Giáo dục là gì? Tại sao phải là giáo dục chuyển hoá 3 Gốc
- Khánh Vi
- Nov 15, 2023
- 6 min read
Updated: Mar 19, 2024
Giáo dục là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người. Giáo dục là con đường chân chính để mỗi cá nhân được phát triển, được vượt thoát ra những giới hạn bản thân. Đó là lí do mà người người quan tâm đến giáo dục, nhà nhà đầu tư cho giáo dục.
Hiện nay, có rất nhiều tư tưởng giáo dục khác nhau từ Đông sang Tây, tuỳ thuộc vào mỗi người sẽ chọn cho mình một hệ triết lý giáo dục khác nhau để theo đuổi. Không có tư tưởng giáo dục nào là sai hay đúng hoàn toàn, quan trọng là nó giúp cuộc sống của bạn thay đổi ra sao.
Trong bài viết này, Trang Xã Hội Học Tập 3 Gốc muốn gửi đến độc giả triết lý giáo dục đến từ một vị Thầy đã xuất hiện cách đây 2600 năm, đó là Đức Phật. Mời bạn đọc bài viết để khám phá xem triết lý giáo dục đó là gì nhé!

MỤC LỤC
***
1. Giáo dục - con đường duy nhất phát triển con người
Giáo dục hiện nay đang được hiểu theo một cách còn hạn hẹp, chưa bao quát - Trích lời sư Nguyên Tuệ
Đầu tiên, giáo dục chỉ có trong nhà trường, ở đó có 2 đối tượng là thầy giáo và người học trò, là người truyền đạt kiến thức và người thu nhận kiến thức. Giáo dục không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ như vậy, mà giáo dục còn ở trong cuộc sống.
Hiểu theo nghĩa rộng hơn, hoạt động giáo dục là truyền đạt và tiếp thu, thì giáo dục còn xuất hiện cả trong gia đình, công việc, và trong xã hội.
Trong gia đình, một đứa trẻ từ khi mới sinh ra đã tiếp thu kiến thức từ bố mẹ, ông bà truyền đạt.
Trong công việc, một nhân viên cũng tiếp nhận kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước hoặc sếp của mình.
Trong xã hội, bạn cũng học hỏi cách giao tiếp, cách vận hành cuộc sống từ những người xung quanh.
Không chỉ con người mà các loài vật cũng vậy. Gà mẹ dạy con cách mổ thức ăn. Đại bàng dạy con cách bay. Hoạt động này là gà mẹ, đại bàng đã truyền đạt kiến thức và con của nó tiếp nhận kiến thức.
Thứ hai, đối tượng giáo dục không chỉ là cho con nít, mà giáo dục là hoạt động dành cho tất cả mọi người, từ mầm non, đến thiếu niên, đến trung niên…
Miễn là bạn có tinh thần muốn học hỏi, muốn phát triển thì hầu như đều có thể tham gia vào việc học tập. Trẻ em thì học tập để phát triển những kiến thức nền tảng, người trưởng thành thì học tập để đáp ứng cho công việc chuyên môn, người trung niên thì học hỏi để khám phá thêm về cuộc sống.
Đây là bản chất của giáo dục.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc truyền đạt và tiếp nhận kiến thức thì lúc này cũng chỉ là giáo dục kiến thức, giáo dục thông tin. Cách thức cũ này không mang lại nhiều sự thay đổi.
Giống như việc học nhiều, đọc sách hoài nhưng thấy bản thân mình sao không thay đổi, không phát triển gì hết.
Và 2600 năm trước, Đức Phật - người thầy giác ngộ đã chỉ cho chúng ta cách thức giáo dục hiệu quả, đó là GIÁO DỤC CHUYỂN HOÁ.

