top of page
Writer's picturePhương Lê

ĐAU KHỔ - CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ

Updated: May 24

“Đời là bể khổ” câu nói được truyền từ bao đời nay. Vậy nó có thật sự đúng?

Kiếp sống nhân sinh với hỷ nộ ái ố làm cho chúng ta không ít lần sầu muộn và đau khổ. Đôi khi vì lý do rất nhỏ. Không hài lòng vì không thỏa mãn mong cầu cũng khổ. Giàu quá cũng khổ. Nghèo quá càng khổ. Không hiểu bản thân cũng khổ bởi cứ chạy theo mong cầu của bản thân và mong cầu của người khác. Chẳng thế mà chân lý đầu tiên trong “Tứ diệu đế” theo lời Phật dạy chính là Khổ đế bởi bản chất của thế gian là bất toàn, bất toại nguyện, vô thường và đau khổ.

Mời bạn cùng Lê Phương - học viên K3 khóa Content 3 Gốc cùng chia sẻ và suy ngẫm về khổ đau, cách hóa giải để thân tâm không còn dính mắc vào đau khổ.


Đau khổ và cách hóa giải

MỤC LỤC


1. Khổ đế

“Khổ” chỉ tất cả những gì mình không ưa thích, khiến mình khó chịu đựng khó kham nhẫn, làm mình mệt mỏi căng thẳng chán nản đau khổ và muốn chối bỏ, xua đuổi. “Đế” là chân lý bất di bất dịch không thay đổi.


Như vậy, “khổ đế” là sự thật về bản chất đau khổ của đời sống. Đây là một bài pháp màu nhiệm của đức Phật về đau khổ để ngay khi chúng ta trực diện nhìn nhận sự đau khổ mà không né tránh chối bỏ nó, chúng ta có thể học hỏi và đạt được tự do tự tại giải thoát khỏi khổ đau.


Dưới đây, chúng ta hãy nghe Đức Phật giải bày một cách tường tận, sâu sắc, tỉ mỉ về sự khổ của thế gian.


*Luận Về Sự Khổ Đau Của Thế Gian:

Căn cứ theo kinh Phật, có thể phân loại ra làm ba thứ khổ (tam khổ) hay tám thứ khổ (bát khổ).


1.1. Ba khổ: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.

a. Khổ Khổ

- Là sự khổ chồng chất lên nhau hết khổ này đến nỗi khổ khác liên tiếp. Nỗi sầu này chưa vơi, thì niềm đau kia lại đến, nó luôn quấy nhiễu suốt cuộc đời của chúng sanh.

- Thân tâm con người vốn đã là khổ, lại còn bị vô vàn nỗi khổ khác (như bệnh tật, đói khát, gió bão, mưa lụt, giá lạnh, nóng bức, hiếp đáp, lăng nhục, hành hạ, chiến tranh, v.v…) làm cho khổ thêm; cho nên gọi là “khổ khổ”.

------------------------------

b. Hành Khổ

- Chữ “hành” ở đây có nghĩa là sự trôi chảy, biến đổi và sinh diệt của vạn vật. Mọi pháp hữu vi trong vũ trụ đều do duyên sinh, luôn luôn trôi chảy, trải qua quá khứ, hiện tại và vị lai, không có giây phút nào được yên ổn. Bản chất của vạn pháp vốn là vô thường, không có tự ngã, luôn luôn biến đổi, sinh diệt, không chân thật. Điều đó làm cho ai thấy cũng sinh buồn phiền đau khổ.


- Hành khổ là những ý định, những chủ tâm dẫn đến phát khởi những hành động của thân, khẩu, ý. Hay nói cách khác, Hành uẩn là sự tạo tác của mọi hoạt động trong tâm thức trước khi bộc phát thành hành động. Sự hoạt động này rất chủ động như tôi dự định làm như thế này, tôi cho rằng như thế là không được… Do Hành sanh ra Thức, thúc đẩy Thức tạo nghiệp. Hoạt động của Hành rất vi tế, ẩn tàng trong tâm khó có thể nhìn thấy, thế nhưng nó điều khiển tất cả mọi hành động của thân, khẩu, ý làm cho tâm trí chúng sanh luôn dao động, lo toan, ưu phiền.


