MỤC LỤC:
***
Mỗi ngày, chúng ta dành cho mình bao nhiêu giây phút yên lặng thật sự, giữa thế giới huyên náo này?
Yên lặng là một điều thiết yếu. Chúng ta cần yên lặng như cần không khí, như cây cần ánh sáng. Nếu tâm trí chúng ta đầy ắp những ngôn từ và suy nghĩ thì chúng ta sẽ không có không gian.
Đây là lời chia sẻ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “Tĩnh Lặng".
Khi tâm trí chúng ta không có không gian, thì ta không thể cảm nhận rõ tất cả những mầu nhiệm của sự sống đang diễn ra, ta rất khó để sống một cách chân thành và sâu sắc, và rồi khi không thể yên lặng thật sự ta rất khó để hạnh phúc.
Dưới đây, 3goc.vn mời bạn cùng đọc bài viết - là những đúc kết tinh túy từ cuốn sách “Tĩnh lặng" của Thiền sư Thích Nhất hạnh nhé!
Bài viết có chứa đường dẫn mua sách tại BKE Shop. Chung tay "Góp gạo nuôi quân" cùng BKE Shop và Trí Tuệ Việt Nam lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
Nhận ra những tiếng ồn
Bắt đầu cuốn sách, Thiền sư Thích Nhất Hạnh không đề cập đến ngay định nghĩa, lợi ích hay phương pháp để có cho mình sự tĩnh lặng, mà thầy chỉ đích danh nguyên nhân sâu xa vì sao ta rất khó để yên lặng trong đời sống - đặc biệt là trong đời sống hiện đại, huyên náo.
Bởi vì, mỗi ngày trong từng ngóc ngách cuộc sống, một người bình thường thật sự rất khó tìm được một nơi mà không có bất cứ tiếng động nào. Nếu không phải là những mẩu quảng cáo, tin nhắn điện thoại, tạp chí, thông báo ứng dụng…thì ta cũng bị bủa vây bởi hộp thư đến trong email, những dòng đỏ rực của màn hình zalo, hay tiếng nói của gia đình, của đồng nghiệp, của tiếng còi xe, tiếng đánh máy lách cách…
Hay thậm chí, ta trốn vào một góc tối nơi không có ai, không có bất cứ thứ gì xung quanh thì ta vẫn không thể thoát khỏi những tiếng ồn. Những tiếng nói, cuộc đối thoại nội tâm, những dòng suy nghĩ miên man về quá khứ và tương lai, lo lắng, sợ hãi, mong cầu.
Bạn có nhận thức ra được 2 loại tiếng ồn này không?
Tiếng ồn bên ngoài
Mỗi ngày chúng ta đều phải ăn để sống, ăn thực phẩm thô để nuôi thân. Thiền sư gọi đó là Đoàn thực (theo Đạo Bụt). Tương tự, chúng ta cũng tiếp nạp thông tin để nuôi tâm. Thức ăn cho tâm được tiếp nhận thông qua 5 giác quan: mắt, tai, mũi, miệng, làn da. Thức ăn này được gọi là Xúc Thực, hay có thể xem là những tiếng ồn đến từ bên ngoài, có thể lành mạnh hoặc không lành mạnh.
Khi không nhận thức những tiếng ồn (thông tin) bên ngoài cũng là thức ăn, ta thường mở cửa cho 5 giác quan hoạt động một cách tự do mà không chọn lọc. Cho nên, ngoài những thông tin lành mạnh dường như rất ít, thì ta cũng tiếp nhận nhiều tiếng ồn không lành mạnh đi qua cửa ngõ 5 giác quan, rồi tạo ra những cảm xúc như: giận dữ, so sánh, đố kỵ…
Tiếng ồn bên trong
Loại tiếng ồn thứ hai khó nhận ra hơn, đó là tiếng ồn bên trong. Nó giống như một đài NST (Non Stop Thinking), có nghĩa là đài suy nghĩ liên tục không ngừng.
Dù không nói chuyện với ai, không đọc sách, không nghe nhạc, không lên mạng thì chúng ta vẫn đang không ngừng hoạt động bên trong. Dù không có bất kỳ tác động nào bên ngoài thì ta vẫn không dứt các cuộc đối thoại đang diễn ra trong đầu.
