top of page

22 năm người giáo viên đi tìm chân lý giáo dục và 4 bài học rút ra

Updated: Dec 19, 2023

Cuộc sống thật đẹp với nhiều màu sắc. Có những ngày nắng thật đẹp, có những ngày mưa âm ỉ. Một năm 4 mùa xuân hạ thu đông với những mùa thật đẹp rồi cũng có những mùa khắc nghiệt. Giống như hành trình tiến hoá của con người luôn đủ cả hạnh phúc lẫn gian nan.

Câu chuyện về một cô giáo với hành trình 22 năm ròng rã đi tìm chân lý giáo dục ở 4 môi trường khác nhau. Câu chuyện về một cô giáo dám thay đổi, dám thẳng thắn và kiên định theo đuổi một nền giáo dục vượt thoát, sáng tạo và tự do dù phía trước còn mập mờ, vô định.

Mời bạn cùng dành thời gian để đọc câu chuyện về cô Mai Thanh - một cô giáo, một người lái đò miệt mài suốt 22 năm khao khát tìm cầu một dòng sông xanh, dòng sông mát lành để truyền cảm hứng cho các học trò thân yêu của mình.

Giáo viên là người lái đò
Nghề giáo viên được ví như người lái đò đưa các thế hệ học trò sang sông

MỤC LỤC


***


1. Dòng sông trải nghiệm: Người lái đò là giáo viên HỢP ĐỒNG

Năm 2000 là một sự khởi đầu rất hư không. Tôi tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội khoa Giáo dục Tiểu học nhưng lại không được vào vị trí cô giáo chính thức. Tôi bắt đầu nghiệp giáo của mình bằng việc dạy hợp đồng, có nghĩa là dạy phụ cho một cô giáo chính khác.

Ngày ấy, tôi chỉ dạy một buổi, một buổi còn lại là ở nhà nấu cơm cho gia đình. Khoảng cách từ nhà tới trường là 10km, cho nên tôi phải đạp xe gần 1 giờ đồng hồ mới tới được trường, chiều dạy xong thì về rất muộn.

Thật may là được vài tháng, tôi được một đồng nghiệp cho ở nhờ, thế là từ đó, tôi không phải đạp xe đi đi về về nữa. Cuộc sống tạm gọi là vui với mức lương cực kì ít ỏi. Bởi mức lương của cô giáo chính trong biên chế còn ít, cho nên dạy hợp đồng phụ như tôi thì lương cũng chẳng đáng là bao.

Tuy thế với ước mơ rất lớn sẽ dạy thật tốt, sẽ thổi một luồng gió mới đầy sáng tạo và đam mê đến ngôi trường nhỏ. Nên tôi và những người bạn dạy theo hệ hợp đồng thuở đó vẫn kiên trì với ước mơ này. Nhờ sự ủng hộ của thầy Hiệu trưởng, chúng tôi quyết tâm mang đến một không khí trẻ trung, nhiệt huyết khi dạy học.

Niềm vui học tập lan tỏa đến học sinh, đến cả những giáo viên đã dạy lâu năm. Lúc đó, cuộc sống đối với tôi thật ý nghĩa, dù lương không có mấy.

6 năm trời đằng đẵng như vậy, Hà Nội không có kì thi vào biên chế nhà nước. 6 năm vẫn là một số 0 tròn trĩnh. Không được vào chính thức, không tiền lương, không tiền đồ trong Giáo Dục. Không hẳn chỉ có mình tôi bị như vậy, một thế hệ giáo viên cuối 7x, đầu 8x đều cùng chung số phận, bởi Hà Nội quá thừa thãi giáo viên.

Năm 2004, tôi tiếp tục học Thạc sĩ Giáo dục Tiểu học với hy vọng trang bị thật nhiều kiến thức để khi có cơ hội là bứt phá.

Nhưng tôi đã nhầm, năm 2006 sau 6 năm Hà Nội bắt đầu rục rịch thi biên chế. Số lượng giáo viên dự thi tồn từ rất nhiều năm nên đông kinh khủng, mà số lượng tuyển thì ít ỏi. Nhưng cũng thật may mắn, nhờ sự giúp đỡ của bố, tôi đã có cho mình một suất biên chế, với 1 chút khó khăn nho nhỏ là…. dạy cách nhà 24km.

