Bạn đã từng phân vân không biết liệu quyết định của mình có chính xác, không tin vào một điều gì đó đã xảy ra? Hay bạn đã bao giờ nghi ngờ về bản thân mình và mọi thứ xung quanh? Nhiều người coi nghi ngờ là kẻ thù - kẻ giết chết tình thương. Nhưng với nhiều người khác, nghi ngờ lại là tiền đề cho sự tiến bộ của trí tuệ
Với bạn nghi ngờ có vai trò gì? Liệu hoài nghi có giúp ích cho bạn để đưa đến một giải pháp phù hợp? Blog 3 Gốc mời bạn đọc bài viết dưới đây. Hy vọng sẽ giúp bạn nhận diện và vượt qua những nghi ngờ của bản thân một cách sáng suốt.
MỤC LỤC
Củng cố thêm niềm tin
Chìa khóa của tri thức
1. Nghi ngờ là gì?
Nghi ngờ là từ Hán Việt, có nghĩa là do dự, bất định, ngờ vực, hoài nghi. Ký tự Hán mô tả hình ảnh người chống gậy đứng giữa ngã ba đường, chưa biết đi về hướng nào.
Nghi ngờ là một trạng thái tinh thần mà trong đó tâm trí bị mắc kẹt giữa những mâu thuẫn, không thể đưa ra lựa chọn nào giữa các đề xuất. Nghi ngờ dẫn đến cảm giác không chắc chắn hay thiếu tin tưởng, từ đó dẫn đến cảm xúc lo sợ, bối rối.
Nghi ngờ sinh ra hai hướng khác nhau:
Hướng nghi ngờ tiêu cực
Nghi ngờ này dẫn đến việc trì hoãn, từ chối đưa ra quyết định, từ chối hành động do lo ngại sẽ dẫn đến sai lầm hay bỏ lỡ cơ hội. Sự nghi ngờ tiêu cực có thể bắt nguồn từ tâm sợ: sợ bị lừa, sợ thất bại, sợ bị mất, sợ thiếu an toàn; nhưng cũng có thể bắt nguồn từ tâm đố kỵ: ghen ghét, đặt điều để chối bỏ đối tượng.
Do đó sự nghi ngờ tạo ra khi đang trong trạng thái cảm xúc mạnh, hoặc chỉ dựa vào giác quan rất có thể là nghi ngờ tiêu cực. Nghi ngờ tiêu cực cũng có thể nảy sinh từ sự lệch lạc trong nhận thức, từ sự đơn chiều, giáo điều của tư duy, mang tính chủ quan. Đỉnh điểm của nghi ngờ tiêu cực là sự nghi kỵ, chính điều đó dẫn đến nhiều hậu quả xấu đến người khác.
Ví dụ: sự nghi kỵ dẫn đến cái chết của nhà triết học Socrates, hay trong vở Othello của Shakespeare, lòng nghi kỵ đã khiến Othello gây thảm kịch cho người thân và chính mình.
Hướng nghi ngờ tích cực
Nghi ngờ tích cực được định nghĩa là sự trăn trở, tìm cầu về sự thật đúng đắn, chân lý.
Khi hoài nghi, không chấp nhận, con người có xu hướng kiểm tra các sự kiện, các bằng chứng, đào sâu vấn đề, mở rộng lý luận, thúc đẩy quá trình phát triển của tư duy và lý trí. Nhờ đó chúng ta nhận diện đúng bản chất của sự vật, sự việc, hiện tượng. Do đó, dù “mắt thấy tai nghe” một thông tin, một sự vật, sự việc hay đối tượng nào đó ta sẽ không tin ngay, thay vào đó là quan sát cẩn thận. Nhờ quan sát đa chiều, bạn đánh giá sự vận hành ngầm bên dưới sự việc, từ đó mới có kết luận hợp lý nhất. Đây chính là sự nghi ngờ tích cực.
Tư duy nghi ngờ được ứng dụng trên tinh thần “Nghi ngờ không phải gây chia rẽ, mâu thuẫn, xung đột mà để thấu hiểu điều đúng đắn, làm điều đúng đắn, không mê tín, a dua, hùa theo đám đông xã hội, thế giới”.
