top of page
Writer's pictureNhàn Lý

SỐNG ẢO VỚI MẶT NẠ HAY SỐNG THẬT VỚI CHÍNH MÌNH?

Updated: Mar 12

Hầu hết chúng ta thường sợ mất đi những cơ hội, sợ mất lòng hoặc sợ bị đánh giá, phán xét nên luôn cố khoác lên mình những chiếc mặt nạ cuộc đời hoàn hảo, để rồi phải mệt mỏi và ôm gối khóc thầm vào mỗi tối khi cảm thấy thật CÔ ĐƠN vì không ai hiểu mình.


Nếu bạn muốn xé toạc những chiếc mặt nạ giả tạo đã đeo bám mình bấy lâu, bước ra khỏi lễ hội hóa trang siêu khổng lồ để được sống thật với chính mình thì đừng bỏ lỡ bài viết này tại blog 3goc.vn nhé!




MỤC LỤC

3. Xé toạc mặt nạ, trung thực là chính mình



1. LỄ HỘI HÓA TRANG MẶT NẠ SIÊU SỐNG ĐỘNG


Ở bất cứ nơi đâu khi có nhiều người, ta có thể nhận ra những chiếc mặt nạ đang được sử dụng để che giấu những sự thật phía sau. Thế giới như một lễ hội hóa trang siêu khổng lồ với muôn vàn những chiếc mặt nạ. Mời bạn cùng check-in từng ngóc ngách đầy sống động của lễ hội kéo dài bất tận không ngừng nghỉ này.


1.1 Những chiếc mặt nạ rực rỡ sắc màu


Bước chân đầu tiên vào lễ hội, bạn sẽ bị lạc trong thế giới của muôn vàn mặt nạ lung linh, sáng loáng, thế giới của sống ảo.


Trước mắt bạn là những chiếc mặt nạ của vật chất hào nhoáng. Đó là những khuôn mặt rạng rỡ của những chủ sở hữu xe sang, đồ hiệu, phong cách sành điệu, tiền vàng đầy người. Chủ nhân của những mặt nạ này đang đi vay nợ, đi mượn, đi ké hay photoshop để chiếc mặt nạ thật nổi bật.


Bên cạnh đó là những chiếc mặt nạ của thành tích, chiến công. Những bằng cấp, những giấy khen, những lời ghi nhận của cấp trên… được trang trọng đóng trong những khung vàng và không kém phần sặc sỡ. Những chiếc mặt nạ này như để bù đắp cho sự yếu kém thực sự của chủ nhân của chúng.


Đan xen cùng những chiếc mặt nạ vật chất hào nhoáng là những chiếc mặt nạ của những mối quan hệ. Những tấm ảnh chụp cùng người nổi tiếng, những bằng chứng của việc có quan hệ rộng, của việc thuộc tầng lớp thượng lưu… Những chiếc mặt nạ như chiếc thang vô hình, đưa chủ nhân của chúng lên tầng cao mới của các mối quan hệ, nơi hiện tại họ chưa thuộc về.


Mặt sau của những chiếc mặt nạ trong khu Rực rỡ sắc màu đang nhảy nhót trong các vũ điệu là sự tham thể hiện, tham được ghi nhận, a dua chạy theo số đông, chăm chút cho hình thức bên ngoài mà quên đi bản chất bên trong của chính mình.



Đừng sau chiếc mặt nạ là TÂM gì đang vận hành?
Đừng sau chiếc mặt nạ là TÂM gì đang vận hành?


1.2 Những chiếc mặt nạ đen và trắng


Đối lập với những chiếc mặt nạ rực rỡ sắc màu đang quay cuồng trong các vũ điệu, ta bị thu hút bởi những chiếc mặt nạ với gam màu nổi bật sắc đen và trắng đang tụ tập tám chuyện. Chỉ hai màu đen- trắng, nhưng những chiếc mặt nạ trong lễ hội đông đúc này vẫn rất sinh động, minh họa đủ đầy cho chủ đề giả tạo.


Góc bên phải là những chiếc mặt nạ có mặt ngoài tươi cười, bả lả, thân thiện, hợp tác; nhưng mặt trong là sự so bì, sân hận, ghét bỏ.


Góc bên trái là những chiếc mặt nạ có mặt ngoài là những lời ca tụng, khen ngút trời, tung hô lên tận mây xanh; còn mặt trong là những lời nói xấu, đặt điều.


Phía cuối lễ hội là những chiếc mặt nạ có mặt ngoài là sự nhiệt tình, năng nổ, chăm làm mỗi khi có cấp trên; nhưng mặt trong là sự lười biếng, tám chuyện, sáng cắp ô đi tối cắp về.