Thời kỳ bao cấp, một chân vào biên chế nhà nước là niềm mong ước lớn của bất kỳ giáo viên nào
Thời kỳ bao cấp, một chân vào biên chế nhà nước là niềm mong ước lớn của bất kỳ giáo viên nào

2. Dòng sông cơm áo gạo tiền: Người lái đò là giáo viên BIÊN CHẾ

Năm 2007, tôi chính thức bước chân vào biên chế nhà nước. Đến trường mới vui chưa được bao nhiêu, tôi đã phải dạy học theo những khuôn mẫu nhất định. Ở đây không hề có chỗ cho sự sáng tạo.

Việc dạy dỗ lúc ấy đã không đầy hứng khởi như xưa, tôi như là cố gắng dạy hết tháng để có chút niềm vui ngắn ngủi là tiền lương.

Qua mỗi tiết dạy, tôi mới thấy sự nghiệp làm giáo viên không khác gì sự nghiệp của người diễn viên. Giáo viên hầu như phải lên kịch bản cho mỗi tiết dạy. Cô hỏi gì trò phải trả lời được đúng như đã soạn sẵn. Câu 1 phải gọi em A, câu số 2 phải gọi em B… cứ vậy, dần dần khiến tôi không còn thiết tha với việc sáng tạo bài giảng.

Một thời gian cả xã hội ca ngợi thành tích này, là thời kì giáo viên trên cả cực. Cuộc thi thành tích vở sạch chữ đẹp là một điển hình. Để có được niềm kiêu hãnh đó cần rất nhiều công sức, công mua vở, dán nhãn cho học sinh, viết tên cho học sinh, mua bìa bọc.

Rồi tôi còn bắt những em học sinh ưu tú viết tận 2 quyển để giúp các bạn viết kém hơn với mục tiêu lấy giải cả lớp đều viết chữ đẹp. Rồi cũng chính tay tôi là người giữ quyển vở của học sinh như giữ quả trứng gà mới đẻ.

Thế đấy, lương thấp nhưng lại phải làm những việc áp lực một cách vô nghĩa. Tôi đâm ra chán nản, thường xuyên bị phê bình và bị săm soi tấm bằng Thạc sĩ giấy. Lúc đó, tôi chỉ ước mình đừng có tấm bằng đó

Rồi tương lai của tôi trong công việc này sẽ đi về đâu, tôi không biết nữa?

Giai đoạn đầu khó khăn nhưng lại là cơ hội để rèn tính kham nhẫn cho mỗi giáo viên
Giai đoạn đầu khó khăn nhưng lại là cơ hội để rèn tính kham nhẫn cho mỗi giáo viên

Năm 2009 với một chút khởi sắc, tôi được chuyển về gần nhà. Hàng ngày đạp xe đi dạy gần khu mình sống với tràn ngập niềm vui.

Ngoài giờ học chính, cứ đến thứ bảy học sinh đến nhà học thêm. Cô trò cùng nấu ăn, rửa bát. Tôi đi chợ thì toàn gặp phụ huynh ngoài đó, ai cũng gọi tên tôi ríu rít ” Cô ơi cô ời, chọn lựa kĩ để bán cho cô toàn đồ ngon mà giá rẻ nè”. Lứa học sinh đó cũng đã qua hơn 10 năm, cả học sinh và phụ huynh đều một lòng thương cô.

Rồi lại có thêm sự thay đổi. Trường tôi được cử về một thầy Hiệu trưởng mới, thầy cho tái cơ cấu tổ chức nên phải sắp xếp lại nhân sự.

Tôi lúc đó được xếp ở vị trí giáo viên dự trữ. Nghĩa là giáo viên nào nghỉ thì dạy thay, còn bình thường chỉ đến trường chơi, đồng thời kiêm chức Bí thư Chi đoàn.