- Công năng của hành uẩn thật đáng sợ, luôn hoạt động thường trực, nhưng vi tế khó nhận biết, nó dẫn dắt tâm ý hoạt động xấu, tốt hoặc không xấu, không tốt. Như vậy, hành uẩn có khả năng chủ đạo tạo nghiệp, dẫn dắt chúng sanh trôi lăn trong bể khổ luân hồi, chịu nhiều khổ đau.


- Tâm niệm chúng ta thay đổi liên miên hỗn loạn nên gọi là Hành, Uẩn là sự tích tụ lại từ vô thỉ kiếp đến nay. Vậy nên Hành uẩn là nơi tư tưởng phát sinh như dòng suối liên tục không ngừng. Ý niệm trước vừa dấy khởi thì liền bị thay thế bởi ý niệm sau, cho nên tâm con người chất đầy vọng tưởng.

------------------------------

c. Hoại Khổ

- Là sự hủy hoại đưa đến sầu khổ. Nghĩa là tất cả vạn vật trong vũ trụ thường biến đổi và đưa đến hư hoại, tiêu tán. Dù to lớn như những dãy núi hùng vĩ, hay nhỏ bé như hạt cát cũng bị biến đổi, hư hoại, hủy diệt theo thời gian… không có một cái gì tồn tại mãi mãi được. Hiện tượng vô thường này khiến cho chúng sanh luôn bị áp lực bởi tâm lý thương tiếc, sầu khổ… mãi diễn ra trong tâm thức.


- Những người ta thương yêu mà mất đi, những vật ta ưa chuộng mà hư nát, đều làm cho ta đau khổ. Những thú vui, lúc ta đang hưởng thụ thì cảm thấy rất vui, nhưng khi những thú vui ấy tàn thì ta thấy tiếc nuối, nhớ nhung, buồn phiền, đau khổ. Ngay như bốn yếu tố (đất, nước, gió, lửa) trong thân ta, lúc không được điều hòa, cũng làm ta đau khổ. Những nỗi khổ như thế gọi là “hoại khổ”.


Nhận thức về khổ, sự thật đầu tiên mà Đức Phật thấy rõ là Khổ đế. Khổ là một sự thật trong cuộc đời này. Dù giàu có như vua, hay nghèo khổ như ăn mày thì chúng ta cũng bị khổ. Người nghèo có cái khổ của người nghèo, người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Phàm phu có nỗi khổ phàm phu, thánh nhân có nỗi khổ thánh nhân.


1.2. Bát khổ

a. Sinh khổ

- Chúng ta sinh ra là khổ. Mẹ mang thai mình, cả 2 mẹ con đều khổ. Rồi đến ngày sinh nở, rất là khổ. Chúng ta ở trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, tối tăm, mù mịt. Mẹ ăn nóng thì mình bị nóng, mẹ ăn lạnh thì mình bị lạnh; bị chèn ép trong bụng, trong tử cung của người mẹ. Tử cung nghĩa là cái cung của đứa con ở. Mà chúng ta ai cũng thế, nhốt trong cái ngục ấy – ngục tử cung rồi đủ ngày, đủ tháng thì ra ngoài. Ra ngoài là khổ lắm. Đi qua cái cửa của mẹ rất chật hẹp. Có những người mẹ phải mổ, phải rạch mới lấy được con ra. Rất là mệt, rất là đau đớn.


- Mở màn cuộc đời là tiếng kêu khổ oa oa.... Mình sinh ra ngoài gặp nóng, gặp lạnh, thời tiết là thấy đau khổ rồi. Trong bụng mẹ khác, ra ngoài khác. Thế cho nên Phật gọi là sinh là khổ. Đây là sự khổ đầu tiên mà ai cũng gặp phải.


b. Lão khổ - Già

- Tất cả chúng ta không ai thích mình già cả. Chúng ta chỉ thích mình lớn thôi, chứ không thích già. Già da nhăn nheo, mắt mờ, tai điếc, răng rụng, bệnh tật, con cái cực nhọc chăm nom,.... Bé thì thích mình lớn, mình làm người lớn nhưng già là không thích.


