MỤC LỤC:
***
Tựa sách “The 7 Habits Of Highly Effective People" của thầy Stephen Covey nếu được dịch sát nghĩa sẽ là “7 thói quen của người hiệu quả vượt trội”. Tựa này làm mình ấn tượng hơn hẳn thay vì là tựa sách “7 thói quen hiệu quả". Vì sao lại như thế?
Bởi lẽ đầu tiên, tựa sách được rút ngắn khiến mình cảm tưởng đến một quyển sách Self Help thông thường - nơi chỉ ra những chiêu thức để đạt được hiệu quả bằng thói quen. Và bởi lẽ thứ hai, cụm từ “thói quen hiệu quả” khá chung chung, một câu nói sáo rỗng về rao giảng đạo lý làm mình lập tức lơ ngay khi cầm trên tay quyển sách.
Nhưng cụm từ “người hiệu quả vượt trội” đã đánh mạnh vào tâm lý, nó khiến mình nhớ về quá khứ, nhớ đến nỗi khao khát muốn bản thân trở nên thông minh và sống hiệu quả, nhớ đến cách mình tò mò về thói quen của một người “học sinh giỏi" là như thế nào.
Bài viết có chứa đường dẫn mua sách tại BKE Shop. Chung tay "Góp gạo nuôi quân" cùng BKE Shop và Trí Tuệ Việt Nam lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
Nỗ lực mù quáng để đạt hiệu quả
Những năm học cấp 1, cấp 2; mình - một học sinh thường niên nhận bằng trung bình của lớp - có khao khát bản thân trở nên thông minh, điểm cao và làm việc gì cũng có kết quả. Mình - những năm đó là hình ảnh kè kè bên cạnh những bạn học giỏi nhất lớp để bắt chước.
Hình mẫu noi theo trong lòng mình là bạn lớp trưởng với những thành tích đạt được. Dường như trong mọi môn học từ Toán, Lý, Hoá, đến Văn, Sử, Địa… không môn nào làm khó được bạn, chỉ cần bạn muốn thì mọi việc đều có kết quả. Không những học giỏi, bạn còn quản lớp rất tốt, được thầy cô và bạn bè yêu mến.
Bạn sống, học tập, giao tiếp với một phong thái ung dung, tự tại, từ tốn nhưng làm đâu là ra kết quả đó. Còn mình, được xếp ngồi sát bạn nhưng kết quả thì ngược lại.
Mình - một học sinh chăm chỉ trung bình, lúc nào cũng học và học với nỗi sợ bên mình. Mình mua đủ loại sách mẫu, theo chân bạn đến mọi lớp học rồi về nhà bạn, nhằm để học được phong thái của bạn. Nhưng sao mọi thứ mình đụng vô thường là rối rắm, thậm chí còn khó khăn hơn.
Mình càng nỗ lực bao nhiêu thì mọi thứ trở nên trì trệ bấy nhiêu. Thường là mọi thứ kết thúc trong dang dở, hoặc điểm nhận về cũng chỉ trên trung bình.
Nhưng mình vẫn nuôi khát khao được hiệu quả như bạn dù những nỗ lực bắt chước vẻ bên ngoài của bạn chưa được hiệu quả lắm, nhưng mình không bỏ cuộc.
Sau này, trưởng thành hơn, tiếp xúc với nhiều người hơn mình thấy ở những người được xem là hiệu quả dù là một cô lao công, một nhân viên văn phòng, hay một cô giáo, một chủ doanh nghiệp… họ có một khả năng sắp xếp, tư duy thế nào mà làm đâu là xong đó, kết quả rất tốt. Khi làm việc họ luôn có một thái độ thong thả, an nhiên. Có một điều gì đó ở những người hiệu quả khá giống nhau.
Thầm nghĩ, chắc hẳn bên trong họ phải có một bí mật nào đó.
Bí mật của tính hiệu quả
Mình cho cơ hội để bản thân đọc quyển sách “7 thói quen hiệu quả" sau khi chậm lại vài phút để dịch sát nghĩa hơn tiêu đề tiếng anh, cùng với một số bài viết tóm tắt về quyển sách này. Mình hiểu rằng nội dung chính của quyển sách sẽ cho mình biết được bí mật đấy. Bí mật của những người hiệu quả, họ có điểm chung gì?