Tôi xin thầy cho dạy Lịch sử, Địa lý, Thủ công phụ giúp đỡ các cô giáo chủ nhiệm chứ đến trường chơi thì buồn quá. Rồi cứ thế tôi chấp nhận lui về, hỗ trợ phía sau và chấp nhận im lặng trước những chính sách giáo dục chưa triệt để lắm để tạm gọi là có công việc.

Tôi tiếp tục ráng thêm một thời gian với nhiều sự đè nén trong lòng.

Cánh cửa này khép lại thì có cánh cửa khác mở ra, vũ trụ không để ai thiệt thòi bao giờ.

Năm 2013, tôi tiếp tục chuyển đến một ngôi trường mới. Thời gian đầu, tôi được trân trọng, được học hỏi, được sáng tạo, được làm nhiều việc mà tôi đã mong muốn từ lâu. Tôi được chủ nhiệm những lớp bất ổn nhất, những phụ huynh “củ chuối” nhất.

Sở dĩ tôi gọi vậy bởi phụ huynh mà con tự hào khai với cô là bố con làm nghề “đầu gấu”. Ấy vậy, mà đây là lại là lớp học tôi gặt hái những điều hạnh phúc nhất. Dạy những học sinh được coi là tăng động, ngỗ nghịch mà lại cực kì thú vị.

Ai cũng tưởng rằng chúng “cứng như đá, ngang như cua” nhưng thật ra chúng rất dễ mềm lòng trước tình thương chân thành. Chúng bảo cô Thanh hiền nhất trường nhưng vì cô hiền nên chúng tha cho, không quậy cô, nghe lời cô.

Vì chúng thương cô nên kể cả không có cô chúng cũng không phá các cô giáo khác. Cứ như thế, cô và trò như hai người bạn. Và cứ thế suốt một thời gian tôi được dạy ở đây, như được tự do để thỏa sức làm những việc có ý nghĩa.

Thế nhưng tôi vẫn còn canh cánh trong lòng, vẫn thấy đây chưa phải là những gì tôi mong ước.

Giống như câu chuyện chú chuột trong hũ gạo đầy. Khi hũ gạo đầy, chú chuột sung sướng ăn, hưởng thụ, đến khi gạo hết, không chui ra được nữa. Tôi cũng giống vậy cuộc sống nhàn hạ chưa phải là đích đến.

Thú vị là thế nhưng không thể làm mãi những việc lặp đi, lặp lại mà không có gì thay đổi. Đặc biệt là suốt 3 tháng hè ở nhà chơi, tôi không nhận dạy thêm vì muốn các con có kỳ nghỉ trọn vẹn để được vui chơi cho thỏa thích. Nhưng đổi lại thì suốt 3 tháng đó, tôi bị dậm chân tại chỗ vì không được dạy.

Và tôi lại lần nữa quyết tâm không muốn làm “Chú chuột sa hũ gạo đầy”, tôi muốn lao ra để tìm những hạt gạo còn vương vãi đâu đó bên ngoài. Dù khó khăn, vất vả nhưng là chú chuột tự do.

Giáo viên trưởng thành
Học sinh cá biệt lại là những thử thách giúp thầy cô trưởng thành, yêu nghề hơn

3. Dòng sông đổi mới: Người lái đò là giáo viên TƯ THỤC

Năm 2019, rời khỏi biên chế nhà nước và học những bài học mới. Tôi đầu quân cho một trường tư thục, như con chim sổ lồng được tung cánh bay. Tôi làm việc miệt mài, tự do sáng tạo, tầm mắt phóng ra xa, học hỏi được rất nhiều thứ.

Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, để được sự tự do này, tôi đã phải làm việc cật lực nhiều giờ liền trong ngày để xứng đáng với số tiền nhận được về. Trường tư thục hầu hết tập trung vào lợi nhuận nên thường họ sẽ mua sức lao động của tôi triệt để, chứ không tập trung vào phát triển con người.

Biết là vậy nhưng tôi vẫn kiên định trên con đường này, vẫn luôn cố gắng học hỏi trong công việc đang làm, luôn nắm bắt những cơ hội trong khó khăn. Tôi học được những điều giá trị đến từ các phụ huynh có hiểu biết, có trí tuệ.