- Chúng ta không ai thích già cả vì già thấy nó xấu xí, nó vô dụng. Cho nên già là một nỗi khổ. Già là một nỗi khổ mà hầu hết ai cũng phải trải qua dù không muốn. Khi già, cơ thể nhăn nheo, trở nên xấu xí; trí tuệ cũng giảm sút. Chính vì vậy, già cũng là một nỗi khổ không tránh né được trong cuộc đời.


c. Bệnh khổ

- Bệnh tật, ốm đau là khổ. Ai cũng thích mình mạnh khỏe, không một chút bệnh tật. Người ta mới bảo là: “Không ốm, không đau làm giàu mấy chốc” là thế đấy. Ai cũng cầu sức khỏe, sức khỏe là số một.


- Bị bệnh thì đau đớn, mệt mỏi, rã rượi, chán đời. Một sự thật trên thế gian là ai cũng mong cầu sức khỏe cũng như mong mỏi khi về già vẫn có sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó không thể xảy ra trong cuộc đời của chúng ta. Khi bị bệnh, chúng ta sẽ thấm thía được nỗi khổ mà bệnh tật mang đến.


d. Tử khổ

- Mất đi thân mạng này là khổ. Chết là cực khổ, chẳng ai muốn chết cả. cha mẹ sinh ra mình là có giấy khai sinh thì cũng nên đồng thời làm luôn giấy khai tử, chưa để ngày. Tất cả chúng ta đều phải chết. Không ai muốn chết mà tại sao mình cứ phải chết? Thế có phải khổ không? Không muốn chết mà phải chết thì có khổ không? Khổ lắm.


- Chưa toại nguyện được mong sở cầu mà đã phải ra đi. Chưa thỏa mãn thú vui trên đời đã phải lìa trần. Có người chết trẻ nữa, chưa thực hiện xong hoài bão gây dựng bao lâu mà đã chết. Có người chết không ai bên cạnh, lại có người chết không cỗ quan tài, lại có người chết chưa kịp 1 lời chăng chối, lại có người chết không vẹn toàn thân, lại có người chết oan gia, lại có người chết để lại người thương cõi trần,....


- Chết là một sự thật mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Nhưng hiếm có người nào lại chấp nhận phải chết bởi ai cũng sợ chết. Chết là đau khổ, là sợ hãi. Ai cũng mong muốn được sống lâu, sống khỏe, không ai muốn chết. Nhưng cái chết sẽ đến với tất cả chúng ta. Vì vậy, chết là một sự khổ lớn của chúng sinh.


e. Ái biệt ly khổ

- Yêu thương mà phải lìa xa là khổ. Những người mình yêu thương, mình quý mến mà mình phải xa lìa. Trong gia đình cha mẹ ly thân với nhau, ly dị nhau; mình khổ. Hoặc người bạn, người yêu của mình phải điều chuyển đi công tác xa, hay gia đình nhà anh đi nước ngoài mất. Thế là mình khổ. Mình muốn làm sao người thân, người yêu của mình cứ ở bên cạnh mình. Nhưng mà sự đời nó lại không được thế. Nó toàn trái ý mình thôi. Cái người mình muốn ở gần mình, toàn không được ở gần. Thế cho nên Đức Phật mới dạy: “Yêu thương phải xa lìa là nỗi khổ của chúng ta”.


- Chúng ta thấy chắc rằng thương nhau mà phải xa rời là một sự khổ. Mà sự khổ này chúng ta ai cũng phải trải qua. Trong đời sống, có rất nhiều người để chúng ta thương yêu như cha mẹ, vợ chồng, bạn bè,… Nhưng không phải ai cũng ở với mình suốt cả cuộc đời. Nếu gặp duyên sự phải chia xa sẽ sinh ra buồn bã, khổ đau.


- Khổ sanh ly: Điều này trong hoàn cảnh chiến tranh, ta càng thấy rõ. Biết bao gia đình chịu cảnh kẻ Bắc, người Nam; Biết bao thanh niên xa gia đình dấn thân nơi chiến trận - Người ở nhớ thương, kẻ đi sầu thảm...


- Khổ tử biệt: Biết bao kẻ tuổi hãy còn xuân, tử thần cướp đi người yêu quý, phải chịu cảnh góa bụa bơ vơ. Rồi lại những kẻ cha mẹ, anh em, con cái đều bị tử nạn; biết bao trẻ mồ côi sống thiếu tình thương của người thân, buồn tủi nương thân nơi viện cô nhi…


Ở trong cuộc thế này, biển nhớ, sông thương đã sâu dài, mà núi hận trời sầu cũng rất cao rộng.

