Kỳ 3: NỀN TẢNG XÂY DỰNG DOANH NGHIỆP HẠNH PHÚC
Một doanh nghiệp không chú trọng xây dựng văn hóa, không học để phát triển, không có các chương trình phát triển nguồn nhân lực thì chắc chắn không thể tồn tại và phát triển bền vững. Theo cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại" một trong bảy yếu tố để một công ty trở nên vĩ đại là chú trọng vào con người. "Con người đi trước – công việc theo sau", con người chính là chìa khóa. Vì vậy muốn doanh nghiệp nhảy vọt thì phải đầu tư vào con người.
Để hiểu sâu sắc về chủ đề này, mời bạn cùng lắng nghe bài viết chia sẻ của thầy Trần Việt Quân - người đã dành 20 năm để nghiên cứu sâu sắc về giáo dục, trong đó xây dựng văn hoá doanh nghiệp hạnh phúc là một trong số những nghiên cứu của thầy.
Để xây dựng một Doanh Nghiệp hạnh phúc bền vững, chúng ta cần trang bị đủ 4 vòng tròn sau.
Vòng 1: Xây dựng triết lý doanh nghiệp, văn hóa, giá trị cốt lõi
Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để định hướng mọi hoạt động. Mục tiêu của doanh nghiệp hướng về điều gì? Sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp mang lại lợi ích và giá trị gì cho khách hàng và cộng đồng? Cơ chế vận hành trong doanh nghiệp ra sao ? Có xứng đáng để nhân viên cống hiến, phát huy năng lực và đối xử tử tế với nhau hay không?
Khi tìm hiểu về văn hóa của những doanh nghiệp lớn như Google, Zappos, Warby Parker, Viettel, Thế giới di động... ta đều thấy các doanh nghiệp này đều có văn hóa rất rõ nét. Nó thấm nhuần trong từng hành vi, tác phong và tư duy của từng nhân viên.
Đối với Google đó là sự tự do, môi trường làm việc thoải mái hoàn toàn như được sống chính cuộc sống của chính mình. Nhân viên được tạo những điều kiện tốt nhất để tập trung tối đa và tạo ra hiệu quả công việc cao nhất. Sau đó là những hoạt động tự do cá nhân ngay trong văn phòng làm việc hoặc những khu giải trí vui chơi. Hơn hai trăm nghìn nhân viên của Google cũng được đào tạo cách để quay vào bên trong, kết nối với chính mình. Bởi theo triết lý công ty này đó là cách duy nhất để mỗi người luôn kết nối với chính mình, khi lắng nghe và đi theo tiếng nói bên trong mỗi nhân viên sẽ được sống trọn vẹn và cảm thấy hài lòng hơn.
Đối với Zappods nhân viên mới sẽ được nhận 2,000 USD nếu cảm thấy công việc không phù hợp sau khi kết thúc tuần đào tạo đầu tiên.
Với Viettel thì tạo sự ấn tượng bởi văn hóa 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm của sếp và nhân viên, từ đó hình thành nên 8 giá trị: thực tiễn, thách thức, thích ứng, sáng tạo, hệ thống Đông Tây, người lính và ngôi nhà chung Viettel.
Đối với Thế giới di động (MWG) là "niềm tin về con người". Mục tiêu của công ty là tập trung tạo ra giá trị cho cho nhân viên và khách hàng. Họ tâm niệm "làm điều gì tốt khách hàng thì khách hàng không bao giờ quay lưng lại" bởi vậy tận tâm với khách hàng là yêu cầu cao nhất đối với một nhân viên MWG. Hệ giá trị công ty gồm có 6 chuẩn mực mà sếp và nhân viên cùng cam kết thực hiện đó là: trung thực, nói là làm, có trách nhiệm, hỗ trợ đồng đội và tinh thần máu lửa.
Những yếu tố cốt lõi này đều được xây dựng một cách chắc chắn mạnh mẽ hướng về 3 yếu tố Đạo đức- Trí tuệ - Nghị lực, đó chính là lí do khiến các doanh nghiệp này có được sự phát triển vượt trội.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần phải đầy đủ và đồng đều 3 giá trị gốc rễ: Trí tuệ, Đạo đức, Nghị lực. Đạo đức làm cho tập thể gắn kết, Nghị lực giúp thực thi công việc và Trí tuệ là giúp cho hướng đi đúng đắn và có giải pháp triệt để, đích đáng cho từng vấn đề.
