MỤC LỤC
***
Như George RR Martin đã từng nói : “Người đọc sách sống một ngàn cuộc đời trước khi chết. Người không bao giờ đọc chỉ có duy nhất một cuộc đời". Sách là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, chìa khóa khai mở tiềm năng bản thân.
Vậy bạn đã thực sự đọc sách đúng cách? Hãy cùng khám phá bài viết này để tìm câu trả lời!
Bước đầu chập chững - tưởng vững mà sai
Những bước đầu gian nan
Tôi xuất thân trong một gia đình có bố làm bác sĩ, mẹ là giáo viên. Trong nhà tôi cũng có một tủ sách lớn chứa đầy các loại sách với nhiều thể loại, nào là " Điều trị Đái Tháo Đường? ", "Cẩm nang dùng thuốc" hay "Cải cách giáo dục tiểu học”... Với bản tính tò mò, tôi cũng bắt đầu mân mê đi giở từng trang sách để khám phá những điều thú vị. Nhưng càng đọc tôi càng thấy chán ngắt, toàn kiến thức chuyên môn, không có gì hấp dẫn cả.
Một bước ngoặt lầm tưởng
Một lần trên đường đi học, tôi vô tình nhặt đường cuốn sách với tựa đề “Tottochan cô bé bên cửa sổ". Tôi vẫn nhớ như in cuốn sách đó, bìa nó màu vàng có vẽ hình một cô bé rất nhỏ nhắn đáng yêu đang ngắm nhìn qua cửa sổ.
Thời điểm đó vì chưa thích đọc nên phải mất 1 tuần tôi mới đọc xong cuốn sách đó. Cuốn sách kể về hành trình đi học của cô bé Tottochan và ước mơ xây dựng một ngôi trường mơ ước của thầy Kobayashi ở đất nước Nhật Bản. Tôi say mê với văn viết rất nhẹ nhàng và lôi cuốn. Tôi đọc lui đọc lại cuốn sách, đến mức tôi không nhớ mình đã đọc bao nhiêu lần nữa.
Tiêu khiển và làm giàu
Và tưởng cứ thế là tôi thích đọc sách phải không? Câu trả lời là không các bạn ạ. Tôi đọc được mỗi cuốn đó và xong bắt đầu lao vào đọc truyện tranh. Tôi đắm chìm vào bộ truyện dài với những cuộc phiêu lưu kỳ thú của các anh hùng đi giải cứu thế giới.
Và cho đến lúc vào năm tư đại học thì tôi mới bắt đầu đọc sách lại. Những cuốn sách đều phục vụ cho công việc đa cấp là chính. Chủ đề những cuốn sách đều xoay quanh về phát triển bản thân, đầu tư và kinh doanh, với mục đích là có một phần nhỏ kiến thức để làm slide thuyết trình cho CLB Làm Giàu của nhóm Đa Cấp thời đó.
Tình yêu thật sự đến
Sau khi ra trường đi làm tôi hầu như không có đọc một cuốn sách nào. Cho tới khi được anh trai giới thiệu cuốn"Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của Roise Nguyễn. Cuốn sách giúp tôi hiểu được giá trị của việc tự học và các kỹ năng cần phải có cho công việc của mình. Và tình yêu đọc sách của tôi bắt đầu từ đó.
Tôi bắt đầu lao vào đọc sách, tôi đọc đủ thể loại từ Tiểu thuyết kinh điển, trinh thám, tâm lý cho đến phát triển bản thân. Cuốn tôi yêu thích nhất là “Không gia đình” của tác giả Hector Malot. Một câu chuyện nhân văn và kết thúc có hậu, cuốn sách kể về cuộc phiêu lưu đầy thú vị của cậu bé Remi, trải qua biết bao nhiêu khó khăn và gian khổ đã tìm được gia đình nhỏ đã thất lạc của mình.
