top of page

Phụ nữ hạnh phúc - Yêu thương không dính mắc

Updated: Mar 19

Làm sao để phụ nữ hạnh phúc trong hôn nhân?


Sau khi kết hôn họ luôn xem gia đình là quan trọng nhất, là yếu tố quyết định hạnh phúc của chính mình. Bởi lẽ phụ nữ luôn nghĩ, gia đình hạnh phúc thì chắc chắn mình hạnh phúc, ngược lại gia đình không hòa hợp thì cuộc sống thật tồi tệ.


Dẫu biết rằng, gia đình rất quan trọng mà hầu hết phụ nữ đều ưu tiên hàng đầu. Nhưng nếu đem hạnh phúc của mình đặt hoàn toàn lên một yếu tố mà bản thân không thể kiểm soát, một ngày nào đó điểm tựa gia đình thay đổi, bản thân người phụ nữ sẽ ngã quỵ đến nỗi không đủ sức để chống đỡ.


Do vậy, Blog 3 Gốc xin chia sẻ bài viết tâm huyết dưới đây. Hy vọng dù ở trong tình huống nào, phụ nữ cũng sẽ biết cách tìm hạnh phúc bền vững hơn, để vòng dây dính mắc được nới lỏng. Vì chỉ khi đó ta mới có thể yêu thương gia đình của mình một cách đúng đắn.





MỤC LỤC


1. Phụ nữ hạnh phúc là phải phụ thuộc vào gia đình?!

Phụ nữ luôn đồng hóa mình là người sở hữu, đặc biệt là gia đình. Khi được hỏi về bản thân, hầu hết sẽ gắn mình với vai trò “tôi là vợ của ông chồng thành đạt, là mẹ của những đứa con, là người có nhà tài sản abc, là người quán xuyến gia đình…”.


Hiếm ai có thể tách bạch trả lời một cách chính xác “Tôi là ai?”.


1.1 Dính mắc vào người chồng: Đây là chồng của tôi

Đã từ lâu, câu nói “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” đã in sâu vào tâm trí người phụ nữ.


Phụ nữ có gia đình hạnh phúc, thành công thì được mọi người khen ngợi, là hình mẫu hình lý tưởng cho cô gái chưa lập gia đình. Mặc nhiên, họ xem thành công của chồng là thành công của mình, cho rằng mình đã đạt được đích đến của cuộc đời.


Còn nếu phụ nữ chẳng may ở trong hoàn cảnh gia đình bất hòa, chồng làm ăn thất bại, hoặc gia đình có biến cố thì lại bị phán xét là không có phước. Những lời nhận xét từ đồng nghiệp, hàng xóm, họ hàng vô tình đẩy người phụ nữ vốn yếu đuối, mỏng manh rơi vào đau khổ. Họ sẽ thất vọng về chính bản thân mình, rồi sinh ra oán trách chồng con, oán trách chính số phận của mình.


Chính những suy nghĩ như vậy cũng đặt áp lực lên vai người đàn ông phải thành công, phải kiếm được nhiều tiền bằng mọi cách. Nếu không thì không xứng đáng mặt đàn ông, không xứng đáng là trụ cột, là nóc của ngôi nhà.


Nếu lấy thành công của chồng làm thước đo hạnh phúc cho người phụ nữ thì tại sao các câu chuyện chia tay của giới nhà giàu vẫn đang diễn ra mỗi ngày trên các mặt báo. Sau chia tay, có người thì mạnh mẽ xây dựng cho mình một cuộc sống mới nhiều màu sắc hơn, cũng có người rơi vào bế tắc, khổ đau đau vì mất đi điểm tựa tinh thần và vật chất.


Vậy có phải phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng hay hơn nhau ở bản lĩnh?






1.2 Dính mắc vào đứa con: Đây là con của tôi

Con là của để dành, là tài sản lớn nhất của cha mẹ” nếu con giỏi, con ngoan cha mẹ sẽ tự hào, nếu con không ngoan, cãi lời, muốn tự do lựa chọn cách sống cho riêng mình thì cha mẹ xem mình thất bại trong vai trò làm cha mẹ.


