“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Một cái cây không thể chỉ có một chiếc rễ, một chiếc kiềng không thể chỉ đứng bằng một chân…dường như trong cuộc sống này, vạn vật muốn trụ vững, tồn tại đều phải trên nền tảng của sự tương tức, của mối quan hệ tương trợ, của sự kết hợp hài hòa vì mục đích chung giữa các yếu tố quan trọng.
Trong hệ sinh thái 3 gốc nói riêng và trong các tổ chức nói chung, để tồn tại và duy trì sự phát triển không thể khuyết thiếu 1 trong 3 trụ cột: Giáo dục - thiện nguyện - kinh doanh. Tại sao lại như vậy? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây, để thấy sự cần thiết của 3 trụ cột trong tổ chức, đội nhóm và chính cuộc sống của mình nhé!
Mục lục
Mô hình 3 trụ cột là gì?
Hệ sinh thái 3 gốc là ngôi nhà chung của triết lý hướng về đạo đức - trí tuệ - nghị lực. Có 3 yếu tố quyết định sự tăng trưởng và vững chãi đến tận cùng của 3 gốc, đó là mô hình 3 trụ cột gồm Giáo dục - Kinh doanh - Thiện nguyện.
Trong 3 trụ cột này, mỗi yếu tố có một vai trò quan trọng:
Giáo dục: Bao gồm việc học và tự học, mang lại sự phát triển theo chiều sâu. Nhờ có giáo dục, chúng ta có hiểu biết đúng đắn, từ đó có những lựa chọn và quyết định sáng suốt.
Kinh doanh: Là những hoạt động tạo ra vật chất, tiền bạc giúp nuôi thân. Nhờ có trụ cột này, ta có thể tự lo cho cuộc sống của mình, không trở thành gánh nặng của người khác (Bàn tay giúp mình)
Thiện nguyện: Là những hoạt động giúp đỡ người cả về thân lẫn tâm. Trụ cột này giúp ta mở rộng tâm từ bi, sống một cuộc đời ý nghĩa (Bàn tay giúp người)
Nhìn bề ngoài 3 trụ cột này có vẻ tồn tại độc lập nhưng thực chất luôn có sự nương tựa, hỗ trợ để cùng phát triển. Vậy mối quan hệ đó cần hòa hợp như thế nào? Áp dụng cho ai và làm như thế nào để xây dựng được?
Sự hòa hợp 3 yếu tố giáo dục - kinh doanh - thiện nguyện
Trong thế giới chúng ta đang sống không có một sự vật, hiện tượng, cá thể nào tồn tại riêng biệt. Tất cả đều có mối quan hệ qua lại, tương tức, tồn tại trong nhau. Cũng như vậy, 3 trụ cột giáo dục - kinh doanh - thiện nguyện trong hệ sinh thái 3 gốc không đứng độc lập, mà dựa trên mối quan hệ hòa hợp để tạo nên tổ chức - đội nhóm - cá nhân có cuộc sống hạnh phúc - hiệu quả - ý nghĩa.
Tác động của giáo dục đến kinh doanh và thiện nguyện
Giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu, là nền tảng để phát triển theo chiều sâu. Giáo dục tốt sẽ giúp kinh doanh tử tế và thiện nguyện đúng cách thông qua sự hiểu biết đúng đắn.
Giáo dục giúp kinh doanh tử tế: Kinh doanh muốn thành công thì cần có kiến thức, sự hiểu biết. Kinh doanh tử tế chỉ có thể khởi sinh nếu người kinh doanh hướng đến giá trị tốt đẹp theo chiều sâu. Một người làm nông nghiệp sạch sẽ vất vả hơn người nuôi trồng sử dụng phân bón, thuốc hóa học nhưng họ vẫn kiên trì làm bởi họ học được rằng sống trong đời sống cần dựa trên nền tảng của sự tử tế.
