Yêu thương là nhu cầu cơ bản của con người, có lẽ ai trong chúng ta cũng mong muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, đi kèm với yêu thương lại là cảm giác muốn sở hữu. Tính sở hữu càng nhiều thì nỗi sợ mất đi điều mình yêu quý càng tăng, chính tâm trạng bất an đó làm chúng ta ghen. Ranh giới giữa yêu và ghen dường như rất mong manh, nó sẽ hướng về tiêu cực nếu ta để tham ái dẫn dắt, nhưng nó sẽ hướng về tích cực nếu chúng ta có trí tuệ.
Vậy làm sao để yêu thương luôn giữ được giá trị thuần khiết như đúng tên gọi? Blog 3 gốc mời bạn đọc bài viết dưới đây để đào sâu, thấu hiểu và cảm thông cho cơn ghen, rồi từ đó bạn sẽ biết cách để “Chọn ghen cho đúng, chọn trúng người yêu”.
MỤC LỤC
1.3 Nếu ghen không đúng?
4. Chọn Yêu cho dúng
1. Ghen mới gọi là yêu?
Cơn ghen thường được bao biện bằng một lý do rất chính đáng “vì quá yêu”. Thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng thật sự có đúng vậy không?
1.1 Tại sao khi yêu người ta lại hay ghen?
Chúng ta giống như những đứa trẻ luôn giữ khư khư món đồ mình quý, không muốn ai chạm vào vì sợ bị lấy mất. Tính sở hữu trong con người rất cao, rất sợ mất đi những thứ yêu thích như tài sản, mối quan hệ, danh vọng, đặc biệt là tình yêu. Tình yêu là thứ mà người ta thường đặt tất cả tâm huyết vào nên khi có được chúng con người thường ra sức bảo vệ bằng mọi giá, khó lòng chấp nhận để ai khác đến phá vỡ.
Cho nên ghen tuông căn bản chỉ là một bản năng tự vệ vì chúng ta sợ mất, sợ tình cảm đang có sẽ không còn nữa, sợ cảm giác thiếu hụt bên trong. Chỉ cần linh cảm bảo rằng có ai đó yêu người thương của ta, hoặc so sánh người thương quan tâm đến ai đó nhiều hơn mức bình thường thì ngay lập tức bản năng tự vệ bên trong nổi lên, hạt giống sân giận nhen nhóm.
Cũng có trường hợp có thể vì quá yêu nên ta tự nguyện trao trọn trái tim cho đối phương một cách lệ thuộc, yếu đuối. Hoặc cũng có thể vì sự ích kỷ nên ta đặt mong muốn hoàn toàn vào đối phương, muốn họ là của mình, muốn họ đặt cả trái tim, sự tin tưởng vào mối quan hệ này tuyệt đối như cách ta đang thể hiện. Những cách ứng xử với tình yêu như vậy được gọi là sự dính mắc, nó làm chúng ta trở nên mù quáng, thiếu suy xét, do đó khi cảm giác ghen chợt đến ta sẽ dễ dàng bị quật ngã nhanh chóng. Trái tim và lý trí lúc ấy không có mặt nơi ta mà đang gửi nơi người khác, cơn ghen đến thật nhanh không cho ta thoát ra mà kiểm soát toàn bộ cảm xúc lúc này.
Một cách hiểu khác về nguyên nhân dẫn đến ghen là khi khoang chứa yêu thương bị cạn kiệt. Theo TS Gary Chapman tác giả sách “5 ngôn ngữ yêu thương” cho rằng “Mỗi người có một khoang chứa yêu thương cần được làm đầy, nếu khoang chứa này bị cạn kiệt con người trở nên mất năng lượng, hành xử xấu xí. Những lần bị bỏ rơi, thiếu thốn tình thương trong quá khứ, những niềm tin sai lệch, nghi ngờ chính bản thân mình và đối phương làm cho khoang chứa yêu thương dần cạn kiệt”.
Có thể thấy cảm giác an toàn là nhu cầu cơ bản của con người, nên khi bản thân cảm nhận mối quan hệ đang có dấu hiệu bị xâm chiếm thì cảm giác bất an nhanh chóng xuất hiện. Kết hợp với khoang chứa yêu thương đang cạn kiệt, đồng nghĩa với tình trạng lòng bao dung dần ít đi thì cơn ghen sẽ chớp thời cơ bùng phát, vì nó biết lúc này chúng ta mất đi khả năng kiềm chế. Do vậy đừng chối bỏ cơn ghen bên trong, mà thay vào đó hãy thấu hiểu sự vận hành của nó.
