top of page

MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG

Updated: Mar 25, 2023

Có khi nào bạn chợt nghĩ tôi sinh ra trong cuộc đời này để làm gì? Có khi nào bạn chợt nhận ra cuộc sống của mình là sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, kết hôn, nuôi con cháu, già thêm, rồi chết. Ôi! Chán lắm! Tôi đã luôn trăn trở suốt nhiều năm tháng và tự nói với bản thân rằng phải làm gì đó khác với cuộc đời của mình.

Đã có những giây phút tôi chạnh lòng suy ngẫm về nó để rồi thao thức, trăn trở và soi rọi chính bản thân mình. Hy vọng hành trình “tôi đi tìm tôi” sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho bạn. Cuộc hành trình tìm lại chính mình để CUỘC ĐỜI TRỞ NÊN ĐÁNG SỐNG!



MỤC LỤC


1. Tìm kiếm đam mê

Là con út trong một gia đình nghèo, đông anh em, lại mồ côi cha từ nhỏ đã khiến tôi trở thành một đứa ham chơi hơn ham học. Đầu năm lớp 10, nhìn thấy hình ảnh mẹ một mình sớm khuya tần tảo buôn bán để chăm lo cho tôi ăn học, tôi quyết tâm thay đổi, lấy mẹ là tấm gương noi theo để không làm mẹ đau lòng.


Cũng năm học này, tôi được tham gia vào đội học sinh giỏi môn Sinh học. Chính khoảng thời gian này đã định hướng nghề nghiệp tương lai cho tôi. Những ngày ôn luyện cho kỳ thi năm ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.


Ngoài giờ học, tôi hay lọ mọ một mình trong thư viện để tìm đọc các loại sách Sinh học, còn phụ cô thư viện sắp xếp và lau dọn sách để được cô ưu tiên cho mượn thêm vài chục cuốn về nhà. Tôi nhớ chiếc xe đạp cũ kỹ gần tuột xích đã theo tôi đi khắp các lớp học; nhớ những ly trà, cà phê đã cứu vớt tôi trong cơn buồn ngủ khi phải đọc sách thâu đêm.


Thời gian đó đã giúp tôi khám phá ra niềm đam mê đối với bộ môn này từ rất sớm và kỹ năng tự học cũng dần hình thành trong tôi. Tôi say sưa với các chuỗi DNA, các tế bào, các phép lai, các chuỗi và lưới thức ăn trong hệ sinh thái mà chưa bao giờ thấy chán. Đám bạn học cứ bảo tôi là “thằng tù Sinh học” vì đối với tụi nó môn này học buồn ngủ lắm.


Năm lớp 12, quyết tâm phải đậu Đại học nên tôi đăng ký lớp nguồn và dành hầu hết thời gian nỗ lực để rút ngắn khoảng trống kiến thức mình bỏ lỡ. Trong khi bạn bè còn loay hoay chọn ngành thì tôi đã biết mình muốn gì. Kết quả là tôi đậu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-ngành Sinh học.



Thời điểm đó, tôi cảm nhận gia đình đã giúp tôi nỗ lực nhiều đến vậy. Cha Mẹ là tấm gương để con cái noi theo, thân giáo chính là yếu tố quan trọng trong giáo dục. Bản thân tôi cũng đã chăm chỉ, nghiêm túc tự học để tìm ra được đam mê cho mình.


2. Theo đuổi công việc mang lại ý nghĩa cho cuộc đời


“…Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường

Bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số

Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị

Thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm…”

-NS.Võ Thiện Thanh-


Đây có lẽ là câu hát mà tôi và lũ bạn vẫn thường ngân nga cho cái thời sinh viên thiếu thốn vật chất.


Bước vào Đại học, tôi hạn chế nhận phụ cấp từ gia đình để tự thân vận động. Thời đó, đứa nào cũng khó khăn giống nhau nên ngoài việc học ai cũng tranh thủ đi làm thêm để có tiền chi tiêu thoải mái. Tôi cũng đã từng có ý định đó. Tuy nhiên, đứng trước trăn trở về định hướng nghề nghiệp cho tương lai, những đam mê của bản thân từ thuở nhỏ, tôi chậm lại vài nhịp để lắng nghe tiếng trái tim mình.

Là một người thích trồng cây nuôi thú cưng từ nhỏ, tôi hay quan sát và đặt các câu hỏi tại sao:

  • Tại sao cây phát triển thế này?

  • Các con vật có cảm xúc giống chúng ta không?

  • ...

Thế là tôi xin thực tập trong các phòng thí nghiệm động vật, thực vật, rồi làm cộng tác viên cho một tổ chức bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và tham gia một nhóm BTTN trong trường. Điều này đồng nghĩa với việc đánh đổi - theo đuổi đam mê thì đời sống vật chất của tôi ngày càng thiếu thốn hơn.


Khi đứng trước quyết định chọn chuyên ngành, tôi lại trăn trở và đặt ra cho mình câu hỏi “Sau này ra trường, làm công việc kiếm được nhiều tiền mà hủy hoại thiên nhiên, thì làm để làm gì?” Tôi nhớ những ngày thực địa tại các khu BTTN: hình ảnh những vết thương "rỉ máu" của cây Dầu Rái khi bị vạt để lấy nhựa, những mảng rừng già bị "xẻ thịt" không thương tiếc...Vì vậy, tôi đã quyết định theo hướng BTTN bên mảng nghiên cứu cây cối.