Chính phụ huynh là người tặng rất nhiều sách về giáo dục, chính phụ huynh là người giúp chạm tới ý nghĩa “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Không những trò, mà phụ huynh cũng là thầy của tôi. Mỗi lứa học trò qua là tôi có thêm một vài người bạn tri kỷ.

Giáo viên học hỏi
Thầy cô không chỉ dạy, mà còn phải liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, chuyên môn với nghề

4. Dòng sông chuyển hóa: Người lái đò là giáo viên tỉnh thức từ BÊN TRONG

Năm 2020, có thể nói đây là thời điểm đánh dấu mốc thay đổi mạnh mẽ nhất trong tôi. Bên ngoài nhìn tôi cũng không có gì thay đổi, vì tôi dừng lại việc thay đổi môi trường, tôi bắt đầu thay đổi từ bên trong.

Nhờ bài học “Chuột sa hũ gạo đầy” của cô Lương Hương ở Kĩ năng sống Seishin, tôi quay vào tìm hiểu mình.

Đây là khóa phát triển bản thân đầu tiên mà tôi tham dự - khóa huấn luyện online 6 tháng của cô Lương Hương. Một khóa huấn luyện khắc nghiệt để làm chủ chính mình, làm bạn với con, làm bạn với trò.

Những ước mơ, những lý tưởng giáo dục bắt đầu được kết nối. Lần đầu tôi được gọi tên một cách rõ ràng "sứ mệnh cuộc đời" và suy nghĩ về nó. Bước chuyển mình đầu tiên, tôi nhận thức về câu hỏi “Tôi là ai” trên cuộc đời này.

Giáo viên tỉnh thức
Thay đổi bên ngoài bằng cách thay đổi bên trong

Rồi như được dẫn dắt đi sâu hơn, nhờ nhân duyên, tôi được một người bạn gửi bộ video Chánh Kiến của thầy Trần Việt Quân. Như một sự vỡ òa, chạm đúng vào phần sâu nhất bên trong cho câu hỏi “Tôi là ai”, tôi ngâm cứu hết 12 video Chánh Kiến.

Cứ thế, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về tư tưởng giáo dục của Thầy và tổ chức BKE.

Một hệ sinh thái giáo dục bên BKE như mở ra cho tôi câu trả lời rõ ràng điều mà tôi tìm kiếm bấy lâu nay. Điều mà tôi đã khao khát có được vào những ngày mới chập chững bước vào nghề, đến những lần thay đổi môi trường. Vậy mà giờ đây nó đã bày ra trước mắt tôi một cách rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tôi bắt đầu tham gia nghiêm túc một lớp học là lớp Chánh kiến Online. Tôi nhìn nhận lại cả một quãng thời gian trước đây, tôi lao vào dạy học như con thiêu thân mà không hiểu một cách sâu sắc. Giá trị đích thực cần trao cho trò là những bài học làm người, chứ không phải những bài toán ngày càng nhiều, độ phức tạp ngày càng tăng.

Rồi tiếp tục đi sâu hơn vào BKE, tôi tìm hiểu tiếp cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn, thật sự ngưỡng mộ cô.

Tôi còn nhớ cái ngày thuyết phục sếp cho nghỉ trọn 5 ngày để tham gia khóa “Còn Biết ơn, còn Hạnh phúc” ở làng Hạnh phúc Hồ Núi Cốc do cô Kim Sơn hướng dẫn. Với tâm thế sếp không cho nghỉ, tôi sẽ nghỉ việc luôn, đủ để hiểu khóa học đó quan trọng với tôi đến nhường nào. Đến khóa học mới chợt vỡ ra, thương mình quá trời là thương.

Suốt ngày đầu tiên ngồi thiền, tôi chỉ ngủ vì cơ thể đã mệt mỏi sau một thời gian dài làm việc. Rồi nghe lời cô giảng, ngộ ra mình cứ mải miết theo đuổi những mục tiêu, những khát vọng để rồi quên bản thân. Cứ ăn nhanh, làm nhanh, làm gì cũng vội vàng, khẩn trương, làm trong vô thức.

