Đứng trước rất nhiều áp lực cuộc sống, bạn sẽ lựa chọn chạy trốn hay đối diện với tất cả những mệt mỏi, stress, bất như ý?
Lựa chọn đối điện sẽ giúp ta vững chãi, trưởng thành nhưng không phải ai cũng là than đá để áp suất tạo kim cương, rất nhiều người là mầm cây, là ngọn cỏ, là bong bóng xà phòng…chỉ cần áp lực nhỏ là tan nát, vụn vỡ.
Nhưng trốn chạy thì không phải là kế sách cả đời. Vậy làm sao để có thể điềm tĩnh vượt qua những áp lực cuộc sống khi nội lực ta còn yếu?
Mời bạn cùng Blog 3 gốc suy ngẫm về bài viết này để có thể biến áp lực cuộc sống thành lực đẩy giúp chuyển hóa bản thân bạn nhé!
Text: Ảnh thẻ chánh kiến áp suất
Mục lục
1. Áp lực cuộc sống - làm sao chèo chống?
2.1 Động lực của người này là áp lực của người kia
2.2 Bất lực trước áp lực
—--
1. Áp lực cuộc sống - làm sao chèo chống?
Cuộc sống thật áp lực!
Đó là câu cửa miệng của rất nhiều người khi hàng ngày phải đối diện với rất nhiều những vấn đề lớn hơn khả năng của bản thân. Vậy áp lực cuộc sống là gì? Những áp lực đó từ đâu mà đến?
1.1 Áp lực cuộc sống là gì?
Áp lực là thuật ngữ dùng trong vật lý để chỉ lực tác động lên bề mặt của một vật gây ra sự biến đổi về chuyển động hoặc cấu trúc hình học của nó. Lực tác động càng lớn thì sự biến đổi của vật càng nhiều.
Áp lực cuộc sống là tất cả những yếu tố bên ngoài (như gia đình, công việc, xã hội..) tác động đến ta khiến ta có sự thay đổi về nhận thức, suy nghĩ, thái độ và hành vi. Thường nó khiến ta cảm thấy mệt mỏi, rơi vào trạng thái xuống cấp trầm trọng về thể chất lẫn tinh thần nếu nội lực của ta yếu.
Áp lực cuộc sống có thể là những yếu tố bất ngờ lớn nhưng cũng có thể là nhiều vấn đề nhỏ gộp lại, kéo dài hàng ngày chưa thể giải quyết triệt để khiến ta luôn sống trong trạng thái căng thẳng, khó khăn, bất lực.
1.2 Những áp lực đến từ cuộc sống
Có rất nhiều áp lực “đeo đuổi” một người từ trẻ đến khi già. Và mỗi thời điểm trong xuyên suốt hành trình “sinh lão bệnh tử” của đời người, những áp lực đó lại có hình hài riêng. Còn bạn, bạn thấy mình đang có những áp lực nào trong cuộc sống?
Áp lực gia đình
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều đã có áp lực. Áp lực từ những cơn đau dồn dập của người mẹ, các cơ trong tử cung thắt chặt lại để đẩy em bé ra ngoài. Tiếp sao đó là áp lực đến từ những hy vọng, mong ước của ba mẹ đặt lên đứa trẻ theo thời gian trôi.
Khi còn nhỏ, ba mẹ luôn kỳ vọng ta là con ngoan trò giỏi, tương lai thật thành đạt nên ta rất áp lực chuyện học hành, thi cử. Ta thậm chí chứng kiến những người bạn của mình vì sự kỳ vọng này mà stress, bất cần đời, đỉnh điểm là lựa chọn cái chết để “đáp trả”.
Lớn lên một chút, áp lực vì công chưa thành danh chưa toại, hoang mang giữa biết bao nẻo đường, những người trẻ là ta lại áp lực chuyện dựng vợ gả chồng. Lập gia đình rồi lại áp lực đối nội - đối ngoại, áp lực nuôi con, cho con đi học, thi cử, tiếp tục kỳ vọng bằng cách đặt vào con những ước mơ mình còn giang dở…
Con cái áp lực về kỳ vọng của ba mẹ; ba mẹ thì áp lực chuyện lo cho con cuộc sống đủ đầy; tuổi xế chiều lại áp lực trở thành gánh nặng của người trẻ. Cứ như vậy, một vòng tuần hoàn áp lực luân hồi từ đời này sang đời khác. Có khi nào được thảnh thơi?