1.2 Ta yêu người hay yêu chính mình?
Chúng ta có tình cảm với người này mà không phải người kia, vì người đó đem lại cho ta cảm giác ấm áp, vui vẻ, hạnh phúc, phấn chấn, vì người ấy có quan điểm hợp với ta, chiều theo những ý muốn của ta. Khi ở bên người ấy chúng ta cảm thấy nhiều năng lượng, có sức mạnh để làm được nhiều thứ, làm cho tâm hồn ta bay bổng, ta tự tin, …và rất nhiều cảm giác tích cực, sung sướng người ấy mang lại cho ta.
Ngược lại khi người ấy không cùng quan điểm, thiếu đồng cảm với ta, nói lời khó nghe, dáng đi thì luộm thuộm, tính cách thô lỗ, sống thiếu trách nhiệm, người thiếu năng lực, toàn mang lại cho ta những cảm giác khó chịu, bực bội…thì ta liền nghĩ ngay đến việc kết thúc mối quan hệ ấy.
Có lẽ khi bước vào mối quan hệ ta chỉ mong được thoả mãn mong muốn cá nhân của chính ta, hay nói cách khác là yêu chính bản thân ta hơn là mong muốn nâng đỡ người thương.
1.3 Như thế nào nếu ghen không đúng?
Thỉnh thoảng chúng ta đọc báo lại nghe được nhiều tin tức thương tâm vì hậu quả của những cơn ghen, có tình huống rất nặng như đoạt mạng sống của nhau, bêu xấu nhau giữa đàng, hoặc nhẹ hơn là câu tít nói bóng gió về tình trạng trái tim đặt sai chỗ….
Cho dù những cơn ghen ấy có lý do chính đáng hoặc chỉ phỏng đoán thì hệ lụy là rất lớn. Cơn ghen không những làm tổn thương về thể xác mà còn in hằn những vết thương khó xoá bỏ trong tâm hồn. Người rơi vào cơn ghen có thể nghĩ ra nhiều cách trả thù đối phương, như đánh ghen thật hoành tráng, cắt đứt mối quan hệ, đóng cửa trái tim mình. Nhiều người lên kế hoạch thay đổi cuộc sống bằng cách thành công trong sự nghiệp, xinh đẹp hơn để người kia tiếc nuối vì đã không trân trọng mình.
Dù chọn cách trả thù nào đi chăng nữa thì sợi dây tơ vò bên trong vẫn đang rối, hiểu lầm chưa được hóa giải, hờn giận chưa được nguôi ngoai nên cơn ghen chỉ là đang bị đè nén bên dưới, nó đợi tới một ngày trỗi dậy mạnh mẽ. Do đó cần phải tìm ra cách để hoá giải cơn ghen.
2. Hóa giải khi cơn ghen bùng nổ
Để bảo hộ cho chính tâm ta, chúng ta cần hiểu, rèn luyện một nội tâm vững chãi để hóa giải những hạt giống ghen càng sớm càng tốt. Như sư ông Thích Nhất Hạnh đã từng dạy ta “có hiểu mới có thương” nên ta cần thực hành các bước sau.
2.1 Thấu hiểu bản năng của con người
Cuộc sống hàng ngày của mỗi con người ngoài thời gian ở với gia đình chúng ta còn tương tác với những mối quan hệ khác ngoài xã hội. Đôi khi thời gian dành cho công việc và tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn ở nhà sẽ làm chúng ta dễ dính vào con đường tham ái. Bởi lẽ, trong 12 nhân duyên mà Đức Phật đã dạy có nói về tiến trình xúc - thọ - ái. Việc tiếp xúc lâu với đối tượng sẽ sinh ra cảm thọ trên cơ thể từ đó sinh ra yêu mến. Cảm xúc nảy sinh mà chúng ta lại thiếu khả năng kiềm chế bản thân thì ngoại tình là điều tất yếu phải xảy ra.
