top of page

Thong dong trước tám ngọn gió đời

Cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng trải qua trong sự êm đềm, bình yên mà luôn đầy ắp biến động. Những được mất, hơn thua, thành bại, khen chê… ở đời, đôi khi khiến chúng ta mất đi sự bình an trong lòng.


Trước những biến động cuộc đời, làm thế nào để giữ được một nội tâm trầm tĩnh và an ổn mà không khiến ta chao đảo. 


Đức Phật đã chỉ ra 8 yếu tố chi phối đời sống chúng ta hay còn gọi là TÁM NGỌN GIÓ ĐỜI. Tám yếu tố này luôn khiến cho con người không ngừng xoay chuyển và chao đảo. Đó là được - mất, khen - chê, vinh - nhục, sướng - khổ. Vậy làm sao để vững chãi trước sự biến động của 8 ngọn gió đời.


Mời bạn đọc bài nhé!


Tám ngọn gió đời là gì? Cách quản lý cảm xúc trước tám ngọn gió đời?


8 ngọn gió đời là những sự thăng trầm, biến đổi của cuộc sống mà chúng ta phải đối diện hàng ngày. 

Ví dụ như động vật thì sinh, lão, bệnh, tử; thực vật thì sinh, trụ, dị, diệt; đồ vật thì thành, trụ, hoại, không; thời tiết thì nắng, mưa, nóng, lạnh; thời gian thì sáng, trưa, chiều, tối;... Đó là quy luật, là bản chất của vạn vật trên quả đất này. Nếu vạn vật chỉ đứng yên mà không hoạt động, thì cuộc sống này không thể phát triển được.


Chính vì thế trong kinh Tiểu Bộ VII, đức Phật có nói đến tám pháp của thế gian bao gồm: Được - Mất, Vinh - Nhục, Khen - Chê, Lạc - Khổ. 


Vậy cụ thể 8 pháp thế gian này là gì, chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn.


Được - Mất

Được là khi ta có được thứ gì đó như vật chất, tiền tài, nhà cửa, xe cộ…Những thứ đó có thể do ta làm ra hay được hưởng thụ từ cha mẹ.


Khi được thì con người thường hân hoan, vui sướng muốn thể hiện ra cho cả thế giới biết. Đó là lúc ta đang để những thứ ngoại cảnh bên ngoài chi phối và dẫn dắt. Từ đó bám víu và ôm giữ không muốn rời.


Ngược lại, mất là khi ta bị thua thiệt, lỗ lã hay bị người khác cướp mất như tán gia bại sản, đi tù… Khi đó ta cảm thấy suy sụp, không muốn làm gì cả. 


Nhìn thấy người khác thành công ta sinh lòng đố kỵ, ghen ghét. 


Tuy nhiên, Được - Mất đều là những thứ không thể tồn tại vĩnh viễn. Đôi khi trong cái được đã tiềm ẩn cái mất và biết đâu mất mát lại là cơ hội để khởi sinh một duyên mới tốt đẹp hơn.


Vậy làm sao ta có thể bình tâm trước mọi sự được mất trong cuộc đời này?


Đó là khi ta hiểu rõ cuộc đời này là vô thường, là giả tạm, có được rồi cũng sẽ bị mất đi vào một ngày nào đó. 


Ví dụ như khi nhìn một bông hoa ta biết rằng hôm nay nó nở ra những bông hoa rất đẹp nhưng chỉ vài hôm sau sẽ trở nên héo tàn và rơi rụng. Nhờ thế mới có những bông hoa mới được tiếp tục sinh sôi, nảy nở.


Hiểu rõ được điều này, ta không còn bám víu vào những thứ bên ngoài mà lo tu dưỡng phần bên trong để có được sự giàu có bền vững. 


Ví dụ như khi ta đọc sách là ta đang tích lũy kiến thức, giúp cho trí tuệ được khởi sinh. Đó là những thứ không bao giờ mất đi hay giành giật được từ người khác. Mà nó chỉ thực sự mất khi ta không còn tồn tại trên thế gian này nữa.


