top of page

Kết quả tìm kiếm

191 items found for ""

  • Lợi ích đọc sách dưới góc nhìn 4 vòng tròn đào tạo

    Bạn đam mê đọc sách, tin vào lợi ích của việc đọc, nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó? Thành công ư, có rồi. Hạnh phúc ư, cũng có thể chạm tới. Nhưng sao vẫn chưa đủ đầy, vẫn chưa trọn vẹn? Có lẽ, bạn chưa khám phá hết tiềm năng của việc đọc, chưa bao quát hết những lợi ích mà nó mang lại. Chúng ta thường mắc kẹt trong một vài lợi ích ở bề nổi mà bỏ quên chiều sâu tận cùng của việc đọc. Ví dụ thu thập kiến thức mà quên áp dụng thực tế, đọc giải trí mà bỏ qua giá trị ẩn chứa bên trong… Vậy làm thế nào để khám phá chiều sâu ấy? Có một cách để bạn nhìn thấy lợi ích đọc sách toàn diện và có chiều sâu, đó là soi chiếu dưới góc nhìn 4 vòng tròn đào tạo. Từ đây bạn sẽ thấy rằng sách thực là sự cảnh cửa đi đến một cuộc đời trọn vẹn, nơi thành công - hạnh phúc - tự do song hành. Mục lục Đọc sách giúp kiến thức đầy tâm trí Đọc sách để kỹ năng không ngừng tăng trưởng Đọc sách giúp hiểu mình tới tận cùng Đọc sách để hình thành nhân cách sống Hãy tận dụng lợi ích từ đọc sách Hình 1: Đọc sách giúp chúng ta phát triển bản thân theo chiều sâu *** 4 vòng tròn đào tạo là khái niệm được thầy Trần Việt Quân chia sẻ với trăn trở làm sao để đưa giáo dục Việt Nam đi vào chiều sâu. 4 vòng tròn này bao gồm: Vòng tròn 1: Nhân cách cốt lõi (Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực) Vòng tròn 2: Hiểu mình (Xu hướng tính cách, đam mê, sở trường…) Vòng tròn 3: Kỹ năng (Phục vụ nghề nghiệp) Vòng tròn 4: Thông tin, kiến thức =>> Bạn có thể đọc thêm tại: https://www.3goc.vn/post/4-vong-tron-dao-tao Ai cũng biết rằng đọc sách có nhiều lợi ích. Vô số thông tin, bài báo đã liệt kê 5, 10, thậm chí 15 lợi ích khác nhau. Nhưng dường như, chúng chỉ xoay quanh việc đề cao kiến thức (vòng tròn số 4) và kỹ năng (vòng tròn số 3). Thi thoảng cũng có nhắc đến lợi ích về vun bồi đam mê (vòng tròn số 2) và việc hình thành nhân cách (vòng tròn số 1) nhưng khá ít và chưa rõ rệt. Có phải sự thiếu toàn diện này khiến bạn bối rối, không biết cách khai thác tối đa lợi ích của việc đọc? Nó cũng khiến bạn muốn chia sẻ với người khác, nhưng lại khó diễn đạt trọn vẹn giá trị của hành trình khám phá tri thức qua từng trang sách? Hình 2: Đâu là giá trị cốt lõi mà sách mang lại? Không dài dòng nữa, sau đây sẽ là 4 lợi ích tổng quan và cốt lõi của việc đọc sách dưới góc nhìn 4 vòng tròn đạo tạo để bạn đọc sách có chiều sâu và đúng cách: Đọc sách giúp kiến thức đầy tâm trí Kiến thức, thông tin có lẽ là lợi ích dễ nhận thấy nhất khi nhắc đến sách. Suốt 12 năm học, thậm chí là những năm tháng đại học, cao đẳng, chúng ta thường chủ yếu tiếp cận lợi ích này. Từ sách ta có nền tảng kiến thức cơ bản về về toán, lý, hóa, lịch sử, địa lý, văn học… Sau nay bước ra cuộc sống, ta tiếp tục với những kiến thức chuyên ngành phục vụ công việc: kế toán, sư phạm, marketing, luật... Rồi khi lập gia đình, chúng ta lại tìm đến sách để học hỏi về cách nuôi dạy con cái, hôn nhân, dinh dưỡng… Sách với muôn vàn kiến thức phong phú, đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu trên mỗi bước đường đời. Bởi nó giúp ta mở ra một chân trời, giúp ta khám phá mọi lĩnh vực để: Nhờ kiến thức từ sách, ta có thể du hành vượt thời gian: Chúng ta không thể quay ngược quá khứ để tận mắt chứng kiến thời đại cổ xưa, sống lại thời Ai Cập cổ đại, thời Napoleon huy hoàng. Nhưng nhờ có sách, những ghi chép của nhân loại từ thuở sơ khai, ta có thể hiểu biết về thế giới từ cổ chí kim. Từ những hình vẽ trong hang động, những tấm bia đất sét đến sách điện tử hiện đại, lịch sử và tri thức của nhân loại được truyền tải đến muôn đời. Nhờ kiến thức từ sách, ta dễ dàng bắt nhịp cùng thời đại: Chẳng hạn trong thời đại 4.0 với sự phát triển vũ bão của công nghệ, việc cập nhật kiến thức về AI, blockchain,... là vô cùng cần thiết. Sách là một phương tiện quan trọng giúp ta hiểu và thích nghi với những thay đổi của thế giới, tránh khỏi cảm giác lạc lõng, tụt hậu. Nhờ đó, ta có thể giải quyết vấn đề của mình một cách hiệu quả. Hình 3: “Sách là trong mình sứ mệnh đưa độc giả đi khắp du lịch muôn nơi mà không cần di chuyển một bước.” – Jumpa Lahiri Vậy, làm thế nào để khai thác tối đa lợi ích của việc đọc sách trong việc mở mang thông tin, kiến thức? Đó là hãy đồng thời đọc rộng và đọc sâu. Hãy khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau để có cái nhìn đa chiều về cuộc sống, song song đó là tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của bạn, cập nhật những kiến thức và phát triển mới nhất. Khi sở hữu lượng kiến thức rộng lớn và chuyên sâu, chúng ta sẽ tự tin thích nghi và dễ dàng nắm bắt cơ hội trong cuộc sống. Đây chính là cách để SỐNG ỔN giữa thế giới không ngừng đổi thay và biến động. Đọc sách giúp kỹ năng không ngừng tăng trưởng Có kiến thức nhiều thì bạn sẽ dễ dàng hình thành các kỹ năng. Chẳng hạn, bạn đọc nhiều sách về viết lách và ứng dụng vào thực tế, từ đó bạn hình thành các kỹ năng viết. Bạn đọc sách về thuyết trình và thực hành nó, bạn sẽ có kỹ năng thuyết trình. Tương tự với các kỹ năng khác như tư duy, đàm phán, thiết kế cũng vậy. Tóm lại, sách sẽ mở ra cho bạn 2 con đường để có được kỹ năng (sự lành nghề): Con đường thứ nhất đó là, thông qua việc đọc sách, chúng ta có thêm các kỹ năng qua việc học hỏi trực tiếp từ cách tác giả trình bày, chia sẻ hoặc qua hành động, lời nói của các nhân vật. Tức là thông qua sách, ta gián tiếp học được các kỹ năng cần thiết. Ví dụ, đọc "Cuộc sống nhìn qua ô cửa thiền", bạn không chỉ tiếp thu những điều sâu sắc về thiền định mà còn học được cách sử dụng ngôn ngữ đầy chất thơ, phong cách viết cổ kính của tác giả. Hay khi đọc "Hiểu về trái tim", bạn có thể học cách áp dụng bố cục Tứ Diệu Đế khi thuyết trình hoặc áp dụng nó khi lên bố cục cho bài viết. Hình 4: Sách giúp bạn có những kỹ năng để bứt phá và thành công trong sự nghiệp Hoặc trong cuốn “Totto Chan bên cửa sổ” hiệu trưởng Kobayashi Sosaku với kỹ năng sư phạm từ tâm giúp bạn học được cách lắng nghe và thấu hiểu học trò. Xa hơn nữa là thấu hiểu người thân, thậm chí là tất cả những người xung quanh mình. Bên cạnh đó, quá trình đọc sách còn giúp bạn nâng cao vốn từ vựng, mở mang kiến thức về ngữ pháp, hình thành lối hành văn riêng và hạn chế lỗi chính tả. Đây là yếu tố quan trọng không chỉ trong kỹ năng viết mà còn là kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, đàm phán, soạn thảo văn bản, thậm chí là sáng tạo. Con đường thứ 2 mà sách giúp ta nâng tầm kỹ năng một cách trực tiếp đó là nội dung những cuốn sách chuyên sâu về lĩnh vực kỹ năng mà mình muốn phát triển. Ví dụ: Những cuốn sách về kỹ thuật viết, phong cách viết, hoặc những tác phẩm văn học kinh điển sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng viết lách. Những cuốn sách về nguyên lý thiết kế, tư duy thiết kế, phần mềm thiết kế... sẽ là người bạn đồng hành lý tưởng giúp bạn trở thành nhà thiết kế tài ba. Những cuốn sách về nghệ thuật giao tiếp, ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng thuyết trình...sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp. Tương tự, có vô số sách về lãnh đạo, quản lý, phân tích tài chính... cung cấp những kiến thức, phương pháp quan trọng để bạn phát triển và thành công trong công việc, thăng tiến trong sự nghiệp. Hình 5: Không có điều gì kì lạ khi những doanh nhân giàu có nhất trên thế giới vẫn sống cuộc đời của một mọt sách Tóm lại, sách là một phương tiện để chúng ta có sự lành nghề nhờ học hỏi các kỹ năng. Chính vì vậy những người thành công, đặc biệt là các tỷ phú luôn coi sách là vật bất ly thân. Bill Gates, người sáng lập Microsoft và một trong những người giàu nhất thế giới, nổi tiếng với niềm đam mê đọc sách và luôn dành thời gian để học hỏi từ những trang sách. Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, đặt mục tiêu mỗi tuần đọc một cuốn sách để liên tục cập nhật kiến thức và mở mang tư duy. Elon Musk, nhà doanh nhân, nhà phát minh nổi tiếng, cũng đề cao vai trò của sách trong việc mở rộng kiến thức và phát triển khả năng sáng tạo. Vậy nên, sách không chỉ giúp ta SỐNG ỔN giữa thời cuộc, sách còn giúp ta THÀNH CÔNG trong cuộc sống. Đọc sách giúp hiểu mình tới tận cùng Đọc sách giống như việc soi gương, có thể giúp mình nhìn rõ từng nét tính cách, tìm thấy đam mê, sở trường để từ đó biết cách chấp nhận mình, sửa mình, sống hài hòa và thăng hoa trong cuộc sống. Hình 6: Đọc sách để một cách để kết nối với chính mình Cũng giống như kỹ năng, sách mở ra 2 con đường để mỗi chúng ta thấu hiểu bản thân: Con đường thứ 1, những cuốn sách với mục đích viết ra giúp bạn đọc vị chính mình: như sách tâm lý, thần số học, DISC.. Thần số học với sự huyền bí của những con số, hé lộ tiềm năng, tính cách và sứ mệnh cuộc đời dựa trên ngày sinh. Qua những phân tích về con số chủ đạo, con số đường đời, con số linh hồn, bạn sẽ nhận ra những thế mạnh, điểm yếu và bài học cần vượt qua. DISC tiếp cận con người qua bốn nhóm tính cách: D - Quyết đoán, I - Tương tác, S - Kiên định và C - Cẩn trọng. Mô hình DISC giúp bạn nhận ra phong cách giao tiếp, cách ứng xử và động lực thúc đẩy bản thân. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh hành vi, cải thiện các mối quan hệ và nâng cao hiệu quả công việc. Tâm lý học, với những nghiên cứu về tâm trí và hành vi con người, soi sáng những góc khuất trong suy nghĩ và cảm xúc của bạn. …. Con đường thứ 2 là thông qua diễn giải của tác giả, qua diễn biến tâm lí nhân vật, bạn nhìn thấy lộ trình tâm, đánh thức khao khát và ước mơ của mình. Thông qua những trải nghiệm của tác giả và nhân vật, bạn soi chiếu vào trải nghiệm đã qua để tìm thấy chính mình. Có những cuốn sách giúp mình nhìn ra lộ trình cảm xúc, hiểu những hỉ nộ ái ố, hiểu cơn sóng cảm xúc lúc âm lúc dương…Khi thấu hiểu những cung bậc cảm xúc đó, ta biết cách chấp nhận và yêu thương, làm chủ chính mình. Có những cuốn sách giúp mình khám phá tiềm bên trọng, khơi dậy những khía cạnh tiềm ẩn, tự tin vào khả năng để phát huy tối đa năng lực của mình. Có những cuốn sách đưa ra góc nhìn đa chiều và phản biện để mình mở rộng cách nhìn về bản thân và cuộc sống, tự vun đắp cho mình những nhận thức đúng đắn. Hình 7: Sách không chỉ giúp ta hiểu thêm về thế giới, mà còn giúp ta hiểu rõ hơn về chính mình. Hiểu mình để sửa mình, hiểu mình để tìm thấy ước mơ, xác định đúng sở trường giúp bạn có định hướng và mục tiêu, sống trọn vẹn với giá trị của bản thân, cảm nhận hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống. Chẳng hạn khi bạn đọc cuốn “Cội nguồn trí tuệ cảm xúc” của thầy Trần Việt Quân bạn không chỉ hiểu những cơn sóng cảm xúc trong mình, bạn còn nhận diện được đâu là cảm xúc 3 độc đâu là cảm xúc 3 gốc. Bạn cũng có cơ hội tiếp cận xu hướng tính cách DISC để hiểu mình thông qua những biểu hiện bên ngoài và bên trong. Tựu trung, hành trình khám phá bản thân không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng với sự trợ giúp của những cuốn sách, bạn sẽ có thêm công cụ và kiến thức để hiểu mình, chấp nhận mình, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Vì vậy, không thể không nói rằng, sách không chỉ giúp ta SỐNG ỔN giữa thời cuộc, THÀNH CÔNG trong cuộc sống mà còn mang lại cho ta HẠNH PHÚC. Đọc sách để hình thành nhân cách sống Theo Tô Đông Pha, đọc sách có thể thay đổi tính tình một người mặc dù tính cách con người là điều rất khó thay đổi. Có rất nhiều người đọc sách chỉ để giải trí, để giết thời gian, để thỏa sự tò mò nhưng rồi chợt nhận thấy nó giúp mình trưởng thành và có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, về nhân sinh quan, thế giới quan. Cũng có người ngay từ ban đầu đã xác định đọc sách để giúp tăng trưởng 3 gốc: Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực. Hình 8: Nếu không có ai dạy bạn trưởng thành, hãy tìm đến sách Vậy đọc sách giúp tăng trưởng 3 gốc như thế nào? Đạo đức Từ sách, ta hiểu sâu hơn về giá trị cốt lõi của đạo đức như vị tha lớn hơn vị kỷ hay mỗi người cần hướng tới rèn luyện từ bi hỷ xả . Khi đọc sách bạn sẽ có cơ hội rèn luyện tâm tính. Qua những câu chuyện, những lời dạy của các bậc hiền triết, ta học cách buông bỏ sân hận, tham lam, si mê, nuôi dưỡng lòng vị tha, sự cảm thông và tình yêu thương. Chẳng hạn, cuốn "Giận" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp ta nhận diện và chuyển hóa cơn giận, hướng đến sự an nhiên trong tâm hồn. Đọc “Muôn kiếp nhân sinh” của Nguyên Phong, mỗi người hiểu hơn về luân hồi, nhân quả, từ đó sống thiện lương và tử tế hơn. Hình 9: “Nhân quả là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về thiện lương” (Muôn kiếp nhân sinh - Nguyên Phong) Trí tuệ Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua. Nhờ sách, ta có thể rèn luyện tư duy, nhìn nhận vấn đề đa chiều và thấu hiểu quy luật cuộc sống. Qua từng trang sách, ta học cách sống chậm lại, quan sát và suy ngẫm về nhân quả, những điều diễn ra xung quanh, từ đó có tư duy đúng đắn, phán đoán sáng suốt và hành động phù hợp. Ví dụ: Cuốn "Góc nhìn AQ" của thầy Trần Việt Quân, với lối phân tích sắc bén và góc nhìn đa chiều, giúp ta rèn luyện tư duy phản biện, không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những định kiến hay suy nghĩ phiến diện. Bộ sách của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần giúp ta rèn luyện tư duy sáng suốt: óc sáng suốt, một nghệ thuật sống, cái cười của thánh nhân, cái dũng của thánh nhân… Hình 10: Người càng thông thái, càng đọc nhiều, và những người thông thái nhất là những người đọc nhiều nhất. Nghị lực Đọc sách nhiều, nhất là sách tinh hoa, ta trở nên điềm tĩnh, kiên nhẫn, vững chãi và an nhiên hơn. Chẳng hạn khi đọc những tự truyện của người đã vượt qua nghịch cảnh, câu chuyện về lòng dũng cảm, sự kiên cường trước thử thách, bạn học được cách đối mặt với khó khăn, giữ vững tâm thế trước sóng gió cuộc đời. Hoặc đọc sách về thiền định sẽ giúp bạn có được sự điềm tĩnh. Những tác phẩm kinh điển với dung lượng dài hoặc những cuốn sách đạo lý có chiều sâu đòi hỏi người đọc cần có sự kiên trì và bền bỉ. Quá trình đọc những cuốn sách này là một cách để vun bồi sự kham nhẫn đến cùng “Đọc sách chính là cách tốn ít chi phí nhất để thay đổi vận mệnh” mà để thay đổi vận mệnh đó chính là mỗi người cần vun bồi 3 gốc, hình thành nhân cách sống 3 gốc. Vì vậy sách không chỉ đơn giản là giúp ta mưu sinh, giúp ta thành công mà còn giúp ta đạt tới sự tự do và hạnh phúc (Nhất là sách tinh hoa và sách đạo lý). Hình 11:Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc. (Harvey MacKay) Khi con người thay đổi nhận thức, tư duy đúng đắn sẽ hoát khỏi sự ràng buộc của định kiến và những thói quen để được tự do là chính mình nhưng vẫn hướng tới điều tử tế và giá trị. Tóm lại, sách không chỉ giúp ta SỐNG ỔN giữa thời cuộc, THÀNH CÔNG trong công việc, HẠNH PHÚC trong cuộc sống mà còn giúp ta tìm thấy TỰ DO đích thực. —------------ Thông qua việc phân tích lợi ích của sách dưới góc nhìn 4 vòng tròn đào tạo, ta thấy sách chính là một chiếc chìa khóa để mỗi người phát triển toàn diện theo chiều sâu. Nhờ sách, ta có thể tự viết lên cuốn sách cuộc đời mình. Nhờ sách mà ta có cơ hội tìm về quá khứ, hướng tới tương lai và sống trọn vẹn trong hiện tại. Vì vậy hãy bắt đầu đọc sách ngay hôm nay. Lựa chọn cho mình những cuốn sách không chỉ làm đầy kiến thức, làm dày kỹ năng mà còn giúp hiểu mình và hình thành nhân cách sống. Chẳng hạn khi đọc cuốn “Việt sử kiêu hùng” (Thầy Trần Việt Quân chủ biên), có thể giúp độc giả làm đầy 4 vòng tròn đào tạo: Kiến thức: Thông tin về các triều đại nhà Ngô - Đinh - Tiền Lê, nhà Lý Kỹ năng: Thuyết trình lịch sử, kỹ năng viết, kể chuyện… Hiểu mình: Thông qua câu chuyện về sự thăng trầm của các triều đại, mỗi người nhận ra quy luật trong tâm của mình (Trong khó khăn thì ý thức vươn lên mạnh mẽ, trong thuận lợi thì dễ sinh hưởng thụ) Hình thành nhân cách sống 3 gốc: Triều đại nào hưng thịnh đều hội tụ những nhân vật có phẩm chất 3 gốc, triều đại nào suy vọng đều là do 3 độc chi phối. Đây chính là bài học về quy luật cuộc sống, về nhân quả để mỗi người suy ngẫm lựa chọn giá trị cốt lõi cho mình. Hình 12: Việt sử kiêu hùng - cuốn sách giúp độc giả có thêm kiến thức, kỹ năng, hiểu mình và hình thành nhân cách sống Hãy tận dụng lợi ích từ đọc sách Đó cũng là lời nhắn gửi từ 3goc.vn tới bạn - những độc giả vẫn luôn âm thầm ủng hộ chúng mình. Ai đó từng nói rằng: Những năm tháng tuổi trẻ, bằng cấp chính là thứ để chúng ta bước vào xã hội nhưng khi trưởng thành rồi, ta nhận ra, đọc sách mới là thứ quyết định tầm nhìn. Nếu bạn không có điều kiện để tầm sư học đạo một người thầy giỏi thì hãy tìm cho mình những cuốn sách tinh hoa, bởi những cuốn sách ấy sẽ mang lại cho bạn rất nhiều điều vô giá. Cuối cùng, hãy chia sẻ cùng mọi người cuốn sách bạn tâm đắc, cuốn sách giúp bạn thay đổi cuộc đời bằng cách comment phía dưới để nhiều người được cộng hưởng lợi ích của sách từ bạn nhé! *** Nội dung: Nhàn Lý Hình ảnh:

