top of page
Writer's pictureNhàn Lý

ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH CỦA NGƯỜI TRẺ - KHI GÀ CON MANG GIẤC MƠ ĐẠI BÀNG

Updated: Mar 18

Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu 1 chút cũng là thừa.

Nhưng tuổi trẻ như chú Dế Mèn ngông nghênh trong tiếng hát câu cười, đâu biết “cúi đầu”khi vừa bước vào đời.


Một chút thành tựu, một chút tung hô, một chút sự nổi tiếng dễ khiến ta ảo tưởng sức mạnh rằng mình có quyền lực, có tầm ảnh hưởng nên ngạo mạn cho rằng “trái đất này là của mỗi mình”.


Cứ tưởng mình là MẶT TRĂNG nên dương dương tự đắc, ai ngờ mình chỉ là ĐÈN ĐƯỜNG sống bằng một nút công tắc.


Làm sao để người trẻ nhận ra?

Mời bạn cùng blog 3 gốc tìm hiểu về sự NGỘ NHẬN GIÁ TRỊ BẢN THÂN của những người trẻ, bạn nhé!





MỤC LỤC

1. Ảo tưởng sức mạnh là gì?

2. Câu chuyện của những chú gà ATSM

2.1 Dở nhưng nghĩ mình giỏi

2.2 Trái đất này là của mỗi mình

3. Những người trẻ nào hay ATSM?

3.1 Thành công sớm nên sinh ngã mạn

3.2 “Ếch ngồi đáy giếng” nên coi thường người khác

3.3 Nhận thức hạn hẹp nên không lượng sức mình

4. Mồ chôn của ATSM

4.1 Cứ đi qua “thung lũng tuyệt vọng”

4.2 Khai sáng bằng sự hiểu biết đúng đắn

4.3 Hãy là bông lúa cúi đầu

5. Kết luận

---

1. Ảo tưởng sức mạnh là gì?


Ảo tưởng sức mạnh (ATSM) là thuật ngữ chỉ những người tự phóng đại giá trị bản thân, tự cho mình hoàn mỹ, có giá trị hơn người. Thực tế mình chỉ được điểm 3 nhưng tự cho mình điểm 9, điểm 10 nên sinh ta sự tự đắc, tâm ngã mạn, nhiều khi coi thường người khác.


Trên các nền tảng mạng xã hội, người trẻ hay dùng từ viết tắt ATSM để chỉ những người có thói khoe khoang, nói quá về khả năng thực tế của bản thân, coi mình là trung tâm vũ trụ. Điều này khiến người khác cảm thấy buồn cười, lố bịch vì sự tự tin thái quá, “thùng rỗng kêu to” của mình.





Đây là một sự đánh giá phiến diện, sai lầm mà 2 nhà khoa học Dunning và Kruger đã gọi dưới cái tên “Hiệu ứng Dunning–Kruger” để chỉ những người có sự thiên kiến về nhận thức. Thường con người sẽ trải qua các giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Chưa biết gì

  • Giai đoạn 2: Đỉnh cao của sự thiếu hiểu biết

  • Giai đoạn 3: Thung lũng tuyệt vọng

  • Giai đoạn 4: Sườn dốc giác ngộ - khai sáng

  • Giai đoạn 5: Cao nguyên của sự bền vững

Ảo tưởng sức mạnh sẽ nằm ở giai đoạn “đỉnh cao của sự thiếu hiểu biết”. Khi những người từ giai đoạn “không biết gì” có thêm một chút hiểu biết, một chút thành tựu nhưng lầm tưởng rằng mình đã nắm được cả thế giới rồi.


2. Câu chuyện của những chú gà con ATSM


Thói thường “thùng rỗng kêu to”. Người giỏi thực sự thì thường khiêm hạ, người dở thì thường tự cao khinh người.


Những chú gà con “non dạ” vẫn còn đang được “nuôi nhốt” trong chuồng, bên cạnh chỉ toàn là giun đất, kiến con, chưa biết phía sau cánh cửa trại là gì, cũng thường mang tâm thế “mình là số 2 thì không ai là số 1”.