- Cảnh sanh ly, tử biệt đối với người thân yêu quả thật vô cùng sầu khổ.


f. Cầu bất đắc khổ

- Cầu mong không được là khổ. Trong cuộc đời, dù ít dù nhiều chúng ta đều có những mong cầu, ước vọng. Người thì cầu công danh, tiền bạc. Người thì cầu sức khỏe, tình yêu, con cái,… Nhưng có một sự thật là rất ít khi chúng ta được toại ý. Khi những mong cầu của chúng ta không được toại ý thì sinh ra đau khổ, phiền não, tuyệt vọng. Cho nên chúng ta chắc chắn một điều rằng, cầu không được là một nỗi khổ của thế gian.


g. Oán tánh hội khổ

- Ghét nhau mà gặp mặt là khổ. “Ghét của nào trời trao của ấy”. Cái mình không ưa thì nó cứ lù lù trước mặt, oan gia hội ngộ. Ra gặp mặt, vào gặp mặt. Người mình không ưa, mình ghét lại cứ hay ở gần mình. Đấy gọi là: không ưa hay phải gặp mặt. Đó là cái khổ của chúng ta. Việc chạm mặt người mình không ưa là không thể tránh khỏi trong cuộc sống đời thường. Điều đó có thể dẫn đến tâm trạng bực bội, không vui. Phật dạy đó là nỗi khổ thứ bảy của chúng sinh.


h. Ngũ ấm xí thạnh khổ

- Còn cái khổ nữa là cái khổ của thân thể chúng ta. Ngay nơi thân, tâm chúng ta sinh ra rất nhiều phiền muộn, nỗi buồn bâng quơ, những điều vu vơ, những cái tự nhiên trong lòng thấy buồn, thấy chán, không biết nguyên nhân vì sao. Phật gọi đấy là cái thân ngũ ấm này, nó xí, nó thịnh, nó bừng cháy, nó làm thiêu đốt chúng ta rất khổ. Những ham muốn của thân thể, thân tâm chúng ta, chúng ta không được thỏa mãn, sinh ra bao nhiêu cái khổ ở trong thân tâm này, thiêu đốt chúng ta”.


- Những loại khổ trên và còn bao nhiêu niềm khổ khác đang chi phối toàn bộ kiếp sống nhân sinh, tạo nên nỗi khổ không cùng cho chúng sanh. Chúng là những nguyên nhân chính đưa đến niềm đau, nỗi khổ triền miên cho chúng sinh và nguồn gốc gây nên khổ đau cho con người là do vô minh. Tức do sự ngu si không nhận chân rõ thật tướng về con người và thế giới mà con người đang sống là “KHÔNG”. “VÔ THƯỜNG”; không biết tu tâm, tích đức, xả ngã, vị tha…


Đức Phật Nêu Rõ Những Nỗi Khổ Ấy Để Làm Gì?

Có người sẽ băn khoăn, thắc mắc tự hỏi: Đức Phật nêu lên một cách rốt ráo những nỗi khổ của thế gian để làm gì? Cuộc đời đã đau khổ như thế, thì nên che giấu bớt đi chừng nào hay chừng ấy, chứ sao lại lột trần nó ra làm gì cho người ta càng thêm đau khổ?


Ta cố gắng tạo nên một ảo tưởng tốt đẹp về cuộc đời để sống an ổn trong ấy, có hơn không? Đứa trẻ sống một cách hồn nhiên, yên ổn trong hạnh phúc, vì nó không biết đến những nỗi đau khổ, xấu xa của cuộc đời. Tại sao ta lại không cố bắt chước như chúng, đừng tìm biết gì cả về những sự xấu xa, khổ sở của cõi đời, để sống một cuộc sống có hạnh phúc hơn? Đức Phật là một đấng thường được gọi là đấng từ bi, sao lại làm một việc nhẫn tâm như thế?


