top of page

CÁCH MỜI GỌI TÌNH THƯƠNG KHI GIẬN DỮ

Updated: Mar 12

Bên trong mỗi chúng ta đã có sẵn hạt giống sân giận, nó nằm sâu bên dưới như những đợt sóng âm ỉ. Ta không hề hay biết, cứ thế tiếp nhận thêm năng lượng tiêu cực mỗi ngày, để rồi khi “lượng đủ chất thay đổi”, con sóng nhỏ biến thành cơn sóng thần tuôn ra một cách mạnh mẽ - cơn giận dữ xuất hiện. Ta lao ra gầm rú như con hổ đói khát giữa chốn rừng xanh, mọi lời nói, hành vi ngay lúc này không còn được kiểm soát. Biết mình sai, cảm thấy hối hận nhưng không thể làm gì, vì lúc ấy ta quên mất mình là ai. Vậy phải làm sao?


Blog 3 Gốc xin mời bạn cùng dành thời gian đọc thật kỹ, ngẫm thật lâu bài chia sẻ dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé!




MỤC LỤC

5. Lời kết

Giận dữ là phản ứng tâm lý tự nhiên khi có bất như ý xảy đến với mình
Giận dữ là phản ứng tâm lý tự nhiên khi có bất như ý xảy đến với mình

1. Giận là gì? Các cấp độ của giận dữ dựa trên “bánh xe cảm xúc”

  • Giận là gì?

Theo đạo Bụt, 3 yếu tố ảnh hưởng xấu đến chúng ta là Tham, Sân và Si. Trong đó, Sân giận hay giận dữ là 1 trong 3 yếu tố mà Bụt dạy ta cần loại bỏ. Sân giận là tâm chối bỏ, đẩy đi, không chấp nhận với những điều bất như ý (không theo mong muốn). Ở mức cao hơn, cơn giận biến thành “sự phá huỷ” thì nó sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ đến nhân cách, công việc và các mối quan hệ xung quanh. Cho nên chúng ta thường sẽ có xu hướng né tránh khi nhắc đến cơn giận.


Tuy nhiên, dưới góc nhìn tâm lý thì giận dữ nằm trong 8 cảm xúc cơ bản “rất con người” đó là: giận dữ, mong đợi, vui vẻ, tin tưởng, sợ hãi, bất ngờ, buồn bã và chán ghét. Bởi vì nó là một phần trong mỗi chúng ta, vậy bạn chọn loại bỏ hay giữ lại?


Để đưa ra được câu trả lời chính xác, chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn nữa vào gốc rễ của cơn giận nhé!

  • Các cấp độ giận dữ

Như đã nhắc ở trên về 8 loại cảm xúc - đây là công trình nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Robert Plutchik. Ông đã sắp xếp cảm xúc thành vòng tròn theo 8 màu sắc khác nhau “Bánh xe cảm xúc”, mỗi nan hoa biểu hiện cho một trạng thái cảm xúc khác nhau của con người. Nhờ đó, ngay lúc này bạn có thể nhìn vào vòng tròn để biết cảm xúc mình đang như thế nào, ở mức độ ra sao.


Tuy nhiên, trong phạm vi chủ đề “Giận dữ”, chúng ta chỉ tập trung quan sát cánh hoa màu đỏ, nơi thể hiện các cấp độ của cơn giận. Chỉ riêng đối với cơn giận, cường độ tăng dần khi chúng ta dịch chuyển càng về gần trung tâm, và ngược lại cường độ giảm dần, màu sắc của cánh hoa cũng nhạt hay đậm dần tùy vào cường độ.


Bánh xe cảm xúc theo Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Robert Plutchik


Có 3 cấp độ của cơn giận

  • Bực bội: cảm giác tức tối, bực mình, khó chịu vì không vừa ý nhưng không thể hiện bằng hành động

  • Giận dữ: cảm giác rất giận, rất tức, thể hiện qua thái độ, vẻ mặt hoặc trạng thái, khiến người khác phải sợ.