Nhớ lại câu cửa miệng như đặc sản của tôi với con gái là cụm từ “ngay và luôn”, thấy sợ mình trước kia quá đỗi.

Đến đây, lần đầu tiên được cảm giác rời xa điện thoại, được sống một mình mà sao hạnh phúc thế. Được ăn chậm, đi chậm và không nghĩ ngợi gì. Những thứ quá xa xỉ với cuộc sống của tôi.

Tôi bỏ quên những hạnh phúc giản đơn thế này để theo đuổi những thứ cao xa ở tận nơi nào, để thân thể rệu rạo, rã rời mà hạnh phúc đâu chẳng thấy.

Sau khóa học tôi bắt đầu thiền hàng ngày, phanh lại cái vô thức, để làm việc một cách tỉnh thức. Tỉnh thức rồi, tôi mới nhận ra, thật ra, mình đâu có quá nhiều việc thế, thong dong mà việc vẫn xong; vội vội vàng vàng rồi càng lắm việc

Tỉnh thức rồi, tôi mới nhận ra mình cũng có những lời nói, hành động ảnh hưởng xấu đến học trò nhiều thế nào? Vì thế, tôi quyết tâm hành thiền mỗi ngày để quan sát và quản lý cảm xúc mình, để sống chậm lại và an vui. Bởi giáo viên hạnh phúc, thì học sinh mới hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, giáo dục mới phát triển.

Cứ mãi chạy theo những lý tưởng giáo dục xa vời. tôi quên mất mình nên trở thành người giáo viên hạnh phúc
Cứ mãi chạy theo những lý tưởng giáo dục xa vời. tôi quên mất mình nên trở thành người giáo viên hạnh phúc

Năm 2021, cơn bão Covid ập đến dữ dội, toàn bộ hoạt động dạy học chuyển qua online. Để chuyển mình thích nghi, tôi phải học hỏi tiếp.

Suốt ngày mò mẫm công nghệ, tìm các ứng dụng mới để dạy học hiệu quả. Quả thật, lúc này tôi vẫn cảm thấy việc học qua online chưa thật sự hữu hiệu, mà chỉ thấy thật sự rắc rối với nhiều thao tác công nghệ. Nhưng rồi tôi cũng phải thích nghi với nó.

Với mong muốn trải nghiệm những gì đã học, tôi tham gia vào chương trình “Hành trình Kiến tạo văn hóa đọc của các bạn dự án Trí Tuệ Việt Nam”, đây cũng là lúc tôi được thực hành công nghệ với sự giúp đỡ của nhiều người.

Cơ hội này như giúp tôi thay đổi suy nghĩ việc dạy học online. Tôi cùng đội ngũ xây dựng được những Giờ đọc Hạnh phúc cho học sinh, phụ huynh và cả nhiều giáo viên khác, nhờ online mà giá trị được lan tỏa rộng ra rất nhiều.

Sự chuyển hóa từ bên trong của tôi dường như rất mạnh mẽ, đến nỗi tôi cũng không nhận ra nó. Chỉ đến khi thấy được sự thay đổi của những người xung quanh, tôi mới nhận thức được sức mạnh bên trong mình.

Phải kể đến các đồng nghiệp của tôi, họ cũng theo hành trình và cũng chuyển hóa rất mạnh mẽ, họ theo học thầy Quân, theo các khóa học của thầy với mong ước giống tôi - trở thành giáo viên Ba Gốc.

Có thể trước đây, họ cũng đã từng ước mơ được đi trên con đường như vậy, nhưng chỉ là ngắm nhìn, chưa đủ dũng cảm để bước đi, nhưng giờ đây họ cảm nhận rõ điều đó trên hành trình của tôi.

Họ có thêm động lực để dấn thân và tiếp bước trên con đường Giáo Dục đúng nghĩa. Niềm vui trong tôi thật đong đầy vì tôi biết, tôi còn có chút khả năng tác động đến mọi người.

