top of page

Vĩ nhân - Nơi nào 3 Gốc rễ hội tụ, nơi đó có con người tinh hoa

Updated: Mar 18

Cuộc đời vĩ nhân luôn có nhiều điều thú vị và những bài học sâu sắc dành cho thế hệ sau này. Bởi vì họ đã có những đóng góp lớn lao cho cộng đồng, đất nước và nhân loại trên nhiều lĩnh vực như khoa học, chính trị, xã hội, văn học…


Dù khác nhau về thời đại, văn hoá, xã hội nhưng ở họ luôn có những đặc điểm chung nhất định, đó là ở họ hội tụ đủ 3 gốc rễ. Đây là 3 gốc rễ làm nên con người tinh hoa.


Bài viết sẽ làm rõ 3 đặc điểm của vĩ nhân cùng những câu chuyện về họ ở thế giới, ở Việt Nam như thế nào.


Mời bạn cùng đọc.


MỤC LỤC:


***


1. Vĩ nhân - những người hội tụ đủ 3 Gốc rễ

Vĩ nhân, danh nhân là những người đã tạo nên những đóng góp giá trị, làm thay đổi cả một lĩnh vực, thời đại trên nhiều lĩnh vực của xã hội. Để làm được những điều đó, chắc chắn bên trong họ phải hội tụ đủ 3 gốc rễ.


Đầu tiên, đó là Đạo đức.

Không bao giờ có một người thực sự vĩ đại mà lại không phải là một người thực sự đạo đức
-Benjamin Franklin

Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, những vĩ nhân luôn xuất phát từ tấm lòng yêu thương vô điều kiện với tha nhân. Ở họ hội tụ đầy đủ phẩm chất đạo đưc là lòng vị tha, nhân ái, tận tuỵ nhưng cũng rất khiêm tốn.


Những điều họ cống hiến hướng đến một mục tiêu cao cả, nhằm thay đổi những vấn đề mang tính nhân loại.


Do vậy, Đạo đức sẽ là nền tảng vững chắc nhất không thể thiếu trong con người của họ. Đây là lương tâm sâu thẳm mà mỗi vĩ nhân đều luôn nhận thức, trân trọng, giữ gìn, và không đánh đổi dù bất cứ giá nào.


Chúng ta ngưỡng mộ tài năng phi thường của các vĩ nhân bao nhiêu, thì lại càng kính phục trước nhân cách của họ bấy nhiêu.


Thứ hai, đó là Trí tuệ. Trí tuệ là ánh sáng dẫn đường để các vĩ nhân tìm ra con đường đúng đắn cho nhân loại. Đó là con đường cho lý tưởng, nhằm thay đổi các vấn đề trong xã hội.


Do đó, vĩ nhân phải có tài năng rất lớn. Tài năng của họ không chỉ là trí thông minh bẩm sinh, mà đó còn là quá trình rèn luyện, học hỏi không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời.


Những đóng góp của họ đem đến lợi ích thực tế cho cộng đồng, mang lại sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của nhân loại. Cho nên trí tuệ của họ phải rất lớn, để biết đâu là việc nên làm, đâu là việc cần tránh giữa những phức tạp của xã hội.


Thứ ba, đó là Nghị lực. Cuộc sống ở thời kỳ nào cũng đều khó khăn, thử thách theo một cách riêng. Cho nên đối diện với sóng gió, chông gai là điều mà ai cũng phải trải qua. Với người bình thường, những chông gai, nghịch cảnh sẽ khiến họ chán nản, tuyệt vọng rồi bỏ cuộc, đầu hàng.


Nhưng đối với vĩ nhân thì những khó khăn, nghịch cảnh lại chính là cơ hội cho họ tôi rèn ý chí và nghị lực của mình.


Nhờ có nghị lực phi thường họ mới có thể hoàn thành những công trình lớn lao cho cuộc đời. Để đạt được thành công, có những người đã phải nỗ lực vượt qua rất nhiều lần thất bại.


Họ không chỉ đem sức lực, tài năng, khối óc mà còn dành cả cuộc đời, thậm chí cả thân mạng của mình để cống hiến cho xã hội những thành quả thiết thực và ý nghĩa.


