Cả thế giới đang trong cơn suy thoái kết hợp với hậu quả dịch bệnh, thiên tai và chiến tranh. Những khó khăn tiềm ẩn âm thầm ăn mòn đời sống như cơn mưa phùn tưởng lất phất mà ướt thấu tận xương.
Kinh tế cũng theo đó rơi vào khủng hoảng. Mất việc và không thể kiếm được việc làm khi ở đâu cũng cắt giảm lao động. Kinh doanh rơi vào bế tắc khi không có khách hàng, không có đơn hàng, không có việc làm đồng nghĩa với việc không có thu nhập.
Rơi vào trầm cảm khi muốn làm rất nhiều việc mà chẳng có gì làm, sáng thức dậy với một ngày mới nhưng xung quanh thấy cái gì cũng cũ.
Buồn đau và thất vọng bởi bao năm gây dựng tiêu tan, tương lai mờ mịt vì chẳng biết còn điều gì tồi tệ hơn sẽ đến.
Nếu bạn cũng thấy mình trong tình cảnh này, hãy dành thời gian đọc bài viết dưới đây để có một tâm thái lạc quan giữa cuộc đời biến động nhé!
Mục lục
2. Khám phá những con đường mới trong khi thất nghiệp
Mất việc, mất tiền, mất địa vị... nhiều thứ đã mất nhưng có một thứ quý giá nhất vẫn còn, đó là sự sống của chính mình. Thế nên, với sự tồn tại quý giá này, hãy nghĩ đến những điều chưa từng nghĩ, hãy “đi đến những nơi mơ khi còn bé” và hãy biến bản thân trở thành một người mới. Để khoảng thời gian thất nghiệp này trở nên có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Thất nghiệp mà không thất thế.
Hãy nghĩ những điều chưa từng nghĩ
Tư duy sâu
Điều đầu tiên chúng ta phải đối diện có lẽ là sự lo lắng của gia đình, sự nhòm ngó của xóm giềng và sự mặc cảm với bạn bè, xã hội. Thế nên có người giả vờ vẫn đi làm để tránh ánh mắt phán xét của mọi người. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ khác đi, thất nghiệp chẳng có gì kinh khủng cả vì không phải ở nhà là không có gì làm. Học sinh còn có gap year, nghỉ tạm một năm để định hướng lại cuộc đời, chẳng lẽ mình không được phép định hướng lại vài lần nữa. Hãy vững lòng, giữ tinh thần lạc quan, vui tươi thì gia đình sẽ luôn bên bạn.
“Thất nghiệp - có việc” cũng như hai mặt của vô số những hiện tượng tự nhiên khác vẫn đang diễn ra như ngày qua - đêm tới, sinh - tử, được - mất, thịnh - suy... Tất cả những sự thay đổi ấy tuân theo quy luật vô thường, nhằm mục đích cân bằng lại cuộc sống, nên đối với tự nhiên chẳng có gì gọi là biến động cả. Kinh tế thế giới sau giai đoạn tăng trưởng thì sẽ suy thoái, giờ đang là lúc xuống theo biểu đồ hình sin. Thế nên, chúng ta đang vận hành theo đúng quy luật vô thường, nên thôi cứ sống thuận tự nhiên cho hợp thời.
Định luật vô thường nói rằng không có gì là mãi mãi, những người đang khổ đau chắc hẳn đã từng có những tháng ngày sung sướng. Những người mất nhiều tiền trong cuộc khủng hoảng này chắc hẳn trước đó đã kiếm được kha khá. Còn ai mấy năm trước kinh tế khởi sắc mà chưa làm ăn được gì thì giờ vẫn...bình thường. Đời luôn công bằng khi sắp xếp cho mình ở vị trí phù hợp và cần thiết với mình nhất.
Người ta muốn được hạnh phúc nên tìm kiếm tình yêu nhưng biết đâu rằng tình yêu cũng mang tới khổ đau. Người ta muốn có tiền nên đi tìm việc nhưng biết đâu rằng công việc cũng mang tới phiền muộn.
Nếu như trước kia đi làm tối ngày, chẳng có thời gian để mà suy nghĩ gì nhiều, chẳng phải lo lắng khi ngày làm hết việc về, tối có cơm ăn, cuối tháng lĩnh lương. Thì giờ đây, chúng ta được suy nghĩ thật sâu và thật lâu về bất cứ vấn đề gì, não bộ được kích hoạt, cải thiện tư duy sâu, có thời gian tìm tòi giải quyết mọi vấn đề thật thấu đáo.
