top of page
Writer's pictureHùng Hiện Hữu

VÌ SAO MÌNH CÒN TRẺ MÀ CỨ CHÁN ĐỜI VẬY?

Updated: Mar 26, 2023

Bạn là một người trẻ đang tràn trề nhựa sống nhưng đôi lúc cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa, chẳng biết làm gì cho nên hồn cả. Tự nhiên muốn bỏ hết mọi thứ ,thậm chí uể oải nằm sõng soài trên giường

Trong lúc chưa tìm thấy niềm vui bạn hãy thử dành một vài phút để “selfie” nỗi chán chường qua “camera” là bài viết này nhé!



MỤC LỤC

  • Dễ thất bại

  • Sức khỏe kém

  • Tâm trí tiêu cực


1. NGƯỜI TRẺ “YÊU ĐỜI” NHƯNG CŨNG DỄ “CHÁN ĐỜI”

  • Chán đời là như thế nào?

Trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng mong muốn của mỗi người. Đôi lúc ta thường rơi vào tình trạng tự nhiên thấy chán đời và muốn từ bỏ hết mọi thứ. Cuộc sống thì luôn có khổ ải, trải qua khổ sở mới nhận ra được hạnh phúc, phải chăng chán đời là dấu hiệu báo cho ta một bài học nào đó để từ đó giúp ta sống có trách nhiệm và mạnh mẽ hơn?


Chán đời là một căn bệnh kinh niên rất khó có thuốc để chữa nhưng lại ngày càng lan rộng ra trong đời sống giới trẻ. Nếu như mấy chục năm về trước, con người phải đấu tranh mỗi ngày để có cái ăn, cái mặc, thì cuộc sống ngày nay đặc biệt là giới trẻ, đang phải đấu tranh từng ngày, từng giờ để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.


Có phải mỗi ngày thức dậy với bạn không phải là niềm hứng khởi mà là sự đấu tranh nội tâm với những cảm xúc nặng nề trong tâm trí. Tiếng đồng hồ báo thức lúc 6h vang lên inh ỏi thúc giục bạn dậy để đi làm. Mùa đông lạnh giá kèm với mưa phùn lất phất càng làm bạn muốn nằm lười cuộn mình trong chiếc chăn.


Bạn nghĩ đến cảnh tượng mình lếch thếch bước lên văn phòng phải cười nói cho thật tự nhiên với bạn đồng nghiệp, với sếp, ngồi vào máy tính để làm mấy công việc chán ngắt lặp đi lặp lại, nó khiến bạn nặng trĩu trong lòng. Bạn cũng cố vươn mình bước tới phòng tắm để thay đồ, nhưng bạn nhìn thấy mình trong gương với đầu tóc rũ rượi, đôi mắt mệt mỏi, tiếng thở dài ngán ngẩm - bạn chán ghét luôn hình ảnh mình lúc này.


Một ngày không trọn vẹn, nhiều ngày không thật sự sống đã kéo theo lối sống của bạn ngày càng đi xuống.


Cảm xúc của bạn sẽ lên xuống như biểu đồ hình Sin, khi mà vừa vui được một chút bạn sẽ cảm thấy buồn, cảm giác lo lắng, bồn chồn luôn thường trực khiến bạn dễ nổi cáu với mọi người xung quanh. Bạn không còn chưng diện quần áo mới, chống nắng khi ra ngoài, dưỡng da vào ban đêm, thậm chí đã lâu không thèm dọn dẹp nhà cửa.


Bạn còn chán ghét công việc hiện tại vô cùng, sáng sáng đến văn phòng thì mong nhanh để đến chiều về, về tới nhà thì lại nằm dài vì không biết làm gì. Đầu tuần thì mong nhanh đến cuối tuần để được nghỉ ngơi, cuối tuần thì lại cảm thấy cô đơn vì không có ai bên cạnh. Cứ thế bạn vật vờ làm việc mà không có một mục tiêu để phấn đấu.