  • Bố - tình yêu thương chẳng thể nói thành lời

    MỤC LỤC: 1.Tuổi thơ vắng bố 2.Bố có thật sự yêu thương gia đình? 3.Người chắp cánh ước mơ con bay xa *** "Bố - trong ký ức tuổi thơ của tôi là hình ảnh những lần ít ỏi về thăm nhà rồi lại rời đi. Tuổi thơ của tôi được ở bên mẹ nhiều hơn, mẹ tần tảo nuôi chị em chúng tôi bằng tình yêu thương trong sự vất vả. Mặc dù tuổi thơ vắng bố, nhưng khi trưởng thành tôi được bù đắp bằng sự đồng hành của bố trong những bước đường tương lai. Tôi chẳng thể nào quên hình ảnh hai bố đèo tôi gần 50km từ quê lên thành phố nhập học, rồi lại một mình từ thành phố về nhà ngay sau đó. Ngày ấy, Hà Nội là một ngày tháng 7 trời nắng nóng, bố gồng mình trên chiếc xe Dream cũ kỹ, vượt dòng xe đông đúc của phố thị để che chở cho tôi. Đến khi viết lại những dòng chia sẻ này, tôi mới hiểu được tình yêu thương của bố không thể hiện bằng lời, mà qua hành động." 3goc.vn mời bạn lắng tâm cùng đọc chia sẻ "Tình yêu thương của bố" của chị Bình Hoàng dưới dây nhé! Tuổi thơ vắng bố Tuổi thơ của tôi gắn liền với căn nhà tập thể cũ trong cơ quan của mẹ. Căn phòng nhỏ thật nóng vào mùa hè và cũng không đủ ấm áp cho mùa đông. Từ khi tôi còn nhỏ xíu, bố đã đi làm xa tận thành phố, một năm bố chỉ về nhà một vài lần mang theo chút quà bánh cho chúng tôi, như một vị khách thỉnh thoảng ghé thăm. Cũng bởi vậy mà hình ảnh trong ký ức tuổi thơ của tôi chỉ có mẹ. Thuở ấy, tôi chỉ biết thương yêu mẹ nhất vì mẹ đã vất vả để nuôi dạy chị em tôi. Còn bố thì dường như tròn trĩnh là con số 0. Bởi bố tôi không phải người giỏi kiếm tiền, cũng chẳng học cao và cũng không phải người tình cảm khi chẳng bao giờ nói lời ngọt ngào hay tặng mẹ hoa quà vào những dịp đặc biệt; cũng chẳng khi nào ôm ấp, thể hiện tình yêu thương với chị em tôi. Chính vì thế mà trong tôi mờ nhạt tình cảm với bố cũng phải lẽ. Nhìn bố tôi, nhìn bố của những người bạn xung quanh, tôi đã từng mơ ước có một người bố thành đạt, giỏi giang, kiếm được nhiều tiền, biết quan tâm và sống tình cảm hơn. Tôi tự hỏi bố có thực sự yêu thương gia đình không? Khi lên cấp 2 bố tôi chuyển công tác về cùng cơ quan với mẹ. Ngôi nhà nhỏ lúc này có nhiều giông bão hơn khi những tranh luận, bất hòa của bố và con gái nảy sinh. Ở cái tuổi dậy thì, đây là lứa tuổi mà bản thân tôi luôn muốn được thể hiện bản thân; chính vì thế mà tôi trở nên hay cáu gắt hơn, hay cãi mẹ và dĩ nhiên là cả bố. Thậm chí, có nhiều khi tôi còn nặng lời với bố nhất là khi sáng sớm bị bố gọi dậy đi học, hay bị bố la mắng vì làm điều gì sai. Sau những lần ấy, tôi sẽ giận bố rồi im lặng không nói tiếng nào. Cứ như thể giữa tôi mà bố là hai ngọn lửa luôn chực chờ để bùng cháy mỗi khi đưa ra quan điểm. Mẹ bảo, tôi với bố ý như tính nhau nên là chẳng hợp nhau tẹo nào. Mặc dù vậy, dù tôi có giận, có hờn, có không nói chuyện với bố nhưng ngày nào cũng vậy, bố vẫn dậy thật sớm nấu cho chị em tôi ăn trước khi đi học. Món ăn bố làm nhiều nhất là cơm rang, cơm từ gạo khang dân (loại gạo vừa khô, vừa cứng), đây là cơm nguội của bữa tối hôm trước được bố rang với mỡ lợn và hành khô phi thơm. Cho nên khi ăn phải nhai thật lâu mới nuốt được, nhưng chị em tôi vẫn ăn ngon lành. Cho đến tận bây giờ đối với tôi đó vẫn là món cơm rang ngon nhất mà tôi được ăn, nó không chỉ là một món ăn sáng đơn thuần, nó chứa cả tình yêu thương thầm lặng của bố dành cho tôi. Chúng tôi ngày càng lớn, lương của bố mẹ không được tăng như tốc độ lớn của hai chị em tôi. Nên để kiếm thêm thu nhập cho gia đình bố mẹ đã bàn nhau bán thêm mì gói để tăng thu nhập cho gia đình. Và thế là cứ mỗi chiều đi làm cơ quan về bố lại chở những thùng mì lớn (loại 100 gói 1 thùng) đi giao cho người ta. Chiếc xe nhỏ chằng theo 4-5 thùng mì cao ngất nhìn từ phía sau chẳng thấy bố, vẫn đều đặn hàng ngày sau giờ tan ca. Mùa hè miền bắc dù 5-6h chiều nhưng trời vẫn nắng nóng, oi bức, mặt bố đỏ bừng bừng, áo ướt đẫm mồ hôi. Mỗi khi trở về nhà trông bố thật mệt mỏi nhưng chẳng bao giờ quên mua kem cho chúng tôi mỗi khi được người ta trả tiền hàng. Dường như ông trời vô tình với sự chịu thương, chịu khó của bố mẹ tôi, khi người ta lấy hàng nhưng nợ tiền, nợ lâu, nợ không đòi được. Kinh tế gia đình trở nên khó khăn khi bố mẹ chẳng đủ vốn xoay vòng. Không lâu sau đó, bố lại làm mất một khoản tiền lớn, bởi thế niềm tin trong lòng mẹ với bố mất đi, mẹ thất vọng về bố bao nhiêu thì không khí gia đình ngột ngạt bấy nhiêu. Tuy còn nhỏ, nhưng mẹ cũng có chia sẻ với tôi về những sai lầm của bố, với đứa trẻ suy nghĩ chưa sâu sắc tôi cũng cảm thấy thật thất vọng về bố. Có lần tôi đã viết trong cuốn nhật ký: “Tại sao bố lại làm như thế, tôi ghét bố” Sau này tôi mới biết bố đã đọc được những dòng đó. Chắc hẳn lúc đó bố buồn lắm. Tôi cảm thấy hối hận vô cùng vì đã làm tổn thương bố. Người chắp cánh ước mơ con bay xa Lúc tôi học cấp 3 cũng là lúc nhà tôi xảy ra nhiều chuyện buồn khiến mẹ suy sụp đến ốm nặng cả tháng trời. Mọi gánh nặng lúc này dồn lên vai một người đàn ông duy nhất trong gia đình, bố vừa đi làm cơ quan, vừa chăm sóc mẹ, chăm sóc cả chị em tôi. Một ngày của bố bắt đầu từ sáng sớm dậy nấu đồ ăn sáng cho chị em tôi, cho mẹ tôi và chuẩn bị đi làm. Đến trưa lại tất tả về nấu cơm cho mẹ, cho hai chị em đi học về muộn. Bố thậm chí còn giành cả việc giặt quần áo với tôi vì thương con gái vất vả phải giặt chậu quần áo to giữa trời mùa đông lạnh cóng, bố bảo: “Để bố làm, con tập trung học đi”. Bố giành làm hết mọi việc chỉ để chị em tôi có thời gian học tập, là bố lo cho tương lai của hai chị em tôi. Ngày tôi đi thi đại học, ngày tôi nhập học lúc nào cũng là hình ảnh của bố bên cạnh, chiếc xe Dream cũ kỹ bố chở tôi vượt quãng đường hơn 50km từ nhà đến thành phố và trở về luôn trong ngày. Trời Hà Nội những ngày nắng tháng 6, tháng 7 trên chiếc xe dream cũ kỹ có hai bố con hòa mình vào dòng người đông đúc của phố thị, vượt nắng, vượt nắng, vượt tắc đường mang theo tình thương yêu vô bờ của bố chở ước mơ và hoài bão của tôi tới giảng đường đại học. Tôi xa nhà lên Hà Nội học, mang theo ước mơ, kỳ vọng của bố mẹ và cũng mang theo sự lo lắng của bố mẹ khi đứa con gái chưa bao giờ sống xa nhà lần đầu sống một mình giữa thành phố xa lạ. Bố lúc nào cũng lo con gái xa nhà sống khổ, không có tiền tiêu, lần nào trước lúc đi bố cũng hỏi “Có tiền tiêu không con, bố đưa tiền cho”. Ngay cả khi tôi ra trường, đi làm bố vẫn nói câu ấy. Với bố, lúc nào tôi cũng giống như cô con gái nhỏ ngày nào lúp sau lưng bố, được bố che chở. Mỗi lần nghe được tin tôi ốm nặng hay khi tôi gặp chuyện là bố lại tất tả từ quê xuống thăm tôi, dù là mùa đông lạnh giá hay mùa hè oi ả, bố chẳng ngại xa xôi xuống thăm tôi như muốn an ủi "Có bố đây rồi”. Chẳng biết tự khi nào, với tôi bố là người đàn ông tuyệt vời nhất, tôi yêu bố chẳng kém tình yêu với mẹ. Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Bố tôi - đã dùng trái tim, tình yêu thương của người cha để cảm hóa cái sự ương ngạnh, bướng bỉnh, gắt gỏng của một đứa con gái như tôi. Bố tôi - người chẳng bao giờ nói lời yêu thương, ngọt ngào với mẹ tôi, với chúng tôi nhưng lại có một tình yêu thương vô bờ với gia đình. Bố tôi - người chẳng giỏi giang, chẳng kiếm được nhiều tiền, chẳng tài cao học rộng nhưng lại có một trái tim thiện lành và chẳng bao giờ ngại ngần khi giúp đỡ mọi người. Bố tôi - Người luôn đợi tôi ở bến xe mỗi khi tôi trở về và cũng là người luôn tiễn tôi ở bến xe, chờ tôi lên xe mới yên tâm ra về. Tình yêu thương của bố tôi lạ lắm. Bố chẳng bao giờ nói yêu thương tôi, nhưng luôn âm thầm dõi theo những bước đường tương lai của tôi, luôn là người đàn ông phía sau che chở, động viên và mang tới những điều tốt đẹp nhất cho tôi, để mỗi khi mệt mỏi tôi nghe được câu “Bố đợi con ở bến xe rồi”. Khi trưởng thành hơn, đủ suy nghĩ hơn tôi mới cảm nhận được điều này. Tình yêu thương của bố dành cho gia đình, cho chúng tôi từ trước đến giờ chưa bao giờ thay đổi. Chỉ là do tôi - một trái tim non nớt chưa đủ để hiểu. Nhưng giờ đây, tôi đã thực sự cảm nhận được tình yêu thương đó, mỗi một năm trôi đi tóc bố thêm bạc, tôi lại càng thêm yêu thương và trân trọng hơn những khoảnh khắc được ở bên ông. Bố ơi, con thương bố nhiều lắm! Bạn nghĩ sao về câu chuyện của chị Bình - Học viên Content 3 Gốc K7? Đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc hoặc câu chuyện cá nhân của bạn dưới phần bình luận nhé! *** Cùng CHUNG TAY đóng góp trí lực và vật lực để giúp 3goc.vn sản xuất thêm nhiều nội dung hay trong thời gian tới, bạn nhé! Nội dung: Bình Hoàng - Học viên Content 3 Gốc K7 Biên tập: Khánh Vi Hình ảnh:

  • Đâu là “chìa khóa vàng” để xây dựng văn hóa đọc?

    Bạn có bao giờ tự hỏi: "Đọc sách để làm gì?" hay "Làm sao để biến việc đọc sách thành một thói quen mang lại giá trị thực sự?",  “Đọc thế nào để nhớ lâu?” Văn hóa đọc được ví như cánh cửa thần kỳ mở ra những chân trời tri thức, những vùng đất chưa được khám phá. Nhưng có thể bước qua cánh cửa ấy rồi trở về với một phiên bản tốt đẹp hơn thì mỗi người cần phải sở hữu cho mình một chiếc “chìa khóa vàng”, mở đúng cánh cửa dẫn mình đến nền tảng cao hơn. “Chìa khóa vàng” đó là gì? Mời bạn cùng 3goc.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé! Mục lục 1. Văn hóa đọc là gì? 2. Lợi ích và thách thức của văn hóa đọc 3. Phương pháp đọc hiệu quả 4. Lời kết Hình 1: Văn hóa đọc là gì? Có người cho rằng văn hóa đọc chỉ là đọc sách, càng đọc nhiều càng có văn hóa. Lại có người nghĩ rằng văn hóa chỉ dành cho trẻ đến trường hoặc những người có học, làm công việc liên quan đến sách vở và giáo dục nên cho mình là kẻ nằm ngoài cuộc của những hoạt động đọc. Thực ra cả 2 cách hiểu trên đều sai lầm, Vậy hiểu thế nào mới đúng về văn hóa đọc? Văn hóa là thay đổi để trở nên đẹp đẽ (Văn có nghĩa là đẹp; Hóa là sự thay đổi, chuyển hóa). Như vậy, văn hóa đọc có nghĩa là nhờ hoạt động đọc mà chúng ta có sự chuyển hóa nhận thức và hành vi giúp mình ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Theo Trí Tuệ Việt Nam, thì văn hóa đọc bao gồm 5 hoạt động chính sau đây: 1- Đọc những điều có văn hóa (chủ động thông tin - chủ động thái độ) Tức là chúng ta sẽ đọc những thông tin (bao gồm cả thông tin trên mạng internet) có văn hóa, cùng hướng về 3 gốc rễ (Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực). Những thông tin này giúp chúng ta đào luyện bản thân, phát triển nghề nghiệp, hướng tới chân lý. 2- Đọc mọi điều với thái độ có văn hóa (thụ động thông tin - chủ động thái độ) Thái độ có văn hóa là chúng ta không bị đồng hóa, đọc không vội tin ngay mà có sự nghi ngờ và phản biện, có sự quan sát kĩ càng để không bị dẫn dắt và lôi kéo về mặt cảm xúc. Hình 2: Văn hóa đọc là đọc những điều có văn hóa với thái độ có văn hóa 3- Suy ngẫm và có góc nhìn đa chiều Góc nhìn đa chiều là ta tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, từ đó có suy luận và diễn giải cho riêng mình. Quan trọng nhất là từ suy ngẫm và đúc kết này, mỗi người có thể ứng dụng bài học vào thực tế cuộc sống. 4- Có thực hành và chuyển hóa nhận thức, hành vi đúng tốt Vì lựa chọn thông tin đọc có nội dung 3 gốc nên khi thực hành, mỗi người sẽ có sự chuyển hóa mang lại lợi ích cho mình, cho cộng đồng và cho thiên nhiên. 5- Có lan tỏa, chia sẻ, giúp đỡ cộng động các hoạt động Văn hóa đọc Sẵn sàng chia sẻ cho mọi người về hành trình mình đã trải qua để mọi người có thêm cơ hội mở mang và tiếp nhận điều đúng tốt. Đây cũng là cách để hành trình học của mình trở nên sâu sắc hơn. Như vậy, việc đọc không đơn thuần chỉ là đọc để hiểu mà bao gồm tiến trình học - hiểu - hành; không chỉ đề cập đến thói quen đọc mà còn là thái độ và phương pháp đọc; đối tượng đọc không đơn thuần chỉ là sách mà bao gồm tất cả các hoạt động tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau tuy nhiên đọc sách vẫn là quan trọng nhất. Hình 3: Thói quen đọc sách mỗi ngày là khoản “đầu tư” có lãi nhất của đời người Lợi ích và thách thức của văn hóa đọc Israel là một trong những đất nước yêu thích đọc sách nhất thế giới. Ngay từ nhỏ những đứa trẻ đã được dạy bảo rằng “Sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc, châu báu, và trí tuệ là thứ mà không ai có thể cướp đi được”. Vì vậy mặc dù dân số họ thưa thớt nhưng nhân tài vô số, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng sản xuất lương thực không chỉ đủ cung trong nước mà còn xuất khẩu lượng lớn ra thế giới. Đó là minh chứng đầy thuyết phục về giá trị của việc đọc sách và tinh thần học tập giúp họ có những thành tựu đáng nể phục. Vậy thì việc duy trì văn hóa đọc mang lại những lợi ích cụ thể nào đối với chúng ta? Những giá trị bền vững Việc đọc những điều có văn hóa với thái độ văn hóa không chỉ vun đắp tri thức và tâm hồn cho mỗi cá nhân, mà còn góp phần kiến tạo những giá trị bền vững cho gia đình và toàn xã hội. Bồi dưỡng tâm hồn - kiến tạo bản thân: Khi đọc sách mỗi người sẽ có thêm những thông tin kiến thức mới, phát triển những kỹ năng cần thiết, hiểu bản thân và cao hơn cả đó là vun bồi giá trị cốt lõi của chính mình. Tóm lại, mỗi người sẽ có cơ hội vun bồi bản thân theo 4 vòng tròn đào tạo. Thắp lửa yêu thương - gắn kết gia đình: Đọc sách cùng nhau là hoạt động để gắn kết các thành viên trong gia đình. Khi cùng có thói quen, cùng thảo luận về nội dung giá trị, mọi người không chỉ cùng phát triển mà còn hiểu nhau hơn. Những đứa trẻ được lớn lên trong môi trường tích cực như vậy cũng có cơ hội để phát triển toàn diện. Vì vậy xây dựng văn hóa đọc gia đình là mục tiêu cần thiết trong mọi thời đại. Hình 4: Gia đình đọc sách - gắn kết yêu thương Gieo mầm tri thức - cộng đồng chuyển hóa: Một xã hội mà mọi người đều biết văn hóa đọc, có thói quen đọc sách tinh hoa thì mỗi người đều có sự chuyển hóa, biết sống nâng đỡ, sống phụng sự và cho đi. Đây là môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng cá nhân, tăng gia vị hạnh phúc cho mỗi gia đình. Những thách thức khó vượt qua Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng hành trình đến với thế giới của những trang sách không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Có những rào cản từ xã hội, gia đình và quan trọng nhất là từ chính bản thân mỗi người, khiến việc đọc sách trở nên khó khăn hơn. Nhận thức từ xã hội Dù ngày càng được chú trọng, văn hóa đọc vẫn chưa thực sự phổ biến rộng rãi. Không phải nơi đâu cũng dễ dàng tìm thấy những không gian đọc sách yên tĩnh, những cộng đồng yêu sách để cùng nhau chia sẻ, lan tỏa niềm đam mê. Con người dường như bị chi phối nhiều hơn bởi thông tin mạng xã hội, những hình thức giải trí đầy mới mẻ từ công nghệ. Thêm nữa, guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại khiến con người ta luôn cảm thấy thiếu thời gian, vội vã với những lo toan thường nhật mà quên đi việc dành thời gian để nuôi dưỡng tâm hồn bằng những trang sách. Thói quen từ gia đình Không phải gia đình nào cũng xây dựng được thói quen đọc sách, tạo dựng một môi trường tràn ngập sách để nuôi dưỡng tình yêu con chữ cho các thành viên, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nếu có quan tâm việc đọc sách thường ba mẹ sẽ chú trọng việc học từ sách giáo khoa, những kiến thức cần thiết để con có thành tích tốt khi đến trường. Rồi khi con trưởng thành và đi làm, hầu như không còn việc nhắc nhở câu chuyện tự học thông qua đọc sách nữa. Nỗ lực từ chính mình (Quan trọng nhất) Nhiều người vẫn chưa nhận ra giá trị của việc đọc sách, cảm thấy sách khô khan, nhàm chán, không hấp dẫn bằng những hình thức giải trí khác. Động lực vì thế cũng dễ dàng bị lụi tắt và bản thân họ cũng không biết làm sao để tạo cảm hứng đọc sách. Hoặc khi đã nhận thức được rằng việc đọc rất có giá trị, cũng có niềm yêu thích sách nhưng nhiều người vẫn chưa thể duy trì thói quen đọc sách đều đặn, thường xuyên bị sao nhãng bởi những thú vui, nhu cầu giải trí khác. Hình 5: Lại cũng có những người đã dành thời gian đọc sách nhưng việc thiếu phương pháp đọc hiệu quả khiến nhiều người đọc xong mà không nhớ, không thể tiếp thu trọn vẹn nội dung, tinh hoa của những trang sách. Phương pháp đọc hiệu quả Đọc sách là con đường để mở mang tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển bản thân. Tuy nhiên, để biến việc đọc sách thành một thói quen bền vững và mang lại hiệu quả, mỗi người cần có phương pháp đọc phù hợp với từng giai đoạn. Với người mới bắt đầu hãy nắm vững các bước đúc kết cơ bản Đối với những ai mới bước vào hành trình khám phá tri thức qua sách, việc nắm vững các bước đúc kết cơ bản là vô cùng quan trọng. Để việc đọc không bị lan man, hãy bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu đọc. Bạn muốn tìm kiếm kiến thức chuyên môn, giải trí hay phát triển bản thân? Mục tiêu rõ ràng sẽ như la bàn dẫn lối bạn đến những cuốn sách phù hợp và giúp bạn tập trung vào nội dung cần thiết. Khi có mục tiêu, hãy đọc lướt trước khi đọc kỹ. Việc đọc lướt giúp bạn nắm được tổng quan nội dung sách, giống như bạn đang ở trên cao nhìn xuống một khu vườn rộng lớn vậy. Khi có tư duy tổng quan, việc đọc kỹ từng chương, từng trang sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời mình đang cần. Đừng quên ghi chú lại những ý chính, những câu văn ấn tượng hay những khái niệm quan trọng. Đây sẽ là những viên ngọc quý giúp bạn ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Hình 6: Sau khi khép lại cuốn sách, hãy dành chút thời gian để tự mình tóm tắt lại nội dung chính bằng vài câu ngắn gọn. Việc này không chỉ giúp bạn ghi nhớ kiến thức lâu hơn mà còn rèn luyện khả năng diễn đạt, để những gì bạn học được không chỉ nằm trên trang giấy mà còn in sâu trong tâm trí. =>> Đọc thêm: 3 bước đúc kết sách Nâng tầm việc đọc sách bằng cấp độ đúc kết chuyên sâu Khi đã quen với việc đọc và đúc kết cơ bản, bạn có thể nâng cao năng lực của mình. Hãy thử áp dụng các cấp độ đúc kết chuyên sâu để khai phá tri thức từ sách một cách hiệu quả hơn. Trước tiên, sau khi đã đúc kết được ý chính (đại ý), sau khi đã tìm ra những luận điểm, thông điệp quan trọng nhất mà tác giả truyền tải, hãy thử đúc kết lại thành sơ đồ. Việc biến những ý chính thành sơ đồ tư duy với các nhánh ý rõ ràng giúp bạn hình dung tổng quan nội dung sách một cách trực quan và dễ nhớ. Bạn có thể sử dụng sơ đồ tư duy Mindmap, Sketchnotes hoặc bất kỳ cách trình bày nào giúp bạn sơ đồ hóa được nội dung. Cao hơn nữa là cấp độ mô hình hóa. Ở đây, bạn sẽ biến sơ đồ mình đã đúc kết thành những mô hình, công thức áp dụng trong thực tế, có thể dùng n lần, không chỉ áp dụng trong việc đọc mà với cuộc sống. Đây là cấp độ đúc kết sách cao nhất, đòi hỏi phải tư duy và sáng tạo. Bạn có thể đọc thêm tại: 3 cấp độ đúc kết sách để hiểu thêm về những cách đúc kết sách chuyên sâu. Hình 7: Đích đến cuối cùng: Biến sách thành cuộc sống Khi tiếp nhận một thông tin, kiến thức nào đó thì mục đích cuối cùng là chúng ta biết cách áp dụng những kiến thức ấy vào thực tế, thay đổi cuộc sống và hoàn thiện bản thân. Bạn đã dành nhiều thời gian để lựa chọn sách, để đọc và đúc kết, vậy thì hãy biến những thông điệp tâm đắc từ sách thành hành động, thành giải pháp cho những vấn đề trong công việc, học tập và cuộc sống hàng ngày. Làm như vậy là bạn đã biết cách biến sách thành cuộc sống rồi đó. Đừng ngần ngại chia sẻ những kiến thức, những bài học từ sách với bạn bè, đồng nghiệp. Cùng nhau trao đổi, thảo luận sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn đa chiều, mở rộng tầm hiểu biết và hoàn thiện bản thân. Để thấy rõ lợi ích của việc đọc sách, hãy thử đo lường sự tiến bộ sau khi áp dụng những kiến thức đã học. Phương pháp Kaizen với những cải tiến nhỏ mỗi ngày sẽ giúp bạn tiến xa hơn trên hành trình phát triển bản thân. Hình 8: Tóm lại, bạn cần hiểu rằng, hành trình xây dựng văn hóa đọc là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì. Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ, áp dụng phương pháp phù hợp và biến sách thành người bạn đồng hành trên con đường phát triển của bạn! Lời kết Văn hóa đọc như một mạch nước ngầm, lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn người, vun đắp hạnh phúc gia đình và kiến tạo cộng đồng sống tử tế. Ngày hôm nay, bạn đã có trong tay chiếc chìa khóa vàng, đã hiểu rõ những lợi ích và thách thức, nắm phương pháp cốt lõi để xây dựng thói quen và cách đọc hiệu quả. Vậy bạn đã sẵn sàng để bước vào thế giới bao la của tri thức để thu lượm tinh hoa, sẵn sàng trở thành đại sứ văn hóa đọc để trao cho những người xung quanh một chiếc chìa khóa tương tự? Hãy cùng nhau xây dựng văn hóa đọc, cùng trở thành người đọc sách có văn hóa để mỗi ngày đều là ngày hội đọc sách, mỗi ngày đều là ngày để mở mang! **** Nội dung: Nhàn Lý Biên tập: Liên Thanh, Khánh Vi Hình ảnh:

  • Chọn sai ngành có phải là thất bại?

    Chọn sai ngành là một trải nghiệm không ai mong muốn, bởi mỗi người khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học đều hy vọng chọn đúng ngành, sau này làm đúng nghề - là điều mình đam mê, yêu thích. Nhưng đôi khi, đứng trước quyết định quan trọng chưa chắc bạn đã được như ý. Nếu nhận ra mình đang rối bời giữa các môn học không phù hợp, 3goc.vn mời bạn cùng chiêm nghiệm câu chuyện của chị Tracy Hoàng - về hành trình của cô sinh viên năm nhất trong quá khứ đã làm gì để vượt qua những khó khăn khi chọn sai ngành và tìm kiếm hướng đi mới. Bài viết chắc chắn rất hữu ích với bạn. Mục lục Chạm ước mơ nhưng duyên chưa thuận Chông chênh khi chọn sai ngành Tam bảo xuất hiện giúp tôi vượt qua ngọn sóng Rộng đường đón tương lai *** Chạm ước mơ nhưng duyên chưa thuận Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của ngoại thành Hà Nội. Tuổi thơ vất vả vừa học vừa phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, việc nhà; nên khiến con người tôi bé quắt, đen nhẻm. Mái tóc lúc nào cũng cháy nắng và khét như râu ngô. Niềm tự hào của tôi ngày nhỏ không phải là ngoại hình xinh đẹp mà chính là đôi mắt, đôi mắt sáng tinh anh luôn to tròn nhìn thẳng như muốn đọc suy nghĩ của người đối diện. Khác với bạn bè học đến lớp 9 đã bỏ ngang đi làm, thì tôi cố sống cố chết phải đi học cho bằng được. Tuổi thơ vất vả đã hun đúc trong tôi từ ý thích đến một ước mơ cháy bỏng - trở thành một nhà giáo mẫu mực. Ước mơ đó trở thành nỗi khát khao trải dài theo những năm tháng học trò. Tôi học ban C, thi đại học là ba môn Văn - Sử - Địa. Hồi đó được đăng ký thi hai trường đại học và một trường cao đẳng. Ngành đầu tiên tôi chọn là sư phạm Văn, sau đó là trường Luật. Tôi chọn Luật là do sự hiếu thắng của bản thân, vì lúc đó phong trào ban C đều chọn Luật và Báo chí - hai ngành hot nhất của khối C thời đó. Tôi nghĩ mình học ổn nên cứ thi thử xem sao. Dù gì thì đích đến của mình vẫn là “sư phạm”. Gần 2 tháng thi xong chờ kết quả, khi nhớ lại tôi vẫn không thể lột tả hết tâm trạng mừng vui tột độ, khi mà tôi lần lượt nhận giấy báo đỗ tất cả các trường với suất học bổng. Tôi là nữ sinh duy nhất vào được trường Luật và cũng là người con gái đầu tiên ở làng đỗ đại học. Tôi lúc này đã chạm đến ước mơ ấp ủ bao năm. Nhưng…đúng như các cụ nói “Có một thì chả sao, có năm có mười mới là rách việc.” Tôi đứng giữa ngã ba đường khi chọn hướng đi tiếp cho tương lai của mình. Bố mẹ tôi không thể định hướng. Tôi thì lại càng không, vì để đưa lên bàn cân giữa trường Luật và Sư phạm, tôi cảm thấy sư phạm yếu thế hơn, còn luật thì nghe thật cao sang. Việc đỗ vào trường Luật là niềm tự hào và cả tự tôn của tôi, nhìn quanh bạn bè khi ấy trượt như ngả rạ. Cái tính sĩ diện trong tôi trỗi dậy, nó bảo rằng nếu không học trường Luật thì phí lắm. Tôi cảm nhận, sâu thẳm bên trong vẫn vấn vương sư phạm, vẫn nhớ những vần thơ, giai điệu của ngôn từ nên tôi cứ chần chừ mãi. Tôi đạp xe ra tận nhà cô giáo dạy văn để hỏi ý kiến nên chọn trường nào. Cô đã ân cần nói rằng “nếu em muốn cuộc sống bình lặng thì chọn sư phạm, còn muốn cuộc sống sôi động, màu sắc thì chọn Luật”. Tôi lại mất thêm một tuần suy nghĩ. Ngày nhập trường gần kề, cậu ruột của tôi từ quê ngoại đến chơi, thấy tôi băn khoăn, cậu đã cầm tay tôi “ấn nút” quyết định “Cháu nên học Luật chứ, bao nhiêu người mơ không được, học sư phạm làm gì, nghề gõ đầu trẻ ngày nào cũng như ngày nào”. Thế là tôi từ giã ước mơ trở thành cô giáo mà suốt cả thời niên thiếu ấp ủ để bước vào ngành luật, với một tâm trạng hân hoan rằng mình sắp-trở-thành-một-luật-sư hay một cái gì đại loại dính tới pháp lý. Chông chênh khi chọn sai ngành Kỳ nhập học, tôi vỡ mộng. Môn học Nhà nước & Pháp luật khô khan, môn Triết học trừu tượng khó hiểu khiến tôi thấy chán. Tâm hồn tôi mơ màng với những câu thơ, những tác phẩm văn học. Hình ảnh về giấc mơ đứng trên bục giảng thả hồn theo những áng văn kiêu hùng hay những bài thơ tình của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Tôi bắt đầu bài xích ngành Luật với tâm trạng ủ rũ, mệt mỏi, liên tục so sánh giữa các môn học và tự ti cho rằng mình đã đi nhầm đường. Tôi ở chung với mấy chị cùng phòng, bạn các chị đến chơi lại đang học ngành sư phạm. Các chị kể về những chuyện trên giảng đường, gặp những thầy cô nổi tiếng dạy văn. Tôi tiếc nuối trong lòng “Đó chẳng phải là những chuyện của tôi đã tưởng tượng sao? Nếu không chọn Luật, giờ đây tôi có khác gì chị ấy, có khi còn có nhiều chuyện hay hơn!” Cảm giác “con cá mất là con cá to” cứ đeo bám tôi mãi, triền miên cả trên giảng đường và trong giấc ngủ. Vì không tìm thấy hứng thú học tập nên tôi học rất vô hồn và máy móc. Cũng như ai, tôi đến giảng đường, vào thư viện nhưng mở sách ra là chữ nghĩa nhảy nhót, tâm hồn tôi lạc trôi nơi nào. Trên lớp lời thầy giảng thì tai nọ sọ tai kia, ghi chép vào vở nhưng nội dung trôi tuột như “nước đổ lá khoai”. Tôi rất sợ những buổi thảo luận chia nhóm vì hầu như buổi nào tim đập chân run, cầu mong thầy đừng gọi đến tên mình. Kỳ đầu chông chênh đã giáng cho tôi một vố đau - thi lại môn Nhà nước và Pháp luật. Lúc nhận điểm, tôi khóc như mưa, khóc đến đỏ mắt vì xấu hổ, vì chưa bao giờ cảm giác mình thất bại đến thế! Tôi ngại với mọi người cùng phòng, lảng tránh khi nói đến thi cử. Trên lớp, tôi tự ti co mình lại như con rùa những ngày sau đó. Tự nhủ với lòng mình “Tôi thực sự đã đi nhầm đường sao? Chắc tôi nên thi lại Sư phạm vào năm sau.” Tam bảo xuất hiện giúp tôi vượt qua ngọn sóng Tôi có người bạn cùng lớp, bạn ấy học cùng khối cấp 3 nên khá thân thiết. Thấy tôi âu sầu, bạn động viên rằng kỳ đầu chưa khớp nên vậy thôi, kỳ sau sẽ ổn, sinh viên thi lại là chuyện thường mà. Nhưng tôi vẫn dán nhãn cho rằng mình không hợp với luật. Tôi không để tâm đến lời bạn nói. Một chiều cuối tuần, hai chúng tôi cùng đạp xe về nhà. Trên đường về nhìn thấy một số bạn học cùng khối. Các bạn gọi chúng tôi vào uống nước. Đây là những bạn bị trượt đại học, có bạn học cao đẳng, có bạn ôn tiếp năm sau thi. Tôi nhớ mãi câu nói của Vân lúc đó “Đỗ được vào trường Luật là ‘vip’ quá rồi. Tao mà đỗ được thì không còn gì bằng”. Câu nói ấy của bạn đã khiến tôi phải suy nghĩ lại. Tôi nhớ lại trước đây mình thích làm cô giáo nhưng khi có cơ hội mình đã không lựa chọn. Điều này có nghĩa, chính tôi là người tạo nên nhân và từ đó tạo ra duyên với ngành luật. Con đường này do tôi lựa chọn, sao tôi lại chán ghét nó chứ? Có phải tôi nên thuận duyên mà trọn vẹn với nó không? Có thể tôi đã chọn ngành học chưa phù hợp với sở thích của mình, nhưng điều đó không phải là một thất bại không thể sửa được. Tôi dành 2 ngày cuối tuần để suy nghĩ nghiêm túc về con đường sắp tới “Dừng lại rẽ ngang hay đi tiếp? Nếu chọn đi tiếp, tôi có đủ sức mạnh để tự tin mà bước không?” Tôi đã viết hết những lý do mình chọn luật để tìm lại “big why", viết lên những phẩm chất mình đang có và đặt câu hỏi cho mình “Chọn Thích hay Năng lực?” Và rồi tôi đã chọn giải pháp khác với lẽ thường. Với đa số, nếu thấy không hợp, không thích người ta sẽ chọn lại. Nhưng tôi giờ đây đã nói không với việc thi lại Sư phạm. Tôi quyết định đi tiếp để thử thách bản thân mình, tìm kiếm khả năng bên trong mà tôi chưa biết. Bước đầu tiên để vượt qua khó khăn này là tôi cần phải chấp nhận thực tế. Tôi tập trung vào môi trường xung quanh, những yếu tố nuôi dưỡng cho mục tiêu thay đổi của mình. Tôi sống cùng một người bạn cùng khóa và ba chị khóa trên, những người con miền Trung hiếu học. Chính sự ham học hỏi của họ đã truyền cho tôi năng lượng tích cực mỗi ngày. Những bữa cơm trưa, cơm tối cùng nhau đều là những chuyện ở trường lớp, rồi tài liệu để học sao cho điểm thi cao, rồi môn nào thầy cô giảng thú vị, nên đi nghe thảo luận ở khoa nào…; mọi người còn phân công nhau kiểm tra chéo những câu thi vấn đáp cuối kỳ. Bên họ, tôi không thể để mình lạc lõng, bàng quan như người ngoài cuộc được. Trên giảng đường tôi ngồi học cùng chỗ với Thanh - người bạn cùng phòng ham học. Thanh đã giúp tôi cách ghi chép bài khoa học, tiếp cận với nguồn tài liệu tốt của mỗi môn. Cô ấy luôn kéo tôi ngồi lên những bàn đầu, gần thầy để không có cơ hội ngủ gật. Tôi thật sự phải tập trung vào bài giảng vì nếu lơ đãng có thể bị tóm lên bảng bất kỳ lúc nào để nhắc lại lời giảng của thầy. Dần dần, tôi thấy những môn học này đâu quá khó như mình nghĩ, cũng có đầy thú vị trong đó đấy chứ. Đâu phải cứ Luật là khô khan. Nếu không có người dẫn đường, những người thầy, người cô tuyệt vời của trường Luật thì có lẽ mảnh đất luật trong tôi cũng không thể ươm mầm xanh. Được học với người thầy nổi tiếng như thầy Ng.D.H, thầy N.H.H…đã cho tôi tư duy về pháp luật, những điều ý nghĩa mà pháp luật mang lại cho con người trong cuộc sống. Người thầy hiền trí đó đã mang đến cho tôi bao cảm xúc của những buổi thảo luận án, những cuộc đấu trí ranh giới giữa tội và không, số phận của những người bị kết án oan sai hay cả mảnh đời éo le của tội nhân trong các vụ án lớn. Những buổi học của chúng tôi có những trận cười sảng khoái và cả những giọt nước mắt thương cảm qua các câu chuyện, những kỳ án đi vào lịch sử. Tôi đã kịp nhận ra rằng, ngành học này ý nghĩa biết bao, bởi không ai sống vui vẻ, bình an mà không tuân theo pháp luật. Mỗi người ai cũng nên hiểu pháp luật để làm một công dân tử tế, hạnh phúc; biết yêu mình, giúp được người. Thư viện đã trở thành nơi yêu thích ghé thăm hàng ngày của tôi. Những cuốn sách dày cộp mà trước tôi ngán ngẩm thì giờ được tôi lần giở với niềm háo hức, mong tiếp nhận những điều mình chưa biết, những thứ ngoài bài giảng. Đúng là khi tôi thay đổi, tôi thấy mọi thứ xung quanh đều dễ chịu, hiền hòa. Tôi thấy tự hào khi mình cũng là một trong số các bạn sinh viên đang chăm chú đọc sách kia, những người hứa hẹn sẽ có những sự nghiệp tỏa sáng sau này. Bác thủ thư khó tính của thư viện mà tôi hay ngại mỗi lần xếp hàng lấy số thứ tự thì giờ đây lại tận tụy vô cùng, chỉ cần nói đầu sách là bác lấy ra ngay được. Đặc biệt là bác còn giới thiệu cho những cuốn sách cùng loại nổi tiếng khác, nhờ vậy mà tôi biết được thêm những tài liệu vô cùng phong phú để bồi đắp kiến thức cho mình. Tôi không nhớ nổi đã có biết bao cuốn sách hay qua tay mình ngày ấy. Những buổi hội thảo không thiếu mặt tôi bao giờ, tôi còn đến cả các lớp khác để học ké, nghe các thầy cô khác giảng cùng một vấn đề để đúc rút ra những tinh hoa trong đó. Những đêm chong đèn học đến khuya mà không cảm thấy mệt mỏi, học để hóa giải những áp lực thi cử, học để sẵn sàng đối diện với thầy cô qua những lần vấn đáp 1:1. Và học để biết rằng mình đủ nội lực đón nhận, lĩnh hội những kiến thức này một cách bình thản nhất. Tấm lòng rộng mở đón chào những tri thức về pháp luật của cả nhân loại cổ kim đã làm cho vốn sống, vốn hiểu biết của tôi giàu lên rất nhiều theo từng kỳ học. Rộng đường đón tương lai Tôi có được tam bảo dẫn đường như vậy đó. Những người thầy hiền trí, những người bạn tốt và những cuốn sách hay - tam giác tuyệt vời này đã gột rửa những tự ti, những oán trách, đổ lỗi cho rằng mình vô dụng khi học Luật. Cú lội ngược dòng mang lại cho tôi một hướng đi thật sự tươi sáng. Tôi trở thành một sinh viên top đầu của lớp, được nhận học bổng của trường và là số ít sinh viên trong lớp được làm luận văn tốt nghiệp. Ra trường với tấm bằng Khá hiếm hoi thời đó, tôi đã rất tự tin phỏng vấn nhiều nơi. Và nhân duyên của tôi với ngành luật gắn bó đến tận bây giờ. Sau hành trình đó, tôi nghiệm lại là nếu chọn được ngành mình thích thì có thể là năng lực sẽ phát triển thuận theo. Nhưng nếu không có điều kiện chọn cái mình thích thì hãy chọn mình là người có năng lực. Giữa “Thích” và “Năng lực” có thể không nhất quán, nhưng nếu mình quyết tâm chọn một trong hai vế thì trước sau vế còn lại sẽ xuất hiện. Nghề giáo vẫn luôn được tôi trân quý, nhưng giờ đây tôi trân trọng sự lựa chọn của mình. Tôi đã bước đi trên con đường đó với tâm thế hứng khởi đầy hy vọng, ươm mầm hạt giống tốt để chờ đón một cây xanh mạnh mẽ, vững vàng. Hơn 20 năm làm việc, tôi thấy đúng là nghề chọn người vậy. Thời gian và môi trường đã giúp tôi thích Luật lúc nào không hay. Tôi tự hào về công việc của mình. Từ câu chuyện của tôi, tôi muốn gửi gắm đôi điều là dù nhân duyên như thế nào, thì các bạn trẻ ơi - những bạn đang là học sinh cấp 3, hay các bạn đang là tân sinh viên, hãy cứ trân trọng những cơ hội đến với mình, vì nếu các bạn Thích sẽ tạo -> năng lực và nếu bạn có Năng lực sẽ tạo -> Thích. Tất cả phụ thuộc vào thái độ đối xử với sự chọn lựa của bạn. Trên con đường rèn giũa, tôi hiểu rằng khi tâm chưa vững, lòng chưa an, chưa hiểu bản thân muốn gì thì không thể khám phá được năng lực bản thân. Đời người không tránh khỏi những chông chênh, những bồng bột, những sai lầm. Có trải nghiệm rồi cần lắng đọng để chiêm nghiệm để hiểu mình muốn gì và mình có khả năng gì thực hiện những điều mình muốn. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu nếu ta không cho phép mình thử sức với những khó khăn, trải qua những điều bất như ý để tốt nghiệp những bài học cuộc đời? Cuộc sống là một hành trình và không có điều gì là sai lầm hoàn toàn. Điều quan trọng là chúng ta dám đối diện, dám chấp nhận cái gọi là sai lầm đó để nghiêm túc nhìn lại, quay về tìm lại con người bên trong đầy mạnh mẽ của mình để quyết định, lựa chọn và nỗ lực bước đến với hạnh phúc và thành công. Biết ơn tôi vô cùng vì đã dám chọn sai, dám bước tiếp. Hy vọng sau bài chia sẻ ở trên, tôi sẽ nhận được nhiều cảm xúc của các bạn ở bên dưới bài viết. *** Nội dung: Tracy Hoàng - Học viên Content 3 gốc K7 Biên tập: Khánh Vi Hình ảnh:

  • Bạn đã sẵn sàng “dại khờ” để “thành công”?

