top of page

Khi con cái nghĩ chúng bị thiên vị, ba mẹ nên làm gì?

Updated: Mar 24

Bạn thân mến! Trong việc nuôi dạy con, hầu hết các ba mẹ đều dõng dạc tuyên bố rằng mình không thiên vị con cái bao giờ. Tuy nhiên, sự thật là hầu hết cặp bố mẹ nào cũng có xu hướng quan tâm và dành tình yêu thương cho một đứa con hơn. Chính vì không nhận thức được điều này mà rất nhiều ba mẹ đã vô tình để lại nhiều sự tổn thương và hoài nghi trong lòng các con. Đây chỉ là 1 trong số ít sai phạm nghiêm trọng mà chị Hiền Không Quạu sẽ chia sẻ với các bạn ngay bây giờ.


Mời bạn cùng đọc bài viết chia sẻ câu chuyện của chị Hiền Không Quạo trên hành trình chuyển hóa bản thân để chữa lành tổn thương và hàn gắn mối quan hệ với con khi giật mình nhận ra những quan niệm & phương pháp dạy con sai lầm của mình trong quá khứ.




Câu hỏi chí mạng khiến người mẹ bừng tỉnh

Một cậu bé gầy gò, đôi vai xương thõng xuống, dáng ngồi còng còng nhìn yếu ớt. Con là học sinh lớp 6 nhưng trông như một cậu bé tiểu học. Nước mắt lưng tròng dường như trực trào rơi xuống từng giọt ẩn phía sau cặp mắt kính viễn bẩm sinh 5 độ. Con hỏi với giọng run run, nửa muốn biết câu trả lời nhưng nửa lại sợ mẹ đau lòng hay buồn chán về mình.


Chắc phải lấy hết can đảm, con mới thốt được một câu lí nhí: “Con là con đẻ hay con nuôi của mẹ ạ?”.

Tôi lặng ngắt khi nghe câu hỏi của con. Tôi không tin vào tai mình. Tôi không nói gì...im lặng một lúc. Thấy phản ứng của tôi, không nổi cơn tam bành như mọi lần lại càng làm cho Bin lo sợ. Con tiếp tục: “Con chỉ hỏi thôi, mẹ không trả lời cũng không sao đâu ạ!”.


Tôi nghĩ con biết mình đã đặt một câu hỏi thật phi lý! Mình chính xác là con ruột của mẹ nhưng ẩn sâu bên trong, con không hiểu nổi vì sao mẹ lại có những hành động, lời nói, cư xử với con ruột cứ như thể nó là một đứa con nuôi mang từ đâu về.


Sự nghi ngờ trong con đã khiến tôi phải trăn trở, phải suy nghĩ và bắt buộc phải nhìn lại bản thân. Tôi scan lại từ những năm tháng đầu đời khi sinh con, chăm con, nuôi con, dạy con và 11 năm trôi qua, hình ảnh đọng lại trong đầu tôi phần lớn là ký ức không mấy vui vẻ.


Là những trận mắng mỏ, đòn roi. Là những cơn nóng giận của tôi trút lên các con. Là gương mặt cau có, khó chịu. Là hành động đập nát mọi thứ từ hộp bút, ipad, hay xé nát quyển truyện. Là hình ảnh cậu bé hơn mười tháng tuổi khóc lóc, mếu máo ngồi một góc trên cái ghế ăn dặm. Hay cái chắp tay van xin của con: “Con biết lỗi rồi, con xin lỗi mẹ, mẹ đừng đánh con...”.



Có lần, tôi được nghe tâm sự của con với thầy giáo. Con bảo con là người thừa trong nhà này. “ Con không có ý nghĩa gì! Bố mẹ chỉ quan tâm đến các em, không quan tâm đến con. Mỗi lần chúng con cãi nhau, con luôn là người bị mắng mà không phải các em trong khi các em mới là người lấy đồ chơi của con. Bố mẹ thiên vị các em. Bố mẹ không yêu con!” Vừa nói con vừa nấc lên từng tiếng.