1.1 Dở nhưng nghĩ mình giỏi


Khi ta chỉ là giọt nước mà cứ tưởng là đại dương

Khi ta chỉ là than đá mà cứ ảo tưởng là kim cương.

Đó là lúc ta đang ảo tưởng sức mạnh - mình dở mà cứ cho mình là giỏi.


Đi học, có chút thành tích học tập tốt thì nghĩ rằng kỳ thi này mình nhắm mắt làm bừa cũng qua ấy mà. Đi làm thì nghĩ với năng lực của mình, mọi thứ dễ như trở bàn tay. Ra ngoài thì nghĩ với sự hoạt ngôn (vẫn là tự nghĩ) mình phải được ưu tiên, mình là quan trọng, mình đầy sự thu hút.


Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội càng khiến khiến những người vừa chập chững bước chân vào đời ảo tưởng sức mạnh. Những chiếc app có thể biến “vịt thành thiên nga” khiến ta nghĩ rằng mình là “mỹ nhân thiên hạ”. Một vài lời hứa hẹn bâng quơ, một câu nói ngôn tình có thể copy bất cứ đâu trên mạng khiến ta lầm tưởng mình quan trọng trong lòng một ai đó. Một lời tung hô lấy lệ khiến ta ngộ nhận mình có tầm ảnh hưởng đến mọi người.





Tuổi trẻ ai chẳng có ước mơ, những suy nghĩ có đôi chút siêu thực.

Cứ nghĩ rằng mình là cái rốn của vũ trụ.

Cứ nghĩ rằng mình đặc biệt hơn người.

Nghĩ rằng mình sinh ra có sứ mệnh cao cả.

Đến khi có được một chút thành tựu nhỏ nhỏ, nhìn mình qua chiếc gương hào nhoáng của 1 lời khen, ta lại lầm tưởng mình lung linh như những vì tinh tú, rằng “trái đất này là của mỗi mình


1.2 Trái đất này là của mỗi mình


“Trái đất này là của chúng mình” thì vui.

Nhưng trái đất này là của mỗi mình thì chưa chắc vui rồi.


Khi ta tưởng mình biết tất cả nên muốn đi “dạy” đời, muốn thay đổi thế giới.

Chưa làm đã ngông nghênh cho rằng “Chuyện này đơn giản!”, “Việc này dễ như trở bàn tay!”.

Với tâm thế mình giỏi hơn người, mình là trung tâm của vũ trụ thì chú gà con với giấc mơ đại bàng thường hiện lên trong mắt người đời như sau:


Ta giỏi, ta có quyền

Các trường Đại học, cao đẳng khi “phổ cập” bằng giỏi tràn lan có lẽ chỉ với mục đích sinh viên của mình sẽ dễ tìm được việc làm. Họ chưa ngờ rằng những tấm bằng đẹp đó khiến người trẻ ảo tưởng rằng tầm cỡ của mình thì phải làm tập đoàn đa quốc gia hay một nơi phải có tiếng tăm để hãnh diện với mọi người.


Suy nghĩ ấy khiến nhiều nhà tuyển dụng sững sờ khi ứng viên mới ra trường, dù chưa có kinh nghiệm vẫn đòi hỏi thu nhập cao, cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc tốt… Thậm chí chấp nhận thất nghiệp thay vì đi làm những nghề mà cảm thấy “hạ thấp” bằng cấp của mình.


Nhưng cuộc sống mà, dù sao vẫn phải tìm cách đi làm. Đi làm chưa biết cống hiến được gì cho công ty nhưng nghĩ năng lực của mình không được đãi ngộ tương xứng, rằng ngoài kia đầy cơ hội, đầy nơi cần mình nên nhảy việc liên tục. Nhảy mãi lại nghĩ mình không phù hợp làm thuê, mình nên startup để làm CEO, làm chủ. Mình xứng đáng sống cuộc sống độc lập không ai quản thúc , tự do tài chính, thích thì làm không thích thì nghỉ.





