Với thiên chức làm ba mẹ, bất cứ ai cũng luôn đau đáu làm thế nào để con có điều kiện ăn học tốt nhất, chứ không nghèo khó như mình lúc xưa. Chính quan điểm này đã khiến nhiều bậc phụ huynh bị cuốn theo vòng xoáy kiếm tiền, ước mong có thể để lại cho con cháu một tài sản gì đó.
Nhưng tiền bạc chưa thấy đâu, cái thấy trước mắt là tình thân giữa các con ngày càng xa cách. Và đó cũng chính là câu chuyện đầy nước mắt của tôi. Thuý Hiền - Học viên Content 3 Gốc mời bạn cùng lắng nghe cách tôi cân bằng công việc để lấy lại muôn vàn hạnh phúc bên con và gia đình nhé!
Bên cạnh gia đình là điều hạnh phúc
1. Chăm lo kiếm tiền, bỏ quên gia đình
Tôi lập gia đình khi tuổi đời không còn quá trẻ, nhưng bản thân lại chưa sẵn sàng tâm lý để làm mẹ. Mọi người khuyên tôi nên có con sớm, đừng chờ đến khi hưởng thụ hết cuộc sống của đôi vợ chồng son, có tài chính vững vàng.
Thế là chuyện gì đến cũng đến, tôi được ơn trên ban cho đứa con trai lành lặn. Tôi là đứa vụng về nên việc chăm sóc con dồn hết cho chồng, mặc dù lúc đầu anh không vui vì tiền bạc hai đứa còn bấp bênh, sao lo nổi cho con.
Anh là y sĩ nên chăm con rất chu đáo; từ miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa cho con, anh đều lo chu toàn, chỉ có mỗi việc tiền bạc là anh không thể.
Còn tôi, sau khi sinh xong, bị biến chứng gây tê tủy sống nên đi lại rất khó khăn. Mỗi lần đứng lên đi, chân của tôi không có cảm giác, đi lếch lếch như người bị tật nguyền.
Trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện sự lo sợ, liệu mình có bị tàn tật suốt đời không, chồng mình sẽ bỏ mình, rồi cuộc đời mình sau này như thế nào? Tôi nhìn đứa con ngủ ngon lành với gương mặt phúc hậu đáng yêu, cầm lòng không được nên nước mắt rơi lã chã mỗi đêm.
Cũng may mắn, sau này tôi được một vị bác sĩ chuyên xương khớp điều trị nên bệnh tình thuyên giảm, đi lại được bình thường. Tôi bắt đầu lao vào công việc để kiếm tiền nuôi gia đình, mà quên đi người chồng cần được quan tâm từ vợ, người con cần được tình thương từ mẹ.
Thời khóa biểu của tôi rất đơn giản, sáng 6h30 đi làm, chiều 19h về nhà, tôi tranh thủ ẵm bé vào lòng và hôn hít, nhưng bé không cười vui vẻ khằng khặc như khi gặp ba. Bé thấy mẹ không mừng như khi thấy ba, trong lòng tôi lúc này thoáng chút buồn tủi và tự an ủi bản thân “Chắc là, sau này con lớn lên sẽ hiểu nỗi vất vả cơm áo gạo tiền… sẽ thương mình thôi".
Con tôi khi lớn lên chắc nó sẽ hiểu những nỗi vất vả của mẹ
2. Vết cào từ tâm con, vết cấu đến lòng mẹ
Khi bé được 24 tháng tuổi, tôi đã gửi bé vào nhà trẻ nguyên ngày vì ở nhà không có ai chăm sóc; tối đến tôi dọn dẹp nhà cửa, còn bé chơi đùa với ba.
Thời gian cứ thế trôi qua, tôi bắt đầu nhận thấy bé ngày càng xa lạ với mình; hôn con thì con tỏ ra khó chịu, bứt tóc và đẩy mẹ ra. Bực bội tôi lớn tiếng nói với bé “Mẹ là người kiếm tiền mua sữa, tả, quần áo cho con mặc mà, sao con lại đối xử với mẹ như vậy?”; bé khóc thét lên và lấy ngón tay cào vào mặt tôi.
Tôi tức giận, đánh vào mu bàn tay con. Chồng tôi đi lấy sữa từ nhà bếp lên thấy vậy, liền chạy đến ôm con vào lòng rồi nói nặng lời với tôi “Cô khùng hay sao mà làm vậy với con”.
Cả đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được và tự hỏi bản thân “Mình đã làm gì với thằng bé vậy, bây giờ phải làm sao đây, mình bị mang tiếng là ác phụ”. Tôi trằn trọc suốt đêm và chờ đến sáng để xin lỗi hai cha con.
