top of page

3 Gốc là gì? Tại sao 3 Gốc là "chìa khoá" cho mọi vấn đề trong đời sống?

Updated: 4 days ago

Chào bạn đã đến!


Bạn chắc đã và đang là học viên tại BKE phải không? Vậy là bạn đã biết qua về giá trị 3 Gốc. Hoặc bạn là người mới - người chưa từng học tại BKE, nhưng vì một lí do nào đó biết đến cụm từ 3 Gốc.


Có ai đó nói với bạn, 3 Gốc chính là chìa khoá để mở ra cánh cửa cho cuộc sống mới, là niềm tin vững chắc để giúp mỗi người tìm thấy hạnh phúc bền vững trên cuộc đời này.


Thật vậy, nhiều nhân duyên thiện lành đã đến với cộng đồng GNH, các lớp học tại BKE nói chung, và tại 3goc.vn, tại bài viết này nói riêng. Nhiều con người đã được chuyển hoá bước sang một trang cuộc đời mới.


Bạn đến với chúng tôi trên con đường học Đạo, cùng nắm tay nhau, cùng tiến bước đưa tâm thức phát triển lên nhiều bậc. Bạn cùng học hỏi, cùng bàn luận, cùng thực hành tinh tấn từng bước để mỗi người vượt thoát khỏi những giới hạn bản thân.

Một dòng tìm kiếm “3 gốc là gì?” trên ô search Google, hay một lần bạn cho mình cơ hội bấm vào đường link bài viết này khi ai đó chia sẻ, là một lần bạn gieo nhân tốt để tìm về 3 Gốc. Nhân lành tạo ra quả tốt. Hy vọng sau bài viết, bên trong bạn sẽ ươm mầm hạt giống để chờ đón một mùa thu hoạch bội thu.

Bài viết tựa như một quyển E-book nhỏ với góc nhìn đa chiều sẽ mang đến nhiều kiến thức thú vị. Sẵn sàng chúng ta cùng đi thôi nhé!

Cùng CHUNG TAY đóng góp trí lực và vật lực để giúp 3goc.vn sản xuất thêm nhiều nội dung hay trong thời gian tới, bạn nhé!
3 gốc

MỤC LỤC


***


1. Bạn biết 3 Gốc là gì chưa?

3 Gốc là viết tắt của cụm từ 3 Gốc Rễ, bao gồm Đạo Đức - Nghị Lực - Trí Tuệ. Đây là khái niệm được thầy Trần Việt Quân đưa ra khi thành lập trường Pathway Tuệ Đức vào những ngày đầu tiên.


Bản thân thầy cũng không phải là người sáng tạo ra 3 Gốc. 3 Gốc được thầy rút ra từ Giới - Định - Tuệ ( hay 8 chi Bát Chánh Đạo), đây là nếp sống hướng thượng của người tu Phật, ứng dụng thành Đạo đức - Trí Tuệ - Nghị lực để trở thành phương tiện thực hành trong đời sống của tất cả mọi người.


>> Đọc thêm bài viết: Bánh Chánh Đạo

Bởi vì thầy biết Bát Chánh Đạo là chìa khoá để giải quyết mọi vấn đề trong đời sống. Nên thầy quan niệm, đã gieo nhân thì phải tập trung vào những mầm xanh - những đứa trẻ vừa mới được sinh ra. Nếu kiên trì gieo 3 Gốc càng sớm càng tốt thì 10, 20 năm nữa Việt Nam ta sẽ có một lớp thế hệ trẻ biết sống cống hiến và đầy tử tế.


Nếu ví cuộc sống con người như đời sống phát triển của cây, thì để cây sống khỏe mạnh, ra cành lá, trái quả tốt tươi, cây cần bộ rễ vững chắc nằm sâu bên dưới. Tương tự, con người muốn sống mạnh mẽ, vững chắc cũng cần bộ rễ của hệ giá trị cốt lõi nằm trong tâm, có thể xem như nhân cách cốt lõi. Đó là Đạo Đức - Trí Tuệ Nghị Lực.

Những điều này không thể thấy bằng mắt thường, mà phải dùng sự hiểu biết sâu sắc để cảm nhận. Cho nên ta phải gieo nhân 3 Gốc càng sớm càng tốt, gieo vào những hạt xanh chuẩn bị nảy mầm.


Ngoài ra, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi con người rất dễ bị chông chênh, lạc lối giữa muôn vàn tiêu chuẩn phức tạp thay đổi, nảy sinh ra mỗi ngày thì nền tảng giáo lý 3 Gốc mà Đức Phật để lại vô cùng đơn giản và bất biến.

Vậy ngay lúc này hãy nhận thức tầm quan trọng của 3 Gốc để bắt đầu vun bồi bản thân ở tầng sâu bên trong. Để rồi Đạo Đức giúp tình yêu thương gắn kết, Nghị Lực giúp vượt qua khó khổ và Trí Tuệ là ngọn đuốc sáng dẫn đường giúp soi sáng tâm thức.

3 Gốc
3 Gốc bao gồm Đạo Đức, Trí Tuệ, Nghị Lực

2. Tại sao phải vun bồi 3 Gốc?

Câu hỏi “Tại Sao” rất hay, nó là câu hỏi quan trọng cần được trả lời trước khi tìm hiểu sâu về bất cứ chủ đề nào. Đối với việc vun bồi 3 Gốc cũng vậy, bạn cần biết lý do tại sao mình cần phải có nó, như vậy quá trình luyện tập của bạn sẽ đạt được nhiều kết quả hơn.


