top of page

Chọn sai ngành có phải là thất bại?

Updated: Apr 21

Chọn sai ngành là một trải nghiệm không ai mong muốn, bởi mỗi người khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học đều hy vọng chọn đúng ngành, sau này làm đúng nghề - là điều mình đam mê, yêu thích. Nhưng đôi khi, đứng trước quyết định quan trọng chưa chắc bạn đã được như ý.


Nếu nhận ra mình đang rối bời giữa các môn học không phù hợp, 3goc.vn mời bạn cùng chiêm nghiệm câu chuyện của chị Tracy Hoàng - về hành trình của cô sinh viên năm nhất trong quá khứ đã làm gì để vượt qua những khó khăn khi chọn sai ngành và tìm kiếm hướng đi mới.


Bài viết chắc chắn rất hữu ích với bạn.


Mục lục


***

Chạm ước mơ nhưng duyên chưa thuận

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của ngoại thành Hà Nội. Tuổi thơ vất vả vừa học vừa phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, việc nhà; nên khiến con người tôi bé quắt, đen nhẻm. Mái tóc lúc nào cũng cháy nắng và khét như râu ngô.


Niềm tự hào của tôi ngày nhỏ không phải là ngoại hình xinh đẹp mà chính là đôi mắt, đôi mắt sáng tinh anh luôn to tròn nhìn thẳng như muốn đọc suy nghĩ của người đối diện.


Khác với bạn bè học đến lớp 9 đã bỏ ngang đi làm, thì tôi cố sống cố chết phải đi học cho bằng được. Tuổi thơ vất vả đã hun đúc trong tôi từ ý thích đến một ước mơ cháy bỏng - trở thành một nhà giáo mẫu mực. Ước mơ đó trở thành nỗi khát khao trải dài theo những năm tháng học trò.


Tôi học ban C, thi đại học là ba môn Văn - Sử - Địa. Hồi đó được đăng ký thi hai trường đại học và một trường cao đẳng. Ngành đầu tiên tôi chọn là sư phạm Văn, sau đó là trường Luật. Tôi chọn Luật là do sự hiếu thắng của bản thân, vì lúc đó phong trào ban C đều chọn Luật và Báo chí - hai ngành hot nhất của khối C thời đó. Tôi nghĩ mình học ổn nên cứ thi thử xem sao. Dù gì thì đích đến của mình vẫn là “sư phạm”.


Gần 2 tháng thi xong chờ kết quả, khi nhớ lại tôi vẫn không thể lột tả hết tâm trạng mừng vui tột độ, khi mà tôi lần lượt nhận giấy báo đỗ tất cả các trường với suất học bổng. Tôi là nữ sinh duy nhất vào được trường Luật và cũng là người con gái đầu tiên ở làng đỗ đại học. Tôi lúc này đã chạm đến ước mơ ấp ủ bao năm.


Nhưng…đúng như các cụ nói “Có một thì chả sao, có năm có mười mới là rách việc.” Tôi đứng giữa ngã ba đường khi chọn hướng đi tiếp cho tương lai của mình.


Bố mẹ tôi không thể định hướng. Tôi thì lại càng không, vì để đưa lên bàn cân giữa trường Luật và Sư phạm, tôi cảm thấy sư phạm yếu thế hơn, còn luật thì nghe thật cao sang. Việc đỗ vào trường Luật là niềm tự hào và cả tự tôn của tôi, nhìn quanh bạn bè khi ấy trượt như ngả rạ. Cái tính sĩ diện trong tôi trỗi dậy, nó bảo rằng nếu không học trường Luật thì phí lắm.


Tôi cảm nhận, sâu thẳm bên trong vẫn vấn vương sư phạm, vẫn nhớ những vần thơ, giai điệu của ngôn từ nên tôi cứ chần chừ mãi. Tôi đạp xe ra tận nhà cô giáo dạy văn để hỏi ý kiến nên chọn trường nào. Cô đã ân cần nói rằng “nếu em muốn cuộc sống bình lặng thì chọn sư phạm, còn muốn cuộc sống sôi động, màu sắc thì chọn Luật”. Tôi lại mất thêm một tuần suy nghĩ.


Ngày nhập trường gần kề, cậu ruột của tôi từ quê ngoại đến chơi, thấy tôi băn khoăn, cậu đã cầm tay tôi “ấn nút” quyết định “Cháu nên học Luật chứ, bao nhiêu người mơ không được, học sư phạm làm gì, nghề gõ đầu trẻ ngày nào cũng như ngày nào”.