Dù chỉ là đen và trắng, những góc tụ tập này vẫn đầy ắp những cảm xúc, cảm xúc của sự bực tức, nóng giận, bất như ý.

mat na den trang
Những chiếc mặt nạ đen - trắng đối lập nhau khiến thật - giả giữa cuộc đời cứ lẫn lộn

1.3 Những chiếc mặt nạ huyền bí


Chưa hết choáng ngợp bởi những chiếc mặt nạ đủ loại, bước sâu vào lễ hội, ta càng bất ngờ vì những chiếc mặt nạ chứa đựng đầy sự huyền bí khó hiểu.


Chủ yếu đứng làm “khán giả” xem những chiếc mặt nạ khác nhảy múa là những chiếc mặt nạ nghiêm túc, chuẩn mực; nhưng mặt sau của chúng là những cá tính, những phá cách.


Có vẻ ngoài giống “hậu cần” là những chiếc mặt nạ của sự đồng ý, đã hiểu, đã rõ, đã thống nhất; nhưng mặt sau của chúng là những ngổn ngang, rối bời, nguy cơ hỏng việc cao.


Tưởng như rất vui tính, nhiệt tình là những chiếc mặt nạ đầy quyết tâm, cố gắng xông xáo, cố gắng kết nối; nhưng mặt sau của chúng là sự co mình, dùng sở đoản.


Không lung linh như những mặt nạ đầy sắc màu hay tương phản như mặt nạ đen trắng, những chiếc mặt nạ của khu Huyền bí lại chứa đựng phía sau tiềm năng cần được khám phá và giải phóng. Chỉ vì nỗi sợ bị phán xét, chỉ trích mà chủ nhân của chúng sẵn sàng chiều lòng người khác – làm ác với mình.

mat na huyen bi
Nỗi sợ bị phán xét, chỉ trích khiến mặt nạ huyền bí sẵn sàng chiều lòng người khác – làm ác với mình

Lướt qua lễ hội hóa trang với muôn ngàn những chiếc mặt nạ không ngừng di chuyển, đan xen và tương tác, bạn có nhận ra chiếc mặt nạ bạn đang mang bên mình?


Bước chân ra khỏi nhà, chúng ta đem theo mình những chiếc mặt nạ đầy sắc màu, để sẵn sàng dùng chúng. Nhưng có bao giờ bạn tự vấn, làm thế nào để sống trọn vẹn, vừa hiệu quả công việc, vừa hạnh phúc khi được sống là chính mình?


2. TÁC DỤNG PHỤ KHI ĐEO MẶT NẠ

Những chiếc mặt nạ có thể tạo cho ta một vỏ bọc thật ổn và hào nhoáng, thậm chí khiến nhiều người lầm tưởng ngưỡng mộ nhưng đằng sao đó là những bất ổn trên nhiều phương diện.


2.1 Giảm sút về sức khỏe tinh thần


Phía sau những chiếc mặt nạ là cảm xúc tiêu cực cứ tiếp diễn trong từng phút giây: những lo lắng, buồn bã; cảm giác tội lỗi, căng thẳng; những bất như ý tích tụ.

Cảm giác cô đơn, lạc lõng đeo đẳng. Ta không còn niềm tin vào những người xung quanh, vào tương lai phía trước. Ta mệt mỏi và buồn khổ do cái tôi thật bị bỏ quên.

Tâm lý ta trở nên thất thường. Ta khó chấp nhận sự thực. Ta đảo từ tự tin thái quá sang tự ti chỉ trong giây lát. Trầm cảm, vô cảm đeo bám phía sau. Ta trở nên thụ động, lệ thuộc vào người khác cùng những đánh giá, tương tác của họ.


Ta đắm chìm trong thế giới của những mặt nạ, cố để tô vẽ cho những chiếc mặt nạ thật hoàn hảo, để rồi nghiện sống trong thế giới của mặt nạ, trong thế giới ảo từ lúc nào không hay. Những căn bệnh khó chữa cũng theo đó mà xuất hiện: rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, tâm thần phân liệt, mặc cảm ngoại hình, nghiện mạng xã hội, ái kỉ tự yêu mình thái quá…

Khi đeo mặt nạ sẽ là lò ủ cho những bất ổn tinh thần, rút ngắn thời gian có ích của con người.