    Trong cuộc sống, khi đứng trước một lựa chọn mới chúng ta đều có xu hướng lo lắng, sợ hãi. Bên trong suy nghĩ mỗi chúng ta ngay lập tức sẽ vẽ ra đủ tình huống xấu như thất bại, không được công nhận, sai lầm; để rồi ta thoái lui tìm đủ lý do để không bắt đầu. "Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ" đây là thông điệp về bí quyết thành công của một nhân tài kiệt xuất, một người lãnh đạo tài ba Steve Job gửi đến các bạn trẻ - những người đang trên hành trình kiến tạo đời mình. Vậy bằng cách nào “dại khờ” là chìa khóa để đạt được thành công của đời người? Định nghĩa thành công như thế nào sẽ mang lại cho bạn niềm hạnh phúc? Và nên khát khao ra sao để bản thân luôn tỉnh thức? Nếu bạn muốn khám phá câu trả lời, Huân mời bạn theo dõi chặng hành trình khát khao rất đỗi "dại khờ" của tôi bên dưới nhé! Mục lục Dại khờ là bồng bột của tuổi trẻ Dại khờ là vươn mình đi khám phá Dại khờ khi ngủ quên trên chiến thắng Dại khờ để cho đi vô điều kiện Dại khờ là bồng bột của tuổi trẻ Những miền khát khao nhưng cũng đầy cám dỗ Tôi sinh và lớn lên trong một gia đình bình thường như bao bạn trẻ khác. Cuộc sống trôi qua êm đềm cho tới khi tôi vào cánh cửa Đại Học. Năm 2007, tôi nhận được giấy báo được trúng tuyển vào trường Đại học Bách Khoa Đà nẵng. Niềm vui thật vỡ òa khi 12 năm đèn sách đã được đền đáp xứng đáng. Tôi chuẩn bị đầy đủ hành trang, lên đường nhập học ở thành phố Đà Nẵng với một khát khao, một hoài bão "Tôi sẽ học tập thật giỏi, ra trường kiếm một công việc ổn định, thu nhập cao để đền đáp công ơn của ba mẹ sinh thành." Nhưng không các bạn ạ, với một người con mới rời xa vòng tay gia đình, bắt đầu ra ở riêng, thì thế giới này đối với tôi quá nhiều sự mới lạ, quá nhiều cái muốn khám phá và tìm hiểu. Tôi đã không giữ được mình mà chạy theo các thú vui của tuổi trẻ và sa vào các tật xấu lúc nào không hay. Hàng ngày, tôi chỉ học vài tiếng trên giảng đường, về đến nhà là tôi tụm bốn đứa bạn lao vào những ván bài quên thời gian, những trận đỏ đen thua vài chục nghìn nhưng không dứt ra được. Không có bạn thì tôi cày game xuyên đêm, những trận Dota nảy lửa không hồi kết. Hết chơi game, tôi lại tụ tập ăn nhậu. Thời đó chuyện nhậu nhẹt với sinh viên không còn gì là xa lạ, chợ Đêm Hòa Khánh là điểm đến quen thuộc của chúng tôi sau một ngày dài học tập. Chúng tôi nhậu không cần lý do; vui cũng nhậu, thất tình cũng nhậu, không có việc gì làm cũng nhậu. Đến mức độ, thay vì ăn dĩa cơm năm ngàn, thì ba thằng góp tiền để mua đủ hai chai rượu gạo và một dĩa lòng xào nghệ. Nhiêu đó thôi là chúng tôi đủ lai rai đến khuya. Tôi vẫn còn nhớ có những hôm mười hai giờ đêm còn leo cả hàng rào ra để đi nhậu và đến sáng sớm mới về. Tôi bỏ cả học hoặc nếu có lên giảng đường thì cũng lén ngủ gục ở bàn cuối lớp. Đến tận bây giờ, khi ngồi nghĩ lại tôi vẫn tự hỏi “Không hiểu tại sao thời xưa mình lại có thể sa đọa đến như thế?” Nhưng chuyện không dừng ở đó. Khi con người ta thiếu đi những nền tảng cốt lõi từ sâu bên trong, thì những cám dỗ của đời sống sinh viên vẫn không ngừng diễn biến. ám dỗ. Tôi - một chàng sinh viên sắp hết 4 năm Đại Học lại tiếp tục vấp phải những cú ngã lớn trong cuộc đời. Cho đến năm 4 đại học, tôi tình cờ được một người bạn giới thiệu vào lớp học kỹ năng. Với bản tính tò mò, tôi cũng đi theo để tham gia xem có học hỏi được gì không. Tôi được đưa lên một văn phòng nhỏ, rồi được một anh giới thiệu về các sản phẩm của Lô Hội, về cơ hội hợp tác kinh doanh và làm giàu. Năm 2010, mô hình Đa Cấp rất thịnh hành và phổ biến trong giới sinh viên, đó là công việc mang lại món hời rất lớn. Tôi như được lần nữa đốt lên khát khao cháy bỏng thuở mới vào Đại Học “Tôi phải giàu, phải thành công nhanh để lo được cho ba mẹ”. Với bản tính nông nổi và tư duy làm giàu nhanh chóng, tôi đã đâm đầu vào con đường Đa Cấp lúc nào không hay. Tôi và đội nhóm cùng lập “Câu lạc bộ Làm Giàu” chuyên thảo luận về tài chính, kỹ năng chỉ với một mục đích duy nhất là lôi kéo các bạn sinh viên khác tham gia vào đội nhóm của mình. Năm cuối Đại Học là khoảng thời gian làm đồ án tốt nghiệp, tôi vẫn mù quáng bỏ cả đồ án và chạy theo những cuộc họp nhóm, những buổi chia sẻ, mượn tiền gia đình để lên chức quản lý. Lúc đó trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ ”Đằng nào học xong ra trường cũng kiếm việc đi làm, giờ mình đang đi làm kiếm tiền rồi, vậy học làm gì nữa cho mệt?” Ngày đó rồi cũng đến, sau khi đóng một khoản tiền để lên được Quản lý, đội nhóm tôi trì trệ dần, hàng thì không bán được chỉ để dùng là chính. Lúc này, tôi lắng tâm suy nghĩ và nhận ra được lâu nay tôi bị lừa. Cũng bởi vì những lời nói hoa mỹ và sự không chín chắn của tuổi trẻ mà tôi giờ đây “Tiền mất, tật mang”. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày ấy, tôi một mình đạp xe ra biển, ngắm nhìn từng làn sóng trắng xóa vỗ nhẹ vào bờ, tiếng sóng biển rì rào rì rào trước gió, mùi chan chát mằn mặn thoảng nhẹ vào mũi của tôi, ngước mắt lên nhìn trời xa xăm, trong lòng sao trĩu nặng vì một câu hỏi day dứt chưa có câu trả lời ”Tiếp tục nỗi đau hay sửa sai bước tiếp.” Một sự chuyển mình ngay trong giây phút ấy, tôi nhận ra mình đã dại khờ biết bao với những khát khao về thành công không có thật. Thành công không thể thiếu đi nền tảng, thành công không phải một sớm một chiều. Tôi cần làm khác đi. Dại khờ là vươn mình đi khám phá Vạn sự khởi đầu nan Sau cái ngày đó tôi đã có câu trả lời của mình. Tôi đã quyết tâm làm lại từ đầu bằng cách đi xin lỗi bố mẹ về những sai lầm đã mắc phải. Sau đó tôi quay lại hoàn thành con đường học tập của mình với việc hoàn tất Đồ Án Tốt Nghiệp sau 6 tháng và ra trường với tấm bằng Kỹ Sư Công Nghệ Môi trường. Với tâm thế rạo rực của cậu sinh viên non trẻ mới ra trường, thay vì làm hồ sơ xin việc và nộp vào các công ty thì tôi lại trở về quê hương và chờ gia đình chạy việc. Tôi nghĩ đó là cách hiệu quả để mình đi con đường đúng, để không phạm phải sai lầm như trước. Có gia đình hỗ trợ thì việc gì phải lo. Tôi chờ đợi mòn mỏi từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Thời gian thấm thoát thoi đưa và đã một năm trôi nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Có nhiều đêm ngồi trên mái hiên nhà, ngắm nhìn từng hàng cây khẽ rung rinh trong khó, đánh mắt nhìn về phía xa, phố xá vẫn nhộn nhịp và ồn ào như bao ngày khác. Nhưng sao trong tôi cảm thấy trống vắng đến vô cùng, một nỗi buồn man mác trong thâm tâm như muốn gào lên "Huân à! Tại sao không tự đi bằng chính đôi chân mình mà cứ ngồi chờ đợi mãi vậy! Rồi sau này mày sẽ ra sao?" Câu hỏi đó đã thôi thúc tôi hành động, tôi xách balo lên và vào Sài Gòn lập nghiệp. Gian nan nhưng không nản Vào Sài Gòn mở ra cơ hội cho tôi làm nghề Sale. Tôi bắt đầu làm tại công ty Hoa Thiên Phú chuyên phân phối mặt hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng ra thị trường. Sau 3 tháng lăn lộn, xách từng thùng hàng đi khắp các chợ, rong ruổi trên mọi nẻo đường của Hóc Môn đến Củ Chi đã giúp tôi có những cái nhìn và bài học đầu tiên về công việc. Hành trình tiếp theo của tôi là công ty Nhựa Rạng Đông. Tôi vừa làm, vừa học sản phẩm chưa được bao lâu thì nhận được tin sếp trực tiếp của tôi nộp đơn nghỉ việc. 3 tháng ở công ty đầu tiên vẫn chưa đủ để tôi cứng nghề, tôi vào công ty mới vẫn là lính chân ướt chân ráo. Cho nên khi không còn sếp hướng dẫn thì như con thuyền chơi vơi giữa dòng. Mặc dù thế, tôi vẫn không bỏ cuộc. Tôi tự đi tìm hiểu, nghiên cứu, tự học và tự làm. Ngày thì tôi ra ngoài phụ bán áo mưa cùng với cửa hàng, ngày thì tôi xếp áo mưa giao cho khách hàng. Công ty có sản phẩm mới tôi cùng tìm hiểu, tự lập ra danh sách khách hàng tiềm năng và gọi điện liên hệ, chào sản phẩm. Nhưng mọi việc vẫn không như mong muốn, tôi vẫn chỉ là một “thằng nhân viên sales sai vặt” với nhiệm vụ chính là làm “tất cả những nhiệm vụ không tên”. Hai tháng thử việc mà tôi vẫn không được ký hợp đồng lao động do chưa đạt được thành tích cụ thể, thương tình công ty cho tôi thử thách thêm một tháng nữa. Khi đó, tôi thật lòng muốn nộp đơn xin nghỉ việc ngay lập tức, nhưng trong thâm tâm vẫn thôi thúc “Làm ở đâu cũng khó, hãy cố gắng ở lại và học hỏi trau dồi thêm kỹ năng của mình”. Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện Và cố gắng của tôi đã được đền đáp, trong một tháng thử thách còn lại công ty đã tuyển được sếp mới. Sếp tôi là một người đã có kinh nghiệm lâu năm trong mảng phân phối hàng vào siêu thị. Thấy được sự ham học hỏi và chịu khó của tôi, chị đã nhiệt tình đào tạo và hướng dẫn tận tình chi tiết về kênh phân phối mới này. Tôi với chị đi từng cái siêu thị, kiểm tra từng sản phẩm công ty đang có, làm việc với từng ngành hàng để đưa thêm sản phẩm của công ty vào các siêu thị hiện có. Sau một tháng thử thách tôi đã được ký hợp đồng và đề xuất lên vị trí mới. Tôi tiếp tục làm tại công ty Nhựa Rạng Đông được 2 năm. Trong thời gian đó, tôi học hầu như hết các kỹ năng bán hàng. Sau đó, tôi tự tin để đầu quân qua các công ty khác để học hỏi thêm kinh nghiệm và hoàn thiện hơn kỹ năng của mình. Dại khờ khi ngủ quên trên chiến thắng Và rồi may mắn cũng đến, sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, tôi tiếp tục đầu quân cho Công ty GHN với vị trí Giám sát kinh doanh. Lúc này, tôi vẫn giữ tinh thần ham học hỏi, hòa mình với công việc và nhanh chóng bắt kịp nhịp độ công việc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Sau 6 tháng tôi được đề bạt lên vị trí Trưởng phòng kinh doanh và gặt hái được nhiều thành tích cho bản thân và cho công ty hiện tại. Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt tại đó, sau gần 3 năm làm việc tại GHN, tinh thần tôi bắt đầu xuống dốc. Có lẽ ngần ấy thời gian đã làm nguội lại khát khao trong tôi. Tôi chạm được vài thành tích nhỏ nhưng cứ ngỡ là mình đã đến đích, ngủ quên trên chiến thắng. Chính vì thế công việc của tôi cứ trì trệ, ngay cả bản thân cũng chỉ làm việc qua loa cho xong việc chứ không còn nhiều năng lượng như trước. Đã nhiều lần tôi muốn nộp đơn nghỉ việc nhưng vẫn không dám quyết. Trong tư tưởng tôi luôn đối thoại với chính mình ”Giờ nghỉ việc thì chắc gì kiếm được việc có thu nhập tốt hơn hiện tại không? Lỡ nghỉ việc không xin được việc mới thì sao?” Câu hỏi đó nó cứ nằm trong tâm trí tôi day dứt mãi không thôi. Rồi sau một thời gian đọc đủ sách báo về chủ đề “Môi trường làm việc hoàn hảo cho một công ty”. Tôi soi lại kinh nghiệm bao nhiêu năm đi làm của mình và phát hiện ra, để lựa chọn một công ty phù hợp tôi sẽ dựa vào 3 yếu tố sau: - Khả năng học hỏi: Công ty có giúp bạn học hỏi được thêm các kỹ năng chuyên môn, hay có những khóa học nâng cao để mình rèn luyện bản thân hay không? - Cơ hội thăng tiến: Vị trí công việc bạn sẽ được thăng tiến cao nhất nếu bạn làm hết sức là gì? - Thu nhập: Tổng thu nhập của bạn có phù hợp với năng lực đang làm hay không? Tôi soi chiếu vào công ty hiện tại thì đúng. Giai đoạn 2 năm đầu tiên đã giúp tôi có đủ cả 3 yếu tố trên, tôi thầm biết ơn vì công ty đã cho tôi có được cơ hội học tập và làm việc tuyệt vời như vậy. Tuy nhiên, với giai đoạn hiện tại thì lộ trình phát triển ở công ty chỉ đáp ứng được 1 trong 3 yếu tố trên. Hiểu rõ các vấn đề trên đã giúp tôi hạ quyết tâm, nộp đơn nghỉ việc và tìm cơ hội mới tốt hơn cho bản thân mình. Và không lâu sau, tôi đã tìm được bến đỗ tiếp theo là công ty Ninja Van Việt Nam. Sau 3 vòng phỏng vấn và làm bài kiểm tra tôi đã được nhận vào vị trí “Quản lý phát triển kinh doanh”, Tôi phụ trách nhóm khách hàng nhượng quyền, xây dựng đội nhóm và đánh toàn bộ khách hàng miền Nam. Công ty mới, thử thách mới với một chân trời mới cho tôi thỏa sức vùng vẫy, học tập và chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp của mình. Vậy là một chân trời mới cho tôi thỏa sức vùng vẫy, học tập và chinh phục những đỉnh cao mới cho sự nghiệp của mình. "Thành công không tự nhiên đến, nó đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng không ngừng." - APJ Abdul Kalam Dại khờ để cho đi không điều kiện Cuộc sống vẫn trôi qua êm đềm cho tới khi tôi vô tình nghe được bài chia sẻ của anh HieuTV “ Bạn đã sẵn sàng để chết?” Anh có đề cập đến vấn đề “Chết là Vô Thường" cho nên thay vì né tránh, hãy cùng ngồi xuống và viết ra những điều mình cần làm để khi chết đi thì cũng không hối tiếc. Kể từ đó, tôi hiểu rằng: “Một cuốn sống trọn vẹn và hạnh phúc không phải chỉ nằm ở việc đi làm kiếm tiền, phát triển bản thân, trưởng thành hơn mỗi ngày mà đó là sự kết nối, trao yêu thương và lan tỏa những điều tử tế tới cho mọi người. Tình cờ khi được tham gia “Hành Trình Kiến Tạo Văn Hóa Đọc”, tôi thấy được vai trò của anh chị trong Ban Phụng Sự không quản khó khăn mệt nhọc, luôn động viên nâng đỡ và giúp các học viên đi trọn vẹn hành trình. Tôi mới nhận ra rằng “Tôi có thể dùng trí tuệ và năng lực của mình để đóng góp cho cộng đồng và xã hội.” Tiếp nối hành trình Văn hoá đọc, tôi tiếp tục tham gia 6 tháng cho Dự Án “Tiếng Anh 3 Gốc”, tôi đã giúp được thêm cho nhiều học viên đã có thể phát âm chuẩn tiếng Anh và xây dựng được nền tảng cơ bản học ngôn ngữ vững chắc. Niềm vui vỡ òa khi chứng kiến được sự cải thiện không ngừng của các học viên tham gia. Lúc này tôi dần nhận ra định nghĩa thành công trong tôi đã thay đổi. Đối với tôi, niềm hạnh phúc lớn nhất giờ đây là học được cách cho đi không điều kiện, cho đi mà không cần toan tính, cho đi với một tâm nguyện là giúp đời mãi mãi đẹp tươi. Tuổi trẻ với những khát khao Vươn mình chinh phục biết bao chặng đường Hành trình dù lắm tai ương Vấp ngã đứng dậy ,kiên cường tiến lên Thành công bởi thế mà nên Vượt qua giới hạn , ghi tên bảng vàng Bước ra cả vùng an toàn Hướng về phía trước học ngàn điều hay Yêu thương lan tỏa mỗi ngày Gieo mầm tử tế đời này an vui Các bạn ạ! Mỗi khi gặp khó khăn hãy luôn nhớ đến câu “Hãy luôn khát khao, hãy luôn khờ dại" như một kim chỉ nam để giúp chúng ta dám thực hiện những điều mình mơ ước. Đừng sợ sai, hãy học từ những sai lầm, vươn lên từ những thất bại, và luôn giữ tâm thế tích cực. Cuộc sống như một cuốn phim quay chậm, mình là diễn viên chính cho bộ phim đó. Hãy diễn làm sao để đến lúc xem lại thì bạn sẽ luôn mỉm cười vì mình đã trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Xin chúc các bạn thành công. Nội dung và hình ảnh: Bùi Công Huân - Học viên Content 3 gốc K7 Biên tập: BTC lớp Content 3 gốc

  • Nghệ thuật lan tỏa văn hóa đọc tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp

    Bạn say mê những trang sách, đắm chìm trong thế giới tri thức và muốn lan tỏa niềm đam mê ấy đến người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Tuy nhiên việc thuyết phục mọi người có cùng đam mê (dù điều đó vô cùng hữu ích) chưa bao giờ là điều dễ dàng. Làm sao để lan tỏa giá trị của sách tới mọi người mà không vấp phải sự chối bỏ, sự thờ ơ, né tránh? Làm thế nào để những người xung quanh bạn đến với sách một cách tự nhiên, đầy thích thú và tự nguyện? Mời bạn cùng tìm hiểu về bí quyết lan tỏa văn hóa đọc trong bài viết dưới đây nhé! Mục lục Thay đổi mình - để tạo cảm tình Thấu hiểu người - nhận sự đồng tình Luôn đồng hành - trở thành đồng minh Lời nhắn gửi Hình 1: Bạn còn nhớ, lần đầu chia sẻ cuốn sách tâm đắc với người người đồng nghiệp chưa từng đọc sách không? Khi bạn say sưa về kể nội dung cuốn sách, ánh mắt sáng ngời, giọng nói đầy hứng khởi thế nhưng phản ứng nhận về lại là những cái nhún vai, ánh mắt lảng tránh, thậm chí là câu nói quen thuộc: Mình không có hứng thú đọc sách. Sách ư? Để sau đi, mình còn nhiều việc lắm! Cảm giác lúc này của bạn là gì? Chối bỏ, khó hiểu hay là hụt hẫng? Thực tế, dù bạn có xu hướng muốn chia sẻ những điều hay và giá trị đến những người xung quanh mình, bạn mong họ cũng tiếp cận và thay đổi giống bạn, nhưng khoảng cách giữa người yêu sách và người chưa từng đọc sách là một hố sâu khó lấp đầy. Cần lắm một chiếc cầu để bắc nối, cần lắm một cách thức tinh tế để đưa họ đến thế giới diệu kỳ của tri thức tinh hoa. Và đây chính là cách bạn có thể áp dụng! Thay đổi mình - để tạo cảm tình Trong hành trình Kiến tạo văn hóa đọc, mình từng nghe một chị học viên chia sẻ rằng: Ban đầu, chị bắt con đọc sách nhưng chị nhận ra dù có đọc đều đặn thì bạn ấy cũng không hứng thú. Bởi bạn đọc do sợ mẹ mắng, không hề tự nguyện. Nhưng đến một ngày, khi chẳng còn sự ép buộc, bạn lại hào hứng khoe những cuốn truyện tranh mẹ vừa mua về thật là thú vị. Lại cũng có bạn chia sẻ: Chồng không hài lòng và thường phàn nàn mỗi khi bạn dậy sớm để đọc sách cùng nhóm bạn văn hóa đọc, nhưng sau một thời gian, chứng kiến bạn ngày càng dễ thương, chồng lại vô cùng ủng hộ bạn tham gia hành trình. Khi bạn muốn người khác làm theo lời khuyên của mình, bạn cần có 1 trong 2 điều kiện sau: Trở nên cực kì giỏi và thành công, khiến người khác tin tưởng và ngưỡng mộ: Chẳng hạn, cùng là nói về thành công nhưng câu nói của Steve Jobs có sức nặng và dễ dàng tạo niềm tin hơn một người bình thường chưa có thành tựu; cùng nói về sức khỏe, một bác sĩ dễ khiến người nghe tin tưởng hơn một người làm trong lĩnh vực khác… Trở nên cực kì dễ thương để họ cảm thấy gần gũi, có cảm tình: Ví dụ bạn muốn con chia sẻ mọi bí mật ở trường lớp thì bạn phải tạo được sự tin tưởng của con; hay một giáo viên muốn học trò giãi bày mọi tâm tư thầm kín thì thầy cô đó phải nhận được sự yêu mến… Hình 2: Trong việc lan tỏa sách hay, sách tinh hoa cũng vậy, trước tiên để người khác “học theo” bạn, bạn cần trở thành một người truyền cảm hứng đáng tin cậy. Người truyền cảm hứng không phải hô hào, không phải bảo họ “hãy đọc sách đi” mà là bắt đầu từ việc thay đổi chính mình. Sự thay đổi tích cực của bạn, thành công bạn đạt được nhờ kiến thức từ sách vở, sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị của việc đọc. Vì vậy thay đổi để là nam châm chứ đừng là thanh sắc, hãy thu hút chứ đừng đuổi bắt, tạo cảm tình chứ đừng khiến người khác bất bình. Khi tạo được cảm tình rồi bạn sẽ dễ dàng chia sẻ, kết nối, lan tỏa và tạo ảnh hưởng đến những người bạn muốn. Thấu hiểu người - nhận sự đồng tình Khi tạo được cảm tình đây là lúc bạn có thể chia sẻ với điều kiện: đừng nóng vội, đừng hấp tấp, đừng cố chấp. Chậm một chút để lắng nghe, để thấu hiểu người bạn dự định trao giá trị. Vậy bạn thấu hiểu những gì? Vậy bạn thấu hiểu những gì? Họ là ai? Cách bạn chia sẻ sách tới con cái, bố mẹ, bạn đời hay đồng nghiệp hoàn toàn không giống nhau. Vì vậy bạn cần biết người mình định “độ” nằm trong độ tuổi nào, có  tính cách, sở thích gì. Họ là cô nàng mộng mơ hay anh chàng thực tế, là người nỗ lực trong công việc hay đang tan vỡ trong tình cảm, là một người trưởng thành hay vẫn là đứa trẻ.. Hiểu rõ sở thích, đặc điểm tính cách của đối tượng sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn sách phù hợp theo 5 cấp độ, tạo cầu nối để khơi gợi niềm yêu thích được đọc và học hỏi. Họ đang cần gì? Thử quan sát xem người đó đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trong cuộc sống, giải trí thư giãn hay đơn giản là muốn mở rộng kiến thức? Việc lựa chọn sách phù hợp với nhu cầu của họ sẽ tạo hứng thú và động lực để họ tiếp tục hành trình đọc sách. Một người đề cao sự nghiệp sẽ không hào hứng với câu chuyện tình cảm nhưng nếu đó là cuốn sách về phát triển bản thân, về kỹ năng công việc chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn. Hình 3: Tình trạng của họ ra sao? Điều này cũng quan trọng không kém. Bởi người chưa có thói quen đọc sách và người đọc rồi nhưng chưa biết chọn lọc nội dung có văn hóa và đọc với thái độ có văn hóa cần sự đồng hành khác nhau. Những món “khai vị” hấp dẫn Sau khi hiểu về đối tượng cần chia sẻ, giờ là lúc bạn lên “thực đơn” cho họ. Hãy bắt đầu từ những món “khai vị” mà chỉ cần nhìn thôi, họ đã muốn thưởng thức rồi. Chọn sách phù hợp với sở thích: Đừng ép buộc người khác đọc sách theo ý bạn, hãy giới thiệu những cuốn sách liên quan đến chủ đề họ quan tâm, ví dụ như sách phát triển bản thân, sách kinh doanh, sách tâm lý, sách du lịch, v.v. Bắt đầu từ những cuốn sách cực kì dễ đọc: Đối với những người chưa có thói quen đọc sách, hãy giới thiệu những cuốn sách ngắn gọn, dễ đọc, có nhiều hình ảnh minh họa để tạo cảm giác hứng thú. Tập trung vào vấn đề nhức nhối hiện tại: Thật dễ dàng khiến một người đang gặp vấn đề lớn trong cuộc sống đọc sách. Một người đang cần hàn gắn mối quan hệ chắc chắn sẽ biết ơn khi bạn trao cho họ cuốn sách về chữa lành, một người khao khát kiến tạo thói quen tốt sẽ vui biết chừng nào khi được cầm trên tay cuốn sách giúp giải quyết triệt để vấn đề đó… Tạo phần thưởng khi đọc sách: Cách này áp dụng khá hữu hiệu, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bạn có thể yêu cầu một đứa trẻ đọc một cuốn sách, đúc kết lại và sau đó tặng một món quà bạn ấy yêu thích. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng chủ yếu thời gian đầu và giảm dần về sau, nhằm tạo thói quen đọc sách. Hoặc đơn giản là bạn để sách ở những nơi họ thường thấy. Ban đầu có thể người đó không để ý nhưng lâu dần, việc xuất hiện thường xuyên của những cuốn sách sẽ gây chú ý cho họ. Đó là lý do những bà mẹ ở Phần Lan thường đưa con tới thư viện, tới hiệu sách từ rất sớm, cả khi chúng chưa biết đọc biết viết. Hình 4: "Ai đó một khi đã học được cách đọc, thì họ sẽ tự do mãi mãi, vì việc đọc là cầu nối tới sự tự do." - Frederick Douglass Tóm lại, lan tỏa việc đọc sách là một hành trình dài cần sự kiên nhẫn và tinh tế, cần “mưa dầm thấm lâu”. Vì vậy, thay vì áp đặt và kỳ vọng, hãy dùng sự thấu hiểu, yêu thương và những hành động thiết thực để truyền cảm hứng cho người thân. Từ đó việc đọc sách trở thành niềm vui chung, gắn kết mọi người cùng khám phá thế giới tri thức vô tận.  Hãy giúp họ biến việc đọc sách thành một "món ăn tinh thần" hấp dẫn, chứ không phải nhiệm vụ bắt buộc nhé! Luôn đồng hành - trở thành đồng minh Có những đứa trẻ hồi nhỏ mê sách vì thường được ba mẹ đọc cho nghe nhưng lớn lên việc đọc sách chỉ còn ký ức. Có những người đi vào một khóa học, đọc sách say mê nhưng khi rời khỏi hành trình, không còn đồng đội, thói quen đọc cũng biến mất. Lại có những người lập cho mình kế hoạch đọc sách rất bài bản chi tiết nhưng chỉ được vài ba ngày quyết liệt, sau đó tất cả chỉ còn là trang giấy. Tạo sao lại vậy? Giai đoạn này không phải họ không biết việc đọc sách giá trị nhưng không đủ động lực để duy trì. Cũng giống như việc bạn biết ăn ít tốt cho sức khỏe, giảm cân thì trông sẽ ưa nhìn hơn nhưng không phải ai cũng làm được. Vì vậy, bạn đã mất nhiều công sức để truyền cảm hứng, để tạo cảm tình và thấu hiểu rồi, đừng để “công trình” tâm huyết và ý nghĩa của mình đứt gánh giữa đường nhé! Tương tác, thảo luận để tạo sự ghi nhớ Thi thoảng hay hỏi người thân, bạn bè của bạn rằng họ thích thú với nội dung nào nhất trong cuốn sách, có ấn tượng chi tiết abc không, có quan điểm gì với suy nghĩ của tác giả…Cứ như vậy, sự hỏi han, kích thích nhu cầu trao đổi, thảo luận sẽ khiến họ ghi nhớ và cảm thấy thú vị về cuốn sách mình đang đọc. Hình 5: Chia sẻ trải nghiệm để gợi niềm tin Hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi mới bắt đầu đọc sách. Đó có thể là cảm giác chán nản khi đọc xong không nhớ gì hoặc không biết áp dụng vào cuộc sống như thế nào. Là một người đi trước, hãy chia sẻ trải nghiệm cá nhân của bạn, ví dụ bạn từng gặp khó khăn trong việc đúc kết nội dung sách, nhưng sau đó bạn đã tìm ra phương pháp hiệu quả như thế nào. Thành công của bạn sẽ truyền cảm hứng để họ tự tin đi qua những ngày khó khăn vì “bạn làm được, chắc chắn tôi cũng làm được!” Cộng hưởng năng lượng từ cộng đồng Môi trường đọc sách đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc. Việc có một không gian đọc sách sẽ  khiến người đọc trở nên hào hứng hơn. Vì vậy đừng ngần ngại đưa bạn bè của mình tới những nhà sách, thư viện hoặc các lớp học về văn hóa đọc, các dự án đọc sách để cộng hưởng năng lượng từ cộng đồng. Hình 6: Đó là những tip sẽ giúp bạn đồng hành đến tận cùng, đồng hành có kết quả trên hành trình lan tỏa điều tử tế và tinh hoa tới những người xung quanh. *** Lời nhắn gửi Có một điều kì diệu xảy ra khi bạn đọc sách, đó là bạn sẽ được du hành tới những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, trải nghiệm những cuộc đời mới. Vì vậy đừng ngần ngại chia sẻ điều đó với người thân, bạn bè, đồng nghiệp nhưng với tâm thái tùy thuận duyên - tận nhân lực nhé. Chúc bạn sẽ lan tỏa được văn hóa đọc sách tới nhiều người một cách đầy tự nhiên và  nghệ thuật! Nội dung: Nhàn Lý Hình ảnh:

  • [Sách hay] Đã bao giờ bạn tự hỏi: "Chúng ta sống có vui không?"

    MỤC LỤC 1.Chúng ta sống có vui không? 2.Người cha trưởng thành 3.Người con trưởng thành 4.Người lớn trưởng thành *** Cuộc sống bộn bề, con người ta càng trưởng thành càng có những câu hỏi thật khó trả lời. Nếu có ai đó hỏi: Bạn sống có vui không? Dạo này bạn ổn chứ? Thì bạn sẽ cảm thấy ra sao, có bất giác dừng lại ba giây suy nghĩ, hỏi thầm trong lòng liệu mình có đang vui? Chúng ta sống có vui không? Câu hỏi tưởng dễ nhưng hoá ra thật khó trả lời. "Đây có phải là người 10 năm sau sẽ vẫn đứng bên cạnh cuộc đời chúng ta? Sẽ vẫn chăm sóc, yêu thương, chiều chuộng, lắng nghe hoặc bao dung cho chúng ta như đã và đang?” Tác giả Nguyễn Phong Việt đã đặt ra câu hỏi như vậy ở ngay trang sách đầu tiên của tập tản văn “Chúng ta sống có vui không?” – xuất bản năm 2020. Đây là tập tản văn đầu tiên trong chuỗi tiếp theo đó là Chúng ta sống là vì (2021) và Chúng ta sống để lắng nghe (2022). 3goc.vn gắn đường dẫn mua sách trên Tiki. Việc nhấn vào đây sẽ không ảnh hưởng đến giá cả và chất lượng sách như mua trực tiếp. Và bạn biết không, trong số chúng ta có bao nhiêu người tự tin nói rằng 10 năm nữa, người bên cạnh mình ngày hôm nay sẽ vẫn luôn ở bên cạnh mình. Ngay cả bản thân người đặt ra câu hỏi ấy cũng chỉ có thể khẳng định một điều rằng, hãy cứ vui trong niềm vui hiện tại mà thôi. Tác giả Nguyễn Phong Việt được biết đến với những tập thơ tình yêu được ra mắt vào mỗi mùa giáng sinh từ những năm 2012 đến 2021. Những bài thơ anh viết, những tản văn anh viết rất đời và chạm tới nhiều độc giả. Nếu như ở các tập thơ trước, anh thường viết về tình yêu với muôn hình vạn trạng, làm trái tim độc giả thổn thức theo từng cung bậc của tình yêu: rung động, ngọt ngào, buồn bã, giận hờn, đau khổ, tổn thương và bị tổn thương; thì tập tản văn đầu tiên của anh “Chúng ta sống có vui không?” lại mang màu sắc hoàn toàn khác. Tập tản văn vẫn tràn đầy tình yêu nhưng không chỉ gói ghém ở tình yêu nam nữ mà rộng hơn, sâu hơn, gần gũi hơn, thân thương hơn, đó là tình yêu dành cho chính mình, cho gia đình, tình yêu cha mẹ, tình yêu con cái. Mỗi một bài viết của tập tản văn là một chủ đề khác nhau, là những trải nghiệm của tác giả ở những thời điểm khác nhau và cũng đem đến cho người đọc những cảm nhận khác nhau. Dưới đây là 3 cảm nhận của mình về quyển sách “Chúng ta sống có vui không?” mà mình muốn chia sẻ với các bạn. Người cha trưởng thành Mình như được chứng kiến hành trình trưởng thành của một người cha từ khi có con trai của anh Việt, thấu cảm được những nỗi vất vả, sự cố gắng của anh từng ngày. Anh đã viết những suy nghĩ của phần lớn những người cha, người mẹ “Hãy nghĩ đến con cái như một hạt mầm mà chúng ta gieo xuống mảnh đất tâm hồn và sức khỏe của chúng ta. Đừng vì một phút bốc đồng, vì sự cả nể, cũng đừng vì những lời nói của đám đông hay một nét văn hóa nào đó của gia đình mà dấn thân vào con đường làm cha mẹ khi chưa thấu hiểu hết hai chữ trách nhiệm”. Và hạnh phúc khi có con là “một loại hạnh phúc có trách nhiệm”. Đứa trẻ được sinh ra, cần được yêu thương và chính đứa trẻ ấy là người thầy dạy chúng ta trưởng thành; dạy chúng ta phải biết quan sát, nhìn đời bằng đôi mắt trẻ con; dạy chúng ta phải biết nhẫn nại, kiên nhẫn với hàng ngàn câu hỏi vì sao; dạy chúng ta biết trân quý sức khỏe như thế nào để mạnh mẽ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho con. Trải nghiệm làm cha là trải nghiệm quý giá trong cuộc đời, không ai dạy anh làm cha của một đứa bé sẽ như thế nào? Nhưng khi đọc bức thư anh gửi cho con trai, mình có thể thấy niềm hạnh phúc lớn nhất trong những ngày có con của anh là mỗi ngày được nhìn thấy nụ cười của con mỗi khi thức dậy, là khi đưa đón con đi học, là khi con cười lúc đang ngủ. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng đôi khi người ta lại thường không nghĩ tới. Anh mong con trai trở thành một người bình thường, khỏe mạnh, là chính con chứ không phải là một ai khác. Làm bạn với con, chăm con cần cả bản năng và kỹ năng – là những gì anh đúc kết được trong quá trình cùng con lớn lên và chắc hẳn những ông bố bà mẹ khi đọc tới đó đều sẽ chậm lại, ngẫm xem: Mình đã có đang làm bạn với con không? Có đang áp đặt suy nghĩ và cách nhìn của người lớn lên con không? Có biết con đang vui, đang buồn hay đang có niềm ao ước nào muốn thực hiện không? Người con trưởng thành Có con rồi mới biết lòng cha mẹ, tập tản văn không chỉ cho chúng ta thấy hình ảnh một người cha trưởng thành ra sao mà còn hiển hiện lên một người con sau khi làm cha đã trở nên sâu sắc và chín chắn lên như thế nào. “Con nhận ra má chưa bao giờ đòi hỏi con phải làm bất cứ thứ gì để báo hiếu cho ba má. Má chưa bao giờ than mệt sau nhiều đêm thức trắng lo cho con”, chia sẻ của tác giả. Chúng ta luôn nghĩ rằng ba mẹ sinh ra chúng ta là ba mẹ có nghĩa vụ phải lo cho chúng ta. Nhưng không, đó là sự lựa chọn. Ba mẹ đã lựa chọn yêu thương những đứa con một cách vô điều kiện và không cần báo đáp lại. Công ơn sinh thành này muôn đời không thể nào trả được, và việc của mình là hãy sống thật tốt và yêu thương chính mình và cũng dành tình yêu thương tới những đứa con của mình. Cái giá của sự trưởng thành đôi khi là thời gian ở bên cạnh người thân không còn nhiều nữa. Việc đơn giản mà ta muốn làm có khi lại phải mất rất nhiều năm. Như cái cách tác giả nhắc nhớ về ký ức đi chợ Tết cùng má lúc bé thơ, lúc 30 tuổi và khi má đã lên ở cùng trên thành phố. Vẫn là cái nắm tay giữa má và con, vẫn là chợ Tết nhưng con đã lớn, má đã già và giỏ đồ mua chợ Tết càng ngày càng giảm đi. Chỉ còn là sự biết ơn và trân trọng vì má vẫn còn đó, khỏe mạnh, mỉm cười mỗi khi Tết đến xuân về. Có một chi tiết nữa mà mình tin rằng bất kỳ ai khi đọc đến cũng sẽ ngồi nhớ lại hình ảnh sum họp của gia đình mình những ngày giáp Tết. Một không gian trong khoảng sân trước nhà; các thế hệ ông bà, con cháu quây quần bên nhau; những câu hỏi han về công việc, sức khỏe; mùi bánh chưng, bánh tét nồng ấm và người ta gọi đó là hương vị tình thân. Người lớn trưởng thành “Chỉ cần mặt đất không sụp xuống thì bạn luôn có lý do để bước đi”. Tác giả dành cả một trang giấy chỉ để ghi lại vài chữ vẻn vẹn như vậy, nhưng nó lại mang giá trị lớn lao và giúp chúng ta nhìn lại bản thân mình. Chúng ta có thực sự đã trưởng thành đúng nghĩa chưa? Chúng ta cần phải học cách đi một mình dù bên cạnh có ai đi chăng nữa. Và “tất cả những gì chúng ta cần, khi phải đi một mình, chỉ duy nhất một thứ khí chất con người”. Mình học được cách yêu thương bản thân mình một chút, quan tâm tới sức khỏe của mình, tập luyện thể dục thể thao, ăn uống khoa học. Mình học được cách phải học tập giỏi hơn mỗi ngày bằng việc đọc sách, vun bồi bản thân, vượt qua thử thách của công việc. Mình học được cách cười nhiều hơn, dang rộng đôi tay và mở lòng bao dung với chính mình và mọi người xung quanh. Và khi trưởng thành, “chúng ta cần một chút mất mát”. Tác giả đã trải qua những nỗi đau, những mất mát, sự chia ly người thân, người yêu và từ đó nhận ra “Người nhiều tổn thương sẽ càng như lúa chín cúi đầu”. Không có cách nào khác giúp con người ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn bằng cách tự mình vượt qua những mất mát ấy và biết ơn, vì nhờ nó mà ta biết được sức chịu đựng của chúng ta đến đâu, và đón nhận nó như một điều tất yếu phải xảy ra. Cùng với đó, chúng ta cũng nợ bản thân một lời xin lỗi; vì những tháng ngày đắm chìm trong đau khổ khi chia tay một cuộc tình; vì những sầu muộn khi gặp thất bại trong cuộc sống; vì cứ đi xin lỗi hết người này, yêu thương hết người kia mà không biết rằng, bản thân mình mới làm mình trở nên hạnh phúc. Chúng ta sống có vui không là ở nhận thức của chính chúng ta, chứ không phải từ ngoại cảnh hay bất kỳ một ai khác. Ở những trang cuối cùng của tập tản văn, “Chúng ta sống có vui không?, tác giả đã vẽ lên một ngôi nhà mà bất cứ ai trong số chúng ta cũng muốn trở về. “Về nhà” - là tên tập tản văn cuối cùng trong quyển sách. Nhà không hẳn là ngôi nhà cao sang, giàu có, biệt thự đầy đủ tiện nghi mà là nơi có ba, nơi có mẹ, nơi có con, nơi có những con người thân thương hoặc có khi không có ai cả nhưng ta lại tìm thấy chính ta, nơi nương tựa trong tâm hồn mình. Tác giả chia sẻ ”Nhưng nếu lỡ may, ai đó, không có ai hay nơi nào đó để trở về, thì hãy trở về với lòng mình. Đó thực sự là một ý niệm trở về nhà, theo một cách rất khác. Vì…Sẽ có một ngày biến hóa chân mây, lòng mình vui lại đầy!” Từ một người đầy tổn thương và tự chữa lành những tổn thương ấy bằng những yêu thương chính mình, yêu thương con cái, yêu thương gia đình và yêu thương cuộc sống, tác giả đã viết lên câu chuyện của bản thân nhưng lại như nói lên câu chuyện của biết bao nhiêu người. Nếu như bạn cũng có những câu hỏi về chính mình mà bản thân chưa trả lời được thì một buổi sáng cuối tuần nào đó, bạn có thể ngồi hóng gió nơi góc ban công, nhâm nhi ly cà phê và đọc tập tản văn “Chúng ta sống có vui không?” Sau đó từ từ chiêm nghiệm lại cuộc sống của mình, tâm hồn của mình, liệu rằng mình có đang thực sự vui không? Liệu rằng có con sóng ngầm nào đang lẩn trốn sâu thẳm trong trái tim mình, rồi từ từ nhìn thấy những nỗi đau, lấy ra những vụn vỡ để nhẹ lòng trở về ngôi nhà bình yên bên trong của mình. Và nhận được câu trả lời cho câu hỏi "Bạn có đang sống vui không?" ở phần bình luận bên dưới nhé! *** Nội dung: Quyên Phạm - Học viên Content 3 Gốc K5 Biên tập: Khánh Vi Hình ảnh: Bùi Công Huân - Học viên Content 3 gốc K7 Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên Tiki. Việc mua sách thông qua 3goc.vn vẫn đảm bảo về giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. Chúng tôi quảng bá và nhận về khoản hoa hồng nhỏ, nhằm duy trì nội dung hữu ích cho kênh. Rất mong độc giả ủng hộ!

