MỤC LỤC:
***
Chào bạn, trong một bài viết trước về chủ đề 3 Gốc là gì, bạn đã được hiểu một cách tổng quan về 3 Gốc gồm Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực. Đạo đức là tình yêu thương giúp cuộc đời thêm đẹp, Trí tuệ là ánh sáng để dẫn đường, còn Nghị Lực là ý chí hành động.
Bài viết này, 3goc.vn sẽ đào sâu hơn vào yếu tố Đạo Đức. Cụ thể Đạo Đức biểu hiện dưới tình thương, được mổ xẻ thành những yếu tố rõ nét, và thông qua đó những phương pháp nào để rèn luyện Đạo Đức, bạn cùng đọc bài nhé!
Đạo Đức là gì?
Đạo Đức là một phạm trù rất khó để khẳng định một cách chính xác, bởi vì với mỗi góc nhìn, mỗi hệ tư tưởng khác nhau Đạo Đức sẽ được diễn giải theo một cách khác nhau; có thể là theo định nghĩa trong đời sống, có thể là định nghĩa theo kinh điển.
Chúng tôi cho bạn một ý tưởng chủ đạo về Đạo Đức như sau: “Bạn làm việc gì mà cảm thấy vừa mang lại lợi ích cho mình, vừa mang lại lợi ích cho mọi người và cũng vừa mang lại lợi ích cho thiên nhiên muôn loài; thì đó đích thị là việc làm có Đạo Đức.”
Vậy để phân định rõ được điều này, chúng ta sẽ cùng đối chiếu, mổ xẻ Đạo Đức thành từng khía cạnh rất cụ thể theo 2 góc nhìn: Dựa trên kinh điển (Bát chánh đạo) và dựa theo đúc kết lời giảng của Thầy Trần Việt Quân.
Đạo Đức dưới góc nhìn Bát chánh đạo
Trong Bát Chánh Đạo, có thể xem Đạo Đức thuộc chi phần Giới. Giới là khuôn khổ đạo đức ngăn chặn những điều ác, để hướng tới những việc lành phát khởi từ thân-khẩu-ý. Làm được điều đó thì thân-tâm-trí hài hoà, an nhiên, tự tại.
Trong Giới bao gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
Chánh ngữ là nói lời khéo léo, không gây thù địch, khi nói cần tránh những lời không hay, cần kiểm soát lời nói, kiểm soát miệng của mình. Nói đúng chánh ngữ cần những lời nói chính trực, ngay thẳng và khéo léo mang lại lợi ích và tránh gây đau khổ cho người khác.
Chánh nghiệp là hành động đúng phù hợp đạo đức. Làm những việc có ích lợi cho mọi người bằng tâm rộng lượng, hòa hợp, có lợi ích cho tất cả chúng sinh hoặc ít nhất là không hại người.
Chánh mạng là sống đúng, làm việc và kiếm tiền mưu sinh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng và không xâm hại đến người khác.
Khi đối chiếu chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng dựa trên định nghĩa ở trên, bạn cảm nhận được nó cũng khá hợp lý phải không nào.
>>>Đọc thêm: Bát Chánh Đạo
Đạo Đức dưới góc nhìn thầy Trần Việt Quân
Trong lớp Chánh Kiến, thầy Quân có chia sẻ rất rõ Đạo Đức là luôn hướng về điều tốt, xuất phát từ Thân - Khẩu - Ý (hành động đúng đắn, lời nói đúng đắn, và suy nghĩ đúng đắn). Để làm được điều này chúng ta nên làm 4 điều sau: Học điều tốt, Hiểu điều tốt, Nói điều tốt và Làm điều tốt.
Đầu tiên, chúng ta cần nhận thức được những điều tốt, tác ý được ở trong môi trường thiện lành gần những người thầy hiền trí, những cuốn sách hay và những người bạn tốt để học hỏi.
Trong quá trình ấy, bạn cũng nên liên tục suy ngẫm, chuyển hoá những điều tốt học hỏi từ bên ngoài, để đưa vào bên trong mình.
Sau đó tự bản thân quán chiếu thực tập lời nói chân chính. Đó là nói những lời trung thực, hòa ái, mang tính xây dựng, bồi đắp yêu thương và hiểu biết.
Không nói dối, nói thêu dệt hay nói hai lưỡi, nói để mưu cầu danh lợi. Không nói lời gây chia rẽ, oán hận, không lan truyền hay lên án những điều mà mình chưa biết rõ. Phải có can đảm nói ra sự thật về những điều bất công và dùng lời nói tích cực của mình để giúp hòa giải.
