Gen Z là thế hệ của sự dẫn đầu, của sự đổi mới. Những bạn trẻ cá tính dám thể hiện quan điểm cá nhân dù ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên hệ lụy đi kèm với sự tự do ngôn luận là hành vi “thẩm phán online”.
Mình là Phương Uyên-Học viên Content 3 Gốc. Mình cũng là Gen Z, bởi thường online mạng xã hội mình đã từng chứng kiến nhiều lần những “ thẩm phán online” lên phiên tòa mạng, mình đã tự hỏi và nghĩ suy rất nhiều về việc hành động này của mọi người khi sự tự do ngôn luận là một quyền lợi của một người, khi ai đó đang tự do ngôn luận thì cũng ai đó đang âm thầm chịu đựng những hệ quả của hành động phán xét này. Mời mọi người cùng đọc bài chia sẻ dưới đây để hiểu hơn nhé.
MỤC LỤC
1. Vì sao ngày càng nhiều “thẩm phán online”
1.2 Đánh giá người khác qua bề nổi
Khi lướt mạng quá 180 phút trên các trang mạng xã hội, hội nhóm facebook và các reel ngắn trên nền tảng Facebook, Instagram, Youtube và cả những video ngắn từ tiktok hẳn bạn sẽ không xa lạ với việc “ném đá”, “bình phẩm” một thông tin hay một sự việc nào đó đúng không?
Nó sẽ thật tuyệt khi chỉ dừng lại ở việc góp ý một cách văn minh, nhưng nhiều người lại chọn cho nó đi xa hơn đó là “chỉ trích”, “chì chiết” xem nhân vật được nhắc đến như một “ tội đồ”. Càng lên mạng người ta càng được thể hiện cá tính của mình qua các dòng “ bình luận” nhưng nhiều người lại không nghĩ rằng những cá tính này của mình đã thể hiện đủ và đúng chưa.
Khi một video được đăng tải, hay một thông tin được truyền tải lên mạng xã hội, xu hướng sẽ được chia ra làm 3 kiểu người: Một nhìn thấy trước mắt và phán xét, hoặc là bênh người chia sẻ theo ý của họ, hoặc là theo phe trung lập. Thật không khó để đưa ra một lời nhận xét, ý kiến, chia sẻ vào những dòng bình luận, nhưng nó chỉ tốt khi ngôn từ được chia sẻ một cách văn minh, còn khi không tốt hệ lụy của nó hẳn là có nhiều người đã từng đoán ra.
Khi một người nào đó chia sẻ về vấn đề những người tốt, việc tốt, những logic vấn đề xã hội, cá nhân theo thiên hướng tích cực thì tỷ lệ tương tác, bình luận được đón nhận rất khả quan, nhưng không thể tránh được những bình luận “ác ý” bởi những người “múa phím” bằng suy nghĩ cá nhân của mình, họ tự do ngôn luận nên họ bình luận hết những thứ họ cho là đúng mà không có tính xây dựng gì để công kích người khác thỏa mãn bản thân, mặc kệ nạn nhân của chính mình.
Khi ai đó chia sẻ một vấn đề nhức nhối của xã hội, cá nhân, người khác, logic theo hướng tiêu cực thì tỷ lệ bình luận, tương tác lại rất cao. Cũng không lạ khi nhiều hội nhóm xuất hiện để những thông tin này được chia sẻ và trang Facebook, trang truyền thông đều lựa chọn chia sẻ những thông tin HOT nhức nhối cho xã hội cùng xem và bàn luận từ đó kích động được rất nhiều người tương tác, chia sẻ.
Nếu chỉ dừng ở việc bình luận để chia sẻ, góp ý thì ngày nay, càng có nhiều người đi xa hơn - họ dần biến mình thành những "thẩm phán, đồ tể online" và mỗi bài đăng đều có thể là “ quan tòa” “ pháp trường” cho họ dựng lên để xử trảm những thứ đi ngược lại mình khi chưa cần biết rõ bên trong câu chuyện.
Đa số những bình luận kiểu này thường xoay quanh việc kết tội, phán tội, hoặc dùng địa vị cá nhân, thành quả kinh tế của bản thân để kết tội cho người, nhân vật, sự kiện trong các chia sẻ trên.
Khi ở trong thời đại số người dùng mạng xã hội chỉ có 2 giây để suy nghĩ và 8 giây để lướt ngang một thông tin được chia sẻ, vì thế chúng ta đôi khi chỉ đánh giá người khác qua phần nổi bên trên còn phần chìm không quan tâm, không tìm hiểu và rồi người bị đánh giá trở thành nạn nhân bởi những lời bịa đặt vô căn cứ.