Những câu hỏi thắc mắc trên, mới nghe thì hình như có lý, nhưng nếu suy xét một cách rốt ráo, sẽ thấy chúng là nông cạn. Đức Phật không nhẫn tâm khi nêu lên những nỗi khổ căn bản của cõi đời; chính là vì lòng từ bi mà Ngài làm như thế. Đức Phật muốn cho người đời biết rõ những nỗi khổ của trần gian, vì những lợi ích lớn sau đây:


- Gặp cảnh không khủng khiếp: Những nỗi khổ mà Đức Phật nói ra ở trên là những nỗi khổ căn bản, không ai tránh khỏi được. Đã sống, tất phải gặp chúng. Có ai không ốm, không già, không chết? Có ai suốt đời không gặp chia ly với người thân thuộc, không bị chung sống với những kẻ thù nghịch? Có ai đạt được tất cả những điều mình mong ước? Cho nên dù có muốn tạo ra một ảo tưởng đẹp đẽ về cuộc đời để sống cho yên ổn, thì ảo tưởng ấy, sớm hay muộn gì cũng sẽ bị thực tế phũ phàng xé tan đi mất ! Và khi ấy, thế cuộc trần truồng, xấu xí, ghê tởm sẽ hiện ra một cách vô cùng đột ngột, trước mắt những kẻ thường sống trong ảo tưởng đẹp đẽ. Bấy giờ những kẻ thiếu chuẩn bị để sống một cuộc sống đau khổ, sẽ hoảng lên, vô cùng tuyệt vọng và có nhiều khi không đủ can đảm để sống nữa.


-Không tham cầu nên khỏi bị hoàn cảnh chi phối: Khi chúng ta rõ biết cuộc đời vui ít buồn nhiều, và hễ càng ham muốn nhiều thì lại càng đau khổ lắm, khi biết rõ như thế, chúng ta sẽ tiết chế dục vọng của chúng ta và sẽ "biết đủ". Do đó, chúng ta không bị hoàn cảnh chi phối, không bị sóng đời lôi kéo, vùi dập chúng ta xuống vực thẳm mênh mông của cõi Ta Bà đen tối. Tỷ như người trí, rủi bị giam cầm, biết lo nghĩ phương kế để thoát ly lao ngục, chứ không như kẻ dại, trong khi ngồi tù, chỉ lo tranh giành những món cơm thừa, canh cặn mà quên rằng mình sẽ bị đem xử tử, nếu mình không sớm tìm kế thoát thân.


-Gắng sức tu hành để thoát khổ: Khi đã biết thân người nhiều khổ và cảnh Ta Bà ít vui, con người mới mong ước được thoát ly ra khỏi cảnh giới đen tối của mình và sống ở một cảnh giới tốt đẹp hơn. Cũng như lũ trẻ đang chơi mê mẩn trong cảnh nhà đang cháy, may nhờ đấng cha lành báo động, chúng mới biết và gấp rút tìm đường thoát ra.


2. Nhân duyên của khổ đau là vô minh và tham ái

Cũng vậy, biết khổ chưa đủ để diệt khổ. Muốn diệt khổ tận gốc phải tìm nguyên nhân phát sinh ra khổ. Có 2 nguồn gốc sinh ra khổ đau đó là VÔ MINH & THAM ÁI.

Nguồn gốc của khổ đau chính là bởi người ta không thấy được trạng thái trong suốt, bất sinh bất diệt của tâm. Người ta chỉ thấy tâm sinh diệt, tức những ý tưởng, ý nghĩ, cảm xúc thường luân chuyển mãi trong đầu óc và chấp nó chính là bản thân. Và đó cũng chính là nguyên nhân sinh ra VÔ MINH của con người.


VÔ MINH là gì? Vô có nghĩa là không, minh là sáng vậy ghép 2 từ này lại chúng ta hiểu được ý nghĩa của vô minh tức là không sáng. Cụm từ này ám chỉ những quyết định không sáng suốt, không nhìn rõ bản chất sự việc, sự vật hay những sai lầm, lạc lối trong cuộc sống, công việc, tình cảm…


Theo đó chúng ta hiểu được là vô minh chi phối tâm, trí của chúng ta: làm tâm nảy sinh tham, sân, si.


Theo Phật pháp để thoát khỏi vô minh, điều đầu tiên là giữ cho tâm kiên định bằng cách thiền định, giữ cho tâm trí trong sáng, vô ưu, vô sầu.

Như vậy theo cách hiểu của Phật giáo vô minh là một phần gây ra nghiệp lực cho bản thân chúng sinh.


Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta luôn tin tưởng những gì mà mình cảm nhận được qua các giác quan vật lý, đây là điều rất logic và thực tế. Đối với những thứ mà chúng ta chưa chứng kiến, tiếp xúc thì khả năng đưa ra quan niệm không chính xác là rất lớn từ đó dẫn đến những quyết định sai lầm.


Để dễ hình dung chúng ta hãy xem ví dụ sau đây: Một con cá không nhìn thấy lưỡi câu ẩn sau miếng mồi ngon nên nó sẽ gặp rắc rối khi đưa ra quyết định cắn mồi. Tuy vậy nếu con cá đó nhìn thấy toàn bộ hình ảnh nó sẽ nhận ra điều bất ổn và sẽ không cố gắng để lấy con mồi này.


Theo ví dụ trên hàng ngày chúng ta trông thấy những khoái lạc, xa hoa trong cuộc sống và để có được cuộc sống này với những hiểu biết giới hạn chúng ta luôn cố gắng sở hữu chúng kể cả bằng những hành động tiêu cực. Những nhận định giới hạn này đã khiến chúng ta không nhìn rõ tính chân thật của những khoái cảm đó chỉ là tạm thời và không có bản chất.


Nguồn gốc thứ hai của khổ đau ấy là THAM ÁI.

Tham là lòng ham muốn; ái là lòng yêu thích. Đã là con người thì ai cũng có lòng ham muốn và ưa thích hoặc nhiều hoặc ít. Lòng ham muốn và ưa thích là một sợi dây vô hình thường trói buộc rất chặt chúng ta vào vạn vật.

Khi chúng ta khởi tâm ưa thích hay ham muốn một vật gì thì chúng ta bị trói chặt vào vật ấy, khó cho chúng ta buông bỏ được nó.


Nguyên nhân dẫn đến vô minh và tham ái


Giáo lý phật pháp đã chỉ ra rằng vô minh do tự bản thân ta mà ra. Suy xét rộng hơn, vô mình có thể vô tình hay cố tình. Biết là sai nhưng không thắng nổi lòng tham, bản ngã vẫn tiếp tục hành vi sai trái đấy là cố ý. Mặt khác không tỉnh táo, ham danh lợi mà vô tình bị người khác lợi dụng làm điều xấu.


Vô minh & tham ái hoạt động cùng với nhau như thế nào? Cái nào chỉ đạo hay dẫn đầu? Đôi lúc, đó là tham ái ; đôi lúc, đó là vô minh.


Như các bạn thấy đấy, có lúc chúng ta hành động do vô minh. Có lúc chúng ta hành động do tham ái. Một vài người biết về kết quả tội lỗi, nhưng họ không thể tránh được việc làm cái gì đó vì do tham ái. Một vài người không biết; cho nên họ hành động. Vào lúc đó, thì vô minh chỉ đạo.


Chúng ta hãy lấy người nghiện ngập thuốc làm ví dụ. Lần đầu tiên, ông ta không biết về những tác hại của việc dùng thuốc nghiện. Cho nên, ông ta bắt đầu thử. Lúc đó, vô minh (avijjā) dẫn đầu. Sau khi trở thành một kẻ nghiện ngập, ông đã biết về các tác hại của việc sử dụng thuốc nghiện. Nhưng ông ta không thể đè nén được nữa vì sự ham muốn đã trở nên mạnh hơn rất nhiều. Lần này thì tham ái (taṇhā) dẫn đầu.


3. 5 Cách thoát khỏi vô minh phiền não


Để cuộc đời bớt đi khổ đau, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những cách sau đây để triệt tiêu vô minh và tham ái.


Cách 1 - Học cách bớt tham và biết đủ


Biết cách tiết kiệm, hài lòng với cuộc sống hiện tại, giúp đỡ những hoàn cảnh chưa bằng mình.
Bớt tham và biết đủ là cách đầu tiên để thoát khỏi khổ đau

Cuộc sống của chúng ta thời trẻ luôn có những hoài bão và dự định. Khi còn sức khỏe ai cũng muốn chinh phục những ước mơ của mình. Chỉ đến khi về già hoặc ốm đau, lúc này con ta mới biết quý trọng sức khỏe, sự bình yên và nhận ra vật chất không thể làm mình hạnh phúc.