Để làm tốt điều này thì hạnh lắng nghe luôn phải song hành, bởi khi lắng nghe người khác ta mới hiểu họ và từ đó mới biết lời nào đúng đắn nên nói ra.
Cuối cùng, khi đã có lời nói chân chính bạn thực tập hành động chân chính. Người có Đạo Đức là người biết rõ đúng - sai, thiện – ác. Mỗi hành vi, việc làm luôn trung thực, đúng với lẽ phải, phù hợp với nhân quả và có lợi ích cho tất cả mọi người.
Trong cuộc sống, nghề nghiệp chiếm một phần quan trọng đối với tất cả chúng ta, bởi nó chi phối phần lớn hành động. Chọn được nghề nghiệp lương thiện, giúp bạn sống một cuộc đời ngay thật, không gian tham, không làm giàu trên đau khổ của người khác. Nghề nghiệp tạo ra của cải sử dụng cho bản thân, gia đình ta và giúp đỡ những người khác.
Từ phân tích của Thầy Trần Việt Quân, ta cũng thấy được định nghĩa của thầy tương đồng với 3 yếu tố thuộc chi phần Giới trong Bát Chánh Đạo, cũng như định nghĩa chung mà chúng tôi đã đưa ra ở đề bài.
Trang Thư Viện 3 Gốc, nơi bạn có thể tìm được bất cứ thông tin xoay quanh chủ đề 3 Gốc (Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị Lực). Ủng hộ tại đây!
Các cấp độ của Đạo Đức
Thông thường khi chúng ta nghĩ đến Đạo Đức, sẽ nghĩ ngay đến việc làm điều tốt cho người khác chẳng hạn đi cống hiến, đi phụng sự, đi từ thiện…Nhưng đó chỉ là một phần. Đạo Đức sẽ có 3 cấp độ.
Đạo Đức với chính mình
Đạo Đức với chính mình là điều tối quan trọng nhất. Bởi bạn phải nuôi dưỡng được tình thương yêu, sự trân trọng chính bản thân mình; thì từ đó việc bạn làm cho người khác mới có ý nghĩa, mới dựa trên sự chân thật.
Đạo đức với chính mình được thể hiện qua việc tôn trọng, chăm sóc thân thể cho thật tốt. Đó là việc bạn biết làm việc điều độ, biết nghỉ ngơi hợp lý, biết ăn uống đúng cách, biết cơ thể bạn phù hợp với điều gì. Bạn không làm những hành động tổn hại đến cơ thể vật lý của mình.
Sau nữa, đạo đức cũng thể hiện trong việc bạn trung thực với chính mình, có nghĩa là bạn suy nghĩ, nói, và hành động tương đồng với nhau. Dù đang sống trong xã hội ngày nay, việc phải đeo nhiều “mặt nạ” để ứng xử, nhưng bạn cũng cố gắng nhận thức bản thân con người thật của mình để có thể tiệm cận đến việc “trung thực đến tận cùng" với chính bản thân mình trước.
Điều này mang lại cho bạn sự an nhiên trong tâm hồn.
Đạo Đức với mọi người
Khi bạn đã có nền tảng vững chắc về tình yêu thương với chính mình, lúc này bạn yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ dựa trên mong muốn cho đi thật sự. Người mạnh trong nội tâm mới có thể bao dung, cho đi một cách vô điều kiện, bởi họ đã có tình tương trong tự thân, nên họ cho đi nhưng không mong ai đó sẽ đền đáp trở lại.
Đạo Đức với mọi người thể hiện qua 4 cách giúp người. Bạn có thể bắt đầu giúp người khác từ những việc dễ làm nhất, thuận tiện nhất mang tính ngắn hạn; đến những việc khó khăn, thử thách hơn nhưng mang tính dài hạn.
Đạo Đức với thiên nhiên, muôn loài
Mở rộng góc nhìn, cuộc sống này không chỉ có loài người sinh sống. Mà hệ sinh thái của Trái Đất này còn gồm rất nhiều sinh vật, cây cỏ, núi, biển, đất đai,...Và con người chúng ta là tập hợp con của hệ sinh thái này, chịu sự chi phối bởi những quy luật vận hành chung.
Cho nên, chúng ta cũng phải biết yêu thương đến những khía cạnh khác ngoài mối quan hệ giữa người với người.
Chẳng hạn, bảo vệ môi trường (phân loại rác, tái chế pin, không dùng phung phí tài nguyên điện nước…) hay tránh sát hại những sinh vật nhỏ bé, hay chung tay sửa chữa mẹ Trái Đất (trồng cây gây rừng, vớt rác trên biển, dọn rác khu vực cống rãnh tắc nghẽn…).