Thế là tôi từ giã ước mơ trở thành cô giáo mà suốt cả thời niên thiếu ấp ủ để bước vào ngành luật, với một tâm trạng hân hoan rằng mình sắp-trở-thành-một-luật-sư hay một cái gì đại loại dính tới pháp lý.


Chông chênh khi chọn sai ngành

Kỳ nhập học, tôi vỡ mộng. Môn học Nhà nước & Pháp luật khô khan, môn Triết học trừu tượng khó hiểu khiến tôi thấy chán. Tâm hồn tôi mơ màng với những câu thơ, những tác phẩm văn học. Hình ảnh về giấc mơ đứng trên bục giảng thả hồn theo những áng văn kiêu hùng hay những bài thơ tình của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử…


Tôi bắt đầu bài xích ngành Luật với tâm trạng ủ rũ, mệt mỏi, liên tục so sánh giữa các môn học và tự ti cho rằng mình đã đi nhầm đường.


Tôi ở chung với mấy chị cùng phòng, bạn các chị đến chơi lại đang học ngành sư phạm. Các chị kể về những chuyện trên giảng đường, gặp những thầy cô nổi tiếng dạy văn. Tôi tiếc nuối trong lòng “Đó chẳng phải là những chuyện của tôi đã tưởng tượng sao? Nếu không chọn Luật, giờ đây tôi có khác gì chị ấy, có khi còn có nhiều chuyện hay hơn!” Cảm giác “con cá mất là con cá to” cứ đeo bám tôi mãi, triền miên cả trên giảng đường và trong giấc ngủ.


Vì không tìm thấy hứng thú học tập nên tôi học rất vô hồn và máy móc. Cũng như ai, tôi đến giảng đường, vào thư viện nhưng mở sách ra là chữ nghĩa nhảy nhót, tâm hồn tôi lạc trôi nơi nào. Trên lớp lời thầy giảng thì tai nọ sọ tai kia, ghi chép vào vở nhưng nội dung trôi tuột như “nước đổ lá khoai”. Tôi rất sợ những buổi thảo luận chia nhóm vì hầu như buổi nào tim đập chân run, cầu mong thầy đừng gọi đến tên mình.


Kỳ đầu chông chênh đã giáng cho tôi một vố đau - thi lại môn Nhà nước và Pháp luật. Lúc nhận điểm, tôi khóc như mưa, khóc đến đỏ mắt vì xấu hổ, vì chưa bao giờ cảm giác mình thất bại đến thế! Tôi ngại với mọi người cùng phòng, lảng tránh khi nói đến thi cử. Trên lớp, tôi tự ti co mình lại như con rùa những ngày sau đó.


Tự nhủ với lòng mình “Tôi thực sự đã đi nhầm đường sao? Chắc tôi nên thi lại Sư phạm vào năm sau.”


Tam bảo xuất hiện giúp tôi vượt qua ngọn sóng

Tôi có người bạn cùng lớp, bạn ấy học cùng khối cấp 3 nên khá thân thiết. Thấy tôi âu sầu, bạn động viên rằng kỳ đầu chưa khớp nên vậy thôi, kỳ sau sẽ ổn, sinh viên thi lại là chuyện thường mà. Nhưng tôi vẫn dán nhãn cho rằng mình không hợp với luật. Tôi không để tâm đến lời bạn nói.


Một chiều cuối tuần, hai chúng tôi cùng đạp xe về nhà. Trên đường về nhìn thấy một số bạn học cùng khối. Các bạn gọi chúng tôi vào uống nước. Đây là những bạn bị trượt đại học, có bạn học cao đẳng, có bạn ôn tiếp năm sau thi.


Tôi nhớ mãi câu nói của Vân lúc đó “Đỗ được vào trường Luật là ‘vip’ quá rồi. Tao mà đỗ được thì không còn gì bằng”. Câu nói ấy của bạn đã khiến tôi phải suy nghĩ lại. Tôi nhớ lại trước đây mình thích làm cô giáo nhưng khi có cơ hội mình đã không lựa chọn. Điều này có nghĩa, chính tôi là người tạo nên nhân và từ đó tạo ra duyên với ngành luật. Con đường này do tôi lựa chọn, sao tôi lại chán ghét nó chứ? Có phải tôi nên thuận duyên mà trọn vẹn với nó không?


Có thể tôi đã chọn ngành học chưa phù hợp với sở thích của mình, nhưng điều đó không phải là một thất bại không thể sửa được. Tôi dành 2 ngày cuối tuần để suy nghĩ nghiêm túc về con đường sắp tới “Dừng lại rẽ ngang hay đi tiếp? Nếu chọn đi tiếp, tôi có đủ sức mạnh để tự tin mà bước không?”