Áp lực công việc
Chưa hết áp lực vì những so sánh với “con nhà người ta giỏi quá”, ta ngụp lặn trong những áp lực mưu sinh, cụ thể là công việc. Thất nghiệp chắc chắn áp lực khi bị người người chê bai, bản thân chật vật cơm áo gạo tiền; Nhiều việc lại càng áp lực vì sếp thì giục, đối tác thì không thể chờ, đồng nghiệp thì ngày càng tiến bộ vượt bậc còn ta thì không muốn bị chi phối bởi sự hơn thua.
Cả thanh xuân, ta hết áp lực chọn ngành, chọn nghề đến áp lực xin việc. Xin được việc rồi lại áp lực được lên chức, tăng lương, được tín nhiệm, rằng “tốc độ thành công phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ”…khiến ta luôn trong trạng thái làm việc quá tải, bỏ bê ăn uống, mất ngủ triền miên, sức khỏe giảm sút. Càng vậy thì quay trở lại khối lượng công việc đồ sộ ta lại càng áp lực và mệt mỏi.
Nhiều người sẽ bảo: Nếu công việc quá sức và chán nản thì nghỉ đi. Nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Cuộc sống tiện nghi và hiện đại khiến ta vô cùng áp lực về kinh tế. Những nhu cầu không ngừng sản sinh khiến con người, đặc biệt người trẻ bị áp lực kiếm tiền đè nặng.
Đôi khi hiện hữu dưới những cái tên nghe có vẻ vụn vặt: chi phí sinh hoạt tăng, tiền điện nước tăng, giá cả leo thang, rồi N thứ đám (đám cưới, đám hỏi, thôi nôi, sinh nhật, tân gia…) trong khi đồng lương ít ỏi khiến cho những người trẻ không ít khi cảm thấy mệt mỏi, quá sức chịu đựng với guồng quay của xã hội.
Áp lực xã hội
Nói đúng hơn là cuộc chạy đua với xã hội về vật chất - địa vị và danh vọng. Từ bao giờ chúng ta trang trí cho cuộc đời bằng những mỹ từ về thành công và hạnh phúc là phải có nhà lầu, xe sang, gia đình hoàn hảo, con học trường chuyên trường quốc tế…
Tất cả những tiêu chuẩn được xã hội vạch ra khiến ta không ngừng lao như thiêu thân để thực hiện cả những điều quá tầm tay.
Điều đó khiến cho bất kỳ ai cũng có áp lực của riêng mình. Người nghèo thì áp lực chuyện kiếm tiền, người giàu áp lực chuyện giữ tiền. Phụ nữ áp lực giữ gìn nhan sắc - đàn ông áp lực xây dựng sự nghiệp.
Vợ áp lực chuyện vừa đi làm vừa nuôi dạy con vừa bếp núc - chồng áp lực trụ cột kinh tế khi vừa phải có thu nhập lo cho cả nhà lại vừa có tích lũy. Con cái hết áp lực học hành thi cử đến áp lực xin việc ổn định. Xin được việc rồi lại lại áp lực thăng chức. Thăng chức rồi lại áp lực quản lý nhân sự, điều hành công việc…
Áp lực phải bằng bạn bằng bè, phải nỗ lực được như người ta.
Áp lực mình khổ rồi phải để con cái của mình được sống sung sướng trong điều kiện tốt nhất.
Áp lực không bị đào thải trong khủng hoảng kinh tế, sự phát triển vượt bậc của AI.
Và còn có những áp lực với tên gọi không biết phải làm gì khi lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng chi chít những sự sáng tạo, đổi mới rồi.
Cứ tiếp diễn những sự so sánh như vậy, cuộc sống khi nào mới hết áp lực?
2. Áp lực thì lớn - nội lực thì yếu
Trong những khoảnh khắc mệt mỏi, cảm thấy đuối sức vì quá nhiều vấn đề xảy đến, bạn có từng hỏi “Áp lực cuộc sống đến từ đâu?”. Con người chỉ cần cơm ăn ba bữa là đủ, vậy sao phải vật lộn, lo toan nhiều đến vậy?
2.1 Động lực của người này là áp lực của người kia
Mỗi người có một áp lực khác nhau. Người thì áp lực chuyện học hành, kẻ áp lực công việc; sống ở thành phố áp lực chi phí sinh hoạt đắt đỏ, ở quê thì lo lắng mình thụt lùi về tri thức và sự hiểu biết… Cuộc sống quá nhiều sự bất toàn. Và ta không ngần ngại cho rằng những áp lực đè nặng trên vai ta là do cuộc sống quá ư vội vã, người thân quá nhiều đòi hỏi còn bản thân mình lại đen đủi gặp quá nhiều bất như ý.