1.2 Muốn thể hiện những suy nghĩ của bản thân
Khi online mạng xã hội, ai cũng muốn thể hiện được cá tính và suy nghĩ của chính mình. Vì thế sẽ không khó thấy một “nhóm” người trong một sự việc có thể khỏe và sẵn sàng công kích người khác tới thế. Bởi họ có cùng quan điểm. Ví như một sự việc cách đây 1 năm một anh Gym lên những phát ngôn không hay về một cố nghệ sĩ, anh ấy tập hợp được một nhóm ủng hộ mình với những thông tin không được rõ ràng và từ đó anh ấy được vinh danh là người tốt
“Muốn thể hiện lòng tốt của mình thì bám vào những sự việc không tốt hoặc cho là không tốt để nêu quan điểm tốt của mình và khi đó mình trở thành người tốt. Vì mình là người lên án một sự việc không tốt thì tôi là người tốt, đó là hệ quả của việc không bị chịu trách nhiệm cho những phát ngôn của mình, cho mình được quyền phán xét người khác. Họ chỉ cần cùng quan điểm thôi, thì họ sẽ trở thành một nhóm rất là khỏe”. Đây là một chia sẻ của nghệ sĩ Xuân Bắc - một người công chúng luôn phải hứng chịu những sự chỉ trích trên mạng xã hội vì họ nổi tiếng.
Qua đó, ta có thể nhận biết đây là một tâm lý chung của những người thể hiện cá tính, suy nghĩ trên mạng xã hội. Họ “không vừa mắt” những thứ đi ngược quy chuẩn của bản thân mình, họ tư duy theo kiểu "bạn là người xấu nên mọi thứ bạn nói đều xấu, đều sai" thay vì tập trung vào luận cứ, luận điểm, tính logic của vấn đề.
1.3 Ảo tưởng quyền lực trên mạng xã hội - sức mạnh ngôn từ khi không được kiểm soát
Hầu hết, hiện nay các bạn trẻ chiếm phần nhiều trên không gian mạng với ưu thế được phát triển trong thời đại số, phần đông các bạn đều có cho mình một tài khoản xã hội cá nhân, nhưng phần nhiều văn hóa sử dụng mạng xã hội của một số bạn trẻ thuộc thế hệ GenZ trở đi hiện nay chưa thực sự văn minh.
Các bạn khá thoải mái trong việc diễn đạt ngôn từ trên mạng xã hội, cho rằng đó là sự cá tính nhưng đôi khi lại gây nên sự phản cảm. Bình luận và không chịu trách nhiệm với phát ngôn mình đưa ra cũng là một phần khiến cho văn hóa sử dụng mạng xã hội của nhiều người trẻ bị ảnh hưởng
Nhiều bạn trẻ khi lên mạng có thể trở thành các "quan tòa", dễ dàng phán xét, chỉ trích cuộc sống người khác một cách vô căn cứ.
Điều này không chỉ gây mất uy tín, ảnh hưởng tới tâm lý của người bị chỉ trích, mà còn tạo ra lối ứng xử kém văn minh trên mạng xã hội. Nhất là khi, mạng xã hội là thế giới ảo nhưng mức độ sát thương và những gì mà nó có thể ảnh hưởng tới cuộc sống chúng ta đều là thật.
Nhiều bạn trẻ sẵn sàng việc bỏ qua việc tìm hiểu kiến thức, sẵn sàng đánh giá dựa trên cảm xúc cá nhân, không ít người còn đang lạm dụng quyền “tự do ngôn luận” trên không gian mạng để đưa ra những phán xét vô căn cứ, phô trương “quyền lực ảo” để thỏa mãn khao khát nổi tiếng của mình.
Khi giới trẻ ảo tưởng về sự nổi tiếng và vị thế của mình trong xã hội, điều này sẽ ảnh hưởng đến cách hành xử của họ với những người xung quanh. Họ cho rằng mình đứng trên người khác và có quyền coi thường, ra lệnh cho người khác. Đây chính là hệ quả của việc ảo tưởng quyền lực mà các nền tảng mạng xã hội mang lại.
Có vẻ như thiên hướng của con người là luôn luôn thể hiện rằng mình "ở đẳng cấp cao hơn", tốt hơn người khác, thoải mái kết tội người khác ở vị thế của một vị thẩm phán.
