top of page

HÀNH TRÌNH VƯỢT THOÁT ÁP LỰC KHỞI NGHIỆP THẤT BẠI

Updated: Mar 18

What doesn't kill you makes you stronger - “Điều gì không khuất phục được bạn, nó khiến bạn mạnh mẽ hơn”


Không được sinh ra và lớn lên trong đủ đầy ấm êm - anh Khắc Vĩ vẫn mang tâm niệm tri ân cuộc đời sâu sắc bởi tuổi thơ cực nhọc, khởi nghiệp thất bại và cả những biến cố bất ngờ đã không thể khuất phục được anh mà giúp anh nhận ra thật nhiều bài học giá trị.


Chính thử thách đã giúp rèn giũa nên người đàn ông của ngày hôm nay: bên ngoài thành công và cống hiến, bên trong vững vàng và đầy yêu thương!


Mời độc giả Blog 3 Gốc lắng lòng đón nghe trọn vẹn bản giao hưởng đầy những nốt trầm lặng lẽ cho đến khi những nốt thăng được cất cao từ anh Khắc Vĩ. Hãy nhắc nhớ chính mình trân trọng những giá trị của khó khăn đã, đang và sẽ đến trong đời, bạn nhé!


TUỔI THƠ CỰC KHỔ NHƯNG ÊM ĐỀM

Tôi sinh ra ở một huyện miền núi hẻo lánh của tỉnh Thanh Hoá - bố mẹ làm việc tại nông trường mía. Từ nhỏ tôi đã sớm phụ giúp bố mẹ để duy trì cuộc sống gia đình. Đôi tay thơ bé chai lằn vì làm cỏ mía, bữa ăn không mấy sung túc, nhà nghèo nên việc chi tiêu phải luôn tằn tiện đong đếm… nhưng những mệt nhọc thể chất chẳng là gì so với niềm hạnh phúc gia đình sum vầy bên cha mẹ và đứa em trai. Tuổi thơ tôi êm đềm với nhiều kỉ niệm đẹp dưới vùng trời quê hương thanh bình.

Tuổi thơ khó khăn nhưng bình yên trong vòng tay gia đình
Tuổi thơ khó khăn nhưng bình yên trong vòng tay gia đình

Đến khi lên cấp 2, ngôi trường cách nhà vài chục cây số nên bố mẹ gửi tôi về ở cùng ông bà để tôi đỡ phải đi bộ mỗi ngày. Từ lúc không có bố mẹ ở bên, tôi tự do như chim trời nhưng nhờ đó mà sớm ý thức được rằng mình phải tự quản, tự làm chủ cuộc đời mình.


Thời niên thiếu mau chóng đi qua; tôi chuyển lên Thái Nguyên để vào Đại học. Tôi đến lúc này vẫn thong thả như chú gà đi bộ trong vườn: an toàn, vô lo. Tuy khoản tiền 500 nghìn trợ cấp từ gia đình có chút eo hẹp nhưng không đến nỗi đói kém, mọi việc tùy thuận gió đời đưa đẩy…


Bố mẹ chắt chiu từng đồng để cho tôi đi học
Bố mẹ chắt chiu từng đồng để cho tôi đi học


ĐẠP ĐỔ BỨC TƯỜNG ÁCH TẮC - KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY TRONG TÂM

Một biến cố lớn ập đến vào năm 2 đại học. Bố tôi - người trụ cột gia đình đột nhiên bị liệt tay. Sau vài tháng kiểm tra tại các bệnh viện ở Thanh hoá mà không thể phát hiện ra bệnh, tôi cùng bố ra Hà Nội thăm khám thì chẩn đoán của bác sĩ như tiếng sét đánh giữa trời quang: Bố tôi bị ung thư!


Ở thời điểm đó tôi và em trai vẫn còn học - vốn bố mẹ đã vất vả để chu toàn cho hai anh em, nay lại phải gánh thêm chi phí chữa trị cho bố. Khó khăn chồng chất khó khăn, ý định bỏ học để lo cho gia đình ươm mầm và lớn dần trong tôi.


