MỤC LỤC
***
Cầu nguyện có phải là dâng lời thỉnh cầu, gửi nhờ một bậc thần linh nào để được ứng nghiệm như thể “cầu được, ước thấy” hay không? Hay cầu nguyện mang một ý nghĩa sâu sắc hơn mà ta chưa từng biết đến, cũng như ít khi nào để tâm đến.
Cùng tìm hiểu bản chất thật cũng như những hiểu lầm phổ biến về lời cầu nguyện nhé!
Bài viết nằm trong chuỗi 64 thẻ "Rèn trí sáng suốt", giúp bạn Chánh Kiến những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày dưới góc nhìn 3 Gốc.
Bạn đã bao giờ cầu nguyện?
Bạn có thấy tình huống này quen không?
Khi chúng ta còn là những đứa trẻ, với sức đề kháng yếu, bệnh vặt quanh năm, cả gia đình chăm mãi nhưng bạn vẫn thuộc dạng “thấp bé nhẹ cân” so với bạn bè đồng trang lứa. Ông bà thì thở dài ngao ngán, ba mẹ thì buồn rầu nên chỉ biết nương nhờ những lời cầu xin sao cho bạn được an lành, khoẻ mạnh.
Lớn hơn một chút, bạn đi học, bạn thường xuyên đối diện với áp lực từ việc học hành, thi cử. Mỗi độ đến kỳ thi, bạn có thấy ông bà đứng trước bàn thờ thật trang nghiêm, thắp hương và khấn vái, cầu sao cho bạn “sáng suốt, bình tĩnh và có được thành tích tốt”?
Khi bước vào đời và trải qua nhiều thăng trầm, thử thách, những mong cầu - nguyện ước vẫn xuất hiện trong bạn. Như một thói quen từ ông bà, cha mẹ, bạn ngầm cầu nguyện mỗi đêm mong sao may mắn, thuận lợi sẽ đến với mình về tiền tài, sức khoẻ, gia đạo…
Thực ra, không chỉ riêng bạn, hầu hết mọi người trong cuộc sống này cũng đã, đang hoặc sẽ có những lời cầu nguyện. Người thì xin có được nhiều sức khỏe, người muốn được hạnh phúc, bình an, người mong được tiền tài, danh vọng,...
Thế nhưng không phải lúc nào những điều đó cũng trở thành hiện thực.
Khi cầu xin mà không được hồi đáp lại, một vài người trong số chúng ta vẫn kiên trì, bền bỉ, giữ vững niềm tin và duy trì việc cầu nguyện không ngừng. Trái lại, không ít người rơi vào trạng thái chán nản, mất niềm tin, từ bỏ hy vọng và bắt đầu có những suy nghĩ/hành động khá là tiêu cực.
Chúng ta đã thực sự hiểu đúng về cầu nguyện?
Cầu nguyện là thể hiện mong ước rồi nỗ lực, phấn đấu để thực hiện ước nguyện đó. Khi cầu nguyện, con người cần hiểu rõ về nhân quả, nhận thức đúng về những sự vật, sự việc xung quanh mình, để từ đó phát nguyện những điều tốt đẹp cho chính mình và cho người khác.
Đề cập một xíu về tôn giáo, điển hình là Đạo Phật và Thiên Chúa Giáo. Có hai định nghĩa về cầu nguyện, được nói theo hai cách khác nhau, nhưng thật ra cũng cùng chung một ý nghĩa.
Trong Đạo Phật, việc cầu nguyện của người Phật tử mang ý nghĩa sâu sắc hơn việc van xin cầu cạnh một vị thánh. Đó là biểu hiện của tham và si. Cầu nguyện đúng đắn là mong một nguyện ước nào đó sẽ thành hiện thực nhờ vào nỗ lực làm việc, tu chỉnh bản thân, cầu mong mọi thứ suôn sẻ. Khi tâm ý càng trong sạch với mong ước hướng thiện, đủ nhân duyên thì quả sẽ xuất hiện.
Trong Đạo Thiên Chúa, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để nguyện xin những ơn lành cần thiết và hợp với thánh ý của Ngài. Mỗi người trong chúng ta đều có những điểm cần hoàn thiện, những ước muốn để bản thân trở nên tốt hơn, và để đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đó là hai trong số những quan điểm về cầu nguyện. Nhưng trên thực tế, dù không thuộc bất kỳ tôn giáo nào, con người vẫn luôn cầu nguyện. Tùy vào niềm tin của mình, họ có thể cầu xin ông bà, tổ tiên, trời đất, thượng đế, vũ trụ… ban cho mình một điều gì đó.