Tôi có một cô bạn cùng học cấp ba, sau khi tốt nghiệp phổ thông cô ấy nhanh chóng kết hôn rồi sinh con. Cô ấy dành hết toàn bộ thời gian để chăm sóc con, nấu ăn cho con, cô muốn bảo vệ con mình nhiều nhất có thể. Cô cho rằng môi trường bên ngoài rất xấu xa từ đồ ăn bẩn, học hành theo thành tích, chạy đua chỉ tiêu ở nhà trường. Nên với cô việc dành thời gian chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ của chồng con là sự nghiệp. Cô không có nhu cầu đi tìm kiếm sở thích cho riêng mình.


Vì coi con là tài sản lớn nhất nên đã vô tình làm cho con cảm thấy nghẹt thở, mất tự do, kìm hãm sự phát triển những giá trị chân thật của con mà phụ nữ không hề hay biết.





1.3 Dính mắc vào vật chất: Đây là gia tài của tôi

Người ta thường nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Tôi có chị bạn đồng nghiệp hay khoe rằng gia đình chị có rất nhiều tiền. Đến chỗ làm là chị liền khoe với mọi người hôm nay nhà chị ăn gì, chị đang đeo đồng hồ hiệu gì, kim cương bao nhiêu kara, hôm thì chị mới mua mảnh đất nào, bán mảnh nào…


Chị ít khi để ý xung quanh nên cái “bạo vì tiền” có phần hơi lố của chị đã làm chạnh lòng nhiều chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn. Nhiều người tâm sự với tôi rằng “sao chị ấy lại sung sướng như thế, còn cái số em nó hẩm hiu, tài chính cũng khó, chồng con cũng hổng ra làm sao. Ước gì em được như chị ấy”. Cứ thế câu chuyện khoe tiền bạc, tài sản như một chủ đề nóng hổi luôn được chị em đồng nghiệp đem ra so bì nhau.





Đây đều là những tình huống rất phổ biến trong xã hội ngày nay, có thể khác nhau về câu chuyện nhưng đều có điểm chung đó là: sự dính mắc vào gia đình - đối tượng khác. Khi mà ở đó, người phụ nữ bị lệ thuộc nhưng không hề hay biết, niềm vui và nỗi buồn được quyết định bởi đối tượng khác.


Vậy hạnh phúc bền vững của một người phụ nữ đến từ đâu? Chồng, con, tài sản có thật sự quyết định hầu hết hạnh phúc của phụ nữ không?


2. Có phải hạnh phúc gia đình giúp phụ nữ hạnh phúc hơn?

Phụ nữ hạnh phúc trong hôn nhân sẽ là nền tảng hỗ trợ giúp cuộc sống thăng hoa hơn. Nhưng gia đình lại không phải là yếu tố quyết định tất cả hạnh phúc của người phụ nữ, lý do tại sao?


Mô hình “bánh xe cuộc đời” được chia ra làm 8 phần bằng nhau, trong đó có sức khỏe, sự nghiệp, tài chính, gia đình (mối quan hệ), chia sẻ, phát triển bản thân, giải trí và đời sống tâm linh. Từ mô hình này ta thấy được tổng quan các khía cạnh trong cuộc sống mỗi con người. Trong đó gia đình chỉ là một trong tám khía cạnh cuộc sống chứ không phải là toàn bộ cuộc sống của một con người - đặc biệt là phụ nữ.


Vậy như lẽ thường, khi phụ nữ quá chú trọng vào yếu tố gia đình mà bỏ qua các yếu tố khác, thì người phụ nữ sẽ mất cân bằng, mất đi cơ hội là chính mình trên cuộc đời này.


Cho nên, phải hiểu đúng về vai trò của gia đình. Từ đó sẽ giúp người phụ nữ dần dần gỡ bỏ được dính mắc, không đồng nhất hoàn toàn hạnh phúc của bản thân vào thành công của chồng, vào con, vào tài sản gia đình.