Tóm lại với năng lực tự mình ảo tưởng, ta luôn có suy nghĩ: Tầm cỡ mình phải được chào đón thế này, hưởng quyền lợi nọ, chế độ kia từ người khác. Ta không nhận thức được rằng: mình không giỏi như mình đang nghĩ.


Chê bai, phán xét người khác

Khi chê bai một ai đó là đồng nghĩa với việc ta đang ngầm khen ngợi mình. Muốn khẳng định bản thân hơn người thì người khác buộc phải đứng thấp hơn ta. Vì vậy chỉ cần thấy ai đó không đúng với quan điểm, suy nghĩ của mình, lập tức ta cho rằng họ “sai sai rồi”.


Vì vậy ta sẽ thấy với những người trẻ, có rất nhiều những cuộc tranh cãi nảy lửa, những câu chuyện hơn thua với mục đích khẳng định đúng - sai. Ai cũng cho rằng mình đúng trong tâm thế “ngựa non háu đá”. Thậm chí nội dung chỉ xoay quanh trang phục trông “phèn thế”, một tình huống ứng xử hoặc đôi khi là đồ vật không đúng “gu” mình hay một ánh nhìn mà mình thấy “ngứa mắt”.


Tất nhiên, lứa tuổi nào dù ít hay nhiều cũng đều có sự phán xét. Nhưng với những người chưa có sự va vấp với cuộc đời, chỉ nhìn thấy điểm tốt của mình thì thường không có sự đánh giá người khác toàn diện, khách quan. Luôn quy chụp sự hiểu biết của mình là đúng nhất hoặc đôi khi sự chê bai đó xuất phát từ việc ghen ăn tức ở, không muốn người khác hơn mình.

Ngáo quyền lực - đỉnh cao của ATSM

Ta thường gặp trường hợp này ở những người trẻ nổi tiếng sớm. Đó không chỉ là những nghệ sĩ với lượng fan khổng lồ mà hiện giờ là những Youtube, Tiktoker, thậm chí những người nổi tiếng chỉ sau 1 đêm bằng một vài lượt share từ cộng đồng mạng.


Nghĩ 1 vài nghìn lượt follow thì có thể hô mưa gọi gió, nghĩ rằng mình có lượng fan dám sống chết vì mình nên những người trẻ này dám “chấp hết” những ai đi “ngược hướng”. Một lời trái ý, chẳng cần biết đúng sai đã vội vã đòi up lên mạng xã hội để phốt. Ngờ đâu có những người, phốt người không được lại phốt ngược về mình. Chẳng nhận được sự đồng tình mà còn bị cộng đồng mạng quay xe, ném đủ loại “gạch đá”.


Chưa cần biết đúng sai, chưa cần biết kiến thức của mình hơn ai. Thái độ cao ngạo, không cần ai, không coi ai ra gì khiến những người trẻ này có nhiều fan thật nhưng anti-fan cũng đông không kém.





Nhiều người không phải chuyên gia ẩm thực nhưng review đồ ăn chê nọ chê kia. Đi ăn không trả tiền (vì nghĩ mình review mình có quyền) còn quay ra khủng bố quán người ta. Có những beauty blogger tự phong “chiến thần”. Review mỹ phẩm qua vài chiếc video nhiều view đã tự cho mình giỏi hơn dược sĩ da liễu, không ngần ngại dơ tấm biển “chê nha” (đã thành trend) khi sản phẩm đó không hợp da mình, mặc kệ rất nhiều người phù hợp.


Khi được góp ý rằng “mỗi người một khẩu vị”, “mỗi người một quan điểm”, “mỗi người một sự lựa chọn” thì phản bác lại là “ý kiến cá nhân”. Nhưng mình “chê” người khác thì được, người khác “chê” mình là “tới công chuyện” với mình. Bảo vệ quan điểm không được thì xóa comment, xóa không xuể thì chơi trò “thắng làm vua, thua block”. Sự phản ứng này khá là cực đoan và cũng tạo nhiều tranh cãi.