Tôi đã viết hết những lý do mình chọn luật để tìm lại “big why", viết lên những phẩm chất mình đang có và đặt câu hỏi cho mình “Chọn Thích hay Năng lực?” Và rồi tôi đã chọn giải pháp khác với lẽ thường.


Với đa số, nếu thấy không hợp, không thích người ta sẽ chọn lại. Nhưng tôi giờ đây đã nói không với việc thi lại Sư phạm. Tôi quyết định đi tiếp để thử thách bản thân mình, tìm kiếm khả năng bên trong mà tôi chưa biết.


Bước đầu tiên để vượt qua khó khăn này là tôi cần phải chấp nhận thực tế. Tôi tập trung vào môi trường xung quanh, những yếu tố nuôi dưỡng cho mục tiêu thay đổi của mình.


Tôi sống cùng một người bạn cùng khóa và ba chị khóa trên, những người con miền Trung hiếu học. Chính sự ham học hỏi của họ đã truyền cho tôi năng lượng tích cực mỗi ngày.


Những bữa cơm trưa, cơm tối cùng nhau đều là những chuyện ở trường lớp, rồi tài liệu để học sao cho điểm thi cao, rồi môn nào thầy cô giảng thú vị, nên đi nghe thảo luận ở khoa nào…; mọi người còn phân công nhau kiểm tra chéo những câu thi vấn đáp cuối kỳ. Bên họ, tôi không thể để mình lạc lõng, bàng quan như người ngoài cuộc được.


Trên giảng đường tôi ngồi học cùng chỗ với Thanh - người bạn cùng phòng ham học. Thanh đã giúp tôi cách ghi chép bài khoa học, tiếp cận với nguồn tài liệu tốt của mỗi môn.


Cô ấy luôn kéo tôi ngồi lên những bàn đầu, gần thầy để không có cơ hội ngủ gật. Tôi thật sự phải tập trung vào bài giảng vì nếu lơ đãng có thể bị tóm lên bảng bất kỳ lúc nào để nhắc lại lời giảng của thầy. Dần dần, tôi thấy những môn học này đâu quá khó như mình nghĩ, cũng có đầy thú vị trong đó đấy chứ. Đâu phải cứ Luật là khô khan.


Nếu không có người dẫn đường, những người thầy, người cô tuyệt vời của trường Luật thì có lẽ mảnh đất luật trong tôi cũng không thể ươm mầm xanh.


Được học với người thầy nổi tiếng như thầy Ng.D.H, thầy N.H.H…đã cho tôi tư duy về pháp luật, những điều ý nghĩa mà pháp luật mang lại cho con người trong cuộc sống. Người thầy hiền trí đó đã mang đến cho tôi bao cảm xúc của những buổi thảo luận án, những cuộc đấu trí ranh giới giữa tội và không, số phận của những người bị kết án oan sai hay cả mảnh đời éo le của tội nhân trong các vụ án lớn.


Những buổi học của chúng tôi có những trận cười sảng khoái và cả những giọt nước mắt thương cảm qua các câu chuyện, những kỳ án đi vào lịch sử. Tôi đã kịp nhận ra rằng, ngành học này ý nghĩa biết bao, bởi không ai sống vui vẻ, bình an mà không tuân theo pháp luật. Mỗi người ai cũng nên hiểu pháp luật để làm một công dân tử tế, hạnh phúc; biết yêu mình, giúp được người.


Thư viện đã trở thành nơi yêu thích ghé thăm hàng ngày của tôi. Những cuốn sách dày cộp mà trước tôi ngán ngẩm thì giờ được tôi lần giở với niềm háo hức, mong tiếp nhận những điều mình chưa biết, những thứ ngoài bài giảng.


Đúng là khi tôi thay đổi, tôi thấy mọi thứ xung quanh đều dễ chịu, hiền hòa.


Tôi thấy tự hào khi mình cũng là một trong số các bạn sinh viên đang chăm chú đọc sách kia, những người hứa hẹn sẽ có những sự nghiệp tỏa sáng sau này. Bác thủ thư khó tính của thư viện mà tôi hay ngại mỗi lần xếp hàng lấy số thứ tự thì giờ đây lại tận tụy vô cùng, chỉ cần nói đầu sách là bác lấy ra ngay được. Đặc biệt là bác còn giới thiệu cho những cuốn sách cùng loại nổi tiếng khác, nhờ vậy mà tôi biết được thêm những tài liệu vô cùng phong phú để bồi đắp kiến thức cho mình.