3. 4 nguyên nhân cản trở phụ nữ hạnh phúc

3.1 Cảm giác được thuộc về một ai đó, một nơi nào đó

Phụ nữ luôn khao khát cảm giác được thuộc về một mối quan hệ, điều đó mang lại cho họ cảm giác ấm áp và an toàn. Gia đình có sự đồng hành của chồng và con giúp phụ nữ cảm thấy bình an và hạnh phúc sau một ngày phải cân bằng giữa công việc và các mối quan hệ. Có những người từ khi kết hôn chưa bao giờ rời xa gia đình một ngày.


Việc dành toàn bộ thời gian, linh hồn của mình chỉ để cho gia đình, đến một ngày những đứa con lớn lên chỉ thích dành thời gian cho bạn bè, chồng thì cũng muốn ra ngoài tụ tập. Lúc này, người phụ nữ ấy rơi vào cảm giác mất đi nơi mình nghĩ đã thuộc về.


Cũng như khi trồng cây chúng ta chỉ cần bón phân, chăm sóc để cây tự trưởng thành. Tình yêu thương của phụ nữ dành cho gia đình cũng cần khoảng không gian và thời gian để tách mình ra. Hãy tách mình ra để đứng ngoài, để quan sát và nâng đỡ thành viên trong gia đình.





3.2 Yêu thương nhiều, dính mắc nhiều

Là phái yếu, được trời phú cho bản năng nhạy cảm, giàu lòng yêu thương, luôn lo nghĩ cho người khác, cho nên tâm thế của phụ nữ là hy sinh niềm vui vì người khác nhiều hơn. Tình yêu thương quá lớn nên phụ nữ dành hết thời gian để chăm sóc người khác, họ bỏ qua thời gian chăm sóc cho tâm hồn mình. Để đến khi cảm xúc dần cạn kiệt, phụ nữ dễ rơi vào cô đơn trong chính căn nhà của mình, từ đó sinh ra cảm giác mong chờ hồi đáp từ người khác. Nếu chồng, con trân trọng và biết ơn thì họ cảm thấy hạnh phúc, ngược lại thì họ cảm thấy mình như “ô sin không lương” trong nhà.


3.3. Để các quan niệm chưa đúng của xã hội dẫn dắt

Loài người chúng ta từ xa xưa đã phụ thuộc lẫn nhau theo bầy đàn. Do đó thói quen tuân thủ những nguyên tắc để không bị tách ra khỏi số đông như đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Tuy nhiên, các nguyên tắc, chuẩn mực xã hội sẽ thay đổi theo thời gian, có cái đúng, cái sai. Ví dụ như quan điểm “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, “ca ngợi đức hy sinh của người phụ nữ”…Những quan điểm này trong xã hội hiện đại có khi không còn đúng, nhưng phụ nữ đã vô tình lấy làm tiêu chuẩn cho bản thân mình, áp dụng vào cuộc sống nên làm giới hạn chính mình.





3.4 Chưa biết cách đón nhận điều không như ý

Mong muốn có một gia đình thành công, hạnh phúc là điều tất cả phụ nữ luôn hướng đến. Tuy nhiên, khi đặt những mong muốn này lên trên hết, thì khi bất như ý đến sẽ gây ra đau khổ cho người phụ nữ. Những điều không như ý này có thể là gia đình không hòa hợp dẫn đến chia tay, con cái không ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, học hành không đến nơi đến chốn, gia đình gặp khó khăn về kinh tế…


Chúng ta đều biết rằng mọi sự là vô thường, có sinh và có diệt, hạnh phúc và thành công cũng vậy. Cũng như một bản nhạc, có những nốt thăng và cũng có những nốt trầm. Gia đình cũng sẽ có những giai đoạn êm ấm, cũng có những giai đoạn trải qua thử thách. Tuy hướng đến điều tốt đẹp là việc đúng đắn, nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị cho mình tâm thế vững vàng để đón nhận cả những điều không như ý có thể xảy ra với một tâm thế không oán trách.





Từ 4 nguyên nhân trên, chúng ta đã thấy rõ, phụ nữ nếu muốn hạnh phúc thật sự chỉ có thể nương nhờ chính bản thân mình. Để nương nhờ vào chính mình thì phụ nữ cần xây dựng cho mình một cuộc sống độc lập về suy nghĩ, mạnh mẽ về ý chí và yêu thương có hiểu biết. Chỉ khi mình thật sự yêu bản thân mình, tình thương mình dành cho gia đình mới trở nên đúng đắn.