Ví dụ: Nhờ sự nghi ngờ mà những phát hiện của Galileo về hệ Mặt Trời giúp xóa bỏ niềm tin sai lầm của tôn giáo về vũ trụ. Hay nhờ nghi ngờ mà Einstein tìm ra thuyết tương đối hẹp, giúp chỉ ra hạn chế của các định luật Newton về chuyển động…
*Nếu bạn trăn trở việc "Nghi ngờ chính mình để phát triển trí tuệ", mời bạn xem video ở cuối bài
Nghi ngờ phải dựa trên Lý trí logic, hệ quy chiếu
Từ sự nghi ngờ, các nhà khoa học đã phát triển nó thành phương pháp luận, với điển hình là thuyết Nghi ngờ của Descartes (Nhà khoa học và triết gia người Pháp). Ông cho rằng, nhận thức thực sự đáng tin cậy phải đến từ SUY NGHĨ có hiểu biết, đối chiếu có lý trí, logic chứ không phải từ SUY DIỄN đến từ cảm xúc của các giác quan của ta.
Có những chủ nghĩa còn cho rằng ta “không có” tri thức hoặc “không thể có” tri thức chân chính vì các tri giác không hề đáng để ta tin cậy nếu không được thận trọng quan sát với cái tâm trong sáng
Ví dụ: Tri thức đến từ việc tri giác, mà tri giác chỉ là một trong các quá trình nhận thức chủ quan của ta, quá trình nhận thức này là không đáng tin cậy. Bởi hầu hết con người không thể vượt ra khỏi giới hạn của những cảm giác của mình và không thể xác định được trong số các cảm giác đó, cảm giác nào là thật.
2. Tại sao cần nghi ngờ?
““Đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy mình.“
(Đức Phật, Kinh Kamala, Tăng Chi Bộ)
Củng cố thêm niềm tin
Phương pháp nghi ngờ sẽ góp phần phá tan những giáo điều của các chế độ cũ, của các tín ngưỡng và tôn giáo, tạo điều kiện để đổi mới, để phát triển đến tầm cao mới.
Đối với mỗi cá nhân, chúng ta luôn tìm cầu để hiểu chính mình, hiểu các mối quan hệ xung quanh, hiểu sự vận hành của cuộc sống. Và bước đầu tiên để hiểu là hãy bắt đầu nghi ngờ, như bậc thầy tâm linh Osho (Ấn Độ) đã nói trong cuốn Hiểu - Đường đến tự do.
Nghi ngờ giúp chúng ta củng cố niềm tin. Nhờ những nghi ngờ tích cực, niềm tin được xây dựng một cách bền vững, tránh được niềm tin mù quáng.
Theo Friedman, chỉ ở những xã hội con người tin cậy nhau, người ta mới cảm thấy an tâm chia sẻ ý kiến và tư tưởng với nhau, mới chịu hợp tác với nhau một cách tích cực và lâu dài, từ đó mới dẫn đến những sự sáng tạo bất ngờ và lớn lao. Bằng việc củng cố niềm tin, có được sự tin tưởng lẫn nhau. Do đó, nghi ngờ đóng góp rất lớn giúp cuộc sống của mỗi chúng ta trở nên nhân hòa, hạnh phúc.
“Đa nghi sâu sắc, trí tuệ sâu sắc; Ít nghi ngờ, ít khôn ngoan”. - Tục ngữ Trung Quốc
Phát triển tư duy phản biện
Nghi ngờ giúp phát triển tư duy phản biện. “Nếu bạn là một người thực sự tìm kiếm sự thật, điều cần thiết là ít nhất một lần trong đời bạn nghi ngờ, càng xa càng tốt, tất cả mọi thứ -Descartes. Để đi tìm sự thật thì người ta bắt đầu cuộc hành trình bằng cách đặt nghi ngờ; do đó đi đúng đường, và không ngừng phát triển.