3. Những người trẻ nào hay ATSM?


Tuổi trẻ, chưa trải sự đời nên khi khám phá được một chút thế giới thì việc ảo tưởng cũng là điều dễ thông cảm. Chỉ khác nó biểu hiện ít hay nhiều, thô hay vi tế. Nhưng nếu mãi không lượng sức mình, thì sẽ khiến những người mới bước vào đời rơi vào tình cảnh “trèo càng cao ngã càng đau”.


Sở dĩ càng ngày giới trẻ càng ATSM, thậm chí biến thành căn bệnh thời đại, bởi những nguyên nhân sau:


3.1 Thành công sớm nên sinh ngã mạn


Có một điều ta thực sự công nhận và mến mộ: Đó là những người trẻ ngày càng năng động, sáng tạo, linh hoạt và thành công sớm. Sự thành công đó có thể bằng nỗ lực thực sự hoặc đến từ may mắn. Việc những người trẻ kiếm được nhiều tiền, sớm mua được nhà, có tài sản khổng lồ khi tuổi mới đôi mươi khiến bản thân họ tự hào đó là dễ hiểu.


Tuy nhiên khi ta tự đắc quá, ta sẽ vô tình kích hoạt tâm ngã mạn, nhất là khi ta có được thành công quá dễ dàng. Có nhiều người trẻ chỉ sau một đêm, chỉ bằng một video ngắn đã trở thành người nổi tiếng. Có thể kiếm rất nhiều tiền từ việc làm video, livestream (so với những người làm công ăn lương) khiến ta vô cùng tự hào về bản thân. Nhất là khi được tung hô, khen ngợi, ta còn lầm tưởng mình đã trở thành idol, nghĩ rằng mình chẳng cần tiếp tục trau dồi vì đã quá thành công rồi.





Việc thành thạo công nghệ, nắm bắt xu thế, bắt trend nhanh chóng so với thế hệ lớn tuổi khiến ta thấy mình thật “sành điệu”, “thời thượng”. Ta nghĩ chỉ cần sở hữu những điều đó là đã nắm cả thế giới trong tay rồi. Thật tiếc, đó chỉ là một góc rất nhỏ trong thế giới rộng lớn vô cùng mà thôi.


3.2 “Ếch ngồi đáy giếng” nên coi thường người khác


Có tấm bằng giỏi thì sao chứ? Tốt nghiệp trường top thì sao chứ? Tự hào, kiêu căng không làm tăng cơ hội được nhà tuyển dụng săn đón, càng không làm tăng kỹ năng làm việc của bản thân mình.


Một nguyên nhân khác khiến người trẻ luôn nghĩ mình giỏi, đó là chưa gặp được người giỏi hơn mình. Xung quanh hiện tại có thể chỉ là những con nhái, con cua, con ốc bé nhỏ nhưng khi tràn ra khỏi giếng là cả bầu trời rộng lớn cao vời vợi. “Ở nhà nhất mẹ nhì con” nhưng ra ngoài phạm vi chật hẹp đó thì “lắm kẻ còn giòn hơn ta”.


Chưa có nhiều kinh nghiệm, là “tấm chiếu mới chưa từng trải” nên “ngựa non háu đá”. Ảo tưởng sức mạnh về bản thân chưa đủ, ta thậm chí còn ảo tưởng có được sức mạnh nhờ sự chống lưng nếu ta có người thân có “quyền lực” và sự nổi tiếng. Tất cả điều đó khiến ta nghĩ ai cũng “nể”, cũng sợ, chẳng ai dám làm gì mình.


Thật là, “ếch ngồi đáy giếng”!


3.3 Nhận thức hạn hẹp nên không lượng sức mình


Chắc hẳn bạn đều nhớ câu chuyện ngụ ngôn “Rùa và thỏ”. Thỏ thua cuộc một cách ngớ ngẩn không phải bởi năng lực mà vì sự kiêu ngạo, hống hách, coi thường người khác của mình.