Giáo viên đổi mới
Phải thoát khỏi môi trường hiện có, học hỏi thêm những điều mới mẻ bên ngoài để mở rộng vốn sống hạn hẹp của mình

Ngoài giáo viên, tôi còn hăng say tổ chức thêm nhiều hoạt động về sách cho học sinh và phụ huynh. Tôi ra nhiều ý tưởng để học sinh yêu thích đọc sách, thường xuyên rèn luyện để ngấm Văn Hóa Đọc.

Tôi đã tổ chức cho lớp hoạt động “Tết Tử Tế - Tết Rèn Luyện” cùng GNH Talk bằng các hoạt động như đọc sách, chạy bộ. Đây là cách vừa để để rèn thân, tâm vừa để quyên góp tiền ủng hộ xây trường cho các bạn vùng núi.

Hành trình này rất đáng nhớ vì không chỉ học sinh, phụ huynh, mà còn có cả gia đình tôi cũng tham gia. Cứ mỗi sáng í ới gọi nhau, động viên, chia sẻ những khoảnh khắc rèn luyện cùng nhau. Cô trò như bạn bè, cùng nhau học hỏi và làm việc tốt.

Kết thúc hành trình chúng tôi đã quyên góp được một số tiền ủng hộ từ phụ huynh. Số tiền mang đến ý nghĩa giúp người, giúp học sinh được thay đổi, được rèn nghị lực.

Ngoài những lợi ích khi tham gia “Hành Trình Kiến Tạo Văn Hóa Đọc” là mang lại sự tích cực trong giáo dục. Tôi còn cảm thấy biết ơn vì đã được truyền cảm hứng bởi các bạn trong tổ chức BKE với tinh thần phụng sự, cho đi những điều tốt đẹp đến với cộng đồng.

Tôi đã chạm đến những điều thiêng liêng đó là sống cống hiến chứ không chỉ sống cho riêng mình. Dù lúc ấy, vừa phải hoàn thành trách nhiệm giảng dạy bên trường, vừa phải tinh tấn cho các lớp học phát triển bản thân, nhưng tôi vẫn dành thời gian để được phụng sự cùng tổ chức BKE trong một khóa học, để ngấm, để thẩm thấu tinh thần vô cùng giá trị đó. Rồi tôi lại lan tỏa tinh thần phụng sự đến với các học trò.

Chúng tôi cùng xem video “Đường thiện nguyện là vào tim ta dẫu lắm chông gai lòng vẫn không đổi dời” để cho các em hiểu được tinh thần đó rõ ràng như thế nào, để các em hiểu được rằng, các em có thể làm được.

Cả cô và trò cùng xem, cùng làm, cùng ngấm khẩu hiệu “Trung thực đến tận cùng, phụng sự vô điều kiện”. Đó như là một ánh trăng dịu nhẹ được thắp lên trong lòng những học trò.

Nếu ví nghề giáo của tôi như 1 người lái đò, thì gần 22 năm người lái đò này đã trải qua biết bao nhiêu dòng sông thăng - trầm, đục - trong để đi tìm chân lý của giáo dục. Bốn cột mốc quan trọng đã giúp tôi vẽ lên một bức tranh cho chính mình

-6 năm dạy hợp đồng với ước mơ vào được biên chế

-12 năm vào được biên chế, nhưng lại là giai đoạn trắc trở nhiều nhất khi phải chấp nhận sống khác đi với mình để đi theo hệ thống giáo dục cũ

-Gần 1 năm bước vào giáo dục tư thục với niềm tin chắc lần này sẽ khác đi nhưng vẫn tiếp tục thấy chông chênh, chưa thật rõ ràng.

-Gần 2 năm chuyển hóa mạnh mẽ nội lực bên trong thay vì thay đổi môi trường như trước kia. Tôi chợt vỡ òa vì tìm thấy chính mình, tìm thấy lý tưởng giáo dục mà bao năm qua tôi khao khát có được.

