top of page
Writer's pictureNhàn Lý

LÀM SAO ĐỂ BẢN THÂN KHÔNG “PHẢN BỘI” LỜI HỨA TỪ TÂM?

Updated: Mar 18, 2024

Lời hứa quan trọng nhất mà bạn từng hứa với bản thân là gì?

Bạn sẽ dậy sớm hơn, bớt chút thời gian mỗi ngày rèn luyện sức khỏe, nỗ lực làm việc, quan tâm ba mẹ nhiều nhất có thể… Nhưng cuối cùng, bạn chỉ “hăng say” được vài ngày đầu, rồi mọi thứ lại trở về điểm xuất phát, kế hoạch hoàn toàn phá sản.


Điều này khiến bạn vô cùng chán nản vì sự dễ dãi, nuông chiều bản thân, thậm chí không còn tin vào chính mình nữa.


Đừng buồn, blog 3 gốc sẽ cùng bạn trò chuyện về chủ đề “hứa nhiều lần rồi thất hứa với bản thân cũng thật nhiều”, quan trọng nhất bạn sẽ tìm được cách để không còn PHẢN BỘI LẠI CHÍNH MÌNH, bạn nhé!





MỤC LỤC


1. Lời hứa từ tâm là gì?

2. Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều

2.1 Ta từng hứa thật nhiều…

2.2 Và thất hứa cũng thật nhiều…

3. Tại sao ta không giữ được lời hứa với chính mình?

3.1 Lời hứa không từ tâm

3.2 Lòng mình dễ đổi thay

3.3 Không có kế hoạch thực hiện

4. Cách để “Hứa một lần - giữ lời hứa trọn đời”

4.1 Thiết lập lời hứa từ tâm

4.2 Giữ lòng thành từ tâm

4.3 Nói ít đi - Hành động nhiều hơn

5. Lời nhắn nhủ

---

1. Lời hứa từ tâm là gì?

Lời hứa là cam kết, khẳng định chắc chắn của bản thân với người khác hoặc với chính mình nhằm tạo dựng niềm tin, quyết tâm trong việc thực hiện một điều gì đó. Nó có thể là lời thề thốt, hứa hẹn hoặc cam kết, tuyên thệ với người khác hoặc với chính bản thân.


Lời hứa từ tâm chính là dạng tự cam kết bản thân (lời hứa mình tự chọn) với một quyết tâm lớn để thực hiện điều mình mong muốn tận đáy lòng. Đây là cam kết từ bên trong vì vậy có thể được biểu hiện ra bên ngoài hoặc không biểu hiện nhưng người hứa luôn kiên trì với điều đó, nỗ lực tận cùng với mong muốn đó, sống hết mình với tác ý đó.


Trong đội nhóm, tổ chức, để tạo sự gắn kết, cùng chung ý nghĩa cuộc đời, cùng mục tiêu, lý tưởng cũng thường có những lời răn tâm. Chẳng hạn, Đức Phật có 5 lời dạy, Đức Chúa có 10 điều răn hay "Lời thề Hippocrates" trong ngành y thể hiện sứ mệnh cao cả và hành vi chuyên môn của bác sĩ trong việc cứu chữa người bệnh, hoặc lời tuyên thệ của những Đảng viên mới được kết nạp Đảng.


Với chính bản thân, ta cũng thường xuyên có những lời nhắc tâm mình. Là người con, ta hứa sẽ hiếu thảo với cha mẹ; Là người chồng, người vợ, ta nguyện chung thủy với bạn đời; Là nhân viên, ta nhắc nhở mình chăm chú nỗ lực trong công việc; Với chính bản thân, ta tự nhủ phát triển bản thân, chăm chỉ đọc sách, sống lành mạnh. Hoặc đôi khi chỉ là những điều tưởng rất nhỏ, cam kết với bản thân rèn luyện thói quen dậy sớm, ít uống trà sữa, hạn chế mua sắm phung phí tiền bạc…





Ai cũng có lời hứa từ đáy lòng mình và những lời nhắc nhở, tự cam kết đó khiến ta sống có mục đích, trách nhiệm, kế hoạch hơn. Nhưng ý tưởng trong tâm trí có thể được giữ vững, có thể bước ra ngoài cuộc sống và được hiện thực hóa hay không, đó lại là câu chuyện khác.


2. Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều


Chúng ta đều không ưa những người không giữ lời hứa. Sự thất vọng vì bị “leo cây” khiến ta còn muốn nói với họ rằng “Nếu không làm được thì đừng nói gì cả”. Vậy còn bản thân mình thì sao?


2.1 Ta từng hứa thật nhiều…


Cuộc sống xung quanh có biết bao những điều thú vị và bất ngờ. Lẽ dĩ nhiên là lòng ta đầy những ham muốn được trải nghiệm, được sở hữu, được trở thành một điều gì đó trong cuộc sống không ngừng đổi thay này.


Ngày hôm nay, cảm thấy sức khỏe của mình giảm sút, ta lập tức tự nhủ mình cần hạn chế thức khuya (thậm chí là chấm dứt ngay), chăm chỉ tập thể dục, ăn uống lành mạnh. Ta nguyện cố gắng được dẻo dai như năm hai mươi mấy.


Ta thấy người bạn thân của mình thành công, được tăng lương thăng chức, lập tức ta hứa với lòng sẽ nỗ lực gấp 5, gấp 10 trong công việc. Một bản kế hoạch chi tiết cho từng ngày, từng tuần, từng tháng, thậm chí là cả năm ngay lập tức được ra đời trong sự hồ hởi, tràn đầy niềm tin của ta.


Ta trống trải khi không hiểu sao vừa giữa tháng mình đã hết tiền. Ngẫm ngợi lại thì hóa ra mình toàn chi tiêu phung phí không có kiểm soát. Ngay lập tức, ta thấy mình cần phải sửa đổi. Một cuốn sổ ghi chép chi tiêu - quản lý tài chính cũng được “khai sinh”.


Bao lần nhìn người thân yêu buồn bã vì những lời nói của mình trong lúc nóng giận, ta cũng hứa với lòng “từ giờ mình sẽ dịu dàng hơn”, “từ giờ mình sẽ không trút giận lên mọi người”, “mình sẽ khiến các mối quan hệ trở nên hòa hợp”...





Nhìn lại bánh xe cuộc đời, dù là trong sức khỏe, phát triển bản thân, mối quan hệ, tài chính, sự nghiệp, giải trí, chia sẻ hay tâm linh, ta đều mong mình có thể tốt hơn. Nên ta không ngần ngại hứa với lòng mình sẽ cần thực hiện hành động này, kế hoạch nọ. Nhưng kết quả thì sao?


2.2 Và thất hứa cũng thật nhiều…


Ta thường thề thốt nhiều với mình nhưng cũng chính ta lại phá vỡ trong tích tắc. Ta hăm hở thực hiện dự định đó trong một vài ngày, rồi ta lặng lẽ buông dần lúc nào không hay. Ta thất hứa với người bạn có tên là TÂM MÌNH từ những chuyện lớn lớn đến những việc nhỏ nhỏ.


Tự đáy lòng, ta hứa với bạn đời rằng sẽ yêu họ trọn đời nhưng rồi ngày tháng qua đi, ta gặp người này, ta thân thiết với người kia, lời hứa với người đó cũng bay theo gió.


Từ sâu thẳm trong tim, ta hứa với ba mẹ sẽ là đứa con hiếu thảo nhưng rồi khi bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, ta lãng quên mọi thứ, ngoảnh lại ba mẹ đã già, thậm chí chẳng còn cơ hội báo hiếu.


Ta thề với trời đất rằng chỉ cần mình may mắn xin được công việc như ý nguyện, ta sẽ hiến dâng cả đời để làm việc với sự liêm khiết và cho đi. Nhưng khi có được rồi, ta lại bị danh vọng làm mờ mắt. Ta đánh mất chính mình và phản bội lại lời hứa năm nào.