Những danh lợi, chức quyền, tài sắc đều là nguyên nhân dẫn đến vô minh. Người đời có câu “tham quá sẽ khiến con người ta mờ mắt” quả thật không sai. Khi bị những thứ trên chi phối, rất khó để thoát khỏi cám dỗ của nó.

Chúng ta nên hiểu rằng, một khi đã phạm phải vô mình thù dù làm nhiều đến đâu, có bao nhiêu của cải cũng cảm thấy không đủ. Một người quá coi trọng danh lợi sẽ dần mất đi tính lương thiện, làm trái với quy luật tự nhiên.

Cách để thoát khỏi lòng tham là hãy tự lập bảng kế hoạch tài chính cá nhân. Trong đó xác định rõ mục tiêu cần đạt được là những gì. Tự hỏi rằng nếu không đạt được những mục tiêu đó có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn hay không?

Biết cách tiết kiệm, hài lòng với cuộc sống hiện tại, giúp đỡ những hoàn cảnh chưa bằng mình.

Cách 2 - Học cách kiềm chế cảm xúc, tránh giận quá mất khôn


Giận giữ chắc chắn sẽ khiến chúng ta mất bình tĩnh, không thể nhận biết đúng sai trong hành động dẫn đến vô minh.
Kiềm chế cảm xúc tránh giận dữ sẽ làm ta bớt đau khổ

Giận giữ chắc chắn sẽ khiến chúng ta mất bình tĩnh, không thể nhận biết đúng sai trong hành động dẫn đến vô minh.

Để kiểm soát cảm xúc cho tốt hãy lưu lại một vài “tips” dưới đây:

  • Đầu tiên hãy dập ngay những suy nghĩ tiêu cực: Những suy nghĩ này chỉ khiến bạn trở nên chán nản, căng thẳng. Hãy lạc quan mà nhìn nhận vấn đề với tinh thần tích cực, biết đâu mọi việc không tệ như bạn tưởng tượng.

  • Cần tập trung để giải quyết vấn đề thay vì tranh cãi đúng sai.: Sự việc đã xảy ra dù bạn hay đối phương lên tiếng chỉ trích người còn lại đều không giải quyết được điều gì. Thay vào đó, hãy bình tĩnh phân tích nguyên nhân và tìm gia phương án.

  • Tuyệt đối đừng giữ thù hận và ác cảm trong lòng: Thù hận là nguồn gốc của sự vô minh dẫn đến những quyết định mù quáng. Nếu giải quyết xong hãy bỏ qua và quên đi đừng giữ trong lòng bất cứ điều gì.

  • Xin ý kiến của những người quan trọng: Trong những lúc nóng giận thì một lời khuyên từ người bạn tin tưởng là cách tốt nhất giúp bạn bình tâm lại. Hãy kể cho một người bạn tin tưởng (đồng nghiệp, bạn thân, vợ chồng) những chuyện đã xảy ra. Qua đó xin ý kiến giải quyết vấn đề từ họ và cân nhắc trước khi quyết định.

Cách 3 - Thoát khỏi si mê

Si mê tức là sự ngu muội, không phân biệt được phải trái, đúng sai. Người si mê dễ bị người khác lợi dụng, trục lợi làm điều xấu. Sự vô minh từ si mê khiến con người không hiểu và thấy được những tệ nạn.

Trong đạo phật có chỉ ra 4 cách giúp con người thoát khỏi sân si:

Dùng tâm đối trị: Tích lũy tri thức nhiều để tự nhận thức được đúng sai. Tìm hiểu đạo phật, nghe bài giảng kinh phật online hoặc tìm hiểu những bộ môn thiền tịnh. Đây là những cách tốt nhất để tu tâm, khiến tâm vững hơn.

Dùng lý đối trị: Nếu tâm không ngăn nổi thì phải dùng đến lý trí. Trước khi làm điều gì hãy tự vấn bản thân xem mình có sân si quá hay không? Việc tự hỏi bản thân sẽ tạo ra cảm giác có lỗi mỗi lần chúng ta sai trái. Dần dần sẽ tạo thành thói quen.

Dùng sự đối trị: Sử dụng một số sự việc hành đồng để đối trị với tâm sân giận. Ví dụ uống một cốc nước lạnh, hít thở 10”, sờ bùng để cảm nhận cảm giác phồng xẹp.