  • Thịnh nộ: cơn giận lớn, rất dữ dội, được thể hiện qua hành động, vẻ mặt, lời nói, quát tháo khiến người khác phải khiếp sợ.

Nhận diện được mình có hạt giống sân giận, cảm nhận được mức độ cơn giận của mình ngay khi nó khởi lên là bước rất quan trọng trong tiến trình chuyển hóa. Đừng bỏ qua bước này, vì chỉ khi bạn thấy rõ cơn giận trong mình, bạn mới có thể tìm hiểu được nguyên nhân đến từ đâu.


2. Khởi nguồn của cơn giận

Bạn thức dậy muộn, quần áo chưa ủi, đồ ăn sáng chưa chuẩn bị, vội vã bạn lao tới công ty. Hôm nay lạ lắm, đường thì kẹt xe, đèn đỏ thì lâu hơn, tiệm bánh mì gần chỗ làm cũng bắt bạn chờ gần 15 phút.


Đang thưởng thức bữa sáng chưa xong thì email dí deadline dồn dập. Vứt ổ bánh mì sang bên, bạn lao vào xử lý các việc khẩn cấp để gửi kịp cho sếp. Chưa đầy 5 phút, bạn nhận được email phản hồi từ sếp chê trách thái độ làm việc của bạn, vì bạn đã phạm các lỗi cơ bản trong bản báo cáo. Lòng hậm hực, bạn bắt đầu và kết thúc một ngày làm việc không mấy vui vẻ. Trở về nhà, bụng đói meo nằm dài trên ghế sofa thì mẹ ở quê gọi.


Chưa kịp tỉnh táo, bạn đã nghe mẹ tuôn một tràng lời than thở về cách sinh hoạt, ăn uống. Như chạm trúng nỗi đau, bạn gào lên với mẹ một cách mất kiểm soát. Cũng tình huống tương tự, nhưng trong bối cảnh bạn đã kết hôn, thì người hứng chịu cơn giận giữ đó có thể là chồng / vợ, hay là con của bạn.


Bạn thấy đấy, cơn giận dữ không phải đến ngay lập tức, mà nó là quá trình tích tụ nhiều bực tức, khó chịu, đến khi “đủ số lượng” chạm vào đúng hạt giống sân giận bên trong, cơn giận dữ bùng phát.

Cùng tìm hiểu những yếu tố bên ngoài và bên trong làm trỗi dậy cơn giận dữ.


Khởi nguồn cơn giận từ bên ngoài

Mỗi ngày chúng ta tiếp nạp rất nhiều thứ bên ngoài vào thân và tâm, trong Đạo Bụt gọi là Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực.

  • Thức ăn vật lý nạp vào mỗi ngày - Đoàn thực

Thức ăn vật lý ngoài vai trò làm ta no bụng, cung cấp chất dinh dưỡng, nó còn cung cấp năng lượng tích cực hay tiêu cực tùy vào cách ta chọn.


Con vật được nuôi dưỡng trong điều kiện thiếu thốn, ngược đãi thì miếng thịt của nó cũng mang đầy sự sân hận, uất ức. Khi được chế biến, những chất độc đã ngấm sâu vào từng tế bào cũng sẽ đi vào cơ thể của bạn khi ăn, bạn tiếp nhận luôn phần tiêu cực đó.


Ngược lại, ăn rau củ quả, trái cây tươi mát được trồng với sự yêu thương, chăm bón cẩn thận từ người trồng, bạn nhận được nguồn năng lượng tích cực, tươi mát và thanh cao.


So sánh hai loại thực phẩm trên, bạn sẽ thấy rõ thực phẩm nào là nguyên nhân đem lại “tập khí” giận dữ đúng không. Một miếng nhỏ có thể làm bạn vui ngay lúc ăn, nhưng tích tụ nhiều năm tháng sẽ tạo ra nhiều chất độc bên trong bạn.