Sau hơn 1 năm trời chiến đấu thì bố mất. Từ trước đến nay, bố là chỗ dựa cho cả gia đình, là người gánh vác trọng trách tài chính. Bố đi rồi, để lại gia sản kiệt quệ và một khoảng trống lớn vô hình trong lòng ba mẹ con. Đây cũng chính là cú sốc đầu đời của tôi.


Bố mất là khoảng thời gian tôi rơi vào khủng hoảng
Bố mất là khoảng thời gian tôi rơi vào khủng hoảng

Vẫn nhớ như in Tết đầu tiên không có bố, tôi thấy hình ảnh thân thương của bố ở khắp nơi. Nỗi nhớ bố dày vò tâm can, tôi lại không dám thể hiện ra ngoài vì là con trai cả, không muốn là người yếu đuối trong mắt mọi người nên chỉ khóc thầm một mình trong đêm.

Vào lúc này, tôi cảm nhận trách nhiệm chăm lo gia đình đang nằm trên vai mình. Tết ấy mẹ nhờ tôi bổ củi để nấu bánh chưng. Lần đầu tiên phải cầm rìu, tôi loay hoay lóng ngóng bổ thế nào mà miếng củi văng lên trán khiến tôi chảy máu. Tôi bừng tỉnh thấy ra trước nay đã được bố bảo bọc cho nhiều như thế nào; thấy ra mình quả thực chỉ biết ăn học, thiếu trải nghiệm và chưa trưởng thành như mình tưởng.

Khoảng thời gian sau cú sốc bố qua đời cũng là lúc tôi trách móc, oán thán cuộc đời vô cùng: sao cho mình sinh ra trong 1 gia đình nghèo thế, bố lại mất sớm nên mình khổ thế, không được như bạn bè… Tôi mang cho mình tâm lý của một nạn nhân, trách trời rồi trách đất. Cái khổ tâm giằng xé tôi đến mòn mỏi.

Tôi cứ thế dày vò mình suốt một thời gian, nhưng cái khổ vẫn đeo bao không nguôi. Tôi nghiệm ra dù có oán trách thế nào thì sau cùng người cảm thấy khổ sở nhất vẫn là mình.Khổ tâm là khổ nhất rồi, vậy thì không có cái khổ nào mình không chịu được - Nghĩ như thế nên tôi xốc lại bản thân, lấy lại năng lượng để tìm giải pháp.


Tôi phải thoát ra khỏi bế tắc để làm trụ cột thay bố
Tôi phải thoát ra khỏi bế tắc để làm trụ cột thay bố

Đạp đổ được bức tường gây ách tắc trong tâm,dòng chảy của nguồn sức mạnh và quyết tâm hành động trong tôi được khơi thông từ khi đó.

Giai đoạn tiếp theo của cuộc đời tôi là một chuỗi những nỗ lực mong thoát nghèo, kiếm thật nhiều tiền và trở nên giàu có.


HÀNH TRÌNH VƯỢT THOÁT ÁP LỰC KHỞI NGHIỆP VÀ NỢ

Đầu tiên; tôi tính đường nghỉ học để tập trung đi làm - lo cho mẹ, cho em trai được tiếp tục học và để trả nợ. Quanh quẩn một thời gian tôi mới nhận ra chẳng có công việc nào dành cho tôi, bản thân cũng chẳng biết mình có thể làm gì ở quê. Mò mẫm mãi không tìm ra con đường nào sáng sủa, tôi quay về trường để tiếp tục học và cố gắng đi làm kiếm tiền.

Đến trường với chút tiền đủ để trả tiền trọ và còn dư một ít tôi mua ngay hai thùng mì tôm trữ dưới gầm giường để giữ mình sống sót trong những ngày sắp tới. Trước nhà trọ có một giàn mướp, chỉ cần có quả nào to bằng ngón cái là tôi đã vặt hết ăn kèm với mì. Ăn mì triền miên cả tháng rưỡi khiến tôi thê thảm đến nỗi khi đi ngang qua nhà hàng xóm nhìn thấy dĩa cơm chó, tôi thèm đến cồn cào; có những hôm canh lúc gia đình của thằng bạn gửi gạo lên để sang chơi và được ăn ké.