Phát triển được tư duy nghi ngờ, chúng ta gia tăng được tốc độ ra quyết định, phẩm chất quyết đoán, giúp tăng hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phương pháp nghi ngờ không chỉ có tác dụng đối với khoa học hay triết học, mà mỗi cá nhân chúng ta vẫn cần áp dụng để đạt được sự tỉnh thức. Mục tiêu của việc áp dụng tư duy nghi ngờ trước hết là để hiểu mình - sửa mình, điều chỉnh hướng đi của bản thân; để tìm về sự thật, chân lý, nhằm giúp cuộc sống bình an, hài hòa, cống hiến có ý nghĩa.
Chìa khóa của tri thức
“Nghi ngờ là chìa khóa của tri thức” - Tục ngữ Ba Tư
Trong sự phát triển của nhân loại, sự nghi ngờ là tiền đề của sự phát triển.
Ở thuở sơ khai, sự nghi ngờ giúp con người phát hiện các mối nguy hiểm, thúc đẩy cơ chế bảo vệ. Đồng thời nghi ngờ dẫn lối cho nhu cầu mở rộng vùng an toàn, tìm kiếm những nguồn thức ăn mới, những vùng đất mới.
Xã hội loài người ngày càng phát triển dựa trên nền tảng phát triển của khoa học. Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ đã kéo theo lịch sử phát triển của xã hội. Các phương pháp khoa học được định nghĩa dựa vào các tiêu chuẩn, mà các tiêu chuẩn này dựa trên sự hoài nghi. Một khái niệm chỉ chấp nhận nếu nó đã được chứng minh đầy đủ cả về lý thuyết lẫn trải nghiệm.
Nhờ vào việc nghi ngờ, các nhà khoa học tìm ra bản chất của sự vật, hiện tượng.
Nhờ vào việc nghi ngờ, các nhà sáng chế, những người sáng tạo nội dung tạo ra những sản phẩm có ích.
Nhờ vào việc nghi ngờ, con người đối phó, loại bỏ những mối nguy hiểm, đảm bảo an toàn, nhờ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hay dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ có nghi ngờ, mà Đức Phật đã tìm ra con đường tự do, giải thoát đích thức
3. Làm sao để nghi ngờ thành đồng minh của Trí tuệ?
Gọi tên cảm giác nghi ngờ
Mọi sự nghi ngờ đều đáng được thừa nhận. Khi bạn nghi ngờ, chắc chắn có lý do. Không có gì đáng xấu hổ, đáng chê trách khi trong bạn xuất hiện sự nghi ngờ. Hãy thừa nhận nó, làm rõ nó. Nếu nhận diện được nó thuộc loại nghi ngờ tích cực hay tiêu cực thì càng tốt.
Thực tế trong mỗi người đều có cảm giác thiếu niềm tin vào chính bản thân mình, nghi ngờ về bản thân, không chắc chắn về tương lai. Từ những người nghèo cho tới các tỷ phú như Mark Zuckerberg, Melinda Gates. Từ những người thường cho tới những chuyên gia như nhà tâm lý học Adam Grant, hay người nổi tiếng như Emma Watson.
“Càng nổi tiếng, tôi lại càng có cảm giác bất an, những lời chê bai khiến tôi luôn nghi ngờ bản thân mình...Tôi chỉ biết làm việc không ngừng nghỉ để quên đi những cảm xúc ấy.” - Emma Watson.
Hãy đối diện với nỗi nghi ngờ, coi nghi ngờ là người bạn luôn xuất hiện trước mỗi sự vật, sự việc trong đời sống của chúng ta.
Đặt nghi vấn đúng
Nhận diện được nghi ngờ tích cực hay tiêu cực. Tiếp theo hãy tập trung vào nguồn gốc của nghi ngờ. Điều gì khiến bạn nghi ngờ, khiến bạn cảm thấy có vấn đề? Điều gì đang cản trở bạn ra quyết định? Đâu là nghi ngờ quan trọng?
Bằng việc đặt nghi vấn đúng, những nghi ngờ sẽ được làm rõ, từ đó có cách tư duy phù hợp để giải quyết nghi ngờ đó.
