Có bao giờ bạn nhận ra mình đang lạc trôi trong những dòng suy nghĩ miên man, không hồi kết?
Có khi nó là những giấc mơ, những hoài bão về một viễn cảnh tươi đẹp, về những điều mong muốn đạt được trong tương lai, về một thành tựu nào đó bạn muốn sở hữu.
Có khi nó là quá khứ với những lỗi lầm, những cảm xúc tiêu cực mà bao lâu bạn muốn lãng quên nhưng không thể. Những nỗi đau không hiển hiện rõ, nhưng mỗi ngày nó cứ gặm nhấm tâm hồn bạn. Những lúc năng lượng xuống thấp, cơn đau lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Cũng có khi nó là những tiếng vọng không rõ ràng. Đó có thể là lời động viên “bạn ơi cố lên, bạn làm được mà”, nhưng cũng có thể là những lời nói nhấn chìm “mày là ai cơ chứ, mày chẳng có giá trị gì cả”. Những tiếng nói của bạn tự bắn mũi tên vào mình.
Rồi đâu đó, trong những dòng suy nghĩ miên man ấy, vẫn có hình ảnh, giọng nói của nhiều người khác bủa vây lấy bạn. Những người yêu thương luôn cổ vũ, ủng hộ bạn, nhưng cũng lắm hình ảnh những người bạn không thích, bạn thấy họ chỉ trích, chê bai.
Dừng lại một chút nhé!
Bạn có nhận ra, thế giới bên trong của bạn thật hỗn độn không, chẳng có giây phút nào ngơi nghỉ?
Nó như trận chiến của 2 phe tích cực - tiêu cực, quá khứ - tương lai, động viên - chỉ trích…Tâm bạn dao động không ngừng!
Nhưng chí ít lúc này, khi bạn từng bước chậm lại đọc bài viết này, bạn cảm nhận được chính mình đúng không? Bạn cảm nhận được từng dòng suy nghĩ như trên phải không?
Đúng rồi đó, bạn đã neo lại được cảm xúc, neo lại được suy nghĩ của mình để nhận diện nó rồi. Bước đầu tiên trong việc trò chuyện và kết nối với chính mình chỉ cần như thế là đủ, chỉ cần bạn nhận diện rõ ràng mình đang như thế nào: hỗn loạn, bình yên, an tĩnh, giận dữ, vui vẻ, ngạc nhiên…
Hãy để Viết là phương tiện giúp bạn kết nối và trò chuyện với chính mình
Khi bạn đặt bút xuống hãy để cho mọi dòng suy tưởng trong não được đổ ra giấy, hãy để nó tuôn trào như dòng nước làm cho mọi thứ trì trệ, ách tắc được khơi thông.
Hoạt động viết tuôn chảy như vậy được gọi là TẢI CẢM XÚC. Đây là phương pháp hữu ích khi cảm xúc hỗn loạn, khi bạn đang phải kìm nén bản thân bằng lời nói, hành động đi ngược lại với suy nghĩ, cảm xúc trong một thời điểm nào đó.
Viết ra một cách không ngừng sẽ giúp bạn dịu đi cơn căng thẳng. Nó giải phóng cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực để đưa bạn về trạng thái cân bằng. Chính cảm xúc cân bằng sẽ đem đến cho bạn bình an trong tâm, giúp bạn bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách sắc bén, khách quan hơn.
Do đó Viết là một phương tiện trung gian giúp những dòng suy nghĩ bên trong được sắp xếp một cách gọn gàng. Nhìn bên ngoài, có thể bạn không cảm nhận được sự tương quan chặt chẽ giữa suy nghĩ và dòng chữ trên giấy. Nhưng khi thực sự trải nghiệm hoạt động này, bạn sẽ khám phá bản thân đủ khả năng kiểm soát được tâm trí mình nhờ Viết.
Và Viết cũng giúp bạn thêm nhiều cơ hội để đọc lại những gì mình đã Viết, để soi chiếu lại những gì đã xảy ra trong tâm. Bạn như được tách ra thành một con người khác để quay ngược lại nhìn bản thân một cách khách quan hơn, với những suy nghĩ, cảm xúc trong một khoảnh khắc nào đó.
Mình thích đọc lại những dòng nhật ký mình đã viết, khi đọc lại như vậy mình hiểu mình đã trải qua những cơn cảm xúc thế nào, tự nhiên thấy thật thương mình và hiểu mình hơn. Nó đó, chính là nó, viết mọi thứ ra đã giúp mình thật nhiều khi không thể mãi đi ra bên ngoài tìm ai đó để xả, khi mình muốn kết nối với chính mình để hiểu mình mà không biết làm cách nào nhanh và dễ nhất.
Mỗi lần được Viết như thế, bạn hãy dừng lại vài giây, nhắm mắt, cảm nhận từng cảm giác đang chạy dọc cơ thể mình và nói “Mình biết ơn từng khoảnh khắc được trò chuyện và kết nối với chính mình”.
***
Lớp Viết hiểu mình là nơi sẽ giúp bạn có thêm được nhiều lần trò chuyện và kết nối với chính mình như thế, bạn có tò mò không?
Nội dung: Thu Thủy - Học viên Content 3 gốc khóa 2
Hình ảnh: Hiền Phạm - Học viên lớp Content 3 gốc K7
Comments