Đó cũng là lý do khi chúng ta thấy đối phương tiếp xúc nhiều với ai đó thì cảm giác ghen tuông tự nhiên sẽ biểu hiện lên. Để giúp người yêu thêm lòng tin và cũng là cách phòng hộ cho chính mình thì chúng ta nên giữ chừng mực trong các mối quan hệ, luôn để chính tâm ta đi đúng đường ngay lẽ phải.
2.2 Thấu hiểu chính mình
Nhận diện và chấp nhận cảm xúc như nó là
Ghen là cảm xúc tự nhiên, vì thế thay vì đè nén, hãy nhẹ nhàng quan sát nó. Chánh niệm là phương pháp hữu hiệu để nhận diện cảm xúc của bản thân, nhờ nhận diện được mà ta giảm việc đẩy vọng tưởng đi quá xa hơn với thực tế. Khi nhận thấy trong lòng bất an chúng ta nên dừng lại lời nói, hãy để suy nghĩ được nới rộng thay vì bó hẹp trong một đối tượng. Hãy chú tâm vào quan sát hơi thở để điều hoà thân và tâm lúc nhận diện được sự bất ổn bên trong. Cả không gian bên trong lúc này sẽ giảm bớt những suy nghĩ miên man, tâm trí tĩnh lặng thì ta mới có thể quan sát cả một tiến trình cơn ghen kéo đến, dâng trào và giảm đi một cách rõ ràng.
Cùng lúc này không quên nhắc bản thân chấp nhận những cảm xúc như nó đang là, mặc dù tình huống thực tế ta sẽ hay đổ lỗi cho mình hay đối phương. Chấp nhận chính mình hoàn toàn là cách để ta có thêm sức mạnh, khi ta nhen nhóm lên cảm giác chối bỏ bản thân thì dường như ta lại càng rơi vào bế tắc. Đôi khi, ta quá yếu chưa đủ sức để chấp nhận những bất thiện bên trong mình, thì hãy xem cuộc sống là vô thường, mọi việc đều có thể thay đổi, và tình yêu của bạn cũng đang đổi thay để có thể vui vẻ chấp nhận.
Làm mới và yêu chính bản thân mình
Yêu nhau một thời gian mà mối quan hệ rơi vào giai đoạn trũng là lúc chúng ta nên dành thời gian để làm mới và yêu chính bản thân mình. Khi nhận thấy tình cảm nhạt dần, cả hai ít mong muốn khám phá lẫn nhau, hay như sự kết nối đang bắt đầu trống rỗng thì nên dừng lại để quan sát. Lúc này khoang tình yêu của cả hai đang trống rỗng, xu hướng tự nhiên chúng ta sẽ tự tìm cách làm đầy khoang tình yêu ấy để cân bằng cảm xúc. Nếu như hai người trong mối quan hệ không đáp ứng được thì khả năng rất cao chúng ta sẽ đi tìm đối tượng khác để đáp ứng nhu cầu tình cảm. Thay vì nổi cơn ghen thì chúng ta nên lui về để học cách yêu bản thân mình trước.
Yêu chính bản thân mình cũng không có gì sai, vì nếu mình không yêu mình thì ai sẽ yêu mình, nhưng phải yêu mình đúng cách. Khi năng lượng đi xuống, con người thường làm nhiều cách để yêu chiều bản thân như đi mua sắm, ăn nhiều món ngon, khóc thật nhiều, ngủ vùi đến hết ngày, có người lại tìm đến nơi yên tĩnh để lắng lòng lại.
Yêu bản thân đúng cách là khi chúng ta ý thức được việc làm ấy đi về hướng thiện, không để lại hậu quả đáng tiếc. Yêu bản thân đúng cách là khi ta thấu hiểu chính mình, hiểu những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Từ đó làm mới mình bằng việc khám phá tài năng, đem sức mình để giúp sức cộng đồng tốt hơn. Khi sống có ý nghĩa thì khoang chứa tình yêu sẽ dần được đổ đầy, lúc này ta sẽ sẵn sàng yêu người khác bớt điều kiện hơn.