Vòng 2 – Xu hướng tính cách, sở trường, thế mạnh
Một doanh nghiệp thì sẽ có rất nhiều phòng ban. Mỗi phòng ban sẽ có nhóm tính cách thiên về những kỹ năng của phòng ban đó. Ví dụ phòng R&D, IT thì phù hợp với những người hướng nội thích tư duy, nghiên cứu, thích làm công việc chuyên môn. Còn phòng Marketing, Sale phù hợp với những người hướng ngoại, có năng khiếu về giao tiếp, trình bày, thuyết phục….
Đi sâu vào nhóm tính cách hướng nội hướng ngoại thì còn có thể chia ra những tuýp tính cách khác như: Dẫn đầu, quyết đoán hay hậu cần, tỉ mỉ, chi tiêt, chăm sóc…vv. Những nhân viên thích dẫn đầu thì đi càn quét thị trường mới, những nhân viên có năng khiếu về hệ thống, chỉnh chu thì làm công việc chăm sóc lại thị trường cũ, chăm sóc khách hàng…
Vậy để xây dựng một phòng ban làm việc có chất lượng, lựa chọn nhóm xu hướng tính cách để sắp xếp công việc cho phù hợp là việc cần thiết.
Vòng 3- Kỹ năng trong công việc
Từng phòng ban thì đào tạo kỹ năng gì? Kế hoạch đào tạo cho phòng ban theo từng giai đoạn như thế nào? Cần gạch đầu dòng ra để cùng học cùng phát triển.
Kỹ năng là thứ phải được luyện tập và trau dồi thường xuyên và phải liên tục. Trong các kỹ năng thì kỹ năng tự học là quan trọng nhất. Các bạn hãy tưởng tượng, nếu bất kỳ nhân viên nào cũng đều có kỹ năng tự học thì toàn nhân sự công ty sẽ làm việc hiệu quả như thế nào? Gặp vấn đề, tự nhân viên biết cách tìm hiểu, biết cách tìm giải pháp.
Vậy, để nhân viên được phát triển mà sếp không phải khổ tâm nhiều cần trao được cho nhân viên kỹ năng tự học. Với mỗi dự án mới hay vấn đề gì, hãy để nhân viên tìm giải pháp, nếu vấn đề khó có thể hướng dẫn: Tên vấn đề là gì? Tìm lời khuyên ở đâu? Google, hỏi chuyên gia, phỏng vấn… Sau một tuần, nhân viên báo cáo: "Em học xong hết rồi, giờ sếp giao cho em làm đi" hoặc "Em đã tìm ra giải pháp, giờ em sẽ làm theo cách này, cách này…"
Khi đó bạn chỉ cần kiểm tra lại, điều chỉnh hoặc hướng dẫn để nhân viên có thể hoàn thiện giải pháp của mình. Trong kỹ năng tự học thì người lãnh đạo nên làm gương để truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhân viên của mình.
Vòng 4 - Kiến thức ngành nghề, chuyên môn
Để đưa được kiến thức tinh hoa vào mỗi phòng ban, chúng ta cần xây dựng tủ sách tinh hoa trong doanh nghiệp và những khóa đào tạo. Về tủ sách thì có thể chia ra 2 nhóm chính: kiến thức ngành nghề chuyên môn và mảng thứ hai liên quan đến văn hóa, triết lý của doanh nghiệp.
Những đầu sách về phát triển bản thân, xây dựng đội ngũ, rồi sách về đạo đức nghề nghiệp, hoặc sách nói về những đạo lý trong cuộc sống…là những đầu sách chung bắt buộc cho các phòng ban cùng học, cùng thực hành với nhau. Bên cạnh đó, mỗi một phòng ban cần có thêm 1 bộ sách chuyên môn riêng như sách về Content - Marketing, sách về nghệ thuật bán hàng, đàm phán, cách sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội, phần mềm công nghệ, vv…
Một công ty nếu được đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực với đầy đủ cả 4 vòng tròn đào tạo trên, chắc chắn không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành một Doanh Nghiệp HẠNH PHÚC và phát triển bền vững.
Kết luận
Xin được chân thành cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết và suy ngẫm. Bạn đang đọc bài viết trong chuỗi bài CHIỀU SÂU CỦA GIÁO DỤC - MỘT GÓC NHÌN KHÁC. Để hiểu thêm về cách mà 4 vòng tròn đào tạo này áp dụng trong các lĩnh vực khác như gia đình, trường học, cá nhân, doanh nghiệp, hãy xem thêm các bài bên dưới nhé.
Bạn đã nhận được giá trị nào từ bài viết này, hãy để lại bình luận cho chúng tôi biết nhé!
Nội dung: Thầy Trần Việt Quân
Biên tập: Nhóm content GNH
Hình ảnh: Nguyễn Hùng
Commentaires