Tính hiệu quả không nằm ở bề nổi, mà là phẩm chất mỗi người
Như câu chuyện về cô bạn lớp trưởng của mình ở trên, mình cứ ngỡ rằng điểm số cao các môn bạn đạt được là toàn bộ của tính hiệu quả. Mình chỉ cần bắt chước mọi thứ của bạn từ ăn nói, hoạt động, giải bài tập, viết chữ đẹp…là mình sẽ có kết quả giống bạn ấy.
Chắc bạn cũng đoán được kết quả, là dù mình cố gắng bao nhiêu thì cũng không thể được. Bởi vì bên trong mình chưa có được nhận thức, tư duy, kỹ năng, cảm nhận, lương tri…giống với bạn ấy.
Bạn thử nhìn lại cuộc sống hiện tại xem có giống mình không nhé! Mình và bạn được dạy dỗ, định hướng với nhiều khuôn mẫu khác nhau trong xã hội. Ở mỗi khuôn mẫu sẽ có nhiều quyển sách, nhiều khoá học, nhiều người hướng dẫn chỉ bạn về chuyên môn, kỹ năng mềm, hoặc cả cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện như thế nào để thu hút người khác.
Bạn cũng giống mình sẽ cố bắt chước những gì được dạy bảo, nhưng sao mọi thứ lại khó khăn vô cùng. Bạn tập luyện được nhưng biểu hiện lại khô cứng, gượng gạo bởi đó chỉ là lớp bên ngoài. Bởi lẽ, tính hiệu quả ở mỗi con người xuất phát từ những phẩm chất bên trong mỗi người. Đó là những căn tính được rèn dũa từ truyền thống gia đình, bề dày kiến thức, trải nghiệm cuộc sống và tự nhận thức của mỗi người.
Ở bí mật đầu tiên này, mình nhận ra được cái hay của cuộc sống. Phẩm chất mỗi người là tinh hoa ẩn sâu bên trong, là về lương tri, tài năng, nhận thức…. Cho nên kết quả họ đạt được là một lẽ tất nhiên mà thôi.
Tính hiệu quả đáp ứng trong ngắn hạn và dài hạn
Trong xã hội công việc ngày nay, bạn sẽ được đặt ra tiêu chuẩn là tốc độ xử lý công việc phải nhanh, chính xác và luôn luôn cải tiến, đổi mới. Hiệu quả phải được chứng minh và thấy liền. Điều này sẽ đúng trong thời gian đầu, nhưng lâu dần bạn tự biến mình trở thành một cỗ máy, vận hành theo một kiểu lệnh nhất định, đó là phải làm thật nhanh tạo ra kết quả.
Bạn không dám cho mình những khoảng lặng nghỉ ngơi để cảm nhận về cuộc sống, để thỏa sức sáng tạo trong vùng sáng của mình, bởi bạn phải luôn tăng tốc để ra kết quả liền. Điều này vô hình trung giết chết đi sự sáng tạo, khả năng cảm nhận, thưởng thức công việc đang làm. Lâu dần nó khiến bạn chán ghét việc đang làm.
Cũng dễ hiểu vì các công ty chịu áp lực rất nhiều về khả năng đầu tư, hoàn vốn, và tạo ra lợi nhuận. Cho nên khung tham chiếu này sẽ áp lên tất cả mọi người. Bài toán đặt ra là bạn không thể thoát khỏi khung tham chiếu, vậy làm sao để bạn trở mình vươn lên, vừa có thể an nhiên trong công việc mà vẫn tạo ra kết quả.
Bí mật thứ hai đó là, dù bạn là ai kể cả nhân viên, quản lý, hay lãnh đạo, bạn hãy trở thành người tự chủ để lãnh đạo chính mình, để biến bạn trở thành người có giá trị đạt được kết quả cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Để làm được điều đó, bạn phải có khả năng nhìn thấy tương lai một cách tổng quát, vừa có khả năng chi tiết hoá tương lai về với hiện tại thành những đầu việc rất chi tiết.