2.3 Trao đi yêu thương
Giúp nhau làm đầy khoang tình yêu
Như một cái cây lâu ngày thiếu nước, hay lớn lên trong một môi trường độc hại, tình yêu nào không được vun trồng tưới tẩm sẽ ngấm ngầm bị đầu độc bởi những sự tiêu cực thì rồi một ngày cũng sẽ khô héo. Cãi vã, ghen tuông chỉ là hệ quả của một tiến trình mà ở đó chính chúng ta mỗi ngày đều dày lên sự ích kỷ mà vơi dần đi khoang chứa tình thương. Sau đây là 4 bước làm đầy khoang tình thương của đôi bạn:
#1 Làm đầy tình thương cho mình
Hãy tạo lập thói quen tích cực để khởi đầu một ngày mới. 30' đầu ngày thôi nhưng là cách để chúng ta giữ được sự tươi mát cho bản thân mình mỗi ngày.
10’ thư giãn, thả lỏng toàn thân
10’ khôi phục sự tĩnh lặng và tâm trí sáng suốt bằng thiền
10’ để lên kế hoạch công việc cần làm và nên làm trong ngày một cách rành mạch nhất
Hãy nhìn vào trong gương, thả lòng và tặng mình một nụ cười tươi. Hãy giải phóng mọi căng thẳng. Hãy buông trôi những nỗi đau. Hãy kết nối với thiên nhiên. Hãy rèn luyện bản thân biết chấp nhận và yêu thương mọi vật, yêu thương mọi người.
#2 Bày tỏ sự hối lỗi
"Chúng ta bày tỏ sự hối lỗi và xin được tha thứ cho những việc chúng ta đã gây ra tổn thương cho người khác, bởi sự vụng về và thất niệm của mình"
Hãy bày tỏ sự hối tiếc về những điều ta đã nói, hoặc đã làm, mà có lẽ đã gây phiền muộn cho người kia bằng thái độ chân thật và thành tâm nhất.
Đây là cơ hội để chúng ta tháo gỡ tất cả những khúc mắc hình thành bởi những lời nói và hành động đó. Hãy bày tỏ sự hối lỗi với thái độ chân thật và chân thành. Ngàn lời nói đẹp sau cùng cũng không thể che giấu mãi cho sự thiếu thành khẩn. Dù là nói ít, hãy cố gắng nói với sự thành tâm.
#3 Nói lên cảm xúc
Có phải biết bao lần chúng ta để mặc cho những ấm ức, khó chịu gặm nhấm tâm hồn của chính mình trong im lặng thay vì nói ra và giải quyết chúng? Đây là một thói quen rất độc hại khi chúng ta thiếu sự chân thật trong kết nối với chính mình và mọi người. Hãy chậm lại và viết xuống những tâm tư, những suy nghĩ, những trách cứ của chính mình trước nào. Đấy là cách đầu tiên để thẳng thắn nhìn sâu vào bên trong mình.
Rồi hãy đem những tâm tư ấy nói với người thương. Mình buồn và đau khổ sao, hãy nói lên. Mình vui hay hạnh phúc như nào, cũng nói lên. Từng điều một, bằng sự thành khẩn mong người ấy thấu hiểu cho mình. Nhưng hãy chỉ nói về cảm nhận của mình thôi, đừng xen lẫn phân tích, lý luận, hay bất cứ điều gì khác. Đơn thuần chỉ là cảm xúc của mình mà thôi.
#4 Tiếp nhận thông tin & Thiền ôm
"Thường thì những nỗi đau của chúng ta bắt nguồn từ những thông tin sai lầm hoặc chưa đầy đủ". Tìm hiểu về những gì đã diễn ra với người khác và nguyên do ẩn chứa đằng sau những hành động của họ có thể giúp ta tiến xa hơn trong việc chữa lành mối quan hệ.
Sau khi đã khôi phục lại năng lượng cho chính mình, cho người thương, nền móng cho một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng đã được thiết lập, thì chúng ta hãy cùng trao đổi về từng việc đã khiến chúng ta phiền muộn. Hãy tạo cơ hội để sự thật được hé mở.
Khi mọi sự đã tỏ tường và tình yêu thương được mời trở lại, hãy dành cho chính mình và người thương một cái ôm đúng nghĩa - hãy cảm nhận sự có mặt trọn vẹn của mình và người thương ngay chính lúc này và dành cho cả hai sự biết ơn sâu sắc nhất.