Để hiểu hơn 3 phẩm chất này, dưới đây mời bạn cùng hiểu thêm về cuộc đời các vĩ nhân.





2. Vĩ nhân thế giới

Chúng ta sẽ đi ra thế giới, cùng đọc câu chuyện của 2 vĩ nhân có tầm ảnh hưởng lớn đó là Abraham Lincoln và Louis Pasteur.


2.1 Lincoln – Hiện thân của lẽ phải

Đã gần 300 năm kể từ ngày nước Mỹ được khai sinh, những bộ óc vĩ đại, những con người xuất chúng đã góp phần xây dựng nên cường quốc số 1 thế giới trong suốt nhiều năm qua.


Nhắc đến Mỹ - hợp chủng quốc Hoa Kỳ, là ta nhắc đến khái niệm “Giấc mơ Mỹ - America Dream”, giấc mơ của sự giàu có, vinh quang và đặc biệt là tự do! Nhưng để có được cái gọi là tự do theo đúng nghĩa của ngày hôm nay, người Mỹ đã phải trả giá rất nhiều tiền bạc, mồ hôi, thậm chí là máu và nước mắt…

Và người lĩnh xướng trong công cuộc giành lấy sự tự do cho từng người dân Mỹ không ai khác chính là Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.



Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Lincoln không có tiền để đến trường nhưng điều đó không thể ngăn cản được tinh thần hiếu học của cậu bé này.


Hàng ngày, để có sách mà đọc, Lincoln phải chèo ghe 10km, một quãng đường không hề ngắn so với một cậu bé. Đây là một minh chứng rõ ràng cho câu nói “Nếu bạn muốn, bạn sẽ tìm giải pháp, nếu bạn không muốn, bạn sẽ tìm lý do”.


Việc đọc sách, tự học của Lincoln không phải diễn ra ngày 1 ngày 2 mà liên tục trong suốt 10 năm trời. Suốt 10 năm tự học, không cần ai nhắc nhở, không cần ai động viên dỗ dành đã cho thấy tính tự giác và tinh thần kỷ luật thép của một con người xuất chúng.


Tìm hiểu về quá trình học tập của các danh nhân, vĩ nhân nói chung và Lincoln nói riêng, có lẽ nhiều bạn trẻ phải suy nghĩ và hổ thẹn với việc học tập của bản thân, khi đã được trao quá nhiều cơ hội, quá nhiều điều kiện nhưng nó lại tỉ lệ nghịch với sự nỗ lực, cố gắng của cá nhân.





Sau một quá trình dài nghiên cứu, tự học, cậu bé Lincoln ngày nào giờ đã trở thành một luật sư - một công việc danh giá tại nước Mỹ. Khi trở thành Luật sư, có cơ hội học tập, quan sát đa chiều hơn, thì Lincoln với trí tuệ nhạy bén của mình đã phát hiện ra sự bất hợp lý của luật lệ.


Cụ thể, trong “Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ” có ghi rất rõ:”Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.


Hiến pháp cho phép sử dụng nô lệ! Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với “quyền tự do” mà bản tuyên ngôn đã nhắc đến.


Từ đó, Lincoln có một sự thay đổi rất lớn trong tâm thức, chàng luật sư trẻ quyết định sẽ bảo vệ tầng lớp bị thống trị, tầng lớp nô lệ, nông dân bị chủ nô áp bức.


Không chỉ dừng lại ở đó, hành động không đòi thù lao của người dân nghèo khiến cho đạo đức của Lincoln ngày càng được cảm phục. Với khát khao thay đổi hiến pháp, Lincoln biết rằng, chỉ làm luật sư là không đủ!


Trong lịch sử các đời tổng thống Hoa kỳ, hiếm có ai phải trải qua nhiều thất bại trước khi đến thành công như Lincoln.