Trước khi bước vào trận đấu, có những cầu thủ làm dấu thánh giá, chắp tay cầu nguyện, mong mọi thứ được suôn sẻ và bản thân có thể cố gắng hết mình.
Người phụ nữ trong thời kỳ sinh nở cầu mong sẽ được “mẹ tròn con vuông”, rồi khi đứa bé chào đời thì lại mong con sẽ mạnh khỏe, thông minh, ngoan ngoãn.
Sĩ tử muốn vượt qua kỳ thi, công thành danh toại. Người nghèo khó mong một cuộc sống đủ đầy. Người đau khổ khao khát tìm được bến bờ hạnh phúc…
Phải chăng chúng ta thường cầu xin những gì mình “đang thiếu”, mà chưa thực sự hiểu sâu sắc mục đích của việc cầu nguyện là gì?
Vậy nên, cốt lõi của cầu nguyện chính là chia sẻ những mong ước, mục tiêu của mình, gửi vào vũ trụ hoặc một Đấng tâm linh những điều tốt lành mà mình hướng đến. Chúng ta mong được giúp sức, để mình luôn giữ được năng lượng, ý chí thực hiện các mục tiêu trên.
Chẳng hạn như, một người yêu viết lách, muốn lan tỏa giá trị thông qua việc viết. Họ cầu xin vũ trụ trợ duyên để mình có cơ hội tham gia các khóa học về kỹ năng viết, gặp được những người thầy tâm huyết và xin có lòng kiên trì theo đuổi điều đó lâu dài.
Đâu là nguyên nhân của việc cầu nguyện không thành?
Cầu nguyện xuất phát từ những mong muốn của chúng ta trong cuộc sống. Ai cũng muốn được mạnh khỏe, bình an, gia đình hòa thuận, công việc suôn sẻ, được người khác yêu mến và quý trọng. Chúng ta thường phát tâm cầu nguyện khi chưa đạt được những điều trên, thế nhưng không phải lúc nào lời cầu xin cũng trở thành hiện thực.
Khi ấy, bạn đừng vội mất niềm tin và rơi vào chán nản, hãy suy ngẫm thử xem có phải mình đang cầu nguyện mà thiếu đi những yếu tố này:
Thiếu trí tuệ
Thấu hiểu chính mình là một bước không thể thiếu trong cầu nguyện.
Biết về bản thân bao gồm nhận định các khả năng của chính mình: trí nhớ, trí tuệ, ý chí và tình cảm. Ta cần hiểu rõ mình thực sự là ai, mình muốn gì, cần gì, và nguồn lực mình đang có như thế nào, từ đó mới có thể cầu nguyện đúng cách và phù hợp.
Chẳng hạn như, một người hay suy nghĩ tiêu cực, chưa biết quản lý cảm xúc, hành vi của mình, thường tức giận khi gặp điều không vừa ý. Họ thường không nhìn nhận ra điều đó, mà đổ lỗi rằng cuộc sống bất công, rằng mọi vấn đề đều xuất phát từ người khác.
Họ cầu mong gặp được điều tốt đẹp, được mọi người yêu quý, công việc suôn sẻ, dễ dàng. Lời cầu nguyện ấy của họ sẽ rất khó trở thành hiện thực, bởi họ không thấu hiểu những thiếu sót của bản thân, không tự sửa đổi chính mình thì sao có thể mong cầu như vậy?
“Niệm” là yếu tố quan trọng trong cầu nguyện, tức là sự có mặt đích thực của thân và tâm.
Thân và tâm về cùng một mối trong giờ phút hiện tại. Nếu không có điều đó thì chúng ta không cầu nguyện được. Cho nên ta phải có mặt trọn vẹn cả thân tâm ngay trong giây phút đó. Khi có niệm thì ta có định, tức là có điều kiện để dẫn đến cái thấy sâu sắc (Tuệ).
Trong khi cầu nguyện, toàn bộ tâm trí và trái tim của chúng ta phải hướng về điều đó. Cầu nguyện mà để tâm mình lang thang ở một nơi nào khác, sao có thể thành công! Bất cứ việc gì cũng vậy, khi ta làm với sự tập trung, thì mới có được kết quả như ta muốn.