Thực tập hạnh buông xả
Mỗi người là một cá thể riêng biệt, cho dù họ có gắn chặt với đời ta thì họ cũng phải hít thở không khí riêng, sống với những sở thích và ước vọng riêng không thể trùng lặp với ta được. Cho nên hãy buông xả để cho người ấy một khoảng trống để thở, tôn trọng những không gian riêng và sở thích của họ, điều đó giúp họ thật sự sống cuộc đời của họ.
Còn nếu đối phương đã hết tình cảm không còn muốn cứu vãn thì chúng ta nên buông tay. Vì khi ta yêu ai đó ta đều mong cho họ sống hạnh phúc, nếu ta không đem lại hạnh phúc cho họ thì hãy để họ ra đi, nơi mà họ đã chọn lựa.
3. Chọn ghen cho trúng
Cơn ghen như ngọn lửa cạnh đống rơm khô, chỉ cần một vài tàn lửa nhỏ rơi vào đống rơm thì chúng có thể thiêu đốt mọi thứ xung quanh. Thật khó để kiểm soát khi trong ta lúc nào cũng nhen nhóm ngọn lửa ghen tuông cho dù là nhỏ nhất. Tâm bất an thì khởi sinh liên tục trong khi khả năng quan sát bên trong thì rất khó để luyện tập.
Có hai trường hợp khi cơn ghen xảy ra, một là cơn ghen ấy chỉ do trí tưởng tượng mà ra hoặc cơn ghen ấy có bằng chứng xác đáng. Vậy chúng ta cần ghen sao cho trúng người, trúng thời điểm với hai tình huống này.
Nếu cảm xúc của ta chưa vững vàng, trí tưởng tượng của ta quá phong phú, mọi tình huống đều do tâm trí ta vẽ nên thì ta nên dừng lại quan sát cảm xúc của mình. Luôn nhớ rằng giận quá sẽ mất khôn, đừng nói hoặc hành động gì khi cảm xúc đang chiếm lấy thân ta. Sau đó, ta sẽ tỏ lòng mình với người thương của ta, thừa nhận những yếu đuối, ghen tuông của ta và nhờ người thương giúp đỡ ta vượt qua cơn cảm xúc này. Nếu người ấy thương ta thật lòng chắc chắn người ấy sẽ chân thành gỡ rối cho ta.
Trường hợp tệ hơn, cơn ghen xuất phát từ mắt thấy, tai nghe và người ấy cũng thừa nhận thì ta cũng nên bình tĩnh để xử lý. Có thể người ấy có lý do mà rất khó để nói ra, cũng có thể vì ta đã không hiểu ngôn ngữ tình yêu của người ấy nên đã không tạo ra được không gian yêu thương theo đúng ngôn ngữ của họ. Nên lúc này ta cần lắng nghe chân thành để có quyết định đúng đắn.
Nếu người ấy vẫn còn mong muốn giữ lại mối quan hệ thì ta cần xem xét lại điều này có trùng với mong muốn của mình không, hoặc chúng ta có sẵn sàng buông tay để họ đi tìm hạnh phúc thật sự hay chưa. Như Hoàng Hậu Nam Phương xưa kia cũng đã từng ghen khi biết có người phụ nữ khác chăm sóc chồng, bà không thể hiện thái độ ghen mà chỉ gửi thư cảm ơn để người thứ ba có thể hiểu được vị trí của mình.
Do ghen sai mới để lại nhiều hệ lụy cho nhau, đánh mất đi chính bản thân mình. Nếu ghen đúng người trong cuộc sẽ rất nể với thái độ ứng xử đầy bản lĩnh. Thực hành các bước hóa giải cơn ghen như đã nói ở trên sẽ giúp bạn ghen đúng.
Ghen đúng cũng như một cách hành xử đúng, nó giúp ta tôn trọng chính bản thân ta, tôn trọng người thương của ta, và là một nét văn hóa giúp con người chúng ta biết sống đúng đắn. Bởi vì biết mình sai, biết cách để sửa sai là chúng ta đã lớn lên về nhận thức, để biết cách yêu đúng hơn từ đó trái tim bao dung hơn. Đừng để những cơn ghen làm cho chúng ta ngày càng sai hơn, đẩy người thương ra xa hơn và mình ta mãi lẻ loi với những tổn thương.
4. Chọn đúng cách yêu
Yêu và được yêu là nhu yếu của mỗi con người, nhưng hầu như chúng ta lại không thưởng thức tình yêu mà để bản năng dẫn lối.