Mặc dù đã đọc sách nhưng cảm giác trong người vẫn còn thiếu một thứ gì đó ?
Văn hóa đọc sách - cải cách tầm nhìn
Tình cờ vào năm 2023 được người thân giới thiệu tôi đã đăng ký tham gia "Hành trình Kiến Tạo Văn Hóa Đọc K7". Sau hơn 2 tháng đào luyện cùng đồng đội và tham gia trọn vẹn hành trình đã giúp tôi NGỘ ra rất nhiều điều. Tôi đã bắt đầu trả lời được câu hỏi:
Tại sao tôi chưa duy trì được thói quen đọc sách?
Tại sao lâu nay tôi đọc sách nhiều nhưng không đạt hiệu quả cao?
Tại sao tôi không áp dụng được sách vào trong đời sống?
Tôi biết ra được rằng lâu nay tôi đã hiểu chưa đúng về giá trị của đọc sách. Tôi đọc sách đa phần chỉ với mục đích để tiêu khiển, giết thời gian và phục vụ cho công việc là chính. Chứ không phải là một công cụ để giúp tôi tiếp cận được nền tri thức mới và đồng hành cùng tôi trên con đường “Học tập suốt đời”
Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ, mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ”. Học mà không “tiêu hóa”, có khác nào con chim nhả cỏ, con tằm nhả dâu. – Trích trong cuốn Tôi Tự Học của tác giả Nguyễn Duy Cần
Một sai lầm nữa trong việc đọc sách là tôi chỉ đọc sách để biết qua các nội dung cơ bản mà không có thực sự đào sâu khi chép lại các ý chính, đúc kết thành bài học cho bản thân và áp dụng nó vào trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra lâu nay tôi chỉ chọn sách vì sở thích chứ chưa biết phân loại sách và chọn lựa các sách tinh hoa để đọc. Các cuốn sách hay thường là của các tác giả nổi tiếng , các cuốn sách được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ra mình tìm kiếm bằng cách xem qua mục lục, review hay qua chia sẻ của các độc giả khác.
Một yếu tố khác tôi không để ý đến là việc lựa chọn không gian và thời gian đọc sách cũng ảnh hưởng rất lớn tới việc đọc sách hiệu quả.
Và rồi từ đó tôi đã bắt đầu đọc sách bằng một tâm thái hoàn toàn khác. Tôi hiểu sâu sắc hơn về giá trị tuyệt vời mà sách mang lại cho chúng ta.
Chung tay xây dựng nội dung Trang Thư Viện 3 Gốc có chiều sâu, mang nhiều giá trị - hướng theo sợi chỉ đỏ "Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc".
Đọc sách tỉnh thức - giá trị đích thực
Sau khi hiểu ra giá trị của việc đọc sách, tôi bắt đầu đi vào nghiên cứu sâu thêm các phương pháp để giúp đọc sách hiệu quả hơn. Sau đây là một số phương pháp mình đang áp dụng và rất hiệu nghiệm:
Bước 1: Xác định rõ mục tiêu
Trước khi bắt đầu đọc, hãy xác định mục tiêu hoặc lý do bạn muốn đọc cuốn sách đó. Điều này giúp bạn tập trung hơn và có mục đích rõ ràng khi đọc.
Bước 2: Chọn lựa sách phù hợp
Để lựa chọn sách phù hợp các bạn có thể xem qua các kênh Review sách về sách rất chi tiết và nội dung hay có sàng lọc ở kênh Youtube: Spiderum Channel, Better Version Channel.
Bước 3: Sắp xếp thời gian đọc
Cần có sự phân chia và lựa chọn thời gian đọc sách hợp lý với bản thân. Chọn thời gian đọc sách vào lúc mình rảnh rỗi trong ngày, có thể là sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Một điều nữa là đừng tạo áp lực quá lớn khi mới bắt đầu, chỉ cần vài trang sách và bỏ ra khoảng 10-15p đọc sách nhưng liên tục mỗi ngày.
