Bạn thân mến, có phải bạn đang khao khát thực hành thiền mỗi ngày nhưng lại gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian để ngồi thật yên? Bạn nghĩ mình bận rộn cho nên phải là “Tỷ phú thời gian” thì mới có thể thực hành thiền đúng không?
Nếu bạn cho mình một góc nhìn khác, khi mà càng bận rộn càng nên thực hành thiền đều đặn hơn thì sao? Bởi vì chỉ có nội lực mạnh mẽ, tâm thái bình tĩnh thì bạn mới có đủ năng lực để giải quyết vấn đề, để cuộc sống trở nên đơn giản hơn.
Dưới đây là 8 hoạt động giúp thực hành thiền dù chẳng ngồi yên, chẳng mất nhiều thời gian nhưng vẫn mang lại lợi lạc rất lớn. Bạn hãy đọc bài viết và áp dụng ngay nhé.
#1. THỨC DẬY VỚI 24H TINH KHÔI
Sáng sớm, mỗi lần bạn thức dậy, thay vì lao ngay ra khỏi giường và hối hả với một ngày bận rộn, hãy dành vài phút để nhận thức về mọi thứ xung quanh. Sau khi tắt chuông báo thức, trước khi ngồi dậy, bạn có thể lắng nghe những âm thanh xung quanh, hoặc lắng nghe xem tâm trí mình đang suy nghĩ gì?
Khi ngồi dậy, và đặt chân xuống giường cũng đừng quên ý thức cơ thể mình đang chuyển động. Lúc này, bạn có thể dành vài phút ngồi thẳng lưng, đặt chân xuống sàn và tập trung vào hơi thở hoặc quan sát sự phồng lên xẹp xuống của bụng.
Hãy hít vào những tia nắng sớm mai. Hãy để mỗi hơi thở của bạn được lấp đầy những ánh nắng vàng ươm của mặt trời đang dần ló dạng bên ngoài cửa. Chỉ vài bước đơn giản thế thôi là bạn đã có ngay những giây phút thần thánh đầu ngày mới đầy tích cực rồi đấy!
#2. TỈNH TÁO KHI RỬA MẶT
Hãy đưa sự tỉnh thức vào lúc chải răng và rửa mặt. Đầu tiên, khi mở nước, hãy ý thức dòng nước đang chảy từ vòi đến ca đựng nước của bạn. Bạn có thể gửi lòng biết ơn và trân quý đến dòng nước này.
Khi chải răng, hãy chú ý đến những cử động trong khoang miệng và cảm giác lông bàn chải chạm vào từng kẽ răng của mình. Cảm nhận sự sảng khoái và the mát nơi cổ họng khi sử dụng kem đánh răng.
Khi rửa mặt cũng vậy, hãy cảm nhận sự xúc chạm của nước lên các ngón tay, lên hai mắt, lên hai gò má và da mặt của bạn. Cảm nhận được cảm giác tỉnh táo sau khi rửa mặt khác biệt như thế nào?
#3. GỘT RỬA THÂN TÂM
Chúng ta thường có xu hướng nghĩ đến những dự định, kế hoạch trong ngày khi vào nhà tắm, hoặc phòng vệ sinh. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đã kiểm tra tâm trí của mình và nhắc nhở chúng quay về hiện diện ngay tại lúc này.
Trong khi kỳ cọ, xoa xà phòng, bạn ngửi thấy mùi hương gì? Có nghe âm thanh tiếng nước chảy ko? Có cảm nhận sự xúc chạm của nước vào cơ thể hay không? Hãy cảm nhận dòng nước ấm hoặc lạnh chảy trên da của bạn và lắng nghe những âm thanh từ đó. Có thể đó là âm thanh của tiếng nước chảy, của tiếng vòi kêu. Tận hưởng mùi thơm của xà phòng và dầu gội đầu. Nhận biết những kết cấu khác nhau mà tay bạn chạm vào như vòi sen, cục xà phòng. Không chỉ hình dung bạn đang gột rửa bản thân mà còn những điều tiêu cực, tội lỗi bên trong tâm hồn mình.
Khi mặc đồ, hãy cảm nhận từng cử động tay và chân trong lúc mặc quần áo, cảm nhận sự xúc chạm của vải khi chạm đến da. Nó mềm mại hay khô cứng?
#4. BỮA SÁNG THIÊN ĐƯỜNG
Làm thức ăn sáng cũng là cơ hội để ta thiền tập. Nếu gia đình bạn đã có người chuẩn bị bữa sáng, thì bạn có thể xuống bếp phụ giúp người ấy và cùng rủ người ấy làm trong tỉnh thức.
Khi ăn, đừng đọc báo, đừng mở vô tuyến, đừng nghe đài phát thanh. Hãy ngồi thẳng, nhìn thức ăn trên bàn, nhìn mọi người đang hiện diện trong bàn ăn và mỉm cười trân quý. Biết rằng, thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác của nhiều người. Hãy biết ơn và cảm nhận từng màu sắc, mùi vị, âm thanh trong lúc ăn.
Khi bạn rửa chén, để mắt đến những bọt bong bóng đủ màu, dòng nước ấm áp và những chiếc đĩa sạch bong kin kít. Cảm nhận cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành tốt một việc cỏn con.