  • Bạn có đang đọc sách đúng cách không?

    Như George RR Martin đã từng nói : “Người đọc sách sống một ngàn cuộc đời trước khi chết. Người không bao giờ đọc chỉ có duy nhất một cuộc đời". Sách là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, chìa khóa khai mở tiềm năng bản thân. Vậy bạn đã thực sự đọc sách đúng cách? Hãy cùng khám phá bài viết này để tìm câu trả lời! Mục lục Bước đầu chập chững - tưởng vững mà sai Văn hóa đọc sách - cải cách tầm nhìn Đọc sách tỉnh thức - giá trị đích thực Bước đầu chập chững - tưởng vững mà sai Những bước đầu gian nan Tôi xuất thân trong một gia đình có bố làm bác sĩ, mẹ là giáo viên. Trong nhà tôi cũng có một tủ sách lớn chứa đầy các loại sách với nhiều thể loại, nào là " Điều trị Đái Tháo Đường? ", "Cẩm nang dùng thuốc" hay "Cải cách giáo dục tiểu học”... Với bản tính tò mò, tôi cũng bắt đầu mân mê đi giở từng trang sách để khám phá những điều thú vị. Nhưng càng đọc tôi càng thấy chán ngắt, toàn kiến thức chuyên môn, không có gì hấp dẫn cả. Một bước ngoặt lầm tưởng Một lần trên đường đi học, tôi vô tình nhặt đường cuốn sách với tựa đề “Tottochan cô bé bên cửa sổ". Tôi vẫn nhớ như in cuốn sách đó, bìa nó màu vàng có vẽ hình một cô bé rất nhỏ nhắn đáng yêu đang ngắm nhìn qua cửa sổ. Thời điểm đó vì chưa thích đọc nên phải mất 1 tuần tôi mới đọc xong cuốn sách đó. Cuốn sách kể về hành trình đi học của cô bé Tottochan và ước mơ xây dựng một ngôi trường mơ ước của thầy Kobayashi ở đất nước Nhật Bản. Tôi say mê với văn viết rất nhẹ nhàng và lôi cuốn. Tôi đọc lui đọc lại cuốn sách, đến mức tôi không nhớ mình đã đọc bao nhiêu lần nữa. Tiêu khiển và làm giàu Và tưởng cứ thế là tôi thích đọc sách phải không? Câu trả lời là không các bạn ạ. Tôi đọc được mỗi cuốn đó và xong bắt đầu lao vào đọc truyện tranh. Tôi đắm chìm vào bộ truyện dài với những cuộc phiêu lưu kỳ thú của các anh hùng đi giải cứu thế giới. Và cho đến lúc vào năm tư đại học thì tôi mới bắt đầu đọc sách lại. Những cuốn sách đều phục vụ cho công việc đa cấp là chính. Chủ đề những cuốn sách đều xoay quanh về phát triển bản thân, đầu tư và kinh doanh, với mục đích là có một phần nhỏ kiến thức để làm slide thuyết trình cho CLB Làm Giàu của nhóm Đa Cấp thời đó. Tình yêu thật sự đến Sau khi ra trường đi làm tôi hầu như không có đọc một cuốn sách nào. Cho tới khi được anh trai giới thiệu cuốn"Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của Roise Nguyễn. Cuốn sách giúp tôi hiểu được giá trị của việc tự học và các kỹ năng cần phải có cho công việc của mình. Và tình yêu đọc sách của tôi bắt đầu từ đó. Tôi bắt đầu lao vào đọc sách, tôi đọc đủ thể loại từ Tiểu thuyết kinh điển, trinh thám, tâm lý cho đến phát triển bản thân. Cuốn tôi yêu thích nhất là “Không gia đình” của tác giả Hector Malot. Một câu chuyện nhân văn và kết thúc có hậu, cuốn sách kể về cuộc phiêu lưu đầy thú vị của cậu bé Remi, trải qua biết bao nhiêu khó khăn và gian khổ đã tìm được gia đình nhỏ đã thất lạc của mình. Mặc dù đã đọc sách nhưng cảm giác trong người vẫn còn thiếu một thứ gì đó ? Văn hóa đọc sách - cải cách tầm nhìn Tình cờ vào năm 2023 được người thân giới thiệu tôi đã đăng ký tham gia "Hành trình Kiến Tạo Văn Hóa Đọc K7". Sau hơn 2 tháng đào luyện cùng đồng đội và tham gia trọn vẹn hành trình đã giúp tôi NGỘ ra rất nhiều điều. Tôi đã bắt đầu trả lời được câu hỏi: Tại sao tôi chưa duy trì được thói quen đọc sách? Tại sao lâu nay tôi đọc sách nhiều nhưng không đạt hiệu quả cao? Tại sao tôi không áp dụng được sách vào trong đời sống? Tôi biết ra được rằng lâu nay tôi đã hiểu chưa đúng về giá trị của đọc sách. Tôi đọc sách đa phần chỉ với mục đích để tiêu khiển, giết thời gian và phục vụ cho công việc là chính. Chứ không phải là một công cụ để giúp tôi tiếp cận được nền tri thức mới và đồng hành cùng tôi trên con đường “Học tập suốt đời” Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ, mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ”. Học mà không “tiêu hóa”, có khác nào con chim nhả cỏ, con tằm nhả dâu. – Trích trong cuốn Tôi Tự Học của tác giả Nguyễn Duy Cần Một sai lầm nữa trong việc đọc sách là tôi chỉ đọc sách để biết qua các nội dung cơ bản mà không có thực sự đào sâu khi chép lại các ý chính, đúc kết thành bài học cho bản thân và áp dụng nó vào trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra lâu nay tôi chỉ chọn sách vì sở thích chứ chưa biết phân loại sách và chọn lựa các sách tinh hoa để đọc. Các cuốn sách hay thường là của các tác giả nổi tiếng , các cuốn sách được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ra mình tìm kiếm bằng cách xem qua mục lục, review hay qua chia sẻ của các độc giả khác. Một yếu tố khác tôi không để ý đến là việc lựa chọn không gian và thời gian đọc sách cũng ảnh hưởng rất lớn tới việc đọc sách hiệu quả. Và rồi từ đó tôi đã bắt đầu đọc sách bằng một tâm thái hoàn toàn khác. Tôi hiểu sâu sắc hơn về giá trị tuyệt vời mà sách mang lại cho chúng ta. Đọc sách tỉnh thức - giá trị đích thực Sau khi hiểu ra giá trị của việc đọc sách, tôi bắt đầu đi vào nghiên cứu sâu thêm các phương pháp để giúp đọc sách hiệu quả hơn. Sau đây là một số phương pháp mình đang áp dụng và rất hiệu nghiệm: Xác định rõ mục tiêu Trước khi bắt đầu đọc, hãy xác định mục tiêu hoặc lý do bạn muốn đọc cuốn sách đó. Điều này giúp bạn tập trung hơn và có mục đích rõ ràng khi đọc. Chọn lựa sách phù hợp Để lựa chọn sách phù hợp các bạn có thể xem qua các kênh Review sách về sách rất chi tiết và nội dung hay có sàng lọc ở kênh Youtube: Spiderum Channel, Better Version Channel. Sắp xếp thời gian đọc Cần có sự phân chia và lựa chọn thời gian đọc sách hợp lý với bản thân. Chọn thời gian đọc sách vào lúc mình rảnh rỗi trong ngày, có thể là sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Một điều nữa là đừng tạo áp lực quá lớn khi mới bắt đầu, chỉ cần vài trang sách và bỏ ra khoảng 10-15p đọc sách nhưng liên tục mỗi ngày. Ứng dụng kỹ thuật đọc Học và luyện tập kỹ thuật đọc nhanh của Tony Buzan, “Kỹ thuật đọc sách siêu tốc” của TS Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Hà Books). Dùng sơ đồ đúc kết Mình thường dùng sơ đồ tư duy Mindmap để đúc kết ý chính, ý chạm và nội dung cốt lõi của cuốn sách. Đây là công cụ ghi chú sáng tạo, giúp hệ thống hóa thông tin và kích thích tư duy. Với việc sử dụng hình ảnh, màu sắc và từ khóa để liên kết các ý tưởng, tạo bản đồ trực quan dễ nhớ, đây chắc chắn là một công cụ hữu hiệu giúp ghi chép và đúc kết lại cuốn sách đã đọc. Tham gia các khóa học Nếu đã áp dụng hết những phương pháp trên mà hiệu quả đọc sách vẫn chưa cải thiện như mong muốn, bạn có thể rút ngắn thời gian bằng cách tham gia các khóa học. Cách này giúp bạn cải thiện kỹ năng đọc sách của mình hiệu quả và nhanh chóng, không mất nhiều thời gian để mày mò. Hiện tại có 2 khóa mà mình đã tham gia rất hay và hiệu quả là: Hành trình kiến tạo Văn Hóa Đọc của Trí Tuệ Việt Nam  và Đọc sách sâu của Viện đào tạo Bách Khoa. Hai khóa học này hoàn toàn miễn phí và giúp mình hình thành được kỹ năng đọc sách , đúc kết sách và ứng dụng sách vào trong thực tiễn. Sau khi đọc sách nhiều tôi bắt đầu khám phá thêm được rằng " Để một con người phát triển toàn diện thì cần vun đầy cả 3 gốc rễ : Đạo đức - Trí Tuệ - Nghị Lực". Con đường để hoàn thiện bản thân đó đều phải thông qua phương thức "Tự học" và cần xây dựng cho mình môi trường "Tam Bảo" để rèn luyện. Tam Bảo ở đây là " Thầy Hiền Trí - Nhóm bạn tốt - Tủ sách hay". Nhờ nhận thức đó, tôi bắt đầu gia nhập Cộng Đồng GNH và bắt đầu con đường "Tự học" của mình. Hành trình đọc sách từ lúc thơ bé đến khi trưởng thành giúp tôi nhận ra rằng đọc sách cũng cần có phương pháp đúng đắn. Điều đó giúp tôi từ một người không biết đọc đã biến sách thành một người bạn tâm giao; từ một người coi đọc sách để tiêu khiển đã biết biến sách trở thành công cụ hữu ích giúp rèn luyện bản thân và hoàn thiện chính mình. Sách là kho tàng quý giá của toàn nhân loại, nó là những tinh hoa sâu sắc nhất của các bậc hiền trí , vĩ nhân mà ai cũng cần phải trau dồi và hấp thụ hàng ngày. Đọc sách như luyện kiếm, cần rèn luyện mỗi ngày để đạt tới cảnh giới cao siêu. Mỗi trang sách là một bí kíp võ công, ẩn chứa vô vàn tuyệt kỹ, giúp ta khai phá tiềm năng và bứt phá bản thân. Hãy biến việc đọc sách thành thói quen, như một vị hiệp khách rong ruổi trên con đường tri thức, không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản lĩnh. Đừng ngại dấn thân vào những trận chiến cam go, bởi mỗi lần chiến thắng là một lần ta trưởng thành và tiến gần hơn đến đỉnh cao võ học. Chúc bạn thành công. Nội dung: Bùi Công Huân - Học viên Content 3 gốc K7 Biên tập: Nhàn Lý Hình ảnh: Bùi Công Huân