Thật ra không phải vậy. Ta chỉ cần làm một phép so sánh như thế này: Cùng là một vị trí công việc, ta thì cảm thấy vô cùng chới với nhưng đồng nghiệp bên cạnh lại cảm thấy “làm như chơi”.
Hay cùng đối mặt với khủng hoảng kinh tế, người ung dung tự tại, kẻ lại chất chứa nỗi sợ bị đào thải. Cùng là sự kỳ vọng của ba mẹ, người cảm thấy hạnh phúc, người lại cảm thấy có gánh nặng đè lên vai mình. Có những thứ là áp lực của mình nhưng lại là động lực của người khác.
Và một nguyên nhân nữa là do bản thân ta mong cầu quá nhiều. Nếu ta hài lòng với cuộc sống đơn giản - biết đủ thì ta nào có nhiều áp lực. Có nhà đủ ở chứ không cần nhà 3 tầng hay biệt thự, có xe để đi chứ không nhất thiết phải 4 bánh, đủ quần áo để mặc chứ không cần thương hiệu nọ thương hiệu kia…thì ta cũng đâu cần phải nai lưng, chạy đua kiếm thật nhiều tiền.
2.2 Bất lực trước áp lực
Áp lực là lực tác động từ bên ngoài - đó là sự thật hiển nhiên nhưng khả năng chịu lực của bản thân ta sẽ quyết định kết quả. Nếu nội lực của ta mạnh hơn lực tác động bên ngoài thì sẽ khiến ta từ “than đá thành kim cương”. Ngược lại nội lực của ta yếu hơn ngoại cảnh thì ta sẽ giống như quả trứng hoặc hạt đậu, vỡ vụn trong chớp mắt.
Không phải ai cũng là than đá để dưới áp lực lớn trở thành kim cương. Khi ta cảm thấy mệt mỏi, stress, chán nản và có lúc muốn buông xuôi mọi thứ là lúc nội lực của ta mỏng manh trước lực tác động lớn từ bên ngoài. Lực đó khiến ta bị biến dạng, méo mó, thậm chí là vỡ tan.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, dưới những áp lực triền miên, tim giải phóng hormone cortisol và khiến ta dễ mắc các bệnh tim mạch. Ta không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề vì sức khỏe giảm sút mà tinh thần còn xuống cấp trầm trọng. Trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần, suy nghĩ tiêu cực, dễ nổi nóng, tổn thương tâm lý, kiệt quệ đến mức muốn kết thúc cuộc đời…đó là triệu chứng ta thường gặp khi phải đối diện với quá nhiều áp lực cuộc sống.
Đó là khi ta hoàn toàn bị động, không lường trước hoặc bản thân đón nhận áp lực với tâm thế “đối kháng”. Lúc này ta sẽ thường cảm thấy áp lực là do người khác mang đến, áp lực là nghịch cảnh, là gánh nặng.
Nội lực yếu nhưng ta lại không có giải pháp cải thiện. Hoặc cải thiện một cách cứng nhắc nên phản tác dụng. Chẳng hạn một cậu trai trẻ trượt kỳ thi cuối kỳ của 1 môn học, ngay sau phút trách móc bản thân, cậu gạt đi nước mắt của thất bại, quyết tâm đứng dậy chuẩn bị cho việc thi lại. Cậu đã ép bản thân thức thâu đêm suốt sáng, học điên cuồng một tháng trời quên ăn quên ngủ. Đến ngày thi vì quá mệt mỏi, kiệt sức, cậu đã không thể hoàn thành bài thi đúng như mong đợi.
Khi ta đối mặt với áp lực cuộc đời bằng một tâm thế bị ép buộc hoặc cam chịu đi chăng nữa thì nếu không có giải pháp đúng đắn ta sẽ bị nhấn chìm, áp lực mãi mãi là áp lực và ta cứ vùng vẫy trong sự bất lực của bản thân. Chắc chắn đây sẽ không phải là một sự lựa chọn phù hợp với những người luôn muốn phát triển bản thân, sống một đời ý nghĩa.
Nhưng áp lực cuộc sống là điều không tránh khỏi, điều đó có nghĩa là ta không thể mãi trốn chạy. Vậy làm sao để đối diện khôn ngoan nhất, linh hoạt nhất?
3. Cách nào để người nội lực yếu vượt qua áp lực cuộc sống?
Không phải cứ là than đá thì dưới áp lực sẽ trở thành kim cương nhưng nếu ta biết cách đối diện thì bất kỳ ai cũng có thể biến áp lực thành lực đẩy bản thân lên một tầm cao mới.
Vậy thì dưới vô vàn những áp lực, ta nên lựa chọn cách nào để vượt qua?