Hoặc đơn giản chỉ là nhắc tâm hẹn sáng mai thức dậy sớm nhưng nghe tiếng chuông báo thức ta bật dậy tắt đi, ngủ tiếp và tự nhủ “kệ, đợi mai hãy bắt đầu”.


Cứ vậy, ta trở thành kẻ thất hứa với chính bản thân hết lần này đến lần khác. Ta khiến sự thất hứa của mình trở thành một thói quen. Ta vô tình góp thêm dẫn chứng để câu nói “Thứ rẻ nhất là lời hứa, thứ đắt nhất giờ là niềm tin” trở thành sự thật, trở nên thuyết phục.





Khi bị người khác thất hứa, tâm trạng ta thường thất vọng, vụn vỡ niềm tin. Ta hiểu rằng mối quan hệ bền vững cần dựa vào những lời cam kết được thực hiện chứ không phải là lời hứa suông. Một khi mất niềm tin thì mối quan hệ cũng sẽ rạn nứt. Còn khi ta bị chính bản thân thất hứa thì sao? Ta sẽ dằn vặt bản thân, mất niềm tin vào chính mình.


Biết vậy nhưng tại sao ta vẫn khó để giữ được lời hứa, khó để nắm chắc lời cam kết?


3. Tại sao ta không giữ được lời hứa với chính mình?


Khi người khác thất hứa với mình, đặc biệt là người thân thiết, lập tức ta cảm thấy giận dỗi, bực bội. Ta chẳng mấy quan tâm đến nguyên nhân vì sao họ không giữ lời. Nhưng khi bản thân “nuốt lời” ta sẽ thường tìm cách biện minh, đổ lỗi cho hoàn cảnh.


Thực chất sự việc không thực hiện được không phải do vấn đề khó quá, cũng không hẳn do sự cản trở từ bên ngoài. Cốt lõi do 3 nguyên nhân dưới đây:


3.1 Lời hứa không từ tâm


Đó là kiểu lời hứa xuất hiện trong tình huống ta hứa cho xong chuyện, để trấn an tại một thời điểm nào đó. Ví dụ như đang ốm, ta ao ước mình khỏe mạnh và tự nhủ sẽ duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh nhưng khi hết bệnh rồi thì ta lại chứng nào tật đó với thói quen cũ.


Lời hứa chỉ để trấn an hoặc tạo niềm vui trong khoảnh khắc thì khi thời gian trôi, lời hứa cũng theo gió bay. Ba mẹ trong lúc nhận được kết quả học tập cao của con đã nói rằng nghỉ hè sẽ tặng con 1 chuyến du lịch nhưng đến hè lại quên béng mất. Hoặc nếu có nhớ thì nghĩ rằng con trẻ chẳng bận tâm đến, không thực hiện cũng chẳng có gì nghiêm trọng.


Không chỉ xuất hiện trong phút bốc đồng, đôi khi ta tạo ra lời hứa để đổi lấy một điều gì đó. Chẳng hạn ta hứa nếu con ngoan thì sẽ được thưởng, nếu bạn giúp mình việc này thì mình tặng bạn một món quà… Những lời hứa này sẽ không được thực hiện nếu vế sau bị đổ bể.





Một kiểu lời hứa cũng rất khó để thực hiện, đó là ta hứa vì sợ nói lời từ chối. Thường thì kiểu này sẽ xảy ra khi ta đối chất với người khác. Thật sự, một lời từ chối rõ ràng có thể khiến mất lòng nhưng vẫn tốt hơn một lời hứa giả dối. Vì vậy ta không nên cố gắng hứa cho qua chuyện để rồi nhận sự thất vọng, mất niềm tin về sau.


3.2 Lòng mình dễ đổi thay


Khi bình yên, người ta thường quên những lời thề trong giông bão. Bản thân mình đôi khi cũng không ngoại lệ. Lúc khó khăn thì tự nhủ vượt qua nghịch cảnh rồi mình sẽ vô cùng biết ơn những người giúp đỡ nhưng chẳng phải ai cũng làm được điều đó. Hoặc lúc thuận lợi thề non hẹn biển nhưng gặp trắc trở lại rời bỏ bạn mà đi. Hoàn cảnh đổi thay thì lòng người cũng dễ thay đổi.