Thiếu đạo đức
Lời cầu nguyện mà chúng ta đang hướng tới có mang lại bình an, thiện lành, điều tốt đẹp cho chính mình và cho người khác hay không?
Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân, ham muốn tiền tài danh vọng, địa vị xã hội, những nhu cầu không chính đáng… thì chắc chắn những điều ấy sẽ không thể thành hiện thực.
Trong mùa World Cup, biết bao người cầu mong thắng cá độ, mong đội bóng mà mình yêu thích sẽ đạt thứ hạng cao.
Mùa thi, có nhiều bạn học sinh cầu cho mình “trúng tủ”, hoặc mong mình có thể sử dụng tài liệu trót lọt mà không nỗ lực trong học tập.
Thay vì cầu nguyện cho bản thân sẽ cố gắng, kiên trì, phấn đấu trong công việc, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, thì nhiều người lại cầu trúng số. Và khi không được hồi đáp lại, họ sẽ “than trời, trách đất”, đổ lỗi cho người khác, cho cuộc đời.
Thiếu nghị lực
Sự kiên trì, bền bỉ là một yếu tố rất quan trọng trong cầu nguyện.
Khi ta đã có trí tuệ (hiểu bản thân mình là ai, mình thực sự muốn cầu xin điều gì), có đạo đức (điều mà ta hướng tới đó là sự thiện lành, tốt đẹp cho mình, cho người khác), thì kiên trì cầu nguyện chính là mấu chốt dẫn đến việc thành công.
1- It’s not the right time. (Chưa đúng thời điểm)
2- He has a better plan for you. (Thượng đế có kế hoạch khác/dự tính khác tốt hơn dành cho bạn.)
Như vậy, nếu chúng ta cầu nguyện mà chưa nhận được lời hồi đáp, cần kiên trì, giữ vững niềm tin và tiếp tục cầu nguyện không ngừng. Đó cũng là một thử thách để giúp ta vun bồi nghị lực trên hành trình hướng tới những điều tốt đẹp.
“Có thể thượng đế đã quyết định sẽ thực hiện điều đó vào lúc nào trễ hơn, nhưng kẻ cầu nguyện lại thiếu kiên nhẫn. Bởi vì nhiều điều không phải là bị từ chối, mà là được trì hoãn cho đến khi được ban ở thời điểm hữu ích nhất.” (Sưu tầm)
Chung tay xây dựng nội dung Trang Thư Viện 3 Gốc có chiều sâu, mang nhiều giá trị - hướng theo sợi chỉ đỏ "Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc".
Làm thế nào để cầu nguyện đúng cách?
Để những điều mong ước của bản thân có thể trở thành sự thật, chúng ta cần biết phương pháp cầu nguyện đúng cách là gì. Dưới đây là 4 yếu tố cần thiết khi cầu nguyện
Thiền, thư giãn, thả lỏng (15- 20 phút)
Đưa toàn thân và tâm trí về trạng thái thoải mái, cân bằng nhất. Khi đã thực sự bình tâm, chúng ta sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn, nhìn nhận rõ chính mình và biết rõ về điều mà ta cầu nguyện có đúng đắn, hướng thiện hay không.
Tập trung suy nghĩ về lời cầu nguyện
Mình thực sự mong muốn điều gì, điều đó có đang nằm trong nguồn lực của mình không. Mình có các yếu tố gì để thực hiện, lời cầu nguyện này có thực sự hướng về điều tốt đẹp?
Trước khi nghĩ đến việc cầu nguyện để xin một điều gì đó, hãy quay lại nghiệm xem vũ trụ đã ban cho ta những gì. Và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi liệt kê ra, bởi ta đã đón nhận rất nhiều điều, dù điều ấy ta thậm chí còn chưa cất lời cầu nguyện. Vậy chúng ta đã biết ơn vũ trụ về những món quà này?
Ta luôn biết rằng Đấng tạo hóa luôn có kế hoạch của Ngài, đôi khi những lời cầu nguyện chẳng qua chỉ là mong muốn của riêng ta, chưa phù hợp với kế hoạch mà Ngài đã định.
