“Trên đời nghìn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do”
Hồ Chí Minh
Vì vậy, xưa bao dân tộc đã đấu tranh quên thân chống lại áp bức bóc lột. Có thế hệ nghĩ đủ mọi cách để thỏa mãn hành động như ý muốn. Lại cũng có người nỗ lực cởi trói những ràng buộc trong tâm để được ung dung giữa vô thường.
Mỗi người có một khao khát tự do tùy vào nhận thức. Chung quy lại đâu là điều kiện để ai cũng tự do là chính mình, không vấp phải cấm đoán, không vướng phải kiểm soát, tự nguyện rũ bỏ những dính mắc đã trở thành thói quen?
Mời bạn cùng blog 3 gốc tạm gỡ đi hệ thống niềm tin, giữ tâm hồn nhiên - trong sáng để tự do suy ngẫm về chủ đề này bạn nhé!
MỤC LỤC
—---------
Tự do là không lo áp bức - không còn bóc lột
Nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng, đã từng đi qua những cuộc chiến tàn khốc bởi kẻ muốn cai trị - người đấu tranh để được làm người. Quyền làm người là được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nó đáng giá đến mức “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn Độc lập). Dù lịch sử đã đi qua nhưng tuyên ngôn của chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với thành công của cách mạng tháng Tám 1945 vẫn mãi là dấu mốc vàng son trên hành trình đấu tranh vì độc lập - tự do của dân tộc.
Tự do trong tâm thức của nhiều người là không bị một thế lực nào áp bức, không còn kẻ thù nào dám bóc lột mồ hôi, xương máu, cũng chẳng còn người nhân danh mình là tối thượng để dẫm đạp, bắt người khác phục vụ vô điều kiện cho mình. Vì vậy từng có một lãnh tụ Mandela chiến đấu kiên cường để chống phân biệt chủng tộc Apacthai; từng có một Abraham Lincoln sẵn sàng đánh đổi tính mạng để gỡ bỏ chế độ nô lệ; từng có những cuộc biểu tình lớn để đòi quyền lợi cho phụ nữ; và chúng ta cũng có một vị Chủ tịch sẵn sàng dành cả cuộc đời để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, để đòi lại “quyền không ai có thể xâm phạm được”.
Tự do dù là quyền tạo hóa ban tặng nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, đa phần con người phải tự thân đấu tranh để giành lấy. Tất cả các cuộc giải phóng tự do đều có đặc điểm là bản thân người bị áp bức phải dựa vào sức mình, tự lo cho vận mệnh của dân tộc mình.
Lịch sử trả lời cho chúng ta rằng, dân tộc nào không có khả năng tự lo thì dân tộc đó bị lệ thuộc, đất nước nào không có khả năng tự chủ, đất nước đó chấp nhận bị khuất phục.
Nhưng khi có được quyền tự do cơ bản nhất và sống trong thời bình, chúng ta lại không ngừng mơ về một tự do khác, đuổi bắt sự thoải mái khác. Khi không còn sự kìm kẹp, chiếm hữu từ bên ngoài, ta lại muốn chủ động được làm điều mình thích, sống một đời không gò bó, thỏa mãn những cảm xúc rất riêng tư.
Tự do là được làm điều mình thích
Dưới cái nhìn hài hước, một kiếp nhân sinh của người Việt Nam được tái hiện như sau: trẻ đi học sáng trưa chiều tối; trưởng thành đi làm, lập gia đình, lo cho con cái; về già gánh còng lưng cho con cháu; đến khi chết còn phải lo phù hộ cho gia đình. Câu nói vui vui nhưng ẩn đằng sau đó là sự thật: chúng ta có quá nhiều ràng buộc và trách nhiệm nên con người không ngừng khao khát sống một đời không bị quản lý và kiểm soát.
Mong muốn của số đông
Khi còn nhỏ, ta mong thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, được thỏa thuê đùa nghịch đất cát mà không bị la mắng, thậm chí trốn học một vài lần mà không bị đòn roi, cày game xuyên đêm không bị nhắc nhở…Lúc ấy, tự do đơn giản chỉ là giá như không phải nghe giảng môn mình không thích, được ngủ gật một tí mà không bị ghi sổ đầu bài.
