top of page

Nghệ thuật lan tỏa văn hóa đọc tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp

Updated: 2 days ago

Bạn say mê những trang sách, đắm chìm trong thế giới tri thức và muốn lan tỏa niềm đam mê ấy đến người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Tuy nhiên việc thuyết phục mọi người có cùng đam mê (dù điều đó vô cùng hữu ích) chưa bao giờ là điều dễ dàng. 


Làm sao để lan tỏa giá trị của sách tới mọi người mà không vấp phải sự chối bỏ, sự thờ ơ, né tránh?

Làm thế nào để những người xung quanh bạn đến với sách một cách tự nhiên, đầy thích thú và tự nguyện?


Mời bạn cùng tìm hiểu về bí quyết lan tỏa văn hóa đọc trong bài viết dưới đây nhé!


Mục lục


Hình 1: 


Bạn còn nhớ, lần đầu chia sẻ cuốn sách tâm đắc với người người đồng nghiệp chưa từng đọc sách không? Khi bạn say sưa về kể nội dung cuốn sách, ánh mắt sáng ngời, giọng nói đầy hứng khởi thế nhưng phản ứng nhận về lại là những cái nhún vai, ánh mắt lảng tránh, thậm chí là câu nói quen thuộc:

  • Mình không có hứng thú đọc sách.

  • Sách ư? Để sau đi, mình còn nhiều việc lắm!


Cảm giác lúc này của bạn là gì? Chối bỏ, khó hiểu hay là hụt hẫng?


Thực tế, dù bạn có xu hướng muốn chia sẻ những điều hay và giá trị đến những người xung quanh mình, bạn mong họ cũng tiếp cận và thay đổi giống bạn, nhưng khoảng cách giữa người yêu sách và người chưa từng đọc sách là một hố sâu khó lấp đầy. Cần lắm một chiếc cầu để bắc nối, cần lắm một cách thức tinh tế để đưa họ đến thế giới diệu kỳ của tri thức tinh hoa.


Và đây chính là cách bạn có thể áp dụng!


Thay đổi mình - để tạo cảm tình

Trong hành trình Kiến tạo văn hóa đọc, mình từng nghe một chị học viên chia sẻ rằng: Ban đầu, chị bắt con đọc sách nhưng chị nhận ra dù có đọc đều đặn thì bạn ấy cũng không hứng thú. Bởi bạn đọc do sợ mẹ mắng, không hề tự nguyện. Nhưng đến một ngày, khi chẳng còn sự ép buộc, bạn lại hào hứng khoe những cuốn truyện tranh mẹ vừa mua về thật là thú vị.


Lại cũng có bạn chia sẻ: Chồng không hài lòng và thường phàn nàn mỗi khi bạn dậy sớm để đọc sách cùng nhóm bạn văn hóa đọc, nhưng sau một thời gian, chứng kiến bạn ngày càng dễ thương, chồng lại vô cùng ủng hộ bạn tham gia hành trình.


Khi bạn muốn người khác làm theo lời khuyên của mình, bạn cần có 1 trong 2 điều kiện sau:

  • Trở nên cực kì giỏi và thành công, khiến người khác tin tưởng và ngưỡng mộ: Chẳng hạn, cùng là nói về thành công nhưng câu nói của Steve Jobs có sức nặng và dễ dàng tạo niềm tin hơn một người bình thường chưa có thành tựu; cùng nói về sức khỏe, một bác sĩ dễ khiến người nghe tin tưởng hơn một người làm trong lĩnh vực khác…


  • Trở nên cực kì dễ thương để họ cảm thấy gần gũi, có cảm tình: Ví dụ bạn muốn con chia sẻ mọi bí mật ở trường lớp thì bạn phải tạo được sự tin tưởng của con; hay một giáo viên muốn học trò giãi bày mọi tâm tư thầm kín thì thầy cô đó phải nhận được sự yêu mến…

Hình 2: 


Trong việc lan tỏa sách hay, sách tinh hoa cũng vậy, trước tiên để người khác “học theo” bạn, bạn cần trở thành một người truyền cảm hứng đáng tin cậy. Người truyền cảm hứng không phải hô hào, không phải bảo họ “hãy đọc sách đi” mà là bắt đầu từ việc thay đổi chính mình. Sự thay đổi tích cực của bạn, thành công bạn đạt được nhờ kiến thức từ sách vở, sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị của việc đọc.