Khi ta còn trẻ, ta ngỡ rằng “có tiền là có quyền”, ta ngỡ rằng chút hiểu biết của mình có thể “xoay chuyển càn khôn”, thay đổi thế giới. Ta không thấy được cái hay của người khác vì đã bị che lấp bởi sự cái ngã mạn to đùng của mình. Ta chủ quan trong sự hiếu thắng của chính mình.





Vì cho mình là giỏi, ta hay khoe khoang, kể công, cho rằng mình không thể thay thế. Vì thiếu sự hiểu biết sâu sắc ta cũng dễ bị cuốn vào các trào lưu, chạy theo trend chẳng biết đúng sai, hay dở. Ta bắt chước người khác một cách phản cảm mà không biết lượng sức mình. Ta tưởng mình đã “chín muồi” ngờ đâu mình “còn non và xanh lắm”!


Biết được nguyên nhân khiến mình ATSM rồi, làm sao để ta bớt ảo tưởng?


4. Mồ chôn của ATSM


Giấc mơ gà con thành đại bàng có thể là hão huyền nhưng nếu nỗ lực rèn luyện gà con có thể thành gà rừng. Nhưng điều kiện đi kèm là ATSM phải bị chôn vùi.


Vậy thì chôn vùi ATSM như thế nào? Bạn trẻ có thể tham khảo những cách dưới đây:


4.1 Cứ đi qua “Thung lũng tuyệt vọng”


“Cuối cùng, khổ đau chính là tình thương vô hạn của tạo hóa”


Nói vậy không phải để cổ xúy rằng: chúng ta cứ khổ đau đi, cứ lầm lỗi đi vì ở đó có “tình thương”. Nhưng nếu một người đang dương dương tự đắc trên đỉnh cao, một người đang chìm đắm trong ảo tưởng rằng mình “bất bại” thì mọi lời khuyên lúc đó chẳng có nhiều ý nghĩa.


Khi một người kiêu ngạo thất bại;

Khi một người tự cho mình giỏi bị đánh trượt;

Khi một người nghĩ mình là trung tâm vũ trụ bị từ chối;

Khi một người nghĩ mình đã thấu cõi trời bị lừa dối, bị sỉ nhục, bị nhấn chìm…

Cảm giác lúc đó sẽ thật đau khổ, thật sốc, thật tuyệt vọng, mất niềm tin vào cuộc đời.





Nhưng nhờ những lần bị dẫm đạp đến tận cùng, ta mới nhận ra: “núi cao còn có núi cao hơn nữa; sông có sâu thế nào cũng chẳng thể đọ được với biển lớn; bản thân ta chỉ là một hạt cát giữa sa mạc hoang vu.


Khi nhận ra điều đó, ta sẽ bắt đầu “khai sáng” bản thân bằng việc trau dồi tri thức, nỗ lực bằng sự khiêm tốn chứ không còn huênh hoang tự kiêu, thể hiện bản thân nữa.


4.2 Khai sáng bằng sự hiểu biết đúng đắn


Để tăng sự hiểu biết ta có thể thực hiện bằng việc trải nghiệm thực tế hoặc học qua tri thức- sách vở, đặc biệt là qua các tấm gương vĩ nhân. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ta sẽ thấy rõ những điểm hạn chế của bản thân để biết cách điều chỉnh, gọt rũa sự tự cao tự đại của mình.


Một người chê có thể mình không sai nhưng nhiều người chê thì mình nên xem lại. Khi soi chiếu lại bản thân bằng tri thức đúng ta sẽ có sự đánh giá khách quan chứ không còn là tự thổi phồng và hão huyền nữa.


Càng học ta sẽ càng thấy mình thiếu sót, càng học ta càng thấy mình bé nhỏ, càng học ta càng thấy mình cần phải nỗ lực. Và càng học ta càng thấy hóa ra những thứ mình vừa biết thì người khác đã “đào xới” từ rất lâu rồi. Chỉ khác họ chẳng ảo tưởng sức mạnh như ta.


“Người ngu nghĩ mình ngu

Nhờ vậy thành có trí.