3.1 Thay đổi tâm thế - biết ơn cuộc đời
Khi trưởng thành, thành công và hạnh phúc trong tầm tay rồi ta mới nhận ra:
Nếu không có sự kỳ vọng của ba mẹ năm đó thì chắc gì ta đã nỗ lực học tập, sống tử tế và có trách nhiệm với gia đình.
Nếu không có những lần được cấp trên giao cho nhiệm vụ khó khăn và quá sức, làm sao ta có chuyên môn vững vàng. Để rồi dù có thay đổi vài công việc thì ta cũng chẳng hề nao núng vì đã được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt trước đó.
Sao ta nhận ra ta khi cuộc sống cứ thế yên bình trôi qua mà không có những áp lực từ cuộc sống? Mà thực ra sự yên bình đó cũng sẽ thổi bùng áp lực khi ta vấp phải những biến cố cuộc đời mà thôi.
Cuộc sống vô thường và mỗi khoảnh khắc trôi qua đều chứa đựng vạn sự đổi thay, nếu ta không rèn luyện, áp suất bản thân thì sẽ mãi “le lói buồn trăm năm” chứ không thể nào chạm đến “một phút huy hoàng” nào.
Rõ ràng, rất nhiều thành quả chỉ có được khi ta có áp lực, rất nhiều con người kiệt xuất được tạo nên bởi “thời thế” đầy biến động. Tinh thần thép ít được bộc lộ trong bối cảnh hòa bình nhưng nghị lực phi thường luôn nổi bật tại thời điểm nhiều thử thách. Như câu chuyện của Viktor Frankl trong cuốn sách “đi tìm lẽ sống” đã cho chúng ta thấy sức mạnh “thép đã tôi thế đấy” nhờ việc đi qua nghịch cảnh khắc nghiệt đến tận cùng trong nhà tù.
Quả bóng muốn bay vào gôn thì phải có lực đá chính xác của cầu thủ; con sâu muốn thoát chiếc kén chật hẹp để biến thành chú bướm lộng lẫy kiêu sa thì phải trải qua những ngày đớn đau lột xác. Bản thân ta cũng vậy, nhờ có áp lực, nhờ đứng trước tình cảnh không còn sự lựa chọn nào khác mà ta buộc mình bước ra khỏi vùng an toàn, nâng tầm nội lực bản thân để bật lên như những con chim đại bàng luôn sải cánh ở những khoảng không cao vời vợi.
Không phải ai cũng có khởi đầu thuận lợi, thậm chí đã nằm sẵn trong áp lực rồi. Nếu không muốn bị nhấn chìm, vỡ vụn thì chỉ còn cách là chủ động đối diện và tự áp suất bản thân mình
Nghĩa là ta thay đổi tâm thế “bất như ý” của mình bằng thái độ của một người “biết ơn”. Nghe thật kỳ quặc! Sao ta có thể biết ơn thứ cản đường mình?
Thực tế khi ta coi tất cả những khó khăn đến với mình là cơ hội để rèn luyện nghị lực. Ta bình tĩnh giải quyết từng vấn đề, ta sẽ thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Có rất nhiều thứ chưa trải qua thì thấy thật đáng sợ nhưng đi qua rồi mới thấy thật bình thường. Không có sự tôi luyện nào tốt bằng những khó khăn, thử thách quá sức với bản thân.
Khi chủ động đối diện, tâm thế của ta cũng sẽ khác. Giống như một người làm những việc của mình với sự đam mê thì sẽ không có nỗi sợ, không còn sự mệt mỏi, chán nản mà ngược lại sẽ hoàn thành với năng lượng rất tuyệt vời. Chủ động sẽ giúp ta nỗ lực hết mình trong sự nhận biết, thả lỏng chứ không “đối kháng”. Có sự nén chặt nhưng ta biết mình cần nó để có khả năng bật lên.
3.2 Nén chặt để bật lên
Có một cách để không bị động trước những áp lực sẽ xảy đến trong tương lai đó là hãy rèn luyện để nội lực luôn lớn hơn hoặc bằng lực tác động của ngoại cảnh. Giống như cách than đá biến thành kim cương cần mang phẩm chất của cacbon nguyên chất nằm sâu trong lớp vỏ trái đất, trải qua nhiệt độ và áp suất cao để tạo thành, ta cần thường xuyên áp suất bản thân để rèn rũa 3 phẩm chất: CỨNG MẠNH, TRONG SUỐT, GIÁ TRỊ CAO. Được như vậy áp lực sẽ chuyển hóa thành lực đẩy giúp ta có những bước tiến nhảy vọt.