Trong sách "7 thói quen hiệu quả" việc đáp ứng được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn chính là cân bằng P/PC. Đó chính là đảm bảo cân bằng giữa sản phẩm và cỗ máy tạo ra sản phẩm.
Ví dụ: trong tài chính thì kiếm tiền là P và sức khỏe của người tạo ra tiền là P/C. Trong mối quan hệ thì tình cảm là P và sự kết nối giữa 2 người là PC. Trong doanh nghiệp thì lợi nhuận là P và văn hoá công ty là PC. Hoặc câu chuyện ngụ ngôn con ngỗng và quả trứng vàng, thì quả trứng vàng là P và con ngỗng là PC (ví dụ trong sách).
Làm được như vậy, bạn sẽ ung dung bắt tay vào đi từng bước nhỏ thật chắc trong một định hướng đúng đắn. Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn được đáp ứng.
Bạn nghe đến đây chắc hẳn lại cảm thấy lo lắng là đạt được mục tiêu ngắn hạn đã vất vả, mà giờ lại phải cân thêm mục tiêu dài hạn. Có nghĩa là bạn không những tạo ra hiệu quả mà còn phải là hiệu quả bền vững nữa. Nhưng sự thật, nếu bạn làm được thì công việc của bạn sắp tới sẽ là những chuỗi ngày hào hứng, say mê và khám phá.
Bạn chỉ cần đánh đổi thời đầu tư chất xám nhiều hơn vào thời gian đầu để trở thành nhà lãnh đạo, sau đó quay về với vai trò quản lý. Khi cân bằng được 2 mục tiêu này, mọi thứ sẽ diễn ra trơn tru và bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh của tính hiệu quả toàn thể này.
Tính hiệu quả dựa trên những nguyên lý bất biến
Nếu muốn đạt được những hoài bão cao đẹp nhất, vượt qua những khó khăn to lớn nhất, hãy xác định và ứng dụng nguyên lý hay quy luật của tự nhiên để điều khiển kết quả mà bạn mong muốn - Tr.43
Những người khôn ngoan, họ không đặt trọng tâm là tiêu chuẩn nào của xã hội để làm kim chỉ nam cho đời mình, bởi những thứ ấy rất dễ thay đổi, thậm chí còn nhanh hơn trong xã hội liên tục như ngày nay.
Họ khôn ngoan đặt cuộc sống của mình vào những gì là bất biến, luôn đúng, trường tồn với thời gian. Và đó là những nguyên lý tuân theo quy luật tự nhiên.
Cùng quay trở lại những năm 2020, 2021 khi đại dịch Covid lan tràn khắp cả toàn cầu, lúc này mọi khía cạnh trong cuộc sống đều biến đổi nhanh đến chóng mặt, một hơi thở là chia lìa cõi đời, một lần chạm tay vô thức là nhiễm bệnh, lỡ đặt chậm tay là giá cả thức ăn leo thang, đến khẩu trang y tế cũng không còn, đến từng mảng không khí trong lành cũng phải tranh đua nhau để có.
Vào thời điểm ấy, mình chưa hề biết đến khái niệm nguyên lý bất biến, nhưng trong đầu luôn tự hỏi, điều gì ngay lúc này sẽ không thay đổi để mình có thể dựa vào, nương tựa đây. Và trong quyển sách “7 thói quen hiệu quả", sau khi Tiến sĩ Stephen Covey đưa ra hết một loạt những dẫn chứng về tình trạng con người luôn tìm đến những phương cách nhanh chóng, hiệu quả để giải quyết tức thời, thì ông khẳng định về tầm quan trọng của những nguyên lý bất biến.
Ông tự nhận mình không phải là người sáng tạo ra những nguyên lý bất biến, ông chỉ là người đơn giản hoá, kết nối các nguyên lý này thành một hệ thống chặt chẽ để có thể ứng dụng vào trong mọi khía cạnh cuộc sống từ: công việc, gia đình, kinh doanh, lãnh đạo, tài chính…
Ông đã khẳng định sức mạnh to lớn của nguyên lý bất biến khi nó tác động vào tính hiệu quả. Bởi nguyên lý bất biến luôn đúng, và nếu ai ứng dụng được nguyên lý này thì mọi thứ đều mang lại kết quả tốt đẹp.