2.2 Giảm sút về sức khỏe thể chất


Tâm bất an thì thân cũng sẽ bất ổn. Việc cứ phải gồng mình lên để sống ảo, cố gắng biến mình thành một nhân cách khác khiến chúng ta tốn thời gian, mất công sức. Thường xuyên lo lắng vì sợ người khác phát hiện, sợ phán xét khiến cơ thể mỏi mệt, mất ngủ là triệu chứng thường gặp nhất.


Những bất như ý tích tụ dần mời gọi bệnh tật kéo tới. Hệ thống miễn dịch của cơ thể bị tổn hại.

Qua thời gian, việc đeo trên mình nhiều mặt nạ khiến cơ thể bị tàn phá. Chất lượng cuộc sống do đó cũng giảm sút theo.

Việc phải chuẩn bị nhiều mặt nạ khác nhau, phải nhớ khi nào dùng cái nào, và nỗi sợ bất cẩn có thể đeo nhầm mặt nạ, làm cho tâm trí của ta trở nên mệt mỏi, như bị rút hết năng lượng và sống quay cuồng trong sự chống đối, giả dối. Điều này làm cho tâm trí ta không còn chỗ cho những suy nghĩ tích cực, cho phát triển bản thân.



Những lớp mặt nạ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn?
Những lớp mặt nạ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn?


2.3 Giảm sút chất lượng các mối quan hệ


Khi sử dụng những chiếc mặt nạ, ta cho phép mình hành xử theo bề nổi. Sự tinh tế, bề sâu trong các mối quan hệ bị thay thế bởi sự hời hợt, nông cạn bên ngoài. Con người trở nên vô cảm, thờ ơ với cuộc sống, với những người xung quanh, thậm chí thờ ơ với chính bản thân mình.

Khi sử dụng những chiếc mặt nạ, ta cho phép những thông tin sai lệch được tồn tại. Ta tiếp nhận những thông tin sai lệch, vô tình hay cố ý tiếp tay cho những điều lệch chuẩn, phản cảm, góp phần cho sự suy thoái đạo đức, lối sống, hành vi, thậm chí là vi phạm pháp luật. Điều đó định hình nên những nhân cách lệch lạc, ảo tưởng về bản thân.

Khi sử dụng những chiếc mặt nạ, ta để mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, môi trường sang một bên. Đắm chìm trong thế giới ảo được tô vẽ bởi những lợi ích của mặt nạ, ta dần đánh mất kết nối thực sự với bản thân, mất kết nối với thiên nhiên, với môi trường.

Ta lãng phí rất nhiều thời gian cho những giá trị ảo, mà không dành thời gian đúng mức cho cuộc sống thực, cho việc phát triển bản thân một cách đúng đắn.

Những chiếc mặt nạ mà ta đang cố gắng trau chuốt kia không phải là thứ thuộc về ta. Nếu sử dụng mặt nạ để biến mình thành người khác như tắc kè bông, thì cuối cùng, ta cũng tự làm mình kiệt sức trong mớ bòng bong tự tạo lên. Đến khi chiếc mặt nạ bị rớt xuống, người đối diện sẽ thất vọng, sẽ cảm thấy bị coi thường vì mối quan hệ trước giờ chỉ được xây dựng trên sự giả dối.

Công trình nghiên cứu Grant & Glueck – nghiên cứu dài nhất lịch sử cho thấy chất lượng của các mối quan hệ quan trọng hơn số lượng, và chất lượng của mối quan hệ là một trong những yếu tố quyết định đến hạnh phúc và tuổi thọ con người. Khi đeo mặt nạ, ta đã tự đẩy chất lượng sống của ta xuống thấp.



3. XÉ TOẠC MẶT NẠ, TRUNG THỰC LÀ CHÍNH MÌNH

Mặt nạ mang lại nhiều tác dụng phụ nhưng rất nhiều người vẫn thích sắm vài ba chiếc để xài lần lượt mỗi ngày giờ vì mặt nạ giúp ta che giấu đi những điểm yếu, che đi những sự thật khiến không ai nhận ra mình. Nhờ đó dễ dàng được ca tụng, khen ngợi, trân trọng, nể phục; dễ dàng có được danh lợi, địa vị, tiền bạc, thỏa mãn bản ngã không có điểm dừng.


Ngược lại với lối sống đó, sống thật đôi khi có thể khiến chúng ta mất lòng, mất cơ hội nhưng đi thong dong mà chắc chắn. Dám sống thật mang lại cho chúng ta sự bình an vô giá mà vật chất và danh lợi không thể nào đánh đổi được. Đây cũng chính là cách để ta sống trọn vẹn, vừa hài hòa với các mối quan hệ vừa hạnh phúc khi được là chính mình.