Điều đó làm cho họ tự có cảm giác rằng mình đã làm một việc tốt là "diệt trừ cái xấu", và bản thân họ không ở cùng phe với "cái xấu" mà ai đó đã nêu ra.
Dù chẳng có logic, cũng chẳng hề có bất kỳ bằng chứng nào, thậm chí chẳng biết tới điều luật nào cả nhưng họ vẫn cứ muốn làm "thẩm phán" để phán tội, và thậm chí không ngần ngại làm luôn cả "đồ tể" để "buông một đao" chém chết "kẻ phạm tội" trước mặt bàn dân thiên hạ một cách hào sảng.
Khi sự tha hóa quyền lực càng lớn thì các "thẩm phán, đồ tể online" sẽ không ngần ngại tấn công cả một tập thể, cả một "phe", một "nhóm", "hội", thậm chí cả một giai cấp trong xã hội chỉ vì hành vi sai trái của một hoặc một số cá nhân trong đó, thậm chí tấn công luôn cả gia đình nạn nhân.
1.4 Không nhìn thấy tổn thương của người khác
Con người có xu hướng vô tâm hơn khi online vì họ tin rằng chỉ trích, phê phán nói riêng và những hành xử tồi tệ trên mạng là bình thường, là điều hiển nhiên mà ai cũng làm và điều này được xem như là thể hiện cá tính cá nhân để nói rằng mình là người như thế, nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến việc đằng sau lời nói cá tính cá nhân là sự tổn thương của người nghe.
Mình đã từng được đọc chia sẻ của hai nhà tâm lý học Curtis Puryear và Joseph Vandello của Đại học Nam Florida vì sao hiện tại những bình luận “ chỉ trích, phê phán” ngày càng nhiều, nguyên nhân tâm lý của những người bình luận cho rằng những năng lượng tiêu cực của họ sẽ được hóa giải khi họ đổ nó lên một người nào đó, họ nghĩ rằng “điều đó thật tuyệt” những tiêu cực trong họ được giải tỏa thông qua những bình luận không đẹp đẽ trên mạng và những người hứng chịu cùng họ.
Nguyên nhân khác khiến con người có thể thoải mái thể hiện một bộ mặt khác đầy tiêu cực của bản thân lên mạng xã hội bao gồm hai điều.
Điều đầu tiên được gọi là "hiệu ứng khử trùng"
Màn hình điện thoại hay máy tính tạo cho người dùng một nơi ẩn náu, như một chiếc khiên giúp họ cảm thấy an toàn hơn khi nói những lời chỉ trích, phán xét. Ở nơi đó, chúng ta được quyền ẩn danh, chẳng ai bị đổ lỗi cho hành vi hay lời nói vượt tầm kiểm soát của mình.
Và nguyên nhân thứ hai chính là sự mất tương tác vật lý giữa người với người khi chúng ta đối thoại qua màn hình điện thoại, máy tính. Điều này đồng nghĩa chúng ta không thể nhìn thấy tác động tổn thương từ những lời nói không đẹp của mình như khi trò chuyện trực tiếp. Do đó chúng ta có xu hướng coi các bình luận trực tuyến ít gây tổn hại hơn.
Có thể thấy một hiện tượng xã hội gây bức xúc thời gian gần đây là nhiều người đã biến mạng xã hội thành “diễn đàn” để phán xét, công kích người khác, thậm chí cả thể chất.
Như câu chuyện về một người đàn ông nhậu xỉn và có hành động không đúng mực tại công viên, được một trang 200.000 lượt theo dõi truyền thông. Sau đó bài chia sẻ được đăng lên các hội nhóm 1.000 người, 2.000 người và được lan truyền rộng rãi, người chia sẻ chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, người nhận tin cũng không cần biết thêm gì, họ cứ thế múa máy trên những dòng bình luận, thông tin cứ thế được tuyên truyền và dẫn đến một kết thúc thương tâm.
2. Không làm “thẩm phán online” dù offline hay online
Nếu bạn đang đồng quan điểm với mình về những lý do vì sao càng ngày càng nhiều “thẩm phán online” xuất hiện hay bạn đang thấy mình dần trở thành một người thích bình luận nhưng không mang tính xây dựng, hoặc đang muốn rời bỏ mạng xã hội nhiều thị phi này thì hãy đọc tiếp nhé!