Dường như mọi uất ức trong con bấy lâu nay được trút hết ra. Và có lẽ cũng vì sức chịu đựng của con đã chạm giới hạn, con không còn im lặng được nữa.


Tôi đã khóc rất nhiều khi nghe đoạn ghi âm của con và thầy giáo.


Một người mẹ tưởng rằng mình đang chăm sóc nuôi dạy con thật tốt, đang cố gắng từng ngày để các con có cuộc sống đầy đủ, no ấm, không sợ thua thiệt chúng bạn thì nay tôi như gặp một đòn chí mạng khi nhận phải câu hỏi đau lòng từ con ruột của mình.


Những kiểu cha mẹ khiến con cái đau khổ

Tôi là một người mẹ thế nào? Giống như những người mẹ khác, tôi không thể kìm được nước mắt vào giây phút đón đứa con bé bỏng mới chào đời trên tay. Lúc đó, tôi đã thầm nhủ rằng mình sẽ dành cho con mọi điều tốt đẹp nhất trên thế gian này. Và tôi bắt đầu lên kế hoạch để khiến cho mọi thứ trở nên hoàn hảo cho các con.


Là một một phụ nữ có tính cách:

- Áp đặt, bảo thủ, luôn cho rằng ý kiến của mình là đúng nhất.

- Yêu cầu cao và những việc nào đã là kế hoạch thì nhất nhất phải tuân theo kế hoạch.

- Ngôn từ của tôi đôi khi sắc sảo quá lại thành cay nghiệt, mỉa mai, châm biếm….


Với hàng tá những nét tính cách CHIẾN BINH đó, tôi nghiễm nhiên được toàn quyền quyết định mọi điều trong gia đình, bao gồm cả việc chăm sóc và dạy dỗ các con. Chồng tôi vì muốn né tránh những cuộc tranh cãi nên thường thuận theo ý kiến của tôi.



Thời gian trôi đi, khi các con dần khôn lớn thì các tình huống trong cuộc sống phát sinh lại ngày càng nhiều và tinh xảo hơn. Lúc đó, tôi càng cảm thấy áp lực nặng nề đè lên vai mình. Bởi một mặt tôi vừa gánh vai trò quản lý Công ty, mặt khác tôi vừa gánh vai trò làm Mẹ.


Nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt, bế tắc không biết mình phải hành xử như thế nào cho đúng, tôi trốn tránh các con bằng việc về nhà muộn hơn, ít gần con hơn, thường xuyên trả lời con qua loa và đặc biệt tôi hiếm khi chơi cùng con một cách đúng nghĩa.


Càng ngày tôi càng cáu gắt. Càng ngày tôi càng không hiểu các con. Càng ngày tôi càng nhận nhiều câu hỏi hóc búa của con. Và đỉnh điểm khi nhân duyên hội tụ đủ, tôi đã nhận phải 1 quả “đắng ngắt” là câu hỏi đáng thương mà đứa con trai lớn dành cho tôi như đã kể trên.


Liệu trên đời này còn có người Mẹ nào như tôi?


Một người mẹ thật thiếu Trí Tuệ - thiếu kiến thức nuôi dạy con. Một người mẹ Chỉ biết đẻ không biết nuôi. Một người mẹ dạy con bằng đòn roi, la mắng?????


Cú hích chuyển mình của người mẹ đau khổ

“Nếu không có khổ đau

Biết đâu là hạnh phúc

Nhờ mộng mị hôm nào

Ta tìm về Tỉnh thức”

-Thầy Minh Niệm-


Có lẽ ngấm sâu những khổ đau ê chề rồi thì con người ta mới biết dừng lại để tìm đường thoát khổ. Có lẽ trong năm tháng mộng mị, dò dẫm, đi trong bóng tối khi gặp những cú huých sẽ làm cho ta chợt tỉnh giấc.


Tôi vô tình va phải lớp học Dạy con 3 Gốc, va phải một người Thầy tên Trần Việt Quân. Nhờ đó, tôi mới chạm được đạo lý, mới được bừng tỉnh, mới chạm được đến hạnh phúc, để cả gia đình chúng tôi mới có những nụ cười giòn tan trong ngôi nhà của mình.