Ngẫm lại thì đó đúng là một lựa chọn nông nổi của tuổi trẻ.


Cái khổ, cái đói đeo đẳng suốt quãng thời gian sinh viên
Cái khổ, cái đói đeo đẳng suốt quãng thời gian sinh viên

Bởi vì bỏ bê học hành, tôi lập “kỷ lục” thi trượt 7 trên 9 môn học! Áp lực chồng thêm áp lực. Bây giờ ngoài nỗi lo kiếm việc để có thu nhập thì tôi còn phải dày công học bù để trả nợ môn.

Công việc đầu tiên tôi xin được là một chân rửa bát trong quán cơm, rửa sáng rửa chiều chỉ để được ăn miễn phí. Giải quyết được miếng ăn nhưng rõ ràng như thế cũng chẳng đủ đắp bù vào đâu.

Tôi suy nghĩ, nếu muốn có nhiều tiền mà chỉ dùng sức lao động thì không ăn thua. Tôi phải làm gì mà vận dụng trí não nhiều hơn.


May mắn đến, tôi có cơ hội cùng mở quán in với một số anh chị thân quen - cũng có thể gọi là khởi nghiệp. Ngày ấy tôi là người được nhận lương cao nhất vì đi làm chăm chỉ, trách nhiệm với các công việc. Nhờ công việc này mà tôi tự trang trải được cho mình 1 phần; nhưng điều giá trị nhất làm vốn cho tôi vào đời chính là luyện được kỹ năng giao tiếp, sử dụng phần mềm autocad, thái độ làm việc nỗ lực, tận tâm. Tôi thậm chí còn tự tin nhận làm chủ nhiệm CLB Tiếng Anh hơn 100 người dù học không giỏi môn này.


Trong lúc cơ cực bế tắc chỉ có kiên nhẫn bước từng bước - dần dần con đường mới hiện ra
Trong lúc cơ cực bế tắc chỉ có kiên nhẫn bước từng bước - dần dần con đường mới hiện ra

Dù còn gánh một khoản nợ rất to vì vay cho em đi học, tôi vẫn mạnh dạn khởi nghiệp khi vừa ra trường. Từ kinh nghiệm non nớt thời sinh viên, tôi mở một quán in rất hoành tráng ở Hải Dương bằng nguồn vốn 200 triệu có được từ việc cầm cố sổ đỏ ngôi nhà duy nhất của gia đình. Bởi sự tự tin và ngô nghê của tuổi trẻ, tôi sớm trả giá. Những việc cơ bản như nghiên cứu thị trường, lựa chọn mặt bằng phù hợp, quảng bá dịch vụ,... tôi hoàn toàn không nghĩ đến. Vì thế mà quán mở ra không có khách, đơn giản là vì khu vực đó người ta không có nhu cầu. Thế là sau vài tháng, không thể kham nổi các chi phí mặt bằng, nhân công, vật tư,... tôi tuyên bố phá sản!

Cú sốc mạnh nhất là khi bố mất thì tôi đã vực mình dậy được rồi, nên tôi đối diện với thất bại lần này một cách điềm tĩnh hơn bởi lúc này tôi đã có niềm tin vững vàng hơn vào chính mình. Chắc chắn tôi có thể làm gì đó để giải quyết vấn đề, tôi cũng không ngại phải chịu cực khổ. Nhưng bây giờ phải làm gì khi bản thân không có công ăn việc làm, không còn vốn liếng… thì tôi chưa biết? Trước cảm giác mông lung vô định ấy, tôi tạm gác lại tất cả, rồi một mình lái xe máy từ Hải Dương lên Hưng Yên để gặp một người bạn chỉ để cho khuây khoả.