Có một sự thật ở đời mà ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra, đó là ai cũng có nỗi Khổ riêng. Người giàu cũng khổ và người đang có công việc cũng thế. Người ta thường lao vào công việc với hy vọng có tiền sẽ hết khổ. Hãy nhìn những người đang bận rộn với công việc ngoài kia, có ai đang thư thái và an lạc không. Tiền mang lại tiện nghi và vật chất nhưng không thực sự mang lại thảnh thơi và an lạc vì khi có nhiều tiền bạn sẽ luôn lo lắng, bận rộn để giữ nó, để không bị mất đi. Nhưng thật vô ích, có được thì có mất.
(Khi có vừa đủ ăn thì cứ việc tự do yêu đời, có nổi ắt có chìm, cứ lềnh bềnh lại khỏe)
Có một vị tỷ phú Mỹ nói rằng: “Điều đáng hổ thẹn nhất của một tỷ phú đó là còn rất nhiều tiền trong tài khoản khi chết”. Ít nhất, rất nhiều người thất nghiệp trong chúng ta không phải hổ thẹn về điều này!
Tư duy sâu giúp chúng ta dám đối diện với hiện thực, chấp nhận mọi thay đổi trong cuộc sống. Thay vì trước kia không muốn suy nghĩ nhiều, chọn suy nghĩ tích cực cho khỏe tâm, đến khi trở lại hiện thực, niềm đau vẫn còn đó. Cho nên, tư duy sâu giúp chúng ta nhìn thấy hai mặt của đời sống và chấp nhận cả những thất bại và nỗi buồn, thấy mình mạnh mẽ hơn.
Tư duy ngược
Thay vì đi kiếm việc, hãy để cho việc kiếm mình. Đừng chạy theo đám đông, hãy đi ngược lại và tìm thấy lối riêng thênh thang chỉ có mình ta. Nhìn nhận lại khả năng xem mình có năng lực gì nổi trội nhất, tự kinh doanh riêng, làm nhỏ cũng được, từ từ học hỏi thêm. Khi đó nhiều việc quá, bạn lại chẳng nhớ thời gian thất nghiệp ấy chứ!
Hay nghĩ ngược lại, cuộc sống của chúng ta phải có tiền mới sống được, vậy không tiền có sống được không? Có rất nhiều cách sống thảnh thơi mà cần ít tiền, thế nên hãy thử trải nghiệm một đời sống tối giản nhưng tinh thần tươi vui.
Không đợi đi làm để có tiền, mà hãy tiêu ít tiền để đỡ phải đi làm. Cái gì cũng có giá của nó. Bạn bán mạng cho công việc mấy chục năm để mua bệnh, sau đó dùng tiền chữa bệnh để mua sức khỏe. Thế nên, lâu lâu thất nghiệp, có thời gian chăm lo thân thể, cân bằng năng lượng sống, khỏe hơn biết bao.
Không chờ khi có việc mới nâng cao tay nghề, hãy nâng cao tay nghề để có việc. Học thêm để nâng cao kỹ năng, hay một lĩnh vực phù hợp hơn với năng lực. Có bao nhiêu người đã chọn sai nghề, thì đây là cơ hội để mình thực hiện đam mê và khát vọng. Thành công = đam mê + năng lực + giá trị.
Nếu không muốn làm nhiều việc, hãy cải tiến để không phải làm việc nhiều. Cho nên, những người chăm chỉ chưa chắc đã hay. Những người thích thảnh thơi mới nghĩ ra nhiều cách làm hay và tốn ít thời gian hơn.
Tóm lại, trí tuệ là vô hạn, có khám phá cả đời cũng không biết hết được suy nghĩ của mình. Nhưng khi rảnh rỗi cũng đừng suy nghĩ nhiều, nghĩ ít sẽ giúp chúng ta nghĩ sâu hơn.
Khám phá những con đường mới trong khi thất nghiệp
Đường sống chậm
Sống chậm là lợi ích đầu tiên của thất nghiệp. Sống chậm cho chúng ta có cơ hội nhận biết vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh, được gần gũi những người thân yêu, có mặt cho nhau, được nhìn sâu hơn vào đôi mắt trong veo của con trẻ, được lắng tâm bên cạnh cha mẹ, chia sẻ vui buồn với họ.
Sống chậm giúp chúng ta được hít thở sâu hơn để cảm nhận được thư thái và bình yên, học được cách sống chánh niệm trong từng hơi thở để thấy rõ mọi hoạt động một cách sâu sắc nhất, nâng cấp các năng lực nhận biết của các giác quan và thấy cuộc sống quanh mình đẹp đẽ hơn.