Người biết đủ, hiểu thấu lẽ được mất, sẽ có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.


Khen - Chê

Khen và chê là cụm từ thứ hai trong tám ngọn gió đời.


Khen và chê là chuyện thường tình của thế gian. Trong cuộc sống hiếm có ai mà chưa từng được khen hay bị chê.


Khen có thể đến từ bên ngoài hoặc bên trong. Đó là khi mình làm được việc gì thành công hoặc có ích cho công ty, cộng đồng, xã hội hoặc nhỏ hơn là gia đình.


Ví dụ như bố mẹ khen con cái biết giúp đỡ việc nhà, sếp khen nhân viên khi làm thành công dự án cho công ty. 


Lời khen có thể là tích cực, nhưng cũng lắm khi tiêu cực. Đó là việc nhân viên nịnh sếp lớn, hay bố mẹ nuông chiều con nên khen ngợi quá đà. Lúc đó người ta gọi là tô hồng sự thật, tâng bốc lên tận mây xanh. Khiến cho người được khen trở nên tự hào, kiêu ngạo và bám víu vào sự hài lòng này.


Ngược lại chê là dè bỉu, khinh thường, khiến cho sự việc đi quá xa là khiến cho người đó bị sỉ nhục, bôi nhọ. Khiến cho người bị chê bai cảm thấy bất mãn, tức tối, phản ứng lại.


Do đó, khen là khiến cho con người ta được đưa lên mây xanh, không còn nhìn ra sự thật vấn đề. Còn chê lại khiến cho họ cảm thấy tự ti, tức tối và họ sẽ tìm cách để dối gạt người khác để được khen. 


Cả hai cách trên đều không ổn. 


Vậy làm sao để con người có thể bình tâm trước khen chê và nhìn ra được sự thật cuộc đời?


Chẳng còn cách nào hơn là chúng ta phải thận trọng và suy xét lại chính mình. Khi được khen thì ta không nên nghĩ là do mình có tài năng xuất chúng mà sinh tâm kiêu ngạo. Mà ta phải cảm ơn ông trời vì đã ưu ái và dành may mắn cho ta. Từ đó, ta cần phải làm nhiều việc tốt để tri ân lại cuộc đời.


Còn khi bị chê thì ta cũng phải nhìn lại rằng mình đã làm gì sai để bị tiếng xấu như vậy. Nhờ việc biết suy xét mà mình sẽ nhìn ra được lỗi lầm và sửa đổi.


Hiểu được như vậy thì việc gì có lợi cho xã hội, cho cộng đồng và không vi phạm đạo đức thì ta cứ làm. Khi đó thì lời khen tiếng chê chỉ như ngọn gió thổi qua tai mà thôi.


Vinh - Nhục

Vinh nhục là hai cặp phạm trù liên quan đến thành công và thất bại.


Khi thành công ta có được danh lợi, tiếng tăm, sự thăng quan tiến chức. Điều đó khiến ta cảm thấy tự hào, hãnh diện về bản thân. Nếu không đủ tỉnh táo, ta sẽ bị màn danh lợi này chi phối, cứ mãi chìm đắm trong thành công này, không muốn thoát ra. 


Đến khi thời thế đảo chiều, bị sa cơ, thất thế ta không gượng dậy nổi, cảm thấy bản thân thật tệ hại, tự ti, và lúc đó ta tìm mọi cách để không bị mang tiếng là thua cuộc.


Đường danh lợi vinh rồi lại nhục, nhục rồi lại vinh. Khi mình có quyền thế thì lắm kẻ tung hô, nịnh nọt, tâng bốc. Có khi họ chỉ lợi dụng cái tài năng chứ chưa hẳn là yêu mến mình. Khi mình bị hết thời, sa cơ thì họ ngoảnh mặt, quay đi không thương tiếc, thứ còn lại chỉ là nội lực của chính mình.