2.1 Hiểu đúng về phương tiện mạng xã hội
Dù online trên không gian mạng hay offline vào cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn là mình. Không phải chỉ cần lên mạng ẩn đi mọi thông tin, hay tạo các trang page ảo là có thể thoải mái “ múa may” trên bàn phím và liên tục đưa ra những “ lời kết tội”. Đừng làm thẩm phán online mà nghĩ rằng offline mình rất tốt, ở đâu chúng ta cũng có “ mạng” để trao đổi ở “ xã hội”
Xã hội là gì?
Trước khi đến với bản chất của mạng xã hội chúng ta nên nhận ra rằng trong chữ mạng xã hội có từ “ xã hội”. Xã hội là một thực thể tồn tại xung quanh mỗi người, trong xã hội chứa đựng từng cá nhân, những mối quan hệ, những vấn đề xoay quanh, tác động đến đời sống của con người. Xã hội và con người có mối tương quan mật thiết đến với nhau, bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.
Chúng ta không thể tách rời xã hội bởi xã hội được thể hiện qua những yếu tố hằng ngày, đó là các mối quan hệ người với người, các yếu tố về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm. Mỗi người đều có thể dễ dàng thấy và tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ xã hội. Dù là ở lĩnh vực nào, quy mô ra sao thì các mối quan hệ đó đều có tác động không hề nhỏ đến các lĩnh vực trong đời sống của mỗi người, tổ chức, thậm chí là quốc gia.
Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến là nơi mọi người có thể giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ thông tin, hình ảnh, âm thanh hay xây dựng những mối quan hệ dựa trên điểm chung như sở thích, nghề nghiệp,...Mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng các nhân, đăng ảnh, video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực.
Mục tiêu của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống cho phép người dùng có thể kết nối, giao lưu, chia sẻ những thông hữu ích trên nền tảng Internet.
Ngoài ra, mạng xã hội còn có mục tiêu là tạo nên một cộng đồng có giá trị, nâng cao vai trò của mỗi người dùng trong việc xây dựng các mối quan hệ.
Lợi ích của mạng xã hội:
Với những gì mà mục tiêu đưa ra, mạng xã hội đã mang lại cho con người rất nhiều những lợi ích như: Cập nhật tin tức, cung cấp thông nhanh chóng và miễn phí, kết nối các mối quan hệ bạn bè, học hỏi kiến thức và kỹ năng mới, trao đổi thông tin thay cho cách truyền thống, kinh doanh, quảng cáo trên mạng xã hội...
Bản chất của mạng xã hội là nơi kết nối trao đổi văn minh hướng đến cuộc sống phát triển cho mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội nhưng càng sử dụng mạng xã hội chúng ta cho rằng có thể bỏ đi con người “ xã hội “ của mình bằng cách ẩn đi các thông tin, tạo page ảo, ẩn sau những page ẩn danh và thoải mái “ bắt nạt” hay trở thành “ quan tòa” cho bất cứ điều gì trái ngược với ý kiến người dùng. Càng lạm dụng mạng xã hội trở thành nơi bôi đen người khác chúng ta càng khiến cho mạng xã hội tệ hơn.
2.2 Xã hội văn minh, mạng xã hội văn minh
Bạn đã nhìn ra rồi đó, mạng xã hội ra đời để giúp cho con người chúng ta kết nối nhiều hơn, sâu xa hơn và trở thành công cụ giúp ích cho đời sống con người nhưng nó đang dần mất đi những gì nó cần phải làm.
Chỉ vì nhiều người đang biến mạng xã hội thành một nơi “ hành quyết” ý tưởng. Có một câu nói mình từng được nghe một bạn làm sáng tạo nội dung nói rằng, nếu bạn muốn làm sáng tạo nội dung bạn cần phải chịu được sự đả kích của người khác về ý kiến trái chiều của họ và mình.
Ở thời đại cũ, ý kiến trái chiều vẫn có nhưng chưa được bộc lộ, ngày nay thì ý kiến đó càng ngày được bộc lộ rõ ra qua các dòng bình luận và đi kèm với cá tính cá nhân. Nhiều người thấy bề nổi của tảng băng chìm họ sẵn sàng vùi dập tảng băng đó bằng ngôn từ, không ai chịu trách nhiệm cho những gì họ nói, mặc sức tổn thương người khác.
Ở xã hội, khi bạn tổn thương người khác điều này có thể dễ dàng biết khi phải đối mặt nhau, nhưng trên mạng chỉ cách màn hình điện thoại lạnh lùng, làm sao để biết. Vậy câu hỏi đặt ra lớn nhất, làm thế nào để tạo mạng xã hội văn minh?