4. 2 giải pháp giúp phụ nữ hạnh phúc bền vững

Ở phần trên, chúng ta đã biết qua về mô hình bánh xe cuộc đời. Để đời sống người phụ nữ tốt hơn thì cần cân bằng các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống như: sức khoẻ, phát triển bản thân, gia đình, mối quan hệ, tài chính, chia sẻ, giải trí và đời sống tâm linh


Từng khía cạnh này như nan hoa trong bánh xe, để bánh xe chạy đều cả 8 nan hoa, chúng ta cần một cái trục vững chắc. Vậy để cuộc sống mỗi người vận hành trơn tru, chúng ta cũng cần một vài điều cốt lõi.


Chúng ta thử kết hợp vòng tròn đào tạo và bánh xe cuộc đời như hình bên dưới. Ta có thể thấy rõ, nếu trục bánh xe là vòng tròn 1 và vòng tròn 2 thì sẽ là nền tảng giúp chúng ta thực hiện 8 khía cạnh của cuộc đời. Hay nói cách khác để cân bằng 8 khía cạnh của cuộc đời mỗi con người chúng ta phải có một nội lực vững chắc.




Nội lực này được hình thành từ 3 nhân cách cốt lõi là Đạo đức – Trí tuệ - Nghị lực. Từ nội lực vững chắc ta sẽ hiểu được chính mình, tự tin vào bản thân, độc lập trong suy nghĩ và hành động từ đó mỗi phụ nữ sẽ hình thành năng lực sống hạnh phúc cho chính mình.


Mô hình hạnh phúc bền vững sẽ gồm 2 yếu tố cần đào sâu: Vun bồi nhân cách cốt lõi và Thấu hiểu bản thân


4.1 Vun bồi nhân cách cốt lõi

Mỗi người chúng ta từ khi sinh ra không tự nhiên trở nên thông thái và thấu suốt mọi sự mà cần trải qua quá trình trải nghiệm, học tập, rèn luyện trên nền tảng điều đúng đắn thì mới đủ năng lực giúp chúng ta có cái nhìn không sai lệch về sự thật cuộc đời cũng như quy luật và giá trị của cuộc sống.


Vun bồi nhân cách cốt lõi là quá trình gian nan để tìm về sự thật của chính bản thân ta, thấu hiểu những điểm yếu của chính mình để rồi sửa đổi, làm cho bản thân khỏe mạnh trong một tập thể chung. Chúng ta cùng đi sâu hơn để phân tích cách thức giúp phụ nữ vun bồi nội lực trong xã hội ngày nay.


Vun bồi Tứ Đức

Công – được thể hiện qua việc mỗi người phụ nữ chúng ta cùng tham gia lao động. Tùy vào năng lực, điều kiện gia đình của mỗi người mà việc tham gia lao động có thể khác nhau, có thể là dành thời gian chăm sóc gia đình hoặc lao động kiếm sống, hoặc cân bằng cả hai. Nhưng dù ở vai trò nào đi chăng nữa chúng ta luôn giữ một tinh thần hăng say, trách nhiệm và hướng về điều phải đời, đẹp đạo.


Dung – chúng ta luôn ý thức chăm sóc cả vẻ ngoài và ứng xử của mình để luôn đằm thắm, dịu dàng, thể hiện là phái yếu nhưng không phải yếu nhân cách.


Ngôn – lời nói cần là lời nói chân chánh, nói những điều chân thành, đúng đắn, nâng đỡ những người xung quanh. Luôn nhớ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói để lời nói không làm tổn thương đến người nghe. Không nói lời sai sự thật, lời nói không có giá trị.


Hạnh – được thể hiện như một vai trò cốt lõi trong làm vợ, làm mẹ, làm con của người phụ nữ. Cần làm đúng là làm tròn vai với tinh thần yêu thương, tôn trọng.

