Khi trưởng thành, có những lúc chúng ta mong muốn được trở về tuổi thơ để được hồn nhiên, vô tư như một đứa trẻ.
Nhưng có lẽ chúng ta đã quên mất rằng, chính trong bản thân mình vẫn luôn tồn tại một đứa trẻ. Và đứa trẻ ấy vẫn đang chờ chúng ta đến để trò chuyện và yêu thương chúng.
Mời bạn cùng lắng nghe cách trò chuyện và kết nối với đứa trẻ bên trong ấy nhé!
Mục lục
---
Những đam mê và ước mơ của đứa trẻ bên trong bị lãng quên
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Bố mẹ tôi dành thời gian vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền nuôi ba chị em tôi.
Cho nên tuổi thơ với tôi là những bữa cơm không đủ no, là những quần áo cũ sờn rách, là sự chế giễu của bọn trẻ con hàng xóm. Ký ức trong tôi là chiếc lò gạch cũ kỹ. Những ngày trời mưa, tôi nằm trong lò gạch và nhìn ra ngoài hiên, ngóng mẹ đi đồng về.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng bố mẹ tôi luôn dành mọi thứ tốt đẹp cho chị em chúng tôi như được học hành tử tế, được đón nhận tình yêu thương vô điều kiện của họ. Tôi còn nhớ rất rõ, bố mẹ đã vui mừng ra sao khi tôi được học sinh giỏi, được vào lớp chọn, trường chuyên. Tôi hạnh phúc và điều đó đã trở thành động lực lớn lao để tôi lớn lên, tự lập và trưởng thành.
Đứa trẻ hạnh phúc là đứa trẻ thấy được mình rất quan trọng và là niềm tự hào của bố mẹ. Nhưng phải chăng cũng vì thế mà tôi tự tạo áp lực cho bản thân, tự che giấu đi rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ của một đứa trẻ?
Tôi cũng có lúc cảm thấy buồn vì sao mình không được sống đầy đủ vật chất như các bạn, không được mua váy đẹp và búp bê xinh, cũng ghen tỵ với em trai tôi vì được cả nhà cưng chiều, được cho đi du lịch cùng bố mẹ.
Tôi cũng có ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang mà có khi bố mẹ cũng không hề biết điều đó. Tôi đã lưu giữ những ký ức đó, cảm xúc đó, suy nghĩ đó mà lớn lên.
Khi tôi trưởng thành, tôi có rất nhiều thứ phải lo, phải gồng gánh: cuộc sống cơm áo gạo tiền, công việc, tình yêu, những mối quan hệ.
Hôm nay chợt nhớ về ngày thơ ấu, về thời gian được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và những đứa em, tôi mong mình bé lại, để không phải suy tư, lo nghĩ. Bất chợt, tôi mỉm cười trong lòng vì chợt nhận ra rằng. "Ồ không!
Dù cho tuổi tác của tôi có tăng lên, dù cơ thể có cao lớn khác xưa, nhưng tận sâu trong tâm hồn tôi, vẫn có một đứa trẻ đang khát khao, mong ước về một giấc mộng tương lai; hay đang lo lắng, tổn thương vì những ký ức trong quá khứ.
Bạn biết không? Bên trong mỗi người đều có một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy bản chất chân thực, tinh khôi, chứa đầy sức sống, vui tươi, sáng tạo. Chúng bình an trong sâu thẳm tâm hồn.
Tại sao phải trò chuyện với đứa trẻ bên trong mình?
Đứa trẻ bên trong tôi luôn cần được trò chuyện, cần được yêu thương, cần được bảo vệ và cảm thấy an toàn. Nhưng, tôi tin rằng không chỉ riêng tôi, tận sâu trong, tất cả mọi đứa trẻ ắt hẳn cũng đều mong muốn như vậy.
Từ khi tôi nhận ra đứa trẻ bên trong mình, tôi luôn muốn được kết nối với nó để biết nó đang cảm thấy ra sao, có nỗi đau nào chất chứa, có khát khao cháy bỏng nào bị lãng quên vì cuộc sống bận rộn thường nhật hay không.