Có những người chỉ sống dựa vào danh dự mà người khác gán cho mình. Chính vì vậy, khi bị người khác sỉ nhục cái đạo đức, nghề nghiệp của mình thì cảm thấy không còn thiết tha muốn sống nữa, hoặc là mình sẽ tìm mọi cách để hơn thua, bất chấp thủ đoạn. Liệu điều đó có đáng không?


Trên đời này không ai là hoàn toàn tốt, cũng không ai là hoàn toàn xấu. Chuyện bị hiểu lầm, vu oan cũng là điều bình thường khi họ chưa hiểu được mình. Quan trọng nhất là mình có vượt qua được thị phi để sống đúng với lương tâm  hay không?


Ngay như Đức Phật - một con người vĩ đại của nhân loại còn bị người khác ghét huống hồ là chúng ta. Chính vì vậy sống trung thực, chân thật mặc cho những lời gièm pha là cách tốt nhất để chứng minh cho sự trong sạch và đạo đức của mình. Nhờ đó, ta không bị ngọn gió Vinh - Nhục làm lay động.


Sướng - Khổ

Sướng - Khổ là do bám víu vào cảm giác dễ chịu, êm ái, được hưởng thụ vật chất, được người khác nâng niu trân trọng. Vì vậy, khi mà những thứ này mất đi, người ta cảm thấy bực bội, khó chịu, bất an. Lúc đó tâm không còn an chút nào. 


Họ không thể rời bỏ được những tiện nghi vật chất, sự thụ hưởng đủ đầy. Trong nhà Phật gọi là “uống đau khổ”, hay là đổi từ cái khổ này sang cái khổ khác. Nỗi khổ của sự đắm chìm và lệ thuộc.


Sự thật là không thể có thứ hạnh phúc trường tồn trong sự thỏa mãn về vật chất và tinh thần được. 


Khi ở trong điều kiện thuận lợi, cái tôi của con người ta cũng dày thêm một nấc. Chính vì vậy, họ coi khinh những người kém cỏi hơn họ. Để đảm bảo lợi ích của mình, họ sẵn sàng giành giật, chiếm đoạt mọi thứ về phía mình. Hạt giống tham lam tích lũy từng chút một và khiến họ không còn đường lùi.


Chúng ta nên hiểu rằng, cuộc sống này không cho ai tất cả và cũng không chiếm giành của ai tất cả. Mỗi người có một số phận sang hèn khác nhau. 


Chẳng hạn như, với những đứa trẻ ở nông thôn, mặc dù không có được vật chất đủ đầy như trẻ em thành phố. Nhưng chúng cũng được thụ hưởng thiên nhiên, cây cối mát mẻ, được thả hồn mình trên bầu trời đầy sao. Ngược lại, có những người rất bận rộn, mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng không có thời gian để thảnh thơi, thư giãn. 


Sự thực là trời đất luôn ban tặng những điều kiện hạnh phúc công bằng cho tất cả mọi người, và không ai có thể lấy đi được. So sánh giàu nghèo hay sướng khổ chỉ nằm trong tư duy của chúng ta mà thôi. Thay đổi góc nhìn, thay đổi suy nghĩ sẽ giúp chúng ta nhận ra những điều kiện hạnh phúc luôn có sẵn và đang nuôi dưỡng mình.


Lời kết

Tất cả các ngọn gió đời trên đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mặt tích cực trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, hiểu và quản lý chúng là một phần quan trọng để đạt được một cuộc sống cân bằng và hài hòa. Bằng cách nhận biết và điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với các ngọn gió đời này, chúng ta có thể phát triển một tư duy tích cực và đạt được sự thịnh vượng trong cuộc sống.


***

Nội dung: Phương Lê Mạnh Mẽ - Học viên Content Khoá 3

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh:

Nguồn tham khảo:

-Nahara maha thera. Tám pháp thế gian. Tr,6

-nahara maha thera. Những bước thăng trầm 

-Bình anson. Căn bản phật giáo. Tr,15

-Facebook Thầy Trần Việt Quân. Sống bình an trong thế giới đầy biến động

35 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page