  • [Sách hay] Happy children - Hiểu về trẻ để dạy con trong hạnh phúc

    MỤC LỤC 1.Happy Children - ước mơ quá xa xôi 2.Happy Children đến với mình như thế! 3.Happy Children có gì làm mình tâm đắc! 4.Happy Children - ai nên đọc cuốn sách này? 5.Happy Children - những điều cho bản thân *** Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tổn thương thời thơ ấu” - Alfred Adler Trước đây, khi mới sinh con đầu lòng, mình khá tự tin cho rằng với những gì mình đang làm, con mình lớn lên chắc chắn thành người “văn võ song toàn” có ích cho xã hội. Nhưng từ khi trở thành mẹ của 3 đứa trẻ đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, mình bắt đầu nghi ngờ nhân sinh quan của bản thân “Liệu những gì mình đang có đã đủ để nuôi dạy con nên người.” Happy Children - ước mơ quá xa xôi Cả ngày mình cứ quay như chong chóng mà không kịp việc. Mình bị tẩu hỏa nhập ma vì phải chuẩn bị 2 đến 3 chế độ ăn, 3 chương trình học và chơi khác nhau; rồi thì giặt giũ, dọn dẹp, tắm rửa, trò chơi, đọc sách. Ba cái miệng trẻ thơ liên tục í ới “Mẹ ơi” và đứa nào cũng muốn được mẹ đáp ứng ngay. Cậu Cả và cậu Hai làm đầu mẹ quay mòng mòng với hàng ngàn câu hỏi “Mẹ ơi tại sao?”. Mình thì tay vừa làm việc, vừa liên tục trả lời con. Cô em Út chỉ cần mẹ chưa kịp cho ti, là đã ngoác mồm gào lên như thể đang bị ai bắt nạt oan ức vậy. Nhưng đâu phải câu hỏi nào mẹ cũng có thể trả lời được, đâu phải mong muốn nào mẹ cũng đáp ứng kịp thời. Ngay cả tuổi thơ, bản thân mình cũng còn nhiều thắc mắc chưa được bà ngoại trả lời, hay vẫn còn nhiều mong muốn chưa được thực hiện. Dù không nỡ từ chối con, nhưng bản thân người mẹ còn nhiều hạn chế này vẫn thừa nhận là chưa đủ khả năng để trở thành bà mẹ thông thái. Mình nghĩ, nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài chắc là bản thân sẽ không chịu đựng nổi mất. Chưa kể, mình còn thường xuyên rơi vào mâu thuẫn nội tâm khi bao nhiêu lời khuyên từ họ hàng, người thân, hàng xóm hào phóng dành cho mình. Mình nghi ngờ tính hiệu quả nên ậm ừ cho qua chuyện. Với lối dạy con truyền thống thì ông bà, bố mẹ, cô chú, cậu dì sẽ trở thành cảnh sát thường trực. Có nghĩa là các con bị ngăn cấm đủ điều, con không được làm cái này, không được làm cái kia, phải làm cái này, phải làm cái kia. Các con không được tự do vận động vì sợ ngã, sợ trầy, cấm tiếp xúc với thiên nhiên vì sợ bẩn, sợ bệnh; rồi các con bị ép ăn, ép uống; nào sữa, thực phẩm chức năng, nào sơn hào hải vị; thậm chí còn bị ép tập viết chữ, tập chào những người lạ mặt không quen… Ti tỉ thứ luật lệ được sinh ra từ người lớn rồi áp lên bọn trẻ, chỉ vì chúng còn nhỏ. Mình cứ tự hỏi “Liệu những người mẹ đang trong tình trạng tương tự như mình họ sẽ xử lý như thế nào nhỉ?” Happy Children đến với mình như thế! Mình bỏ ra rất nhiều thời gian tìm đọc rất nhiều thông tin trên mạng xã hội, các tờ báo, tuy nhiên vẫn chưa tìm được câu trả lời có thể thuyết phục được mình, nó chỉ mang tính cung cấp thông tin mà không có kiểm chứng. Sau đó, mình bắt đầu tìm hiểu và tham gia nhiều khóa học về dạy con. Một số khóa học giúp mình có được vài tuyệt chiêu xử lý vấn đề, nhưng nó chỉ giải quyết được phần ngọn trong một vài tình huống nhất định. Cho đến khi tham gia hành trình “30 ngày bạn cùng con chuyển hóa” của Trí Tuệ Việt Nam, khoá học do cô Minh Hảo và cô Thu Ba phụ trách giảng dạy. Lúc này mình được các cô khai ngộ, tư vấn, và giúp mình hiểu được cái cốt lõi của vấn đề. Các cô còn giới thiệu cho bố mẹ về các khóa học nâng cao, về cách đọc sách, cách khai thác tài liệu, và giới thiệu những cuốn sách tinh hoa trong làng dạy con. Và Happy Children - Giáo sư Hà Vĩnh Thọ do nhà sách Thái Hà liên kết với nhà xuất bản Lao động xuất bản là một trong những cuốn sách ấy. Đây là cuốn sách mà mình vô cùng tâm đắc, là cẩm nang không chỉ dành cho các bậc phụ huynh mà còn vô cùng cần thiết cho các nhà giáo dục. 3goc.vn gắn đường dẫn mua sách trên BKE Shop. "Góp gạo nuôi quân" cùng BKE Shop chung tay lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc. Giáo sư Hà Vĩnh Thọ là người sáng lập ELI - học viện Eurasia vì hạnh phúc và an lạc, kiêm chủ tịch quỹ Eurasia, từng là giám đốc trung tâm tổng hạnh phúc quốc gia Bhutan từ 2012 đến 2018. Thầy từng đào tạo nhiều chuyên gia nhân học tại các trường đại học nổi tiếng thế giới, biên soạn giáo trình trường học hạnh phúc cho hệ thống giáo dục công lập của Việt Nam. Hiện tại thầy đã sáng lập và sinh sống tại cộng đồng Tịnh Trúc Gia ở Huế. Happy Children có gì làm mình tâm đắc! Tình cảm vợ chồng và nuôi dạy con cái là 2 thành tố vô cùng quan trọng trong hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội. Nó là cả một quá trình lâu dài, nhưng lại rất ít người được đào tạo, được hướng dẫn bài bản. Vợ chồng hay cha mẹ chủ yếu hành động theo bản năng và thói quen khuôn mẫu, vì thế những ảnh hưởng lẫn nhau sẽ trong vô thức. Với trăn trở làm thế nào để cha mẹ có thể hiểu về sự phát triển của trẻ, nuôi dạy con trong an lạc và hạnh phúc, nên thầy đã cho ra đời cuốn sách này. Nội dung chính cuốn sách chia làm 3 phần: Phần đầu tiên hiểu về sự phát triển của trẻ: gồm 3 giai đoạn chính là thời thơ ấu, tuổi tiểu học và thanh thiếu niên. Phần này thiên về lý thuyết tổng quan để giúp chúng ta hiểu biết đúng đắn để đồng hành cùng con. Thời thơ ấu là giai đoạn vàng giúp con phát triển tính thiện lành, vì vậy mọi đối xử với trẻ cần hướng đến điều này. Ở trường mẫu giáo, quan trọng nhất là việc chơi đùa, các con cần học mà chơi, chơi mà học. Tuổi tiểu học, con cần làm quen với nhịp điệu cân bằng. Ngưỡng cửa thanh thiếu niên, các con bắt đầu có nhiều thay đổi về mặt thể lý, đối mặt với nhiều thách thức của cuộc sống. Trẻ em đang phát triển những năng lực hết sức đa dạng, đó là: năng lực xã hội; các kỹ năng như ngôn ngữ, vận động, âm nhạc, tư duy logic, hình học không gian, sắp xếp và lập kế hoạch... Do đó chúng ta cần có hiểu biết đúng đắn để phát huy năng lực của con. Phần thứ hai nuôi dạy con với sự chú tâm: cung cấp ví dụ thực tiễn về việc áp dụng lý thuyết vào thực tế gia đình. Quan trọng nhất trong phần này là chúng ta cần học cách chọn lựa hiện diện đích thực, đồng cảm và lắng nghe sâu. Ở đây có rất nhiều bài tập thực hành thú vị mà cha mẹ có thể lựa chọn để áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại gia đình. Phần 3 của cuốn sách giải thích nền tảng của chương trình trường học hạnh phúc. Trong phần này, tác giả đề cập đến vai trò của giáo dục trong lịch sử nhân loại và lý do tại sao chúng ta phải xây dựng trường học hạnh phúc, cũng như những kết quả đã đạt được. Tựa đề cuốn sách là Happy Children (dịch nôm na là Trẻ em hạnh phúc) nhưng giá trị của nó lại tác động trực tiếp đến bố mẹ và người làm giáo dục. Sự tác động này chính là giúp người lớn hiểu về sự phát triển của trẻ, từ đó có những phương pháp phù hợp với từng bé. Bạn có thể tìm đọc nội dung đầy đủ quyển sách Happy Children - Giáo sư để hiểu rõ hơn những chia sẻ trong bài viết! Những đứa trẻ cần nhất là môi trường sống - nơi đó là gia đình và nhà trường, để giúp con trẻ tận hưởng những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc. Nơi ấy con phát huy được hết tiềm năng bản thân, hiểu chính mình và biết yêu thương cuộc sống. Nơi ấy, cha mẹ nhờ hiểu biết về con cái mà hành trình nuôi dạy trẻ trở nên nhẹ nhàng và thi vị hơn nhiều. Happy Children - ai nên đọc cuốn sách này? Thứ nhất là các bậc phụ huynh. Các bố mẹ cần hiểu rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập có cá tính riêng, có phương thức tiếp cận riêng, cha mẹ cần chấp nhận sự khác biệt này, đồng thời hiểu sâu sắc hơn về những điều mà đứa trẻ đang trải qua. Trẻ em hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Chúng ít được gần gũi với thiên nhiên, bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử, và không được rèn nề nếp gia phong từ ông bà. Hơn thế nữa, cha mẹ cũng đang gặp khó khăn về tài chính khi chọn môi trường giáo dục cho con. Vì thế cuốn sách sẽ giúp bố mẹ có những chất liệu để cùng suy ngẫm, để có câu trả lời phù hợp với thực tế của mình. Thứ hai là những nhà giáo hay bất kì ai làm trong lĩnh vực giáo dục, quản lý, hoạch định chính sách. Cuốn sách giúp chúng ta chiêm nghiệm về giáo dục tại gia đình và trường học. Từ đó các nhà giáo dục sẽ có cơ sở cần thiết để đưa giải pháp phù hợp gia tăng hạnh phúc và an lạc của con trẻ, trang bị cho con trẻ những kỹ năng và năng lực cần thiết. Bởi trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Happy Children - những điều cho bản thân Bản thân mình là một người khá là kỹ tính đôi khi hơi khắt khe. Mình không dễ dàng tin và làm theo lời khuyên mà chưa kiểm chứng thông tin. Cho nên với việc nuôi dạy con mình rất thận trọng. Nhưng những gì được viết trong cuốn sách lại hoàn toàn thuyết phục được mình. Cuốn sách từ giáo sư Hà Vĩnh Thọ không chỉ là những trải nghiệm phong phú, mà còn là những ví dụ rất gần gũi lấy chất liệu từ cuộc sống hàng ngày với lối ví von vô cùng sinh động. Điều mong mỏi của chính tác giả là mỗi chúng ta có thể trở thành người làm vườn trong khu vườn nhân loại, còn con cái chúng ta, mỗi đứa trẻ là những hạt giống quý được để tâm chăm sóc. “Nên người” hay “học làm người” là một hành trình suốt đời, hiểu về đứa trẻ giúp chúng ta được trang bị tốt hơn trong chuyến phiêu lưu làm cha mẹ. Sau khi đọc xong cuốn sách, mình hiểu rõ tại sao ở mỗi lứa tuổi khác nhau con lại có những hành vi nhõng nhẽo, đòi hỏi vô lý. Người lớn thấy thế là sai nhưng thực ra nó là giai đoạn phát triển phù hợp với con. Ví dụ khi em bé khóc lóc, vòi vĩnh mà không rõ lý do, mình đã tìm hiểu nguyên nhân như do bé nóng, bé bị bẩn, bị khó chịu chỗ nào bên ngoài, bé bị bệnh, bé bị gặp vía dữ. Sau khi khắc phục, bé vẫn không ngừng khóc. Điều này đã khiến mình vô cùng hoang mang. Nhưng khi đọc sách mình hiểu nguyên nhân sâu xa hơn là do bé cảm thấy lo lắng bất an khi không được chú ý quan tâm đầy đủ. Hoặc do bé rất nhạy cảm, khi bé cảm nhận được sự bất an của mẹ thì cũng trở nên bất an và khóc nhiều hơn. Khi không hiểu được những điều ẩn sâu bên dưới, bé càng khóc mẹ càng mất bình tĩnh, bé càng khóc to hơn. Rõ ràng là khi mẹ đang bận bịu việc bếp núc, hoặc kèm anh học bài, thì không thể nào kịp thời phản hồi những tiếng ọ ẹ của bé, thế là bé bất an, bé khóc, chỉ vậy thôi. Hiểu được như vậy thì mình chỉ cần đứng dậy, giữ một tâm trạng thật bình an, bế bé, vỗ về bé là bé hết khóc. Ngày trước, khi chưa hiểu được là mình loạn cả lên, lo lắng không biết bé bị bệnh gì, nhất định bắt chồng về đưa con đi bệnh viện, lên viện lại được trả về với kết luận sốt không rõ lý do (vì bé khóc nhiều đến sốt) và một bọc thuốc gồm hạ sốt và kháng sinh. Bé được đi đi về về, bé mệt, lại sút cân, nuôi mãi mới hồi phục. Cho nên cái việc hiểu biết đúng đắn về sự phát triển của trẻ để nuôi dạy đúng là vô cùng quan trọng. Không chỉ thấu hiểu được hành vi của con mà còn có thể bình tĩnh xử lý. Nếu người mẹ tận dụng được thời điểm vàng lúc này để chỉnh sửa, tạo lập những thói quen tốt thì khả năng sẽ giúp con thêm phần tự lập, vững chãi ngay từ khi còn nhỏ. Nhờ đó quá trình làm cha mẹ trở nên đơn giản hơn. Khi con được thấu hiểu, được đáp ứng đầy đủ nhu cầu tình cảm, bé vui vẻ hạnh phúc hơn. Đối với 2 anh lớn, khi các con bắt đầu đọc thông viết thạo, thì mình hướng dẫn con cách tra cứu, sử dụng từ điển, tìm mục lục sách...Các con sẽ tự tìm được câu trả lời. Để rồi sau đó anh lớn thì hướng dẫn em học một cách tự nguyện. Như vậy, vừa phát huy được vai trò của anh, mà mẹ cũng có thêm thời gian cho mình như đọc sách, học tập. Theo mình bất kì ai lọt vào tầm mắt của đứa trẻ đều là một nhà giáo dục. Nghĩa là, trong bất kì khoảnh khắc nào, bất kì ai cũng có thể trở thành một nhà giáo dục. Nếu bạn là giáo viên, hẳn là bạn phải học cách dạy dỗ học sinh. Nếu đã làm bố mẹ, bạn là thầy của con mình. Nếu chưa có con, bạn có thể vô tình hay cố ý được giao trọng trách trông chừng những đứa cháu, hay lũ trẻ hàng xóm… Không chỉ có trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng học bằng cách quan sát và bắt chước. Vì thế, chúng ta hãy luôn ý thức về những suy nghĩ và hành động của mình, làm sao để có thể làm tốt nhất vai trò của mình, và làm thế nào để có thể ảnh hưởng tốt nhất cho bọn trẻ. Mình cũng nhìn nhận và thực hành một số vấn đề. Khi có những cơ hội ở bên cạnh con, mình sẽ dành cho con sự hiện diện trọn vẹn, sự tương tác chất lượng, mình dành thời gian quan sát và lắng nghe con nhiều hơn, và chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết, cho con cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn. Cuốn sách khá là dày (hơn 400 trang) nhưng với mình nó khá dễ đọc, vì phần trình bày được chia đoạn rất hợp lý. Dù bận bịu với con nhỏ, nhưng hễ có thời gian rảnh là mình đọc ngấu nghiến. Bởi vì nội dung thực sự rất cuốn hút mình. Có những phần mình đọc đi, đọc lại nhiều lần, không phải vì khó hiểu, mà là vì nó rất hấp dẫn, trong mỗi một đoạn nhỏ thôi, đã có thể chứa câu trả lời cho những thắc mắc chưa có lời giải bấy lâu của mình. Cuốn sách có thể trả lời nhiều câu hỏi như vậy là bởi thầy đã dành cả cuộc đời mình để quan sát vô vàn đứa trẻ, từ con-cháu-chắt, và bao thế hệ học trò. Không chỉ quan sát, thầy còn nghiên cứu rất nhiều tài liệu. Cho nên những trang sách của thầy, không chỉ trải nghiệm phong phú, mà còn rất nhiều dẫn chứng khoa học. Tóm lại, cuốn sách là cẩm nang, là hành trang cho các ông bố bà mẹ, cho các tổ chức giáo dục và cho bất kì ai quan tâm đến sự hạnh phúc và an lạc của trẻ và cả hạnh phúc của cha mẹ, thầy cô trong quá trình nuôi dạy trẻ. Mình hy vọng, những chia sẻ trên đây về cuốn sách Happy Children sẽ truyền cảm hứng đến nhiều phụ huynh và các nhà giáo dục. Các bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm đọc sách, và kiểm nghiệm xem những chia sẻ trên của mình có đúng không nhé. *** Nội dung: Mơ Hiền Hoà - Khoá Content 3 Gốc K6 Biên tập: Khánh Vi Hình ảnh: Phạm Liên - Học viên Content 3 gốc ---- Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên BKE Shop thông qua 3goc.vn, chúng tôi đảm bảo giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. "Góp gạo nuôi quân" cùng BKE Shop chung tay lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.

  • Sống tự tại - tìm lại hương vị mát mẻ, vững chãi và thảnh thơi

    Cuộc sống mưu sinh đôi khi làm ta đánh mất sự hồn nhiên, vô tư, vui vẻ thời trẻ thơ. Vòng xoáy cuộc đời với những đua tranh, hối hả, bận rộn khiến ta dễ rơi vào trạng thái vô định, cô đơn, thậm chí là mất phương hướng. Thật may, tôi đã nhận ra những ý nghĩ sai lầm để không bị cuốn trôi và tìm cách sống tự tại trong từng khoảnh khắc. Nhờ vậy tôi có thể an trú trong tâm mình để cảm nhận hương vị mát mẻ - vững chãi - thảnh thơi. Nếu bạn tò mò về hành trình của tôi, hãy cùng đọc bài viết này nhé! Mục lục Trở thành đứa trẻ ngoan để mẹ không bận lòng Hoang mang vì mất kết nối, tôi nỗ lực làm đầy bên ngoài Gặp thầy Trần Việt Quân - sửa mình để vững chãi Hình 1: Trở thành đứa trẻ ngoan để mẹ không bận lòng Sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng từ lúc bố mất, cuộc sống của gia đình tôi bắt đầu khó khăn hơn. Mẹ! từ một người phụ nữ không nghề nghiệp, chỉ ở nhà lo chăm con trở thành trụ cột gia đình. Mẹ chỉ biết cố gắng hết sức, bươn chải làm đủ loại nghề, nào là nuôi heo, bò, gà; dậy sớm đi chợ bán trái cây, bán rau; đi rẫy gieo từng hạt giống ngô, mì … chỉ để mong có thêm ít đồng lo cho con ăn học, mong con được bằng bạn bằng bè. Nhìn mẹ vất vả mỗi ngày, tôi ý thức được rằng gia đình đã mất đi trụ cột quan trọng nhất, mẹ nuôi 3 đứa con là điều chẳng dễ dàng gì. Nhờ nỗ lực của mẹ, dù gia đình không trọn vẹn, tôi vẫn được hưởng điều kiện giáo dục đầy đủ, trải qua tuổi thơ đầy màu sắc, ngập tràn tiếng cười và hạnh phúc bên chị em và bạn bè. Hiểu rằng mẹ là người cho chúng tôi tất cả, từ một người chẳng quan tâm học hành, tôi dặn lòng phải học tập thật tốt, tự lập, sống vui vẻ để mẹ không phải lo lắng, bận tâm vì mình. Vì thương mẹ, trong tôi cũng hình thành những mong cầu về vật chất, đó là kiếm thật nhiều tiền để báo hiếu mẹ vô vàn kính yêu của tôi. Hoang mang vì mất kết nối, tôi nỗ lực làm đầy bên ngoài Có một khoảng thời gian dài, tôi mang trong mình cảm giác tồi tệ vì mất kết nối với tất cả. Mọi chuyện bắt đầu từ lúc chuyển nhà, xa những người bạn thân tâm giao, mất kết nối, mất đi niềm vui; mẹ tái hôn, có gia đình mới, mang thai, tôi có thêm một người em gái. Nỗi nhớ bạn bè và hoài niệm về khoảng thời gian vui vẻ; mặc cảm vì mẹ không còn là của riêng mình, thậm chí cảm giác mình là người ngoài dù mẹ vẫn quan tâm và yêu thương đè nặng lên trái tim tôi. Mỗi ngày tôi đều mong muốn thoát khỏi cảm giác tồi tệ đang xâm chiếm tâm trí mình. Tôi luôn nghĩ làm sao để đậu đại học, làm sao có nhiều tiền. Tôi nghĩ chỉ khi mình có thật nhiều tiền mới có thể sống mát mẻ, vững chãi và thảnh thơi. Tôi nghĩ rằng có tiền là có tất cả. Điều đó khiến tôi ngay từ thời còn học cấp 3 cho đến khi tốt nghiệp Đại học luôn mong muốn mình dẫn đầu. Thậm chí tôi từng sân si với bạn bè, muốn mình giỏi hơn tất cả. Tôi đã nỗ lực hơn bao giờ hết, không bỏ cuộc dù có nhiều khó khăn, trở ngại. Kết quả sau bao cố gắng, tôi đã đậu vào trường Đại học An ninh nhân dân - ngôi trường mơ ước của bao người. Khi ra trường được điều động công tác gần nhà với mức lương hằng tháng ổn định. Trong ánh mắt của mọi người, cuộc đời tôi quá may mắn, trọn vẹn, thành công, hạnh phúc. Và tôi cũng lầm tưởng rằng cuộc đời mình từ đây sẽ toàn thuận lợi, suôn sẻ. Khi đi làm, tôi nghĩ rằng để sống trong an toàn mình phải tự lo cho bản thân, phải thêm chứ không có bớt. Suy nghĩ đó khiến bản ngã trong tôi trỗi dậy, tôi cũng quên mất rằng mình cần trân trọng những gì mình đang có. Để chứng tỏ bản thân, tôi làm việc quên ăn quên ngủ. Vì chỉ tập trung công việc, tôi càng thêm mất kết nối với gia đình, bạn bè và chính cả bản thân mình. Sau 2 năm công tác, dù năng lực được ghi nhận, tôi vẫn cảm thấy là chưa đủ. Vì cho rằng mọi sự nỗ lực của mình không được công nhận xứng đáng, tôi tị nạnh với người làm nhiều, khó chịu với người làm ít. Tôi cảm thấy không hài lòng với tất cả mọi người, dù đó là bậc cha chú lớn hơn tuổi. Trượt dài trong sự hơn thua, bận rộn với công việc, tôi thấy mình thật đáng thương vì không có nổi một người bạn đáng tin cậy để sẻ chia niềm vui lẫn nỗi buồn. Không biết từ bao giờ tôi đã mất đi cảm giác vui vẻ, làm việc tận tụy mà không có sự toan tính. Không biết từ bao giờ, tôi mang trên mình một lớp mặt nạ dày để đối diện với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Không biết từ bao giờ, tôi đã bỏ lỡ đi rất nhiều điều giá trị trong cuộc đời này. Gặp thầy Trần Việt Quân - sửa mình để vững chãi Con đường tự giải thoát nằm trong "Tri thức". Với mong muốn thay đổi bản thân, hiểu em gái hơn, tôi đăng ký học lớp dạy con trưởng thành từ 3 gốc của thầy Trần Việt Quân. Tôi ấn tượng sâu sắc với những cách giải quyết vấn đề khó của thầy. Từ khóa học ấy, tôi hiểu bản tính đích thực là một hữu thể tinh thần, TÂM TẠO TÁC là nguyên nhân cốt lõi làm cuộc sống mất đi hương vị sống mát mẻ, vững chãi và thảnh thơi. Tôi bắt đầu về nhà nhiều hơn, nói chuyện nhẹ nhàng hơn, chú ý đến ngôn từ nhiều hơn để mẹ không phải buồn lòng. Tôi dần dần biết cách trân trọng những điều mình đang có, buông bỏ tâm tham, không còn dính mắc vào cơm áo gạo tiền nữa. Cuộc sống đã quay lại quỹ đạo vốn có, tôi dần giải thoát cho mình, không còn cố chấp và chấp trước; Tâm bình yên, tĩnh lặng lại; Tìm về với âm thanh nội tại, Chuyển hóa cái tôi riêng tư thành vô ngã; Chuyển cái tôi hẹp hòi ích kỷ thành cái tôi công đức; Tin vào chính mình, Hiểu rõ bản thân, Ươm hạt giống từ bi trí tuệ, không khoe khoang; Biết tự kiềm chế, không gượng ép; luôn nuôi dưỡng lòng tri ân. Vì cảm thấy con đường đang đi sẽ đưa mình tới miền hạnh phúc, tôi dấn thân tham gia phụng sự và học thêm khóa học của Viện đào tạo Bách Khoa. Tôi dành thời lắng nghe và thực hiện theo những điều Thầy đã chỉ dạy, sắm sửa cho mình một tủ sách tinh hoa ra trò và rất này nọ. Tôi tin mọi điều tốt đẹp, bình an luôn ở bên tôi trong hành trình này! Biết ơn Thầy, những người bạn tốt, những cuốn sách tinh hoa, đã cho tôi cuộc sống mới, TỰ TẠI - TÌM LẠI HƯƠNG VỊ MÁT MẺ, VỮNG CHÃI, THẢNH THƠI Nội dung: Trần Ý Nhi - Học viên Content 3 gốc K2 Biên tập: Nhàn Lý Hình ảnh:

  • [Sách hay] 7 quy luật tinh thần để thành công - Biết cách "chọn lựa" giữa những lựa chọn