Đức hạnh từ Tứ đức là bông hoa thơm, giúp người phụ nữ tỏa hương, tỏa ra giá trị của bản thân mà không có thứ nước hoa nào có thể sánh được.





Vun bồi Trí Tuệ

Khi trồng một cái cây chúng ta đều phải bỏ ra rất nhiều công sức để chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cây được khỏe mạnh, sinh nhiều hoa thơm trái ngọt. Đời sống tâm thức của cũng ta cũng vậy, như cơ thể cần thức ăn, tâm thức cũng cần dưỡng chất. Vun bồi trí tuệ là quá trình chúng ta chăm sóc, bón phân, tưới nước cho tâm hồn và nhận thức của chúng ta.


Trí tuệ được hình thành bắt đầu bằng việc học hỏi những kiến thức từ sách vở, thực hành và quan sát thực tế để áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, từ đó chúng ta sẽ có những nhận thức và hiểu biết đúng đắn.


Bên cạnh đó, theo giáo lý nhà Phật thì trí tuệ sẽ được khởi sinh từ một cái tâm tĩnh lặng. Vậy nên, bên cạnh học, thực hành và kiểm chứng những kiến thức học được chúng ta nên dành thời gian để tĩnh lặng, quan sát trong chánh niệm thì trí tuệ sẽ sinh khởi.


Khi có trí tuệ chúng ta sẽ thay đổi góc nhìn về các mối quan hệ, góc nhìn trước những tình huống ta trải qua hàng ngày; biết cách ứng xử đúng đắn trong mối quan hệ gia đình, không ép buộc người thân phải theo ý mình mà tôn trọng quyền cá nhân, sở thích, tính cách riêng của mỗi người; biết những việc nên làm và không nên làm; những điều cần quan tâm hay chấp nhận. Theo đó, chúng ta sẽ bớt dính mắc vào gia đình.





Vun bồi nghị lực

Rèn nghị lực là một việc không hề dễ dàng, dễ làm ta nản chí, nhưng nếu ai có cam kết kỷ luật chính mình, bền chí vượt qua thì người ấy sẽ trở nên mạnh mẽ.

Dưới đây là một số cách vun bồi nghị lực có thể tham khảo:


  • Chiến thắng nỗi sợ hãi bên trong trong chính bản thân mỗi con người.

Nỗi sợ có thể vô tình gieo vào đầu phụ nữ khi còn là những đứa trẻ, rồi trải qua thời gian, nỗi sợ như lớn lên nếu chưa nhận ra và biết cách chế ngự nó. Khi bạn sợ hãi mọi cánh cửa sẽ đóng lại với bạn.


Người phụ nữ vốn yếu đuối, do đó luôn tồn tại nhiều nỗi sợ như sợ cô đơn, sợ không đủ năng lực kiếm tiền nuôi con nếu chia tay một mối quan hệ nhiều độc hại, sợ những lời nói tiêu cực từ dư luận…


Điều chúng ta cần làm là gieo những hiểu biết đúng về ý nghĩa cuộc sống, nhận diện những nỗi sợ đang có trong mình. Quan sát xem đó là sự thật hay do chúng ta tưởng tượng, phóng đại lên. Nó có thật sự tồn tại hay do chúng ta đã tưởng tượng và phóng đại những yếu kém của chúng ta lên. Hãy đi từng bước nhỏ để hiểu về nỗi sợ, để chuyển hoá chúng thành sức mạnh.


  • Học cách ở một mình

Phần lớn thời gian chúng ta phải đối diện với chính mình, nhưng đôi khi phụ nữ luôn sợ hãi khi ở một mình, rồi muốn lấp đầy khoảng trống bằng sự ồn ào. Chúng ta cần hiểu rằng việc một mình thật sự là một món quà. Nó cho ta khoảng trống để làm bạn với chính mình, để tìm lại đam mê, để thật sự là chính mình trong khoảng thời gian đó. Trong lúc một mình là ta cũng đang cho người thương của mình có thời gian riêng để họ được tĩnh lặng, để họ được nuôi dưỡng tâm hồn.