Giáo dục giúp thiện nguyện đúng cách: Thẳm sâu trong mỗi người luôn dung chứa tình thương, sự đồng cảm với đồng loại. Vậy nên mỗi khi gặp những cảnh đời bất hạnh chúng ta sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ. Nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, ta bỗng thấy có rất nhiều cách giúp người không hiệu quả, thậm chí là gây hại cho người và mang sự cấn tâm cho mình. Nhờ có giáo dục, ta hiểu rằng giúp người cần đúng người, đúng cách, đúng thời điểm; giúp làm sao để họ có sự chuyển hóa cả về thân lẫn tâm. Nếu không có nhận thức đúng đắn, ta khó làm được điều này.
Ví dụ: Viện Đào tạo Bách Khoa (BKE) là một tổ chức giáo dục 3 gốc, hướng tới sự phát triển con người theo chiều sâu. Nhưng để có thể vận hành lâu dài không thể thiếu nguồn lực về tài chính (Kinh doanh); một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu BKE, đó là phụng sự vô điều kiện (Thiện nguyện). Ba yếu tố này không chỉ thể hiện trong tổ chức mà còn bộc lộ trong từng cá nhân, thậm chí nhân bản ra bên ngoài cộng đồng. Nhờ đi theo 3 trụ cột này, BKE ngày càng phát triển bền vững, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người trên hành trình phát triển tâm thức.
Sự ảnh hưởng của kinh doanh đến giáo dục và thiện nguyện
Ai cũng phải đi làm, dù tu sĩ hay thầy tu cũng vẫn phải nuôi thân. Kinh doanh giúp chúng ta có vật chất, tài chính nuôi dưỡng hoạt động giáo dục và làm thiện nguyện. Kinh doanh là nhiên liệu, là nguồn lực lớn để giáo dục và thiện nguyện được thăng hoa.
Kinh doanh giúp giáo dục thăng hoa: Cái cây không thể phát triển tốt, không thể rủ xuống che bóng mát nếu không được hấp thụ dưỡng chất từ đất mẹ; Đa số chúng ta không thể chú tâm học tập nếu cuộc sống cứ quẩn quanh, chật vật với cơm áo gạo tiền, trách nhiệm với người thân, gia đình. Câu nói “có thực mới vực được đạo”, đặt bên ngoài dục vọng thì đó là nhu cầu đích thực. Suy cho cùng, thân có khỏe mới rèn được trí và dưỡng được tâm. Suy cho cùng, để có môi trường giáo dục tốt, ta không thể thiếu cơ sở vật chất, tài liệu học tập - những thứ này chỉ có kinh doanh mới đáp ứng được.
Kinh doanh là nhiên liệu của thiện nguyện: Cũng chẳng mấy ai có thể làm từ thiện lâu dài nếu chính cuộc sống của mình cũng còn quá bất ổn. Trước đây nhà văn Nam Cao đã từng nói “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa”. Có rất nhiều người muốn làm thiện nguyện nhưng do dự vì phải lo cho bố mẹ, thu nhập bấp bênh, công việc không ổn định…Nếu cuộc sống vật chất trong trạng thái đủ thì việc làm thiện nguyện sẽ dễ dàng hơn, nguồn lực về tài chính lớn cũng sẽ giúp đỡ cho nhiều người hơn.
Ví dụ: Ai cũng biết Vingroup là tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam đồng thời có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Để có thể đứng vững và tạo vị thế trên thương trường thì họ cần có kiến thức về quản trị, kinh doanh và họ làm điều này cực kỳ tốt thông qua việc chú trọng đào tạo nhân viên. Từ cấp lãnh đạo đến nhân viên của Vingroup phải là người học tập và chịu học mọi lúc mọi nơi. Về thiện nguyện, Vingroup không chỉ có quỹ Thiện Tâm (lớn nhất Việt Nam) mà còn xây dựng nhiều mảng gần như phi lợi nhuận (trường học, bệnh viện…). Tóm lại, để có được sự phát triển vượt trội, họ đã học tập thường xuyên và cho đi cộng đồng cũng vô cùng lớn.
Vai trò của thiện nguyện với giáo dục và kinh doanh
Nếu giáo dục giúp thiện nguyện đúng cách, kinh doanh giúp thiện nguyện có nguồn lực lớn thì thiện nguyện giúp kinh doanh có ý nghĩa và tạo nên giáo dục đích thực.