Dưới đây, bài viết tạm đưa ra 3 lý do để bạn tham khảo.


Thứ nhất, 3 Gốc là hệ giá trị cốt lõi giúp hình thành nên nhân cách con người.

Giáo dục trước hết phải hình thành được nhân cách cốt lõi cho trẻ em như: tình yêu thương, trung thực, hiếu thảo…Bậc cha mẹ đều biết từ 1 đến 6 tuổi là khoảng thời gian vàng để giáo dục nhân cách con người cho con.

Lúc này con như thân cây mềm rất dễ uốn nắn, con dễ tiếp nhận hệ giá trị 3 Gốc hơn những người lớn. Nếu từ nhỏ con đã được gieo những hạt giống tốt vào tâm thức, thì chắc chắn khi trưởng thành con có sẵn nền tảng để tự mình sống cuộc đời tử tế.

Điều cốt lõi mà được xây dựng ngay từ đầu thì thân cây, cành lá, trái quả sẽ theo đó tự động được phát triển. Chúng ta chỉ cần tập trung phần quan trọng nhất, mọi thứ còn lại sẽ theo đó mà thay đổi.


Còn nếu bạn đang là người lớn, người yêu thích việc phát triển bản thân thì việc có được hệ giá trị 3 Gốc sẽ giúp bạn phát triển sâu hơn, thay vì chỉ học những kỹ năng riêng lẻ như hiện nay trên thị trường đang đào tạo.

Nói ở đây không phải là phủ nhận hiệu quả của kỹ năng, mà để bạn hiểu kỹ năng có thể giúp bạn giải quyết một vài vấn đề, còn hệ giá trị cốt lõi sẽ giúp bạn đi qua hầu hết mọi vấn đề.

Bởi vì hệ giá trị lõi giúp xây dựng nội lực từ bên trong, người đã có sức mạnh bên trong thì hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống đều có thể dễ dàng vượt qua.


Thứ hai, nhờ có 3 Gốc bạn nhìn thấy được sự thật.

Trong cuộc sống bạn thường thắc mắc tại sao cùng là con người nhưng có người thì được sung sướng, có người thì lại khổ sở, có người luôn gặp may mắn, nhưng có người thất bại liên tục.


Khi nhìn thấy được một bức tranh tổng quan các quy luật đang vận hành, bạn mới thấy được việc sướng, khổ, thành công, thất bại chỉ là quả đang biểu hiện trên bề mặt. Nếu nhìn vào những lớp sâu bên dưới cuộc sống của một con người từ: nhân cách, nhận thức, thói quen… bạn sẽ biết được vì sao mỗi người lại đạt được những kết quả khác nhau.


Giống như khi bạn ăn trái cây, nếu nhìn được cả một quá trình chăm sóc, bạn sẽ biết lí do vì sao có quả thì ngọt, có quả thì sâu hại, còi cọc. Bạn sẽ thấy được nhiều yếu tố từ công chăm sóc, quá trình phát triển, các điều kiện nhân duyên của đất trời (mưa, nắng, gió, đất…) hội tụ lại.


Bạn sẽ nhận ra khi quả tốt thì nhân thường sẽ hội tụ 3 Gốc, nếu quả xấu thì thường hội tụ 3 Độc.

Thứ ba, nhờ có 3 Gốc bạn đủ nội lực vượt thoát cái khổ.

Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn” - Đức Phật

Lời dạy của Đức Phật để nói lên sống ở đời cái khổ là điều không ai có thể tránh khỏi. Con người từ khi sinh ra đã phải cất tiếng khóc để sinh tồn, bị quay cuồng bởi cái khổ của mưu sinh, của bệnh tật, của tâm lý, của nỗi sợ…, để rồi cái khổ cuối cùng là nhắm mắt xuôi tay.


Khổ là một sự thật mà không ai có thể tránh né.


Thay vì tránh khổ, né khổ, bạn cần đối diện với khổ bằng cách phòng hộ tâm, rèn luyện để tâm vững chãi trước mọi sự đổi thay. Để làm được việc đó thì 3 Gốc chính là giải pháp. 3 Gốc như ngọn đèn soi sáng từ bên trong để giúp bạn nhìn đường trong đêm tối, trong vũng lầy của tham-sân-si.


Để những khi chông chênh, lạc lối trong cuộc sống, bạn nhìn thấy được kim chỉ nam cuộc đời mình. Bạn biết mình cần đi đâu, về đâu. Bạn biết mình cần hướng tới điều gì, đánh đổi điều gì, và chấp nhận điều gì.


Cho nên, bạn nhìn cuộc sống này một cách chân thực, không bị mơ hồ, ảo giác. Do đó, khi hiểu sâu sắc tầm quan trọng của 3 Gốc, bạn sẽ có động lực để bắt đầu tiến sâu hơn vào từng khía cạnh, để rồi lên cho mình lộ trình học tập, suy ngẫm và rèn luyện một cách mạnh mẽ hơn.

Tại sao phải vun bồi 3 gốc
Còn bạn thì sao, câu trả lời của bạn là gì?

3. 3 Gốc: Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị lực

3 Gốc là chiếc kiềng 3 chân với 3 phẩm chất kết hợp lại với nhau vô cùng vững chãi, không thể tách rời, đó là Đạo Đức, Trí Tuệ, Nghị lực. Cụm 3 Gốc này thường gọi tên như vậy, nhưng tiến trình rèn luyện sẽ khác đi chút.


