nông sản Việt Nam bao nhiêu năm rơi vào tình trạng cần “giải cứu” cũng chỉ vì thấy người trước làm được nên mình cũng ồ ạt đuổi theo sau. Vì ai cũng nghĩ vậy khiến cung vượt cầu. Chưa kể không phải ai cũng có kinh nghiệm và nguồn lực giống nhau nên dễ dẫn đến thất bại nếu ta chỉ đi “bắt chước” máy móc và hình thức. Vậy nên quan sát không phải để “dập khuôn” mà cần phải biết cái gì phù hợp với mình để áp dụng. Nếu chỉ quan sát phiến diện, hời hợt, ta sẽ chẳng thể có phán đoán chính xác.
Sự thất bại trong cuộc sống, ngoài những tác động từ ngoại cảnh phần lớn đến từ nhận thức - hành xử - quyết định của mỗi người. Nếu ta chỉ dựa vào cảm tính thì thành công cũng giống như một canh bạc. Thắng thua phụ thuộc vào may rủi nếu không có sự phân tích nhân duyên cặn kẽ.
2.3 Rủi ro đau khổ
Khi yêu, một cô gái thường hay khoe chàng trai của mình nhưng khi họ kết hôn, lập tức cũng vẫn người đàn ông đó - nhưng ta chỉ thấy sự phàn nàn. Tại sao vậy? Vì khi yêu, cô gái chỉ nhìn thấy “lát cắt” tích cực trong đời sống đối phương. Khi kết hôn, những sự thật trần trụi phô bày, cô lại có một góc nhìn khác. Nhưng nếu đẩy cô vào vị trí phải chia tay, cô lập tức lại nhìn ra rất nhiều ưu điểm của chồng mình để tiếp tục.
Đau khổ là 1 trạng thái cảm xúc khi ta bất như ý. Thực tế, đau khổ cũng chỉ là một sự quan sát đơn chiều. Vì khi ta đặt bản thân trong nhiều vị trí, ta sẽ bất ngờ vì sự “luân chuyển” liên tục của hạnh phúc và khổ đau.
Chẳng hạn:
Ta cảm thấy đau khổ khi gặp rắc rối trong công việc, kinh tế khó khăn nên thu nhập giảm nhưng khi đặt mình vào vị trí của những người thất nghiệp, chạy từng bữa cơm, ta bỗng thấy mình may mắn.
Ta thật sự rất cô đơn trong chính căn nhà của mình vì chẳng được ai thấu hiểu nhưng khi chứng kiến những người mất hết người thân, ta bỗng thấy mình hạnh phúc hơn họ gấp ngàn lần vì còn một gia đình để trở về.
Ta thấy cuộc đời mình toàn những thất bại, ta trách móc bản thân chẳng kiếm được nhiều tiền nhưng khi chứng kiến những người ốm đau, bệnh tật, thân thể không lành lặn, ta bỗng thấy được thở thôi cũng là quá đủ đầy rồi.
Sự thật là cuộc đời có đau khổ. Điều này đã được Đức Phật khẳng định trong Tứ diệu đế. Nhưng đôi khi để “diệt đế” ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, lập tức khổ đau đã được chuyển hóa. Bản thân ta, nếu không có sự đa chiều về chính mình, ta chỉ nhìn thấy toàn điều tốt đẹp, ta dễ dàng trở thành người tự cao; nếu chỉ nhìn thấy sự yếu kém, ta bị tự ti ám ảnh và dậm chân tại chỗ cả đời. Đường nào cũng dẫn đến thất bại và đau khổ.
Khi đi trong vô minh, ta thấy mọi điều không như ý đều là bất hạnh, đều quá bất công. Nhưng khi nhân quả soi đường, ta bỗng thấy mọi việc trên đời đều cần phải đến. Khổ đau hay hạnh phúc chỉ là một mặt của cuộc sống. Nhìn qua tư duy tích cực thì ta thấy mọi thứ đều màu hồng, nhìn qua tư duy tiêu cực ta thấy cuộc đời thật xám xịt, nhìn dưới góc nhìn của sự thật ta thấy cuộc đời đúng như nó đang là.