Trưởng thành, ta muốn được làm việc mình thích, thậm chí chối từ những dự án cấp trên giao bởi lý do mình không tha thiết; kết hôn nhưng không phải là “gông đeo cổ”, “nợ đeo thân” mà mỗi người vẫn có khoảng trời riêng đầy tự do và vẫn bí mật.
Khi về già, ai cũng muốn mình thảnh thơi, không phụ thuộc quá nhiều vào con cái, không bận tâm quá nhiều vào bạc tiền.
Tất cả những khát khao đến khắc khoải đó chỉ vì một điều đơn giản: Được ăn, được chơi, được ngủ nghỉ, được yêu đương, được hưởng thụ, được làm những điều mình thích mà không một ai can thiệp, áp đặt, cấm cản hay mình phải lệ thuộc.
Vậy nên những cụm từ “tự do tài chính”, “người làm việc tự do” (Freelancer), “tự do ngôn luận”, “sống một đời tự do” trở thành những cụm từ đầy hấp dẫn và lấp lánh thôi thúc chúng ta không ngừng nỗ lực thoát khỏi mọi ràng buộc cả hữu hình lẫn vô hình.
Nhưng thực tế thì…
Tự do không tự nhiên mà sinh ra, nó là kết quả của quá trình ta sở hữu khả năng tự xoay sở, tự chịu trách nhiệm. Tóm lại, tự do sẽ không đến nếu bạn không có khả năng độc lập và tự chủ. Một đứa trẻ chưa tự đi, tự nhận thức ba mẹ nào dám để tự do? Một bệnh nhân thần kinh, mấy ai dám để họ được tự do đến và đi tùy ý? Một người bình thường cũng có thể mất tự do, nếu người đó vi phạm pháp luật.
Chưa kể, tự do theo kiểu thỏa mãn cảm xúc sẽ thường đi liền với việc trả giá, với sự bất ổn định. Chẳng hạn ta ăn không kiểm soát sẽ phải đối diện với béo phì, ta thả mình trong ăn chơi thì sẽ trả giá bằng sự trì trệ và thất bại, ta tự do phát ngôn bừa bãi sẽ bị vạ miệng và chịu sự xa lánh, ta tự tiện cướp sinh mạng người khác sẽ phải ngồi tù. Ta không thể tự do nếu sự tùy tiện của mình gây ảnh hưởng đến người khác.
Freelancer là người làm việc tự do, không có ràng buộc với tổ chức về thời gian, môi trường và cam kết nhưng họ cũng có những căng thẳng của riêng mình. Họ phải đánh đổi sự tự do đó bằng những lời xì xào của người xung quanh (khi chưa thành công), đôi khi hoài nghi chính mình, áp lực với khách hàng, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi. Đi làm thuê có thể bị quản lý nhưng hết giờ là về, làm một freelancer ta sẽ phải tự quản lý thời gian, cân đối tài chính, học cách tương tác, thương thuyết, thậm chí là đòi tiền khách hàng. Sự kỷ luật và tự chịu trách nhiệm được đẩy lên cao hơn bởi không còn ai bên cạnh để hỗ trợ và giám sát mình nữa.
Tương tự, muốn bố mẹ không kiểm soát ta phải có năng lực tự xử lý và giải quyết các áp lực một cách sáng suốt. Đi làm muốn yêu cầu, muốn từ chối, thậm chỉ là thay đổi phương án thì ta phải đủ năng lực làm sếp hoặc ít nhất là giỏi chuyên môn. Đơn giản là muốn là một công dân tự do ta phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật (cũng là một loại ràng buộc).
Tóm lại, ta muốn được làm những điều mình thích, ít nhất ta phải có năng lực tự lo cho bản thân. Khi trở thành một cá thể độc lập, không quá dính mắc và lệ thuộc, ta được quyền tự mình lựa chọn và quyết định.
Nhưng rồi ta có thật tự do?
“Anh tự do nhưng cô đơn” - đó là tựa đề một bài hát lí giải tại sao không mấy ai lựa chọn độc thân dù khi ấy được thoải mái làm điều mình muốn, không ai kiểm soát, không ai càm ràm, không ai cấm cản. Khi ta chỉ có một mình, ta lại có xu hướng tìm đến một mối quan hệ, một nơi để thuộc về (vẫn là một loại ràng buộc).