Sống ở hiện tại nhưng bạn luôn nuối tiếc về những kỷ niệm xưa cũ. Rồi bạn lại mộng mơ về tương lai, cứ tự an ủi mình rằng hôm nay sẽ qua mau thôi chờ đợi ngày mai tốt hơn sẽ đến, và chẳng bao giờ thấy niềm vui ghé qua vào ngày mai.


2. Những chiếc “ung nhọt” mà chán đời “tặng” giới trẻ

Những tưởng “chán đời” ở một cá nhân là chuyện nhỏ nhưng hiện nay nó đã để lại những hậu quả to lớn, ảnh hưởng đến chất lượng sống mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.

  • Dễ thất bại

Một đặc điểm dễ nhận thấy ở những người chán đời là rất dễ bỏ cuộc. Họ thường không cố gắng và luôn nghĩ rằng mình sẽ thất bại, không thể thành công. Thay vì cố gắng tiến lên, những người này sẽ luôn phàn nàn, đổ lỗi, cho rằng mình thực sự kém may mắn.


Trên thực tế, những người này cũng có thể đặt mục tiêu nhưng rất tiếc là không bao giờ đạt được. Thói quen trì hoãn có thể xuất phát từ lối sống quá an toàn của họ. Họ lo lắng rằng thử những điều mới sẽ thất bại, mọi người sẽ cười nhạo họ và kết quả là họ sống trong một vòng lặp nhàm chán, khó đạt được thành công như bản thân họ hy vọng.

  • Sức khỏe kém

Người chán đời thường có lối sống tiêu cực bao gồm những thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Chẳng hạn như thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích để giải tỏa cảm xúc, lười vận động, ăn uống không đủ chất, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, lười chăm sóc bản thân. Và tất nhiên, hậu quả của lối sống này là sức khỏe giảm sút, thiếu sức sống, luôn trong tình trạng uể oải, mệt mỏi và còn là nguy cơ mắc nhiều bệnh khác.


Người chán đời thường có xu hướng nuông chiều bản thân hơn bình thường, họ ít quan tâm đến sức khỏe hoặc chăm sóc bản thân nhưng lại lười thay đổi vì thói quen trì hoãn. Ví dụ, họ dự định ngày mai dậy sớm để tập thể dục nhưng lại ngủ quên nên họ tự nhủ rằng hãy để sang ngày hôm sau.

  • Tâm trí tiêu cực

Có thể thấy rõ, những người có suy nghĩ và lối sống tiêu cực thường dễ mắc các vấn đề về tâm lý. Bởi vốn dĩ họ là người tiêu cực, tâm lý vốn đã yếu nên dễ bị tác động bởi những tác động bên ngoài. Chỉ một chút khó khăn cũng khiến họ cảm thấy mệt mỏi, muốn gục ngã. Hơn nữa, cách nhìn nhận của họ luôn phiến diện, luôn chỉ ra những điều không hay nên khi gặp sự cố, khó khăn sẽ dễ cảm thấy chán nản và tuyệt vọng.

Từ những hậu quả trên ta nhận thấy việc cần tìm ra phương pháp để hiện tượng chán đời trong giới trẻ ngày nay là vô cùng cần thiết.


3. AI MỜI CHÁN ĐỜI ĐẾN BÊN TA?

Trước tiên cần hiểu rằng trạng thái cảm xúc mà nhiều bạn trẻ vẫn gọi là chán đời, rất thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Kể cả những người có suy nghĩ tích cực, lạc quan vẫn thỉnh thoảng có những lúc tâm trạng “chán như con gián”. Ngay cả đến thiên tài Albert Einstein cũng từng trải qua nhiều lần như vậy.



Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ sống bi quan của một bộ phận giới trẻ hiện đại đó là không xác định được mục tiêu sống, không tìm được giá trị sống đúng nghĩa (do các chuẩn mực của xã hội liên tục bị đảo lộn), cảm thấy không được yêu thương hoặc từng trải qua một biến cố gây tổn thương tâm lý…


Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi?