Đúng là khi thả lỏng và có khoảng thời gian soi rọi lại, tôi đã chọn được cho mình một hướng đi dù chẳng biết kết quả sẽ thế nào - đó là đi làm thuê, tích cóp và trả nợ dần; lại được học hỏi giúp tăng thêm hiểu biết và kinh nghiệm.

Trong lúc làm hồ sơ xin việc, tôi cũng thử gọi điện cho vài người bạn và bày tỏ ý định tìm việc của mình. Thật may mắn có một người anh vì quý mến đã giới thiệu cho tôi được vào làm kỹ thuật cho một dự án.


Khi tưởng chừng không còn điểm tựa nào, tôi nhận ra mối quan hệ chân thành lại là điểm tựa
Khi tưởng chừng không còn điểm tựa nào, tôi nhận ra mối quan hệ chân thành lại là điểm tựa

Sẽ không có ai sẵn lòng đón tiếp khi tôi gặp thất bại ê chề, sẽ không có ai sẵn lòng lắng nghe và lưu tâm giúp đỡ tôi… nếu trước đó tôi không cởi mở kết giao, không sống chân thật hết lòng, không vượt qua mặc cảm để chia sẻ.


Để không phụ lòng người anh đã tin tưởng, tôi đón nhận công việc được giao với tâm thế biết ơn và nỗ lực hết mình. Không nề hà giờ giấc, nắng nóng, kiếm được nhiều hay ít; tôi chớp mọi cơ hội để học hỏi, khi nhận bất cứ nhiệm vụ nào thì đều chú tâm làm trên 100% cái mình có. Chính thái độ cầu thị này đã gây ấn tượng với một người bác tôi tiếp xúc trong dự án và bác đề nghị sẽ giới thiệu tôi vào một công ty có tiếng ở Hà Nội (Công ty Cổ phần INCOSAF tại Hà Nội trực thuộc Bộ Xây dựng - nơi tôi đang công tác hiện nay).


Đó là một công ty lớn của nhà nước nên tôi không dám hy vọng nhiều mà vẫn chuyên chú với công việc đang làm. Bẵng đi hơn một năm, tôi bỗng nhận thông báo được vào công ty. Với lòng nhiệt thành, tôi lăn xả khắp các dự án từ Bắc vào Nam, giữ vững cho mình sự tận tâm với nghề kể cả khi chịu thuyên chuyển qua rất nhiều phòng ban khác nhau - mỗi lần nhận vị trí mới là mỗi lần đối diện với những điều mình chưa hiểu biết và học hỏi lại từ đầu.

Năm 2013, công ty tôi ký được một hợp đồng lớn ở Vũng Tàu - tuy đó là mảng mà công ty không mạnh. Các lãnh đạo cử 10 anh em đi học để đảm đương hợp đồng quan trọng này và tôi cũng nằm trong số đó. Từ Bắc vào Nam suốt hai năm hoá ra là một trải nghiệm quý báu giúp tôi khẳng định mình.

Ban đầu tôi giật mình nhận ra khoảng cách quá khác biệt với anh em trong Nam. Mọi người được làm việc trong môi trường đa dạng với đối tác khác nhau có cả người nước ngoài - nên nhiều hiểu biết và rất chuyên nghiệp. Giai đoạn này công ty thuê một bạn chuyên gia để hỗ trợ - tôi nhận ra ngay cơ hội để phát triển chuyên môn cho cứng cáp.


Ban ngày bạn đi làm, đến đêm bạn mới sang dự án cùng chúng tôi. Bạn ở đâu thì tôi ở đó, kiên trì bám càng suốt 2 - 3 tháng liền; có những đêm theo bạn ra công trình tới 2 giờ sáng. Vất vả là vậy nhưng nhờ đó, tôi đã học hỏi được những tinh hoa từ bạn và áp dụng vào công việc mang lại kết quả rất tốt. Không dừng lại ở đó, tôi tìm kiếm những chuyên gia giỏi nhất trong ngành ở Vũng Tàu để học tập và lại nuôi dưỡng thêm tình bạn thân thiết.