Đó là lí do mà trong công việc ta luôn cần tạo deadline cho mình hoặc tự đề ra kế hoạch khó rồi bắt tay vào làm với tinh thần “không xong không nghỉ” hoặc đưa mình vào môi trường rèn luyện khắc nghiệt.
Nhắc đến môi trường rèn luyện khắc nghiệt, không thể bỏ qua việc dạy và rèn ở West Point. Sinh viên ở đó vừa vào trường đã phải trải qua những bài học khủng bố tinh thần như bị trụng nước sôi 100 độ rồi qua trụng nước đá. Rất nhiều người đã phải cuốn gói về nhà nhưng những người có thể trải qua sự khắc nghiệt đó sẽ trở thành “một con người hoàn hảo”, kiệt xuất.
3.3 Thoải mái với những bước đi nhỏ
Nếu chẳng một phen sương buốt giá
Hoa mai đâu dễ tỏa ngát hương
Nhưng rồi ta sẽ gặp phản biện rằng: Đâu phải ai cũng chịu được áp lực! Đâu phải than đá nào cứ áp suất cũng thành kim cương! Đâu phải ai cũng có đam mê để làm với tâm thế thoải mái và hạnh phúc!
Đúng vậy!
Dù là tuổi nào đi nữa thì trước khi tìm ra đam mê cũng cần phải thấu hiểu bản thân mình. Thấu hiểu bản thân, ta cũng sẽ biết mình có phù hợp với áp suất ở giai đoạn nào, rằng áp lực thì cũng cần thiết đó nhưng không nên quá đà. Bởi nếu quá tải trong một thời gian dài sẽ bị phản tác dụng.
Áp suất rất cần thiết để nâng tầm sức mạnh nội lực nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đối diện với áp lực. Bởi nếu vậy thì đã không có cái gọi là nghịch cảnh, là tổn thương tâm lý, là bị bóp méo trước những tác động lớn của cuộc đời, là trốn chạy và ôm ấp những nỗi sợ hãi.
Vậy nếu ta chỉ là một bông hoa, một mầm cây nhỏ mong manh, chưa có những trải nghiệm lớn trong đời thì sao? Áp suất lúc này đồng nghĩa với chọn cái chết hoặc nếu có áp lực thì chỉ có thể chống chọi với những lực tác động cực kỳ nhỏ. Nhưng mà, cuộc sống đâu có thiên vị ai, khi bắt buộc phải đối diện những vấn đề quá sức bản thân mà lại không thể áp suất thì làm thế nào?
Câu trả lời là hãy lựa chọn Kaizen, thay đổi từng bước nhỏ với tâm thế thoải mái, dễ chịu, vui vẻ. Hơn nữa dù ta có mạnh mẽ thế nào thì cũng không thể áp suất liên tục mà không có quãng nghỉ. Một sợi dây cứ căng mãi mà không có lúc nào trùng thì đứt đoạn là điều tất yếu. Con người cũng vậy, trước đợt áp suất lớn sẽ cần chuẩn bị tâm thế tốt, sau đó cần thời gian nghỉ ngơi khi kết thúc. Nhưng khoảng nghỉ đó ta lại không thể dừng, vì vậy thật hợp lý nếu ta đan xen những bước Kaizen nhỏ trong từng bước nhảy vọt đó.
Cứ như vậy khi ta quen thuộc với từng bước nhỏ thật dễ chịu rồi, ta sẽ dễ dàng hơn trong việc đối diện những thách thức lớn. Việc đan xen hai phương pháp sẽ giúp ta biến áp cuộc sống thành lực đẩy giúp ta từng ngày hoàn thiện mình hơn, sống trách nhiệm hơn, tử tế hơn.
4. Lời nhắn nhủ
Áp lực cuộc sống là điều không ai có thể tránh khỏi nhưng ta hoàn toàn có thể tránh bị vỡ vụn, biến những điều bất toàn thành động lực để mình mạnh mẽ, trưởng thành qua những thách thức của cuộc đời.
Nếu như nội lực vẫn còn yếu, ta chưa sẵn sàng cho những áp suất lớn thì cũng không sao. Chỉ cần ta không “đối kháng” mà lựa chọn thái độ điềm tĩnh, vui vẻ trong từng bước đi nhỏ với tâm thái thoải mái thì sẽ đến một ngày ta đủ sức cho những áp suất tạo bước đi lớn. Không quên vun bồi nội lực, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn trên suốt hành trình chứ không phải chờ đến ngày về đích.
Nội dung: Nhàn Lý
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Trúc Phương
Comments