Sống chậm để hiểu và thương, có thời gian chuyện trò và giúp đỡ những người bận rộn trong gia đình, san sẻ gánh nặng cho nhau. Cuộc sống không chỉ có kiếm tiền mà còn kiếm tình nữa.
(Liệu sống chậm có sống lâu hơn không nhỉ?)
Đường mơ ước
Thử sống một cuộc đời thư thái như mình từng mơ, sáng đón bình minh, chiều ngắm hoàng hôn, tối đếm sao trời, thử làm những việc mà từ trước đến nay mình vẫn muốn làm mà không có thời gian.
Lục tìm lại những ước mơ hồi bé, cắn đôi cây bút chì, một nửa học vẽ tranh, một nửa làm thơ. Có khi bạn lại khám phá ra những khả năng tiềm ẩn bấy lâu nay đã quên lãng.
Đi đến những nơi chưa từng đi, những con đường từng mơ khi còn bé. Với một ngân sách ít ỏi, bạn vẫn có thể đi được rất nhiều nơi nếu tham gia cách chương trình thiện nguyện, những phong trào cộng đồng, vừa được nhìn ngắm những khung cảnh mới lạ, vừa giúp ích cho xã hội và học hỏi được bao điều trong cuộc sống.
3. Thất nghiệp là cơ hội thay đổi bản thân, trở thành một con người mới
Đây là việc quan trọng nhất mà bạn nên làm ngay khi thất nghiệp.
Cuộc đời ai cũng có những lúc chông chênh.
Lần chông chênh đầu tiên có lẽ là 21-26 tuổi, khi nhận ra thế giới không chỉ có màu hồng.
Lần thứ hai khoảng từ 42-47 tuổi, khi nhìn nhận lại cuộc đời và muốn đi tìm ý nghĩa cuộc sống.
Lần thứ ba chắc sau 63 tuổi, khi đó không biết có còn sống không...
Thất nghiệp và khủng hoảng tâm lý thường rơi vào những lúc chông chênh của cuộc đời.
Nhưng chẳng lẽ làm việc cả đời. Sự sống là sự kết hợp của thời gian và năng lượng, không phải của nhu cầu và tiền bạc. Thất nghiệp cho bạn thời gian, cái bạn cần là tái tạo năng lượng. Vậy thì hãy nâng cấp bản thân về cả 3 mặt Thân - Tâm - Trí.
- Chăm sóc Thể chất: Tập thể dục chỉ cần có thời gian, không cần đến tiền.
“Mất tiền là mất ít, mất thời gian là mất nhiều, mất sức khỏe là mất tất cả”. Chúng ta đang còn hai thứ quan trọng nhất, thời gian và sức khỏe. Nếu nghĩ rằng nhiều tiền để ăn ngon sẽ được khỏe mạnh thì lầm to; ăn ít, điều độ và khoa học mới là cách cải thiện sức khỏe tốt nhất.
Khi vật chất thiếu thốn là lúc tinh thần lên cao, trí óc đường như linh hoạt hơn khi không vướng bận hình thức.
Thực hành một lối sống xanh, thuận tự nhiên, ăn ít vừa đỡ tốn tiền lại có lợi cho sức khỏe. Thậm chí, có một số phương pháp thanh lọc và chữa bệnh dựa trên chế độ ăn ít.
Dậy sớm tập thể dục, chiểu rảnh tập tiếp, sức khỏe nâng cao, bệnh tật đẩy lùi, tinh thần sảng khoái, tiền bạc nào mua được.
- Nuôi dưỡng Cảm xúc: chăm sóc thái độ tốt hơn mỗi ngày, nhìn đời thân thiện hơn, học chú tâm vào từng hành động, từng suy nghĩ bạn sẽ thấy cuộc sống trong ta như thước phim quay chậm, vô cùng lãng mạn, vô cùng kỳ diệu.
Khi thất nghiệp, chán đời, bạn thường không muốn tiếp xúc với ai vì chẳng có gì vui để khoe cả. Người mà ta gặp gỡ khi thành công, vui vẻ là bạn bè, đồng nghiệp; còn khi buồn rầu, khó khăn thì hay than vãn với gia đình và người thân. Thế nên cứ nghĩ đến anh chị em hay người thân là thấy chán chán vì toàn đem khổ tâm cho nhau.