#5. THONG DONG KHI BƯỚC
Sau khi dùng bữa sáng, thường thì chúng ta sẽ di chuyển hoặc cần đi đến một địa điểm nào đó như đi vệ sinh, đi tản bộ, đi tới công ty,, đi từ phòng này sang phòng khác, hoặc đi shopping,...
Hãy nhận diện mối quan hệ của bạn với mặt đất trong từng bước chân mình đi. Hãy xem mỗi bước chân ta đi là ta đã về, đã tới đích rồi. Hãy nhận thức rõ ràng dáng điệu của mình xem có bị vội vàng đi về phía trước ko? Xem hai vai oằn xuống vì căng thẳng không? Nếu có hãy điều chỉnh thẳng lưng và đi thật thong dong.
#6. THẢNH THƠI LÚC CHỜ
Trong cuộc sống, thật khó tránh khỏi những tình huống khiến ta phải chờ một ai đó, hoặc một điều gì đó. Có thể là ta chờ một người bạn đến trễ hẹn, chờ khi tính tiền, khi đi thang máy, khi kẹt xe, khi gặp đèn đỏ giao thông, hoặc khi cái điện thoại, laptop mình bị đơ máy, bị yếu wifi,..
Những lúc này, thật sự là một cơ hội vàng để ta tranh thủ thực hành thiền. Hãy hít thở thật sâu, quan sát mọi người xung quanh và chính mình. Xem mình đang nghĩ gì? Cảm xúc của ta lúc này thế nào? Đang nôn nóng hay lo lắng? Hoặc quan sát xem mọi người xung quanh có ai cần giúp đỡ gì không?
#7. LẮNG NGHE TRỌN VẸN
Đã bao giờ bạn tự nhìn lại cách nhận cuộc gọi của mình chưa?
Mỗi ngày, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ người thân, đồng nghiệp, đối tác…Thay vì lao thật nhanh ra bắt điện thoại. Bạn hãy chờ điện thoại đổ chuông khoảng ba hồi. Sau đó nhận thức hơi thở và trả lời trong không gian ổn định và bình lặng nhất có thể.
Tương tự, khi lúc trò chuyện trực tiếp với mọi người, chúng ta thường vội vàng nghĩ tới những điều sẽ nói ngay cả khi chưa nghe hết nội dung mà người nói đang chia sẻ. Điều này làm hạn chế việc tiếp nhận thông tin, dẫn đến những hậu quả khôn lường.
#8. THƯ GIÃN THÂN, BUÔNG XẢ TÂM
Khi làm việc, có đôi lúc căng thẳng, bạn đã vô tình để cho cơ thể mình căng cứng và gồng ép. Vì vậy, những lúc nghỉ trưa, hoặc vào thời điểm cuối ngày, tối trước khi ngủ sẽ là một thời điểm tốt để bạn thực hành thư giãn thân và buông xả những tâm mong cầu, khó chịu của mình trong ngày. Hoạt động cuối cùng này không những sẽ giúp bạn loại bỏ căng thẳng, mà còn chữa lành những nỗi đau tâm, giúp thư giãn, trị liệu sâu đến từng tế bào.
Cách làm, rất đơn giản. Đầu tiên, bạn chọn cho mình một tư thế thoải mái, có thể ngồi tựa hoặc nằm trực tiếp trên sàn nhà. Sau đó, hãy để hai tay xuôi theo cơ thể. Thả lỏng và biết ơn toàn thân: từ đỉnh đầu đến tất cả các bộ phận trên cơ thể như mắt, mũi, miệng, cằm, cổ, hai tay, vai, tim, gan, phổi, bao tử, lưng, hông, và cuối cùng là tới từng ngón chân.
#9. Kết luận
Thiền chỉ đơn giản là như thế, chỉ cần thực sự có mặt trong từng giây phút hiện tại của sự sống. Tuy nhiên, Bạn không thể trở nên chánh niệm chỉ sau một đêm, mà đây là thói quen được hình thành qua thời gian thực hành. Vì vậy, bạn có thể chỉ chọn một hoặc vài hoạt động được gợi ý như vừa rồi để duy trì việc thực hành hằng ngày.
Hãy bắt đầu bằng những bước đi nhỏ, nhưng chắc chắn…
Nguyện cầu chúc bạn luôn nhận diện được mỗi giây phút tặng phẩm của sự sống, cuả đất trời này.
Hãy để lại bình luận bên dưới, để Blog 3Gốc biết bạn đã nhận được giá trị nào từ bài viết này nhé!
Nội dung: Liên Thanh
Biên tập: Văn Dũng
Hình ảnh: Tuệ Tâm
Mình có đọc sách "gieo trồng hạnh phúc" của sư ông Thích Nhật Hạnh có 1 câu mình rất tâm đắc "khi chờ đợi ở phi trường tôi hay thiền đi bộ, tôi hay đi sớm 1 chút để có thời gian thiền hành, mỗi khi kết thúc 1 chương trình nào đó mọi người hay giữ tôi lại nhưng tôi không nán lại đến sát giờ mới đi, mà tôi đi ra phi trường sớm 1 chút để không phải vội vàng, hấp tấp". Hôm nay mình đọc được bải này của Talk mà thấy thấm quá, mỗi khi tắm hay rửa bát mình chỉ định tâm được khoảng 60 giây thôi sau đó tâm trí lại phóng đi…