Quan sát đa chiều
Nhận thức về thế giới xung quanh chúng ta phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: góc nhìn (thường xuyên thay đổi), cơ quan cảm giác (chỉ đúng tương đối), tình trạng tâm sinh lý (chỉ là chủ quan). Vì vậy, hãy tham khảo thêm các tài liệu từ nhiều nguồn (Youtube, Chat GPT, Google, Thầy, Sách, Bạn,...) khác nhau để phân tích- đối chiếu sự logic, hợp lý của nó và cho kết luận đúng đắn
Bạn cần đảm bảo rằng mình đang quan sát cả những mặt tích cực và tiêu cực của sự vật, sự việc. Không khái quát hóa quá rộng hay phóng đại chúng. Không dựa hoàn toàn vào những suy nghĩ chủ quan, cảm xúc cá nhân.
Hãy thay đổi góc nhìn, đặc biệt là góc nhìn về thất bại, về rủi ro. Hãy coi thất bại như là kinh nghiệm, là bài học và rủi ro như là thử thách.
Bằng việc quan sát đa chiều, mối nghi ngờ có thể nhỏ lại và biến mất.
Phân tích dựa trên tư duy nhân quả
Trước mỗi sự nghi ngờ, điều cần làm là xem xét, đánh giá, phân tích, tách lớp vấn đề dựa tư duy nhân quả. Khi hiểu rõ nguyên nhân và kết quả, những mơ hồ, hoài nghi sẽ được làm rõ.
Chấp nhận sự không chắc chắn. Chúng ta không thể đoán chắc được những gì sẽ xảy ra. Một quả có thể xảy đến không chỉ phụ thuộc vào một nhân mà còn phụ thuộc vào nhiều duyên khác. Chấp nhận sự không chắc chắn như một thuộc tính chắc chắn, ta tập trung vào gieo nhân đúng, thay vì trông chờ vào kết quả và can thiệp vào kết quả.
Hãy thực hành các phương pháp chánh niệm để có sự tỉnh thức, nhìn nhận rõ bản chất sự vật hiện tượng, thấy rõ mối nghi ngờ của mình.
Chia nhỏ mục tiêu
Đứng trước một mục tiêu lớn, con người nhiều khi choáng ngợp. Những nghi ngờ về năng lực bản thân, nghi ngờ về các nguồn lực, hoặc sự thiếu chắc chắn thường xảy đến cùng lúc khiến bạn dễ dàng muốn từ bỏ những mục tiêu. Do đó, hãy chia mục tiêu nhỏ lại, tập trung làm từng phần để phân tán các mối nghi ngờ theo từng giai đoạn. Nhờ đó bạn sẽ ít áp lực mà dành năng lượng để hành động nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ hành động mà quên đi việc "soi sáng" việc đang làm, bạn cũng sẽ dễ xa rời hiện tại và thực tế khiến các vấn đề không được đào sâu. Do đó, một phương pháp rất hay là Kaizen (cải tiến). Hãy kaizen mỗi ngày thấy được rõ việc đang làm, nhờ đó bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho nghi ngờ của mình một cách dễ dàng hơn.
Trân trọng những giá trị của bản thân
Trong các loại nghi ngờ, thì nghi ngờ bản thân, tin rằng mình kém cỏi ngay cả khi đã đạt được nhiều thành tựu đang là một hội chứng tinh thần phổ biến của xã hội ngày nay.
Hãy ăn mừng những kết quả đạt được, dù nhỏ nhất. Khi bạn trân trọng những thành quả đang có, sự tự tin sẽ tăng và những nghi ngờ sẽ nhỏ lại.
Hãy xóa bỏ tiếng nói nhỏ tiêu cực trong đầu, thay thế bằng những từ ngữ tích cực. Những tiếng nói nhỏ tiêu cực rất dễ kéo theo nghi ngờ tiêu cực. Như lý tác ý là một gợi ý tốt để thực hiện việc chuyển hóa này.