Hoàn cảnh vô thường đã đành, lòng người cũng dịch chuyển chẳng kém. Sự đổi thay trong lòng là do ta dễ dãi, nuông chiều cảm xúc bản thân để rồi hạ thấp kỷ luật tự thân. Ta hay đổ lỗi rồi viện lý do “ngày hôm nay chưa phải là ngày đặc biệt để bắt đầu” thay vì nghĩ “ngày hôm nay là thời điểm tốt nhất để bắt đầu”.


Cảm xúc nhất thời khiến ta hăng hái lúc đầu, khiến ta rơi vào trạng thái “sống chết gì mình cũng sẽ cố thực hiện” nhưng khi cảm xúc ngụp lặn, chất xúc tác mất đi, lời hứa của ta cũng lao xuống dốc không phanh và trở thành dĩ vãng. Ừ thì, ngay tại thời điểm mình hứa có thể rất thật lòng nhưng chảy trôi sang khoảnh khắc khác, bỗng trở thành “những lời muôn năm cũ”.




3.3 Không có kế hoạch thực hiện


Thường thì chúng ta đưa ra cam kết với bản thân khi nào?

Đó là khi ta hướng tới kết quả hoặc được chiêm ngưỡng thành quả to lớn, tốt đẹp của người khác. Thấy 1 người thành đạt và giàu có, ta cũng ước mơ mình sẽ trở thành tỷ phú sau 5 năm, 10 năm. Nhưng ta chỉ ôm chầm mục tiêu to lớn đó mà không có kế hoạch cụ thể cho những mục tiêu ngắn hạn, kế hoạch từng bước để đạt được. Rồi sau 6 tháng, 1 năm, 2 năm, nhìn thấy bản thân chẳng khá khẩm hơn ngày đầu, quyết tâm năm đó của ta cũng tan biến theo gió mây.


Vì không có kế hoạch cụ thể, nên ta thực hiện ngày có ngày không. Vì không nhắc tâm mình thường xuyên nên đôi khi sự quên lãng khiến mục tiêu bị gián đoạn. Hành động yếu ớt khiến hiệu quả mờ nhạt, thậm chí là không có gì, ta trở nên chán nản và thấy mình vô dụng. Ta bỏ đi luôn sự quyết tâm ban đầu.


Từ ý tưởng đến hành động là một khoảng cách rất xa. Nếu ta không hành động thì 1000 lời cam kết cũng chẳng có ý nghĩa gì. Muốn hành động có kết quả thì ta cần có kế hoạch để thực hiện đều đặn, thường xuyên. Nếu không, càng hứa nhiều thì ta sẽ thất hứa thêm nhiều lần.


4. Cách để “Hứa một lần - giữ lời hứa trọn đời”


Tổng thống Nelson Mandela với lời hứa từ tâm (đấu tranh vì sự bình đẳng của con người) đã vượt qua biết bao nghịch cảnh. Vị lãnh tụ đó thậm chí trở thành “người tù thế kỷ” nhưng với sự kiên trì, bền bỉ của một chiến binh, ông đã thành công xóa bỏ phân biệt chủng tộc, khiến cả thế giới ngưỡng mộ bởi phẩm chất của mình.





Việc nói lời - giữ lời, kiên trì với lời hứa của chính mình là cách ta trân trọng bản thân, cũng là nền tảng tạo chữ tín và thành công của ta trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để có thể giữ đúng lời hứa từ tâm của mình?

4.1 Thiết lập lời hứa từ tâm


Lời hứa như thế nào sẽ níu giữ ta vượt qua những cám dỗ, những chướng ngại trong cuộc đời?


Lời hứa gắn liền với đam mê, lý tưởng, ý nghĩa cuộc đời

Những điều ta thích, những gì ta tâm huyết, thứ khiến ta trăn trở sẽ dễ dàng để ta theo đuổi đến cùng. Chẳng hạn ta ao ước trở thành họa sĩ, ta quyết tâm trở thành nhà khoa học, ta nỗ lực vì muốn mình giúp ích cho đời…khi điều đó là ý nghĩa cuộc đời thì dù có khó khăn nào cũng không khiến ta nản.