Nó sẽ đi theo con đường Bát Chánh Đạo gồm các bước như sau:

-Nuôi dưỡng Đạo Đức để thanh lọc tâm lý

-Tâm ý được thanh lọc sinh ra Nghị Lực

-Có Nghị Lực thì Trí Tuệ sinh khởi


Bạn cùng đọc phần bên dưới mô tả chi tiết hơn từng yếu tố.

Bộ rễ 3 Gốc với đầy đủ 3 phẩm chất
Bộ rễ 3 Gốc với đầy đủ 3 phẩm chất

3.1 Đạo đức là gì?

Đạo Đức là tình yêu thương làm cho cuộc đời thêm đẹp. Đạo Đức có nhiều định nghĩa khác nhau tùy thuộc vào văn hóa, tôn giáo, lịch sử và các giá trị. Tuy nhiên, để hiểu đạo đức một cách đơn giản trong đời sống, bạn có thể hiểu như sau.


Đạo Đức là cách sống luôn hướng về điều tốt. Để biết đâu là điều tốt thì trước một sự việc diễn ra bạn hãy tự hỏi mình “Nếu làm việc này thì có mang lại lợi ích cho mình, cho mọi người và cho thiên nhiên muôn loài không?”.


Nếu có bạn hãy luyện tập cho mình 4 điều như sau: Học điều tốt, Hiểu điều tốt, Nói điều tốt và Làm điều tốt.


Đầu tiên, 3 việc cần làm đó là nhận thức được những điều tốt, suy ngẫm về nó liên tục để rồi tự bản thân quán chiếu thực tập lời nói chân chính. Đó là nói những lời trung thực, hòa ái, mang tính xây dựng, bồi đắp yêu thương và hiểu biết.


Không nói dối, nói thêu dệt hay nói hai lưỡi, nói để mưu cầu danh lợi. Không nói lời gây chia rẽ, oán hận, không lan truyền hay lên án những điều mà mình chưa biết rõ. Phải có can đảm nói ra sự thật về những điều bất công và dùng lời nói tích cực của mình để giúp hòa giải.


Có những người quan niệm rằng tâm tốt là được, lời nói không quan trọng, họ gọi là “khẩu xà tâm Phật”. Có thể họ không có ý làm hại ai, nhưng thực sự bên trong họ đang có nhiều vấn đề chưa được chuyển hóa nên cái miệng mới nói ra những lời ác.


Nếu vẫn giữ thói quen ác khẩu thì vẫn gây ra những đổ vỡ, đau khổ, bực tức và hận thù. Lời nói cũng có thể làm cho người khác thêm mặc cảm, mất hết ý chí, thậm chí dẫn đến tự tử. Cho nên, thực tập lời nói chân chính rất quan trọng.


Để làm tốt điều này thì hạnh lắng nghe luôn phải song hành, bởi khi lắng nghe người khác ta mới hiểu họ và từ đó mới biết lời nào đúng đắn nên nói ra.


Sau đó, khi đã có lời nói chân chính bạn thực tập hành động chân chính. Người có Đạo Đức là người biết rõ đúng - sai, thiện – ác. Mỗi hành vi, việc làm luôn trung thực, đúng với lẽ phải, phù hợp với nhân quả và có lợi ích cho tất cả mọi người.


Trong cuộc sống, nghề nghiệp chiếm một phần quan trọng đối với tất cả chúng ta, bởi nó chi phối phần lớn hành động. Chọn được nghề nghiệp lương thiện, giúp bạn sống một cuộc đời ngay thật, không gian tham, không làm giàu trên đau khổ của người khác. Nghề nghiệp tạo ra của cải sử dụng cho bản thân, gia đình ta và giúp đỡ những người khác.


Khi luyện tập cho mình 4 hành động trên một cách nhuần nhuyễn, bên trong bạn sẽ được chuyển hoá lên một cấp độ cao hơn, đó là tính vị tha lớn hơn vị kỷ. Người có nền tảng tu tập biết nhìn vào sự tham lam, ích kỷ của mình để sửa mình và tập cho đi, tập suy nghĩ cho người khác để tính vị tha của mình ngày một thêm lớn.


Để tính vị tha được tăng trưởng, chúng ta sẽ học, hiểu và thực hành Tứ vô lượng tâm, đó là Từ Bi Hỷ Xả. Đây là tiến trình rèn luyện cả đời để tâm từ trong mỗi chúng ta được tăng trưởng.


Khi những hạt mầm Đạo Đức trong mỗi người được khởi sinh, chúng ta sẽ biết lý do tại sao mình phải làm điều này mà không làm điều kia. Cho nên khi khó khăn đến, chúng ta vẫn sẽ quyết tâm làm điều tốt dù có bao nhiêu trở ngại. Lúc này cần đến yếu tố thứ 2 đó là Nghị Lực.

Đạo Đức 3 Gốc
Học, Hiểu, Nói và Làm hướng tới việc lợi mình, lợi người, lợi thiên nhiên, muôn loài

3.2 Nghị Lực là gì?

Nghị Lực giúp chúng ta đi suốt đoạn đường mà không sợ hãi, bỏ cuộc. Nghị Lực là bước đệm tiếp theo của Đạo Đức.Ý chí Nghị Lực của con người không phải tự nhiên sinh ra, mà nó được rèn luyện từ những gian khổ trong cuộc sống. Bởi vì khó khăn là thức ăn vàng của Nghị Lực.