Và rồi nếu ta tự do chọn điều mình thích và thỏa mãn sự yêu thích đó, tự do từ chối điều mình ghét và thỏa mãn sự từ chối đó, nhưng rồi sau đó thì sao?
Liệu ta tự do tận cùng khi bản thân sở hữu điều mình muốn, lập tức ta lại chán? Ta có thể tự do chối từ khi cuộc sống còn quá nhiều ràng buộc về trách nhiệm và lợi ích? Chưa kể điều ta thích hướng thượng thì ít mà hướng hạ thì nhiều (vậy nên pháp luật và các quy định sinh ra để kìm hãm tự do theo hướng tự tiện).
Rồi có ngược khi chính ta, cả kiếp sống nỗ lực để rũ bỏ những gánh nặng trên vai nhưng đến giờ phút lâm chung - khoảnh khắc được tự do thật sự thì ta lại không muốn nó xảy đến. Nỗi sợ chết cũng chính là một loại ràng buộc. Có gì mâu thuẫn khi kẻ tự do thì muốn ràng buộc, kẻ ràng buộc lại vùng vẫy để được tự do, khi có quyền cởi trói cho chính mình thì lại không nỡ.
Vậy thì cuộc sống đâu chỉ là những ràng buộc về các mối quan hệ, về lợi ích, là những dính mắc về người thân, về gia đình mà đó là những ràng buộc trong chính tâm hồn.
Tự do là cởi trói những ràng buộc trong tâm hồn
Có một vị hòa thượng già dẫn theo một tiểu hòa thượng đi thỉnh kinh. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, không chút đắn đo, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?”. Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì đã đặt cô ta xuống từ lâu rồi, còn con đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi mà vẫn chưa bỏ được cô ta ra khỏi đầu sao?”
Nguồn: Sưu tầm
Câu chuyện gửi đến chúng ta một thông điệp: Muốn thong dong trong đời ta phải có năng lực buông xả những suy tư lan man, những dính mắc, định kiến trong tâm trí. Đây là tự do các bậc hiền trí hướng tới.
Bởi dù là một cá thể độc lập đi chăng nữa, ta cũng sẽ thường bị trói buộc bởi xiềng xích của tham sân si mạn nghi. Chính trận chiến trong tâm trí con người là nơi sản sinh ra mọi cuộc chiến tranh trên thế giới.
Tự do của người có trí tuệ
Khác với những người vẫn miệt mài trong hành trình mưu sinh, tự do của người có hiểu biết sâu sắc là “ung dung trong ràng buộc”. Họ không đấu tranh để gạt bỏ đi trách nhiệm, các mối quan hệ, các luật lệ hay quy định mà cởi trói tư duy lối mòn, những thói quen cũ, những dính mắc cũ (nỗi sợ, sự kỳ vọng, nội kết…). Đây là tầng nhận thức sâu hơn về tự do. Không phải cứ thích làm gì là được liền mà tự mình thuần hóa những phản ứng, đối kháng trong tâm, buông xả những bám chấp.
Có những hoàn cảnh nhìn rất tự do nhưng lại đầy ràng buộc, có những trường hợp nhìn đầy ràng buộc nhưng lại rất tự do. Năm xưa, trong sự khắc nghiệt của nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ vẫn khẳng khái ngâm thơ “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao”. Người tù thế kỉ Mandela có thể bị giam cầm về thể xác nhưng chẳng có thế lực nào giam cầm được ý chí của Ngài. Ai nói những bậc hiền trí này ít trách nhiệm, ít gánh nặng, ít ràng buộc với cuộc đời?
Cuộc sống sẽ luôn tồn tại những ràng buộc
Cũng như hạnh phúc và khổ đau, tự do và ràng buộc là 2 mặt của cuộc sống. Nhìn bề ngoài có vẻ đây là 2 yếu tố đối lập (càng ràng buộc càng mất tự do) nhưng nhìn sâu cốt lõi ta thấy đây là mối quan hệ tương trợ (càng kỷ luật càng tự do).