Hạt giống được chăm bón cẩn thận từ tình yêu thương của người trồng sẽ nhận được nguồn năng lượng tích cực và tươi mát
Hạt giống được chăm bón cẩn thận từ tình yêu thương của người trồng sẽ nhận được nguồn năng lượng tích cực và tươi mát

  • Tiếp xúc nguồn thông tin thông qua 5 giác quan - Xúc thực

Chúng ta tiếp nhận nguồn thông tin thông qua: nghe, nhìn, ngửi, nếm, xúc chạm. Nguồn thông tin có thể là báo chí, truyền hình, quảng cáo, sách, mạng xã hội, các mối quan hệ từ gia đình, đồng nghiệp…


Nếu ta chỉ thích theo dõi các tin tức “giật gân” như soi mói đời tư, khoe của, xu hướng độc hại… thì các giác quan sẽ tự thu nạp các thông tin này vào tâm trí rồi biến chúng thành chất độc. Lúc mới tiếp xúc ta tự tin cho rằng xem/nghe rồi sẽ quên ngay thôi, nhưng sự thật những nguồn thông tin nó vẫn ở đó, nó thấm vào chúng ta từng chút một.


Thêm vào đó, môi trường gia đình rất quan trọng đến việc hình thành nhân cách con người. Khi ta còn là những đứa trẻ, tâm trí ta như miếng bọt biển có thể thấm hút tất cả mọi thứ. Nếu cha mẹ luôn chứa đầy sự giận dữ, trách móc và hận thù thì khả năng rất cao chúng ta sẽ là những người lớn đầy giận dữ. Ngược lại, nếu cha mẹ đã nuông chiều trong điều kiện quá đầy đủ, thì sự giận dữ được sinh ra từ sự ích kỷ, từ việc không chấp nhận những điều trái ý mình.


Thêm nữa, tâm thức xã hội cho rằng giận dữ chính là bản năng tự vệ của con người, nhờ có giận dữ mà ta chứng tỏ uy quyền, là bậc bề trên để không ai có thể uy hiếp được. Chính lối suy nghĩ đó cũng tạo nên những cơn giận dữ trong ta.


Từ việc phân tích 2 loại thức ăn Đoàn Thực, Xúc Thực như trên, ta sẽ thấy tác động của nó đến tâm thức bên trong như thế nào. Khi thức ăn hay những thông tin độc hại tác động đến ta, chúng ta sẽ dành thời gian để nhớ, suy nghĩ - Tư niệm thực về nó, lâu dần nó chuyển hóa thành nhận thức - Thức thực. Từ cái bên ngoài nó biến thành cái bên trong, tạo ra thêm những hạt giống sân giận. Nếu không ý thức ngăn chặn từ đầu, ta sẽ vô thức nuôi dưỡng sự độc hại từ bên ngoài vào.


Khởi nguồn cơn giận ở bên trong

  • Khởi nguồn của cơn giận từ bên trong não bộ

Đầu tiên, chúng ta sẽ phân tích dựa trên thuyết ba bộ não con người MacLean

Xét về mặt khoa học, theo thuyết về ba bộ não con người được đề xuất bởi bác sĩ, nhà thần kinh học người Mỹ Paul MacLean. Bộ não của chúng ta chia ra làm 3 khu vực: Não bò sát, não thú và não người.


Não bò sát

Điều chỉnh các chức năng quan trọng về bản năng sinh tồn tự nhiên.


Não thú

Là trung tâm tạo ra những cảm xúc buồn, vui, giận dữ,... trong hệ thần kinh. Não thú có khả năng ghi nhớ các liên kết giữa nguyên nhân, kết quả đã xảy ra trong quá khứ, sử dụng các ký ức này để đánh giá tình huống hiện tại, từ đó sinh ra các cảm xúc tương ứng để chi phối hành vi.


Ví dụ: Bạn sẽ nổi cơn giận với ai đó khi biết rằng họ đã từng trêu chọc hay tấn công bạn.


Não người

Là nơi chịu trách nhiệm cho tất cả các hoạt động có ý thức bậc cao như ngôn ngữ, tư duy logic, suy nghĩ trừu tượng, khả năng sáng tạo, ý thức.