Dùng sám hối đối trị: Nếu chẳng may không trị được mà dẫn đến nhiều việc sai trái thì chỉ còn cách sám hối, tạ tội. Hãy làm nhiều điều thiện, tích đức để bù đắp những lỗi lầm mình đã gây ra.

Cách 4 - Đừng kiêu ngạo


Đầu tiên để bớt kiêu căng, ngạo mạn ta phải học được đức tính khiêm nhường. Phải khiêm nhường thì việc tu hành mới có thể trở lên tiến bộ. Hãy học cách kiềm chế lời nói, ngôn ngữ của mình
Đừng kiêu ngạo để thoát khỏi khổ đau phiền não

Một vài dấu hiệu của người kiêu ngạo là luôn cho mình đúng, coi mình như trung tâm của vũ trụ. Thậm chí còn có thái độ khinh thường người khác, không tôn trọng bề trên và người lớn tuổi. Tất cả đều là biểu hiện của sự vô minh.

Đầu tiên để bớt kiêu căng, ngạo mạn ta phải học được đức tính khiêm nhường. Phải khiêm nhường thì việc tu hành mới có thể trở lên tiến bộ. Hãy học cách kiềm chế lời nói, ngôn ngữ của mình.

Bên cạnh đó học cách lắng nghe ý kiến và suy nghĩ của người khác. Đi nhiều nơi cũng là cách giúp chúng ta bớt ngạo mạn hơn. Khi gặp nhiều người, tiếp xúc với nguồn kiến thức mới ta mới thấy con người thật nhỏ bé. Núi cao ắt sẽ có núi cao hơn, vì vậy ta cần phải học hỏi nhiều hơn, phát triển bản thân hơn nữa.

Cách 5 - Bớt hoài nghi, ngờ vực người khác


Nghi ngờ khác hoàn toàn với cẩn thận. Trong cuộc sống cẩn thận là cách rất tốt để hạn chế rủi ro, tuy nhiên nghi ngờ thì lại khác. Dần dần bạn sẽ đánh mất lòng tin với những người xung quanh, lạc vào vô minh lúc nào không hay.
Nghi ngờ sẽ làm ta đắm chìm tham ái

Nghi ngờ là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những cảm xúc tiêu cực khác như: Bất an, tức tối, mặc cảm, tuyệt vọng…

Hãy sàng lọc và loại bỏ những thứ tiêu cực để hướng tới suy nghĩ tích cực.

Để làm được điều này hãy suy xét vấn đề trên nhiều phương diện hơn. Hãy lắng nghe thêm cả ý kiến của những người xung quanh để biết liệu mình có đang nghi ngờ đúng hay chỉ là sự vô lý của bản thân.


Có thể bạn đang bị “bi kịch hóa” vấn đề chứ thực tế mọi chuyện không hề như bạn nghĩ. Để dần loại bỏ thói quen xấu này hãy mặc kệ sự việc diễn ra. Sau vài lần, nếu thu được kết quả trái với suy nghĩ ban đầu của bạn. Điều này chứng tỏ bạn đã sai. Những lần sau chúng ta sẽ có một phản ứng tự nhiên trong suy nghĩ “mình lại nghĩ quá rồi, chắc mọi chuyện không tệ thế đâu”.


Nghi ngờ khác hoàn toàn với cẩn thận. Trong cuộc sống cẩn thận là cách rất tốt để hạn chế rủi ro, tuy nhiên nghi ngờ thì lại khác. Dần dần bạn sẽ đánh mất lòng tin với những người xung quanh, lạc vào vô minh lúc nào không hay.


Lời kết

Bởi vì nhân duyên của khổ đau là vô minh và tham ái. Hai yếu tố này được coi là nghiệp của thế gian mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào cạm bẫy này. Bằng lối sống bớt tham biết đủ, kiềm chế cảm xúc, bớt si mê, không kiêu ngạo và dừng hoài nghi người khác, hy vọng bạn sẽ vượt qua vô minh, tham ái để bớt thấy khổ đau và phiền não trong cuộc sống.


Nội dung: Lê Phương - Học viên Content 3 gốc khóa K3

Biên tập & hình ảnh: Nguyễn Hằng



150 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page