top of page

NỀN TẢNG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH BỀN VỮNG

Updated: Mar 12

Bạn thân mến! NGÔI NHÀ và TỔ ẤM là hai khái niệm tưởng chừng giống nhau nhưng lại hoàn toàn khác nhau. “Ngôi nhà” thì có thể xây bằng gạch đá, gỗ,..nhưng “Tổ ấm” phải được xây dựng bằng một triết lý chung kiên cố và vững chắc.

Nếu bạn cần một nơi để trở về, một nơi để tái tạo năng lượng, tái tạo sự sống sau những bão tố cuộc đời thì đó chính là Tổ ấm gia đình. Đến lúc này bạn muốn xây ngôi nhà, hay xây tổ ấm?

Blog 3 Gốc mời bạn cùng đọc bài viết cách để xây dựng tổ ấm hay một gia đình bền vững dựa trên những lời giảng của thầy Trần Việt Quân - người đã có hơn 20 năm nghiên cứu về lĩnh vực Giáo dục nhé!

Bạn muốn xây ngôi nhà, hay xây tổ ấm

MỤC LỤC

1. Tổ ấm cần xây dựng trên nền tảng 3 gốc

Một tổ ấm được ví như một ngôi nhà có nền móng vững chắc, kiên cố như kiềng 3 chân khi hội tụ giá trị cốt lõi (Đạo đức - Trí Tuệ - Nghị Lực).

Để xây dựng một tổ ấm, một nơi để trở về, điều cần làm đó là hãy dành thời gian ngồi lại với các thành viên trong gia đình để thiết lập một hệ giá trị cốt lõi, một văn hóa gia đình chung.

Từ đó biến chúng thành những lời hứa đơn giản, dễ hiểu để cùng nhau cam kết học hỏi, cam kết hành động hướng về một mục tiêu chung, hướng về sợi chỉ đỏ.

Đây chính là điều cốt lõi tạo nên sự khác biệt giữa tổ ấm và ngôi nhà.

Hình: Tổ ấm muốn bền vững cần được xây dựng dựa trên nền tảng 3 gốc


2. Tổ ấm là nơi mỗi thành viên được là chính mình

Nếu muốn giao tiếp, kết nối sâu với các thành viên trong gia đình, bạn cần học và hiểu ngôn ngữ tính cách của họ. Học không phải để phán xét, xu nịnh hoặc lợi dụng, mà học để hiểu người kia đang có tâm tư, tình cảm như thế nào. Từ đó sống chân thành, đạo đức với nhau.

Có bao giờ bạn quan sát và lắng nghe xem:

  • Người chồng/người vợ của bạn có xu hướng tính cách như thế nào?

  • Ba/mẹ là người thích nói nhiều hay nói ít?

  • Các con có năng khiếu, sở thích gì đặc biệt không ?

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cứ lôi người hướng nội đi karaoke, đi ngắm chỗ này chỗ kia, hoặc lôi người hướng ngoại vào phòng thí nghiệm, bắt ngồi ngẫm nghĩ, suy xét?

Thế thì nó không khác gì một sự tra tấn.

Vì vậy, trong một gia đình hạnh phúc, chúng ta cần hiểu, thực tập cách giao tiếp thật mềm mại, uyển chuyển phù hợp với xu hướng tính cách của mỗi người.

Chúng ta hiểu xu hướng tính cách của nhau không chỉ để giao tiếp, kết nối mà còn là để mình học cách tôn trọng những bản sắc và nét đẹp riêng của mỗi người.

Hiểu xu hướng tính cách của thành viên để biết cách ứng xử


Dưới đây là đoạn chia sẻ được ghi lại thông qua bài giảng của thầy Trần Việt Quân trong lớp học “Ý nghĩa cuộc đời”:

"Tôi thấy có rất nhiều phụ huynh cứ đi so sánh các con với nhau. Đứa thứ nhất mà học giỏi, là cứ “móc” đứa thứ hai ra so sánh. Đứa thứ hai thù hằn đứa thứ nhất vì cho rằng vì chị học giỏi quá đâm ra suốt ngày em bị bố mẹ chê bai.

Từ đó, nó ganh tỵ, đấu đá với người chị của nó. Theo thời gian, sẽ tạo nên những vết rạn nứt chia cắt tình cảm tình nghĩa chị em.

Tôi có ba đứa con tuy rằng cùng chung một cách nuôi dạy, cùng chung một gen ông bà cha mẹ nhưng ba đứa lại có những tính cách khác nhau. Phương Tây hay giải thích vì đó là “Gen”, còn phương Đông hay dùng từ “Nghiệp” tôi thích từ nghiệp hơn vì nó diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa ngôn từ.

Mỗi chúng ta khi sinh đều có cái nghiệp riêng, sở dĩ ba đứa con của tôi có ba tính cách khác nhau vì chúng mang những nghiệp lực khác nhau.

Đứa cả thì học rất giỏi, bất kỳ là trường công hay trường quốc tế thì chỉ cần hai đến ba tháng là được nhất trường, thậm chí là nhất quận. Có lần con bé vừa lên lớp 3, tôi “ném” thử con bé vào trường tiếng Hoa ở Quận 5.