-23 tuổi thất bại khi tranh cử nghị viện bang Illinois

-29 tuổi thất bại khi tham gia bầu cử thống đốc bang

-31 tuổi thất bại khi tranh cử thống đốc bang lần 2

-34 tuổi thất bại bầu cử nghị sĩ quốc hội

-39 tuổi thất bại bầu cử nghị sĩ quốc hội khóa tiếp theo, 46 tuổi thất bại khi tranh cử vào thượng nghị viện

-47 tuổi thất bại khi tranh cử phó Tổng thống

-49 tuổi thất bại trong cuộc bầu cử thượng nghị viện lần 2


Có thể nói, Lincoln là một bậc thầy về trải nghiệm thất bại và sự kiên trì, nỗ lực.

Trải qua nhiều nốt trầm trong cuộc đời, nhưng ông không cho phép mình nản chí, buông xuôi.


Cuối cùng, vào năm 1860, Abraham Lincoln đắc cử Tổng thống Mỹ sau 8 lần thất bại liên tiếp!





Rõ ràng, con đường thành công không bao giờ là con đường dễ đi. Abraham Lincoln đạt được thành công vì ông chưa bao giờ bỏ cuộc. Những thất bại, trở ngại đã hun đúc sự cứng cỏi và lòng quyết tâm sắt đá của chàng thanh niên nghèo.


Đối mặt với những thức thách có thể làm nản lòng bất kì người nào nhưng Lincoln với nghị lực phi thường đã nỗ lực hết sức dù nhiều lần phải bắt đầu lại từ số không. Đó chính là bài học sâu sắc về sự kiên trì và quyết tâm dành cho mỗi cá nhân chúng ta.


Abraham Lincoln được người dân nhớ đến như một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ với công lao to lớn trong việc xóa bỏ chế độ nô lệ, giải phóng những người nông dân khỏi gông cùm của tầng lớp địa chủ.


Quyết định này đã vướng phải sự chống đối kịch liệt của tầng lớp giàu có. Không chỉ dừng lại ở chỉ trích, miệt thị, Lincoln còn liên tục phải đối mặt với những bức thư nặc danh hăm dọa đến tính mạng của cá nhân và gia đình.


Biết có thể chết bất cứ lúc nào nhưng ông vẫn vững vàng theo giữ quyết định của mình đó là nghị lực. Nhận rõ, phân biệt được quyết định đó sẽ mang lại lợi – hại, thiệt – hơn, đúng- sai cho đất nước đó chính là trí tuệ. Với việc xóa bỏ chế độ nô lệ, những người dân sẽ thoát khỏi cảnh cơ cực lầm than, để đi đến được quyết định này, đằng sau người đàn ông gầy gò cao lớn kia chắc chắn là một trái tim với đầy tình yêu thương dành cho mọi người.


Ba gốc rễ nhân cách Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị Lực của Lincoln còn thể hiện rất rõ nét khi ta đọc bức thư mà chính tay ông đã viết gửi thầy của con trai mình, trong đó có đoạn:”Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình”.


Những dòng thư đó chỉ có thể viết ra từ một nhân cách lớn, một con người tinh hoa.


Sau 4 năm nội chiến, cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về lẽ phải. Nước Mỹ kết thúc chế độ chiếm hữu nô lệ. Abraham Lincoln - người giải phóng vĩ đại hoàn thành được sứ mệnh cuộc đời.


Đáng buồn thay, không lâu sau ngày chiến thắng, Lincoln bị ám sát khi đang đi xem kịch cùng vợ mình. Ông ra đi trong sự tiếc thương của vô vàn người dân nhưng cũng không thiếu những kẻ hả hê thỏa mãn.


Ngay tại thời điểm đó, có rất nhiều người đã nghi ngờ, không tin tưởng về quyết định và con đường mà Lincoln đã chọn nhưng sau tất cả, lớp bụi thời gian không những không thể phủ mờ lên thành quả, tên tuổi của ông mà nó còn trở thành một minh chứng sắt đá cho việc chân lý sẽ mãi mãi là chân lý.


Và Abraham Lincoln là một hiện thân của chân lý!