Nhiều người thường nói “không biết không có tội”. Nếu ai chỉ quan sát đơn chiều sẽ thấy câu này đúng. Nhưng nếu lật ngược vấn đề sẽ thấy vô số tội: Tội không tìm hiểu, tội không quan sát, tội thờ ơ, tội đánh giá chỉ qua vài lắt cắt… Khi ta nhìn mọi thứ chỉ từ một phía, ta sẽ thiếu đi sự bao quát. Không có tổng quan khiến ta chỉ nhìn thấy một nửa sự thật, mà “một nửa sự thật thì không thể là sự thật”.
Mỗi vị trí
3. Luyện quan sát đa chiều trong cuộc sống như thế nào?
Tầm nhìn quyết định tầm vóc!
Quan sát giúp ta đọc vị được mọi vấn đề như: thấu hiểu bản thân, tổng quan trong công việc, cách dụng nhân, đưa ra những quyết định sáng suốt… Vậy thì làm thế nào để rèn luyện được kỹ năng này?
3.1 Kết hợp nhiều góc nhìn
Lúc còn nhỏ ta nhìn thế giới qua ba mẹ, đi học có thêm góc nhìn của thầy cô bạn bè, ra ngoài cuộc sống góc nhìn của ta đa dạng hơn bởi vì ta có những trải nghiệm về thông tin nên tăng sự hiểu biết. Do đó càng trưởng thành ta càng khó bị lừa, suy nghĩ bớt ngây thơ và có chính kiến hơn.
Vì vậy biện pháp để ta có thể hiểu biết khách quan, ra quyết định đúng đắn là luôn quan sát xuôi- ngược và nên thường xuyên kết hợp 4 góc nhìn đa chiều:
Bản thân và xã hội: Để thấy bề nổi của tảng băng chìm
Chuyên gia: Để nhìn sâu vấn đề
Vĩ nhân - bậc minh triết: Để nhìn thấy gốc rễ
Đạo lý - nhân quả: Để nhìn ra quy luật
Thế nào là nhìn xuôi - ngược?
Chẳng hạn, ta thường dựa vào vài lời nhận xét của người thân hoặc những suy nghĩ cố hữu trong tâm trí mình bằng vài từ ngữ như: nhút nhát, cố chấp, cứng nhắc, hòa đồng, vui vẻ… Thực tế, muốn thấu hiểu bản thân, ta cần quan sát đa chiều bằng việc kết hợp rất nhiều công cụ:
Công cụ bên ngoài:
Thứ nhất, đó là những nhận xét của người thân, đồng nghiệp, bạn bè, sếp (bao gồm cả những người yêu quý mình và những người không ưa mình)...Đây chính là góc nhìn của bản thân và xã hội.
Tiếp theo là các công cụ như thần số học, sinh trắc vân tay, DISC, nhân tướng…Có thể coi đây là góc nhìn của chuyên gia.
Công cụ bên trong: Đam mê, sở trường, 3 gốc - 3 độc, tâm linh. Quan điểm sống của bản thân được soi chiếu dưới góc nhìn minh triết và tư duy nhân quả sẽ giúp ta hiểu sâu sắc về bản thân mình.
Quan sát kỹ lưỡng nhiều góc nhìn người - ta, quá khứ - hiện tại, điểm mạnh - điểm yếu sẽ giúp ta biết mình là ai, cần phải phát huy, cải thiện điều gì.
Hoặc trong vấn đề dạy con. Chúng ta đều quen với suy nghĩ “dạy con từ thuở còn thơ”, thậm chí vẫn còn bộ phận lớn phụ huynh cho rằng “yêu cho roi cho vọt”. Khi chứng kiến rất nhiều trẻ tự kỷ, mất kết nối với ba mẹ, các chuyên gia khuyên rằng ba mẹ cần hiểu tâm lý của trẻ, rằng nên dạy con không đòn roi. Nhưng cũng hành trình này, bậc vĩ nhân lại khuyên ta giáo dục cha mẹ, rằng “cha mẹ là nhân - con cái là quả”.
Vậy thì khi 4 góc nhìn này “trái ngược” nhau thì ta làm thế nào? Câu hỏi này được chia sẻ ngay ở phần sau.