Nên những lúc thất vọng hay buồn đau, nên đến với thiên nhiên, ra công viên, thăm quan cảnh chùa, dậy sớm ngắm mây, tối tối đếm sao. Thiên nhiên là người bạn vô tư, không phán xét, luôn đồng cảm dù bạn buồn hay vui: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Khi thất nghiệp, bạn có thứ mà khi bận rộn bạn luôn khao khát, đó là thời gian dành cho mình. Thất nghiệp cho bạn được sống với chính bản thân, không cần bạn bè, không đồng nghiệp, không tiền bạc, mua sắm, không phải chạy theo xu hướng hay trào lưu nào cả, chỉ việc sống đúng với chính bản thân, một mình.
- Rèn luyện Trí óc: đọc sách, đọc cả đời cũng không hết nên cứ từ từ chọn những nội dung mình quan tâm để nghiên cứu. Học những môn yêu thích mà mình chưa có cơ hội học. Internet trong lòng bàn tay, không tốn nhiều tiền, tự học luôn là cách học tốt nhất.
Tham gia các lớp học phát triển bản thân, lớp Chánh Kiến, Lãnh đạo chính mình... online, offline đều có, có phí hay miễn phí cũng có, sáng sớm hay tối khuya có luôn. Tách mình ra khỏi vỏ kén bấy lâu nay, bước sang một con đường mới, có thêm nhiều bạn bè. Khi mình có lại sự tự tin, năng lượng tràn trề, bạn có thể vô tình va trúng ông sếp mới cũng nên. Thế là chưa học xong đã phải đi làm ấy chứ.
Nếu thất nghiệp dài dài, cứ thử đọc hết mười mấy cuốn của tác giả Nguyên Phong, tư duy thay đổi hẳn, nhìn đời sâu hơn, nhìn người lâu hơn, nói chuyện hay hơn, hiểu biết hơn, thú vị hơn và đặc biệt thấy đời bớt khổ hơn. Đó là những thứ rất hay mà những ai còn đang bận đi làm chưa chắc thay đổi được, vẫn giữ tư duy cũ, ngày kêu tên Khổ mấy lần.
Thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Mở mắt ra, ngày mai có thể là một trang sử mới của sự phát triển khoa học, công nghệ. Thế nên, kiến thức đã học lỗi thời bao lâu nay mà không hay. Để tồn tại trong môi trường cạnh tranh hiện nay, bạn không chỉ cần kinh nghiệm mà điều quan trọng hơn đó là khả năng học hỏi, thích nghi môi trường mới và sáng tạo không ngừng. Điều đó cần chúng ta chủ động tiếp thu kiến thức, sẵn sàng làm không lương để học việc và không ngừng phát triển bản thân.
Khi dòng đời xô đẩy, nếu ta là chiếc lá thì cứ xuôi theo. Nhưng chiếc lá thì vô tri, mà chúng ta thì có ý thức, thay đổi bản thân để không vô tri như chiếc lá.
Trong cuộc chiến tranh giành vị trí tốt hơn người khác, bạn đã ở vị trí nào? Có hơn anh em không, có hơn bạn bè không, có hơn hàng xóm láng giềng không? Hay nhìn lên thì chẳng bằng ai và nhìn xuống cũng không ai bằng mình.
Chúng ta chẳng ai hơn ai, đang ở ngang bằng trên bề mặt trái đất này, cùng hít chung một bầu không khí, mưa xuống đều lạnh và nắng chiếu đều nóng như nhau.
Có thể nào, đây chính là thời điểm thích hợp để cho bạn thay đổi cuộc đời, sẵn sàng cho một sự chuyển mình mới trong tương lai. Vậy thì chúc mừng những người đang thất nghiệp, chúng ta có cơ hội thay đổi tư duy để có một cái nhìn mới về cuộc đời, khám phá những con đường mới, tìm kiếm một con người mới trong chính chúng ta.
Thất nghiệp có thể mất nhiều thứ nhưng cũng sẽ được rất nhiều thứ nếu bạn biết sống ý nghĩa từng phút giây. Thất nghiệp nhưng không thất thế. Thế đứng trong xã hội này không phải địa vị, không phải danh vọng, không phải tiền bạc mà là cái “thế” đứng ở đâu cũng vững, dù giàu nghèo, dù vui buồn, tâm luôn vững vàng và tự tại.
Nội dung: Từ Hân - Học viên Content 3 gốc khóa 3
Biên tập: Khánh Vi - Nhàn Lý
Hình ảnh: Trang
Comments