Tôi không nhớ nổi đã có biết bao cuốn sách hay qua tay mình ngày ấy. Những buổi hội thảo không thiếu mặt tôi bao giờ, tôi còn đến cả các lớp khác để học ké, nghe các thầy cô khác giảng cùng một vấn đề để đúc rút ra những tinh hoa trong đó.


Những đêm chong đèn học đến khuya mà không cảm thấy mệt mỏi, học để hóa giải những áp lực thi cử, học để sẵn sàng đối diện với thầy cô qua những lần vấn đáp 1:1. Và học để biết rằng mình đủ nội lực đón nhận, lĩnh hội những kiến thức này một cách bình thản nhất.


Tấm lòng rộng mở đón chào những tri thức về pháp luật của cả nhân loại cổ kim đã làm cho vốn sống, vốn hiểu biết của tôi giàu lên rất nhiều theo từng kỳ học.



Rộng đường đón tương lai

Tôi có được tam bảo dẫn đường như vậy đó. Những người thầy hiền trí, những người bạn tốt và những cuốn sách hay - tam giác tuyệt vời này đã gột rửa những tự ti, những oán trách, đổ lỗi cho rằng mình vô dụng khi học Luật.


Cú lội ngược dòng mang lại cho tôi một hướng đi thật sự tươi sáng. Tôi trở thành một sinh viên top đầu của lớp, được nhận học bổng của trường và là số ít sinh viên trong lớp được làm luận văn tốt nghiệp.


Ra trường với tấm bằng Khá hiếm hoi thời đó, tôi đã rất tự tin phỏng vấn nhiều nơi. Và nhân duyên của tôi với ngành luật gắn bó đến tận bây giờ.


Sau hành trình đó, tôi nghiệm lại là nếu chọn được ngành mình thích thì có thể là năng lực sẽ phát triển thuận theo. Nhưng nếu không có điều kiện chọn cái mình thích thì hãy chọn mình là người có năng lực.


Giữa “Thích” và “Năng lực” có thể không nhất quán, nhưng nếu mình quyết tâm chọn một trong hai vế thì trước sau vế còn lại sẽ xuất hiện. Nghề giáo vẫn luôn được tôi trân quý, nhưng giờ đây tôi trân trọng sự lựa chọn của mình. Tôi đã bước đi trên con đường đó với tâm thế hứng khởi đầy hy vọng, ươm mầm hạt giống tốt để chờ đón một cây xanh mạnh mẽ, vững vàng.


Hơn 20 năm làm việc, tôi thấy đúng là nghề chọn người vậy. Thời gian và môi trường đã giúp tôi thích Luật lúc nào không hay. Tôi tự hào về công việc của mình.


Từ câu chuyện của tôi, tôi muốn gửi gắm đôi điều là dù nhân duyên như thế nào, thì các bạn trẻ ơi - những bạn đang là học sinh cấp 3, hay các bạn đang là tân sinh viên, hãy cứ trân trọng những cơ hội đến với mình, vì nếu các bạn Thích sẽ tạo -> năng lực và nếu bạn có Năng lực sẽ tạo -> Thích. Tất cả phụ thuộc vào thái độ đối xử với sự chọn lựa của bạn.


Trên con đường rèn giũa, tôi hiểu rằng khi tâm chưa vững, lòng chưa an, chưa hiểu bản thân muốn gì thì không thể khám phá được năng lực bản thân. Đời người không tránh khỏi những chông chênh, những bồng bột, những sai lầm. Có trải nghiệm rồi cần lắng đọng để chiêm nghiệm để hiểu mình muốn gì và mình có khả năng gì thực hiện những điều mình muốn.


Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu nếu ta không cho phép mình thử sức với những khó khăn, trải qua những điều bất như ý để tốt nghiệp những bài học cuộc đời? Cuộc sống là một hành trình và không có điều gì là sai lầm hoàn toàn. Điều quan trọng là chúng ta dám đối diện, dám chấp nhận cái gọi là sai lầm đó để nghiêm túc nhìn lại, quay về tìm lại con người bên trong đầy mạnh mẽ của mình để quyết định, lựa chọn và nỗ lực bước đến với hạnh phúc và thành công.


Biết ơn tôi vô cùng vì đã dám chọn sai, dám bước tiếp. Hy vọng sau bài chia sẻ ở trên, tôi sẽ nhận được nhiều cảm xúc của các bạn ở bên dưới bài viết.


***


Nội dung: Tracy Hoàng - Học viên Content 3 gốc K7

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh:

18 views0 comments

Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page