3.2 Năng lực phản tư - nghi ngờ
Thực tế có rất nhiều góc nhìn được đám đông ủng hộ và trước giờ ta đều tin theo nhưng dưới góc nhìn bậc minh triết hay đạo lý - nhân quả lại ngược lại. Chẳng hạn, cuộc sống dạy ta rằng thành công là có thật nhiều tiền, có địa vị, có nhiều tài sản, nhưng bậc minh triết thì lại cho rằng “biết đủ giàu tối thượng”. Đám đông nói với ta rằng “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn” nhưng vĩ nhân lại khuyên ta biết tha thứ mới là chính nhân quân tử.
Đứng trước những ý kiến trái chiều nếu ta không có năng lực phản tư - nghi ngờ hoặc trước một câu chuyện ta lập tức tin ngay thì chẳng khác nào anh thợ “đẽo cày giữa đường”. Vì không có chánh kiến nên trở thành kẻ ba phải, biến khúc gỗ quý thành đống củi vụn, làm gì cũng thất bại.
Vậy thì làm thế nào để kiên định với con đường mình chọn nhưng vẫn phải đúng đắn?
Thầy Trần Việt Quân từng nói: Đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại. Muốn vậy trước một vấn đề ta luôn cần năng lực phản tư - nghi ngờ.
Chẳng hạn có ai đó gieo vào đầu ta rằng: Kẻ mạnh là kẻ có quyền lực, đàn áp người khác bằng bạo lực. Nhưng thay vì tin ngay, ta đặt vấn đề: Giữa một người “hét ra lửa” khi gặp bất như ý và một người điềm tĩnh đi qua mọi sự phỉ báng, ai mới thật sự mạnh? Kẻ có quyền lực rất mạnh, vậy tại sao họ vẫn đau khổ? Một chút phản tư đó khiến ta tránh được bi kịch của sự ngông cuồng, thiếu trí tuệ.
Những gì thuận theo quy luật, trường tồn mãi với thời gian là điều ta cần nương theo. Vì vậy trong phản tư - nghi ngờ ta cần thu thập nhiều thông tin và nên dựa vào góc nhìn của bậc minh triết và đạo lý - nhân quả để có thể tiếp cận gần nhất với sự thật khách quan. Tất nhiên bạn đọc hoàn toàn nên phản tư - nghi ngờ ngay chính chia sẻ này.
3.3 Luyện năng lực quan sát tâm
Quan sát tâm được coi là vua của rèn luyện EQ. Đây là việc ta quan sát chính tâm mình và những điều đang xảy ra xung quanh bằng sự khách quan, tách bạch với cảm xúc và kinh nghiệm bản thân. Quan sát tâm giống như một chiếc camera, không vì sự yêu ghét mà chê bai hay ca ngợi.
Để luyện năng lực quan sát tâm, ta có thể thực hành thiền Vipassana hàng ngày. Quan sát mọi diễn biến xung quanh bằng đa giác quan (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác, tâm ý). Chỉ quan sát và ghi nhận mọi thứ như nó đang là, không có sự phán xét, chối bỏ, không đưa cảm xúc yêu ghét vào mọi vấn đề.
Nếu chưa có duyên thiền định, ta có thể ứng dụng cách đơn giản như sau: Mỗi khi tâm phản ứng, hãy dừng lại 10s để xem tâm gì đang vận hành. Gọi tên cảm giác và quan sát quá trình tự sinh diệt. Không đối kháng, không đồng nhất mình với cảm xúc, điều đó giúp ta quan sát mọi thứ rõ ràng và buông mọi thứ nhẹ nhàng.
Cốt lõi của quan sát tâm, chính là để ta nhìn mọi thứ khách quan, tiếp cận sự việc dưới góc nhìn của sự thật. Khi đó ta dễ dàng tránh mọi rủi ro vì phán đoán sai, , phản ứng hấp tấp, quyết định vội vàng.
4. Lời nhắn nhủ
Đời sẽ dịu dàng hơn biết mất
Nếu ta biết đặt mình vào vị trí của nhau
Biết đặt mình vào nhiều vị trí sẽ giúp ta trở thành người bao dung, thấu hiểu, vị tha và đầy trí tuệ. Đây cũng là “chìa khóa vàng” để ta phân tích - đúc kết cốt lõi, mở cánh cửa của sự thật và thành công bền vững.
Vì vậy, đôi khi chưa cần đi đến hành động quyết liệt, chỉ cần BIẾT QUAN SÁT - ĐỜI ĐÃ KHÁC rồi.
Nội dung: Nhàn Lý
Hình ảnh: Hạnh Dung
Comments