1. Thư mời từ gia đình, nhà trường, xã hội

  • Gia đình

Cha mẹ không thấu hiểu con sinh ra buồn chán. Gia đình cũng là một trong những nguyên nhân lớn gây nên hiện tượng “chán đời” trong giới trẻ. Một số gia đình chưa coi trọng việc giáo dục con cái về sự đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ nhau và biết bao dung, tha thứ cho người khác. Có nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh thiếu gương mẫu về lối sống và giao tiếp.



Cha mẹ quá cưng chiều con nên sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện, tạo cho con lối sống chỉ biết nhận, không biết cho, sống nghèo nàn cảm xúc, vô tâm trước tình người, làm ngơ trước nỗi đau của người khác.


Một đứa trẻ được bảo bọc từ nhỏ, cơm đút tới miệng, nước dâng tận môi, được dành cho những món tiêu hóa, đồ chơi đẹp, muốn gì được nấy mà không biết những thứ đó từ đâu ra thì lớn lên chắc chắn là đứa trẻ đó sẽ thành một con người chỉ quen hưởng thụ, nếu không được đáp ứng sẽ sinh ra buồn chán thậm chí quay lại oán trách cha mẹ.


Một đứa trẻ được cha mẹ bảo bọc từ trong trứng nước, không từng sứt đầu mẻ trán, không từng đi xa một mình, không từng được thực hiện ước mơ… chắc chắn là sẽ lớn lên với tâm lý ỷ lại và thụ động, chỉ trông chờ vào sự sắp đặt của người khác. Khi gặp chuyện bất như ý dễ nảy sinh tâm trạng chán nản, tiêu cực.



Một đứa trẻ không quen lao động, không biết cha mẹ mình đã khổ cực thế nào để kiếm tiền thì chắc chắn là xem việc được nuôi nấng, bảo bọc là chuyện đương nhiên, không có suy nghĩ phải hàm ơn dưỡng dục cha mẹ.

  • Nhà trường

Nhà trường là nơi đào tạo ra những con người có tài đức, biết quan tâm đến mọi người và tích cực phục vụ cho xã hội bằng tài năng của mình. Thế mà ngày nay, trong một số trường học, người ta chỉ chú tâm đến việc nhồi nhét tri thức, còn vấn đề đạo đức dường như đang bị bỏ ngỏ, thậm chí có những trường chỉ dạy môn giáo dục công dân cho qua lần chiếu lệ.


Bên cạnh một số thầy cô mẫu mực, nhiệt huyết với việc giáo dục, vẫn còn đó những thầy cô chưa hoàn thiện nhân cách. Có thầy cô gọi học sinh là mày xưng tao, có thầy cô chêm cả những câu chửi tục vào lời nói của mình, có thầy cô quát mắng học sinh như kiểu dân chợ búa, … Chính các em đã phải thốt lên rằng “giáo viên ăn nói thô lỗ, vô văn hóa như vậy thì trách sao học sinh không bắt chước”.

Những hành động đó ít nhiều xâm nhập vào thế giới quan của giới trẻ, dần dà hình thành lối hành xử thô bạo, thiếu tình thương. Sự chán nản, vô tâm lẽ nào chẳng bắt nguồn từ đó?



Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của học sinh. Nếu họ vô tâm thì sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình và trách nhiệm trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Vì “vô tâm” họ cũng sẽ “đào tạo” ra những học trò vô tâm như họ. Như thế, ta phải nói sao về những chủ nhân tương lai của đất nước? Đây chính là một mối họa lớn cho xã hội.

  • Xã hội

Cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm việc, tư duy, sự giao tiếp làm cho giới trẻ không quan tâm những việc xung quanh, khi thế giới mạng xã hội, những blog xuất hiện, lớp trẻ tự do thể hiện mình - khi giam mình quá lâu trong thế giới ảo sẽ trở nên trầm cảm và vô cảm.