Những cuộc đối thoại biểu hiện dưới dạng bị mắc kẹt trong những hoài niệm về quá khứ, đó là cảm giác tiếc nuối. Hay như những mong cầu ở tương lai, đó là cảm giác có tập khí luôn kéo ta đi thật nhanh để tìm thấy một điều gì đó phía trước.
Tiếng ồn bên trong là hệ quả của chuỗi thức ăn Đoàn thực, Xúc thực được tiếp nạp trong một thời gian dài; tạo ra thức ăn được xếp ở bậc vi tế hơn mang tên Tư niệm thực và Thức thực.
Nỗi sợ yên lặng và việc nghiện tiếng ồn
Trong cuốn sách, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có đề cập đến một nỗi sợ mà mới nghe qua sẽ cảm thấy nó thật phi lý, nhưng sự thật là đang có rất nhiều người mắc phải.
Thầy chia sẻ rằng bên trong mỗi chúng ta luôn có một khoảng trống cần được lấp đầy, cảm giác về khoảng trống đó rất mơ hồ, nó như là cảm giác cần được yêu thương, hay như là cảm giác cần thêm điều gì đó.
Nó tạo cảm giác ta không thấy đủ nên cứ muốn tìm kiếm một điều gì đó để đưa vào bên trong, tay chân phải luôn hoạt động, tâm trí phải luôn tiếp nạp hay suy nghĩ. Như thế thì ta mới cảm nhận là mình đang sống.
Còn nếu ngồi im lặng, thì mình cảm thấy hụt hẫng lắm, cảm thấy bên trong cứ trống trải thế nào. Càng im lặng bên ngoài bao nhiêu, thì bên trong càng trỗi dậy cảm giác trống trải hụt hẫng nhiều bấy nhiêu. Đó là lí do vì sao, đời sống ngày nay chúng ta bị nghiện các tiếng ồn, cả bên ngoài lẫn bên trong.
Có nhiều khóa thiền được tổ chức ra, có một số bạn trẻ muốn dẫn người nhà đến tham dự khóa thiền với mục đích thanh lọc tâm ý, để giúp thân tâm trở về với sự tĩnh lặng. Thế nhưng, rất nhiều người nhà đã từ chối tham dự bởi vì họ sợ cảm giác phải ngồi yên, chân xếp bằng và không-làm-gì-cả.
Mới nghe lý do này ta sẽ cảm giác thật lạ lùng, nhưng mà đã có rất nhiều người nói rằng, khi mà ngồi yên họ cảm thấy tay chân ngứa ngáy kinh khủng, trên mặt trên tai của họ như có kiến bò khắp xung quanh.
Việc ngồi yên đối với họ như là một kiểu tra tấn, thay vào đó hãy cho họ vận động, cho họ được nói chuyện, hay làm một cái gì đó để cố lờ đi khoảng trống đang hiện diện bên trong. Miễn có tiếng ồn là được.
Cho nên bạn thấy đấy, tĩnh lặng không khó, cái khó là làm sao vượt qua được những trở ngại, lực hấp dẫn của tiếng ồn để trở về không. Tĩnh lặng đơn giản chỉ là buông để không-suy-nghĩ-điều-gì-cả.
Sức mạnh của sự tĩnh lặng
Chính cái tinh tuý của tĩnh lặng là trở về không, không suy nghĩ, không lo toan, không mưu cầu mới giúp ta tìm đến được chân-thiện-mỹ của cuộc sống. Nếu như lúc này, chúng tôi nói rõ hơn về sức mạnh hay giá trị tối hậu của sự tĩnh lặng sẽ mang tới điều gì cho bạn, bạn có dễ dàng vượt qua lực hấp dẫn của tiếng ồn để đưa mình chạm được tới khởi nguyên của sự sống không?
Bạn cùng cảm nhận ngay lúc này nhé!
Hạnh phúc là khi thấy được nhiệm màu của cuộc sống
Cuộc sống tràn đầy những điều nhiệm màu, vẻ đẹp cuộc sống luôn sẵn có hiện diện nơi đây trong từng khoảnh khắc, thế nhưng tâm ta đầy lo lắng, đầy mong cầu nên ta chẳng nhận ra được những thông điệp được gửi gắm từ cuộc sống.