Để mạng xã hội về đúng là công cụ văn minh, mang những thông điệp giá trị chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng.
Điều đầu tiên hãy bắt đầu từ chúng ta, những bạn trẻ đang đọc bài chia sẻ này hay những bạn còn lo lắng về mạng xã hội cùng nhau xây dựng một mạng xã hội ứng xử văn minh.
Một xã hội ứng xử văn minh là khi mọi thành viên có trách nhiệm tôn trọng bản thân và với người khác, dù ở ngoài đời sống hay trên không gian mạng và đặt tinh thần thượng tôn pháp luật lên hàng đầu.
Chúng ta đều có thể thoải mái chia sẻ trên trang cá nhân của mình, đây là trang cá nhân của tôi, tôi hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì với nó và bạn chẳng có quyền gì để phán xét cả nhưng vẫn cần phải chịu trách nhiệm với lời mình nó. Dù không phải là người nổi tiếng, mỗi người cần phải tự ý thức và nhắc nhở bản thân về việc sử dụng mạng xã hội theo cách lịch sự cũng như đúng mực nhất có thể.
Thông điệp tích cực đến những người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, mong muốn mọi người cùng chung tay xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Mạng xã hội có nhiều mặt tích cực, nó giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau hơn, có thể lan tỏa được những điều tốt đẹp.
2.3 Nên và không nên làm với mạng xã hội
Hãy tìm hiểu kiến thức trước khi bình luận và phản biện.
Một nửa sự thật thì chỉ là một nửa sự thật đừng tin một nửa sự thật qua những thông tin chưa được kiểm chứng. Hãy chịu trách nhiệm lời mình nói trên không gian mạng.
Hãy sử dụng ngôn ngữ lịch sự khi trên mạng. Không vi phạm pháp luật qua những tiêu điểm như cổ súy cho các hành vi thiếu đạo đức, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, bạo lực ngôn từ, bạo lực người khác.
3. Gen Z còn nhiều việc ý nghĩa hơn để làm
Gen Z được xem là thế hệ tiềm năng vượt trội đang lập trình phương thức mới cho cuộc sống.
Họ từng bước tô màu bản sắc cá nhân trong thời đại số hóa. Những bạn trẻ gen Z không chỉ xem mạng xã hội là nơi chia sẻ kỷ niệm, cập nhật tin tức, mà đây là công cụ đắc lực giúp họ xây dựng thương hiệu cá nhân, tổ chức các chương trình ý nghĩa.
Đối với gen Z, Facebook không còn là cuộc đua like, nó đã trở thành trạm phát sóng cho gen Z chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, kết nối cộng đồng.
Gen Z đừng quá tập trung vào những gì ngoài kia đang làm khuấy đảo những sự tự tin vốn có trong mình.
Thay vì dành thời gian phán xét trên mạng xã hội, hay chỉ dùng 2 giây để lướt qua các nội dung, thông tin gây tốn thời gian, một bộ phận Gen Z rất sợ mạng xã hội, những thông tin tiêu cực, những fanpage thông tin tạp nham được chia sẻ và họ quyết định xóa hết các nền tảng mạng xã hội, lánh xa chúng.
Vậy giờ đây chúng ta đã nhận ra được bản chất vốn có của công cụ mạng xã hội, về những lợi ích mạng xã hội mang lại cho chúng ta, ta có thể biến nó thành nơi truyền cảm hứng cho mọi người bằng hành động vì xã hội và môi trường
Như các chiến dịch “ Sài Gòn xanh” dọn kênh ngòi, từ thiện đến các em bé vùng sâu xa, hay hoạt động tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, hoặc là bằng cách chia sẻ những kiến thức trao đổi về thói quen sống tỉnh thức và ti tỷ thứ khác.
Đừng sợ mạng xã hội chỉ cần mạng xã hội được nâng cao nhận thức bởi chính những Gen Z chúng ta sẽ hướng tới Mạng xã hội văn minh.
Hãy dành thời gian đó để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm hoặc kỹ năng. sau đó dùng nó để truyền tải thông điệp đến mọi người, hãy để chúng ta những Gen Z trở thành người dùng mạng xã hội thông tin và tạo giá trị cho cộng đồng.
Nội dung: Phương Uyên Sisu - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Hoa Hồi
댓글