Tôi khát khao một ngày bình yên, khi tâm không phiền não, khi thân không sân giận.

Tôi khát khao mình đong đủ yêu thương và sự dịu dàng với các con của mình.

Tôi ước gì mình biết về môi trường 3 gốc thật sớm, thậm chí là từ khi tôi còn nhỏ…để tôi không làm tổn thương đến các con, đến mọi người xung quanh mình và không làm tổn thương chính tôi.


Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả. Phước của tôi chắc hẳn vẫn còn, tôi may mắn được mẹ chồng gieo duyên biết đến trường Tuệ Đức, biết đến Thầy, biết đến lớp học, nơi mà ngoài giá trị kiến thức hay của THẦY HIỀN TRÍ, tôi còn có cơ hội gặp gỡ những NGƯỜI BẠN TỐT.


Tôi được thực hành làm những bài tập để soi rọi sự vô minh của chính tôi. Tôi được cơ hội chia sẻ, trải lòng với cộng đồng, với những người bố người mẹ cũng đang trăn trở trong hành trình dạy & rèn con...


Thầy nói “Rèn mình trước khi rèn người”, với tâm thế ly nước rỗng, tôi đã quyết tâm học tập chăm chỉ, tôi đọc sách, tôi áp dụng mọi điều thầy dạy. Càng chăm chỉ quyết tâm tôi càng cảm nhận rõ mình đã bị Thầy lừa, rõ ràng đây là lớp dạy con nhưng tôi học cứ như là đang dạy cho chính mình.


Lăngs nghe Thầy và nuốt từng lời giảng của Thầy, tôi mới nhận thấy mình quá nhiều lỗi lầm.

Tâm tham sở hữu – “Đây là con tôi, tôi nói phải nghe!” - vô tình đã đòi hỏi và áp đặt quá nhiều lên những đứa con nhỏ bé.


Tôi cướp đi tuổi thơ của các con lẽ ra được vui vẻ chơi đùa với bố mẹ vào những ngày cuối tuần thì luôn là ở nhà với bác giúp việc hoặc ông bà đón đi chơi.



Tôi đánh mất nụ cười hồn nhiên của các con và thay vào đó là sự gượng ép thực hiện các quy tắc này, quy định kia của mẹ chúng. “Không được” là hai chữ thường trực mà tôi luôn dùng với các con mỗi khi con hỏi xin làm một điều gì đó.


Tôi vô minh tạo ra một không gian ngột ngạt mà chính tôi không hề nhận biết. Khi điều bất như ý ngày một nhiều hơn, tôi trở nên nóng giận mỗi ngày.


Cứ như vậy, tôi mất kết nối với con nhưng tôi cũng chán ghét chính mình, chán ghét với những cơn sân giận làm tổn thương tôi và tổn thương các con. Tôi muốn ôm các con vào lòng và nói rằng: “Mẹ xin lỗi, Mẹ yêu các con” nhưng sao thật khó.


Thật may vì trong lớp học DC3G, có phần dạy CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN. Sau khi áp dụng, tôi như trở thành 1 con người mới, nói chậm rãi hơn, kiểm soát được những sân giận bên trong mình thay vì ngày xưa tôi luôn quát mắng. Tôi hay tranh lời, hay phán xét các con, giờ đây tôi có thể lắng nghe con và thấu hiểu con hơn rất nhiều...Cũng nhờ thầy mà cái tên “Hiền Ko Quạo” ra đời như một lời nhắc nhở bản thân sửa đổi tính xấu của mình.


Sau đó, tôi tiếp tục nhận được 1 bài tập yêu cầu hãy viết thư để gửi tới một người mà tôi bị mất kết nối bao lâu nay để chia sẻ suy nghĩ của mình và dành lời xin lỗi tới họ.

Ngày 12/08/2021

Mẹ gửi Bin yêu quý của Mẹ!

Đây là bức thư đầu tiên mẹ viết cho con, mặc dù năm nay con đã vào lớp 6. Nếu không có bài tập “Viết lá thư cho con mình” của lớp Dạy con 3 gốc, thì Mẹ không biết có khi nào Mẹ sẽ viết thư tay cho con không. Dù vậy thì bài tập này cũng rất hay, con ạ.