Gốc rễ Nghị Lực gồm 3 thành tố là Dũng - Nhẫn - Tĩnh. Dũng là dám đối mặt với khó khổ, nỗi sợ. Nhẫn là tiếp tục nỗ lực và không bỏ cuộc giữa chừng dù trong hoàn cảnh gian khó, lâu dài. Và Tĩnh là luôn giữ vững tinh thần điềm tĩnh trước những cám dỗ của thành công và hưởng thụ, của thất bại và khổ đau.


Muốn có Nghị Lực, mỗi người phải có ý thức tìm việc khó để làm, bởi chỉ có khó khăn mới giúp con người phát tiết hết tài năng, trí tuệ và sức chịu đựng của mình. Dám làm việc khó và nâng dần độ khó theo thời gian là cách giúp chúng ta khám phá tiềm năng bên trong.


Song song đó việc tập cho mình thói quen kiên trì và nhẫn nại, toàn tâm toàn ý vào một việc và làm việc gì cũng làm đến nơi đến chốn, không bỏ dở giữa chừng. Đối với những người may mắn sinh ra trong sung sướng, mọi việc thuận lợi thì ý chí nghị lực của họ không có cơ hội phát triển. Đến một lúc nào đó, khi khó khăn hay thất bại ập đến, họ thường dễ bỏ cuộc sớm hay sụp đổ nhanh chóng.


Rèn luyện thể dục thể thao, đặc biệt là những hoạt động đòi hỏi sự kiên trì như chạy bộ, bơi lội, leo núi, tập võ… không chỉ giúp tăng cường thể lực mà còn làm tăng khả năng chịu đựng áp lực, rất có lợi trong việc bồi dưỡng Nghị Lực.


Tuy nhiên, rèn luyện thể lực là một phần của Nghị Lực, thể lực chỉ là bước đệm phát triển Nghị Lực thôi. Nhiều người dù khỏe, chạy tốt nhưng ra đời vẫn lười đọc sách, vẫn sợ hãi như thường.


Nghị Lực được nhắc đến trong bài viết này nó có ý nghĩa sâu hơn đó là sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn và thách thức trong cuộc sống. Mạnh mẽ trong tâm là cốt lõi của Nghị Lực.


Khi khả năng Định của mỗi người được tăng trưởng nhờ Nghị Lực, lúc này tự khắc sẽ sinh ra Tuệ.

>> Đọc thêm bài viết: Nghị Lực

3 Gốc Nghị Lực
Nghị Lực trên Thân và Tâm

3.3 Trí tuệ là gì?

Trí Tuệ là ánh sáng dẫn đường giúp mỗi người đi đúng hướng. Nhờ có Trí tuệ mà chúng ta không yêu thương mù quáng, không bất chấp nỗ lực vô thức làm những điều hại người, hại thiên nhiên.


Trí Tuệ là một chi phần quan trọng nhất trong 3 Gốc. Trí Tuệ chính là người lãnh đạo tài ba giúp chúng ta nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực, từ đó tu dưỡng bản thân để hướng đến một đời sống có đạo đức và an vui.


Nhờ vào Trí Tuệ mà chúng ta có khả năng phán đoán, suy xét đúng đắn về những việc mình làm, về những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh mình mà không bị sa vào tà kiến hay mê tín.


Người có Trí Tuệ chánh kiến các sự vật, hiện tượng một cách đúng đắn mà không bị tập quán, thành kiến ngăn che hay làm sai lạc, bóp méo. Họ biết phân biệt cái nào giả, cái nào thật, điều xấu, điều tốt để có thái độ và hành vi đúng đắn trong cách cư xử với chính mình, với người, với xã hội, thiên nhiên và muôn loài.


Người có Trí Tuệ hiểu sâu về quy luật nhân quả. Trước bất cứ một sự vật, hiện tượng nào, người có Trí Tuệ biết quan sát, phân tích và đúc kết cái gì vận hành ngầm dưới điều đó, cái gì là nguyên nhân cốt lõi và nếu điều này lặp lại thì điều gì sẽ xảy ra, từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp với quy luật nhân quả.


Người ta thường hay nhầm lẫn giữa thông minh và Trí Tuệ. Thực chất, hai khái niệm này khác nhau hoàn toàn về bản chất. Thông minh khiến ta thu nạp nhiều kiến thức, còn Trí Tuệ giúp ta thành người biết nhận thức đúng, hành vi đúng, vì người có Trí Tuệ trải qua tiến trình Văn – Tư – Tu kiên trì và sâu sắc.


Người thông minh biết nắm bắt cơ hội, đem về nhiều lợi ích cho mình. Người có Trí Tuệ biết nhường nhịn, nhận phần thiệt thòi về mình. Thông minh là năng lực bề cạn của con người, giúp đem lại tiền tài và quyền lực. Trong khi đó, Trí Tuệ là sự tiến hóa về chiều sâu tâm hồn, giúp đem lại niềm an vui và hạnh phúc.

3 Gốc Nhân Quả
Bản chất cuộc sống vận hành theo quy luật Nhân Quả
3 Gốc đi theo con đường Bát Chánh Đạo, trong đó "Đạo đức là tình yêu thương làm cho cuộc đời thêm đẹp, Trí Tuệ là ánh sáng dẫn đường giúp mỗi người đi đúng hướng, Nghị Lực giúp chúng ta đi suốt đoạn đường mà không sợ hãi, bỏ cuộc".

4. Hình thành cây nhân cách 3 Gốc

Sau khi hiểu rõ từng yếu tố của 3 Gốc gồm: Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị lực, chúng ta phần nào nhận ra vì sao 3 giá trị này chính là nền tảng bền vững để hình thành nên nhân cách tốt đẹp cho mỗi con người.