Cũng lúc này, tôi nhận ra hệ thống Giáo Dục nước nhà phải cần rất nhiều thời gian, nguồn lực để dẫn đến một sự thay đổi đáng kể. Vậy nên việc của tôi không phải là thay đổi cả một bộ máy mà bản thân mình phải trở thành một hạt giống tốt để truyền năng lượng cho nhiều hạt giống giáo dục khác.

Mình phải bình an, hạnh phúc thì mới mong giúp đỡ được người khác. Giáo viên hạnh phúc, học sinh mới hạnh phúc, giáo dục mới phát triển.


Giáo viên hạnh phúc, học trò hạnh phúc
Giáo viên hạnh phúc, học trò hạnh phúc

5. 4 bài học đúc kết sau 22 năm hành trình theo đuổi chân lý giáo dục

>>>Mời bạn lắng nghe chia sẻ phiên bản Radio

Và sau đây là 4 bài học mà tôi đúc kết được sau hành trình 22 năm đi tìm chân lý giáo dục của tôi. Giờ đây nó như là kim chỉ nam của cuộc đời tôi, nên xin phép được chia sẻ lại

Bài học thứ nhất.

  • Khi tôi quay vào bên trong để chuyển hóa chính mình, nội lực vững vàng, tự khắc thấy con đường. Không có một dòng sông nào mát lành hơn chính dòng sông tâm mình. Cho nên môi trường giáo dục nào không quan trọng, quan trọng là bản thân mình.

Bài học thứ hai

  • Hãy kiên định với những gì tâm mình nhận thấy là đúng. Trên những chặng đường tôi đã qua, không nhiều người ủng hộ. Họ hoài nghi, họ phản đối, họ nhìn tôi với ánh mắt thương cảm, họ thắc mắc: “Con đường dễ dàng sao không đi mà cứ trăn trở, chọn con đường gập ghềnh, gian khó”. Nhưng khi tôi đi qua rồi, họ lại ủng hộ, lại âm thầm theo dõi. Con đường tôi đi, không những mang lại sự tử tế cho học trò của tôi. Mà còn thức tỉnh nhiều giáo viên, cả hiệu trưởng, hiệu phó cũng được truyền cảm hứng về con đường tôi đã đi qua.

Bài học thứ ba

  • Không có tấm bằng khen nào cao quý hơn tình cảm, sự mến phục, yêu thương của Phụ huynh và Học sinh. Đây là danh hiệu không được trao nhưng để có danh hiệu đó, người giáo viên phải mang đến những giá trị đích thực cho Học trò.

Bài học thứ tư

  • Người Thầy là những người không bao giờ được ngừng học, chỉ có liên tục học hỏi mới mang lại những giá trị đích thực cho học trò. Hành trình học, thay đổi của Người Thầy là hành trình mang đến niềm vui, hạnh phúc trên con đường học tập của học trò. Khi đưa học trò đến hành trình học tập đầy cảm hứng thì Người Thầy cũng nhận được cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa

Chân lý giáo dục là tìm về sự tỉnh thức bên trong mỗi người giáo viên
Chân lý giáo dục là tìm về sự tỉnh thức bên trong mỗi người giáo viên

Bạn thân mến, cuộc đời như một dòng sông, khúc trong, khúc đục, khúc yên bình, khúc đầy những dòng nước xoáy. Vai trò của người Thầy cô cũng như người lái đò vậy. Dù cho dòng sông có như thế nào thì người lái đò vẫn vững chãi để đưa từng lứa học trò về được bến bờ tươi sáng của tri thức.

Tôi biết rằng ngoài kia có rất nhiều thầy cô dám thay đổi, dám sống cống hiến nhưng vẫn đang đơn độc một mình. Vì thế, hy vọng rằng qua câu chuyện này, các thầy cô sẽ thêm niềm tin, thêm yêu hành trình mà chúng ta đang cùng đi.

Xin chúc cho các bạn, những người lái đò tìm được hành trình đầy hứng khởi trong đào tạo. Hãy cho tôi biết chia sẻ của bạn bên dưới phần bình luận nhé!

Nội dung: Mai Thanh

Biên tập: Khánh Vi Hình ảnh: Hạnh Dung




Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page