Con biết không, mẹ viết lá thư này là để chia sẻ và tâm sự cùng con và cũng để Mẹ muốn nói lời xin lỗi con. Mẹ đã nhận ra mình là người rất nóng tính và thiếu kiên nhẫn với con. Ngay khi còn nhỏ, Mẹ đã không ít lần vô tâm, khiến cho con khóc, con buồn. Không phải mẹ không yêu con mà vì nghị lực của Mẹ kém, Mẹ chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của chính mình. Khi con không ăn, Mẹ sợ con đói nên Mẹ mắng con thay vì nói lời động viên hoặc tìm hiểu lý do vì sao con không thích ăn món đó. Con lớn dần và 21 tháng con đã là anh cả. Khi con 5 tuổi, bố mẹ có thêm em Bun. Vậy là mẹ phải phân thân để chăm sóc đủ cho 3 anh em: con, em Bon và em Bun.


Rất nhiều lần mẹ bối rối không biết mình cần phân xử như thế nào để công bằng cho 3 anh em, để con không cảm thấy mình bị thiệt thòi bởi mình là anh cả. Để con không cảm thấy vì có 2 em nên bố mẹ bớt yêu thương, chăm sóc và quan tâm đến con.

Mẹ đã nghe cuộc hội thoại giữa con và thầy Lực. Trong đó con vừa khóc vừa nói rằng: “Bố mẹ yêu thương các em hơn con! Bố mẹ không công bằng với con!” Mẹ đã khóc rất nhiều khi nghe lời chia sẻ của con. Mẹ khóc bởi con đã nói được điều nặng trĩu trong lòng mình. Mẹ khóc vì may mắn mẹ có cơ hội được hiểu suy nghĩ của con trai và để mẹ tìm cách sửa sai. Cảm ơn con đã cho mẹ cơ hội này. Mẹ thật hạnh phúc và Mẹ xin lỗi con: Mẹ đã sai khi áp đặt con, mẹ đã không đúng khi nói nhanh hơn nghĩ, đã nói những điều khiến con bị tổn thương. Mẹ đã thiếu sự dịu dàng và kiên nhẫn với con, với các em.

Thời gian qua mẹ trăn trở rất nhiều. Mẹ đọc sách, mẹ tham gia các khóa học. Mục đích chính là để phát triển bản thân và quản lý cảm xúc của mình tốt hơn. Mẹ mong muốn trở thành một người bạn thân thiết của 3 con. Một người bạn đáng tin cậy để các con chia sẻ mọi điều khi cần. Một người bạn đồng hành cùng các con trên cuộc đời. Các con đến với mẹ là những món quà tuyệt vời nhất mà mẹ được nhận. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về chính mình, đón nhận mọi điều xung quanh mình, được không con yêu?

Từ giờ trở đi, mẹ con mình sẽ thường xuyên nói chuyện và lắng nghe nhau con nhé. Mẹ sẽ chia sẻ cho con điều thú vị trong các khóa học của mình và mẹ mong chờ được nghe con kể về các bạn, thầy cô ở trường mới hoặc bất cứ điều gì con muốn. Con sẽ cùng mẹ yêu thương hai em Bon và Bun, mình cùng chơi, cùng học và giúp các em con nhé. Được như vậy là mẹ đã san sẻ một phần lo lắng trong việc nuôi dạy và rèn các em rồi. Mẹ tin Bin sẽ giúp mẹ điều này. Và mẹ tin Bin sẽ tha thứ cho mẹ mỗi khi mẹ nóng giận. Những lúc như vậy, con hãy nắm tay mẹ để mẹ bình tĩnh hơn...Mẹ luôn yêu con và các em!

Mẹ của con”.


Nhìn cậu bé gầy gò ngồi một góc nhà, trên tay cầm lá thư...vừa đọc vừa khóc, tôi không kìm được nước mắt.