Nhìn vào hình ảnh tượng trưng đời sống con người như một cái cây, ta thấy được các nhân cách trên bề mặt như: hiếu thảo, trung thực, biết ơn, khiêm hạ…Đây là những đức tính mà hầu hết ai cũng muốn tu dưỡng cho mình.


Tuy nhiên để vun bồi cho mình từng nhân cách riêng lẻ như vậy thì sẽ rất lâu. Thay vào đó, ta chỉ cần nắm chắc hệ giá trị 3 Gốc, rồi thì một cách tự nhiên các phẩm chất ở trên sẽ tự động được sinh trưởng.


Nhìn vào hình ảnh cây tượng trưng này, có thể thấy 3 Gốc rễ là nhân, các phẩm chất ở trên là quả. Lấy một ví dụ về phẩm chất là hiếu thảo để mô tả chi tiết hơn về luận điểm này như sau:


Hiếu thảo là phẩm chất tốt đẹp của một người có Đạo Đức. Đó là cách ứng xử đúng đắn của con cái đối với cha mẹ mình.


Khi một người yêu thương, giúp đỡ cha mẹ, đó là đứa con có hiếu. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy con có hiếu với cha mẹ, thì khi con giúp đỡ người khác thường sẽ bị rầy la là bao đồng, con đi làm thiện nguyện thì lại cho rằng con làm những việc vô ích.


Nếu cha mẹ tập trung dạy con sống có Đạo Đức, rằng con nên yêu thương, giúp đỡ bất cứ ai con gặp chứ không chỉ riêng cha mẹ. Khi đó con trở thành một người tốt bụng, rộng lượng, ai cũng quý mến, cuộc sống của con sẽ hạnh phúc hơn và tự khắc con trở thành một đứa con có hiếu.


Bởi vì con yêu được rất nhiều người thì chắc chắn yêu được gia đình mình, con cống hiến được rất nhiều thì khi gia đình mình cần con vẫn cống hiến. Vậy, sống có Đạo Đức là nhân, có hiếu chỉ là quả. Để một đứa con có hiếu, cha mẹ không cần dạy con chữ hiếu, mà nên dạy con sống có Đạo Đức”.


Tương tự với ví dụ như trên, bạn có thể lấy thêm các phẩm chất khác quy chiếu về bộ ba gốc rễ.

3 Gốc là Nhân, nhân cách con người là Quả
3 Gốc là Nhân, nhân cách con người là Quả

5. Bộ 3 Gốc rễ phải luôn song hành cùng nhau

3 Gốc gồm Đạo Đức - Nghị Lực - Trí Tuệ phải luôn song hành cùng nhau. Tuy ba mà một, tuy một mà ba.

>>> Xem thêm Video: Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị Lực, điều nào quan trọng nhất của một con người



Nếu thiếu Đạo Đức một doanh nhân có thể thành đạt vì họ có sự thông minh, có nghị lực để theo đuổi đến cùng các ý tưởng, giải pháp đột phá. Tuy nhiên nếu thiếu gốc Đạo Đức thì sự thành công đó nếu có cũng chỉ là nhất thời, không lâu bền.


Cuộc sống có lúc này, khi kia; lúc thành công, khi thất bại; lúc vui sướng, khi nóng giận. Một người sống ích kỷ, chỉ lo nghĩ cho riêng mình thường dễ rơi vào trầm cảm, bế tắc vì khi khó khăn đến sẽ không được ai giúp đỡ, tin cậy.


Họ dễ rơi vào cảm xúc đau khổ, bực tức. Khi không có khả năng tha thứ, bao dung, và nhường nhịn người khác, họ dễ rơi vào cảm giác trống rỗng, chán chường khi thấy cuộc sống mình không ý nghĩa, trao giá trị cho mọi người.


Nếu thiếu Nghị Lực một người chắc chắn cũng không nếm được vị ngọt thật sự của thành công dù trong tâm họ rất muốn trao đi giá trị cho cộng đồng và xã hội. Họ đủ sự thông minh, nhạy bén để vạch ra các kế hoạch chi tiết, chuyên nghiệp.


Nhưng chỉ hào hứng được vài ngày thì nản lòng, bỏ cuộc, không thể nỗ lực theo đuổi đến cùng. Để rồi cuối cùng giải pháp đó, khát vọng đó chỉ nằm trên trang giấy như đống giấy vụn.


Người thiếu Nghị Lực cũng khó giúp được người khác dù trong tâm đầy thiện chí nhưng lại không đủ can đảm và dũng khí để đối diện với những việc khó chưa từng làm.


Họ không đủ kiên trì để làm đến khi có kết quả; và cũng không đủ sự điềm tĩnh để đối diện với khen - chê, thành công -thất bại. Cho nên sau những thị phi cuộc đời thì hoang mang, lung lay, và đánh mất niềm tin vào ước mơ sống cống hiến, trao đi những giá trị ý nghĩa.


Nếu thiếu Trí Tuệ một người dù Nghị Lực kiên cường tới đâu, yêu thương từ ái thế nào thì thành công của họ cũng khó trọn vẹn nếu họ không có sự hiểu mình, sự quan sát - phân tích - đúc kết đa chiều, sự hiểu biết về các quy luật tự nhiên.


Hãy tưởng tượng, một người đầy lòng nhân ái, không ngại xông pha vào khó khổ để sống một cuộc đời ý nghĩa, trao giá trị cho đời.