2.2 Louis Pasteur – Nhân loại nợ ông một lời cảm ơn

Nếu có một bảng xếp hạng những phát minh quan trọng nhất thế giới, chắc chắn Vắc-xin chiếm vị trí đầu tiên. Chúng ta đã sử dụng Vắc-xin để phòng bệnh trong hàng thập kỷ qua nhưng có lẽ sẽ ít người biết đến cha đẻ của nó – nhà khoa học Louis Pasteur, vị ân nhân của nhân loại.


Louis Pasteur xuất phát là một nhà hóa học, 25 tuổi ông đã cống hiến một công trình nghiên cứu quan trọng "chứng minh phân tử giống hệt nhau có thể tồn tại".


Điều này đã giải được một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành sinh học hiện đại. Với lý thuyết mầm bệnh, đây lần đầu tiên thuốc khử trùng được nghiên cứu và sản xuất để chống lại những vi khuẩn điều mà trước nay y học chưa hề biết tới.

Bản thân nhà khoa học đã mất đi ba con gái do bệnh tật. Nỗi đau gia đình cùng sự xót xa trước cái chết hàng triệu người, ông quyết định chuyển hẳn sang lĩnh vực nghiên cứu y khoa để tìm các phương pháp chữa bệnh truyền nhiễm.


Cuộc chiến chống virus là một công việc không hề đơn giản. Muốn nghiên cứu bắt buộc phải sống chung với nó. Mà thời điểm đó thế giới chưa hề có vắc-xin. Làm nghiên cứu là đồng nghĩa đối diện với nguy hiểm và cái chết có thể ghé thăm ông bất cứ lúc nào.


Tuy nhiên nhà khoa học đã làm việc miệt mài trong vòng ba năm để tìm ra liều vắc xin đầu tiên cho thế giới với căn bệnh tả gà. Và sau đó là hàng loạt các căn bệnh như: than, sốt, bệnh dại… Nhờ đó mà hàng triệu người trên thế giới được cứu sống mỗi năm.


Như vậy ông là một nhà khoa học có trí tuệ khi phát minh ra những công trình ảnh hưởng to lớn đến nền y khoa và cả ngành hóa học. Đồng thời ở ông cũng thể hiện nghị lực hơn người khi dám đối diện với nguy hiểm để thực hiện những phát minh khoa học.


Bên cạnh trí tuệ và ý chí hơn người đó, nhân loại cũng cảm phục ông bởi một nhân cách đạo đức lớn.


Ông đã quyết định từ chối các lời đề nghị mua bản quyền để cho mỗi người dân trên khắp thế giới được sử dụng vắc-xin miễn phí hoặc chỉ cần phải chi trả một số tiền rất nhỏ để được tiếp cận phương pháp chữa trị này.


Không vì lợi ích vật chất, không vì danh vọng, nhà khoa học đã để lại cho chúng ta một bài học lớn:”Mạng sống con người không thể mua bằng tiền, đạo đức giữa người với người mới là thứ đáng trân trọng!”.


Từ nhân cách của nhà bác học Louis Pasteur ta thấy toát lên chất trí tuệ, đạo đức, nghị lực rất rõ. Nhờ có nền tảng tốt cùng với sự rèn luyện, miệt mài cống hiến cho khoa học mà ông đã trở thành người cả thế giới mang ơn và được xem là vị thánh trong ngành y. Nhân loại sẽ còn mãi ghi nhớ công ơn của nhà bác học đầy trí tuệ và nhân văn.





3. Vĩ nhân nước Việt

Quay trở lại Việt Nam, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp câu chuyện của Lý Thường Kiệt và Phạm Ngũ Lão.

3.1 Lý Thường Kiệt – Bản lĩnh vị tướng dưới bốn triều vua

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, là một trong hai danh tướng vĩ đại nhất triều Lý. Từ nhỏ đã được rèn luyện văn võ, nghiên cứu binh pháp, lớn lên trở thành một chàng trai tráng kiện, văn võ song toàn.


Vì là con dòng dõi nhà quan, tài năng lại nổi tiếng một vùng nên năm 18 tuổi, ông đã được cất nhắc làm một vị quan nhỏ về đội quân cưỡi ngựa.