Sẽ có những ràng buộc hữu hình và cũng có những ràng buộc vô hình. Ràng buộc hữu hình có thể ai cũng nhận ra nhưng vô hình không mấy ai nhận biết. Một đôi lần dính mắc vào khen - chê, một đôi lần để tâm bất an và loạn động, thậm chí một sự so sánh ngày hôm qua và nay cũng nằm trong phạm vi của sợi dây khó tìm được nút thắt.
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi"
Kinh Pháp cú
Cả đời ta khao khát tự do nhưng có ít nhất có 2 thời điểm ta tự tìm đến ràng buộc. Thời điểm thứ nhất là lúc kết hôn - ta tự mình lựa chọn ràng buộc; thời điểm thứ 2 là khi đối diện với cái chết - ai cũng muốn từ chối tự do. Có thể rũ bỏ mọi trách nhiệm và gánh nặng thì ta lại không cam tâm, có thể đón nhận tự do thật sự thì lại chẳng mấy ai nỡ.
Và đôi khi chính sự tự do lại đến từ ràng buộc. Sợi dây diều tưởng như là ràng buộc nhưng lại chính là thứ giúp diều bay tự do trên khung trung. Những quy định, pháp luật khắt khe lại là thứ sinh ra để ta tự do mà không ảnh hưởng tới người khác. Đất nước càng văn mình thì luật lệ càng hà khắc. Một người sẽ tự do bền vững khi giữa những ràng buộc không khởi sinh sự đối kháng trong tâm của mình.
Muốn tự do không thể thiếu năng lực tự lo
Để thoát khỏi dục vọng, ta cần không ngừng tu tập và sửa bản thân. Đến sư muốn thoát khỏi nô lệ cảm xúc cũng phải giữ giới. Có tu chùa hay tu chợ thì cũng phải tuân theo pháp luật. Đã có mặt ở trong trời đất này, dù cá tính nổi trội hay mờ nhạt, dù giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp cũng đều phải nương theo xã hội quan và thiên nhiên quan. Xã hội quan thì luôn có những quy định khắt khe, thiên nhiên quan luôn tồn tại những quy luật bất biến.
Khi ta nói “tôi muốn tự do”, ta sẽ có được TỰ DO khi bản thân đủ năng lực bỏ đi 2 chữ “tôi” và “muốn”. Nghĩa là để cởi trói những ràng buộc trong tâm, ta cần quay vào bên trong bỏ đi những ham muốn và gọt rũa bản ngã. Đó là bài học cả đời về khổ, vô thường, nhân quả để không còn bám chấp, dính mắc vào 8 ngọn gió đời (được - mất, vinh - nhục, khen - chê, sướng - khổ). Năng lực tự học, tu tập và luôn hướng thiện sẽ giúp ta dần cởi trói được những xiềng xích trong tâm.
Nhưng rồi ta vẫn băn khoăn…
Mẹ Teresa sẵn sàng trao đi tình thương vô điều kiện nhưng đến một ngày mẹ bị giới hạn trong sinh lão bệnh tử, mẹ đâu còn có thể tự do trực tiếp cứu giúp người?
Mandela có thể truyền cảm hứng và lay động hàng triệu con tim nhưng nếu không thể bước chân ra khỏi nhà giam thì liệu ông có thể trở thành tổng thống Nam Phi huyền thoại?
Một người muốn phụng sự cho muôn người, nhưng thân thể trong song sắt hay bị “giam cầm” trong bệnh tật, liệu có tự do làm được nhiều nhất có thể cho cộng đồng?
Gạt bỏ đi hết nhưng ràng buộc trong tâm, nhưng nếu thân không khỏe thì sao? Abraham Lincoln nếu không có một thân thể khỏe mạnh liệu ông có thể cống hiến được nhiều cho nước Mĩ và mang lại hi vọng cho người da màu?
Vậy chắc hẳn còn một sự tự do lý tưởng hơn là chỉ cởi trói những ràng buộc trong tâm hồn?
Tự do khi có thân khỏe - tâm an - trí sáng
“Để em được sống vô tư như một bông hoa/ Giữa bầu trời kiêu sa/ Cho em thôi miệt mài nghĩ suy” (Cô đơn trên sofa) thì điều kiện cần có là thân khỏe - tâm an - trí sáng. Đây là tự do đích thực và lý tưởng cho tất cả mọi người trong mọi thời đại.