Thế nhưng, vì thiếu sự hiểu mình nên họ làm việc không đúng đam mê, sở trường; vì không hiểu các quy luật vận hành của vũ trụ nên luôn gặp khó khăn; vì không có khả năng quan sát đa chiều, và đúc kết bài học sau mỗi lần sai; vì thiếu hiểu những tình huống, hoàn cảnh của khách hàng, người thân đã đưa ra giải pháp sai cách thì chẳng khác nào “lòng nhiệt tình + sự thiếu hiểu biết = phá hoại”.


Vì vậy, chúng ta phải luôn ý thức phát huy 3 yếu tố này phải quân bình. Nếu phát triển một cột nhiều quá thì các cột còn lại yếu, tam giác kiềng 3 chân mà bị lệch thì sẽ dễ bị ngã.


Chỉ có Trí Tuệ và Nghị Lực, nhưng thiếu Đạo Đức sẽ sinh ra Hitler, quan tham. Chỉ có Trí Tuệ và Đạo Đức, nhưng thiếu Nghị Lực sẽ sinh ra tiến sĩ giấy. Chỉ có Đạo Đức và Nghị Lực, nhưng thiếu Trí Tuệ sẽ sinh ra phá hoại.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố 3 Gốc
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố 3 Gốc

6. Nơi nào hội tụ 3 Gốc nơi đó có con người tinh hoa

Khi một người phát triển 3 Gốc một cách cân bằng, bên trong họ sẽ có tố chất của một người tinh hoa. Cuộc sống của họ sẽ có nhiều thành tựu lợi mình, lợi người và lợi cho thiên nhiên, muôn loài.


Những anh hùng, những Vĩ nhân trong lịch sử là tấm gương để chúng ta noi theo. Có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi “Tại sao họ lại thành công như thế?”, “Họ được sinh ra, nuôi dạy, trưởng thành như thế nào?” “Họ có tố chất gì bên trong” hay không?


Vậy cùng điểm qua 3 tấm gương bên dưới để thấy 3 Gốc vận hành bên trong họ như thế nào nhé.


6.1 Abraham Lincoln – Hiện thân của lẽ phải

Abraham Lincoln - tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là người lĩnh xướng trong công cuộc giành lấy sự tự do cho từng người dân Mỹ.


Từ nhỏ, ở Lincoln hiện lên tinh thần Nghị lực. Mỗi ngày ông đều đến trường với quãng đường gần 10 km. Ông tự học, tự đọc sách mỗi ngày trong suốt 10 năm mà không cần ai nhắc nhở, không cần ai động viên dỗ dành.


Khi trở thành Luật sư, khi có cơ hội học tập, quan sát đa chiều hơn, thì Lincoln với trí tuệ nhạy bén của mình đã phát hiện ra sự bất hợp lý của luật lệ. Cụ thể, trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ có ghi rất rõ :”Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.


Để rồi sau đó, bằng tình yêu thương Abraham Lincoln đã quyết tâm trở thành tổng thống sau 8 lần thất bại liên tiếp. Để rồi tiếp sau đó ông quyết tâm xóa bỏ chế độ nô lệ, giải phóng những người nông dân khỏi gông cùm của tầng lớp địa chủ.


Abraham Lincoln 3 gốc
Abraham Lincoln hiện thân của lẽ phải

6.2 Louis Pasteur – nhân loại nợ ông một lời cảm ơn

Nếu có một bảng xếp hạng những phát minh quan trọng nhất thế giới, chắc chắn Vắc-xin chiếm vị trí đầu tiên. Chúng ta đã sử dụng Vắc-xin để phòng bệnh trong hàng thập kỷ qua nhưng có lẽ sẽ ít người biết đến cha đẻ của nó – nhà khoa học Louis Pasteur, vị ân nhân của nhân loại.


Ông là một nhà khoa học có Trí Tuệ khi phát minh ra những công trình có ảnh hưởng to lớn đến nền y khoa và cả ngành hóa học, đồng thời cũng thể hiện Nghị Lực hơn người khi dám đối diện với nguy hiểm để thực hiện các thí nghiệm khoa học.


Bên cạnh trí tuệ và ý chí hơn người đó, nhân loại cũng cảm phục ông bởi một nhân cách Đạo Đức lớn.


Ông đã quyết định từ chối các lời đề nghị mua bản quyền để cho mỗi người dân trên khắp thế giới được sử dụng vắc-xin miễn phí hoặc chỉ cần phải chi trả một số tiền rất nhỏ để được tiếp cận phương pháp chữa trị này.


Không vì lợi ích vật chất, không vì danh vọng, nhà khoa học thanh quý đã để lại cho chúng ta một bài học lớn. Mạng sống con người không thể mua bằng tiền, đạo đức giữa người với người mới là thứ đáng trân trọng.

3 Gốc Louis Pasteur
Louis Pasteur - người có tấm lòng yêu thương cao cả

6.3 Lý Thường Kiệt – bản lĩnh vị tướng dưới bốn triều vua

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, là một trong hai danh tướng vĩ đại nhất triều Lý. Khi ông biết được nhà Tống đang lăm le để thôn tính nước mình thì ông thực hiện một quyết định táo bạo là tịnh thân - trở thành quan hoạn để phục vụ vua.


Ở trong cung ba năm, với trí-dũng kiệt xuất, vua Lý Nhân Tông đã giao toàn quân cho Lý Thường Kiệt với mong muốn tài năng của Lý Thường Kiệt sẽ giúp dân, giúp nước.


Quả đúng như vậy, khi Lý Thường Kiệt làm Tướng vận mệnh mới của Đại Việt đã được mở ra. Đại Việt trở thành một cái tên mà các nước lân cận đều phải kiêng nể, ngay cả Đại Tống.