Não người sẽ là nơi giúp chúng ta có thể lưu trữ ký ức và kiểm soát các cảm xúc hình thành ở vùng não thú. Vùng não này cho phép chúng ta có khái niệm về tương lai và là nơi những ước mơ tốt đẹp hay lòng nhân ái, tình yêu thương được hình thành.


Cảm xúc giận dữ hay sự yêu thương đều xuất phát từ 3 khu vực bên trong não bộ
Cảm xúc giận dữ hay sự yêu thương đều xuất phát từ 3 khu vực bên trong não bộ

Từ thuyết về ba bộ não con người của MaClean ta nhận thấy rằng khi ta giận dữ, buồn vui, xúc động… là những cảm xúc được hình thành nên từ vùng não thú. Ở đây hoạt động của con người bị chi phối bởi cảm xúc mà không có tư duy hay kiểm soát.


Điều này đã lý giải vì sao bạn thường có phản ứng giận dữ một cách vô thức trước một tình huống trái ý nào đó và cảm xúc này luôn dẫn dắt bạn khi bạn còn chưa kịp suy nghĩ có nên giận hay không?


Thứ hai, trong cấu trúc của não bộ của chúng ta có một hệ thống được gọi là limbic. Hệ thống limbic là một nhóm các cấu trúc liên kết nằm sâu trong não bộ. Hệ thống này sẽ phân tích, diễn giải những tình huống để thiết lập giai điệu cảm xúc, đồng thời gửi thông tin đến vỏ não để định hướng cảm xúc và hành vi của chúng ta.


Cảm xúc được hình thành một cách sơ khai từ sự phân tích, suy nghĩ về tình huống, trải nghiệm của bản thân ở trong quá khứ lẫn hiện tại. Khi hệ thống limbic phân tích tình huống đó là tiêu cực thì trạng thái cảm xúc giận dữ được bật công tắc hoạt động.


  • Khởi nguồn của cơn giận nhìn từ góc độ đời sống

Thứ nhất, giận dữ bắt nguồn từ việc bản thân ta có quá nhiều mong cầu, ham muốn. Chúng ta ham muốn về vật chất, về tình cảm, về tinh thần…. Khi mọi thứ không được như ý mình muốn thì ta sẽ bực bội, khó chịu và giận dữ.


Ví dụ: Người mẹ hay có xu hướng muốn con ngoan ngoãn, nghe lời. Tuy nhiên, đứa con lại thích được làm những gì chúng muốn hơn là những gì mẹ muốn. Kết quả là người mẹ sẽ trở nên bực bội, giận dữ, cô ấy dùng lời nói cáu gắt, đánh mắng để “trừng phạt” đứa con của mình.


Thứ hai, giận dữ cũng bắt nguồn từ việc bản thân quá dính mắc vào một đối tượng nào đó. Khi họ làm khác đi hay đối tượng rời đi thì ta trở nên đau khổ, trách móc, giận dữ và thậm chí là nổi cơn thịnh nộ.


Ví dụ: Khi người vợ luôn sống trong tình yêu thương ngọt ngào của người chồng, cô ấy trở nên phụ thuộc quá nhiều vào tình cảm mà người chồng dành cho mình. Khi người chồng vì bận mà hành xử khác đi, người vợ sẽ cảm thấy khó chịu, cáu bẳn, có khi là giận dữ.


Ví dụ khác: Nếu một người luôn có rất nhiều tiền, họ chi tiêu rất hoang phí và cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào đồng tiền. Rồi bỗng dưng hết tiền, họ trở nên khó chịu, bực bội và giận dữ.


Thứ ba, giận dữ bắt nguồn từ những vết thương trong tâm hồn, lúc ấy ta nhìn mọi thứ theo chiều hướng sai lệch, nhìn một mà tâm phóng đại đến mười. Chẳng hạn, một lời phê bình mà nghĩ là sự tấn công, một cử chỉ quan tâm mà nghĩ là lợi dụng. Phản ứng tự vệ lúc này là biến ta trở thành nạn nhân của cảm xúc giận dữ.


Từ những phân tích các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, chúng ta có thể hình dung quá trình hình thành cơn giận như thế nào, cả hai yếu tố đi song hành cùng nhau. Mỗi ngày một chút nó tích luỹ, bất chợt một ngày cơn giận vỡ oà và để lại biết bao nhiêu hậu quả to lớn.



