top of page

Tính cách hướng nội có phải là rào cản trong cuộc sống?

Updated: 6 days ago

Thời đại ngày nay, mọi người đang ca tụng sự thành công, mà để thành công là phải có các kỹ năng như giao tiếp, đàm phán, xung phong, tạo điểm nhấn, định vị thương hiệu… và còn nhiều những tiêu chuẩn khác. Những kỹ năng này đối với người hướng nội thật sự là áp lực đè nặng, trong khi đó người hướng ngoại có thể xem là rất dễ dàng. Cũng chính vì thế, mà người hướng nội khi nội lực chưa đủ mạnh sẽ rất dễ tự ti, đầy tiêu cực.






Đi tìm giá trị đích thực cho người hướng nội

Tôi là nhân vật chính trong câu chuyện đi tìm giá trị đích thực cho chính mình trong tính cách hướng nội.


Những năm 20 tuổi, tôi là người nhút nhát, rụt rè và việc phải giao tiếp với người lạ là một cực hình. Nhưng sau 10 năm dành thời gian để hiểu, để luyện tập cho chính mình vượt lên những rào cản hạn chế của bản thân. Để hôm nay, tôi ở thời điểm hiện tại dám khẳng định rằng người hướng nội khi đã đủ hiểu giá trị của mình, họ có thể đạt được những thành công theo cách riêng của mỗi người.


Thuở ấy, vào tuổi thanh xuân, tuổi đẹp nhất của đời người, trong khi những người bạn bên cạnh luôn vui vẻ hoạt bát và có nhiều người “trồng cây si”, còn tôi thì đang ngụp lặn trong những nỗi khổ tâm và cô đơn của riêng mình. Thời điểm đó, ở tuổi sinh viên, ngoài những giờ ở giảng đường thì chỉ có một nơi làm cho tôi cảm thấy thoải mái và an toàn, đó là thư viện. Chỉ khi đến thư viện, một mình với những quyển sách, tôi mới thấy được tự do thoải mái.


Thói quen cô lập chính mình với mọi người đã làm tôi ngại giao tiếp, ngại nói chuyện và ngại luôn cả việc đứng lên để phát biểu ý kiến của mình. Nếu phải tham dự một buổi tiệc nào đó thì tôi lại tìm một góc nhỏ - nơi không ai có thể phát hiện ra tôi, ở đó tôi được quan sát mọi người. Bạn bè tôi sau nhiều lần thất bại trong việc rủ rê tôi đi lượn phố phường, đi shopping cùng, thì họ cũng chẳng thèm kết nối với tôi nữa.



Chính vì thế, mỗi lần nhắc đến tôi, mọi người đều có chung một cách nhận xét “Nhỏ này như đứa khác người”.


Tôi không hề muốn mình bị cô lập như vậy. Những lúc nhìn bạn bè năng động, vui tươi, và hoạt bát. Những lúc nhìn những buổi tán gẫu đầy sự hài hước với trận cười giòn tan. Tôi ước ao mình được trở thành một phần trong đám đông vui nhộn đó. Nhìn mọi người, nhìn lại mình, tôi càng hạ thấp giá trị của mình hơn, những tự ti, mặc cảm cứ thế trỗi dậy trong tôi hơn bao giờ hết.


Ở trường đã thế, ở nhà cũng không phải ngoại lệ. Tôi cũng kiệm lời với người thân, căn phòng riêng lúc nào cũng đóng kín cửa là hang động bí mật chỉ dành cho riêng rôi, nơi tôi được trọn vẹn với những suy nghĩ lộn xộn, miên man trong đầu.


Có những lúc, tôi tự hỏi chính mình “Mình có vấn đề gì không ta, sao mình chẳng giống ai hết vậy”.


Kí ức về thời sinh viên mờ nhạt, nó kéo khung ảnh xám xịt đó đến tận lúc tôi đi làm, với tình trạng còn tồi tệ hơn. Việc giao tiếp với đồng nghiệp hạn chế khiến tôi không thể hiện được bản thân trọn vẹn.



Chính vì thế tôi gần như không thể trình bày các ý tưởng mới lạ của riêng tôi với sếp, không tìm thấy niềm vui trong công việc, cũng như niềm vui trong cuộc sống. Bức tranh tương lai của tôi sao mờ nhạt, ảm đạm quá. Kí ức về thời sinh viên là những lần tôi ganh tỵ với đám bạn đang cười đùa vui vẻ lại hiện lên, những cuộc họp tôi phải kiềm chế ý tưởng của mình làm tôi bối rối.


Tôi phải thay đổi, không thể nào ở mãi trong cái vỏ ốc của chính mình được. Tôi quyết tâm phải hướng ngoại hơn.


Hành trình thoát khỏi cái vỏ ốc người hướng nội

Tôi quyết tâm phải thay đổi, thay đổi tính cách rụt rè, hướng nội mà tôi đang căm ghét. Tôi phải trở thành một người khác.


Ngay khi được sự giới thiệu về các khóa học ở nhà Văn hóa Thanh niên, tôi ngay lập tức đăng ký ghi danh. Nhà văn hóa thanh niên có bao nhiêu khóa học thì tôi đều đăng ký học, từ lớp Nghệ thuật giao tiếp, lớp MC, lớp biên kịch đến cả lớp diễn xuất. Theo sự hướng dẫn của thầy cô, để mình nổi bật trong đám đông thì việc đầu tiên cần làm là thay đổi về trang phục. Thế là, sau buổi học, tôi liền sắm sửa cho mình những trang phục hợp thời trang hơn, màu sắc bắt mắt và quyến rũ hơn.