4.1 Tình cảm vượt lên trên tình yêu – Tình thân
Trong giai đoạn đầu yêu nhau, cảm giác nôn nao, rộn ràng, mãnh liệt thuở ban đầu khiến người đang yêu nghĩ rằng tình yêu của họ là bất biến, những cảm xúc tuyệt vời này sẽ luôn ở trong mối quan hệ của họ. Họ có sức mạnh để làm bất cứ điều gì cho nhau, dẫu những các cặp đôi khác đổ vỡ nhưng tình cảm của họ thì không. Nhà tâm lý học Dorothy Tennov sau nhiều nghiên cứu đã kết luận “Tuổi thọ trung bình của những cảm xúc yêu đương cuồng nhiệt là hai năm”.
Sau những kỳ trăng mật đẹp như mơ, những khoảng thời gian ngất ngây vì tiếng sét ái tình của các cặp đôi, họ trở về đối diện với thực tế cuộc sống. Họ là người thân của nhau, luôn bên nhau trong mọi sinh hoạt thường ngày, sánh đôi với nhau thực hiện những ước mơ cao đẹp. Vậy làm sao để tình cảm của họ mãi đẹp như thuở ban đầu.
4.2 4 chất liệu yêu thương Từ - Bi - Hỉ - Xả
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có nhắc nhở chúng ta thực hành 4 chất liệu yêu thương theo lời Phật dạy về Từ - Bi – Hỉ - Xả.
“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Tình yêu đích thực là hiến tặng những gì tốt đẹp, chân thật nhất của mình cho người mình yêu. Chỉ nên bước vào tình yêu khi bản thân có tình yêu để cho đi. Có những lúc, trong ta toàn chứa những suy nghĩ độc hại, chất chứa nhiều khổ đau, ta cần chia sẻ để người ta thương có thể thấu hiểu và giúp ta vượt qua.
“Bi” là khả năng giúp người ta thương bớt khổ. Khi người thương của ta rơi vào cảm giác ghen là ta biết rằng họ đang đau khổ bởi vì họ phải chiến đấu với cái bất an xuất hiện trong chính bản thân họ. Là một người yêu vững chãi ta cần giúp người ta thương hiểu ta hơn, để họ tin tưởng vào ta, an lòng hơn và bớt đi những cái khổ tâm của họ.
“Hỷ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Tình thương chân thật phải có niềm vui. Nếu thương nhau mà hai bên đều đau khổ mỗi ngày thì tình thương ấy không phải là tình thương đích thực.
“Xả” là không phân biệt, kỳ thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Xả tức là không kỳ thị, không phân biệt, là khả năng bao dung không bỏ sót một ai dùng người đó đã từng làm mình khổ đau, điêu đứng.
Chúa Giêsu cũng dạy “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi"
Trong quá trình sống chung thì những khác biệt, những điểm yếu của cặp đôi sẽ lộ rõ. Cảm giác quen thuộc đôi khi khiến chúng ta quên mất mục đích cao đẹp khi ước nguyện đến với nhau. Luôn nhắc nhở nhau cùng thực hành Từ - Bi – Hỷ - Xả sẽ giúp đời sống của chúng ta thêm giá trị, tình yêu cũng sẽ từ đó mà nở hoa.
5. Kết luận
Ghen thực chất là cảm xúc đến khi tâm chúng ta đang bất an, khi lòng từ bi, tình yêu thương, sự thấu hiểu trong tim ta đi vắng. Để những cơn ghen không là tội đồ gây ra tổn thương cho chính ta cũng như người thương của chúng ta, để tình yêu luôn được thể hiện trọn vẹn như cái tên của nó chúng ta cần hiểu chính những nỗi đau của những cơn ghen. Hóa giải những cơn ghen bằng sự thấu hiểu và tình yêu thương.
Vì con người ta đến với nhau là để bù đắp cho những thiếu hụt của nhau, giúp nhau cùng trưởng thành và trao cho nhau tình yêu thương thuần khiết.
Blog 3 gốc hy vọng bài viết đã mang lại nhiều góc nhìn thú vị cho bạn về Yêu và Ghen. Bạn cảm nhận được điều gì lúc này, hãy bình luận bên dưới cho chúng tôi biết nhé!
Nội dung: Thu Thuỷ - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Comments