Thành công là kết quả của sự nỗ lực của học hỏi và kiên trì làm đến cùng
Thành công là kết quả của sự nỗ lực của học hỏi và kiên trì làm đến cùng

Đây cũng là thời điểm mà tôi yêu xa và phải vượt qua rất nhiều mối bận tâm trong cuộc sống cá nhân để bền bỉ, nỗ lực trong công việc. Đến năm 2014 cưới xong thì lại vào Nam tiếp tục theo dự án cả năm trời. Xa gia đình, nghề kỹ sư lại mang đến thu nhập tốt, cộng thêm môi trường toàn các anh em nên có nhiều cám dỗ. Những cuộc vui, những hưởng thụ… đều có mãnh lực lôi cuốn và dễ làm ta sa đoạ. Nhờ chú tâm vào dự án, tinh thần nỗ lực đến cùng mà tôi giữ được mình, vượt qua được những xao động.


Dự án 2 năm ấy đã trui rèn cho tôi trở nên vững chuyên môn, ngày càng làm tốt vai trò của mình. Ban lãnh đạo thêm tin tưởng ghi nhận năng lực của tôi để rồi quả ngọt lành đã đến: Tôi được bổ nhiệm làm phó giám đốc một bộ phận khi mới 31 tuổi - là người trẻ nhất cơ quan ở vị trí này.


Nhìn lại con đường đã qua, tôi nhận ra mình thành công nhờ sự ham học hỏi để tăng hiểu biết, nghị lực vượt khó và dấn thân đến cùng, sống chân thành trong các mối quan hệ.


Vấn đề của tôi được giải quyết nhẹ nhàng từ lúc nào, khoản nợ đã trả xong mà tôi còn lãi thêm sự trưởng thành, dạn dày kinh nghiệm sống và những giá trị nội lực tốt đẹp không thể nào mai một.


Quả ngọt đã đến cho những nỗ lực trong suốt nhiều năm tháng
Quả ngọt đã đến cho những nỗ lực trong suốt nhiều năm tháng

QUYẾT ĐỊNH PHANH LẠI BÁNH XE CUỘC ĐỜI

Vì quá khứ quá khó khăn nên mục tiêu duy nhất tôi theo đuổi là tiền. Tôi vận dụng hết các khả năng giao tiếp, đàm phán, khéo léo quan sát, nắm bắt các cơ hội để kiếm tiền.

Ở tuổi ngoài 30, tưởng như mình gần như đã chạm được đỉnh cao hạnh phúc cuộc đời: Công việc thăng tiến với thu nhập tốt; một mái nhà, một gia đình hạnh phúc ấm cúng… thì một biến cố bất ngờ khiến tôi một lần nữa bừng tỉnh.


Một đêm năm 2017, tôi có một cơ hội làm ăn ở Yên Bái và đã uống rượu xã giao đến tối. Dẫu đường xa và không tỉnh táo, tôi bất chấp một mình lái xe về nhà. Lúc ấy khoảng 10 giờ đêm trên cao tốc vắng lặng, tôi lái xe lao đi như bay. Một khoảnh khắc trong tích tắc, tôi chỉ kịp biết là mình đã đạp phanh gấp, chiếc xe trượt dài rít lên rung động màn đêm rồi lật nhào, túi khí bảo hộ bật tung trong khi thanh chắn dải phân cách đâm xuyên vào trong xe. Tôi ở trong tình thế bị treo ngược trên ghế. Vậy mà thần kỳ làm sao tôi vẫn có thể sờ đầu sờ trán và thấy mình còn sống, không sứt mẻ gì. Tôi lọ mọ tháo dây an toàn rồi chui ra khỏi xe. Ngồi bên góc đường chỉ có một mình, tôi nhìn chiếc xe tan nát, thấy mình tỉnh táo hơn bao giờ hết. Trong giây phút đối diện với thần chết - Có điều gì đó trong tôi mãi mãi thay đổi.