Sự giận dữ nếu được tích luỹ, bất chợt đến một ngày nào đó nó sẽ vỡ oà và để lại biết bao hậu quả vô cùng to lớn
Sự giận dữ nếu được tích luỹ, bất chợt đến một ngày nào đó nó sẽ vỡ oà và để lại biết bao hậu quả vô cùng to lớn

3. Tức giận luôn để lại sự hối hận

Giận dữ dù nguyên nhân đến từ đâu cũng đều đem lại nhiều hậu quả xấu cho cả bản thân và người khác. Nó ảnh hưởng đến ta ở 3 phương diện: sinh lý, tâm lý và tâm linh.


Ảnh hưởng đến sinh lý

Khi giận dữ, năng lượng trong ta bị tiêu hao đi rất nhiều, cơ thể liên tục phóng thích các hoạt chất adrenaline và cortisol gây rối loạn chu trình sinh học của cơ thể như nhịp tim nhanh, hơi thở dồn dập. Nhiều trường hợp sự giận dữ quá mức còn gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ để lại biến chứng lâu dài trên cơ thể.


  • Tức giận ảnh hưởng đến tim mạch

Sự tức giận kéo dài có thể gây ra các vấn đề về tim mạch và nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng cao.


  • Tức giận làm tăng nguy cơ đột qụy

Sự giận dữ xảy ra thường xuyên sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp ba lần do nhồi máu não hoặc xuất huyết não.


Đặc biệt, đối với những người bị chứng phình động mạch thì nguy cơ bị vỡ mạch cao hơn sáu lần khi giận dữ ở cường độ cao.


  • Tức giận gây tổn thương gan

Cơ thể sẽ tự bài tiết ra chất catecholamine khi ta tức giận, cùng với sự ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương sẽ khiến cho đường huyết trong cơ thể tăng cao. Đây là nguyên nhân gây tăng huyết áp, tăng lượng axit béo và độc tố gây tổn thương gan.


Ngoài ra, sự giận dữ diễn ra thường xuyên cũng sẽ gây ra tác hại xấu đến dạ dày, phổi và làm suy yếu miễn dịch của bạn.


Ảnh hưởng đến tâm lý

Sự giận dữ kéo dài khiến ta bị rơi vào tình trạng “hôn mê tạm thời”. Lúc này, mọi thứ ta nhìn thấy đều trở nên sai lệch, mọi suy nghĩ đều không sáng suốt và ta không thể kiểm soát nổi mọi hành vi của mình. Điều này dẫn đến những phản ứng dại dột và thấp kém, hủy hoại đi biết bao nhiêu mối quan hệ đang tốt đẹp, đánh mất đi hình tượng của cá nhân và làm suy giảm niềm tin yêu của mọi người dành cho ta.


Biết bao nhiêu câu chuyện chia ly vợ chồng, con cái bất hòa với cha mẹ, anh em từ bỏ nhau, đồng nghiệp xa cách,... chỉ vì cái tính hơn thua cố hữu, giận hờn, trách cứ nhau mãi như vậy. Có những câu nói, những hành động của chúng ta có thể gây tổn thương cho người khác cả một đời mà ta không hề hay biết.


Càng hối hận, day dứt về những gì mình gây ra vì sự giận dữ, ta lại quay lại trách mẹ, trách cha, trách bản thân vì sao cứ để cơn giận “dắt mũi” mình đi như thế. Thế nhưng, khi gặp chuyện bất như ý xảy ra một lần nữa thì cơn giận lại cứ thế không hẹn mà đến. Giận dữ rồi hối hận, hối hận rồi giận dữ, ta cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng lặp mà không tìm ra được lối thoát.


Có những người vì để cơn giận “dắt mũi” mà rơi vào sự túng quẫn nội tâm. Muốn thoát ra họ đành tìm kiếm những niềm vui bên ngoài để bù đắp vào những khoảng trống trong tâm hồn. Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá là cứu cánh cho ta lúc này, khi mất kiểm soát bản thân ta còn sa đà vào lối sống ăn chơi trụy lạc.