Nếu chưa có điều kiện để làm những hoạt động trên ngay lập tức, bạn cũng có thể khởi bên trong tâm ý của mình những năng lượng thiện lành, sau đó tác ý gửi năng lượng tốt đẹp này đến môi trường, đến muôn loài.
Việc này bạn có thể không thấy hiệu quả ngay lập tức, nhưng nó lại mang đến một vùng năng lượng mới cho những hạt giống nhận thức mới trong cộng đồng. Việc này có thể làm ngay mà không bị giới hạn về không gian cũng như thời gian.
Vun bồi Đạo Đức với bốn phẩm chất Từ - Bi – Hỷ - Xả
Có rất nhiều phương pháp để rèn luyện cho mình Đạo Đức như: đọc lời hứa từ tâm, làm thiện pháp hay thanh lọc thân tâm trong sáng…
Tuy nhiên, có một cách để luyện tập Đạo Đức một cách rốt ráo nhất, đó là hành cho được Từ - Bi – Hỷ - Xả. Trong giáo lý đạo Phật gọi là Tứ vô lượng tâm, nếu thực hành được 4 phẩm chất này sẽ đem lại an vui, hạnh phúc cho mình và cho người.
Tâm Từ là khả năng hiến tặng niềm vui, hạnh phúc cho người khác một cách vô điều kiện, xuất phát từ tình thương chân thật, muốn cho bên kia được an vui mà không mong cầu sự đền đáp hay hàm ơn.
Tâm Bi là khả năng chia sớt, làm vơi đi nỗi khổ của người khác. Bi không phải là bi lụy. Bi lụy là chỉ biết đồng cảm, xót thương người khác mà không có hành động giúp đỡ. Sự thực tập tâm Bi cần có trí tuệ, nghị lực và tình thương lớn. Xuất phát từ việc quan sát, lắng nghe để thấy nỗi khổ, niềm đau của người.
Tâm Hỷ là khả năng chế tác niềm vui. Vui với những gì đang hiện hữu cho mình và vui trước niềm vui, hạnh phúc của người khác. Ý thức được những điều tuyệt vời ấy đang hiện diện sẽ đem lại niềm vui, làm tâm ta nhẹ nhõm, tươi mát.
Tâm Xả là trạng thái tự do, thư thái trong mối quan hệ với mọi người, mọi sự vật, sự việc. Người có tâm xả biết tha thứ lỗi lầm của người khác, không ghi nhớ, không thù hận; khi có ai không cùng quan điểm với mình cũng không tranh chấp, hơn thua; khi làm được việc tốt không đắc ý, tự hào hay kể công; khi có tài sản, của cải biết cho đi vô điều kiện.
Rèn luyện 4 tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả là một tiến trình chuyển hóa tâm thức. Tâm Từ hóa giải sự tham lam, ích kỷ; tâm Bi hóa giải sự sân hận, độc ác; tâm Hỷ hóa giải sự đố kỵ, so bì hơn thua; và tâm Xả hóa giải sự bám chấp, vướng mắc. Thực tập Từ - Bi - Hỷ - Xả sẽ hóa giải mọi phiền não, khổ đau trong ta, cho ta cuộc sống an vui, hạnh phúc.
>>>Đọc thêm: Từ-bi-hỷ-xả
Vậy là chúng ta đã cùng đào sâu vào yếu tố Đạo Đức trong 3 Gốc, bạn chắc hẳn đã hiểu rõ định nghĩa cũng như phương pháp rèn luyện Đạo Đức. Tuy nhiên, Đạo Đức là một chi phần quan trọng nhưng không thể tách rời với Trí Tuệ, và Nghị Lực. Cả 3 yếu tố này cần phải được rèn luyện song hành, thì tam giác cân 3 Gốc mới không bị thiên lệch méo mó.
3goc.vn mong là bạn nhận được nhiều giá trị từ bài viết, bạn cùng bình luận bên dưới cảm nhận của mình nhé!
***
Nội dung: Khánh Vi - Admin Trang Thư Viện 3 Gốc
Biên tập: Nhàn Lý
Hình ảnh:
Nguồn tham khảo:
-Trang Youtube Trần Việt Quân
-Khóa học Đánh thức ý nghĩa cuộc đời (Chánh Kiến 1)
-Khoá học Kiến tạo con đường hạnh phúc (Chánh Kiến 2)
-Khóa học Chánh Kiến 3H (Học - Hiểu -Hành)
-Narada Maha Thera. Đức Phật và Phật Pháp. NXB Tổng hợp TP HCM
Comments