Những điều ta đam mê cũng dễ dàng chạm khắc vào tâm trí, khiến ta không dễ gì bỏ cuộc. Hơn nữa ta sẽ làm với một tâm thế không chú trọng đến tiền bạc, danh vị (nghĩa là ta làm với sự say mê thực sự chứ không phải do lòng tham). Khi thấy được giá trị mình mang lại cho bản thân và người khác, ta sẽ càng có thêm động lực để thực hiện.





Chẳng hạn khi ta xây dựng kênh Youtube để lan tỏa những điều tử tế, với khao khát mang lại an vui cho mình và mọi người. Vì đi ngược lại sở thích giải trí của đa số nên ban đầu rất ít người đón nhận. Nhưng ta vẫn hăng say và hạnh phúc vì đâu đó vẫn có người nhờ chia sẻ của mình mà sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.


Học tập suốt đời - lấy sự học làm sự nghiệp
Phụng sự vô điều kiện - lấy giúp người là giúp mình
Trung thực đến tận cùng - lấy hiểu mình để sửa mình

3 lời thề từ tâm của thủ lĩnh cách mạng văn hóa đọc


Một điều ta cần lưu ý đó là những lời hứa từ tâm gắn liền với đam mê, ý nghĩa cuộc đời nhưng cũng cần hướng về 3 gốc.Ta có thể tham khảo một số lời hứa từ tâm ở phần tiếp theo.


3 kiểu lời hứa từ tâm cần thiết trong đời

  • Lời hứa liên quan đến ngành nghề, công việc

Khi ta lựa chọn một công việc nào đó để mưu sinh thì ta cũng cần có những những lời hứa từ tâm để công việc của mình luôn hướng thiện, mang lại lợi ích cho mình nhưng cũng không gây hại người và muôn loài.


Ví dụ khi ta chọn làm bác sĩ thì ta nên có cam kết “lương y như từ mẫu” dù trong hoàn cảnh nào.

Khi ta chọn nghề giáo viên thì ta nên tự nhủ với lòng rằng mình cần là tấm gương đạo đức, tận tụy với giáo dục chuyển hóa lớp trẻ.


Những lời hứa trong nghề nghiệp hướng về điều tử tế khiến tâm ta luôn an và dễ dàng thành công trong công việc, được mọi người yêu quý.

  • Lời hứa hướng bản thân về 3 gốc

Là lời hứa hướng về vun bồi đạo đức - trí tuệ - nghị lực của bản thân, không bị chi phối bởi tiền tài - danh vọng.


Lời hứa này sẽ giúp ta phát triển bản thân, vun bồi nội lực vững vàng, sửa những thói quen chưa tốt, duy trì cuộc sống lành mạnh, sống tử tế với chính mình và sẵn sàng cho đi.

  • Lời hứa soi lỗi - sửa mình

“Nói ít lại, lắng nghe nhiều hơn

Phản ứng ít lại, quan sát nhiều hơn

Soi người ít lại, sửa mình nhiều hơn

Đòi hỏi ít lại, phụng sự nhiều hơn”

Đây là nhắc tâm vô cùng quan trọng, giúp ta hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Nhờ lời hứa này, ta dần thanh lọc tham - sân - si, gọt rũa bản ngã để sống hòa hợp với chính mình và mọi người.


Nếu lỡ có thất hứa với bản thân, việc soi lỗi khiến ta tự chịu trách nhiệm từ đó điều chỉnh, chứ không đổ lỗi hay oán trách cho hoàn cảnh. Từ đó ta giảm bớt sự thất vọng về bản thân hay đánh mất niềm tin vào chính mình.





Này người có đi đâu về đâu…
Vẫn luôn chia sẻ phục vụ cộng đồng
Vẫn luôn xây dựng tình Huynh đệ
Vẫn luôn soi lỗi chính mình mỗi ngày qua

Xem xét nguồn lực bản thân

Khi đưa ra lời hứa với bản thân, ta cùng nên dành chút thời gian để xem xét nguồn lực của chính mình. Mình có đủ thời gian, đủ quyết tâm, đủ năng lực để thực hiện hay chưa. Nếu chưa thì cần phải bổ sung thêm điều gì.