Nền kinh tế thị trường một mặt phát huy được một số giá trị đạo đức truyền thống và sản sinh ra những giá trị mới, nhưng mặt khác nó lại tạo điều kiện cho cái tôi phát triển cực đoan, đề cao giá trị vật chất nảy sinh cách sống ích kỷ, lãng quên trách nhiệm cộng đồng.


Những tiêu cực của lối sống phương tây qua sách báo, phim ảnh, mạng … làm cho giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, con người ít quan tâm lẫn nhau, sống co mình trong thế giới riêng theo kiểu “đèn nhà ai, nhà nấy rạng ”. Những thay đổi công nghệ trong xã hội đã làm cho căn bệnh chán đời này càng lan rộng hơn.


2. Chính mình vô tình “thân mời” chán đời

Đầu tiên phải kể đến lối sống ích kỷ thực dụng, quen hưởng thụ đang ngày càng phổ biến ở người trẻ hiện nay. Sống thực dụng luôn đặt cao vấn đề vật chất lên hết, sống từ có tình cảm chuyển sang không có tình cảm, sẵn sàng chấp nhận thủ đoạn vô đạo đức để đạt mục tiêu.


Sống buông thả, thờ ơ, ăn chơi, đua đòi, lấy bản thân làm trung tâm, mọi suy nghĩ, hành động lấy lợi ích vật chất tầm thường của bản thân làm tiêu chí phấn đấu. Ý thức của bản thân là tính ích kỷ cá nhân, ít chịu tu dưỡng, rèn luyện. Sống thực dụng, hưởng thụ khiến con người ta thấy cuộc sống đơn điệu, vô nghĩa dẫn đến những cảm xúc đạo đức bị hạn chế thậm chí bị triệt tiêu


Ngày nay, đối với một số bạn trẻ việc sở hữu một chiếc điện thoại đắt tiền hay đi ăn uống mua sắm tại những địa điểm nổi tiếng giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Điều kiện để sống đẳng cấp là phải có xe, có điện thoại đẹp để khoe, nó nghiêm trọng tới mức khiến các bạn trẻ không được đáp ứng đầy đủ sẽ cảm thấy thiếu tự tin.


Họ không tập trung vào mục tiêu học tập vì tương lai, vì những ước mơ chân thật của bản thân mà thường tập trung vào việc mình chưa đủ tốt, chưa có được thứ này thứ kia. Chính điều đó đã làm nảy sinh tâm lý bi quan về cuộc sống, đôi khi chỉ vì một chút khó khăn nhỏ hay những bất như ý họ sẽ thu mình lại, thờ ơ với cuộc sống, đôi lúc họ còn đổ lỗi cuộc sống đã tạo ra những khó khăn này.


4. BÍ KÍP TƯỚI TẨM CHÁN ĐỜI ĐỂ CUỘC ĐỜI LUÔN CHAN CHỨA

Cuộc sống có rất nhiều khó khăn và đổi thay, chúng ta không tránh khỏi cảm giác chán ngán, mệt mỏi trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải nhận thức được sự nghiêm trọng của nó, và tìm cách vượt qua cảm giác chán đời này.


1. Tự bản thân người trẻ

Xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực tập thể dục rèn luyện bản thân, ăn uống, ngủ nghỉ có giờ giấc hợp lý là cách hiệu quả nhất giúp phòng tránh suy nghĩ tiêu cực, chán nản.


Đọc nhiều sách, tham gia các lớp học phát triển bản thân, lớp học trí tuệ cảm xúc... để có nhiều kiến thức trong việc chế ngự, hạn chế suy nghĩ tiêu cực. Rèn luyện cảm xúc trước những tác động lớn về tâm lý để cải thiện chuẩn bị cho các tác động tiêu cực của cuộc sống.