Một bước chân đi trên nền đất, một làn gió mát thổi qua, một hơi thở vào ra đang hiện diện nơi đây, nếu tâm ta có nhiều khoảng trống - đã được dọn sạch những tiếng ồn, thì ta có thể cảm nhận được những điều đang hiện diện chính là món quà tạo hoá đã ban tặng, nó không phải là hiển nhiên.
Khi ta để cho dòng suy nghĩ tạm lắng xuống, ta có thể cảm nhận được hơi ấm từ lòng bàn tay của người thương. Khi ấy trái tim ta nhường chỗ cho tình thương. Khi ta bỏ qua những định kiến trong suy nghĩ làm việc là khổ, ta sẽ cảm thấy công việc đang làm không chỉ là mưu sinh mà đó là nơi ta thỏa sức cho những giá trị nội tại. Ta được sáng tạo, được hăng hái, được truyền cảm hứng.
Khi ta không còn những vọng động, đứng trước một ngọn núi hùng vĩ, một dòng suối trong vắt, một cái vỗ cánh bay cao của chú đại bàng; ta tự hỏi tạo hoá đã làm gì mà tạo ra được vẻ đẹp vĩ đại như vậy. Tấm thân này, tâm thức này của ta thật sự quá nhỏ bé.
Khi tiếng ồn tạm lắng đi, trái tim ta đột nhiên thổn thức với những những lời tán thán như vậy về cuộc sống, và rồi lời thì thầm về việc “ta là ai" đột nhiên có câu trả lời.
Ta là ai trong cuộc đời này
Câu hỏi này không còn là vấn đề phức tạp nếu ta thấy được toàn diện cuộc sống, thấy mình là một mảnh ghép nhỏ bé của cuộc sống đang kết nối với nhiều mảnh ghép khác. Không có ai là vô giá trị, không có ai là một tay che hết bầu trời.
Bởi, ta là sự kết hợp của nhiều yếu tố như nước, đất, không khí, lửa. Ta được xem là đại diện cho một tiểu vũ trụ nhỏ, không có nước thì không vận chuyển các chất dinh dưỡng, không có đất thì không có tấm thân vật lý này, không có gió thì không có hệ hô hấp bên trong, và không có lửa thì cơ thể sẽ không có sức nóng và các phản ứng sinh hoá học.
Thêm nữa, ngoài ta là 4 yếu tố quan trọng trên, ta còn là sự tiếp tối. Làm sao có thể xem mình là một cá thể độc lập khi mà ta được sinh ra bởi cha mẹ và tổ tiên. Mỗi tế bào trong cơ thể ta là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên. Ta không có một cái ngã riêng biệt. Nếu lấy cha mẹ và tổ tiên ra khỏi ta thì ta cũng không tồn tại. Ta sẽ như một cái cây mà không bám vào rễ. Một cái cây mà không có rễ là cái cây chết.
Thế nên, việc chúng ta đang sống chính là minh chứng cho mối kết nối với tổ tiên vẫn đang hiện diện. Giống như hình ảnh của tộc người Na'vi trong bộ phim Avatar của đạo diễn James Cameron. Họ đã dùng bím tóc dài tết đuôi ngựa để kết nối với cây linh hồn - cây chứa đựng ký ức của tổ tiên mỗi khi cần xin lời khuyên, khi cần chữa bệnh, khi cần họp bộ tộc cho những quyết định quan trọng…
Và cuối bộ phim Avatar phần 1, cũng tại cây ký ức, nhân vật chính là Jake Sully - một con người bại liệt hai chân đã được tái sinh một kiếp sống mới, trở thành người Na’vi thuần chủng nhờ một nghi lễ đặc biệt. Đó là nghi lễ chuyển linh hồn của anh từ con người sang tộc người Na'vi, thông qua việc hấp thụ thần khí bằng bím tóc từ cây ký ức, là cây lưu giữ những gì đẹp nhất của tổ tiên tộc người này.
Tàng thức và ý thức
Quay trở lại với cuốn sách Tĩnh lặng, tình tiết ở cuối phim Avatar 1 chúng tôi thấy có sự liên quan đến những gì mà Thiền sư đã nhắc về tàng thức và ý thức. Nhân vật Jake Sully có lẽ đã được tộc người Na'vi chuyển giao một loại tài sản trong tàng thức, để anh bắt đầu cuộc sống mới khác hẳn con người (xem thêm phim để hiểu bạn nhé).