Việc xem xét nguồn lực giúp ta không hứa hẹn tùy tiện, cam kết ít nhưng đi đến tận cùng. Đây cũng là nền tảng để những lời hứa với chính mình tiếp theo được thực thi thành công.


Tóm lại, để thiết lập lời hứa từ tâm, ta cần xác định đó là điều mình mong muốn từ đáy lòng, mình chắc chắn sẽ kiên trì đến cùng, mình mong muốn sống tận cùng với điều đó. Lời hứa đó sẽ gắn liền với an vui của bản thân và hạnh phúc với mọi người, giá trị với muôn loài.

4.2 Giữ lòng thành tâm

Khi đã xác lập lời hứa, ta cần nhắc tâm đều đặn mỗi ngày, thậm chí nên ghi chú lại để “não bộ” khắc sâu khiến không thú vui nào có thể xóa nhòa. Ngoài ra ta có thể viết lại lời hứa đó rồi dán lên vị trí mình thường xuyên hiện diện (ví dụ như bàn làm việc), chia sẻ lời hứa từ tâm đó với người thân thiết của mình, để mỗi khi ta bị tụt năng lượng hoặc có ý định bỏ cuộc thì người bạn đó sẽ nhắc nhở ta. Cho ta nhìn lại lý do mình bắt đầu, mục đích ta hướng đến.


Để giữ được lòng thành tâm ấy, bản thân ta cần có kỷ luật tự thân, tự giác thực hiện lời cam kết. Đôi khi cũng đưa ra những “hình phạt” kẹp 3 gốc để vượt qua những chướng ngại ban đầu. Hoặc nếu có lúc không thực hiện được thì ta cũng trung thực đến tận cùng với chỉnh bản thân và có những giải pháp điều chỉnh tiếp theo.





4.3 Nói ít đi - Hành động nhiều hơn


Lời nói cần đi kèm với hành động.

Để lời hứa từ tâm thành hiện thực, ta cần thực hiện đều đặn, hành động mỗi ngày. Có thể áp dụng phương pháp kaizen để thực hiện từng mục tiêu nhỏ một cách thường xuyên, sau đó cải tiến từng ngày, đan xen với những lần áp suất sẽ khiến ta dễ dàng thành công trong mọi vấn đề.


Trong quá trình thực hiện, ta sẽ không thể tránh khỏi những lần thất bại, kế hoạch đứng trên bờ vực “phá sản”. Mỗi khi như vậy, ta đừng nản lòng, bởi thất bại là một bài học để ta rút kinh nghiệm, việc của ta là kiên trì và bước tiếp.


Cần nhớ rằng, lời hứa là để nhắc tâm, để thực hiện chứ không phải để bản thân mong đợi quá nhiều. Khi có lời cam kết từ bên trong với một quyết tâm lớn, ta cần sự trung thực tới tận cùng trong từng hành động để biến lời cam kết thành hiện thực.


5. Lời nhắn nhủ


Chắc hẳn bạn cũng từng nghĩ rằng: cách giữ lời hứa tốt nhất là đừng hứa nữa. Nhưng nếu không có lời hứa từ tâm, ta sẽ khó biến ước mơ, khát khao, lời tâm niệm trở thành sự thật.


Lời hứa thành tâm hướng về 3 gốc, giúp ta tự tin, tìm thấy hạnh phúc và thành công đích thực. Khi ta tự hứa (lại là một một lời hứa) không phản bội là chính cam kết của mình thì rất khó để có chướng ngại nào cản trở được ta.

Bạn có những lời hứa từ tâm nào? Hãy chia sẻ cùng blog 3 gốc để cộng hưởng năng lượng thực hiện lời hứa của mình bạn nhé!


Nội dung: Nhàn Lý

Biên tập:

Hình ảnh: Trúc Phương


Nguồn video: TRÍ TUỆ VIỆT NAM



179 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page