Vượt qua ngưỡng sinh tử, tôi nhận ra mình sống nhưng không thực sống
Vượt qua ngưỡng sinh tử, tôi nhận ra mình sống nhưng không thực sống

Đêm ấy về nhà người thân không ai biết chuyện tôi vừa trải qua. Tôi vẫn tỏ vẻ bình thường nhưng trằn trọc không ngủ được. Cuộc đời đã trải qua tự nhiên tua nhanh trước mắt, tôi thấy mình đã lao đi như con thiêu thân để thỏa mãn tham vọng, trở thành một nô lệ chạy theo đồng tiền mà không biết đâu là điểm dừng - rồi còn lại gì nếu tôi tử nạn trên đường?


Để vượt qua một quãng đường, ta có thể đi bộ, đi bằng xe đạp, xe máy… có rất nhiều phương tiện để đi đến đích. Cũng như vậy, tiền là một loại phương tiện cứu cánh cho ta lúc ngặt nghèo, giúp ta lo liệu được cơm áo, cho ta có thêm những sự lựa chọn - để ta có cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Mục đích ban đầu của tôi kiếm tiền là để chăm sóc tốt cho mình và gia đình.


Nhưng khi đã có tiền, thay vì sử dụng chúng một cách thông thái cho mong ước giản dị của mình; tôi lại nhầm lẫn biến tiền thành mục đích sống, thành ưu tiên hàng đầu. Tưởng rằng nhiều tiền hơn tôi sẽ được trở nên tự do, nhưng càng muốn kiếm tiền, tôi càng bị cuốn theo công việc và những dòng chảy của đám đông: tối ngày bận rộn, lao đi như con thiêu thân để thỏa mãn tham vọng, trở thành một nô lệ chạy theo đồng tiền; uống rượu, hội họp triền miên, huỷ hoại sức khoẻ… không có cơ hội để thương yêu và chăm sóc cho chính sức khỏe thể chất và tâm hồn mình và kết nối với những mối quan hệ lành mạnh.

Cái chết thình lình lướt qua khiến tôi bàng hoàng nhận ra mình suýt từ giã cõi đời khi chưa thực sự được sống!


Hạnh phúc chân thật nằm trong từng hơi thở
Hạnh phúc chân thật nằm trong từng hơi thở

Hạnh phúc chân thật quả đúng là nằm ngay trong từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim ở giây phút hiện tại.

Không ai biết được khi nào mình sẽ chết là sự thật không thể khác được - cuối cùng thì tôi đã trải nghiệm được sâu sắc hai chữ vô thường!

Như chiếc xe phanh gấp đêm hôm ấy, tôi cũng phanh lại bánh xe cuộc đời mình để sống chậm hơn, phát triển bản thân theo chiều sâu và sống sao cho thật ý nghĩa.


Từ một người hướng ra ngoài để kiếm tìm hạnh phúc, tôi bỏ rượu hoàn toàn và phát nguyện sống biết đủ, tìm nhóm bạn cùng chí hướng sống cống hiến, tìm người thầy hiền trí để noi gương và học tập, biết đọc sách để giúp mình phát triển trí tuệ và chuyển hoá.

Khi tôi trăn trở như vậy, những mối quan hệ và nhân duyên đến với tôi cũng hoà nhịp. Tôi được gặp và tham gia cùng các anh chị đi xây nhà tình thương, giúp đỡ cho các gia đình khó khăn. Rồi tôi tổ chức cho gia đình mình cứ vài tháng lại trích ra một khoản để dành để đi thiện nguyện. Niềm vui khi cống hiến và cho đi chính là một thứ hạnh phúc ấm áp, nuôi dưỡng tâm hồn.


Các cơ hội phát triển tâm thức có thể trước đây từng xuất hiện nhưng tôi đã bỏ qua nay đã mỉm cười với tôi - đó là các vị thầy hiền trí cùng những lời dạy đầy minh triết. Những chân lý, các quy luật tự nhiên như luật nhân quả trước đây tôi không hiểu thì nay áp dụng vào chính cuộc đời mình, tôi đã thấm thía hơn.


