top of page

4 bài học về bản chất thực cuộc sống

Updated: Nov 17, 2023

Thế kỷ 21 là một dấu ấn khó phai với những biến động đi vào lịch sử của toàn nhân loại trên quả địa cầu này, và bạn COVID-19 là một nhân vật tiêu biểu trong số đó.


Mới chỉ đồng hành cùng chúng ta hơn 02 nồi bánh chưng mà giờ đây, bạn đã cướp đi mạng sống của gần 3,5 TRIỆU người trên thế giới, hơn 150 triệu người đã và đang phải đối diện với cánh cửa tử thần, và toàn bộ gần 8 tỷ người trên toàn thế giới cùng hàng triệu công ty, tập đoàn lớn bé đang trong tình trạng hoang mang và chao đảo vì bạn, COVID-19.


Mối thâm tình sâu nặng đầy máu và nước mắt này vẫn chưa có hồi kết. Sự tàn khốc và sát thương của bạn đến với nhân loại và trái đất này chắc tôi không phải nói nhiều nữa, vì đã có hàng tấn những kênh truyền thông; báo chí; mạng xã hội đề cập đến bạn mỗi ngày.


Nhưng nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, COVID-19 đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học sâu sắc về bản chất thực của cuộc sống này là gì? Đâu là những giá trị nền tảng, đâu là những giá trị bền vững, trường tồn không bị mai một qua thời gian và khoảng cách?





#Bài học 1: Trân quý những giá trị thực và nền tảng của sự sống còn


02 chữ "MIẾNG ĂN" là bài học đầu tiên mà bạn ấy giúp ta phải ngẫm lại. Sống trong đại dịch COVID-19 hiện nay, nhà nhà người người ở các thị trấn, thành phố từ lớn đến bé đều phải tích trữ, nào là lương thực; thực phẩm khô như mỳ tôm, cá khô, mực tẩm cho đến tủ đông lạnh đầy ấp từ nông, thổ đến thuỷ, hải sản để sống sót qua những ngày tháng cách ly xã hội,...


Đấy, giờ đã lộ ra chân tướng sự thật rồi! Những bác nông dân thôn quê, mộc mạc mà chân chất mới chính là những nhân tố tạo nên nền tảng cho sự sống còn của nhân loại. Nông nghiệp sạch, thực phẩm xanh quan trọng vậy đó, mà truyền hình báo chí cứ ra rã tin tức về các vấn nạn như phun thuốc trừ sâu quá mức, gia súc gia cầm bị nhồi thuốc tăng trưởng cho mau ăn chóng lớn rồi bán lấy bán để. Thực phẩm bẩn thỉu, nhái lậu, ôi thiu hay chế biến cẩu thả đang đe doạ đến sức khoẻ người tiêu dùng.


Còn giới trẻ, sinh viên ngày nay thì lại đổ xô tranh đua nhau vào học các ngành như quản trị kinh doanh, du lịch, khách sạn, logistic, IT, marketing,... phải chăng cũng chỉ vì những cái tên mỹ miều chạy theo xu hướng trào lưu hiện đại hoá và toàn cầu hoá?


Mấy ai dám rẽ nhánh bỏ phố về quê làm nông, chọn đi con đường phát triển ngành nông nghiệp nước nhà một cách tử tế. Nếu xác định theo nghề nông thì phải chấp nhận được vất vả, kiên trì và chịu thương chịu khó. Bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, ngày ngày loay hoay với cánh đồng, thửa ruộng, vườn rau. Làm mệt lã thì ngã ra ngủ một giấc, tỉnh dậy lại tất bật tay chân với vườn tược, gà chó. Vận động tay chân từ sáng tinh mơ đến tối om mịt mù chứ có được diễm phúc dán hai con mắt vào cái màn hình laptop mười tiếng mỗi ngày như mấy bạn làm công sở đâu, rồi dăm ba năm phải lăn ra đi chạy chữa các bệnh thoái hoá đốt sống cổ, vẹo cột sống lưng, hay ngồi nhiều quá còn là nguyên nhân gây ra căn bệnh trĩ huyền thoại của giới văn phòng.





Nói đùa thế thôi chứ mỗi người một vai trò riêng, một đóng góp riêng cho mảnh ghép xã hội đa sắc màu. Vậy nên có làm gì thì làm, nông nghiệp sạch, xanh, gắn liền với quê hương, đất mẹ vẫn mãi là nền tảng cho sự sống còn của con người, là nơi để mỗi chúng ta có thể về để hàm dưỡng thân tâm sau những khoảng thời gian bon chen với cuộc đời đầy thị phi, cám dỗ, áp lực.