Tại sao lại là tự do lý tưởng?
Bởi vì khi thân khỏe ta sẽ chủ động làm được mọi thứ: ăn, ngủ, nghỉ mà không cần người chăm sóc, trông nom. Tự lo được cho cuộc sống của mình, ta ít lệ thuộc vào người khác. Điều đó cũng đồng nghĩa sự quản thúc của người khác với ta sẽ giảm đi. Thân khỏe ta cũng sẽ thuận lợi trong việc nỗ lực học - hiểu - hành những điều mình thích hướng về 3 gốc.
Khi tâm an, ta sẽ không còn những khổ đau, phiền não. Chẳng còn vì một câu nói vu vơ mà suy nghĩ miên man, chẳng vì một lời chê trách mà day dứt, chẳng vì một lời phỉ báng mà lòng hậm hực.
Khi trí sáng, ta sẽ luôn có sự nhìn nhận và lựa chọn đúng đắn. Ta hiểu muốn sống một cuộc đời tự do, bản thân phải tự lo mưu sinh, tự lo việc phát triển tâm thức. Muốn chết trong tự tại, ta lại phải lo trước hành trình mưu tử ngay tại thời điểm này
Gieo nhân nhân khỏe - tâm an - trí sáng, ta sẽ sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc với tâm thế tự do, tự tại. Đó là kiểu tự do nhưng không tự tiện, tự do nhưng không gây phiền não cho người khác.
Cái giá của tự do đích thực
Theo giáo huấn của Đức Phật, tự do không phải là thích làm gì thì làm, cũng không phải người này quản trị người kia, tự do là mỗi người phải tự thắp đuốc mà đi, tự làm chủ lấy mình và chịu mọi trách nhiệm cho sự làm chủ đó.
Tự do trong sự dễ duôi đồng nghĩa với nó là sự trả giá nhưng tự do trong nghiêm túc với rất nhiều những giới luật tinh tế sẽ giúp chúng ta có một đời sống cao thượng. Chẳng ai có thể thay ta làm điều này ngoài chính bản thân mình.
Vì vậy cái giá để được tự do trong mọi khuôn khổ là ta cần tự lo cho thân - tâm, tự xử lý cảm xúc lên xuống thất thường, tự mình thuần hóa cái tôi, tự mình thanh lọc tham - sân - si, tự mình rèn luyện đạo đức - trí tuệ - nghị lực. Bên cạnh sự nâng đỡ của môi trường tam bảo thì yếu tố quyết định cuộc đời ta chính là năng lực tự lo cho mình. Khi ta tự lo cho mình, ta có thể lo cho người khác.
Trên đời sẽ không tồn tại thứ tự do mà không đi kèm với ràng buộc. Cá chỉ có thể tự do trong khuôn khổ là nước, chim chỉ có thể tự do khi bay trên bầu trời, thơ tự do cũng vẫn phải gieo vần theo luật, đến cả sự rơi tự do tưởng không có quy củ gì nhưng vẫn phải chịu sự chi phối của lực hút trái đất. Nếu ai đó muốn triệt tiêu những ràng buộc thì hãy tưởng tượng đến hình ảnh mình lơ lửng trên không trung, liệu bạn có muốn một hành trình vô định như vậy?
Lời kết
Tự do không phải là cố gắng đấu tranh để tháo gỡ hết mọi ràng buộc, thoải mái ăn chơi và hưởng thụ, bất biết xung quanh bị ảnh hưởng thế nào. Tự do đích thực là tự do ngay trong ràng buộc, tự do trong va chạm. Tự do có được khi ta có đủ năng lực giải phóng “mối tơ vò” trong tâm trí, biết cách tự lo sao thân khỏe - tâm an - trí sáng.
Với tinh thần này, blog 3 gốc xin gửi đến độc giả câu tác ý: Nếu có ước muốn tự do trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn đầu tiên là đủ năng lực tự lo được cho chính mình. Khi bạn độc lập trong sự vững chãi, bạn sẽ dễ dàng lo cho người thân, muôn loài và mẹ thiên nhiên, bạn nhé!
Nội dung: Nhàn Lý
Biên tập:
Hình ảnh: Trung Thừa Túc
Comentarios