Thời điểm đó nước ta bị nhà Tống xem là nước chư hầu và lăm le để thôn tính. Vốn là người có chí hướng, muốn lập nghiệp lớn, muốn theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ, lo đi xa vạn dặm để lập công, lấy được ấn phong hầu (Trích bia Nhữ Bá Sĩ).


Ông ngày đêm suy nghĩ cách ra làm một vị quan triều đình, để được gần vua. Năm 22 tuổi ông thực hiện một quyết định táo bạo “tịnh thân, trở thành quan hoạn để phục vụ vua”. Đây là một trong những cách ứng tuyển độc đáo nhất và cũng đầy nghị lực.


Ở trong cung ba năm, tỏ ra vượt trội ở nhiều lĩnh vực như: Bình văn, thi võ, bày binh bố trận,…vượt xa các quan trong triều. Ông chính thức được bổ nhiệm làm quan triều đình.


Năm 32 tuổi thì ông trở thành quan lớn nhất "dưới một người trên vạn người".

Với trí-dũng kiệt xuất, vua Lý Nhân Tông giao toàn quân và đặt tên cho Ngô Tuấn là Lý Thường Kiệt. Lý tức mang họ vua, Thường là thường hằng, Kiệt là xuất sắc.


Ông mong muốn tài năng của Lý Thường Kiệt sẽ được duy trì bền bỉ, thường hằng giúp dân, giúp nước.


Quả đúng như vậy, khi Lý Thường Kiệt làm tướng, vận mệnh mới của Đại Việt đã được mở ra. Đại Việt trở thành một cái tên mà các nước lân cận đều phải kiêng nể, ngay cả Đại Tống.


Hai trận đánh nổi tiếng nhất của ông là trận đem quân đi đánh Ung Châu và trận trên sông Như Nguyệt. Trận Ung Châu được xem là lần đầu tiên trong lịch sử một nước bé dám dằn mặt thiên triều, nó là một cú tát danh dự vào uy thế của nhà Tống thời điểm đó.


Thời đó, nhà Tống vốn lăm le xâm lược nước ta muốn biến Đại Việt thành một quận trực thuộc Tống. Khi biết tin giặc chuẩn bị sang xâm lăng, Lý Thường Kiệt đã chủ động tập hợp binh lính kéo quân sang thành Ung Châu trước, đánh cho quân giác tan tác đội hình.


Chỉ trong vòng 40 ngày ông đã san phẳng thành Ung Châu và các thành lân cận, khiến Đại Tống trở tay không kịp.


3 năm sau, vua Tống cho quân sang trả mối nhục thù.


Ông một lần nữa dùng mưu lược và trí tuệ hơn người để tái hiện lại trận Bạch Đằng Giang năm xưa.


Trước cuộc chiến, ông cho đọc một bài thơ. Bài thơ này khiến quân địch khiếp đảm, còn khí thế quân dân Đại Việt ta thì dâng lên ngùn ngụt.


Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” khuấy động lòng trời, lòng dân:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư

Trận chiến Như Nguyệt đánh dấu một cái kết thảm bại của vua quan nhà Tống. Nhà Tống buộc phải công nhận Đại Việt là một nước độc lập. Từ đó khi nghe danh nước Nam thì không bao dám đưa quân sang đánh Đại Việt.


Nhờ một nhân vật kiệt xuất như thái úy Lý Thường Kiệt mà triều Lý được hưởng thái bình và 4 đời vua nhờ cậy. Nhà Lý tồn tại 216 năm và là một trong những triều đại thịnh vượng và lâu bền nhất của Việt Nam.





3.2 Vị danh tướng Phạm Ngũ Lão

Tại đất nước ta, có một vị tướng xuất chúng với cuộc đời, cách sống phi thường của mình đã để lại nhiều bài học đáng suy ngẫm cho chúng ta. Vị danh tướng đó chính là Phạm Ngũ Lão.


Chàng thanh niên năm đó tròn 17 tuổi, văn võ song toàn với những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ khao khát được cống hiến cho đất nước nhưng chưa có cơ hội.