Thiện nguyện giúp kinh doanh có ý nghĩa: Có khi nào bạn tự hỏi, chúng ta kiếm thật nhiều tiền để làm gì? Chẳng lẽ chỉ để nuôi thân mình, chỉ để hưởng thụ, chỉ để thỏa mãn những thú vui trần thế này thôi sao? Rồi khi chết chúng ta cũng chẳng mang theo được gì.
Con người sinh ra, một bàn tay để giúp mình, một bàn tay để giúp đời. Ngoài mưu sinh, mỗi người biết lan tỏa, tạo phước, giúp đỡ người khác bằng những giá trị vật chất mình tạo ra sẽ khiến mục tiêu kinh doanh của mình không chỉ hữu ích với bản thân mà còn ý nghĩa với cộng đồng (Bạn có thể tham khảo và đóng góp thiện nguyện tại đây để giúp công việc kinh doanh của bạn có ý nghĩa link gnh.vn/ngaythienphap)
Thiện nguyện tạo nên giáo dục đích thực: Giáo dục nếu không mang lại sự chuyển hóa, không giúp con người trở nên đẹp hơn, vị tha, bao dung hơn thì đó là nền giáo dục sáo rỗng, lý thuyết suông. Khi một người tiếp cận nhận thức mới, bước ra cuộc đời với tâm thế cởi mở, biết nâng đỡ người khác, cho đi những gì mình có vô điều kiện - đó là minh chứng cho nền giáo dục đích thực. Chưa kể, khi dấn thân vào hành trình phụng sự, chúng ta cũng trưởng thành hơn nhờ những trải nghiệm mới của mình (Bạn có thể tham khảo các khóa học giáo dục miễn phí nhưng mang lại giá trị cho cồng động vô cùng lớn tại https://gnh.vn/langvhd)
Ví dụ: Dự án Trí Tuệ Việt Nam là một tổ chức giáo dục thiện nguyện do Cộng đồng Sống Tử Tế GNH và thầy Trần Việt Quân sáng lập và đồng hành. Để duy trì hoạt động thiện nguyện, khao khát chấn hưng nền tảng Đạo lý quốc gia bằng văn hóa đọc, mang sách tinh hoa đến mọi miền đất nước, Trí Tuệ Việt Nam đã làm như thế nào? Yếu tố tài vật (kinh doanh) thể hiện ở việc kêu gọi quyên góp trong ngày Thiện Pháp mùng 10 hàng tháng; yếu tố giáo dục thể hiện ở việc mỗi lần tổ chức chương trình thiện nguyện hay kêu gọi quyên góp, Trí Tuệ Việt Nam đều triển khai bằng phương pháp bánh mì kẹp giáo dục, các thành viên trong đội ngũ cùng cộng đồng đều không quên việc tự giáo dục chính mình mỗi ngày. Thiện nguyện của Trí Tuệ Việt Nam đúng cách bởi có trụ cột là giáo dục; thiện nguyện lớn mạnh do trụ cột kinh doanh mang lại.
Hạnh phúc - hiệu quả - ý nghĩa là 3 từ khóa mà 3 trụ cột Giáo dục - Kinh doanh - Thiện nguyện mang lại. Thực tế những tổ chức, đội nhóm, cá nhân phát triển mạnh đều dựa trên tương quan của 3 yếu tố này. Điều này thể hiện rõ từ những tổ chức tồn tại lâu đời như tăng đoàn của Đức Phật, tổ chức Hồi giáo hay những tập đoàn mới như Google, Vingroups…
Vậy nên, dù bạn là ai, tổ chức nào, bạn đi theo dòng chảy của giáo dục, kinh doanh hay thiện nguyện thì cũng cần bao hàm 2 xu hướng còn lại. Bạn muốn làm thiện nguyện thì cũng cần tài chính (ít nhất để duy trì vận hành), cần giáo dục mới làm đúng được. Bạn thích kinh doanh thì cũng cần giáo dục (để hiểu biết đúng), cần cho đi (thì mới thấy ý nghĩa). Bạn mê giáo dục cũng tương tự như vậy. Vậy làm thế nào để xây dựng được mô hình 3 trụ cột rất quan trọng này?
Xây dựng mô hình 3 trụ cột như thế nào?