  • Buông bỏ chấp niệm

Mỗi người có tính cách, sở thích khác nhau, chồng và con mình cũng vậy. Yêu thương là tôn trọng tự do lựa chọn của đối phương, làm bạn để hiểu thương, chia sẻ chứ không phải yêu thương là áp đặt mong muốn của mình lên người thương.


Đôi khi phụ nữ cần tách mình ra khỏi gia đình, quan sát chồng và con nhiều hơn, lắng nghe những mong muốn từ họ nhiều hơn để xem họ muốn cuộc sống như thế nào. Hoặc chúng ta thử một lần tin tưởng cho chồng, con làm những điều họ muốn xem hậu quả có như ta nghĩ không, tạo điều kiện cho chính ta và người thương của ta trải nghiệm cuộc sống mà không phải luôn giữ khư khư bên mình.





Cũng giống như một cái cây trong một khu rừng, quá trình lớn lên và trưởng thành của mỗi cá thể là quá trình đơn độc trong một tập thể. Con người chúng ta cũng vậy, nhờ có tập để, gia đình, người thân hỗ trợ để chúng ta lớn lên, nhưng trách nhiệm và sức sống ấy phải tự mỗi cá nhân phải trải qua mới có thể tồn tại được.


4.2 Thấu hiểu – khám phá năng lực bản thân

Mỗi con người đều có một sức mạnh nội tại mạnh mẽ, đôi khi chúng ta đã bỏ qua hoặc chưa biết cách khai phá năng lực trong chính bản thân mình. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thấu hiểu và khám phá được năng lực của bản thân.


Hiện nay có rất nhiều công cụ để khám phá đặc điểm của mỗi con người như bài trắc nghiệm tính cách, sinh trắc vân tay, thần số học…Nếu có điều kiện chúng ta có thể trải nghiệm để khám phá những điều tiềm ẩn trong chính bản thân ta mà ta chưa biết đến.


Một cách khác nữa là ta có thể tự khám phá bản thân qua việc rà soát lại những ước mơ, những sở thích, những điều đã từng muốn làm nhưng đã bị lãng quên. Để rồi thử thực hiện chúng dù bạn đang ở lứa tuổi nào, và bạn sẽ cảm thấy thật thú vị khi thực hiện chúng.


Có thể đó là những ước mơ hơi điên rồ, nhưng nếu bạn chưa thử làm sao bạn có thể dám chắc mình không làm được. Điều đó có thể như trở thành một nhà văn, nhà thơ, nhà thiết kế nghệ thuật, thêu thùa, làm bánh, cắm hoa…Sau nhiều lần trải nghiệm bạn sẽ biết được năng khiếu của mình, và bạn có thể biến những ước mơ này thành sự thật.


Trên đây là cách rèn luyện để chúng ta có một nội lực vững vàng, thấu hiểu bản thân để có thể cân bằng các khía cạnh của bánh xe cuộc đời. Nếu không cân bằng bạn sẽ cảm thấy thiếu thốn, không được sống cuộc sống của chính mình. Bạn hãy tạo cho mình nhiều cơ hội để tiếp tục khám phá bản thân, chính điều đó tạo ra cho bạn cảm giác hạnh phúc để xây dựng cho mình một đời sống nhiều màu sắc.





5. Tổng kết

Như Đức Khổng Tử đã dạy muốn tề gia thì trước hết chúng ta phải tu thân, là rèn chính mình. Phụ nữ chúng ta cũng như vậy, cần tu thân để mình luôn vững chãi. Người vững chãi sẽ có nhiều năng lượng, tình thương để cho đi, sẽ là người chủ động tạo ra hạnh phúc cho mình và trao hạnh phúc ấy cho người thương, chứ không bị động để cho hạnh phúc của đời mình quyết định bởi người khác.


Blog 3 Gốc hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp phụ nữ sống hạnh phúc và giảm dính mắc vào gia đình. Bạn nhận được giá trị nào từ bài viết, hãy chia sẻ cho chúng tôi biết bên dưới phần bình luận nhé!


*** Xem video để nhận được thông tin đầy đủ hơn

Nội dung: Thu Thuỷ - Học viên khoá C3G

Biên tập: Khánh Vi




3,578 views0 comments

Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page