    MỤC LỤC: 1.Quy luật nghiệp-quả 2.Cuộc sống là những lựa chọn 3.Biến nghiệp xấu thành nhân tốt 4.Giặt sạch tấm vải nghiệp-quả *** Tôi từng nghe giảng rằng: “Mỗi sát na, mỗi giây phút mà chúng ta trải qua, mỗi suy nghĩ dù là nhỏ nhất cũng đều là những dấu hiệu đưa ta tới một chốn về.” Quy luật nghiệp quả - điều đã chạm đến tôi Những suy nghĩ tốt đẹp, hay tham lam đều đang từ từ đưa ta tới những chốn về phù hợp với cách sống, tâm nguyện của chúng ta. Tôi luôn ghi nhớ lời giảng của Sư Giác Nguyên rằng “Nghiệp quả không đơn giản là gieo nhân gặt quả, mà cần phải nhìn xa hơn, rộng hơn, sâu hơn, rằng ngay giây phút hiện tại này đây chúng ta đang xây dựng một chốn về của riêng mình.” Không có điều gì là tự nhiên xảy ra trên cuộc đời này, mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó. Và kết quả hiện tại cũng chính là cái “nhân” ta đang gieo cho tương lai. Đây chính là điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi đọc chương 3, cuốn sách “Bảy quy luật tinh thần để thành công” của tác giả Deepak Chopra - bác sĩ, tác giả người Mỹ gốc Ấn. Ông đã viết hơn 80 cuốn sách, dịch ra nhiều thứ tiếng, được tờ TIMES vinh danh là một trong 100 anh hùng tiêu biểu của thế kỷ. 3goc.vn gắn đường dẫn mua sách trên Tiki. Việc nhấn vào đây sẽ không ảnh hưởng đến giá cả và chất lượng sách như mua trực tiếp. Cuốn sách có 7 chương, mỗi chương là một quy luật, mỗi quy luật sẽ trả lời cho mỗi độc giả khác nhau tuỳ thuộc vào trăn trở riêng của người đó. Riêng tôi chương 3 là một điều đặc biệt. Chương này mang tên Quy luật nghiệp - quả. Chúng ta thường dọa dẫm nhau rằng “gieo nhân nào gặt quả nấy” nhưng đã hiểu rõ về “nghiệp” và “quả” chưa? Thời bé, những truyện cổ tích dạy ta rằng “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Đó chính là những câu lý giải dễ hiểu đầu tiên mà chúng ta thuộc lòng về nghiệp-quả (hay nhân-quả). Cuốn sách nói rõ về cách cuộc sống vận hành, chúng ta có thể chủ động nương theo bằng những nguyên tắc tinh thần, trong đó có quy tắc về nghiệp quả. “Mọi hành động đều tạo ra thứ sức mạnh quay lại với chúng ta trong trạng thái giống ban đầu [...] chúng ta gieo cây nào sẽ gặt quả nấy. Và khi chúng ta lựa chọn những hành động mang lại hạnh phúc và thành công cho người khác, trái ngọt của nghiệp quả sẽ là hạnh phúc và thành công.” Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi chúng ta áp dụng quy tắc này cho những vấn đề xảy ra thường xuyên trong cuộc sống thường ngày. Người viết chỉ cho chúng ta 3 khía cạnh quan trọng. Thứ nhất: Cuộc sống vận hành từ chính lựa chọn của chúng ta Khi có quá nhiều lựa chọn, làm cách nào chúng ta biết được đâu là phương án tốt nhất? Đây chính là điểm chạm nhất với tôi trong cuốn sách này, bởi từ lâu tôi đã vô thức áp dụng nó trong những quyết định khó khăn. Sự thật không thể chối cãi đó là cuộc sống của chúng ta là chuỗi những lựa chọn liên tục. Có những lựa chọn to lớn như chọn chồng, chọn vợ, chọn nhà, chọn xe... Tới những lựa chọn thường ngày là ăn món này hay ăn món kia, chọn cái váy nào thì đẹp. Thậm chí tới những lựa chọn vi tế hơn nữa, là chúng ta chọn giận giữ, hay chọn giải quyết trong hòa bình, chọn sóng gió hay chọn bình an. Chúng ta sống giữa những chọn lựa, nhưng đôi khi hay quên rằng mình có quyền được chọn lựa. Chúng ta vô thức chọn những điều quen thuộc, không hề nghĩ đó là một “nhân” tốt hay xấu. Người viết có lấy ví dụ rằng ta thường chọn giận dữ trước lời xúc phạm mà ít khi chọn bình tâm suy xét; thường chọn thỏa mãn trước lời khen mà lại quên ứng xử bằng thái độ khiêm nhường. Sự tức giận không thể giải quyết triệt để vấn đề, ngược lại có thể mang tới thêm nhiều phiền phức cho các bên. Đó chính là nguyên nhân và hệ quả. “Nếu bạn quay lại một thời điểm và quan sát những chọn lựa của bạn trong thời điểm đưa ra lựa chọn ấy, thì chỉ qua hành động quan sát này, bạn nắm được toàn bộ quá trình tứ địa hạt vô thức tới địa hạt ý thức.” Chúng ta vô thức lựa chọn giận dữ để rồi to tiếng với nhau. Bởi vì to tiếng với nhau nên làm tổn thương lẫn nhau tạo thêm khoảng cách. Có nhiều hệ quả mà chúng ta không lường tới bởi vì chúng ta quên mình có thể chọn lựa cách phản ứng khác đi, từ đó chọn một kết quả đẹp hơn cho mọi chuyện. Nếu ta luôn nhớ mình có khả năng lựa chọn một phương án tốt hơn cho chính mình và cho người khác thì ta có làm không? Tất nhiên là có rồi, vậy làm thế nào để áp dụng quy tắc này cho mọi lựa chọn trong đời sống? Tác giả chia sẻ trước khi đưa ra một lựa chọn, hãy thử nghĩ quyết định này có ảnh hưởng tới người khác không, nếu có hãy bỏ qua ngay. Tưởng tượng mình trong tương lai, nếu đã lựa chọn theo hướng đi này thì phản ứng của chính mình sẽ biểu hiện như thế nào. Nếu tinh ý bạn sẽ thấy thường chỉ có một lựa chọn không ảnh hưởng tới bản thân và người khác trong số các lựa chọn đang bày ra trước mắt mà thôi. Trái tim và cơ thể của chúng ta có quyền năng kỳ diệu mà không lý trí nào có thể tính toán được. Nếu có bất kỳ sự khó chịu nào xảy ra trên cơ thể hoặc trong tâm trí, dù là mờ nhạt nhất thì hãy bỏ qua lựa chọn đó. Nếu phản ứng cơ thể là dễ chịu, thư thái thì đó lựa chọn đáng để thực hiện. Tác giả gọi đó là hành động đúng đắn tự nhiên. Khi áp dụng như thế sẽ giúp chúng ta tự tin với vô vàn những lựa chọn trong cuộc sống. Hãy để trái tim và cơ thể chỉ cho ta những điều đúng đắn. “Càng đưa ra được những lựa chọn dựa trên ý thức, bạn sẽ càng có được những chọn lựa chính xác một cách tự nhiên - cả cho bạn lẫn những người xung quanh.” Thứ 2: Biến nghiệp xấu thành nhân tốt “Theo Quy luật Nghiệp quả thì không có món nợ nào trên thế gian này lại không phải trả. Trên thế gian này tồn tại một hệ thống kế toán hoàn hảo, và mọi thứ đều là sự trao đổi ‘qua lại’ không ngừng của năng lượng.” Đó là lời chia sẻ của tác giả trong quyển sách và phải thật lâu tôi mới thật sự tin điều này. Chúng ta không thể biết hết được ta đã gieo những nhân gì trong quá khứ. Đôi khi chúng ta tự hỏi “sao tôi lại phải trải qua những điều này, sao cuộc đời tôi trớ trêu thế”. Khi ta hiểu ra quy luật, ta sẽ biết đó là do bản thân có những món nợ nghiệp quả cần phải trả. Bởi vậy khi những vấn đề xảy đến chúng ta hiểu rằng, đây là kết quả của một lựa chọn - một nhân nào đó ta đã gieo trong quá khứ. Ta hãy chấp nhận rồi biến vấn đề thành cơ hội để tạo một nhân mới tốt đẹp hơn. Ví dụ nếu ta bị gãy chân vì chơi thể thao, trước tiên hãy rút ra bài học cho mình trước. Có thể do chúng ta đã khởi động không kỹ, có thể do chọn sai giày,… Sau đó hãy chia sẻ những kinh nghiệm thực tế này cho những người cần nó. Đây là cách giúp biến vấn đề thành cơ hội - một nhân mới được gieo trong tương lai. Thứ 3: Giặt sạch tấm vải Nghiệp quả Nghiệp quả trong quá khứ như những vết bẩn trên tấm vải. Chúng ta cứ liên tục giặt tấm vải trên dòng suối, mỗi lần như thế vết bẩn càng mờ đi, càng giặt thì tấm vải càng trắng và sạch như ban đầu. Theo lời tác giả, thiền chính là phương pháp giặt tấm vải tâm trí “Bằng việc thiền, chúng ta không ngừng trải nghiệm khoảng trống cái ‘tôi’ và ‘tinh thần’. Bạn rũ sạch hay vượt lên hạt giống nghiệp quả bằng cách đi vào khoảng trống rồi lại đi ra.” Tất cả mọi khoảnh khắc trong đời sống đều là nghiệp quả, đều để dấu vết. “Tâm hồn bạn là một tập hợp ý thức chứa đựng hạt giống nghiệp quả, ký ức và khát vọng”. Ý thức và hiểu rõ quy tắc được tác giả chia sẻ trong quyển sách sẽ giúp chúng ta luôn chủ động lựa chọn và xây dựng khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta là những người kiến tạo tương lai bằng chính những lựa chọn có ý thức ở hiện tại của chúng ta. Và đó là cách để ta vẽ cho ta một con đường tới chốn về của chính mình. Ủng hộ mua sách bằng cách bấm vào đường dẫn bên dưới bạn nhé! Tôi chọn cách lặp lại câu đầu của chương 3 trong quyển sách “Bảy quy luật tinh thần để thành công" của tác giả Deepak Choprađể kết thúc bài này: "Mọi hành động đều tạo ra thứ sức mạnh quay lại với chúng ta trong trạng thái giống ban đầu... chúng ta gieo cây nào sẽ gặt quả nấy. Và khi chúng ta lựa chọn những hành động mang lại hạnh phúc và thành công cho người khác, trái ngọt của nghiệp quả sẽ là hạnh phúc và thành công." Vì vậy, trong mỗi sát na, ta đang gieo nhân suy nghĩ, lời nói, hành động. Hãy tỉnh thức lựa chọn nhân đúng để gieo nhé! Bạn đang cảm nhận điều gì ngay lúc này, chia sẻ bên dưới cho tôi biết với. *** Nội dung: Uyên - Học viên Content 3 Gốc K6 Biên tập: Khánh Vi Hình ảnh: Công Huân - Học viên Content 3 gốc K7 ---- Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên Tiki. Việc mua sách thông qua 3goc.vn vẫn đảm bảo về giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. Chúng tôi quảng bá và nhận về khoản hoa hồng nhỏ, nhằm duy trì nội dung hữu ích cho kênh. Rất mong độc giả ủng hộ!

  • Hành trình thay đổi cuộc đời bằng chiều sâu tâm thức

    Thái độ sống đúng đắn không đơn thuần chỉ là ý chí quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, cũng không phải chỉ là lối tư duy tích cực, trốn tránh sự thật ở hiện tại. Phải trải qua nhiều biến cố, đến hơn 40 tuối, sau khi đi qua hành trình phát triển tâm thức từ sâu bên trong, tôi mới có dịp hiểu sâu sắc về nó. Khi tìm cho mình một sự THAY thái độ sống đúng đắn thì cả cuộc đời, cả thế giới quanh tôi đều ĐỔI mới và ngập tràn hạnh phúc. Mục lục Thay đổi thái độ chán nản bằng ý chí quyết tâm Thay đổi thái độ bế tắc bằng tâm hồn cởi mở Thay đổi thái độ bận rộn bên ngoài bằng sự tĩnh lặng sâu bên trong Lời kết Hình 1: Khi lựa chọn thái độ sống đúng đắn, cả cuộc đời ta ngập tràn hạnh phúc Thay thái độ chán nản bằng ý chí quyết tâm Tôi là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Năm 1975 gia đình tôi “chạy loạn” từ miền trung vào Lâm Đồng. Trong chiến tranh, ai ai cũng lo thoát thân, lo giữ mạng sống hơn là giữ tài sản. Thế nên, dù sống sót về đến Lâm Đồng nhưng gia đình chúng tôi chỉ còn hai bàn tay trắng. Ba tôi làm việc cho chế độ cũ nên khi giải phóng mọi thứ đảo ngược 180 độ gây ra nhiều tiêu cực trong ông. Ba má vốn đã bất hòa, nay lại thêm cái nghèo cái đói, cái xã hội bao cấp làm cho họ ngày càng mâu thuẫn, gia đình trở nên xào xáo, tình cảm bắt đầu khô khan. Gia đình tôi ít tiếng cười hạnh phúc mà thay vào đó là những âm thanh của sự bể nát, những tiếng cãi vã, tiếng la hét, mắng mỏ, tiếng khóc,... Chính những năm tháng đầu đời được nuôi dưỡng trong thời khắc loạn lạc ấy mà tôi trở thành người cô độc, tự ti, ích kỷ, nóng giận, cáu gắt, thường hay chán nản, bế tắc. Tôi hay đặt câu hỏi tại sao ba má sinh con ra để làm gì? Nhiều lúc tôi muốn kết thúc cuộc đời đầy bi đát này. Dù là vậy, nhưng trong xóm tôi 80% các gia đình khác cũng như gia đình như tôi, nhờ vậy tôi cũng có bạn bè cùng cảnh ngộ để đồng cảm với nhau và cứ như thế chúng tôi lớn lên. Hình 2: Những năm tháng đầu đời sống trong thời khắc loạn lạc, tôi trở thành kẻ cô độc, tự ti, ích kỷ, dễ cáu gắt và thường chán đời Năm tôi học lớp 8, ba bị bệnh thập tử nhất sinh. Nếu lần này ba không qua khỏi thì tương lai anh chị em chúng tôi mịt mù. Trong thời khắc ấy, tôi bừng lên ý chí vươn lên. Trời thương là ba đã vượt qua. Từ đó tôi quyết tâm THAY thái độ hay chán nản, bỏ cuộc bằng một ý chí, quyết tâm vượt khó để vào đại học. Bởi đó là cánh cửa duy nhất đối với tôi lúc ấy. Và thần may mắn đã gõ cửa, cánh cổng đại học đã mở ra cho tôi. Thay thái độ bế tắc bằng tâm hồn cởi mở Vui mừng bước vào cánh cổng đại học chưa được bao lâu thì tôi nhận ra ngôi trường mơ ước bấy lâu lại không phù hợp với năng lực và tính cách của mình. Đã vậy, tôi vừa học vừa bôn ba lo sách vở, học phí, sinh hoạt phí. Thế là ra trường với những kiến thức ít ỏi và cũng không mấy đam mê nên tôi đã làm công việc trái ngành mình học. Đi làm được hai năm thì một chuỗi sự kiện xảy ra cùng lúc: công ty phá sản, mối tình đẹp của tôi tưởng đi đến cái kết đẹp đẽ ai ngờ cũng đột ngột đứt đoạn. Tôi hối tiếc, ray rứt, mất phương hướng, dằn vặt về những sai lầm, thiếu sót của bản thân. Buồn và đau khổ đến tột đỉnh, tôi tìm cách trốn tránh chính mình bằng việc lang thang ngoài phố, hẹn gặp những người bạn cũ, kết bạn mới trên internet, … tất cả đều không có tác dụng. Thời gian vẫn cứ trôi, còn tôi thì đóng chặt cửa tâm hồn mình lại. Nhưng đâu đó có tiếng nói nhỏ bên trong tôi thôi thúc, nhắc nhở tôi không thể sống mãi với sự dằn vặt, với nỗi đau này được. Tình cờ người chị đưa cho tôi cuốn sách “Thay thái độ, đổi cuộc đời”, cuộc sống tôi bước sang trang mới. Kể từ đó tủ sách Hạt giống tâm hồn là thầy là bạn của tôi. Tôi tìm động lực từ những câu nói ngắn, những câu chuyện nhỏ trong từng tập sách. Có những câu nói làm hành trang cho tôi đến tận bây giờ như “Không bao giờ là quá muộn cho những ai thực sự muốn bắt đầu”,  “khi cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra”,.... Thay thái độ bế tắc bằng tâm hồn cởi mở, tôi quyết định mạnh mẽ đứng lên, khép lại nỗi đau, sự thất bại của quá khứ để bắt đầu lại với các lớp học chuyên ngành và công việc mới. Tôi sống trong tâm thế luôn cố gắng hết sức, dù kết quả có thế nào thì mình cũng không phải nói hai từ “giá như” như trước đây. Hình 3: Không bao giờ là quá muộn cho những ai thực sự muốn bắt đầu Thay thái độ bận rộn bên ngoài bằng sự tĩnh lặng sâu bên trong Sau khi học xong văn bằng 2 để tự tin rẽ nhánh với công việc gọi là trái ngành trước đây, cuộc sống của tôi có phần bình lặng hơn. Tôi dành toàn bộ thời gian và tâm trí để phát sự nghiệp. Công việc thuận lợi, tôi chạy theo hết mục tiêu này đến mục tiêu khác, bị tâm tham dẫn dắt mà không hay. Bị cuốn theo vòng xoáy vật chất, tôi không có thời gian cho bản thân và gia đình. Đi cùng với nó là sự lo lắng bất an về sức khỏe, lo sợ về những biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Càng vậy tôi càng cố gắng lao vào cái vòng xoáy ấy nhiều hơn để mong được an toàn hơn. Rất nhiều thứ lo toan, sợ hãi trói buộc tôi. Không khí gia đình ngày càng lạnh nhạt. Tôi mệt mỏi, cáu gắt. Chồng nhậu nhẹt, về khuya. Con chống đối, ỷ lại. Lúc đó tôi cảm thấy cô đơn trong tâm hồn, không ai hiểu mình. Tôi tự hỏi đã thay đổi thái độ, tôi đã cố gắng nỗ lực đến thế cơ mà, tại sao trong tôi vẫn bất ổn? Tại sao tình thương của tôi đối với các con và gia đình lại ngày càng đi xuống? Năm 2020 dịch COVID ập đến, công việc của tôi gặp nhiều khó khăn, áp lực doanh số, bất hòa với nhân viên. Đang loay hoay thì vũ trụ sắp đặt cho tôi hữu duyên được biết đến Thầy Trần Việt Quân. Thầy đã khai sáng tâm thức tôi, thầy trao cho tôi tấm bản đồ để từ đó ngọn đuốc tâm trong tôi được thắp lên. Hình 4: Thầy Trần Việt Quân đã khai sáng tâm thức, trao tấm bản đồ để ngọn đuốc trong tôi được thắp sáng Qua lớp học Dạy con 3 gốc, Chánh kiến 3H tôi nhận ra cốt lõi vấn đề là từ chính mình. Những bài học “Rèn mình trước khi rèn người”, “cha mẹ là nhân, con là quả”, “mình chỉ cho đi những gì mình có”... ăn sâu vào tâm trí tôi. Nhưng, biết tất cả là vậy, biết mình là nguyên nhân của mọi vấn đề vậy mà cứ đụng chuyện thì bản tính lại bộc phát, cáu gắt, nóng giận, xù lên như một con nhím. Tôi cảm thấy nhức nhối vô cùng. Một lần nữa, vũ trụ đã gửi cho tôi một người Thầy, Thiền Sư Thích Thiện Minh. Dù là lớp thiền online với 3 ngày ngắn ngủi, nhưng tâm tôi được gột rửa, buông xả được nhiều tập khí sân giận ăn sâu trong mình. Tình thương trong tôi phát khởi, tôi đã biết nhìn sự việc bằng mắt thương để thấu hiểu và yêu thương hơn. Cũng trong thời gian này, tôi  may mắn được học lớp Sờ Cái Bụng của Thầy Dương Quang Minh. Lớp học giúp tôi chữa lành được rất nhiều. Tôi duy trì thực hành tĩnh lặng hàng ngày để quan sát tâm, để hiểu được vô thường, để cởi bỏ từng lớp vỏ của bản ngã. Tôi đọc sách các chủ đề về tâm thức, nghe pháp thoại,.... Tâm cũng như thân, cần được ăn uống, tưới tẩm hàng ngày. Vì vậy, tôi đã xây dựng thói quen dành thời gian vun bồi tâm thức bằng thức ăn đúng đắn. Thật diệu kỳ, tôi đã giảm hẳn những dính mắc vào chồng, vào con, không còn cảm thấy lo lắng bất an về những việc chưa từng xảy ra. Tôi như được được giải phóng khỏi những trói buộc, áp lực công việc, tiền bạc...Cuộc sống gia đình tôi trở nên tốt hơn, các thành viên kết nối chia sẻ nhau nhiều hơn. Chúng tôi cùng nhau xây dựng môi trường tam bảo trong gia đình. Hình 5: Thay thái độ sẽ đổi cuộc đời Một lần nữa, thông điệp Thay thái độ đổi cuộc đời được khắc ghi trong tôi, nhưng giờ đây là thay đổi theo chiều sâu tâm thức. Tôi rất tâm đắc câu nói Ngồi im và thay đổi thế giới. Nhớ lại trước đây, khi tôi cứ loay hoay, cứ ồn ào, cứ phải gồng gượng nỗ lực thế này, phấn đấu thế kia để THAY ĐỔI THÁI ĐỘ sống nhưng thực chất đó chỉ là vỏ bên ngoài, chỉ là tạm thời nên cứ có cảm giác cả thế giới vẫn còn chống lại tôi. Còn bây giờ, tôi học được tĩnh lặng thì khi có bất như ý xảy ra tôi chỉ cần ngồi im, quay về với chính mình thì mọi việc trở nên thật dễ dàng. Đây là con đường tôi đang đi và tôi tin nó sẽ con đường mang đến cho tôi những bước chân an lạc. Lời kết Mặc dù không được quyền chọn nơi mình sinh ra, thế nhưng thật may mắn vì chúng ta có quyền chọn cho mình một THÁI ĐỘ sống. Hành trình THAY thái độ ĐỔI cuộc đời của tôi sẽ còn tiếp diễn, qua chuỗi những bài học mà tôi phải học, phải vượt qua, phải tốt nghiệp. Thái độ sống của tôi lại tiếp tục được mài dũa thành những viên ngọc tĩnh lặng, sáng trong hơn. Nguyện cho bạn có thể tìm được thái độ sống phù hợp để bước vào một thế giới bình an và cuộc đời ngập tràn hạnh phúc. Nội dung: Trần Hường - Học viên Content 3 gốc K2 Biên tập: Nhàn Lý - Khánh Vi Hình ảnh:

bottom of page