Đừng để cơn giận dữ “dắt mũi” mà rơi vào sự túng quẫn nội tâm
Đừng để cơn giận dữ “dắt mũi” mà rơi vào sự túng quẫn nội tâm


Ảnh hưởng đến tâm linh

Theo quan điểm của Phật Giáo, giận dữ sẽ làm thui chột đi những hạt giống thiện lành bên trong mỗi con người như lòng từ bi, tình yêu thương con người và thiên nhiên, ước vọng cao đẹp về những giá trị tự do, bác ái.


Ta vẫn thường nghe đến những điều đại loại như, thế giới bên ngoài sẽ phản ánh nội tâm bên trong. Chính vì thế, nếu bên trong nội tâm luôn ẩn chứa những cơn giận dữ, oán trách, xoi mói thì đời sống bên ngoài của bạn ắt hẳn cũng sẽ luôn gặp phải những điều khó khăn và gập ghềnh.


Tâm sân (giận) sẽ khiến cho con người ta gieo nên những nghiệp quả (nhân xấu) để rồi ở kiếp này hay kiếp sau ta phải lãnh nhận những “trái đắng”.


Vậy, giận dữ để lại rất nhiều hậu quả, sau mỗi lần như vậy ta lại hối hận và không biết nên như thế nào. Do vậy, hãy chuyển hóa cơn giận ngay khi sự độc hại trong ta chưa bùng phát, và hãy làm điều đó bằng tình yêu thương.



4. Cách chuyển hóa cơn giận bằng năng lượng yêu thương

Trong mỗi chúng ta đều có một cơn giận đang chờ chực, không nhiều thì ít, không bộc lộ ra ngoài thì nén vào trong, không gầm rú như sư tử thì cũng rỉ rê như tiếng dế kêu mùa hè.


Vậy nên, để tránh khỏi sự hối tiếc lặp đi lặp lại từ lần này đến lần khác bởi vì ta không kiểm soát được sự giận dữ của mình. Có một bài tập thực hành theo nguyên tắc 5N sẽ giúp chúng ta học cách hiểu về chính mình và dùng tình yêu thương để hóa giải sự giận dữ như sau:


1. Ngưng

Khi ta có cảm giác bực bội, giận dữ một ai đó hãy dừng lại ngay lập tức, không nên nói bất cứ một điều gì và không nên làm gì hết. Vì những lời nói và hành động lúc này chỉ gây thêm sự đổ vỡ mà thôi.


Thầy Thích Nhất Hạnh đã từng chia sẻ trong cuốn sách Giận rằng: “Nếu một cái nhà đang cháy thì việc trước nhất phải làm là chữa cháy căn nhà chứ không phải chạy theo đuổi bắt người đốt nhà. Nếu chỉ lo chạy theo người mà ta nghi là đã đốt nhà thì căn nhà sẽ cháy rụi trong khi ta chạy theo đuổi bắt người kia. Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã. Vậy thì khi giận, nếu tiếp tục đối đầu, tranh cãi với người làm cho ta giận, nếu chỉ muốn trừng phạt người ấy thì ta đã hành động y như người chạy theo người đốt nhà trong khi căn nhà của ta đang bốc lửa”.


Và một công cụ hữu hiệu để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tâm ta đó chính là quay về chú tâm vào hơi thở của mình, bỏ quên đi đối tượng trước mắt mà đem hết tâm ý vào sự hít vào thở ra của hơi thở hay sự phồng lên xẹp xuống của bụng theo chuyển động khi ta thở.


Đây là cách mà ta tạo nên một khoảng trống giữa tác nhân và phản ứng giận dữ của ta. Dù khoảng cách này được tính bằng giây thì nó cũng đã đem lại tác dụng vô cùng lớn lao giúp ta đem trí tuệ và tình thương của mình vào tình huống hiện tại.