Hai trận đánh nổi tiếng nhất của ông là trận đem quân đi đánh Ung Châu và trận trên sông Như Nguyệt. Chỉ trong vòng 40 ngày ông đã san phẳng thành Ung Châu và các thành lân cận, khiến Đại Tống trở tay không kịp.


3 năm sau, ông một lần nữa dùng mưu lược và trí tuệ hơn người để tái hiện lại trận Bạch Đằng Giang năm xưa, lợi dụng địa hình của sông nước, ông cho đọc một bài thơ mà khiến quân địch khiếp đảm và tinh thần toàn quân dân Đại Việt dâng lên ngùn ngụt. Đó là bài Nam quốc sơn hà. Bài thơ hùng hồn được cất lên lồng lộng giữa nước trời:


Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư

Nhờ một nhân vật kiệt xuất như Lý Thường Kiệt mà triều Lý được hưởng thái bình và 4 đời vua nhờ cậy. Nhà Lý tồn tại 216 năm và là một trong những triều đại thịnh vượng và lâu bền nhất của Việt Nam.

3 gốc yêu nước
Càng hiểu thêm về danh nhân nước Việt, ta càng thêm yêu đất nước mình

7. Môi trường phát triển 3 gốc rễ

CHUNG TAY tạo nên môi trường sống tốt cho mỗi người tìm về 3 Gốc rễ

Cách đây 2600 năm, Đức Phật đã dạy các đệ tử của mình rằng môi trường sống tốt nhất là nơi giúp mỗi con người được phát triển sâu sắc từ bên trong. Đó là môi trường có Tam Bảo (Phật-Pháp-Tăng).


Theo ngôn ngữ đời sống, môi trường phát triển tốt nhất đó là nơi có Thầy - Sách - Bạn luôn hướng về 3 Gốc rễ.


Đầu tiên, phải chọn được cho mình vài vị thầy hiền trí. Đây là người có cả Đạo Đức lẫn Trí Tuệ. Thầy sẽ dạy cho mình những điều hay lẽ phải có lợi cho mình, lợi cho người và cả thiên nhiên.


Mỗi người thầy sẽ giỏi một mảng nào đó, bạn nên quan sát - phân tích - đúc kết nhiều vị thầy để thu nạp về cho mình tinh hoa của mỗi người, không nên bị mắc kẹt vào một vị thầy nào hết.


Thứ hai, bạn nên có cho mình tủ sách hay. Thông thường, chúng ta hay tập trung vào các đầu sách dạy kỹ năng nhiều hơn là những sách tinh hoa. Các đầu sách kỹ năng giúp bạn làm việc hiệu quả, kiếm được nhiều tiền, nhưng sách tinh hoa giúp bạn trở thành một con người có nhân cách.


Các đầu sách về nhân cách, đạo lý giúp bạn phát triển Đạo Đức ở chiều sâu. Các đầu sách về vĩ nhân, bác học giúp bạn phát triển về Trí Tuệ. Và các đầu sách về anh hùng, thám hiểm sẽ giúp bạn học được Nghị Lực mạnh mẽ, phi thường của các nhân vật trong lịch sử.


Thứ ba, đó là bạn phải có nhóm bạn tốt cùng hướng về tâm thức cốt lõi. Các nhóm bạn có thể là bạn chơi từ thuở hàn vi, bạn đồng nghiệp, bạn phát triển bản thân, bạn đời…Mỗi người bạn như một quyển sách sống động giúp bạn học hỏi từ chính thực tế cuộc sống của họ.


Nếu muốn biết bạn là ai, chỉ cần cho biết 5 người mà bạn thường xuyên tiếp xúc. Như vậy cũng đã thấy mức độ ảnh hưởng của bạn bè lên tâm thức của mình như thế nào.


Các bậc phụ huynh khi tạo môi trường 3 gốc cho con, cũng nên quan tâm đặc biệt đến môi trường tại nhà trường và gia đình.


Trước hết là rèn luyện trong nhà trường.


Để phát triển trí tuệ, học sinh cần được rèn kỹ năng học sâu, quan sát đa chiều, phân tích và đúc kết sâu sắc những sự vật hiện tượng trong đời sống. Học sinh cũng cần được học về các quy luật của vũ trụ như luật Nhân – Duyên – Quả để phát triển tư duy sâu sắc và đúng đắn.


Về đạo đức, học sinh cần được vun bồi hạnh ái ngữ, lắng nghe và đưa ra những lời hứa từ trong tâm của mình về sự trung thực và tử tế. Các trò chơi quân đội, võ thuật, bơi lội với độ khó nâng dần, giúp trẻ rèn luyện nghị lực và trở thành những con người kiên trì, nhẫn nại, hoạt bát và kiên cường.


Bên cạnh việc học tập ở trường là việc rèn dũa trong môi trường gia đình.


Mỗi gia đình cần xây dựng vững chắc Tam Bảo của mình. Thầy hiền trí nên có vài vị để tham vấn khi cần và mỗi thành viên cũng có thể là những người thầy của nhau. Có tủ sách hay để cùng nghiên cứu, học hỏi những tinh hoa của nhân loại. Có nhóm bạn tốt gồm những người có cùng giá trị sống để cùng soi sáng, nâng đỡ nhau tiến bộ.