Nỗ lực hoàn thiện bản thân hơn từng ngày từ năng lực đến kỹ năng mềm và tính cách. Khi bản thân hoàn thiện hơn, bạn sẽ tự tin và chủ động trong cuộc sống. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc ngăn chặn suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc buồn chán, lo lắng, căng thẳng…

Kết bạn, tiếp xúc với những người có tính cách, suy nghĩ lạc quan, vui vẻ và tránh xa, hạn chế tiếp xúc với những người có lối không lành mạnh hay suy nghĩ tiêu cực.


Tham gia các nhóm thiện nguyện, công tác xã hội để nhận ra mình thật may mắn, để biết ơn, biết chia sẻ và trân trọng cuộc sống.


2. Đối với gia đình

Trước hết, các thế hệ trong gia đình phải biết quan tâm lẫn nhau, từ đó giáo dục, xây dựng lối sống yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Cha mẹ trong gia đình khi dạy bảo con cái cũng cần phải lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con cái, không chỉ dạy con nhận biết cảm xúc bản thân và người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu biết nguồn gốc của cảm xúc đó. Giáo dục dạy bảo con cháu lối sống đẹp, biết nhận và cũng biết cho, đó vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm.

3. Đối với nhà trường

Nhà trường không chỉ dạy chữ mà từ dạy chữ để dạy cách làm người có nhân cách, có đạo đức, có xúc cảm và sự sẻ chia bằng nhiều hình thức dạy lồng ghép qua bộ môn Công dân, qua môn Văn và những sinh hoạt tập thể.


Mỗi thầy, cô luôn quan tâm đến đồng nghiệp, chia sẻ với đồng nghiệp những vui buồn và quan tâm thương yêu học sinh bằng tình cảm chân thành nhất.

Nhà trường cần giáo dục học sinh lòng tin vào cái tốt, cái thiện, biết tránh xa và phát hiện cái xấu để cảnh giác và đấu tranh với nó.


Có kế hoạch và tích cực giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sinh hoạt tập thể bằng mọi hình thức có sức hấp dẫn lôi cuốn các em tạo ra mối liên hệ mật thiết để các em có điều kiện tiếp xúc cảm thông với nhau.

Tổ chức tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, làm việc từ thiện … học tập noi theo các gương sống tốt, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh để học sinh học tập tu dưỡng và rèn luyện...


4. Đối với xã hội

Các cấp có thẩm quyền có kế hoạch xây dựng một lối sống đẹp văn minh thân thiện trong toàn xã hội để tạo dựng niềm tin cho thế hệ trẻ.

Tích cực tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức và những gương người tốt việc tốt.

Xây dựng hệ thống pháp luật, các chế tài đủ mạnh để trừng phạt những kẻ phạm tội, những kẻ xấu đi ngược lại lối sống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.

Tạo điều kiện cho lớp trẻ sống rèn luyện theo chuẩn mực của xã hội, luôn luôn quan tâm giúp đỡ họ để họ sống tốt hơn, thân ái trong xã hội mới.


5. Kết luận

Mỗi con người được sinh ra trên cõi đời này đều có giá trị riêng của mình. Cuộc sống đôi khi sẽ mang tới những áp lực khiến những người trẻ mất đi động lực, nhưng hy vọng mỗi chúng ta sẽ bằng cách này cách khác tìm lại được tình yêu và lòng nhiệt huyết với chính cuộc sống của mình.


Người trẻ ơi, hãy luôn đón nhận sự thật, cả những bất công, hãy phấn đấu và tiến về phía trước, và rồi hãy nỗ lực để tìm lại hạnh phúc, dù là trong khó khăn, những điều đẹp đẽ luôn tồn tại. Sau cùng, hãy trân trọng thời gian của chính mình, tuổi trẻ chỉ trong một cái chớp mắt của vũ trụ.

Tôi chợt nhớ đến câu nói của TS Lê Thẩm Dương : “Sống là phải để cho đời nó chán mình chứ không bao giờ được nghĩ đến chuyện chán đời!” - nhớ nhé các bạn trẻ !

Nội dung: Nguyễn Tuyết - Học viên lớp Content 3 Gốc

Biên tập: Hùng Hiện Hữu


600 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page