Vì vậy thay đổi để là nam châm chứ đừng là thanh sắc, hãy thu hút chứ đừng đuổi bắt, tạo cảm tình chứ đừng khiến người khác bất bình. Khi tạo được cảm tình rồi bạn sẽ dễ dàng chia sẻ, kết nối, lan tỏa và tạo ảnh hưởng đến những người bạn muốn.


Thấu hiểu người - nhận sự đồng tình 


Khi tạo được cảm tình đây là lúc bạn có thể chia sẻ với điều kiện: đừng nóng vội, đừng hấp tấp, đừng cố chấp. Chậm một chút để lắng nghe, để thấu hiểu người bạn dự định trao giá trị.


 Vậy bạn thấu hiểu những gì?

 Vậy bạn thấu hiểu những gì?


  • Họ là ai? 

Cách bạn chia sẻ sách tới con cái, bố mẹ, bạn đời hay đồng nghiệp hoàn toàn không giống nhau. Vì vậy bạn cần biết người mình định “độ” nằm trong độ tuổi nào, có  tính cách, sở thích gì. Họ là cô nàng mộng mơ hay anh chàng thực tế, là người nỗ lực trong công việc hay đang tan vỡ trong tình cảm, là một người trưởng thành hay vẫn là đứa trẻ..


Hiểu rõ sở thích, đặc điểm tính cách của đối tượng sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn sách phù hợp theo 5 cấp độ, tạo cầu nối để khơi gợi niềm yêu thích được đọc và học hỏi.


  • Họ đang cần gì? 

Thử quan sát xem người đó đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trong cuộc sống, giải trí thư giãn hay đơn giản là muốn mở rộng kiến thức? Việc lựa chọn sách phù hợp với nhu cầu của họ sẽ tạo hứng thú và động lực để họ tiếp tục hành trình đọc sách. Một người đề cao sự nghiệp sẽ không hào hứng với câu chuyện tình cảm nhưng nếu đó là cuốn sách về phát triển bản thân, về kỹ năng công việc chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn.


Hình 3: 


  • Tình trạng của họ ra sao? 

Điều này cũng quan trọng không kém. Bởi người chưa có thói quen đọc sách và người đọc rồi nhưng chưa biết chọn lọc nội dung có văn hóa và đọc với thái độ có văn hóa cần sự đồng hành khác nhau.


Những món “khai vị” hấp dẫn

Sau khi hiểu về đối tượng cần chia sẻ, giờ là lúc bạn lên “thực đơn” cho họ. Hãy bắt đầu từ những món “khai vị” mà chỉ cần nhìn thôi, họ đã muốn thưởng thức rồi.


  • Chọn sách phù hợp với sở thích: Đừng ép buộc người khác đọc sách theo ý bạn, hãy giới thiệu những cuốn sách liên quan đến chủ đề họ quan tâm, ví dụ như sách phát triển bản thân, sách kinh doanh, sách tâm lý, sách du lịch, v.v.


  • Bắt đầu từ những cuốn sách cực kì dễ đọc: Đối với những người chưa có thói quen đọc sách, hãy giới thiệu những cuốn sách ngắn gọn, dễ đọc, có nhiều hình ảnh minh họa để tạo cảm giác hứng thú. 


  • Tập trung vào vấn đề nhức nhối hiện tại: Thật dễ dàng khiến một người đang gặp vấn đề lớn trong cuộc sống đọc sách. Một người đang cần hàn gắn mối quan hệ chắc chắn sẽ biết ơn khi bạn trao cho họ cuốn sách về chữa lành, một người khao khát kiến tạo thói quen tốt sẽ vui biết chừng nào khi được cầm trên tay cuốn sách giúp giải quyết triệt để vấn đề đó…


  • Tạo phần thưởng khi đọc sách: Cách này áp dụng khá hữu hiệu, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bạn có thể yêu cầu một đứa trẻ đọc một cuốn sách, đúc kết lại và sau đó tặng một món quà bạn ấy yêu thích. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng chủ yếu thời gian đầu và giảm dần về sau, nhằm tạo thói quen đọc sách.


Hoặc đơn giản là bạn để sách ở những nơi họ thường thấy. Ban đầu có thể người đó không để ý nhưng lâu dần, việc xuất hiện thường xuyên của những cuốn sách sẽ gây chú ý cho họ. Đó là lý do những bà mẹ ở Phần Lan thường đưa con tới thư viện, tới hiệu sách từ rất sớm, cả khi chúng chưa biết đọc biết viết.