Người ngu tưởng có trí

Thật xứng gọi chí ngu.”

Kinh Pháp cú


Khi có sự hiểu biết đúng đắn, ta cũng sẽ không tuyệt vọng trong thung lũng đau thương mà hiểu rằng đó là tiến trình mình cần trải qua. Từ một người chưa biết gì mang sự khiêm tốn, ta nỗ lực để học hỏi. Đến khi biết một chút, có được thành công một chút ta liền nghĩ mình giỏi. Ảo tưởng mình giỏi khiến ta không còn muốn lắng nghe người khác, không còn cần học hỏi mở mang. Vì nghĩ mình giỏi nên ta khinh thường người khác. Rồi khi thấy người khác giỏi hơn mình thì ta đố kỵ, tìm cách hạ bệ. Với tính cách “khó chiều” đó ta bị cuộc đời vùi dập tơi bời. Nhờ sự vùi dập đó mà ta nhận thức về những thiếu sót của bản thân.





Nhờ sự hiểu biết đúng đắn, ta cũng nhận ra tất cả những điều mình từng tự hào, muốn thể hiện như tiền bạc, sự nổi tiếng… tất cả cũng đều là nhất thời. Chạy theo những thứ bên ngoài là cuộc rượt đuổi không bao giờ có hồi kết. Chỉ có quay vào bên trong, vun bồi nội lực, chạy theo sự ưu tú mới thực sự bền vững.


Giống như bông lúa trước khi chín cũng nào đã biết cúi đầu, sự hiểu biết đúng đắn giúp ta trân trọng hành trình mình đi qua, nỗ lực cho hành trình sắp tới và trọn vẹn với khoảnh khắc hiện tại.

4.3 Hãy là bông lúa cúi đầu


Cúi đầu là bông lúa chín, ngẩng lên thể hiện bản thân là cỏ dại. Nhưng cỏ dại lại chẳng được người nông dân đoái hoài, ngược lại bông lúa lại dành được sự trân trọng. Sống trong đời sống cũng vậy, người càng khiêm hạ càng hài hòa với mọi người, càng khiêm hạ càng bộc lộ sức mạnh nội tại.


Để có được phẩm chất của “bông lúa cúi đầu”, đức tính của “sông sâu tĩnh lặng”, ngoài việc trau dồi sự hiểu biết đúng đắn, ta cần học cách lắng nghe, tôn trọng quan điểm của người khác.





Nếu vấn đề họ nói với mình, mình từng nghe qua rồi cũng đừng vội phản bác “tôi biết rồi”, vui vẻ nghe họ chia sẻ lại, ta sẽ có thêm góc nhìn mới. Nếu vấn đề họ đề cập không giống với ai, đừng vội nói rằng họ sai bởi sự sáng tạo và khác biệt chỉ cách nhau một gang tấc. Nếu điều họ tìm hiểu, mình cảm thấy vẫn còn khá hời hợt, đừng chê bai họ sơ sài bởi đó là nền tảng để họ phát triển hơn nữa.


Học sự khiêm tốn và luôn cúi đầu, tự hạ mình để dung chứa muôn loài như phẩm chất của Đất, ta sẽ tự khắc được nâng lên thật cao.


5. Kết luận


Đức Phật từng nói rằng: ai cũng từng có lúc ảo tưởng sức mạnh bản thân, chỉ khác là nhiều hay ít. Vì vậy trước sự thổi phồng bản thân của người trẻ ta không nên phán xét, chê bai mà hãy giúp những người có nhiều năng lượng đó có nhận thức đúng để hạn chế những vấp ngã trên đường đời.


Và dù có là ai, còn trẻ hay không còn quá trẻ nữa, mang giấc mơ đại bàng hay là gì đi nữa, ta cũng đừng chỉ đuổi theo thành công. Khiêm hạ theo đuổi sự ưu tú và rồi thành công sẽ tự đuổi theo ta.


Nội dung: Nhàn Lý

Biên tập:

Hình ảnh: Hạnh Dung





242 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page