Ngưng lại sẽ đem đến cho ta sự lựa chọn làm khác đi, thay vì chỉ có một cách là bùng phát cơn giận ngay lập tức bằng lời chì chiết, đay nghiến hay hành động quát tháo đầy giận dữ.


Hãy đem hết tình yêu thương của một con người vào khoảng ngưng lại này để lựa chọn cách ta phản ứng với sự việc bất như ý đến với ta. Và hãy hiểu rằng, ai cũng giống như mình, họ cũng cần được yêu thương, thấu hiểu.


Ai cũng giống như ai, cũng cần yêu thương và thấu hiểu
Ai cũng giống như ai, cũng cần yêu thương và thấu hiểu

2. Nghe

Sau khi bạn đã ngưng lại, hãy học cách lắng nghe để hiểu.

Trong chữ “lắng nghe” có chữ “lắng”, cũng như trong tiếng anh, chữ nghe là Listen nhưng nếu sắp xếp lại thì Listen lại chính là Silent (im lặng). Điều đó có nghĩa là để nghe một câu chuyện từ ai đó, một nỗi lòng của ai đó, bạn phải thực sự lắng tâm mình lại, nghe trong im lặng, không phán xét, không mong cầu.


Còn hạnh phúc nào lớn lao hơn khi mình ngồi với một người mà mình biết họ đang dành cho mình sự lắng nghe trọn vẹn. Lắng nghe tưởng chừng như đơn giản, nhưng đó lại là một phép màu và là một phép thực tập vô cùng sâu sắc.


Hãy thử lắng nghe cha mẹ, chồng, con cái hay một ai đó thật chăm chú. Lắng nghe bằng tai, bằng mắt, bằng cả thể xác lẫn tâm hồn. Ta lắng nghe hoàn toàn vì người khác, vì một mục đích duy nhất là muốn giúp người kia giãi bày tâm sự và để vơi bớt khổ đau.


Nếu ta có thể ngồi yên và lắng nghe người ấy với tâm từ bi chỉ trong một giờ thì ta cũng đã có thể thấu hiểu những nỗi đau của họ và hóa giải những hiểu lầm, hiềm khích hay sự giận dữ không đáng có. Và đôi khi, nhờ vào việc lắng nghe, ta nhận ra được rằng, ai đó làm cho ta giận dữ, tổn thương cũng bởi vì họ đang có những tổn thương ở trong lòng.


Thực hành sự lắng nghe trọn vẹn là cách làm gia tăng sự đồng cảm, khơi dậy lòng từ bi và tình yêu thương sâu thẳm trong mỗi con người. Để rồi từ đó vỡ òa trong sự thức tỉnh rằng sự giận dữ của ta chỉ như em bé được thai nghén trong bầu thai thiếu đi hạt giống của tình yêu thương.


Việc của ta là phải chấp nhận, ấp ôm và dưỡng nuôi em bé đó để từng ngày trôi qua hạt mầm yêu thương ấy sẽ được nảy nở và tiếp tục nhân lên sự tốt đẹp trên cõi đời.


Biết lắng nghe để thấu hiểu và để được thấu hiểu
Biết lắng nghe để thấu hiểu và để được thấu hiểu


3. Ngẫm

Hãy ngẫm xem cảm xúc giận dữ của ta đến từ đâu? Có một câu chuyện nào đằng sau việc khiến mình giận dữ hay không? Một người mà có lời nói đầy sân hận, căm hờn là vì người ấy đang vô cùng đau khổ. Cũng vì đau khổ mà họ mới buông lời chua chát, cay trắng, trách móc khiến cho ta khó chịu.


Hãy đặt mình vào vị trí của người đã gây cho mình tức giận và nhìn lại bản thân. Rằng ở trong cuộc đời này, ai cũng giống mình mà thôi “ai cũng muốn hạnh phúc và người này nghĩ rằng hành động như vậy sẽ khiến anh ta hạnh phúc theo một cách nào đó”.


Và ngẫm xem, sự giận dữ của ta có phải đến từ chính ta? Do bản thân ta quá mong cầu, quá dính mắc, hay ta không đủ tình yêu thương để thấu hiểu và thứ tha cho người khác?