Dẫu biết rằng cuộc đời nghiệt ngã, sống dặn lòng trung thực giữa chốn phong ba
Dẫu biết rằng cuộc đời nghiệt ngã, sống dặn lòng trung thực giữa chốn phong ba

Để sống thật với chính mình, việc đầu tiên cần làm là nói thật. Giáo sư Đại học tâm lý Notre Dame, Anita Kelly đã phát hiện ra rằng những người bắt đầu nói thật gặp ít hơn 54% vấn đề sức khỏe tâm thần (như lo lắng hay cảm giác buồn…) trong quá trình nghiên cứu, và ít hơn 56% vấn đề sức khỏe thể chất (như buồn nôn hay đau đầu…). Những người bắt đầu nói thật thường xuyên hơn cũng cho biết họ hạnh phúc hơn và các mối quan hệ xã hội được cải thiện.

3.1. Hiểu chính mình và các quy luật vận hành cuộc sống

Bước đầu tiên để hiểu mình là quay về bên trong, kết nối với nội tâm của chính mình. Ta cần hiểu mình là ai, có những điểm mạnh, yếu ra sao, hiểu nguyên nhân nào dẫn tới việc đeo mặt nạ, để từ đó, ta có cách gỡ bỏ những tấm mặt nạ, trở về với con người chân thật của chính mình.

Để quay về bên trong, cần dành thời gian để luyện tâm quan sát. Khi quan sát những dòng suy nghĩ trên màn hình tâm trí, ta nhận diện những suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc, thái độ, lời nói, hành động để thấy rõ bản chất của sự vật, hiện tượng, từ đó ta có những cách ứng xử cho phù hợp.

Một rào cản rất lớn trên con đường quay về bên trong là bản ngã của ta, là cái tôi, cái của tôi. Albert Einstein đã từng nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít thì cái tôi càng lớn.” Thuần hóa cái tôi, để trở nên khiêm hạ và hòa thuận sẽ giúp ta dễ dàng gỡ bỏ các mặt nạ, bởi không có gì thực sự là “ta” hay “của ta”.

Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít thì cái tôi càng lớn.

Albert Einstein


Bản chất của mọi sự vật, hiện tượng là luôn biến đổi, không như ý ta, ta không thể làm chủ nó. Bất cứ sự vật, hiện tượng nào diễn ra cũng đều có nguyên nhân của nó, chỉ chờ có duyên để trổ quả.

Thực hành lối sống đơn giản, biết đủ, tạo lập và duy trì thói quen tỉnh thức để quan sát đa chiều, phân tích đúc kết mọi việc dựa trên tư duy nhân quả, tư duy 3 độc – 3 gốc sẽ giúp ta hiểu mình, hiểu người, nhìn rõ sự thật.

Bằng việc thận trọng chú tâm quan sát, ta nhận diện đúng sự thật, để từ đó có thái độ đúng: không phản ứng, không dính mắc, không tìm cầu. Để từ đó, ta có thể sống trọn vẹn với bản chất chân thật của mình, an nhiên tự tại, không cần mang những chiếc mặt nạ bên mình.

3.2. Yêu thương chính mình và tôn trọng sự thật


Khi đã hiểu mình, hiểu bản chất của mọi sự vật, hiện tượng, ta sẽ yêu và tôn trọng chính mình, yêu thương và tôn trọng sự thật, gieo NHÂN tôn trọng sự thật và đón nhận người khác.

Ta nhìn thấy yếu kém của người khác là do trong ta có hoặc đã từng có yếu kém đó. Ta chỉ trích, phê phán người là do ta chối bỏ, sợ không dám đối diện với sự thật đó. Khi dám đối mặt với những điểm yếu của mình và của người, thay vì tập trung vào lý do, ta cần chuyển hướng tìm giải pháp.

Hiểu và thương. Chấp nhận mọi khía cạnh của chính mình và của người khác, đối xử tốt với chính bản thân; sẵn sàng đối diện với những điểm yếu, những thứ mình dính mắc, ta sẽ không còn bận tâm đến sự gièm pha, phán xét của người khác.

 Chân thành chấp nhận những khuyết điểm của nhau, nâng đỡ chia sẽ cùng nhau những đắn cay ngọt bùi
Chân thành chấp nhận những khuyết điểm của nhau, nâng đỡ chia sẽ cùng nhau những đắn cay ngọt bùi

Sống chính trực, chân thành với đồng nghiệp, với mọi người sẽ giúp mọi người nhận ra những phẩm chất tốt nơi ta, từ đó có được niềm tin và sự tôn trọng của người khác.