Ấy vậy mà sáng hôm sau, hai cha con quẩy balo đi cùng nhau vui vẻ, coi tôi như người vô hình. Tôi bủn rủn tay chân và nằm khóc như người vô hồn hết ngày thứ bảy.
Sáng chủ nhật, trời mưa tầm tã, tôi gọi điện thoại hỏi thăm hai cha con giờ đang ở đâu, làm gì, khi nào về; nhưng điện thoại đổ chuông mà không ai bắt máy; đến lần thứ ba thì má chồng bắt máy lên nói “ Hai cha con nó ngủ rồi, sáng mai nó về sớm, con đừng trông”.
Tôi hỏi “Má ơi! Hai cha con vẫn khỏe ạ? Ảnh có nói gì với má không?”.
Má chồng tôi nói: “Khỏe, con đừng lo cho hai cha con nó làm gì, lo cho bản thân mình trước đi, chồng con không lo, tối ngày chỉ biết kiếm tiền, mà làm như con kiếm nhiều lắm vậy, chỉ có vài triệu bạc mà đánh mất hạnh phúc gia đình có xứng đáng không? Đi mà lên mạng tìm các bài giảng của cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn mà học hỏi”. Nói rồi mẹ chồng tôi cúp máy để lại trong tôi một sự trống trải, bàng hoàng.
3. Đồng hành cùng con, muôn vàn hạnh phúc
Bừng tỉnh sau cơn ngủ ngu si, tôi nghe theo hướng dẫn của má chồng và tìm thấy rất nhiều bài tọa đàm hay, tôi chọn nghe trước bài “Dạy con trong hạnh phúc - Bí quyết để cha mẹ thấu hiểu và hòa hợp với con cái”.
Tôi tập trung ngồi nghe cô chia sẻ những thực tế và giải pháp; tôi rất vui vì mình đã lượm được bí kíp. Muốn hòa hợp với con thì phải làm việc cùng con, lực là tạo động lực cho con, tâm là yêu thương con, sức là cùng con nỗ lực, lòng là hết lòng hết dạ với con, thực hiện một loạt hành động này thì tự động hòa hợp với con.
Tôi bắt đầu thực hành từ từ theo những gì cô chia sẻ; điều đầu tiên tôi làm là ôm hai cha con và xin lỗi mong được tha thứ, tôi nói với chồng “Anh có thể nói với con cho em cơ hội được gần gũi, tiếp xúc với con được không?” Anh vui vẻ tạo điều kiện cho tôi gần con nhiều hơn.
Nhân dịp anh đi công tác xa, tôi thu xếp công việc ở cơ quan. Tôi đi làm sớm hơn một tiếng để chiều đón bé đúng giờ. Tôi chơi cùng bé ở trường: bập bênh, cầu tuột, đá banh, thú nhúng, thú quay…
Về nhà tôi vừa tắm vừa hát với bé; đút con ăn cơm; vừa xem tivi vừa chỉ vào màn hình giải thích cho con hiểu đây là gì…; trước giờ đi ngủ tôi đọc truyện cho bé nghe.
Cuối tuần, tôi tập làm yaourt, nấu bí đỏ và đậu phộng rồi xay nhuyễn, chở bé đi bơi, đi chơi ở khu du lịch sinh thái gần nhà ... dần dần bé mở lòng với tôi.
Ngày anh đi công tác về là ngày quốc tế thiếu nhi, tôi đã rủ chồng chở con đi du lịch để thay đổi không khí; bé chơi đùa rất vui bên tôi, nụ cười tươi như bông hoa hướng dương rực rỡ dưới ánh nắng ban mai.
Ngay lúc này trong lòng tôi có niềm vui khó tả, bé thích ăn kem nên tôi cũng chiều theo sở thích của con, bé liền chạy đến hôn tôi và nói “Mẹ thật tuyệt vời”, thì ra bé chỉ cần có ba mẹ bên cạnh đồng hành thương yêu và lắng nghe.
Trong lúc chơi đùa cùng con, tôi thường xuyên hôn trán con thật sâu để cảm nhận mùi thơm sữa của con, cảm giác thật hạnh phúc biết bao; anh chồng tôi là phó nháy giúp hai mẹ con lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ.
Tôi đã lầm tưởng rằng tiền sẽ đem lại hạnh phúc cho con. Thế nhưng, giờ đây, tôi nhận ra rằng gia tài lớn nhất mà ba mẹ để lại cho con cái không phải là tiền của, vật chất; cũng chẳng phải nhà lầu, xe hơi; mà chính là thời gian đồng hành và nâng đỡ con phát triển nội lực bên trong.
Chân thành cảm ơn mọi người đã đọc bài chia sẻ. Hãy để lại đôi dòng cho tôi biết cảm xúc của bạn lúc này nhé!
Nội dung: Thuý Hiền - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Liên Thanh
Hình ảnh:
Comments