Hình 4: "Ai đó một khi đã học được cách đọc, thì họ sẽ tự do mãi mãi, vì việc đọc là cầu nối tới sự tự do." - Frederick Douglass


Tóm lại, lan tỏa việc đọc sách là một hành trình dài cần sự kiên nhẫn và tinh tế, cần “mưa dầm thấm lâu”. Vì vậy, thay vì áp đặt và kỳ vọng, hãy dùng sự thấu hiểu, yêu thương và những hành động thiết thực để truyền cảm hứng cho người thân. Từ đó việc đọc sách trở thành niềm vui chung, gắn kết mọi người cùng khám phá thế giới tri thức vô tận.  Hãy giúp họ biến việc đọc sách thành một "món ăn tinh thần" hấp dẫn, chứ không phải nhiệm vụ bắt buộc nhé!


Luôn đồng hành - trở thành đồng minh

Có những đứa trẻ hồi nhỏ mê sách vì thường được ba mẹ đọc cho nghe nhưng lớn lên việc đọc sách chỉ còn ký ức.


Có những người đi vào một khóa học, đọc sách say mê nhưng khi rời khỏi hành trình, không còn đồng đội, thói quen đọc cũng biến mất. 


Lại có những người lập cho mình kế hoạch đọc sách rất bài bản chi tiết nhưng chỉ được vài ba ngày quyết liệt, sau đó tất cả chỉ còn là trang giấy.


Tạo sao lại vậy? Giai đoạn này không phải họ không biết việc đọc sách giá trị nhưng không đủ động lực để duy trì. Cũng giống như việc bạn biết ăn ít tốt cho sức khỏe, giảm cân thì trông sẽ ưa nhìn hơn nhưng không phải ai cũng làm được.


Vì vậy, bạn đã mất nhiều công sức để truyền cảm hứng, để tạo cảm tình và thấu hiểu rồi, đừng để “công trình” tâm huyết và ý nghĩa của mình đứt gánh giữa đường nhé!


Tương tác, thảo luận để tạo sự ghi nhớ

Thi thoảng hay hỏi người thân, bạn bè của bạn rằng họ thích thú với nội dung nào nhất trong cuốn sách, có ấn tượng chi tiết abc không, có quan điểm gì với suy nghĩ của tác giả…Cứ như vậy, sự hỏi han, kích thích nhu cầu trao đổi, thảo luận sẽ khiến họ ghi nhớ và cảm thấy thú vị về cuốn sách mình đang đọc. 


Hình 5:

Chia sẻ trải nghiệm để gợi niềm tin

Hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi mới bắt đầu đọc sách. Đó có thể là cảm giác chán nản khi đọc xong không nhớ gì hoặc không biết áp dụng vào cuộc sống như thế nào. Là một người đi trước, hãy chia sẻ trải nghiệm cá nhân của bạn, ví dụ bạn từng gặp khó khăn trong việc đúc kết nội dung sách, nhưng sau đó bạn đã tìm ra phương pháp hiệu quả như thế nào. Thành công của bạn sẽ truyền cảm hứng để họ tự tin đi qua những ngày khó khăn vì “bạn làm được, chắc chắn tôi cũng làm được!” 


Cộng hưởng năng lượng từ cộng đồng

Môi trường đọc sách đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc. Việc có một không gian đọc sách sẽ  khiến người đọc trở nên hào hứng hơn. Vì vậy đừng ngần ngại đưa bạn bè của mình tới những nhà sách, thư viện hoặc các lớp học về văn hóa đọc, các dự án đọc sách để cộng hưởng năng lượng từ cộng đồng. 

Hình 6:


Đó là những tip sẽ giúp bạn đồng hành đến tận cùng, đồng hành có kết quả trên hành trình lan tỏa điều tử tế và tinh hoa tới những người xung quanh.

***

Lời nhắn gửi

Có một điều kì diệu xảy ra khi bạn đọc sách, đó là bạn sẽ được du hành tới những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, trải nghiệm những cuộc đời mới. Vì vậy đừng ngần ngại chia sẻ điều đó với người thân, bạn bè, đồng nghiệp nhưng với tâm thái tùy thuận duyên - tận nhân lực nhé.


Chúc bạn sẽ lan tỏa được văn hóa đọc sách tới nhiều người một cách đầy tự nhiên và  nghệ thuật!


Nội dung: Nhàn Lý

Hình ảnh: 


37 views1 comment
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page