Ngừng so sánh mình với người khác. Mỗi người có những điểm riêng biệt, độc đáo khác nhau, nên các vấn đề gặp phải cũng như cách giải quyết vấn đề cũng khác nhau. Khi so sánh mình với người khác, nhiều mối nghi ngờ tiêu cực sẽ xuất hiện và bạn sẽ lãng phí năng lượng của mình cho việc vượt qua các nghi ngờ vô ích.
Mở rộng "đường biên" chấp nhận. Khoa học vốn là ngành đòi hỏi sự chính xác, nhưng mục tiêu của khoa học hiện nay cũng đã dịch chuyển, không còn là “phát hiện các chân lý phổ biến” nữa, mà “khiêm tốn” hơn là tìm kiếm các cách giải quyết vấn đề, các câu trả lời cho những vấn đề mà con người gặp phải trong cuộc sống. Câu trả lời “đúng” ở thời điểm này có thể chưa thật đúng, nhưng nó giúp ích cho sự phát triển ở thời điểm sau. Hãy chấp nhận những điều có thể “chưa thật đúng” mà có ích, hơn là việc bắt buộc phải “đúng”.
Không cầu toàn, không đòi hỏi sự hoàn hảo. Con người chưa ai đạt được mức hoàn hảo, kể cả các bậc vĩ nhân. Đừng bắt bản thân mình hay người khác phải hoàn hảo, vì sự cầu toàn và đòi hỏi hoàn hảo dẫn đến những hoài nghi lớn về những giá trị của bản thân và người khác.
Đừng để nghi ngờ thành nghi kỵ. Nghi ngờ tiêu cực thường kích hoạt vùng não bò sát (trong khi nghi ngờ tích cực kích hoạt vùng não trước trán), sẽ không còn chỗ cho sự khoan dung, cho chấp nhận sai lầm và cơ hội sửa sai, cho tình thương và trân trọng.
Tìm người dẫn đường, môi trường phù hợp
Khi một người sống trong môi trường thường xuyên bị coi thường, thiếu sự tôn trọng, thiếu sự ghi nhận và ủng hộ của người xung quanh, đặc biệt là người thân, thì sự nghi ngờ về các giá trị, nghi ngờ bản thân rất dễ xảy ra. Nếu việc nghi ngờ tiêu cực xảy ra thường xuyên, bạn cũng nên cân nhắc đến việc thay đổi môi trường sống.
Hãy tìm đến môi trường sống, nơi làm việc thấu hiểu, tôn trọng và ghi nhận giá trị của mỗi cá nhân. Điều đó không chỉ giúp xóa tan những nghi ngờ mà còn giúp chữa lành. Hãy cùng nhau thiết lập văn hóa của sự tin cậy trong tập thể, trong gia đình của bạn. Sử dụng kỹ thuật lắng nghe sâu, hiểu và thương các thành viên. Nếu không thể thay đổi môi trường, chí ít bạn cũng cần tách mình khỏi môi trường độc hại.
Tìm người hướng dẫn, huấn luyện viên, các chuyên gia, các vị thầy. Khi các mối nghi ngờ của bạn rất lớn hoặc quá tiêu cực, có thể bạn sẽ không đủ nội lực để đối diện với nó hay vượt qua nó. Sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn hoặc có kinh nghiệm sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận và giải quyết mối nghi ngờ của mình.
Tổng kết
Nghi ngờ là trạng thái tự nhiên trong tâm thức. Để nghi ngờ trở thành đồng minh, bản thân chúng ta cần hiểu rõ và dẫn dắt nghi ngờ về hướng tích cực. Tiến trình dẫn lối bắt đầu từ việc nhận diện, chấp nhận, đặt nghi vấn, thay đổi góc nhìn, phân tích nhân - quả, chia nhỏ và cải tiến.
Trân trọng các giá trị của bản thân, đón nhận sự hỗ trợ tích cực từ môi trường, những người hướng dẫn. Điều đó sẽ giúp chúng ta đứng trên vấn đề, nhìn nhận mối nghi ngờ một cách khách quan, và sẵn sàng để xóa tan nó.
Bạn nhận được giá trị nào từ bài viết trên, hãy bình luận cho Blog 3 Gốc biết nhé!
Nội dung: Ngọc Toàn - Học Viên Khoá Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Komentáře