Điều gì làm cho đứa trẻ trong tôi hạnh phúc và tôi có đang yêu thương nó hay yêu thương chính bản thân tôi? Rất nhiều câu hỏi trong đầu và tôi cần cho bản thân thời gian để trò chuyện với đứa trẻ trong mình, để hiểu mình, để được chữa lành và tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc đích thực - điều mà bất kỳ ai sinh ra trong cuộc đời cũng hướng đến và theo đuổi.
Làm thế nào để kết nối với đứa trẻ bên trong?
Để kết nối và trò chuyện với đứa trẻ bên trong, tôi đã dùng rất nhiều phương pháp. Tôi đọc sách, tìm hiểu và thực hành thiền, đọc Hoʻoponopono hàng ngày, tham gia các khóa học phát triển bản thân, tự vấn và trả lời trước gương.
Nhưng có một cách mà tôi thấy rất dễ làm và hiệu quả, và giản đơn. Đó là thực hành Viết. Tôi không giỏi ăn nói, cũng không giỏi thể hiện nên tôi lựa chọn trải lòng mình qua các con chữ.
Khi tôi viết, tôi được là chính tôi:
- Viết để nhận điện đứa trẻ bên trong
- Viết để lắng nghe đứa trẻ bên trong
- Viết để phản hồi lại đứa trẻ bên trong
Bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể viết. Tôi ghi lại nhật ký tâm, ghi lại những sự vật, sự việc xảy ra với tôi, ghi lại những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân khi trải qua sự việc đó.
Tôi viết thư cho chính tôi, để hỏi thăm xem đứa trẻ trong tôi hiện giờ ra sao, có đang vui vẻ hay đang ưu tư một vấn đề gì đó không?
Khi đứa trẻ trong tôi đang hạnh phúc, đang vui vẻ, tôi sẽ dùng con chữ của tôi để miêu tả niềm hạnh phúc đó. Và thật kỳ lạ, khi tôi viết, tôi cũng đang hạnh phúc.
Khi đứa trẻ trong tôi cô đơn, nặng lòng, đầy tâm sự, không muốn nói chuyện với ai, kể cả chính tôi, thì chỉ cần viết ra, đứa trẻ ấy sẽ mở lòng chia sẻ với tôi về câu chuyện của nó, về đam mê hiện tại của nó và đặc biệt là điều nó mong muốn từ tôi.
Khi đứa trẻ cần được bầu bạn, cần được yêu thương. Tôi viết để yêu thương, để trở thành người bạn đồng hành cùng đứa trẻ đó trên hành trình sống và trở thành người có giá trị.
Khi đứa trẻ mất tự tin, tôi sẽ viết để kiên trì và nhẫn nại lắng nghe, cũng không quên học hỏi và rèn luyện bản thân, để ngày mai đứa trẻ trong tôi và chính bản thân tôi cũng trở thành phiên bản tốt nhất.
Viết thế nào để có thể kết nối với đứa trẻ trong mình?
Hãy viết những điều thật đơn giản nhưng giá trị để đứa trẻ trong mình có thể thấu hiểu, có thể sẻ chia.
Hãy viết những điều chân thành nhất, từ tận sâu trong tâm hồn chúng ta muốn viết. Không sợ phán xét, không sợ chê bai,
Hãy viết để được là chính mình trong những câu chữ đó.
Tôi ngày hôm nay, đã thực hành viết nhiều hơn, để lan tỏa những điều tử tế trong tôi, để bản thân tôi trở lên tốt đẹp và tràn ngập tình yêu thương.
Tôi vẫn luôn ghi lại hành trình chuyển hóa của bản thân và truyền đi năng lượng tích cực mỗi ngày. Tôi tin rằng, khi tôi sống tích cực và hướng về ba gốc (đạo đức - trí tuệ - nghị lực), đứa trẻ trong tôi cũng sẽ cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn và tình yêu thương của tôi.
Đó là câu chuyện của tôi. Còn bạn, bạn có nhận ra đứa trẻ bên trong bạn không? Bạn có mong muốn được trò chuyện và kết nối với đứa trẻ bên trong mình để mỗi ngày là một ngày hạnh phúc vì được là chính mình không?
Nội dung: Quyên Phạm - Học viên Content 3 Gốc khoá 5
Biên tập: Liên Thanh
Hình ảnh: Trang - học viên Content 3 gốc khóa 5
Commentaires