Kết luận: BÀI HỌC ĐẦU TIÊN đó là hãy biết trân quý những người nông dân, trân quý ngành nông nghiệp, trân quý mảnh đất quê hương & quay về với những công việc nền tảng cho sự sống còn của nhân loại bạn nhé!



#Bài học 2: Trau chuốt vỏ bọc bên ngoài hay hàm dưỡng vẻ đẹp bên trong?


COVID-19 ra đời đã làm chao đảo các thương hiệu thời trang lớn trong nước và đặc biệt là trên thế giới. Hàng loạt những chuỗi cửa hàng, thương hiệu thời trang, quần áo, đồng hồ, trang sức phải tạm ngưng sản xuất, đóng cửa trong một giai đoạn dài hay thậm chí phải đi đến nước tán gia bại sản.


Cũng đúng thôi, nhìn sâu vào những món quần áo sang chảnh đó đi, nó cũng chỉ là những mảnh lụa để che cái thân này khỏi mưa nắng gió rét của thiên nhiên đất trời mà thôi. Nếu còn một công dụng nào khác, có chăng nó đóng vai là thứ phương tiện để giảm thiểu những cám dỗ của bản năng thuần tự nhiên trong mối tương giao của quan hệ cộng đồng, giữa người với người - giữa nam với nữ.


Vậy có ai đặt câu hỏi rằng trị giá của thời trang xa xỉ được định giá bằng những yếu tố nào hay không?

Hầu hết giá cả trên trời của chúng không phải từ nguyên vật liệu sản xuất mà phần lớn được cấu thành bởi lòng ham muốn thể hiện đẳng cấp bản thân, thể hiện sự khác biệt, sang trọng cho cái vỏ bọc bên ngoài để nhận về sự tán dương, khen thưởng và ngưỡng mộ từ người khác.





Bên cạnh sự lãng phí; tốn kém về tiền bạc đó, chúng còn ngốn của ta hàng tấn thời gian để soi mình trước gương trong những bộ cánh lấp lánh và hàng lô mỹ phẩm đắp lên da mặt, bờ môi mỗi buổi sáng trước khi bước ra đường. Nỗi thống khổ của sự ám ảnh bởi hình thức bên ngoài này đã trở thành tâm điểm trong một thời gian khá dài của giới showbiz được thể hiện qua bài hát: "Người yêu tôi không có gì để mặc".


Kết luận: Bài học thứ 02 mà bạn COVID-19 dạy chúng ta là: Vẻ đẹp bề ngoài nhanh chóng tàn phai qua năm tháng, ẩn sau đó chỉ toàn là lòng ham muốn thể hiện cái tôi đẳng cấp của bản thân và nỗi sợ hãi vô bờ bến bởi những lời nhận xét, đánh giá từ bạn bè, xã hội bủa vây trong tâm trí ta. Vẻ đẹp thực sự của một con người không nằm ở lớp vỏ bọc hình thức bên ngoài mà là vẻ đẹp của một tâm hồn trong sáng, thanh khiết, thuần tịnh tự nó toát ra.

Vẻ đẹp đó nhẹ nhàng nhưng âm ỉ trong ký ức và tâm trí của người khác, vẻ đẹp đó thay vì tạo ra mối quan hệ quyến luyến về cảm giác và cảm xúc thái quá, nó lại tạo ra sự gắn kết vô hình, nhẹ nhàng và bền vững vô cùng.


#Bài học 3: Phân biệt phương tiện nhân tạo, chóng biến đổi với phương tiện tự nhiên, bền vững


Những phương tiện giao thương, đi lại cũng điêu đứng vì gánh lỗ nặng như ngành hàng không, tàu hoả, buôn bán xe máy; xe hơi,... Những chiếc siêu xe đắt đỏ cũng chỉ là phương tiện di chuyển để đi lại sao cho thuận tiện, nói toẹt ra thì nó chính là phiên bản nâng cấp của "đôi chân - món quà vĩ đại mà vũ trụ đã ban tặng cho mỗi chúng ta". Vậy mà bao lâu rồi, bạn chưa dừng lại giữa nhịp sống hối hả như hiện nay để cho phép mình thênh thang bước đi và cảm nhận từng xúc chạm của đôi chân bạn với mặt đất?


Thử một lần buông chiếc xe đầy nhiên liệu và khói xám đó ra để tản bộ bằng chính đôi chân của mình một lần xem sao? Tôi đoán chắc bạn sẽ học được cách trân quý từng khoảnh khắc cuộc sống dung dị mà âm vang lạ kỳ của thiên nhiên đất trời mang lại, từ đó mà biết đem lòng thương nhành hoa, yêu chiếc lá, ngắm nhìn mặt trời mọc, tĩnh tại lắng nghe tiếng reo hò của chim chóc, trân quý toàn bộ sự sống đang hiện diện quanh ta hơn.