Giây phút này giá trị biết bao khi tôi có thể nói lời xin lỗi tới con và được con tha thứ. “Mẹ đừng khóc, con yêu Mẹ” là câu nói của con dành cho tôi sau khi đọc xong lá thư. Đến giờ, con vẫn ghim nó trước bàn học của mình như một kỷ niệm đẹp của hai mẹ con.


Các con đã dạy cho tôi trưởng thành như thế đó. Tôi cho rằng bất cứ người cha người mẹ nào đều yêu thương con vô điều kiện, mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con mình.


Nhưng yêu thương thế nào cho đúng cách?!

Đừng vì muốn con tốt mà để chúng trong vòng an toàn!

Đừng bắt con thực hiện giấc mơ mà khi xưa ta không làm được!

Đừng để con phải đi vào vết xe đổ mà ta đã từng trải qua trong quá khứ!

Cũng đừng đòi hỏi ở con quá nhiều nếu ta chưa thể làm gương cho con!


Tài sản lớn nhất ba mẹ có thể trao cho con

Trong lớp học của Thầy có rất nhiều câu nói xúc chạm đến bản thân tôi, giả dụ như câu: “CHA MẸ CHỈ CÓ THỂ TRAO CHO CON NHỮNG GÌ CHA MẸ CÓ”.


Khi chưa biết đến triết lý của Thầy, tôi cho rằng mình cứ cố gắng kiếm thật nhiều tiền, tích góp cho con học trường quốc tế rồi đi du học, lại tích góp để mua cho mỗi đứa một cái nhà là bản thân có thể yên tâm về già. Nhưng càng sống, tôi càng cảm thấy bế tắc bởi sức mình có hạn mà mong muốn của mình có vẻ thật lớn. Liệu nhỡ chúng tôi không có đầy đủ về tài chính cho các con thì tính sao?


Tôi cảm thấy áp lực đè nặng lên hai vợ chồng, dù không ai nói với ai về gánh nặng này nhưng chúng tôi dường như đã sống không hạnh phúc. Cho đến khi chúng tôi ngã vào vòng xoáy của tiền bạc, chạm đến khổ đế bởi tán gia bại sản, tôi hiểu rằng ý nghĩa cuộc đời của mình không nằm ở chỗ đó!!! Hiểu rằng cho con 1 hòm vàng không bằng cho con 1 quyển sách.


Sống chậm lại, quay vào trong tâm thức của mình khiến cho tôi trở nên yêu thích đọc sách hơn. Trước khi đến với lớp Dạy con 3 gốc, cũng có một số bạn bè giới thiệu cho tôi vài quyển sách mà họ rất tâm đắc. Tuy vậy, tôi vẫn chưa tìm được giá trị cũng như thói quen đọc sách để phát triển bản thân.


Sau này, được Thầy chia sẻ về tủ sách tinh hoa như một dạng của Pháp bảo, được Thầy phân loại những cuốn sách nên đọc dành cho bố mẹ, dành cho các con ở từng độ tuổi khác nhau.



Được Thầy gieo duyên đến khóa thiền Vipassana miên mật 10 ngày tại Thiền viện Phước Sơn, Đồng Nai đầu năm nay. Cuộc đời tôi lại thêm duyên được chuyển hóa. Tôi hiểu ra việc đọc sách lợi lạc như thế nào và đặc biệt sau mỗi lần thiền, tôi thấy mình đọc sách thật dễ dàng, ngấm từng chữ trong trang sách. Tôi đọc và đúc kết những điều tôi tâm đắc, tôi ghi chú trên sách và có những lúc tôi còn cao hứng chia sẻ lại cho cả mọi người xung quanh.


Từ ngôi nhà với Tivi to, ipad, điện thoại vài cái...để 3 bạn không tranh giành nhau nay đã trở thành tủ sách lớn với số lượng sách tinh hoa ngày một nhiều.


Từ một người Mẹ chẳng bao giờ cầm quyển sách trên tay thì nay đã đọc sách mỗi ngày. Tôi gieo duyên đọc sách cho con bởi tôi nhận thấy giá trị tuyệt vời từ những cuốn sách mang lại cho mình và tôi tin chắc rằng thông qua sách các con sẽ được nuôi dưỡng tâm hồn mình.