Khi nghe tin giặc Nguyên Mông đang lăm le xâm lược nước nhà, Phạm Ngũ Lão quyết tâm làm tướng để có thể cầm quân ra trận bảo vệ đất nước.


Một khát khao to lớn và chân chính, khát khao này xuất phát từ đâu nếu không phải từ một trái tim với tình yêu quê hương lớn lao.


Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng để được làm tướng cầm binh ra trận là điều không dễ, sẽ cần có thời gian, nhiều công đoạn.


Với trí thông minh sẵn có, Phạm Ngũ Lão đã quyết định hành động đầy táo bạo mà từ cổ chí kim xưa nay chưa có tiền lệ đó là chặn đường Đại tướng quân của Đại Việt – Trần Hưng Đạo.


Khi đoàn quân di chuyển, toán lính thấy có một người ngồi nhởn nhơ đan sọt giữa đường, mắng chửi không đi, đuổi không đi.


Bất chợt, có một tên lính cầm giáo đâm xuyên qua đùi của người to gan này. Những tưởng người đó sẽ đau đớn la hét, nhưng không, kinh ngạc thay, người đàn ông đó vẫn thản nhiên ngồi đan sọt. Một bản lĩnh phi thường tỏa ra khiến đám lính hoảng loạn, nhốn nháo.


Và cuối cùng, Phạm Ngũ Lão đã có được điều mình mong muốn, đó là diện kiến Trần Hưng Đạo.


Sau khi đã bày tỏ ước mơ, hoài bão của bản thân.Trần Hưng Đạo ra điều kiện cho Phạm Ngũ Lão phải vượt qua kì thi ở kinh thành thì sẽ cho cơ hội.


Không phụ lòng mong đợi, với trí tuệ hơn người, Phạm Ngũ Lão đã giành thứ hạng cao nhất trong kì thi năm đó. Được rèn luyện dưới trướng Hưng Đạo Đại Vương, Phạm Ngũ Lão nhanh chóng trở thành một vị tướng tài năng kiệt xuất.


Ông là một người rất đặc biệt, trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Trong lần thứ 2 và thứ 3, ông luôn xuất hiện ở những trận quyết chiến quan trọng nhất, và một khi đã đánh thì chỉ có thắng, không biết thua là gì.


Không những là một vị tướng uy dũng trên chiến trường, Phạm Ngũ Lão còn là một người tận trung với quốc gia, có lẽ chính vì vậy mà thời bình, ông chính là chỉ huy của Quân Cấm Vệ, đội quân quan trọng nhất, tinh nhuệ nhất bảo vệ, theo sát nhà vua.


Là một vị tướng thông minh, dũng mãnh đầy can trường trên chiến trận, Phạm Ngũ Lão còn là một con người với đạo đức lớn lao.


Ông là một vị tướng rất đặc biệt, khi có bổng lộc thì không nghĩ đến bản thân mà đem chia cho những người dân nghèo trên đường phố, một vị tướng luôn đặt việc của dân, việc của nước lên trên việc cá nhân, một vị tướng vị tha lớn hơn vị kỷ.


Có lẽ, chính vì lý do này mà Trần Hưng Đạo thậm chí đã vượt qua luật lệ của hoàng gia để gả con gái của mình cho Phạm Ngũ Lão. Đương thời, danh tiếng của ông chỉ xếp sau Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn.





Sau khi tìm hiểu về phẩm chất 3 gốc thông qua cuộc đời các Vĩ nhân, bên trong bạn có gợi lên cảm xúc nào hay không?


Vĩ nhân chính là những tấm gương, là thần tượng để mỗi chúng ta noi theo. Chỉ cần mỗi ngày học hỏi được 1% những đức tính tốt của vĩ nhân, thì bạn cũng đang tiến dần trên hành trình trở thành những con người phi thường, với mục đích sống cao cả có ý nghĩa cho đời.


Nội dung: Khánh Vi

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Ý Nhi


Nguồn tham khảo:

-TS. Vương Tấn Việt. Những đặc điểm chung của danh nhân qua các thời đại. thientonphatquang.com 03/2023

-Sách Chánh Kiến











97 views1 comment
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page