Nếu như ta buông lời cay đắng, hành động đe dọa để cho thỏa mãn cơn giận của ta thì người kia có sợ hãi và vơi bớt khổ đau hay không? Hay mọi thứ lại càng đi vào ngõ cụt không lối thoát?


Bước thực hành ngẫm này sẽ giúp ta bình tĩnh lại, suy ngẫm mọi chuyện một cách thấu đáo hơn về nhân - quả của một hành động mà ta vô tình gieo xuống. Từ đó, ánh sáng của tình yêu thương sẽ soi rọi vào tâm thức của ta, gợi cho ta sự thương cảm sâu sắc với chính mình và người khác.



4. Nghĩ

Khi đã ngẫm về những tình huống, những câu chuyện xoay quanh sự giận dữ. Đây là lúc nghĩ về giải pháp. Khi biết nhân gì sinh ra quả tốt là lúc ta đã nghĩ ra giải pháp để thực hiện nhân đó rồi.


Nếu ta biết dừng lại, suy ngẫm cho thấu đáo thì ta sẽ biết kiểm soát cơn giận của mình tốt hơn. Và nếu ta dùng tình yêu thương để cảm thông cho những ai đã vô tình làm ta giận, ta sẽ sẵn sàng tha thứ cho họ. Kết quả là mọi mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, hình ảnh của mình trong mắt người khác cũng sẽ được nhân lên rất nhiều lần về sự tốt đẹp.


Cảm thông với những ai làm ta giận giúp mọi mối quan hệ và hình ảnh của ta trong mắt người khác sẽ tốt đẹp hơn gấp nhiều lần
Cảm thông với những ai làm ta giận giúp mọi mối quan hệ và hình ảnh của ta trong mắt người khác sẽ tốt đẹp hơn gấp nhiều lần


5. Nói

Hãy tìm cơ hội để nói cho người khác biết về cảm xúc của ta bằng một cái tâm bình tĩnh và lời nói nhẹ nhàng không làm tổn thương đến họ.


Đừng cố gắng nén chặt hay giấu giếm sự giận dữ của ta vì như thế không những không làm cơn giận biến mất mà còn vô tình tạo nên những đợt sóng ngầm âm ỉ, sẵn sàng cuộn trào lên bất cứ lúc nào.


Hãy nói cho người khác biết ta đang giận vì nguyên nhân nào? Hãy nói một cách chân thực những khó chịu trong lòng của bạn ra. Khi bạn nói ra, không chỉ bạn được giải tỏa mà người nghe cũng sẽ nhẹ nhàng hơn khi họ hiểu bạn đang như thế nào.


Hãy nói với họ rằng bạn đang cố gắng chuyển hóa cơn giận của mình, bạn không hề muốn làm tổn thương họ. Điều này sẽ chạm sâu đến cõi lòng của đối phương và khiến cho họ cảm thông và yêu thương bạn. Khi mà sợi dây yêu thương được gắn kết bởi sự hòa ái, dễ thương thì mọi lỗi lầm, trách móc, hờn giận sẽ tự nhiên “nhẹ tựa lông hồng”.


5. Lời kết

“Cơn giận cũng vô thường

Nắng bừng vỡ màn sương

Mời lên tâm tỉnh thức

Càng nhìn lại càng thương”

Giận dữ cũng vô thường như cái cách mà ta tồn tại trong thế giới này mà thôi, đến rồi đi, được rồi mất, có rồi không. Điều quan trọng là ta học cách chấp nhận, thấu hiểu và dùng chính tình yêu thương và lòng từ bi của mình để chuyển hóa cơn giận thành nguồn năng lượng tích cực trong ta.


Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó có con đường đi tới hạnh phúc.


Cách chuyển hóa cơn giận bằng năng lượng yêu thương có hữu ích với bạn không? Hãy chia sẻ cùng blog 3goc.vn bằng cách comment ngay bên dưới bạn nhé!


Các bài viết hay nên đọc


Nội dung: Như Quỳnh - Học viên content 3 gốc

Biên tập: Khánh Vi


224 views0 comments

Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page