Vậy chúng ta nên biến những giờ cầu nguyện thành những giờ tĩnh lặng, những giây phút biết ơn để cả thân tâm ta có mặt thật sâu sắc với vũ trụ, để ta hiểu vũ trụ, từ đó trí sáng, tâm an. Những giây phút ấy là thời gian cầu nguyện vô cùng chất lượng.
Tạo thói quen
Thường xuyên cầu nguyện, quan sát sự nảy nở của lời cầu nguyện theo thời gian, không bỏ cuộc. Ta có thể cầu nguyện hằng ngày, từ những điều ta hay mắc phải (xin cho con được bớt tâm nóng giận, xin cho con học cách lắng nghe sâu, không phán xét, không đố kỵ…).
Việc cầu nguyện thường xuyên như vậy giúp những điều đó dần đi sâu vào tiềm thức, như một lời nhắc nhở chính mình, để ta luôn hướng tới những điều tốt đẹp.
Kiên trì, bền bỉ dù lời cầu nguyện chưa thành hiện thực
Sự bền lòng cầu nguyện tập trung sự chú ý của bạn, làm sáng tỏ nhu cầu của bạn, thử nghiệm niềm tin của bạn. Bất cứ việc gì cũng vậy, kiên trì là yếu tố vô cùng quan trọng dẫn tới kết quả sau cùng. Đừng vội nản chí hay bỏ cuộc.
Hãy xem xét lại lời cầu nguyện của mình, nếu điều đó phù hợp với bản thân, mang tính thiện lành, tốt cho mình và cho người khác mà vẫn chưa thành hiện thực, thì nó chỉ chưa thể xảy ra ở thời điểm đó mà thôi.
Tất cả những gì ta nên làm là không ngừng tin tưởng, không ngừng cầu nguyện, đồng thời tích cực học hỏi, trau dồi những điều tốt đẹp.
Hành động đi đôi với lời cầu nguyện
Khi ta cầu cho bản thân biết sửa đổi những thói hư tật xấu, thì phải có hành động đi kèm. Trước những cám dỗ, những điều không lành mạnh, phải tự nhắc mình tránh xa.
Bên cạnh đó, ta còn phải nỗ lực học tập, trau dồi những điều tốt đẹp từ thầy, sách, bạn. Có như thế thì ta mới ngày càng hoàn thiện.
Nếu bạn muốn được công thành danh toại, không phải chỉ việc khấn vái, thắp hương lễ Phật là xong. Cũng chẳng phải đến nhà thờ, ngồi cầu nguyện và chờ ngày đỗ đạt. Hành động thiết thực nhất là hãy luôn chuyên cần học hỏi, vun bồi kiến thức mỗi ngày, đồng thời siêng năng rèn luyện.
Nhờ có thái độ tốt, tinh thần tích cực và sự kiên trì, cộng thêm việc cầu nguyện thành tâm, nhất định nguyện ước của ta sẽ trở thành hiện thực!
Cầu nguyện đi, chờ chi!
Tôi từng được đọc một bài thơ rất hay về việc cầu nguyện (hay còn gọi là tác ý) thế này:
Mỗi câu ta tác ý Là mỗi một bước đi Tiến về miền xứ Phật Đường dù xa vạn lý Chẳng biết mệt là chi Luôn như lý tác ý Mọi lúc và mọi nơi Nghĩa là ta đang sống Với ý lành thanh tịnh Hạnh phúc sẽ theo ta Như bóng không rời hình
(Bài kệ tác ý )
Chúng ta thường có rất nhiều mong cầu trong cuộc sống và muốn những điều đó có thể trở thành sự thật. Vì thế, đừng ngần ngại gửi những lời cầu nguyện đến vũ trụ, đến thượng đế, đến những Đấng trên cao theo niềm tin của mỗi người.
Tuy nhiên, lời cầu nguyện ấy phải hội tụ đủ các yếu tố Trí tuệ (thấu hiểu bản thân)- Đạo đức (hướng thiện) và Nghị lực (sự kiên trì, không bỏ cuộc).
Bên cạnh đó, cần có những hành động tích cực để góp phần biến điều ước thành hiện thực. Bạn nhận được giá trị nào từ bài viết, hãy bình luận bên dưới để chúng tôi biết nhé!
***
Nội dung: Hồng Ánh - Học viên Content 3 Gốc K1
Biên tập: Hùng Hiện Hữu
Nguồn tham khảo:
Comentarios