Tiến trình chuyển hóa Tam Bảo chính là tiến trình Học – Hiểu – Hành, biến ba báu vật bên ngoài thành những giá trị cốt lõi bên trong của mình, làm cho ba gốc của mình ngày một phát triển vững chắc cho những đứa trẻ và cả người lớn.

3 gốc tam bảo
Đâu là môi trường tốt nhất để giáo dục con người?

8. 3 Gốc là lõi để phân tích mọi vấn đề

Khi áp dụng được 3 Gốc sâu sắc vào cuộc sống, bạn sẽ thấy dường như mọi vấn đề đang diễn ra đều có thể lý giải và tìm ra phương pháp nhờ quay vào lõi để suy xét.


Các khía cạnh trong cuộc sống như: sự nghiệp, gia đình, tài chính, nuôi dạy con, sức khỏe…Mọi thứ tốt đẹp cũng nhờ 3 Gốc phát triển, mọi thứ xấu đi cũng là do 3 gốc bị mất cân bằng.


Trong một đội nhóm tầm 3-5 người mở công ty, thì phải có một người có trí tuệ hơn người, có giải pháp sắc bén. Phải có một người thực thi triệt để là yếu tố nghị lực. Và phải có một người gắn kết đội ngũ là ở cột Đạo Đức.


Đây là một cách hay để nhìn nhận và đánh giá đội ngũ, nhờ thế người lãnh đạo biết cách điều phối nhân sự để mỗi người được làm đúng, cùng rèn luyện, nâng đỡ nhau. Đối với doanh nghiệp mà thiếu 3 Gốc thì không có tầm nhìn, chỉ tập trung vào việc kiếm tiền


Trong việc định hướng sự nghiệp cũng như thế, khởi điểm là phải có trí tuệ để hiểu chính mình, để biết mình có xu hướng tính cách gì, phù hợp ngành gì. Sau đó là hiểu tính chất ngành nghề mình đã chọn xem thử có chất 3 Gốc hay không.


Cuối cùng là ráp lại cái mình tốt và cái ngành nghề cần để tạo ra một sự nghiệp vững chắc.


Tương tự, trong gia đình việc hòa hợp giữa hai vợ chồng, hay việc nuôi con cũng dựa trên yếu tố nền tảng này.


Nếu cha mẹ đã có cùng trình độ nhận thức tương đồng nhau về 3 Gốc thì việc đối xử với nhau dựa trên sự thấu hiểu và tôn trọng. Việc nuôi dạy con cũng đi cùng một hướng. Mối quan hệ giữa hai bên nội, ngoại cũng được chu toàn. Bởi vì cả gia đình cùng trên một chiếc thuyền đi về một hướng.


Đối với phát triển bản thân thì nhờ 3 Gốc vạch lộ trình cho mình đi đúng hướng, đạo đức giúp bạn đi đến đâu cũng kết nối, có người hỗ trợ, nghị lực thì giúp bạn vượt qua sóng gió cuộc đời.


Thường các bạn bị nhầm lẫn việc phát triển bản thân là tiếp nạp kiến thức, kỹ năng là đủ, nhưng nếu nhìn theo 4 vòng tròn đào tạo, bạn cũng sẽ thấy vòng tròn lõi bên trong chi phối tất cả, kéo theo các điều kiện khác đi theo.


Nói tóm lại, nếu hiện tại bạn đang có vấn đề gì đó trong cuộc sống ở bất kỳ lĩnh vực nào. Để hiểu được rõ ràng, tường tận, bạn có thể dùng 3 Gốc để phân tích.

3 gốc chìa khoá
Mang theo 3 Gốc bên mình/Lo chi sợ hãi cuộc đời khổ đau

Lời cuối

Trên đây là một bài phân tích sâu về các khía cạnh xung quanh 3 Gốc rễ. Tuy nhiên, bài chia sẻ này mới cũng chỉ là những kiến thức nền tảng được đúc kết lại thông quan các bài giảng của thầy Trần Việt Quân.


Bạn sẽ cảm thấy rất hay, rất thú vị khi đọc bài chia sẻ này, nhưng hiện tại là bạn mới được nhận thức chứ chưa được chuyển hoá sâu.


Tiến trình chuyển hoá 3 Gốc phải đủ 3 bước Văn - Tư - Tu (Học-Hiểu-Hành). Học chỉ chiếm 10%, Hiểu chiếm 20% và Hành chiếm đến 70%. Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ không dừng lại ở việc Học, mà hãy dành thời gian suy ngẫm để rồi sau đó lên cho mình phương pháp thực hành nhé.


Hãy bình luận bên dưới cho chúng tôi biết bài viết này thực sự hữu ích với bạn.


Chân thành cảm ơn!

Bài viết dựa trên học hỏi, chiêm nghiệm, đúc kết của đội ngũ viết từ bài giảng của Thầy Trần Việt Quân, Sách Phật Pháp, cho nên sẽ có những quan điểm chưa phù hợp với đại đa số. Bài viết vẫn liên tục được chỉnh sửa, cập nhật.

***

Nội dung: Liên Thanh - Admin dự án GNH Talk

Biên tập: Khánh Vi, Nhàn Lý

Hình ảnh: Hạnh Dung

Nguồn tham khảo:

-Trang Youtube Trần Việt Quân

-Khóa học Đánh thức ý nghĩa cuộc đời (Chánh Kiến 1)

-Khoá học Kiến tạo con đường hạnh phúc (Chánh Kiến 2)

-Khóa học Chánh Kiến 3H (Học - Hiểu -Hành)

-Narada Maha Thera. Đức Phật và Phật Pháp. NXB Tổng hợp TP HCM

7,075 views2 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page