Kể từ đó đến nay, tôi vẫn gắn bó với triết lý sống bảo tồn thiên nhiên của mình. Tôi luôn trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, giữ được ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê thuở ban đầu. Mặc dù cuộc sống luôn vật lộn với cơm áo gạo tiền nhưng so với số đông người đang chán việc ngoài xã hội, tôi vẫn còn may mắn vì được làm công việc ý nghĩa, chạm được đam mê.


Những ngày sống tự lập đã trao cho tôi nhiều trải nghiệm mà có lẽ ít trường lớp nào giảng dạy. Tôi luôn bắt đầu với câu hỏi tại sao trước khi làm việc gì để tìm ra mục đích và ý nghĩa cho việc sắp làm. Đồng thời, tôi sẵn sàng dấn thân mạnh mẽ để tìm ra được việc nào mới thật sự mang lại ý nghĩa cho tôi.


3. Soi rọi lại cuộc đời

Năm 30 tuổi, một năm với nhiều sự kiện giúp tôi quay về bên trong nhìn lại bản thân. Tôi chuyển công tác, sống và làm việc giữa một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn. Bầu không khí trong xanh và tĩnh mịch của núi rừng đã giúp tâm hồn tôi lắng lại. Tôi nghĩ về những việc mà cuộc đời mình đã trải qua. Tôi nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, đam mê, công việc cùng các mối quan hệ, gia đình nhỏ và cũng nghĩ về mưu sinh.


Đúng là “khi người học trò sẵn sàng thì người thầy xuất hiện”. Tình cờ tôi xem được một đoạn phim ngắn của thầy chia sẻ về ý nghĩa cuộc đời với các công thức BE, DO, HAVE và GIVE. Vào những buổi chiều chạy bộ, các công thức này lại hiện lên và “ám ảnh” tâm trí tôi. Tôi bắt đầu trăn trở sâu hơn về các vấn đề nan giải mà mình đang gặp phải trong công việc. Các vấn nạn quan liêu mà những ngày đầu chập chững, chính bản thân cũng đã phản ứng, rồi dần dần thân quen và bị đồng nhất hóa.


Đầu năm 2022, tôi quyết định tham gia một khóa học dài hạn nhất của thầy để lắng nghe sâu tiếng nói thầm kín trong bản thân. Các kiến thức hoàn toàn mới lạ mà lần đầu tôi tiếp cận: Bốn vòng tròn đào tạo (4VTĐT), Sợi chỉ đỏ cuộc đời (SCĐCĐ)… đã làm tôi bất ngờ nhận ra hình ảnh mình trong đó mà tôi chưa từng đúc kết.


Đôi khi những tưởng bản thân đã tìm ra được 4VTĐT, SCĐCĐ của riêng mình: được làm công việc thật sự có ý nghĩa lại đúng đam mê, phát triển đúng hướng kỹ năng, học đúng hướng chuyên ngành, và nhất là tự nghĩ mình cũng có đạo đức-trí tuệ-nghị lực. Nhưng càng học tôi lại càng hoang mang, trăn trở khi đào sâu vào các phương pháp tư duy: nhân quả, phản biện và quan sát đa chiều.


Tôi đã áp dụng tất cả các kiến thức tinh hoa này vào chính mình. Không ít lần tôi tự đặt hàng loạt câu hỏi:

  • Cái gì đang vận hành ngầm?

  • Cái gì là điều cốt lõi?

  • Điều này lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến tương lai gì?

  • Điều này có lợi mình, lợi người và lợi thiên nhiên không?

  • Điều này có hướng về phát triển đạo đức, trí tuệ, nghị lực không?

  • ...

Từ đó, tôi ngỡ ngàng nhận ra những gì mình trải qua bấy lâu nay vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu ý nghĩa.


Phải chăng đây là bài học cuộc đời thấm thía nhất mà tôi phải hoàn thành?


Khi làm bất cứ việc gì, tôi phải luôn phản tư lại chính bản thân để nhận ra đâu là đúng sai, phải trái. Tôi cần có đủ dũng khí để sửa mình, kể cả buông bỏ vật chất, địa vị và danh vọng để đi theo con đường đúng đắn.


4. KẾT LUẬN

Ý nghĩa sống thuở ban đầu trong tôi vẫn còn rực cháy đó là bảo tồn thiên nhiên để con người và thiên nhiên sống hòa hợp với nhau. Nhưng sao trong lòng vẫn hoang mang, trăn trở trước các lựa chọn. Có phải tìm được mình đã khó, giữ được mình càng khó hơn?


Câu nói của một bậc vĩ nhân cứ ẩn hiện trong đầu tôi: “Chúng ta sinh ra, lớn lên, rồi thực sự đã chết ở tuổi 25 nhưng phải đợi đến tuổi 75 mới được đem đi chôn”. Nhận thức bên trong nói với tôi rằng: thời điểm bản thân hoang mang, trăn trở, chính là thời điểm cần phải trở về với con người bên trong để nhận ra và cần phải sửa mình để lẽ sống luôn là lẽ phải!


Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài chia sẻ về hành trình “tôi đi tìm tôi”. Cùng chậm lại để ngẫm sâu những giá trị bản thân và cuộc sống, bạn nhé!


Nội dung: Minh Trí - Học viên lớp Content 3 Gốc

Biên tập: Khánh Vi



Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page