Tạo ra tính hiệu quả bằng những thói quen
Thầy Giản Tư Trung khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách “7 thói quen hiệu quả" đã có chia sẻ rằng:
Văn hoá của một người bao gồm hành vi bên ngoài và bản tính bên trong của người đó [...] nếu ta tác động vào hành vi thì chỉ tạo nên những thay đổi nhất thời, còn nếu tác động vào bản tính thì lại là việc nhiều phần…vô vọng.
Đó là lí do vì sao thầy Stephen Covey đã dùng một phương pháp trí tuệ hơn đó là chẻ nhỏ các nguyên lý bất biến thành những thói quen - là thứ ta dễ tác động hơn nhưng một khi hình thành thì lại hết sức bền vững. Cụ thể sẽ có 7 thói quen là 7 nguyên lý đã được đơn giản hoá và mang tính ứng dụng cao trong cuốn sách.
Từng thói quen là lộ trình trưởng thành tự nhiên của mỗi người được sắp xếp đi từ trong ra ngoài, để giúp con người đi từ lệ thuộc sang độc lập, rồi tự độc lập sang tương thuộc. Khi ứng dụng 7 thói quen trong quyển sách cần phải đi từng bước mà không được đốt cháy giai đoạn.
3 thói quen đầu là bước đệm để xây dựng những nền tảng phẩm chất cốt lõi bên trong mỗi người. Khi mỗi người độc lập hơn thì sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra ở bí mật số 1 và số 2 như chia sẻ ở trên.
3 thói quen sau là giúp cho mỗi người bước ra khỏi vòng tròn của mình để tạo nên những mối kết nối sâu sắc với người khác. Và thói quen thứ 7 à sợi dây cương khiến mình phải luôn quan sát bản thân để đi lên thay vì ngủ quên trên chiến thắng.
Tìm đọc cụ thể hơn 7 thói quen hiệu quả trong cuốn sách, tại đây!
Quá trình này phát triển từ trong ra ngoài một cách hoàn hảo, để bạn không phải phân vân giữa việc nên sống vì mình hay vì người khác nữa. Những thói quen dựa trên nguyên lý, nên một khi bắt đầu ăn sâu vào căn tính mỗi người, nó sẽ giúp cho chúng ta trở nên hiệu quả và hiệu quả bền vững.
Quyển sách “7 thói quen hiệu quả” của thầy Stephen Covey được xem là một kiệt tác hiếm hoi của thế giới trong lĩnh vực quản trị (theo lời thầy Giản Tư Trung). Nhưng nó lại không dễ đọc vì ngôn ngữ bên trong mang tính học thuật rất cao.
Rất may mắn, mình đã đọc quyển này vài lần, và còn tham gia thêm cả khoá huấn luyện để đưa 7 thói quen vào một dự án cá nhân, rồi từ đó cảm nhận được tính hiệu quả của nó. Kết quả cuối cùng, mình đã mạnh dạn lên vài dự án cá nhân, áp dụng đầy đủ 7 thói quen này và nhận về được về những kết quả.
Mình làm từng dự án nhỏ, đến dự án lớn hơn, và hành trình áp dụng vẫn còn tiếp tục.
Do đó, để hiểu hết về quyển sách, bạn hãy đọc hết một lượt từ đầu đến cuối, đừng bỏ qua trang nào dù đó là lời tựa. Đọc hết một lượt, bạn hãy đúc kết 7 thói quen này đơn giản hơn, đưa trực tiếp vào dự án đang làm và cảm nhận tính hiệu quả phát huy ngay sau đó.
Mình rất mong bài chia sẻ hữu ích, mong nhận được đóng góp của mọi người ở phần bình luận bên dưới!
***
Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên BKE Shop thông qua 3goc.vn, chúng tôi đảm bảo giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. Rất mong độc giả ủng hộ. Cùng "Góp gạo nuôi quân" lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
Nội dung: Khánh Vi - Admin Trang Thư Viện 3 Gốc
Biên tập: Nhàn lý + Nhóm viết lớp Content 3 Gốc
Hình ảnh:
Comentarios