Con người 3 gốc chính là tế bào của hệ sinh thái 3 gốc. Vì vậy mô hình này không chỉ áp dụng cho tổ chức, đội nhóm mà rất cần đưa vào áp dụng cho từng cá nhân. Suy cho cùng, ai cũng cần Nuôi thân (kinh doanh) - Nuôi tâm (thiện nguyện) - Rèn trí (giáo dục) để được chuyển hóa thông qua học - hiểu - hành và sống một cuộc đời hạnh phúc, ý nghĩa.
Vì vậy dù là thời điểm nào, dù đi theo trụ cột nào, ta cũng cần cân bằng 3 yếu tố.
Nếu bạn là người đang phát triển bản thân và ưu tiên giáo dục thì để có sự cân bằng giữa 3 trụ cột, bạn cần: Áp dụng những điều đã học vào hành trình mưu sinh để cuộc sống không nhàm chán, kinh doanh có hiệu quả và hướng đến sự tử tế; chia sẻ và lan tỏa những điều mình đã học đến với mọi người, để ai ai cũng có nhận thức đúng và tự tìm được hạnh phúc tự thân.
Nếu bạn đam mê kinh doanh thì làm như thế nào? Bằng lợi nhuận mình thu được, hãy sẻ chia phần nào đó với những người không may mắn. Cuộc sống nếu chỉ thu về mà không chìa ra thì chẳng khác nào biển chết, chúng ta không thể tồn tại độc lập mà không cần mối quan hệ. Bên cạnh đó cũng cần phát triển bản thân, vì nếu chỉ làm và làm thôi thì sẽ nhanh chán , nếu chỉ mưu sinh và mưu sinh thôi thì dễ đánh mất giá trị bên trong, dễ rơi vào tình cảnh “người giàu cũng khóc”.
Nếu thiện nguyện là một cuộc đời ý nghĩa với bạn, điều đó thật tuyệt vời. Tuy nhiên bạn cũng cần những nhu cầu thiết yếu, vì vậy không thể quên việc tạo ra giá trị vật chất nuôi thân mình. Mình giúp người thì trước tiên cũng phải tự giúp mình, tự lo được cho mình. Thiện nguyện lâu bền cũng không thể chỉ dựa vào vật chất, mà cần không ngừng phát triển bản thân để trao đi những giá trị, giúp hàm dưỡng tâm hồn cho nhiều người.
Sống cống hiến thật đẹp nhưng nếu lý tưởng hóa rằng cuộc sống chỉ để cho đi, không sớm thì muộn ta cũng bị đứt gãy. Cũng như vậy, ta khó phát triển bản thân, lan tỏa điều tử tế nếu sức khỏe thân kiệt quệ, mục đích học không giúp ích cho đời. Và nếu chỉ mưu sinh, thiếu nỗ lực phát triển mỗi ngày, không cho đi thì dù sống có hiệu quả nhưng chưa chắc đã hạnh phúc bởi sự xấu ác luôn bủa vây. Vì vậy ở cương vị nào ta cũng cần xây cho 3 chân kiềng để đứng vững trong mọi hoàn cảnh.
Lời kết
Mô hình 3 trụ cột Giáo dục - Kinh doanh - Thiện nguyện đã được Đài Loan ứng dụng và rất thành công. Cộng đồng Sống Tử Tế cũng từng bước đặt những viên gạch để mỗi ngày một vững bước trên con đường làm giáo dục chuyển hóa 3 gốc.
Mong rằng, mỗi chúng ta - những độc giả vẫn đang rèn luyện bản thân theo chiều sâu cũng sẽ áp dụng và nhân bản 3 chân kiềng trụ cột này để mỗi ngày sống trên thế gian là một ngày hạnh phúc - hiệu quả - ý nghĩa.
Nội dung: Nhàn Lý - Học viên Content 3 gốc khóa 1
Biên tập: Liên Thanh - Admin lớp Content 3 gốc & Viết hiểu mình
Hình ảnh: Trung Căn Bản
Bài viết thật sâu sắc ạ. Giống như kiềng phải có 3 chân, cá nhân hay tổ chức nào cũng đều cần xây dựng cho mình 3 trụ cột bền vững để phát triển