Đồng thời tôi tham gia vào nhóm múa cổ vũ, tham gia đoàn thanh niên ở địa phương, tham gia vào tất cả các buổi đi chơi và tiệc tùng của nhóm,…Ở đâu tôi cũng cố gắng nói cười thật nhiều, thật lớn để được mọi người chú ý đến.


Được một thời gian, tôi thấy đuối sức vì tối ngày nào là quần áo, phấn son, nào là nhảy múa, những buổi tiệc ăn uống liên tục bên ngoài. Những điều đó kéo tôi ra xa hơn với sở thích đọc sách, với việc tận hưởng không gian yên tĩnh chỉ có mình mình. Dường như cuộc sống lúc bấy giờ là một sân khấu trình diễn hơn là đang sống. Có khi nào tôi đang sai hay không, lối sống này có phải là điều tôi thật sự muốn hướng đến hay không.



Tính cách người hướng nội là vẻ đẹp mà tôi cần tìm về


Trong một lần khi tôi đăng ký khoá “Tâm lý và tính cách con người”, đây là lúc tôi vỡ lẽ ra sự thật về chính bản thân mình. Những đặc điểm về bản thân, cái mà tôi làm một cách rất bản năng, rất thoải mái đó chính là tính cách của người hướng nội.


Những ưu điểm người hướng nội yêu thích là những hoạt động thiên về nội tâm. Họ thích được ở một mình, lối sống của họ chậm rãi, từ tốn và đi sâu vào vấn đề hơn là trải rộng ra.

Từ khi hiểu ra được điều đó, tôi chợt nhận ra được điều cốt lõi trong chính bản thân. Kể từ đó, tôi không còn cố thay đổi chính mình nữa mà bắt đầu học cách chấp nhận chính mình. Việc nhìn ra được những điểm tốt để phát huy và cải thiện những yếu kém, nó giúp tôi nhận ra hai mặt của tính cách mình đang sở hữu. Không ai là hoàn hảo, tính cách hướng nội cũng vậy. Tôi dành nhiều năm tháng để chọn cho mình phương pháp để học cách yêu thương bản thân - cụ thể là tính cách hướng nội của mình.


4 Phương pháp tìm về giá trị chân thật của người hướng nội

Dưới đây, tôi xin chia sẻ 4 phương pháp khám phá chính bản thân, các cách này đã được tôi áp dụng và thấy hiệu quả rõ rệt. Xin chia sẻ đến mọi người.



1. Yên tĩnh trong tâm trí

Tôi thích yên tĩnh, nhưng đó là yên tĩnh ở bên ngoài. Còn bên trong tâm trí tôi vẫn có rất nhiều tiếng nói, rất nhiều xung đột khác nhau. Để tập sự yên tĩnh trong tâm trí, tôi bắt đầu đọc sách về sự tĩnh lặng. Trong đó tôi đặc biệt thích những quyển sách “Trên cả tình yêu” của Mẹ Têrêsa Calcutta, bộ sách “Đường xưa mây trắng” và “Thiền cho người bận rộn” của thầy Thích Nhất Hạnh.

Tôi học thiền, rồi tập cách thể hiện lòng biết ơn mỗi ngày bằng việc nhẩm nói và viết ra giấy 3 điều mỗi ngày. Dần dần tôi cảm nhận được sự thảnh thơi, nhẹ nhàng hơn.


2. Phát huy thế mạnh của bản thân

Nhờ tâm trí bắt đầu yên tĩnh, tôi tìm ra được điểm mạnh của bản thân. Tôi không giỏi về hoạt bát trên sân khấu nhưng rất giỏi về tổ chức sắp xếp một chương trình. Từ đó tôi luôn nhận việc lên ý tưởng, sắp xếp và điều phối các chương trình mà nhóm tôi phụ trách. Người khác thì tỏa sáng ở bên ngoài, còn tôi vui với việc âm thầm tỏa sáng bên trong.


3. Vòng tròn bạn bè

Lọc lại danh sách bạn bè. Tôi bằng lòng có ít bạn nhưng những người bạn này là những người hiểu và chấp nhận được tính cách của tôi, là những người mà tôi có thể khóc cười với họ một cách tự nhiên nhất.


4. Nhận diện điểm yếu

Tôi có điểm yếu là ngại giao tiếp. Mà đây là kỹ năng sống, mà kỹ năng thì có thể học và thực hành được, điều này giúp tôi là người hướng nội nhưng lại biết cách trau dồi kỹ năng hướng ngoại. Tôi tin là mọi kỹ năng trong cuộc sống mình đều có thể có, nếu chịu học và chịu thực hành điều đặn.


Lời kết

Hành trình “Tôi đi tìm tôi” kéo dài hơn 10 năm. Hành trình bắt đầu từ những giọt nước mắt vươn đầy trên mi mỗi đêm, kèm đó là những ngờ vực về bản thân, rồi cố thay đổi mình thành một người khác. Để rồi sau đó tôi dần tìm về lại những gì đang có của mình. Một hành trình như vòng xoắn ốc.


Tôi đã hiểu ra rằng, không cần quá lo lắng về tính cách hướng nội hay hướng ngoại của mình. Tính cách chỉ là một phần làm nên con người. Trong cuộc sống hãy cùng nhau hướng thiện và hướng thượng bạn nhé!


Bạn hãy để lại những chia sẻ bên dưới phần bình luận nhé, mỗi đóng góp của bạn là động lực để tôi đươc sống là chính mình.


Thực hiện: Thanh Vân - Học viên Content 3 gốc K1

Biên tập: Khánh Vi





358 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page