Bước 4: Ứng dụng kỹ thuật đọc
Học và luyện tập kỹ thuật đọc nhanh của Tony Buzan, “Kỹ thuật đọc sách siêu tốc” của TS Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Hà Books).
Bước 5: Dùng sơ đồ đúc kết
Mình thường dùng sơ đồ tư duy Mindmap để đúc kết ý chính, ý chạm và nội dung cốt lõi của cuốn sách. Đây là công cụ ghi chú sáng tạo, giúp hệ thống hóa thông tin và kích thích tư duy. Với việc sử dụng hình ảnh, màu sắc và từ khóa để liên kết các ý tưởng, tạo bản đồ trực quan dễ nhớ, đây chắc chắn là một công cụ hữu hiệu giúp ghi chép và đúc kết lại cuốn sách đã đọc.
Bước 5: Tham gia các khóa học
Nếu đã áp dụng hết những phương pháp trên mà hiệu quả đọc sách vẫn chưa cải thiện như mong muốn, bạn có thể rút ngắn thời gian bằng cách tham gia các khóa học.
Cách này giúp bạn cải thiện kỹ năng đọc sách của mình hiệu quả và nhanh chóng, không mất nhiều thời gian để mày mò. Hiện tại có 2 khóa mà mình đã tham gia rất hay và hiệu quả là: Hành trình kiến tạo Văn Hóa Đọc của Trí Tuệ Việt Nam và Đọc sách sâu của Viện đào tạo Bách Khoa. Hai khóa học này hoàn toàn miễn phí và giúp mình hình thành được kỹ năng đọc sách , đúc kết sách và ứng dụng sách vào trong thực tiễn.
Sau khi đọc sách nhiều tôi bắt đầu khám phá thêm được rằng " Để một con người phát triển toàn diện thì cần vun đầy cả 3 gốc rễ : Đạo đức - Trí Tuệ - Nghị Lực". Con đường để hoàn thiện bản thân đó đều phải thông qua phương thức "Tự học" và cần xây dựng cho mình môi trường "Tam Bảo" để rèn luyện. Tam Bảo ở đây là " Thầy Hiền Trí - Nhóm bạn tốt - Tủ sách hay". Nhờ nhận thức đó, tôi bắt đầu gia nhập Cộng Đồng GNH và bắt đầu con đường "Tự học" của mình.
Hành trình đọc sách từ lúc thơ bé đến khi trưởng thành giúp tôi nhận ra rằng đọc sách cũng cần có phương pháp đúng đắn. Điều đó giúp tôi từ một người không biết đọc đã biến sách thành một người bạn tâm giao; từ một người coi đọc sách để tiêu khiển đã biết biến sách trở thành công cụ hữu ích giúp rèn luyện bản thân và hoàn thiện chính mình.
Sách là kho tàng quý giá của toàn nhân loại, nó là những tinh hoa sâu sắc nhất của các bậc hiền trí , vĩ nhân mà ai cũng cần phải trau dồi và hấp thụ hàng ngày. Đọc sách như luyện kiếm, cần rèn luyện mỗi ngày để đạt tới cảnh giới cao siêu. Mỗi trang sách là một bí kíp võ công, ẩn chứa vô vàn tuyệt kỹ, giúp ta khai phá tiềm năng và bứt phá bản thân.
Hãy biến việc đọc sách thành thói quen, như một vị hiệp khách rong ruổi trên con đường tri thức, không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản lĩnh. Đừng ngại dấn thân vào những trận chiến cam go, bởi mỗi lần chiến thắng là một lần ta trưởng thành và tiến gần hơn đến đỉnh cao võ học. Chúc bạn thành công.
***
Nội dung: Bùi Công Huân - Học viên Content 3 gốc K7
Biên tập: Nhàn Lý
Hình ảnh: Bùi Công Huân
Comments