Nhắc lại về tàng thức và ý thức, ta có thể xem nó là ngôi nhà.
Tàng thức là nhà kho chứa đựng các loại hạt giống thiện lành như thương yêu, trung thành, tha thứ, vui tươi; có cả hạt giống xấu như khổ đau, giận dữ, hận thù, sợ hãi…Tất cả những tài năng và yếu kém của tổ tiên trao truyền lại cho cha mẹ, sau đó cha mẹ trao lai cho ta vào đúng thời điểm hợp nhất, ta được sinh ra với tài sản trong tàng thức, giống như Jake Sully khi tái sinh.
Nếu tàng thức là nhà kho ẩn bên trong, thì ý thức là phòng khách dễ thấy bên ngoài; là suy nghĩ, tư duy sau đó là lời nói, hành động. Ý thức là quả, tàng thức là nhân và tiếng ồn là duyên.
Khi bị kích thích bởi tiếng ồn, nếu là lành mạnh thì hạt giống thiện sẽ được tưới tẩm, rồi thì ý thức đi theo sẽ mang chiều hướng tích cực. Nhưng nếu tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn bên ngoài độc hại, những hạt giống xấu ác trong tàng thức như được gặp điều kiện tốt để nảy mầm; khi ấy bạn sẽ thấy rõ lời nói, hành động của mình rất tiêu cực.
Ở Làng Mai, thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi sự thực tập tưới tẩm những hạt giống tốt trong tàng thức là Tứ Chánh Cần. Đó là nhận ra ngay lập tức những hạt giống bất thiện biểu hiện trên bề mặt ý thức, sau đó ta gọi hạt giống chánh niệm lên để ôm ấp và làm lắng dịu nó xuống. Khi ấy ta đủ không gian để nhìn sâu và tìm ra nguồn gốc của sự khó chịu này.
Mọi câu trả lời được tìm ra khi tĩnh lặng
Đã có nhiều sư cô hỏi thiền sư Thích Nhất Hạnh “Con có rất nhiều khó khăn cần giải quyết, nếu Thầy nói con đừng suy nghĩ thì làm sao con có thể giải quyết được vấn đề?”
Thầy đã chia sẻ rằng để giải quyết được vấn đề thì cần suy nghĩ đúng (đó là Chánh Tư Duy), còn thông thường 90% suy nghĩ hiện tại ta đang có chỉ là những lối đi lòng vòng không lối thoát.
Cho nên khi cần tìm ra câu trả lời, ta nên nhường quyền dẫn dắt của trí năng và cảm xúc để giao phó những vấn đề khó khăn và thử thách cho tàng thức. Điều này nghe có vẻ khó hiểu phải không nào? Vậy hãy tưởng tượng đến hạt giống, mảnh đất và điều kiện tự nhiên nhé.
Khi gieo hạt, người nông dân dùng bàn tay để gieo hạt và nuôi dưỡng chăm bón. Xong nhiệm vụ thì hãy gửi hạt giống cho đất trời và kiên nhẫn chờ đợi. Tương tự, khi có vấn đề hãy để ý thức nghỉ ngơi và để cho tàng thức tìm ra giải pháp. Chúng ta chỉ cần thực tập chánh niệm liên tục trong đời sống hằng ngày.
Trong khi đi, khi thở, nếu chúng ta không để cho những suy nghĩ của ta xen vào thì tàng thức của chúng ta vẫn luôn làm việc. Trong khi chúng ta ngủ, tàng thức của chúng ta vẫn tiếp tục làm việc [...] Chúng ta phải tin tưởng tàng thức, sử dụng Niệm, Định để tưới tẩm những hạt giống tốt và chăm sóc cho mảnh đất của chúng ta. Một hoặc vài ngày sau, giải pháp sẽ xuất hiện, ta gọi đó là giây phút thức tỉnh hay giây phút giác ngộ (Trích chương 2).
Liên hệ điều này ra cuộc sống, bạn có thấy vài trường hợp những người có phong thái ung dung, tự tại, ít lo lắng thái quá; thường họ sẽ có những giải pháp rất đơn giản và hiệu quả. Họ không sôi sục lên để tìm giải pháp, họ tận hưởng cuộc sống trong sự yên lặng và rồi mọi thứ đến với họ lúc nào cũng mượt mà và suôn sẻ.