2. Tại sao phải làm giáo dục chuyển hoá?
Giáo dục cốt yếu nhất phải hướng đến một môi trường chuyển hóa sâu sắc cho tất cả mọi người. Tất cả đối tượng tham gia đều thật sự "tham gia" vào môi trường giáo dục. Đó chính là tinh thần tự giáo dục chính mình trong công việc và đời sống hàng ngày.
Phật Giáo có đề cập đến tiến trình Văn - Tư - Tu (Học - Hiểu - Hành), có nghĩa là Thực học - Thực hành - Thực chứng những gì mình nghe-thấy-hay-biết, qua đó xóa bỏ được sự khổ đau, sai lầm trong tâm trí. Đây là tiền đề để có được một cuộc sống hạnh phúc.
>>>Xem thêm video: Giáo dục chuyển hoá
Nếu chỉ bị động tiếp nhận kiến thức từ người truyền đạt, thì bạn cũng chỉ mới được gọi là biết đến kiến thức đó mà thôi. Những điều học được chưa thật sự vào bên trong. Bởi vì bạn đã thiếu mất tiến trình Hiểu, sau Hiểu là tiến trình thực Hành sâu sắc.
Tiến trình đúng để Học - Hiểu - Hành hiệu quả là Học chiếm 10%, Hiểu chiếm 20% và Hành chiếm 70%. Và 3 giai đoạn này nên được lặp đi lặp lại hàng trăm, hàng nghìn lần.
Cách thức giáo dục chuyển hoá mà Đức Phật đã chỉ dạy là chân lý phổ quát dành cho tất cả mọi người, cho nên nếu ai thực hành đúng, đều có thể thành tựu được.

3. Tại sao phải là giáo dục chuyển hoá 3 Gốc?
Tất cả chúng ta nếu đã là con người thì đều có những khổ đau, sai lầm không phân biệt độ tuổi, màu da, địa lý, bằng cấp, tôn giáo...Chúng ta khổ đau bởi vì mình thiếu hiểu biết về chính mình và đời sống xung quanh.
Khổ đau là sự bất mãn khi một việc gì đó không hoàn thành, đó là sự khó chịu khi phải tiếp xúc với người mình không thích. Hay khổ đau là việc mình sợ mất những gì mình đang có, khổ đau đến tận cùng khi phải xa lìa người thân, người thương.
Cho nên, chúng ta phải vun bồi 3 Gốc rễ (Đạo Đức -Trí Tuệ - Nghị Lực). Đây chính là nội lực vững vàng để chúng ta đương đầu với những khổ đau, sai lầm mà mình đã tạo, đang tạo và chưa tạo
Phải Trí Tuệ để hiểu biết rõ ràng về nhân quả, vô thường, vô ngã, về cơ chế vận hành của tâm mình.
Phải có Nghị Lực để dũng cảm đối diện với khó khăn, nhẫn nại để vượt qua và bình tĩnh mà xử trí cho phù hợp.
Phải có tình Yêu Thương để không sống cho riêng mình, để sự ích kỷ không bon chen khiến ta đấu tranh với người khác, muôn loài.
Cho nên, 3 Gốc phải được chuyển hoá sâu sắc thông qua tiến trình Học - Hiểu - Hành. Đây gọi là Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc.

4. Tại sao GNH chọn giáo dục chuyển hoá 3 Gốc?
Hiểu được tầm quan trọng như vậy, nên cộng đồng GNH cũng lấy sợi chỉ đỏ “Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc” làm kim chỉ nam cho toàn dự án, để các dự án nhỏ bên trong cùng phát triển theo sợi chỉ đỏ này.
Cộng hưởng hướng đi chung của cộng đồng GNH, Trang Học Tập 3 Gốc ra đời với sứ mệnh xây dựng một mạng lưới cộng đồng cùng học - cùng sẻ chia “Lấy truyền thông làm phương tiện giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”, trao gửi đến độc giả những bài viết giá trị về giáo dục chuyển hoá 3 Gốc.
Do đó, lần đầu tiên bước vào đây bạn sẽ thấy ngay lộ trình 3 Gốc theo tiến trình Học - Hiểu - Hành.
Cụ thể, Trang Xã Hội Học Tập 3 Gốc sẽ có 3 chuyên mục chính:
3 Gốc - Học: Tập trung vào triết lý 3 gốc thông qua Sách, Thầy (Hiền trí, Vĩ nhân...)
3 Gốc - Hiểu: Tập trung vào quan sát - phân tích - đúc kết về 3 gốc sau khi học lý thuyết
3 Gốc - Hành: Tập trung vào lên lộ trình thực hành và chuyển hoá 3 Gốc

Theo sợi chỉ đỏ “Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”, tất cả đội ngũ của Cộng đồng GNH nói chung, GNH Talk và Trang Xã Hội Học Tập 3 Gốc nói riêng sẽ cùng tạo ra môi trường học tập chuyển hoá sâu sắc cho tất cả mọi người.
Chân thành cảm ơn vì đã ở đây!
Nội dung: Khánh Vi
Biên tập: Nhàn Lý, Liên Thanh
Hình ảnh: Ý Nhi
Nguồn tham khảo:
-Trí Tuệ Việt Nam
-Kênh Youtube Trần Việt Quân
>>>Tìm hiểu thêm: Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất để thay đổi thế giới
Comments