Thường xuyên thanh lọc tâm xấu ác; nhìn nhận mọi sự việc theo nhân quả, theo đúng bản chất của sự việc sẽ giúp ta bình an, bình thản trước các sự việc xảy đến.

Sẵn sàng cống hiến và trao đi sẽ giúp ta tìm ra mục đích và vị trí của ta trong thế giới.

Đưa chánh kiến vào trong cuộc sống hàng ngày, vào cơ quan tổ chức, để tạo ra môi trường làm việc an toàn, không cần dùng mặt nạ.

3.3. Chấp nhận phán xét và dám sống trung thực


Khi bắt đầu bóc tách những lớp mặt nạ khác nhau, sẽ có những lớp bóc tách dễ dàng, nhưng có những lớp đã bám chặt, hòa quyện vào khuôn mặt người đeo, khiến việc gỡ ra có thể tạo ra những đau đớn. Sẽ có những phán xét, dị nghị, có những thói quen cũ níu kéo. Chấp nhận chúng và vượt qua chúng, ta sẽ quay về được với con người chân thật của mình.

Khi xé những chiếc mặt nạ, những điểm yếu, những thứ xấu xí bên trong ta hiển lộ trước cả thế giới. Những phán xét, đánh giá sẽ làm ta đau đớn. Dũng cảm đối diện với nó, bằng sự chính trực và chân thành và cầu thị, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua.


Lòng trung thực giúp vung bồi nội lực bên trong chúng ta, vững trải đi xuyên qua những định kiến, phán xét trong cuộc sống
Lòng trung thực giúp vung bồi nội lực bên trong chúng ta, vững trải đi xuyên qua những định kiến, phán xét trong cuộc sống


Học cách tin tưởng bản thân, tin tưởng vào cảm giác, cảm xúc của chính mình, giữ vững hệ giá trị của bản thân để không bị ảnh hưởng của những phán xét, dị nghị, không chùn bước trước những khó khăn.

Tiếp nhận những trải nghiệm mới, những người mới sẽ giúp thay đổi thế giới quan của ta.

Như lời thầy Minh Niệm đã nói: “Hãy tin rằng mọi thứ rồi sẽ đổi thay, người kia sẽ không còn khó chịu hay đòi hỏi nữa. Và khổ đau, giận dữ trong bạn rồi sẽ qua đi. Đó là cơ hội cho mọi thứ tái sinh”.

Như lớp vỏ trứng dễ dàng bị chú gà con đập vỡ từ phía trong hướng ra bên ngoài, những lớp mặt nạ sẽ vỡ vụn nếu ta dùng nội lực của mình để đập tan chúng. Hiểu mình, trọng người, dám đối mặt với khó khăn sẽ là con đường để ta xé toạc những chiếc mặt nạ, để tự tin sống thật với chính mình.

Nhưng nếu trong vài trường hợp, có những lúc bất khả kháng nếu ta không thể cởi bỏ mặt nạ thì cũng đừng vì vậy dằn vặt bản thân. Hãy chấp nhận và hiểu rằng mình HÒA NHẬP, không HÒA TAN. Có thể đôi lúc ta giả dối với người khác, nhưng không được giả dối với chính mình. Điều quan trọng nhất là HIỂU RÕ TÂM MÌNH và TRUNG THỰC với chính mình.


4. KẾT LUẬN


Có thể có rất nhiều rủi ro khi ta sống thật nhưng sẽ càng rủi ro khi ta luôn sống ảo với mặt nạ cuộc đời. Vì vậy thấu hiểu bản thân sâu sắc, dám vượt qua những phán xét để gỡ bỏ mặt nạ cuộc đời không chỉ khiến chúng ta mang lại những giá trị đích thực cho người thân, gia đình, xã hội mà còn mang lại sự bình an cho chính mình giữa chốn nhân gian vẫn còn đầy rẫy những giá trị ảo.


"Xin cảm ơn đất trời

Cho tôi được về tôi

Bao năm làm lữ khách

Thắm thía nỗi đau đời"

Minh Niệm


Bạn có đang đeo những chiếc mặt nạ khi đối diện với mọi người? Bạn có đang cảm thấy mệt mỏi và mất năng lượng vì những chiếc mặt nạ ấy? Hãy cùng chia sẻ trải lòng tâm sự với 3goc.vn bằng cách comment phía dưới bạn nhé!💕


Nội dung: Ngọc Toàn - HV lớp content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Lý




869 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page