Trong ngôi trường này thì các môn học sẽ được dạy bằng tiếng Việt vào buổi sáng nhưng sẽ được học lại chúng bằng tiếng Hoa vào buổi chiều. Vậy mà đúng một năm sau con bé lại thi được hạng nhất quận 5 về tiếng Hoa".

Ngược lại với chị gái nó, đứa con trai giữa của tôi học trên trường môn nào cũng dốt. Nhưng khi nhìn nhận vấn đề thực tế bên ngoài thì rất nhạy bén. Mãi sau này tôi mới hiểu, thằng bé học dốt vì nó không thích học vẹt, không thích như một con rô bốt, không thích làm theo “barem”.

Ngược lại về mặt ý chí, nghị lực thì nó làm tốt hơn những người khác. Những đứa kiểu như vậy thích sự chủ động, thích được tự thân khai phóng chứ không thích bị nhốt vào trong một “khuôn khổ” nhất định nào".

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có mỗi bản sắc, nét đẹp riêng, đều có điểm mạnh, điểm yếu. Đứa trẻ ấy có thể là một nhạc sĩ tài ba nhưng cũng có thể là một nhà đầu tư tài chính thất bại.

Hãy tôn trọng điều ấy!

Nếu bạn cứ mãi so sánh và đánh giá nét đẹp ấy, bạn có thể sẽ mang tội danh hủy hoại một ước mơ vĩ đại trên hành tinh này.

Mỗi đứa trẻ là một thiên tài!

3. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm?!

Xã hội luôn đặt ra những ranh giới để chúng ta tự nhận biết được vai trò, trách nhiệm của mình. Quan niệm chung của Châu Á thường cho rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.


Người bố cần kỹ năng, kiến thức gì để trở thành trụ cột gia đình? Người mẹ cần kỹ năng, kiến thức gì để giữa lửa cho hạnh phúc gia đình? Và những đứa con cần kỹ năng, kiến thức gì để tự lập, để tự bảo vệ chính mình khi không có ba mẹ bên cạnh?


Tuy nhiên, trong một gia đình hạnh phúc, bên cạnh việc thỏa thuận một người có kỹ năng chuyên môn chính, tất cả các thành viên còn lại vẫn có thể cùng đồng hành và nâng đỡ nhau trong suốt hành trình cuộc đời. Con có thể giúp mẹ nấu cơm, mẹ cũng có thể giúp ba trồng trọt, ba cũng có thể giúp mẹ đi chợ. Rồi cả gia đình ăn cơm xong, sẽ cùng ngồi quây quần đọc sách.


Để đọc sách cùng các con, bạn cũng cần phải có kỹ năng, phải có tuyệt chiêu thì trẻ nhỏ mới thích. Trẻ nhỏ thường đọc rất chậm, vì vậy nếu bạn mong muốn xây dựng văn hóa đọc cho trẻ và gia đình, đòi hỏi bạn phải không ngừng nỗ lực để nhóm lên ngọn lửa truyền cảm hứng ban đầu.


Khi gia đình có một số kỹ năng cơ bản đó thì tự nhiên sẽ rất ấm êm và hạnh phúc.

Sách hay là thức ăn của Tâm cho trẻ


Hầu hết, chúng ta thường cố gắng tìm một cái tivi hoặc một cái tủ lạnh thật tiện nghi, thật xịn sò. Chúng ta thận trọng tham khảo người này, người kia, chọn lọc thật kỹ rồi mới ra quyết định mua hàng.


Nhưng hiếm khi nào chúng ta có một quy trình tuyển chọn khắt khe như vậy để sở hữu cho mình những cuốn sách tinh hoa.

Chúng ta có thói quen hướng về thức ăn cho thân nhiều hơn là tâm. Thức ăn cho thân có thể giúp con tim và trí óc hoạt động tốt hơn nhưng để nuôi dưỡng được tình yêu thương, nuôi dưỡng được tư duy sâu sắc, bạn cần phải có thức ăn tam bảo là sách.

Hãy duy trì thói quen hằng tuần dẫn con đi nhà sách một lần. Cứ cho vô chơi thỏa thích, lát nữa cả gia đình sẽ chọn 1, 2 quyển sách về đọc chung.

Cùng thống nhất, quy định thứ 2, thứ 4, thứ 6, mỗi tuần có 45 phút đọc sách rồi sẽ được tự do xem tivi và chơi điện thoại. Đặc biệt, ba mẹ phải làm gương, phải đọc sách nhiều hơn con thì mới truyền cảm hứng cho con được.

Một khi xây dựng những thói quen, kỹ năng cần có, những lời hứa đơn giản, dễ hiểu để cả nhà cùng nhau cam kết học hỏi và tôn trọng lẫn nhau, thì bạn chắc chắn sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho tổ ấm gia đình của mình.

Hình: Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh


4. Kết luận

Xin được chân thành cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết đúc kết của thầy Trần Việt Quân về tư duy xây dựng tổ ấm gia đình. Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác với chủ đề liên quan áp dụng 4 vòng tròn đào tạo vào trường học, cá nhân, doanh nghiệp.


Bạn đã nhận được giá trị nào từ bài viết này, hãy để lại bình luận cho chúng tôi biết nhé!


Nội dung: Thầy Trần Việt Quân

Biên tập: Nhóm Content GNH


Mời các bạn lắng nghe phiên bản Radio


438 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page