Thực tập và nuôi dưỡng sự tĩnh lặng
Khi đọc xong quyển sách này, chúng tôi cứ nghĩ mãi về những giây phút tĩnh lặng trong cuộc sống, và đi sâu vào cảm nhận những giây phút màu nhiệm vắng mặt âm thanh (âm vô thanh). Những âm vô thanh hùng hồn đến lạ kỳ khi không gian bên trong im bặt tiếng nói, mặc dù bên ngoài rất ồn ào.
Cuộc sống của ta luôn vận động, ta không thể lẩn trốn vào những nơi im ắng suốt cả đời để tập cho mình tĩnh lặng, cũng như không thể vắng tiếng động mọi lúc mọi nơi. Vậy làm cách nào để tâm tĩnh lặng trong thế giới huyên náo như ngày nay không?
Chúng tôi tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách này. Thiền sư chia sẻ rằng nếu không thể tắt hết tiếng ồn bên ngoài, thì hãy làm giảm tiếng ồn bên trong bằng cách làm chậm lại những suy nghĩ, những tập khí đang lôi kéo ta ra xa khỏi hiện tại.
Để làm được như vậy ta cần thực tập hơi thở chánh niệm.
Chánh niệm là ở yên cả thân và tâm trong hiện tại. Để nhắc nhở bản thân ta có thể sử dụng tiếng chuông hay một tín hiệu nào đó giúp ta nhớ ra hiện tại, không bị kéo đi bởi tiếng ồn chung quanh và tiếng ồn trong mình. Một tiếng chuông được thỉnh lên, ta dừng lại, theo dõi hơi thở vào ra.
Ta có thể nói với chính mình “Thở vào tôi biết tôi thở vào, tôi đang có mặt ở đây và lắng nghe”, “Tôi đang có mặt, tôi không bị đánh mất mình trong quá khứ, tương tai, trong suy nghĩ, trong những tiếng ồn", “Tôi ở ngay hiện tại và cảm thấy tự do".
Bạn hãy làm như thế mỗi khi chớm lên cảm giác cô đơn hay lo sợ. Ngay khi có cảm giác (dù vừa thoáng qua) là muốn tìm cái gì đó để giải khuây như muốn ăn gì đó, muốn lướt mạng, muốn đi mua sắm hay muốn tìm ai đó để tâm sự. Ngay lúc ấy, hãy quay về với hơi thở có ý thức, chỉ một hoặc hai hơi thở bạn sẽ cảm thấy sự đủ đầy trong tâm, những tiếng ồn bắt đầu lắng xuống.
Và những dòng suy nghĩ cũng dần chậm lại, chậm lại. Nếu có thể hành thiền đều đặn, bạn sẽ thấy suy nghĩ chậm dần rồi biến mất, trả tâm về trạng thái không-suy-nghĩ.
Cuốn sách có tổng cộng 7 chương, mỗi chương Thiền sư sẽ giới thiệu một cách để thực tập chánh niệm với hơi thở, đó là những bài thiền ca, bài tập thiền hành, hay bài tập cảm nhận hơi thở. Bạn có thể chọn 1 trong nhiều cách được giới thiệu để đem về thực tập cho mình.
Trên đây là những tinh tuý của quyển sách mà chúng tôi cảm nhận được, nhưng trong cuốn sách này còn rất nhiều góc nhìn khác nữa về sự tĩnh lặng - những điều mà bạn chưa từng được nghe nói đến. 3goc.vn hy vọng bạn đã cảm thấy bình an hơn sau bài chia sẻ này, để rồi từ đó cho mình thêm cơ hội trải nghiệm thật với cuốn sách Tĩnh lặng.
Chúng tôi mong chờ nhận được chia sẻ về trải nghiệm của bạn với quyển sách “Tĩnh lặng" ở phần bình luận bên dưới nhé!
***
Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên BKE Shop thông qua 3goc.vn, chúng tôi đảm bảo giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. Rất mong độc giả ủng hộ. Cùng "Góp gạo nuôi quân" lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
Nội dung: Khánh Vi - Admin Trang thư viện 3 Gốc
Biên tập: Nhàn Lý
Hình ảnh:
Comments