Cánh cửa tâm thức mở ra là ngày tôi được tái sinh lần thứ 2
Cánh cửa tâm thức mở ra là ngày tôi được tái sinh lần thứ 2

BÀI HỌC ĐÚC KẾT

Trong quãng thời gian khó khăn - tôi chỉ nhìn thấy cái khổ của mình. Nhưng thực ra, cuộc đời con người ai cũng có nỗi khổ, niềm đau riêng. Thay vì oán trách, đổ lỗi, hành động vội vàng - hãy cho bản thân thời gian để những nỗi lo âu được lắng xuống và rồi bạn mới có thể nhận ra thực sự mình đang trải qua chuyện gì và điều tốt nhất mình có thể làm ngay lúc này là gì. Khi thử thách đến, đừng nhìn đó là điều tiêu cực mà hãy xem đó là bài học để mình được phát triển.

Tôi kinh nghiệm thấy nhu cầu về thân thật ra chỉ cần mặc ấm và đủ ăn; nếu có mặc đẹp, sang trọng, tiện nghi, ăn ngon hơn gấp trăm lần thì hạnh phúc cũng chẳng nhân lên tương xứng với bao công sức tranh đua đã bỏ ra.

Trên cả giàu có về vật chất chính là sự giàu có trong tâm hồn. Hãy dám sống yêu thương, cống hiến, đầy tử tế và cho đi! Bởi niềm hoan hỷ đến từ việc thiện giúp đời, vượt qua gian khổ, trí tuệ được mở mang chính là chân hạnh phúc: không thể đong đếm và mang giá trị vượt thời gian.

Đừng biến mình là nạn nhân, hãy xem khó khăn là cơ hội để mình đi lên một bậc mới
Đừng biến mình là nạn nhân, hãy xem khó khăn là cơ hội để mình đi lên một bậc mới

LỜI KẾT

Sức mạnh từ thể lực, tài chính hay mối quan hệ vốn đầy rủi ro, phụ thuộc và có thể mất đi bất cứ lúc nào; Còn nghị lực được hun đúc và trui rèn nên từ gian khó là một loại sức mạnh tinh thần bền bỉ, âm thầm chảy ngầm bên trong, nâng đỡ ý chí để rồi không một khó khăn nào có thể lấn át hay khiến ta nao núng.


Nếu những rắc rối cứ xuất hiện trong cuộc đời bạn, chắc hẳn có những lúc bạn nghĩ rằng: buông xuôi và từ bỏ để không còn phải chịu đựng, vất vả, khổ đau. Nhưng thực sự để rắc rối không lặp lại, bạn chỉ có một lựa chọn đúng đắn nhất đó là trở nên kiên cường hơn.

Quan trọng hơn cả, bạn càng sớm nhận ra thứ tài sản bền vững nhất mà chúng ta có thể tích lũy đến khi lìa đời đó không phải là 1 căn nhà, 1 chiếc xe, hay số tiền trong tài khoản ngân hàng mà đó là những gíá trị tốt đẹp tử tế ta cho đi - thì chúng ta càng biết cách phanh lại bánh xe cuộc sống tích lũy tiền bạc để rẽ sang 1 hướng đi mới đó là tích lũy những giá trị mình trao cho đời.


Một khi đã chọn con đường vượt qua gian khó, gìn giữ giá trị sống tử tế và hoàn thiện bản thân mỗi ngày - chính là lúc bạn đã dứt khoát bỏ lại bóng tối sau lưng và đi về phía ánh sáng, đời này và cả những đời sau!


Chúc bạn luôn trọn vẹn, an yên và đủ đầy trong từng hơi thở!


Hành trình chuyển hóa: Khắc Vĩ - Học viên khoá Content 3 Gốc

Biên tập: Linh Tinh Tấn




213 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page