Chúng ta có đang nghĩ rằng: đôi chân đang làm ta chậm lại so với thế giới? Cũng có phần đúng nhưng chưa đủ đâu. Chiếc xe có thể giúp ta đi nhanh chóng, hối hả đến cơ quan làm việc nhưng nó chẳng bao giờ có thể giúp ta đi sâu vào bên trong để khám phá thế giới nội tâm chính mình hay cảm nhận được vẻ đẹp toàn vẹn của muôn loài, vạn vật, sự sống quanh ta trong sự bất toàn, xáo động của thế giới xoay vần ngoài kia.


Trong thời khắc tịnh mịnh đó, bạn sẽ thấy ra được: "Đâu là những thứ cần thiết nhất trong cuộc đời mình để mà theo đuổi? Để chọn cho mình một cuộc sống ý nghĩa, dị giản nhưng sâu sắc đến lạ".


Kết luận: Chiếc xe chỉ là hình mẫu cho một phương tiện cụ thể mà chúng ta đang vay mượn mà thôi. Đồ đạc, nhà cửa, xe cộ, tiền tài, chức vụ, địa vị, quyền lực, danh vọng, tất cả những phương tiện trên chỉ là vay mượn trong một kiếp người.


Tất cả chúng mãi mãi chỉ là phương tiện, không bao giờ là đích đến ở cuối con đường trong cuộc sống này cả. Vậy nên các phương tiện đó cũng chỉ để sử dụng, không nên lạm dụng, ham mê quá độ mà quay cuồng cả đời người để đạt được những giá trị ảo và chóng tàn hoại theo thời gian. Nghe thì ghê vậy nhưng cũng đừng khước từ hay tránh né nó nhé. Chiếc xe giúp ta đi đến chỗ làm, giúp ta đưa đón con cái đi học, giúp ta ngao du trên mọi ngỏ ngách nẻo đường. Nó vẫn rất hữu ích cho cuộc sống thường nhật của ta mà phải không?


Nhưng nói gì thì nói, ắt cho cùng cũng phải tìm về cho bằng được với những phương tiện tự nhiên nhất, đơn giản và mộc mạc nhất mà đất trời ban tặng cho mỗi người như: đôi bàn tay, những bước chân, ánh mắt, nụ cười để tự thân nuôi dưỡng và sử dụng nó phục vụ cho hành trình hàm dưỡng tâm hồn mình, sẻ chia và giúp đỡ mọi người, chung tay nuôi dưỡng đất mẹ thêm tươi xanh.


# Bài học 4: Thấy rõ bản chất cuộc sống và hạnh phúc đứng trên sự thống khổ và biến động của nhân loại





Con người đang thưởng ngoạn những thú vui đời thường do sự tiện nghi và hiện đại của khoa học công nghệ mang lại. Chúng ta đang đắm chìm trong sự thành công và phát triển tột bậc của kỷ nguyên mới.

Trong khi đang có hàng triệu những con người phải ngã lưng, bạn Covid đã mang họ đi khỏi thế giới này, thân xác nằm im trên đất mẹ còn linh hồn đi cùng khói hương bay lên để gặp thượng đế, đó chính là nỗi thống khổ của nhân loại.


Kết luận: Đó chính là bài học quan trọng nhất mà cuộc đời này dạy cho mỗi chúng ta thấy ra sự thật bản chất hai mặt của cuộc sống, cũng giống như có ngày thì phải có đêm, có thành có bại, có được có mất, có hợp có tan. Từ đó, ta học cách buông mọi mong cầu và kỳ vọng để trọn vẹn với từng khoảnh khắc còn sống, hạnh phúc là chọn sống ngay bây giờ, chọn sống để không phí hoài một kiếp người, chọn sống để chiêm nghiệm và trải nghiệm ra những góc khuất bên trong chính mình và cuộc đời, chọn sống trưởng thành, hiên ngang và vững chãi để giáp mặt với những khó khăn, chông gai và thử thách trong cuộc đời mình một cách thong dong, tự tại.


# KẾT LUẬN

Nếu loài người tìm được sự kết nối sâu sắc với chính mình & với mẹ thiên nhiên. Thì lấy đâu ra sự xuất hiện của bạn covid? Lấy đâu ra cháy rừng, xạc lỡ, lũ lụt, thiên tai tàn khốc đến như vậy? Mà nếu những hiện tượng, thiên tai bên ngoài đó có xảy ra đi chăng nữa thì cũng đâu thể nào làm loạn động được một tâm hồn vững chãi bên trong của bạn?


Bạn đã nhận được giá trị nào từ bài viết này, hãy để lại bình luận cho chúng tôi biết nhé!


Nội dung: Thiện Phong

Biên tập: Quách Thọ

Hình ảnh: Hoàng Tuấn







50 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page