Tôi trải nghiệm như thế nào thì giúp các con như vậy. Tôi chia sẻ với con những điều tôi thích thú khi đọc sách. Tôi đưa các con đi nhà sách mỗi tuần. Tôi tìm những cuốn sách phù hợp độ tuổi của các con. Tôi hỏi con thích đọc sách gì để định hướng và chọn sách cùng con. Tôi hướng dẫn con mỗi ngày tự đọc và trình bày lại theo cấu trúc câu hỏi:


  • Câu chuyện con đọc có tiêu đề là gì?

  • Trong câu chuyện có bao nhiêu nhân vật? Con kể tên của nhân vật.

  • Đâu là nhân vật chính diện, đâu là nhân vật phản diện?

  • Hành động của mỗi nhân vật nói lên điều gì?

  • Nếu con là nhân vật đó, con sẽ hành động như thế nào?

  • Con đúc kết được bài học gì từ câu chuyện con vừa đọc?


Cứ theo bố cục này con đọc và ghi nhớ nội dung để có thể trình bày lại.

Dần dần tôi tăng từ 1 câu chuyện lên thành 2 câu chuyện mỗi ngày. Và không quên “bánh mì” cho con như một lời động viên, khuyến khích con đọc.



Sau mỗi lần hoàn thành việc đọc sách, con sẽ có 15’ xem tivi hoặc dùng điện thoại. Dù các con chưa có thói quen đọc nhưng tôi tin với sự kiên trì của mình đồng hành với các con, chúng sẽ thấu hiểu “Việc đọc rất quan trọng. Nếu con biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho con”.


Thế đấy, Các con luôn là nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục trên hành trình chuyển hóa, “nhìn cảnh sửa tâm” của mình. Tôi hạnh phúc mỗi lần con nói “sao con thấy mẹ dạo này hiền đi…!” hay “con thấy mình thoải mái hơn vì mẹ đã bớt áp đặt bọn con”.


Tôi biết ơn những thông điệp và bài học mà các con và lớp học Dạy con 3 gốc đã gửi đến cho tôi đó là:

  1. Rèn mình trước khi rèn người. Bởi cha mẹ chỉ có thể cho con những gì cha mẹ có.

  2. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình bởi cha mẹ là nhân, con là quả

Kết thúc hành trình chuyển hóa chính mình và chữa lành những tổn thương với các con. Tôi lại có động lực tiếp tục hành trình thu hẹp khoảng cách thế hệ giữa mình và các con.


Kết luận

Ba mẹ nào cũng rất thương con, nhưng vì “Bố cũng là lần đầu làm Bố”, “Mẹ cũng là lần đầu làm Mẹ”...nên chúng ta khó tránh khỏi những bối rối và sai phạm trên hành trình dạy con. Thông qua câu chuyện của chị Hiền Không Quạo sẽ giúp ba mẹ phần nào hàn gắn được những tổn thương mà mình đã vô tình gây nên cho các con. Nguyện chúc bạn và các con có thật nhiều bình an và hạnh phúc.


Đừng ngại chia sẻ những ý kiến của bạn bên dưới phần bình luận nhé. Đóng góp của bạn là động lực để tôi chia sẻ thêm nhiều bài viết hơn nữa.


Nội dung: Hiền Không Quạo

Biên tập: Liên Thanh

Hình ảnh: Hạnh Dung


162 views1 comment

1 Comment

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Rated 5 out of 5 stars.

Cảm ơn chị Hiền đã chia sẽ mọt bài viết rất hay, một hành trình chuyển hóa tuyệt vời từ một người mẹ chỉ hay nóng giận, đổ lỗi cho con, giờ đã trở thành một phiên bản hoàn toàn mới: người mẹ tỉnh thức, chắc giờ này hai mẹ con đang cùng nhau đọc sách và chia sẽ cho nhau những câu chuyện tuyệt vời trong ngày.

Chúc chị Hiền và gia đình luôn khỏe mạnh, gia đình học tập tinh tấn, đọc sách đều đặn và duy trì môi trường TAM BẢO trong gia đình nhé !

Like
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page